Thưa Cha, có một vấn đề mà ngay từ ban đầu đã có vẻ như mâu thuẫn, hoặc là ngược đời, đấy là chuyện con người
chúng ta đây vừa là hình ảnh của Thiên Chúa lại vừa phải gánh lấy cái hậu quả của
tội nguyên tổ - Cha nghĩ sao về tình trạng ngược đời này?
Bạn à – tội nguyên tổ, cho dù có khá nhiều những tranh
luận về nguồn gốc của nó cũng như khá nhiều những định nghĩa được đưa ra…thì đấy
vẫn là một thứ tội vừa có tính cách phổ cập lẫn phổ biến, nhưng là sự phổ cập
và phổ biến theo nghĩa tiêu cực, với chủ trương khuyếch tán sự áp đảo của chú
nghĩa cá nhân và cá biệt trong ý đồ đối đầu với điều mà chúng ta mới đề cập đến
trên kia khi trích dẫn lời của Thánh Phaolô kêu gọi việc thăng tiến con người dần
dần cho đến khi nào đạt tới được sự trưởng thành trong những chiều kích viên
mãn của nhân tính con người…Vậy tôi nguyên tổ là gì nhỉ? Có vẻ như đấy là tất cả
những gì gò bó và đóng khung con người lại trong chính mình, quăng cái con người
ấy trở lại trong quá khứ của mình, hạ thấp và nhấn chìm con người ấy trong giây
phút nhục cảm nhất thời, cho phép con người ấy thấy hài lòng với chút đỉnh hạnh
phúc nhỏ nhoi từng ngày…Đấy là sức mạnh có tính cách quán tính không cho phép
con người ấy lớn lên và triển nở…cũng như có thể mở lòng mình ra với những van
nài của người khác; đấy cũng là sự ham muốn, là sự ghen tương với hạnh phúc của
người khác, đồng thời là ước muốn xấu luôn tìm cách để đánh cắp hạnh phúc của
tha nhân…Cái ước muốn xấu xa ấy…có thể mang lại cho anh ta sức mạnh để đấu
tranh với tha nhân, cướp đi những gì người anh chị em mình có…và đè bẹp anh chị
em mình…Và cái sức mạnh ấy có thể chiếm hữu cả một thị tộc, một đất nước, một
xã hội, đồng thời làm nảy sinh nơi anh ta sự cám dỗ muốn cai trị các dân tộc
khác, có lẽ là cả cái thế giới này nếu có thể, tạo nên nơi con người tham vọng ấy
một cơn say sưa chuyện đổ máu đồng loại của mình…Người ta nói đến “tội nguyên tổ”
bởi người ta nghiệm ra rằng nó hoành hành khắp nơi và ở mọi thời, lúc nhúc và
không ngừng tái sinh, trong cái quá khứ nhỏ bé xa cũ của các dân tộc cũng như ở
giai đoạn ban đầu của mọi cuộc sống con người…
Các triết gia
dã định nghĩa tội nguyên tổ như là sự dữ nền tảng hay gốc cội, như là một
sự “ly khai” hay là mối “chia rẽ các lương tri” con người…Đấy là thứ tội làm
cho con người chúng ta không thể nào đạt tới tình trạng có thể nói lên với nhau
và với mọi người về một cái “chúng ta” thực sự trong đó tất cả những cái “tôi” vây
quanh có thể thăng hoa và hòa điệu với nhau cách tuyệt vời…Hay là làm cho cái “tôi”
lớn dần lên để trở thành một cái “chúng ta” cố chấp : chúng tôi – những người
Pháp đương đầu với những người Đức; chúng tôi – những người thuộc cùng một giai
