Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp
Bài Viết Của
Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp
Chuyện về tập sách “ Dẫu vậy thì vẫn cứ tin” – do Nhà Xuất Bản TempsPrésent in ấn…
Chuyện mỗi tuần – Phụng Vụ - nơi gặp gỡ Đức Kitô (tt) – Giáo Huấn Chúa Nhật số 18 – Tông Thư về Đào tạo Phụng vụ cho Dân Thiên Chúa số 12 (tt)…
Chuyện mỗi tuần – Phụng vụ - nơi gặp gỡ Đức Kitô (tt) – Tông thư số 12...
Chuyện mỗi tuần – chuyện về “Những Khao Khát của Thầy”…
Tản mạn ngày Giỗ Đầu của Huynh Trưởng Giuse Đỗ Bá Ái…
Chuyện mỗi tuần – chuyện về thừa sai Pierre, Auguste Gallioz – Cố Thiết ( 1882 – 1954)
Chuyễn mỗi tuần – chuyện về thừa sai Eugène Garnier – Cố Minh (1862 – 1952)
Chuyện mỗi tuần – chuyện về Thừa Sai Jean Gagnaire – Cố Định (1861 – 1931).
Chuyện mỗi tuần – chuyện về Linh Mục Thừa Sai Eugène DURAND (1864-1932)
Câu chuyện về lệnh truyền của Chúa dành cho các môn đệ trước khi các ông lên đường rao giảng…
Chuyện mỗi tuần – Lời “giải oan” cho chị Mác-ta…
Chuyện về Nhà Truyền Giáo Dorgeville – Cố Sĩ (1881 – 1967)
Chuyện về các Thừa Sai MEP - Cha Roger Delsuc – Cố Sáng – 1927 – 1974
Chuyện mỗi tuần – chuyện về người quét sân…
Chuyện mỗi tuần – chuyện về các Thừa Sai MEP - Cha Gaston DEGAS – 1880 - 1907
Chuyện về các Thừa Sai MEP - Cha Claude Charmot – 1922-1982 (tiếp theo)
Chuyện về các Thừa Sai MEP - Cha Claude – Émile – Marie Charmot…
Câu chuyện về Cha Victor Caillon (1906- 1983) – tiếp theo
Chuyện mỗi tuần – Chuyện về các Thừa Sai MEP
Chuyện mỗi tuần – chuyện về các Thừa Sai – MEP - Cha Cyprien-Théophile Brugidou (1887 – 1962)
Chuyện mỗi tuần – chuyện về các thừa sai MEP Cha BÉLIARD Donatien – Cố Phước (1913 – 1974)
Chuyện mỗi tuần – Chuyện về các Thừa sai MEP (Cha Alexis BOIVIN – Cố Nhã (1870 – 1923))
Chuyện mỗi tuần – Chuyện về các Thừa sai MEP (tiếp theo)
Chuyện mỗi tuần – Chuyện về các Thừa Sai MEP (tiếp theo)
Chuyện mỗi tuần – chuyện về các Thừa sai MEP (tiếp theo)
Chuyện mỗi tuần – Chuyện về các nhà Truyền Giáo - Thừa sai Paris
Chuyện mỗi tuần – câu chuyện về các nhà truyền giáo của Hội Thừa Sai – Paris…
Chuyện mỗi tuần – Chuyến hành hương viếng Mẹ…
Huấn giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô sau chuyến Tông Du Hungary trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 3 – 5 – 2023 tại Quảng trường Thánh Phê-rô…
Bài giáo lý XII của Đức Thánh Cha Phanxicô với đề tài : Các đan sĩ là sức mạnh vô hình hổ trợ Giáo Hội và việc truyền giáo trong Giáo Hội…
Bài giáo lý XI của Đức Thánh Cha trong loạt bài về lòng nhiệt thành truyền giáo…Và chủ đề tuần này là : Người Ki-tô hữu hãy sẵn sàng để làm chứng cho Đức Kitô…
Bài giáo lý X của Đức Thánh Cha Phanxicô trong loạt bài trình bày về lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng – niềm đam mê loan báo Tin Mừng…
Bài giáo lý IX trong loạt bài về “Lòng say mê loan báo Tin Mừng – Lòng nhiệt thành Tông Đồ” với chủ đề “Trở thành Kitô hữu không nhờ trang điểm nhưng nhờ Chúa Giêsu biến đổi tâm hồn”…
Bài giáo lý VIII của Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày trong buổi tiếp kiến chung thứ tư ngày 22 – 3 – 2023 với chủ đề: “Cách thế đầu tiên để loan báo Tin Mừng là làm chứng tá”…
Bài VII trong loạt bài giáo lý về Lòng say mê loan báo Tin Mừng – Lòng nhiệt thành Tông Đồ…Bài giáo lý tuần này có chủ đề: Là Tông Đồ trong một Giáo Hội tông truyền
Bài VI trong loạt bài giáo lý của Đức Thánh Cha về lòng say mê loan báo Tin Mừng – lòng nhiệt thành Tông Đồ
Chuyện mỗi tuần - Huấn dụ của Đức Thánh Cha : Phúc Âm không phải là “một đảng phái chính trị, một ý thức hệ, một câu lạc bộ”…
Chuyện mỗi tuần – lời mời gọi của Đức Thánh Cha : Hãy loan báo Tin Mừng với sự khiêm nhường và hiền lành – không dựa vào của cải vật chất – và cùng đi với nhau…
Chuyện mỗi tuần – Chuyện về lời kêu gọi : Đừng khai thác bóc lột Châu Phi nữa!
Chuyện mỗi tuần – Bài giáo lý III về Niềm say mê loan bao Tin Mừng và lòng nhiệt thành Tông Đồ với chủ đề tuần này: Niềm vui loan truyền Phúc Âm…
ĂN TẾT …VÀ VỀ QUÊ ĂN TẾT !

