Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp
Bài Viết Của
Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp
Chuyện mỗi tuần – về : Lời nói đầu của tác giả trong tác phẩm “Dẫu vậy thì vẫn cứ tin”…
Chuyện về tập sách “ Dẫu vậy thì vẫn cứ tin” – do Nhà Xuất Bản TempsPrésent in ấn…
Chuyện mỗi tuần – Phụng Vụ - nơi gặp gỡ Đức Kitô (tt) – Giáo Huấn Chúa Nhật số 18 – Tông Thư về Đào tạo Phụng vụ cho Dân Thiên Chúa số 12 (tt)…
Chuyện mỗi tuần – Phụng vụ - nơi gặp gỡ Đức Kitô (tt) – Tông thư số 12...
Chuyện mỗi tuần – chuyện về “Những Khao Khát của Thầy”…
Tản mạn ngày Giỗ Đầu của Huynh Trưởng Giuse Đỗ Bá Ái…
Chuyện mỗi tuần – chuyện về thừa sai Pierre, Auguste Gallioz – Cố Thiết ( 1882 – 1954)
Chuyễn mỗi tuần – chuyện về thừa sai Eugène Garnier – Cố Minh (1862 – 1952)
Chuyện mỗi tuần – chuyện về Thừa Sai Jean Gagnaire – Cố Định (1861 – 1931).
Chuyện mỗi tuần – chuyện về Linh Mục Thừa Sai Eugène DURAND (1864-1932)
Câu chuyện về lệnh truyền của Chúa dành cho các môn đệ trước khi các ông lên đường rao giảng…
Chuyện mỗi tuần – Lời “giải oan” cho chị Mác-ta…
Chuyện về Nhà Truyền Giáo Dorgeville – Cố Sĩ (1881 – 1967)
Chuyện về các Thừa Sai MEP - Cha Roger Delsuc – Cố Sáng – 1927 – 1974
Chuyện mỗi tuần – chuyện về người quét sân…
Chuyện mỗi tuần – chuyện về các Thừa Sai MEP - Cha Gaston DEGAS – 1880 - 1907
Chuyện về các Thừa Sai MEP - Cha Claude Charmot – 1922-1982 (tiếp theo)
Chuyện về các Thừa Sai MEP - Cha Claude – Émile – Marie Charmot…
Câu chuyện về Cha Victor Caillon (1906- 1983) – tiếp theo
Chuyện mỗi tuần – Chuyện về các Thừa Sai MEP
Chuyện mỗi tuần – chuyện về các Thừa Sai – MEP - Cha Cyprien-Théophile Brugidou (1887 – 1962)
Chuyện mỗi tuần – chuyện về các thừa sai MEP Cha BÉLIARD Donatien – Cố Phước (1913 – 1974)
Chuyện mỗi tuần – Chuyện về các Thừa sai MEP (Cha Alexis BOIVIN – Cố Nhã (1870 – 1923))
Chuyện mỗi tuần – Chuyện về các Thừa sai MEP (tiếp theo)
Chuyện mỗi tuần – Chuyện về các Thừa Sai MEP (tiếp theo)
Chuyện mỗi tuần – chuyện về các Thừa sai MEP (tiếp theo)
Chuyện mỗi tuần – Chuyện về các nhà Truyền Giáo - Thừa sai Paris
Chuyện mỗi tuần – câu chuyện về các nhà truyền giáo của Hội Thừa Sai – Paris…
Chuyện mỗi tuần – Chuyến hành hương viếng Mẹ…
Huấn giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô sau chuyến Tông Du Hungary trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 3 – 5 – 2023 tại Quảng trường Thánh Phê-rô…
Bài giáo lý XII của Đức Thánh Cha Phanxicô với đề tài : Các đan sĩ là sức mạnh vô hình hổ trợ Giáo Hội và việc truyền giáo trong Giáo Hội…
Bài giáo lý XI của Đức Thánh Cha trong loạt bài về lòng nhiệt thành truyền giáo…Và chủ đề tuần này là : Người Ki-tô hữu hãy sẵn sàng để làm chứng cho Đức Kitô…
Bài giáo lý X của Đức Thánh Cha Phanxicô trong loạt bài trình bày về lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng – niềm đam mê loan báo Tin Mừng…
Bài giáo lý IX trong loạt bài về “Lòng say mê loan báo Tin Mừng – Lòng nhiệt thành Tông Đồ” với chủ đề “Trở thành Kitô hữu không nhờ trang điểm nhưng nhờ Chúa Giêsu biến đổi tâm hồn”…
Bài giáo lý VIII của Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày trong buổi tiếp kiến chung thứ tư ngày 22 – 3 – 2023 với chủ đề: “Cách thế đầu tiên để loan báo Tin Mừng là làm chứng tá”…
Bài VII trong loạt bài giáo lý về Lòng say mê loan báo Tin Mừng – Lòng nhiệt thành Tông Đồ…Bài giáo lý tuần này có chủ đề: Là Tông Đồ trong một Giáo Hội tông truyền
Bài VI trong loạt bài giáo lý của Đức Thánh Cha về lòng say mê loan báo Tin Mừng – lòng nhiệt thành Tông Đồ
Chuyện mỗi tuần - Huấn dụ của Đức Thánh Cha : Phúc Âm không phải là “một đảng phái chính trị, một ý thức hệ, một câu lạc bộ”…
Chuyện mỗi tuần – lời mời gọi của Đức Thánh Cha : Hãy loan báo Tin Mừng với sự khiêm nhường và hiền lành – không dựa vào của cải vật chất – và cùng đi với nhau…
Chuyện mỗi tuần – Chuyện về lời kêu gọi : Đừng khai thác bóc lột Châu Phi nữa!
NHỊP SỐNG TRONG TUẦN - TUẦN XXX/TN/A