cấp…để tự tách biệt mình ra khỏi những con người ở cấp thấp hơn …Hoặc là cái “chúng
tôi” nuốt chửng mất cái “tôi”…như trường các hợp gia đình không chấp
nhận việc giải thoát cho con cái mình, các xã hội độc tài không chấp nhận những
khác biệt…Trong giáo lý Công giáo, con người vốn được tạo dựng nên theo hình ảnh
của Thiên Chúa duy nhất, nhưng tội nguyên tổ đã ngăn cản họ đi đến sự hòa hợp với
nhau, đồng thời với cá nhân từng con người vốn được đón nhận làm con Thiên Chúa
thì tội nguyên tổ đã cản trở họ mặc lấy trọn vẹn phẩm giá phải có của con người
đúng nghĩa…Đấy là thứ sự dữ làm cho cái “thế giới hiện tại” – nơi mà chúng ta
không được phép “thuận theo” – thứ sự dữ - theoThánh Phaolô – gặm nhấm chúng ta
từ bên trong của mỗi con người ngay từ khi chúng ta vừa mới mở mắt chào đời –
không phải là một sự dữ không thể chữa lành, nhưng là một sự trừng phạt nào đó,
một thứ định mệnh nào đó đeo đuổi chúng ta - và thâm nhập chúng ta từ bên ngoài
cũng như từ khắp nơi, bởi đấy là những mối liên hệ mang tính liên đới liên kết
chúng ta với những con người thuộc mọi thời gian và ở mọi nơi chốn…
Thật là vô cùng khó…để con người một ngày nào đó có thể
đạt tới được tình trạng hợp nhất được với nhau và cùng nhau diễn tả bản thân
qua cùng một cái “MÌNH” vốn sẽ là ý thức về tính nhân loại tự bản chất là đơn
nhất và cộng đồng…Đồng thời con người còn phải – và mãi mãi phải cố gắng – làm
sao để mỗi người có thể diễn tả được về cái “tôi” – một
cái “tôi” đầu tiên có ý thức về cá nhân, cá vị…Khi trình bày cái nhìn đó của
mình, Hégel kết luận rằng sự dữ ban đầu đã chất chứa nơi chính mình niềm hy vọng
của sự cứu rỗi rồi – và đấy cũng là âm vang vang vọng trong phụng vụ Thứ Sáu
Thánh : “Ôi, tội hồng phúc – tội Adam – tội đã đưa đến cho chúng ta Đấng Cứu
Chuộc như thế ”… Vì lý do đó, chúng ta đừng nói rằng giáo lý về tôi nguyên
tổ làm vấy bẩn và phủ màn tang tóc mãi mãi lên tâm óc của nhân loại, dập tắt mãi mãi niềm hy vọng của con người –
niềm hy vọng rằng một ngày nào đó họ sẽ có thể thoát khỏi những sự dữ, sự xấu
trói buộc họ…Chúng ta phải nhìn thấy nơi
tội của “con người đầu tiên”…trong cái nhìn của Thánh Phaolô khi đặt để
khuôn mặt cứu thế của Đức Kitô cận kề ngay khuôn mặt của con người Adam trong
thư gửi tín hữu Roma chương 5…Thực ra thì niềm tin của con người về tội tổ
tông…không phải là chỉ có trong Kitô giáo mà thôi đâu…Chúng ta có thể tìm thấy
một vài huyền thuyết tương tự trong phần lớn các trình thuật khác về tạo dựng…Những
trình thuật ấy nhằm mục đích trình bày về tâm óc của con người có thể là nạn
nhân của một sự dữ, sự xấu…nên chính họ cũng trở thành tội đồ…và đấy là cái giá
