Pierre – Auguste Gallioz sinh ngày mùng một
tháng 6 năm 1882 tại Thyl, huyện Saint Michel Maurienne, giáo phận Saint
Jean Maurienne, vùng Savoie…Từ năm 1895 đến năm 1902, cậu theo học chương
trình trung học tại Tiểu Chủng Viện Saint Jean Maurienne…
Ngày 3 tháng 11 năm 1903, thầy gia nhập
chủng viện Hội Truyền Giáo. Nhận chức cắt tóc ngày 26 tháng 2 năm
1905, và các chức nhỏ ngày 23 tháng 12 năm 1905. Ngày 6 tháng 12 năm
1906 thầy rời xa Paris để tiếp tục việc học hành của mình tại Chủng
viện Pénang, mục đích để tránh việc nhập ngũ thi hành quân dịch…Bởi
vì giữa Giáo Hội và Nhà Nước Pháp lúc đó – do hoàn cảnh – đã vừa
mới xóa bỏ việc miễn quân dịch vì lý do tu sĩ…Ngày 10 tháng 3 năm
1907, thầy nhận chức phụ phó tế, rồi chức phó tế ngày 25 tháng 5
năm 1907…Và ngày mùng 7 tháng 7 năm 1907 , thầy thụ phong Linh mục tại
Penang…Sau khi thụ phong, cha mới nhận nhiệm vụ truyền giáo ở Giáo
Phận Tông Tòa miền trung Đông Dương – Qui Nhơn – và ngài lên đường nhận
sứ vụ vào ngày mùng 10 tháng 7 năm 1907…
Đức Cha Grangeon đã đưa cha Gallioz đến
vùng Quảng - Nam và đặt ngài làm quản xứ Giáo xứ Trà - Kiệu, nơi
ngài thi hành sứ vụ từ năm 1908 đến năm 1910…và cũng tại đấy, ngài
hoàn chỉnh hơn vốn liếng tiếng Việt của mình…
Năm 1910, ngài thay thế cha Solvignon làm
quản hạt vùng đồng bằng Lê-Sơn cận kề bên Trà - Kiệu, nơi mà ngài
đã cố gắng để lo cho bàn con giáo dân có thể được rước Chúa mỗi
tuần, và sau đó là hằng ngày…
Năm 1915, cha Gallioz được triệu hồi nhập
ngũ một thời gian tại Đà-Nẵng – nghĩa là phục vụ ngay tại nơi mình
đang sống…Thế nhưng rồi sau đó, vào khoảng năm 1916, thẩm quyền quân
sự gửi ngài về Pháp…và trong nhiều tháng dài, ngài phải chiến đấu
ngoài chiến trường trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ
nhất…Sau thời kỳ ấy, ngài quay trở lại với sứ vụ một nhà truyền
giáo…Và ngày 21 tháng 7 năm 1919, ngài cập bến Qui - Nhơn…Cuối cùng
ngài được đặt làm Quản xứ vùng Hộ-Diêm, Phan - Rang, phía nam Qui -
Nhơn…
Năm 1922, Giáo xứ Phan - Rang có khoảng
3.603 tín hữu. Thủa ban đầu, “Hộ - Diêm – ngài viết trong tờ trình
của ngài – chỉ mới là những bà
con dự tòng đến từ khắp nơi. Họ trụ lại đây là vì dần dần họ đã
có thể thuần thục với những ruộng lúa nước trước đây vốn là những
ruộng muối…”Lúc này thì bà con giáo dân Hộ-Diêm đã lên đến con số
1.294 nhân khẩu. Năm 1923, Hộ-Diêm đã
trở nên nổi tiếng với các đồn điền cao-su cũng như các công trường
đường xá và đường xe lửa.
Ngày 7 tháng hai năm 1927, cha Gallioz phải
quay về Pháp…để nghỉ ngơi và lấy lại sức lực…Ngài ở lại Pháp cho
đến năm 1930 thì quay lại với sứ vụ truyền giáo của mình. Được đặt
làm hạt trưởng Hạt Quảng - Nam, ngài đảm trách sứ vụ tại Cồn - Dầu
và Phước - Kiệu. Năm 1933, ngài tham dự cuộc tĩnh tâm của các Thừa
Sai được tổ chức tại Hồng-Kông ngày 27 tháng giêng; và ngài phải trở
lại nhiệm sở của mình ngày 20 tháng hai 1933. Vào cuối tháng giêng
năm 1935, ngài được bầu làm đại biểu Đại Hội các cựu quân nhân được
tổ chức tại Huế.