 

 

Từ thứ hai ngày 30 / 10  đến thứ bày ngày 4 / 11  - 2017


 

Thứ hai ngày  30 / 10  -  Lc 13 , 10 – 17

 

Nội dung Tin Mừng

 
  • Chúa  chữa lành người phụ nữ bị quỷ ám làm cho tàn tật suốt 18 năm …

  • Ông trưởng hội đường “ mắng vốn”  Chúa Giê-su …

  • Chúa Giê-su lên án thói đạo đức giả của những kẻ chỉ giữ những hình thức …

 

Những Lời đáng ghi nhớ

 
  • “ Trông thấy bà , Đức Giê-su gọi lại và bảo : “ Này bà , bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền .” ( c . 12)

  • “ Còn bà này là con cháu ông Abraham , bà ấy bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay , thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bat sao ?” (c.16)

 

Một vài suy nghĩ

 

Vụ hình thức và câu nệ truyền thống đến độ vô cảm với những khốn cùng của con người quanh mình … hình như là căn bệnh của mọi thời đại – dĩ nhiên cách diễn tả có khác tùy mỗi hoàn cảnh …Trong hôm nay , giữa lòng các giáo xứ , vẫn không ít những thành phần tự nghĩ và tự cho rằng mình đạo đức và khuôn mẫu …nên dễ dàng để có những cái nhìn không mấy đẹp với anh chị em mình khi họ không có cùng một cách nhìn …Chính những thành phần này – tội nghiệp – lại là những con người thường xuyên gần gũi với bản quyền địa phương…và tạo nên rào cản đối với những thiện tâm thiện chí muốn có  sự đa bản sắc trong công cuộc xây dựng đời sống đức tin hằng ngày …

 

Bữa tiệc đêm trong nhà vệ sinh ( nguyên tác : Chu Hải Lượng – TQ) – theo Vitalk

 

Chị là Oshin – người giúp việc nhà cho một ông chủ ngoại ngũ tuần , rất giàu có . Đêm xuống , xong việc là chị vội vàng về với đứa con trai nhỏ 5 tuổi suốt ngày ngóng đợi trong căn nhà nhỏ tồi tàn…Hôm ấy , chủ nhà có lễ lớn , mời rất nhiều quan khách đến dự tiệc đêm . Ông chủ bảo : Hôm nay việc nhiều , chị có thể về muộn hơn không ? Thưa được ạ , có điều đứa con trai nhỏ quá , ở nhà tối một mình lâu sẽ sợ hãi . Ông chủ ân cần : Vậy chị hãy mang cháu đến cùng nhé…

 