làm nên sự cao cả của con người…Thế nhưng Kitô giáo mang lại cho con người nạn
nhân niềm hy vọng và sự bảo đảm rằng cuối cùng thì họ sẽ được giải thoát khỏi sụu
dữ, sự xấu ấy, bởi vì…tất cả đều liên đới với nhau nơi “Adam”, và họ cũng liên đới với nhau nơi Đức Kitô, cùng
chung chia sự khải thắng của Người trên sự chết nếu cùng liên đới với Người
trong cuộc chiến chống lại mọi mãnh lực nhằm đè bẹp và vấy bẩn nhân loại…
Và trong hôm nay – giữa một thế giới tôn sùng việc
tiêu thụ, làm mồi cho lòng hiếu thắng…thì Đức Giêsu nắm giữ vai trò nâng đỡ chúng ta như thế nào, đâu là sự thuận lợi khi
chọn lựa dấn thân trong việc đi theo Người với một cuộc chiến mà chắc chắn là sẽ
rất khốc liệt nơi cả những người thắng lẫn những người thua ? Chấp nhận cái chết
luôn luôn rình chờ, Người đã chối từ sự
thành công mà Người có quyền để hy vọng, để mơ ước…và sẵn lòng lao vào cuộc chiến
đồng thời đi cho đến tận cùng sứ vụ mà Người đã gánh nhận…Người cảm nhận bị
Thiên Chúa bỏ rơi, nhưng Người từ chối việc nài xin Thiên Chúa ra tay can thiệp,
đồng thời Người cho thấy một sự tin tưởng nguyên tuyền dành cho Thiên Chúa qua
cái chết của mình…Tự thoát khỏi tính cá biệt của cái “tôi”, Người đã “hoàn tất”
cuộc sống của mình khi thể hiện “hành vi hoàn tất” ấy trong sự tròn đầy của một
“cho chúng ta” mang tính phổ cập…Và cũng nhờ vậy mà cái chết của Người đã trở
thành suối nguồn của sự sống – y như trật tự vũ trụ đã và vẫn vận hành từ cái
thủa hỗn mang khởi đầu - “Ôi tội hồng
phúc…”
Người Kitô hữu chứng kiến tình trạng “cuối thời” hôm
nay của Giáo Hội – tình trạng dần dần trống
vắng những người tin cũng như thế giới có vẻ như thiếu vắng đức tin – Thế nhưng qua cái chết của Chúa Giêsu, họ nhận
ra là : Cuối cùng…thì vẫn còn niềm hy vọng
và sự hứa hẹn về những vụ mùa bội thu trong việc loan báo Tin Mừng khi mà - bị
buộc phải rời bỏ tất cả những nơi ẩn trú an toàn - những người gieo vãi sẽ phiêu bạt khắp nơi khắp
chốn và hạt giống Tin Mừng sẽ được gieo, được vãi…hầu có thể mang lại ơn cứu
chuộc cho mặt đất trần gian dễ thương này của chúng ta…Bởi vì, thưa bạn, chỉ đức
tin mới làm cho niềm hy vọng được sống…Đức tin không chết – dù rất mong manh – nhưng
rồi đức tin sẽ liên tục tái sinh từ những mối nghi ngờ triền miên của chúng
ta…và đấy là điều mang lại cho người Kitô hữu niềm cậy trông, sự đỡ nâng cũng
như bảo đảm cho họ về chiến thắng cuối cùng trên sự xấu và khổ đau…
Vậy thì, thưa Cha, các giáo điều có ích lợi gì đâu nếu không phải
là để tạo sự mù mờ cho những gì đức tin mạc khải, giống như Cha đã từng giải
thích : đức tin là một điều gì đó vô cùng khó khăn nhưng lại cũng rất trong
sáng – tình trạng ấy là sao?