 
 

Cổ xưa lắm rồi kiểu nói này đối với người Việt Nam … và là kiểu nói cổ xưa có lẽ còn tồn tại mãi … bao lâu Tết còn là Tết …

 

Thực tế là Tết … thì có ăn … và ăn ngon hơn bình thường …

 

Ngày xưa bà con ta còn khổ , còn nghèo … Cả năm quần quật “ sấp mặt với đất , phơi lưng cho trời ” mà miếng cơm , manh áo cũng không thể nào gọi  được là mặn mà lắm , tươm tất lắm … Cho nên chuyện Tết Ăn Tết là chuyện thực tế … Nghĩa là vất vả cả năm , ngày Tết ngày Nhất thì nhất định phải lo cho có cái mà ăn , có cái mà mặc : ăn no và ăn ngon – mặc sạch và mặc đẹp …

 

Ngày nay thì vẫn là … Ăn Tết  : nội dung cũng là chuyện ăn và chuyện mặc… nhưng chất lượng có khác … và tâm thức cũng khác … Chất lượng thì ngày càng “ siêu ”  hơn và “ lòng” cũng bớt phải lo lắng sắp xếp … Tất cả đều đã được cung cấp … Chỉ việc liệng qua liệng lại vài vòng siêu thị là muốn chi có nấy  …với hình dạng “ sắc nét ”  hơn công sức thủ công nhiều và màu mè cũng bắt mắt hơn …Dĩ nhiên cái bên trong thì chưa biết như thế nào … vì còn tuỳ thuộc vào qui luật “ tiền nào của nấy ” cũng như  “ sự may rủi của lương tâm !”

 

Ăn Tết : kiểu nói cổ - vẫn còn được dùng trong hôm nay – và sẽ được dùng mãi mãi bao lâu – như đã nói trên – Tết còn là Tết …
 

Thế nhưng “ Ăn Tết ”   - cơ bản và quý báu – lại là chuyện “ về quê ăn Tết”, chuyện “ trở về ” của những người con tha phương cầu thực : trở về với làng quê , với gia đình … và đồng nghĩa  với  chuyện “ trở về với nguồn cội, với gốc gác ” …

 

Ngày xưa nghèo … nên có tục “ đụng lợn ” dễ thương , đầm ấm … Dăm ba gia đình cận kề xóm giếng hay bà con thân tộc … chuẩn bị “ Ăn Tết ” bằng cách cả vài ba tháng trước đã lo cho có một con lợn ( heo) choai choai và trao cho một gia đình nào đấy nhiệm vụ chăm sóc … Hai mươi chín , ba mươi Tết là cùng nhau cắt tiết ( thọc huyết) , cạo lông … Bà con làm với một tấm lòng nhớ đến nhau và một thái độ “ á nghi thức ” rất ư là khệ nệ…Nhớ thời điểm năm 1968 – 1970 , đi Giúp Xứ ở một vùng quê không được an ninh cho lắm và thiếu thốn mọi điều kiện …Giáo Xứ có Xóm Trong và Xóm Ngoài … Xóm Trong ở chung quanh Nhà Thờ và Xóm Ngoài cách một giòng sông nho nhỏ … Ông Thầy Giúp Xứ - Áo Dòng lụng thụng - lang thang Xóm Ngoài … hễ nghe lợn kêu chỗ nào là chạy tới dặn cái đuôi…Vậy mà đến trưa cũng kiếm được cả tá …Đuôi lợn đụng … thì hết chê … và cũng cả nể lắm mới cắt cho nhau … Ấy là chưa kể đến thủa còn nhí : cả bọn dành nhau quả bóng từ bong bóng lợn mà người lớn - khi xẻo -  thì cũng rất khéo léo … để bọn trẻ còn có bóng mà chơi … Sau khi chia phần đồng đều cho tất cả các tay đụng , huyết , bộ lòng … và các thứ lòng thòng được chế biến  … như làm dồi chẳng hạn …Còn bao nhiêu bỏ tất cả vào nồi cháo khổng lồ … Vậy là bữa tiệc đụng đã sẵn … Bà con quây quần bên nhau trên manh chiếu giữa sân với những chiếc đĩa lá chuối rải đều …Chai rượu “quốc  lủi ” chính gốc sủi tăm được rót ra … Những buồn vui trong năm được chia sớt khi thì nhỏ tiếng , lúc thì to tiếng …nhưng tất cả chấm dứt trong êm đềm và quên lãng ... Một giấc ngủ thật say trong một đêm cho một Năm Mới bắt đầu với những mới mẻ linh thiêng và đầm ấm hơn  : bữa ăn  tình nghĩa , cởi mở và chân chất …