Chị mang theo con trai đến . Đi đường nói với nó rằng : Mẹ sẽ cho con dự tiệc đêm . Thằng bé rất háo hức . Nó đâu biết mẹ làm oshin là như thế nào kia chứ ! Vả lại , chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt của nó phải sớm hiểu sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo . Chị âm thầm mua hai chiếc xúc xích …

 

Khách khứa đến mỗi lúc một đông . Ai cũng lịch sự . Ngôi nhà rộng và tráng lệ … Nhiều người tham quan , đi lại , trò chuyện … Chị rất bận , không thường xuyên để mắt đến đứa con nhếch nhác của mình được . Chị sợ hình ảnh nó làm hỏng buổi lễ của mọi người . Cuối cùng , chị cũng tìm ra được một cách : đưa nó vào ngồi trong phòng vệ sinh của chủ : đó có vẻ là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong buổi tiệc đêm nay … Đặt hai miếng xúc xích vừa mua vào trong một chiếc dĩa sứ , chị cố lấy giọng vui vẻ nói với con : Đây là phòng dành riêng cho con đây , nào tiệc đêm bắt đầu ! Chị dặn con cứ ngồi yên trong đó đợi chị đón về . Thằng bé nhìn vào “ căn phòng dành  cho nó” thật sạch sẽ , thơm tho , đẹp đẽ quá mức … mà nó chưa từng được biết đến …Nó thích thú vô cùng , ngồi xuống sàn , bắt đầu ăn xúc xích được đặt trên bàn đá có gương và âm ư hát : tự mừng cho mình …

 

Tiệc đêm bắt đầu … Ông chủ nhà nhớ đến con trai chị , đi gặp chị đang trong bếp và hỏi … Chị trả lới ấp úng : không biết nó chạy đi đằng nào …Ông chủ nhìn chị làm thuê…như có vẻ giấu diếm khó nói …Ông lặng lẽ đi tìm …Qua phòng vệ sinh…thấy tiếng trẻ con hát vọng ra , ông mở cửa …và ngây người : Cháu nấp ở đây làm gì ? Cháu biết đây là chỗ nào không ? Thằng bé hồ hởi : Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc đêm – mẹ cháu bảo thế…Nhưng cháu muốn có ai cùng ngồi đây ăn với cháu cơ !

 

Ông chủ nhà thấy sống mũi mình cay xè , cố kìm nước mắt …Ông đã rõ tất cả , nhẹ nhàng ngồi xuống nói ấm áp : Con hãy đợi ta nhé …Rồi ông quay lại bàn tiệc nói với mọi người hãy tự nhiên , vui vẻ , còn ông sẽ bận tiếp một người khách đặc biệt của buổi tối hôm nay …Ông lấy một ít thức ăn trong cái dĩa to và mang xuống phòng vệ sinh …Ông lịch sự gõ cửa phòng…Thằng bé mở cửa … Ông bước vào : Nào , chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé …Thằng bé vui sướng lắm … Hai người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành , vừa chuyện trò rả rích …lại còn cùng nhau nghêu ngao hát nữa …Mọi người cũng đã biết…Liên tục có khách đến gõ cửa phòng vệ sinh , chào hỏi hai người rất lịch sự và chúc họ ngon miệng …Thậm chí nhiều người cùng ngồi xuống sàn hát những bài hát vui của trẻ nhỏ…Tất cả đều thật chân thành ấm áp …

 

Nhiều năm tháng qua đi : Cậu bé đã rất thành đạt , trở nên giàu có , vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội . Nhưng không bao giờ quên giúp đỡ người nghèo khó , chăm chỉ …Một điều quan trọng đã hình thành nhân cách của anh: Ông chủ nhà ngày xưa đã vô cùng nhân ái và cẩn trọng bảo vệ tình cảm và sự tự tôn của một đứa bé 5 tuổi …


 

Thứ ba ngày 31 / 10  -  Lc 13 , 18 – 21

 

Nội dung Tin Mừng

 
  • Chúa Giê-su nói về sức mạnh nội tại của Nước Thiên Chúa với hai hình ảnh cụ thể : hạt giống cải và nắm men …

 

Những Lời đáng ghi nhớ

 
  • “ Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột , cho đến khi tất cả bột dậy men . “  ( c . 21)

 

Một vài suy nghĩ

 

Hạt cải gieo , bung nở và thành cây …

 

