CHÚA GIÊSU SỐNG LẠI HIỆN RA VỚI PHÊRÔ
„Chúa trỗi
dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon“ (Lc 24, 34b)
„Chúa
trỗi dậy thật rồi, và hiện ra với ông Simon“, Thánh Luca diễn tả như
vậy, nhưng hiện ra như thế nào thì Thánh Luca không đề cập đến. Có lẽ kinh
nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa là một kinh nghiệm rất thiêng liêng, rất riêng nên ông
Simon đã giữ riêng cho mình? Vâng, nhưng kết quả của sự gặp gỡ Đấng Phục Sinh
thì quá rõ ràng, hiển nhiên. Một Simon yếu hèn sợ sệt đã chối Thầy ba lần, không
thức nổi với Thầy một giờ trong lúc cùng Thầy cầu nguyện ở vườn cây dầu. Một
Simon ủ dột vì mất hết lý tưởng, nay đã được tiếp sức đầy nghị lực để trở nên
một Simon cứng cáp, rắn chắc như đá và đầy nhiệt huyết tin yêu. Tôi cũng muốn
cùng với ông Simon nhìn lại kỷ niệm này.
„Khi
từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự
việc ấy“(Lc 24,9) „Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn nên chẳng tin.
Dầu vậy, ông Simon Phêrô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông
thấy chỉ còn khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã
xẩy ra“ (Lc 24,11-12)
Mặc
dù Simon Phêrô cho rằng mấy bà đưa tin vớ vẩn, nhưng Phêrô cũng bán tín bán nghi
và tò mò nên ông chạy thật nhanh ra mộ Thầy. Ông đã rất đỗi ngạc nhiên „khi
cúi nhìn, ông thấy chỉ còn những khăn liệm thôi“. Trên đường trở về,
bước chân ông thật nặng nề, ông lê từng bước một trong bàng hoàng, hoảng hốt.Tâm
hồn ông ngổn ngang trăm mối tơ vò… ông tự dằn vặt, day dứt, đau khổ, buồn rầu.
Ông vò đầu, bứt tai…Tại sao lại thế này…??? Tại sao??? Tại sao??? Ai lấy mất
xác Thầy??? Thầy ơi… Thầy ơi!!! Ông muốn khóc mà khóc không nổi.
Ông
lững thững cúi đầu lê bước, trong lòng luyến tiếc những ngày bên Thầy… cảm thấy
thương Thầy dạt dào và sự ân hận ồ ạt tràn về dày vò tâm can. Ông nhớ lại cái
đêm đánh cá trên bờ hồ Ghênêxaret, ông và các bạn chài vất vả cả đêm mà không
được gì, khi ông miễn cưỡng vâng lời Thầy mà thả lưới; kết quả là cá đầy muốn
rách lưới, phải nhờ các bạn chài khác kéo lên và chất hai thuyền đầy cá, chính
ông đã đến phủ phục dưới chân Thầy mà nói: „Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con
vì con là kẻ tội lỗi“ (Lc5,8b). Cũng chính lúc ấy là lúc ông và ba bạn
chài đã nhất quyết „bỏ mọi sự mà theo Thầy“. Thế mà…ông
đau khổ cúi đầu ngậm ngùi lầm lũi bước…
Ông
tự trách mình về sự „không thức được với Thầy đến một giờ“ khi
Thầy bảo hãy tỉnh thức và cầu nguyện ở vườn cây dầu, ông đã chối Thầy ba lần khi
Thầy bị bắt, bị lên án, chịu khổ nạn, rồi những khi Thầy chịu sỉ nhục, bị đánh
đòn, vác cây gỗ lên đồi Golgotha, vừa mệt nhọc, vừa đói khát, vừa bị quân lính
đánh đập, ngã xuống té lên mấy lần mà mình và các bạn theo Thầy đã ba năm nay,
chẳng đứa nào dám chường mặt ra mà chia sẻ một chút khổ đau với Thầy, mạnh đứa
nào đứa nấy trốn thật kỹ… rồi khi Thầy chịu đóng đinh trên cây thập tự, ngay cả
mình và các bạn cũng không đứa nào có mặt, ông lại trách cái thằng Giuda
Iscariot đã bán Thầy ba mươi đồng bạc để bây giờ xảy ra tình trạng „xảy đàn
tan nghé“ chẳng ra làm sao cả. Ông lại tự trách mình và trách tất cả các bạn
chỉ biết theo Thầy vì muốn tham vọng có chút địa vị, chút danh vọng mà bây giờ
ra nông nỗi này… ờ nhưng mà cũng may còn có anh Simon ở bên Thầy lúc Thầy thở
hơi cuối cùng, và có cả các bà nữa…..Mình đúng là mặt dày, nhát sợ thua cả các
bà, vậy mà mình và các bạn còn chê các bà là vớ vẩn…Thật mình chẳng xứng đáng tí
nào là bậc „nam nhi chi chí“….