Có vẻ như tôi chưa chín muồi lắm trong những suy tư của
tôi về tình trạng ấy; tôi còn phải suy nghĩ nhiều hơn nữa…Tuy nhiên cũng không
nên quá quan trọng hóa những công thức tín điều : bà con tín hữu của ba thế kỷ
đầu…đã qua đi rất lâu rồi…Ở thế kỷ IV, người ta sẵn sàng để thêm vào mỗi tín điều
đức tin vài ba hạn từ rõ ràng hơn (chẳng hạn như kinh Tin Kính của Công Đồng
Nicée – Constantinople)… Định nghĩa thực sự là đầu tiên thì chỉ xuất hiện ở giữa
thế ký V ( tại Chalcédoine ), và định nghĩa này đã làm nảy sinh những nhóm ly
giáo mà ngày nay các sử gia vẫn tự hỏi không biết đấy có thực sự là những giáo
phái dị giáo hay không…
Về mặt khác…thì… thực sự là rất nguy hiểm khi chúng ta
lên án dĩ vãng, bởi vì những tín điều được nêu lên không phải là không có lý
do…Có lẽ cũng không nên đặt câu hỏi “có ích lợi gì đâu ?” – ngầm hiểu rằng
chuyện ích lợi ầy là đối với chúng ta trong hôm nay, đồng thời cũng tự nhủ
chính mình rằng thực sự ra thì chắc chắn là những tín điều rất hữu ích về mặt
nào đó và trong một quãng thời gian nào đó…và rằng người ta đã từng hiểu rõ về
các tín điều, nhưng đã đến lúc phải giải thích các tín điều một cách khác…để
chúng không bị hiểu ngược đi đồng thời cũng giúp nuôi sống đức tin thực sự…Chẳng
hạn như bảo rằng Đức Giêsu cùng bản thể với Đức Chúa Cha thì đã đủ để mà
bảo đảm rằng Người hoàn toàn thông hiệp với thần tính của Chúa Cha, trong một
thời kỳ mà từ ngữ về hữu thể được dùng để phủ nhận tín điều ấy, thế nhưng điều ấy
lại không cần thiết chút nào với con người của thời chúng ta hôm nay vốn không
thích thú gì với thứ ngôn ngữ siêu hình, và cũng chẳng cần thiết gì với bà con
tín hữu lúc này vốn thích thú và quan tâm nhiều hơn đến ngôn ngữ Kinh Thánh…Rất
có thể cũng còn có những kiểu nói, kiểu trình bày khác nữa, tự do và nhiều hơn,
cần phải được khám phá và được bà con tín hữu chấp nhận…
Điều gây phiền…là Giáo Hội coi những tín điều như thuộc
diện bất khả thay đổi, bất khả điều chỉnh...như chúng – những tín điều – được
công bố từ chính cửa miệng của Thiên Chúa vậy…Thiếu hẳn ý nghĩa có tính lịch sử
trong ngôn ngữ con người và có vẻ như dựa vào tính tương đối cả về việc trình
bày nội dung cũng như những giải thích này/khác…Những gì đã được công bố bởi và
trong Giáo Hội…luôn luôn là những điều mang tính hướng dẫn đức tin Kitô giáo,
cách riêng cho công việc của nhà thần học, nhưng không đóng khung, không nhốt
kín suy nghĩ của thần học gia ấy…Còn những chuyện khác nữa cần phải đề cập đến
– không phải nhằm để nói ngược lại những điều trên đây hoặc từ chối hay bỏ qua
chúng – nhưng là những chuyện còn quan trọng hơn nữa để nói với những con người trong hôm nay vẫn thắc
mắc đặt vấn đề “Đức Kitô là ai ?”. Chẳng hạn như những công bố mà những người cho rằng Đức Giêsu đã “được
sinh ra từ trước muôn đời”, rằng Người không sinh ra từ một mầm sống con
người, sẽ rất dễ bị hiểu như là các công bố ấy muốn khẳng định rằng Người không
phải là một con người giống như chúng ta, thuộc vào chủng tộc của chúng ta,
hoàn toàn nối kết với nhân tính của chúng ta cũng như với lịch sử con gnười
chúng ta…Nếu ngày xưa người ta đã diễn tả như thế thì mục đích là để bảo vệ tín điều xác tín rằng Người thực sự là Con của
Thiên Chúa mà không nghĩ đến cái cách diễn ta bằng ngôn ngữ con người ấy có thể
gây rối cho sự hiểu biết về nhân tính thực sự của Người, bởi nhân chủng học thời
bấy giờ khác với nhân chủng học ngày nay của chúng ta…Ngày nay bắt buộc chúng