Nắm men vùi và làm cho bột dậy men …

 

Đấy là những gì vẫn thấy trong thực tế … và ai ai cũng biết rằng : sự bung nở và dậy men…là do “ nội lực”  được Thiên Chúa Tạo Hóa đặt để sẵn nơi hạt giống , nơi nắm men …

 

Tình Yêu , sự Công Chính và Thánh Thiện cũng chứa nơi mình “ nội lực” làm cho Nước Trời hiện diện và phát triển … tuy nhiên người ta khó thấy hơn – lý do vì không có những đột phá gây ấn tượng …

 

Sự có mặt của Giáo Hội trong mọi lãnh vực của con người nhằm thăng tiến con người là dấu chỉ của Nước Trời …

 

Ước mong sao có được những đột phá gây ấn tượng của con cái Chúa trong Giáo Hội …


 

Con vẹt xanh  ( nguyên tác : Thiệu Bảo Kiện – TQ)

 

Lưu Tư Kinh là con trai duy nhất của mẹ - một quả phụ nghèo sống ở một miền quê thưa người xa lắc …Anh quyết chí lên thành phố mưu cầu tiến thân để sống tốt và giúp đỡ mẹ già nơi quê nhà … Công việc và những lo toan chẳng bao giờ dứt …Lòng đầy nhớ thương , nhưng chẳng về mà thăm mẹ cho được , dù tháng nào anh cũng dành tiền gửi đều đặn về cho mẹ …Nhưng có lần trong thư mẹ gửi : Con trai ơi : đã quên mẹ rồi sao !...Anh đọc thư mà nước mắt rơi lả chả …

 

Rồi anh cũng đã tạm thu xếp mọi việc để về quê thăm mẹ …Lòng tràn ngập hân hoan … Mẹ con lâu ngày gặp lại mừng mừng tủi tủi không xiết…Sờ nắn bờ vai con , người mẹ rưng rưng : Con ơi , mẹ nhớ con lắm …Anh ôm lấy người mẹ dường như héo mòn đi qua  năm tháng mà nhòa lệ : Mẹ ơi , con nhớ mẹ lắm …Lần này con về mang cho mẹ con Vẹt Xanh mua đắt tiền lắm … Con đã nuôi dạy nó lâu …Khi con đi xa , nó sẽ ở nhà  bầu bạn với mẹ cho đỡ cô quạnh và mẹ cũng thấy con bên cạnh hằng ngày …Mẹ nghe anh nói…chỉ nhẹ nhàng : Con tốn tiền đến vậy thật không thỏa đáng … Mẹ chỉ muốn thấy con hằng ngày …Anh bảo : Mẹ hãy kiên tâm , đến khi con tích lũy đủ tiền sẽ đón mẹ đi cùng …

 

Ở nhà được vài ngày , Lưu Tư Kinh chia tay mẹ lên đường trở lại thành phố , lại lao vào làm ăn, phấn đấu. Mẹ già ở nhà một bóng… Con Vẹt Xanh bên cạnh bà, thỉnh thoảng nó lại cất tiếng: Con , Lưu Tư Kinh đây , con nhớ mẹ lắm…Mẹ ơi , mẹ vất vả quá , nghỉ tay một chút đi mẹ…Mẹ ơi , mẹ khỏe mạnh nhé…Bà cảm thấy vui vẻ và ấm lòng hơn rất nhiều. Bà thương quý con Vẹt Xanh vô cùng, tắm rửa chăm sóc cho nó, trò chuyện hằng ngày như với con trai mình vậy.

 