Đang miên man suy nghĩ tẩn mẩn tự trách mình và trách các bạn mình, thì một bàn
tay đặt lên vai, có tiếng gọi: - Simon Phêrô! Ông giật mình quay
lại. Khuôn mặt Thầy sáng láng mỉm cười hiền từ, ánh mắt dạt dào yêu thương nhìn
ông trìu mến. Ông từ từ quỳ xuống miệng thưa: „Lạy Thầy…“ ông chưa
nói thêm được lời nào thì... Chúa Giêsu đưa tay nâng ông đứng lên, nhìn một lần
nữa vào mắt ông với ánh nhìn tin tưởng, bao dung. Bốn mắt nhìn nhau, hiểu nhau
và yêu nhau đến tận xương tủy.
Niềm vui
trong ông òa vỡ. Tất cả những dày vò, trách móc, ân hận trong lòng biến mất, chỉ
còn tình yêu Thầy đang dâng tràn, đầy ăm ắp trong lòng, “Thầy… Thầy ơi,
con yêu Thầy… con yêu Thầy. Thầy biết, con yêu mến Thầy!”. Ông nắm tay
Thầy Giêsu thật chặt, lỗ đinh trên tay Thầy cọ sát vào tay ông khiến trái tim
ông rúng động, lòng ông thổn thức nhưng tâm hồn sung sướng, hân hoan, hạnh phúc
tràn ngập cả châu thân. Hai Thầy trò cùng đi trên đường về, không ai nói với ai
lời nào mà hiểu nhau, thông cảm nhau, tin tưởng nhau và yêu thương nhau như chưa
bao giờ được yêu.
Từ đó
Phêrô có đầy tràn nghị lực, đầy tin yêu, đầy sức sống mãnh liệt để làm „kẻ
lưới người“ mà Thầy đã trao phó. Ông hăng hái „vâng Lời Thầy con
thả lưới“. Vâng, đúng vậy, chỉ có „Vâng Lời Thầy“ thì mọi
việc Thầy sẽ lo liệu. Phêrô luôn gìn giữ kỷ niệm thiêng liêng này như báu vật
duy nhất trong đời. Ông nâng niu dấu ấn đẹp tuyệt vời này với tất cả niềm yêu
thương, kính trọng Thầy ngập tràn trái tim, tràn ngập tâm hồn.
Trên con
đường vâng phục rao truyền Lời Thầy cho đến ngày được chịu phúc tử đạo treo
ngược trên thập giá, mỗi khi gặp khó khăn, những lúc chán nản, những giờ cô đơn,
Phêrô liền sống lại kỷ niệm quý báu này mà lấy lại nghị lực, xác tín mạnh mẽ
„để chỉ chú ý một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về
phía trước (Pl 3,13) mà làm tròn trách nhiệm Thầy trao phó.
Phêro tự
nhắc nhở mình, luôn ghi nhớ lời Thầy nói với chính mình trong Phòng Tiệc Ly: “Simon,
Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như sàng gạo, nhưng Thầy đã cầu cho
anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại,
hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc22,3)
Elisabeth Nguyễn
Tác giả:
Elisabeth Nguyễn
|