ta phải diễn tả khác đi để bảo vệ cũng một đức tin như thế vào Đức Kitô…
Vào cái giai đoạn mà người ta thấy Giáo Hội có vẻ coi
thường những khảo cứu của môn chú giải có tính lịch sử, Giáo Hội như rơi vào mối
nguy cơ khá nặng nề muốn áp đặt giáo thuyết của mình nhằm phản đối tính xác thực
của lịch sử - nghĩa là không chấp nhận những tiêu chí về sự thật mà khoa học ở
thời của chúng ta mang lại…Cho nên rất có thể người tín hữu cảm thấy hoang mang
khi khoa chú giải có tính cách lịch sử đã trình bày cho chúng ta một khuôn mặt
Đức Giêsu hoàn toàn không giống với
khuôn mặt giáo lý đã từng trình bày trước đây…Thế nhưng người tin sẽ phải dần dần
tìm cách làm quen với việc nhận ra rằng bên dưới cái chân dung bất ngờ ấy là mầu
nhiệm về Đức Giêsu mà đức tin mặc khải cho con người nhưng không loại bỏ đi
khuôn mặt mà những kiếm tìm lịch sử đã
phác họa nên về Người…Các sách Tin Mừng là những tường thuật thuộc lãnh vực dức
tin…Tin Mừng chú giải những gì mình trình bày…Việc nhà sử học phục hồi sự thật
trong tường thuật không đóng vai trò hợp lý hóa tường thuật mà thánh sử trình
bày, và dĩ nhiên về phía ngược lại thì cũng thế…bởi cả hai đều trình bày mạc khải
với hai cái nhìn khác nhau : tác giả Tin Mừng trình bày sự thật về đức tin đứng
trước những gì đã xảy ra nhưng không thể được chứng kiến tận mắt cũng như hiểu
được cách tường tận…và ông cũng tường thuật một cách khác đi để làm cho sự thật
về tường thuật ấy được trong sáng hơn…
Việc Giáo Hội thấy khó khăn trong việc thay đổi ngôn
ngữ diễn tả là do cái ý thức của Giáo Hội nhằm bảo vệ tính bất khả sai lầm…Thế
nhưng điều đó để làm gì ? Ước mong sao sự
tương trợ của Chúa Thánh Thần phòng giữ Giáo Hội khỏi việc lôi kéo con cái tín
hữu của mình vào trong một sự sai lầm
gây nguy hại cho phần rỗi vĩnh viễn của họ…Và đấy mới là điều chắc chắn
chúng ta phải tin…Tuy nhiên điều đó không ngăn trở Giáo Hội mắc phải những sai lầm…mà ngày nay
Giáo Hội phải chấp nhận thú nhận lầm lỡ của mình khi có dịp, chẳng hạn như sự
việc lên án Galilê hay Jean Huss…Giáo Hội có lý do để tạo nên niềm tin cho các
tín hữu của mình vào giai đoạn mà họ
không thể tự mình trực tiếp củng cố đức tin của mình dựa vào Kinh Thánh. Thế
nhưng đã có nhưng đổi thay qua thời gian, và bà con tín hữu không thể nắm vững
được mọi khía cạnh gai góc của ngôn ngữ con người…Chính vì thế cho nên đức tin
không cần nữa một thứ ngôn ngữ bất khả xâm phạm. Có những kiểu trình bày theo
truyền thống không còn cần nữa vào lúc này…và cũng chẳng cần phải thay đổi làm
chi nữa…Đồng thời cũng không tốt lành gì nữa việc lập đi lập lại những công thức
không ai hiểu gì hết…Chính vì vậy mà hiện nay – trong một tập sách được phát
hành của Prieur và Mordilat về sự việc “ăn thịt người” – cho thấy sự khó chịu của
nhiều người về Bí Tích khi người ta hiểu sự việc theo nghĩa đen của hạn từ “biến
thể hay hóa thể”…Cho nên một định nghĩa được nêu lên ở một giai đoạn nào đó
– kể cả trong hôm nay cũng không khác chi – sẽ có thể gây ngộ nhận và khó hiểu đối với nội dung muốn
trình bày hay diễn tả…Cho nên có lẽ luôn luôn phải có một sự suy nghĩ và chọn lựa
khá kỹ càng đối với những thuật ngữ được sử dụng để trình bày các tín điều…
Thế nhưng…lúc này…thì chúng ta khoan để nghĩ đến những
mơ ước này/khác…Có lẽ tốt hơn cả là xin các bạn hãy đọc lại thật kỹ các tài liệu
của Công Đồng Vaticanô II đi đã…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp chuyển ngữ.