Một năm , bà bị trọng bệnh , sau thời gian ngắn đã qua đời. Hàng xóm đã làm đám cho bà và tìm cách báo cho anh biết.Hẫng hụt,  đau khổ, Lưu Tư Kinh dứt bỏ mọi công việc , ngay lập tức lên tàu  trở về…Căn nhà trống không, vẫn còn mùi hương khói. Lọ tro của mẹ được đặt trên bàn hương chính giữa. Anh nức nở thương xót mẹ và ân hận vô cùng đã không về chăm sóc và đưa được mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Mệt mỏi và suy sụp , anh ôm tấm ảnh mẹ vào lòng  thiếp đi lúc nào không biết. Anh mơ thấy mẹ hiền đang ngồi khâu vá bên anh, mỉm cười quạt cho anh ngủ, thỉnh thoảng bên tai anh tiếng nói: Con ơi, mẹ nhớ con lắm…Anh sung sướng muốn nhào vào ôm lấy mẹ ! Choàng tỉnh, không có ai chung quanh cả, nhưng tiếng nói: Con ơi , con có khỏe không…Mẹ nhớ con lắm…vẫn từ như rất gần đâu đấy vọng đến…Anh đi nhẹ gần đến ban-công sát vườn…Tiếng nói phát ra từ đó. Dưới ánh nắng hoàng hôn cuối cùng chiếu qua kẽ lá, anh nhận ra con Vẹt Xanh đang đậu trên cành cây! Anh đỡ nó lên tay, nó lại cất tiếng: Con ơi , con khỏe không ?Mẹ nhớ con lắm…Con Vẹt đã gầy và tả tơi đi quá nhiều. Lưu Tư Kinh ôm con Vẹt vào ngực mình nức nở : Mẹ ơi , con thương nhớ mẹ vô cùng…

 

Ôi! Mẹ anh , trước khi qua đời , đã mở lồng cho con Vẹt Xanh ra. Nhưng nó đã sống bầu bạn bên cạnh bà bao nhiêu ngày, dường như thấu được tình cảm của bà mà không bay đi, vẫn ở lại căn nhà nghèo trống trải này như đợi Lưu Tư Kinh trở về mà nhắn nhủ lời yêu thương của bà với anh .


 

Thứ tư ngày 1 / 11 -  Lễ các Thánh Nam  Nữ - Mt 5 , 1 – 12a

 

Nội dung Tin Mừng

 
  • Phụng Vụ mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ và cho chúng ta suy gẫm , chia sẻ Tám Mối Phúc Thật : những Mối Phúc đã làm nên những con người thánh có tên có tuổi cũng như vô vàn vô số những con người thánh ẩn danh mà chỉ một mình Thiên Chúa biết đến các ngài mà thôi …

 

Những Lời đáng ghi nhớ

 
  • “ Anh em hãy vui mừng hớn hở , vì phần thưởng của anh em ở trên trời thật lớn lao.” ( c . 12a)

 

Một vài suy nghĩ

 

Các ngài đông lắm …Giáo Hội không thể ghi danh các ngài trong lịch Phụng Vụ được…Không một nỗ lực trần gian nào có thể kể ra hết được những công đức muôn hình vạn trạng nơi những con người thánh ấy … Chỉ có Thiên Chúa biết và cũng chỉ có Thiên Chúa ghi nhận công đức của các ngài…Tuy nhiên chắc chắn một điều : các ngài là những con người thi hành Tám Mối Phúc Thật Chúa dạy…Khai triển từng Mối Phúc , chúng ta sẽ thấy sự đa dạng của đời sống thánh trên trần gian này…Những vị được ghi danh trong Lịch Phụng Vụ chỉ là để nhấn mạnh về lòng thương xót của Thiên Chúa và sự nỗ lực đáp trả của con người đứng trước ơn thánh…Trong âm thầm , còn rất nhiều những con người thánh và những cuộc đời thánh…

 

Ghi nhận của Khải Huyền

 

“Sau đó , tôi thấy : một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi , thuộc mọi dân , mọi chi tộc , mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên , mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế . Họ lớn tiếng tung hô : “ Chính Thiên Chúa chúng ta , Đấng ngự trên ngai , và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta .”  ( Kh 7 , 9 – 10)


 

Thứ năm ngày 2 / 11 – Cầu cho các đẳng linh hồn  -  Gio  6 , 37 – 40

 

Nội dung Tin Mừng

 
  • Chúa bảo đảm sự sống đời đời cho những ai tin và đến với Chúa …

 

Những Lời đáng ghi nhớ

 
  • “ Thật vậy , ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ  sống lại trong ngày sau hết.” ( c . 40)

Một vài suy nghĩ

 

Tất cả con cái Chúa trên trần gian này – những người tin đã đành và cả những người chưa có dịp nghe biết về Chúa hay chưa tin, thậm chí có người đã biết nhưng vẫn không chịu tin – thì cùng có chung một điểm : tin rằng có đời sau và sẵn sàng để bày tỏ tấm lòng của mình với những người đã qua đi …