Năm 1935, được bổ-nhiệm về Hội-An – Hoài
Phố (Faifo), ngài xây ngôi Nhà Xứ và lo việc dạy giáo lý cho
khoảng trên dưới một trăm anh chị em
dự tòng. Ngày 26 tháng 5 năm 1938, tại Nhà Thương Hội-An, cha Lalanne suy sụp do bị xuất huyết và
trút hơi dăm ba phút sau đó, cha Gallioz đã lo hậu sự cho ngài trước
sự hiện diện của Đức Cha Tardieu và cha Paul Valour.
Từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 5 năm 1939,
trong vùng truyền giáo ở Huế, một kỳ Tam Nhật nhằm tôn vinh các Chân
Phước Tử Đạo được tổ chức đối diện với Thành cổ Quảng - Trị ở bên
kia sông, tại ngay nơi chốn mà một trăm năm về trước, trên mảnh đất
Nhan-Biều, các Vị Chân Phước Tử Đạo Francois Jaccard và Tôma Thiện đã
bị xử giảo (thắt cổ) để làm chứng cho đức tin…Cha Gallioz – đồng hương
với Chân Phước Jaccard - đã chủ sự ở ngày thứ hai trong Kỳ Tam Nhật
ấy…
Tháng 11 năm 1945, người Việt-minh đã đưa các cha
Gallioz, Emile Laborier, và Paul Valour
đến một nơi cư trú chỉ định ở Hội-An nhằm mục đích kiểm soát các ngài. Năm 1946, vì không
thể trở về lại các thành phố Nha Trang hay Phan Rang, cha Gallioz ở
lại Hội-An giữa bà con giáo dân của ngài trong vùng Việt-cộng chiếm
đóng…Cũng trong năm 1946 ấy, ngài bị bắt lại và dẫn đi làm con tin ở
một vùng nào đó trong tỉnh Quảng Ngãi…và ngài không có cách nào để
báo tin cho bất cứ ai…
Tháng 12 năm 1948, được thả và quay trở
lại Hội-An, ngài viết thư cho Đức Giám Mục : “Nỗi buồn phiền đã trở
thành niềm hoan lạc…Vui mừng biết bao khi – dù con vắng mặt – nhưng
vẫn không có bất cứ suy xuyển nào trong hàng ngũ bà con giáo dân của
con…Hai năm truyền giáo thành công nhất của con chính là hai năm 1947-1948 khi con ở trong
tù !!!”
Năm 1950 , ngài xây ở Quảng Nam một nguyện
đường nho nhỏ cho khoảng trên dưới 50 bà con giáo dân; ngài cũng dựng
một căn nhà khiêm tốn dành để tiếp các cha khách có chỗ nghỉ ngơi
khi các ngài có việc đi qua đấy…
Tháng giêng năm 1953, cha Gallioz rất vui
mừng được tham dự cuộc tĩnh tâm của các cha Thừa Sai tổ chức tại Nha
Trang. Những biến cố xảy ra đã không cho phép ngài có được những liên
lạc với công việc truyền giáo của anh em trong Hội suốt thời gian
chín năm vừa qua…Đồng thời ngài cũng vô cùng hân hoan được gặp ba
người anh em “đồng hương” là các cha Charmot, Lagrange và Mollard…Sau
tuần tĩnh tâm, ngài quay về lại Hội-An. Ngày 30 tháng 4 năm 1953, tại Đà
Nẵng, ngài có dịp chào đón quý cha Cussac, Vị Trợ Tá thứ hai của
Bề Trên Tổng Quyền đến thăm Việt-Nam…
Từ ngày 4 tháng 10 năm 1953, cha Gallioz
cảm thấy khá đau đớn với một cái mụt nho nhỏ trong phổi…và ngài bị sốt…Khi thấy
đã tạm ổn…ngài nghĩ rằng có lẽ không cần phải đến Nhà Thương Đà -
Nẵng. Thế nhưng đêm 14 rạng ngày 15, căn bệnh trở nặng…Ngài tắt thở
tại Hội - An ngày 15 tháng 10 năm 1953 vào lúc 11g30…sau khi đã lãnh
nhận các Bí tích sau cùng từ tay cha Bermond – tuyên úy quân đội – có
việc đi qua Hội-An.
Lm Giuse Ngô – Manh – Điệp chuyển ngữ