Nhiều
khi nhắc lại một sự kiện đáng nhớ nào đó trong thế giới loài người là cách hay
và đẹp để con người của mọi thời đại suy và gẫm…Rồi từ đó có thể nhìn ra và
nhìn rõ sứ vụ của từng con người : đấy là cùng cộng tác với Ơn Trên và với cái
tâm của nhau làm nên sự Thiện Lương và Quân Tử - món quà hiếm trong hôm nay - nhưng sẽ dồi dào nếu tin và để cho Thánh Thần
của Thiên Chúa hoạt động..
Câu chuyện
ấy xảy ra cách đây đã 155 năm – nghĩa là vào thời cuối cuộc nội chiến Nam – Bắc
ở Hoa Kỳ…
Thời
đó chỉ huy lực lượng quân miền Nam là tướng Robert Lee và tư lệnh quân miền Bắc là tướng Ulysses Simpson
Grant…
Tướng
Robert Lee vốn là tướng lãnh của quân đội Liên Bang, nhưng gốc người miền
Nam…và – khi được đề cử chỉ huy quân đội miền Bắc – ông đã từ chối, nại lý do
là người con của miền Nam, ông không thể quay lưng lại với quê hương – nơi
“chôn nhau cắt rốn” của mình…Ông về đầu quân trong quân đội miền Nam tại
Richmond, bang Virginia…
Thế
nhưng khi Richmond của miền Nam thất thủ, ông quyết định đầu hàng…
Lịch sử
ghi lại rằng vào sáng ngày 9 / 4 / 1865, thủ đô Richmond của miền Nam thất thủ...vì
không còn đường tháo lui đứng trước sự bao vây trùng điệp của kỵ binh cũng như
ba quân đoàn bộ binh miền Bắc do tướng Grant chỉ huy…Bộ tham mưu của tướng Lee
đề nghị ông chia nhỏ các toán quân của mình ra và tiến hành đánh du kích, nhưng
tướng Lee quyết định đầu hàng : “Nếu cứ
tiếp tục chiến tranh gây thêm không biết bao nhiêu chết chóc…thì tội của tôi thật
đáng chết ngàn lần.” Và ông gửi cho tướng Grant của miền Bắc một lá thư yêu
cầu sắp xếp một cuộc thương thảo…
Nhận
được thư của tướng Lee, tướng Grant mừng vô hạn…Ông đề nghị tướng Lee tùy ý chọn
địa điểm thương thuyết…Cuối cùng thì căn nhà của một người buôn bán tên Wilmer
Mc. Lean ở làng Appomattox được chọn…
Tướng
Grant – tư lệnh quân đội miền Bắc – ra lệnh nghiêm cấm tất cả sĩ quan cũng như
binh lính dưới quyền không được có bất kỳ một hành vi khinh thị nào với ông tướng
tư lệnh cũng như binh lính miền Nam bại trận…
Trưa
ngày 9 / 4 / 1865, hai vị tướng ngồi bên nhau trong căn phòng khách nhà ông Mc.
Lean và vui cười hàn huyên về những kỷ niệm trong quân ngũ khi cả hai cùng chiến
đấu trong cuộc chiến tranh Mexico…Hàn huyên của họ kéo dài khá lâu đến độ chính
tướng Lee phải chủ động đề cập đến mục đích buổi gặp gỡ giữa họ và chuyện đầu
hàng của miền Nam…Rất bình thản, tướng Grant vói tay lấy một tờ giấy ghi vội những
điều khoản và trao cho tướng Lee :
- Binh
lính miền Nam sẽ không bị coi là phản quốc.
- Binh
lính mền Nam sẽ không bị đưa đi tù.
- Chính
phủ sẽ không được đụng tới hoặc làm phiền hà họ nếu họ chấp hành tốt luật lệ
nơi cư ngụ.
- Kỵ
binh được quyền mang ngựa và lừa về nhà để giúp đỡ gia đình cày cấy vào mùa
xuân.
- Binh
lính được quyền giữ lại khí giới cá nhân để giúp bảo vệ gia đình.
Xem
qua những điều khoản ấy, tướng Lee vui mừng cám ơn tướng Grant : “ Những điều này sẽ tác động tốt đến quân sĩ
của tôi. Chúng sẽ góp phần quan trọng trong việc hòa giải dân tộc chúng ta.”
Tướng
Lee cho biết ông sẽ trao trả những tù binh miền Bắc vì ông không còn đủ lương
thực cho họ…Và tướng Grant cũng hứa sẽ gửi ngay cho binh lính miền Nam 25.000
phần lương khô…Ông cũng cho in 28.231 giấy phóng thích tù binh miền Nam…
Thế rồi
ngày 12 / 4 / 1865, quân đội của tướng Lee tiến vào ngôi làng Appomattox để
giao nộp vũ khí…Tướng Joshua L. Chamberlain của miền Bắc được chỉ định tiếp nhận
các binh sĩ qui hàng…Trước hàng quân miền Bắc nghiêm chỉnh, ông nhìn những binh
sĩ miền Nam bại trận đi vào làng với cảm xúc dâng trào…Sau này ông viết : “Giây phút đó đã làm tôi thực sự xúc động…Tôi
quyết định đánh dấu sự kiện này bằng một hành động - không gì khác hơn là giơ tay chào kiểu nhà
binh…Tôi biết có người sẽ chỉ trích tôi về cử chỉ này…Tôi đã không xin phép và
cũng không yêu cầu sự tha thứ về hành động này…Đối diện với chúng tôi là những
chiến binh, bại trận nhưng kiên cường, là biểu tượng cho tinh thần trượng phu,
không rã rời, không đau khổ, bất chấp hy sinh và không có gì khuất phục được họ…Giờ
đây, họ là những người ốm yếu và đói khát, nhưng họ hiên ngang nhìn thẳng vào
chúng tôi, làm sống dậy những ràng buộc thiêng liêng cao cả hơn bao giờ hết…Không
có lý do gì để những đấng nam nhi ấy không được hội nhập vào Hợp Chủng Quốc vững
vàng của chúng ta.”