 

Với những người tin Chúa , tháng Các Linh Hồn là thời điểm  đặc biệt  nhắc nhở chúng ta để tâm lo cho các linh hồn trong Luyện Ngục …

 

Vàng mã , xe cộ , nhà cửa … và nhiều nhiều những thứ khác chẳng qua chỉ là những biều tỏ bên ngoài … và làm giàu cho giới buôn bán loại hàng tạm bợ này…Thế giới siêu nhiên, không gian của Vĩnh Hằng … không cần đến những thứ đó…

 

Một điều chắc chắn : phận đời một con người không nhiều thì ít cũng có những vướng bận không được thánh thiêng lắm…mà Đấng Chủ Tể của Vĩnh Hằng lại là Đấng Vô Cùng Thánh…nên chi thời gian thanh luyện…là tất nhiên…

 

Bằng những hy sinh, bác ái và Thánh Lễ , chúng ta giúp các Linh Hồn…

 

Một câu truyện kể trong Hạnh Thánh Nữ Catherine de Saint Augustine

 

Trong miền nữ tu ở , có một phụ nữ tên là Maria , từ thiếu thời đã sống một cuộc đời rất mực buông tuồng. Lớn lên cũng chẳng sửa mình. Người miền ấy chán ngấy vì những phóng đãng của nàng, họp nhau trục xuất nàng ra khỏi thành phố, cho ở trong một cái hang bên ngoài vùng họ sống. Tại đó , nàng mắc một cơn bệnh ghê hồn, từng mảng thân thể rơi rụng dần. Sau ít lâu nàng chết, không được chịu các bí tích, không được một người nào đoái hoài đến…Xác nàng được chôn ngay gần cửa hang, không một nghi lễ tôn giáo…Bốn năm sau, một hôm có linh hồn ở luyện ngục hiện về với nữ tu và nói:

 

--Tôi khổ quá, bà ơi !Bà cầu nguyện cho mọi người đã chết…Có mỗi một mình tôi đáng thương nhất bà lại chẳng hề thương cảm !

 

--Chị là ai ? – nữ tu hỏi…

-

-Tôi là Maria tội lỗi đáng thương, đã chết ở ngoài hang đá…

 

--Sao ? Chị cũng được rỗi ư ? – Nữ tu Catherine ngạc nhiên kêu lên…

 

--Vâng, tôi được rỗi nhờ tình thương của Mẹ Maria. Trong giây phút cuối cùng của đời tôi, tôi thấy bị mọi người bỏ rơi và đầy tội lỗi ghê gớm, tôi nhớ đến Mẹ Thiên Chúa. Tự đáy lòng, tôi kêu xin : Ôi Mẹ là nơi nương ẩn của mọi người trơ trọi, xin thương xót con. Người ta từ bỏ con hết cả rồi, chỉ còn có Mẹ là hy vọng độc nhất của con đó thôi. Xin Mẹ đến cứu lấy con…Và tôi đã chẳng cầu nguyện uổng công…Chính nhờ Mẹ cầu bầu mà tôi được thành tâm thống hối, ăn năn tội cách trọn và thoát khỏi hỏa ngục…

 

Rồi nàng xin nữ tu dâng lễ cầu cho mình được giải thoát khỏi luyện ngục…Ít lâu sau, nàng hiện về sáng láng như mặt trời, nói với nữ tu:

 

--Tôi lên trời đây…Tôi sẽ ca tụng tình thương vô biên của Chúa…Xin cám ơn bà…

 

( thánh Anphongsô – Vinh quang Đức Mẹ tập I , trg 37)


 

Thứ sáu ngày 3 / 11 -  Lc 14 , 1-6

Nội dung Tin Mừng

 
  • Chúa Giê-su chữa lành một người bị bệnh phù thủng trong ngày sa-bat tại nhà một người Pha-ri-siêu…

 

Những Lời đáng ghi nhớ

 
  • “ Rồi người nói với họ : “ Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng , lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bat.”  ( c . 6)

 

Một vài suy nghĩ

 