Cùng với
chủ tướng của mình, tất cả các hàng ngũ quân nhân miền Băc thắng trận – từ đơn
vị này nối tiếp đơn vị khác – họ đồng loạt nghiêm chỉnh giơ tay chào kiểu nhà
binh…
Vị tướng
dẫn đầu quân miền Nam đang cúi đầu trên lưng ngựa, ông nhận ra hành động ấy của
tướng lĩnh và binh lính quân miền Bắc, ông ngồi ngay lại và giơ tay chào đáp lễ…Toàn
thể binh lính phía sau ông cũng đồng loạt giơ tay chào…
Không
có kèn thắng trận, không có tiếng trống , tiếng hô, tiếng reo mừng chiến thắng…
Sau
khi quân miền Nam giải tán, binh sĩ miền Bắc muốn có một bữa tiệc “ăn mừng chiến
thắng”, nhưng tướng Grant không cho…Ông bảo rằng : “ Họ bây giờ là dân của mình !”…
Sử gia
Ron Wilson nói về hai ông tướng tuyệt vời ấy như sau : “Tướng Grant và tướng Lee có một tầm nhìn rất xa. Hai ông nhận thức rằng
những nỗ lực hai bên cùng dốn vào cho cuộc chiến đã gây ra sự phân hóa khắc
nghiệt trong bao năm qua, giờ đây cần phải được dùng để tái thiết quốc gia.
Không cần phải có hận thù.”
Từ
ngày đó đến nay không biết bao nhiêu cuộc chiến lớn nhỏ giữa các quốc gia với
nhau cũng như nội chiến trong cùng một tổ quốc…Hao tổn nhân lực và vật lực…Thế
nhưng hầu như không mấy người có trách nhiệm có ý giải quyết theo kiểu của hai
vị tướng – tướng Grant và tướng Lee…
Gs Đỗ
Quang Hưng trong bài viết có đầu đề là : “Có
phải người Công Giáo Việt Nam “bỏ rơi” Chúa Thánh Thần ?” đã chia sẻ như thế
này:
“Có vẻ như người Công Giáo Việt Nam và Giáo
Hội của mình dường như trong lịch sử và hiện tại thường nghiêng về Đức Chúa Cha
và Ngôi Hai, Chúa Con, Đức Giê-su Ki-tô. Về mặt thần học và nhận thức tôn giáo
thì quả là vậy. Bởi lẽ , với đời sống tôn giáo ( kể cả sống Tin Mừng với những
phạm trù siêu việt của Đấng Tạo Dựng) và đời sống trần thế, với họ, luôn hướng
tới sự tin theo và sống trong Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Phục Sinh, thường
liên quan trực tiếp đến Chúa Giê-su, Đấng “được sai đến thế gian” để cứu rỗi
nhân loại.
Còn Chúa Thánh Thần – Ngôi Ba – vì sao
giáo dân dễ “bỏ rơi” ? Người Ki-tô hữu còn gọi Ngôi này bằng những tên gọi khác
nhau như Thần Khí, Chúa Thánh Linh…vì nó không “cụ thể”. Chúa Thánh Thần trong
đời sống người Công Giáo Việt Nam nhiều lúc như xa lạ vì rằng họ chỉ tìm thấy trong
các sách giáo lý về Chúa Thánh Thần trong những lúc chịu phép Thêm Sức ! Rồi từ
đó, Chúa Thánh Thần trong tâm thức người Công Giáo Việt Nam chỉ như “vị khách
quý ghé thăm một lần xa xưa mà không hề để lại địa chỉ” (Nguyễn Ngọc Lan – Chủ
Nhật hồng giữa mùa tím, 1977).
Vấn đề là ở chỗ, từ đấy, người ta nghĩ rằng,
nếu như người Công Giáo Việt Nam thuần thành, có lòng đạo đức bình dân dồi dào,
nhưng tâm thức tôn giáo hạn chế, nhất là đối với Chúa Thánh Thần, Đấng thường
trực, dù Ngôi này chỉ đem lại cho Hội Thánh thứ quyền năng duy nhất là sức lay
động và chuyển thông tâm thức người Công Giáo. Nhưng chính nhờ quyền năng này
mà Chúa Thánh Thần có thể khiến từng em bé có thể bẻ chiếc bánh yêu thích cho bạn
mình ở sân trường, từng người hàng xóm vượt qua được khoảng đường hẹp, có khi
chỉ rộng 1 – 2m mà hiểm nguy hơn núi, sự nghi kỵ sâu hơn sông, để chào đón người
hàng xóm ở căn nhà đối diện mình.”
Chúa
Giê-su đã chẳng từng nói với chúng ta rằng : “Khi nào Thần Khí sự thật đến,
Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn diện. Người sẽ không tự mình nói điều gì,
nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết
những điều sẽ xảy đến.” ( Gio 16 , 13)
Nghĩa
là Thánh Thần – trong hôm nay – Người dùng sức để lay động và chuyển thông tâm thức
những người tin, giúp cho họ hiểu và phát huy lời dạy của Chúa Giê-su thành
hành động, lời nói cũng như cách sống để mọi người – khi tiếp cận – họ nhận ra
hạnh phúc của con cái Chúa,
Sự thiện
lương và tinh thần quân tử cũng từ đấy mà hình thành…
Lm
Giuse Ngô Mạnh Điệp