Thật không dễ dàng để thoát khỏi căn bệnh dò xét và phê phán…Nhất là những người thường xuyên nói Lời Chúa hay nghe nói Lời Chúa…Có một khuynh hướng nguy hiểm là những người nói…thì hình như cứ nghĩ rằng : mình chỉ cần nói mà không cần nghe – cái khuynh hướng chết tiệt dễ làm cho người ta rơi vào tình trạng “ phán dạy” cách máy móc và vô hồn…Còn những người nghe… thì cũng nghe cho xong một buổi lễ theo bổn phận…và không để cho hạt giống Lời có sức để nẩy mầm…

 

Bát mì cuối năm ( không rõ nguyên tác – Nhật Bản)

 

Người Nhật có phong tục đêm cuối năm, trước giờ Giao Thừa, thường cùng gia đình đến một quán mì ưa thích, mỗi người ăn một bát mì truyền thống để cùng nhau ôn cố tri tân…

 

21 giờ đêm Giao Thừa, quán của ông bà Bắc Hải Đình đã hết khách, họ chuẩn bị đóng cửa và sửa soạn đón Lễ Giao Thừa của nhà mình…Tiếng chuông gió trước cửa vang lên, ông ra mở cửa. Một phụ nữ trung niên với hai cậu bé khoảng 10 và 7 tuổi, trông họ thật lam lũ, ngập ngừng xin phép bước vào…Sau khi xếp cho họ ngồi trước bàn, ông chủ quán chờ đợi. Người phụ nữ bối rối: Ông bà có thể cho ba mẹ con tôi một bát mì được không ? Hơi ngạc nhiên … nhưng ông nói vâng và quay vào dặn bà làm một bát to hơn bình thường đưa lên cho họ…Ba mẹ con cùng chụm đầu vào ăn, xuyt xoa ngon lành. Đứa bé đang ăn, ngẩng đầu nhìn mẹ hỏi: Mẹ ơi, liệu năm sau nhà ta có được ăn như thế này nữa không ? Người mẹ nhẹ nhàng nói: Chúng ta sẽ cố gắng để được như thế này nhé! Ăn xong, họ lễ phép cám ơn và ra về…Ông bà chủ quán nhìn theo ái ngại…

 

Một năm trôi qua rất nhanh…Lại đến 21 giờ đêm Giao Thừa năm sau…Ông bà chủ quán dường như đã quên…thì – giống như năm trước – ba mẹ con líu ríu bươc vào như để tránh cái lạnh cắt da bên ngoài…Trông họ tiều tụy hơn, và người mẹ lại xin được phục vụ một bát mì…Ông chủ quán vồn vã…rồi bước vào trong dặn bà làm ba bát mì…Bà phúc hậu nói: Ông ạ, hãy làm một bát như ý họ. Nhưng bà làm để đủ no và ấm lòng cho ba người…Họ ngồi vào chiếc bàn bình dị năm ngoái, ăn rất ngon , vui vẻ dặn dò nhau những việc phải nỗ lực hơn trong năm mới…Xong , người mẹ đứng lên cám ơn, muốn trả thêm tiền cho bát mì đó, nhưng ông bà chủ ân cần từ chối : Được ba mẹ con đến đây và nếu quán chúng tôi như là nơi ba mẹ con có thể hưng phấn hơn cho những điều các vị cần cố gắng…thì đã là điều quý hóa rồi…

 

Lại thêm một năm nữa, ông bà đặt lên tấm bảng con giữ chỗ trên chiếc bàn đó trong quán, dành cho họ…Nhưng mãi sau 21 giờ không thấy họ quay trở lại…Ông bà có cảm giác buốn trống vắng, khẽ bảo nhau đóng cửa quán để chuẩn bị Tất Niên…Cứ như thế trong nhiều năm sau đã thành thông lệ, mọi khách hàng cũng biết chuyện mà cảm động, không ai ngồi vào chiếc bàn đó vào đêm Giao Thừa cả và ai cũng có ý vừa nhâm nhi bát mì vừa mong đợi ba mẹ con trở lại …

 

Rồi lại một cái Tết nữa…Đã quá 21 giờ , ông bà chủ quán đang định nói lời cám ơn cuối năm với mọi người còn có mặt trong quán…thì tiếng chuông vang lên …Ông ra mở cửa, mọi người nhìn ra theo…Ba người , một phụ nữ lịch lãm và hai cậu thanh niên tuấn tú, khỏe mạnh bước vào…Dường như đã quen thuộc, họ liền bước đến bên chiếc bàn kia…Ông chủ khiêm nhường nhắc : Thưa…chỗ này được dành cho người khác rồi ạ …Họ xin được ngồi ngay bàn sát bên…Ông chủ lễ độ chờ họ gọi mì…Người phụ nữ ngẩng lên: Xin cho ba chúng tôi một bát mì…Trời ơi…Mọi người đều quay mặt về phía họ…Phải chăng các vị là ba mẹ con ngày xưa ? Chúng tôi đã mong chờ các vị bấy lâu…

 

Dạ vâng, là chúng tôi đây ạ …Chồng và cha chúng tôi bị tai nạn qua đời đã lâu, để lại món nợ rất lớn…

 

Chúng tôi đã vô cùng khó khăn…nên nhiều năm không còn khả năng ăn mì Tất Niên nữa…Bây giờ mọi sự đều đã rất tốt đẹp…nên trở lại đây, muốn ăn bát mì như năm xưa, được hưởng tấm lòng của ông bà…mà – nhờ đó – chúng tôi đã thêm được sự ấm lòng để cố gắng vượt qua…Tất cả - tràn đầy xúc động – cùng đứng lên bước lại quây quần và cung kính cảm tạ lẫn nhau…


 

 

Thứ bảy  ngày 4 / 11  -  Lễ thánh Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô  -  Lc 14 , 1. 7-11

 

Nội dung Tin Mừng

 
  • Chúa Giê-su giáo huấn mọi người về tinh thần khiêm tốn nhân có mặt trong một bữa tiệc của một thủ lãnh người Pha-ri-siêu và nhìn thấy cách người ta chọn chỗ trong bàn tiệc…

 

Những Lời đáng ghi nhớ

 
  • “ Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” ( c .11)

 

Một vài suy nghĩ

 

“ Bị hạ xuống”  hay “ được tôn lên”…là chuyện có thể xảy ra trong cuộc sống ở trần gian này, nhưng chủ yếu Chúa muốn nói đến sự công thẳng “ ai như thế nào thì được trân trọng như thế đó” trong Bữa Tiệc Vĩnh Hằng nơi Nhà Thiên Chúa – Cha của mọi người …

 

Có lần người viết rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan : Các nữ tu…thì cứ nhìn cái đầu bạc…để mời vào bàn VIP…mà không nghĩ rằng người viết đâu có chức danh gì trong các giai tầng chức sắc…Thế là cuối cùng, người viết đành lủi thủi rời bàn…đi tìm cho mình “ chỗ là của mình”…và – từ đó – tự hứa sẽ không dại gì đi ăn đi uống ở những nơi hội hè đình đám nữa , vì đã nghỉ hưu rồi …Thật ra,  lần ấy không muốn đi, nhưng nghe người có giấy mời năn nỉ quá…nên xiêu lòng…


 

Thánh Ca-rô-lô  Bô-rô-mê-ô

 

Ngài sinh ngày 2 tháng 10 năm 1538 tại Mi-la-nô , nước Ý , trong một gia đình đạo đức , thánh thiện…Giữa bầu khí gia đình mang dáng dấp Thánh Gia – Chúa Giê-su , Đức Maria , thánh Giuse – Ca-rô-lô hấp thụ một nền giáo dục thật tốt…

 

Mới chỉ 12 tuổi, thánh nhân đã quyết tận hiến đời mình cho Chúa và gia nhập hàng giáo sĩ…

 

Vào năm 21 tuổi , ngài nhận hai bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật…

 

Đức Giáo Hoàng đương nhiệm triệu ngài về giáo triều, phong tước Hồng Y và đặt ngài làm Tổng Giám Mục Milan…

 

Ngài đóng góp công sức rất nhiều trong Công Đồng Tri-den-ti-nô và nhiệt tâm lo cho người nghèo, bệnh nhân cả về mặt tinh thần lẫn vật chất…

 

Ngài viết rất nhiều sách, lập một Dòng lấy tên là Dòng thánh Am-brô-si-ô…để lo công việc của Chúa…

 

Ngài qua đời ngày 3 / 11 / 1584 tại Mi-la-nô …



 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Tác giả: Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!