 

Đương nhiên Tết là phải có bánh chưng hay bánh tét … Dĩ nhiên – một cách nào đó – ngày nay , người Việt vẫn có khuynh hướng cho rằng bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ … nhưng   theo GS Trần Đình Vượng thì nguyên thuỷ của bánh chưng là bánh tét …Và mục đích của cả bánh chưng  vuông – khá phổ biến ở miền Bắc – lẫn bánh tét dài – rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam – thì hình như đều có một mục đích là có thể để được lâu …Để được lâu nên sẽ đỡ phải lo chuyện bếp núc những ngày Lễ Tết và sẵn sàng để có cái mà đãi khách …Hầu hết các món ăn  khác – trong dịp Tết - cũng nằm trong mục đích này : mặn thì có tai heo chua , thịt mắm , củ kiệu , dưa hành  … và ngọt thì có các loại mứt , bánh cốm , bánh thuẫn…Dĩ nhiên – với bản chất thành kính những gì là linh thiêng – mọi món ăn đều được chế biến trong tâm thức hướng Thiên của mình …Và – dù chỉ là có thể để lâu để tiếp khách – thì vẫn là một điều rất đẹp đưa con người đến với nhau và giúp nhau sống chan hoà tình đồng bào , tình thôn xóm : một bước rất gần với ý Trời… Cho nên Ăn Tết … vẫn là nét đẹp đáng trân trọng …
 

Đã có một thời – trên mâm cúng hay tại bàn thờ Ông Bà – người ta thấy thấp thoáng đôi chai rượi tây …Dĩ nhiên thì chẳng có vấn đề gì … nhưng bản thân mình , khi nhìn lên , vẫn thấy sao sao ấy …Không biết nó có kịch cỡm lắm không … và Ông Bà có nuối tiếc gì không … vì thời của con cháu mình… sao mà nhiều mùi vị ngoại lai vậy … Dù sao chén rượu gạo , rượu nếp … vẫn quen thuộc hơn , vẫn gần gũi hơn …Nay thì có vẻ như rượu tây không còn là “ mốt ” nên người ta bằng lòng với đôi chén nhỏ và “ cút ”  rượu nấu… để  Ông Bà đỡ phải “ sặc sụa”  mùi vị khác lạ … “ Mốt ”  trở về nguồn này hình như cũng là chọn lựa của nhiều người trong các bữa “ chén  chú chén anh ”  bây giờ …

 

Nhớ có Tết năm nào đó được nhường cho niềm vui dâng Thánh lễ dịp Tết cho bà con ở  “ Việt ville”  - Palawan …Bay từ Manila khá sớm sáng 29 tháng chạp để kịp lo chuẩn bị tinh thần cho bà con dịp Tết … Buổi chiều mình giúp bà con dọn mình đón nhận bí tích hoà giải và chuẩn bị Lễ Tất Niên . Đang dùng cơm tối thì nghe điện thoại reo : Đức  Giám Quản Palawan sẽ dâng Lễ Tất Niên với cha ! Vậy là sẽ có một Thánh Lễ song ngữ  Anh –Việt… Tất cả đều được cử hành bằng tiếng Anh … Bài đọc Kinh Thánh và suy niệm bằng tiếng Việt … Ngay trước khi bước ra bàn thờ , mình tận dụng vài phút để dạy cho Đức Giám Quản có thể nói được bốn chữ: chúc mừng Năm Mới…Sau Thánh Lễ , mình theo bà con qua khu vực Đình để cúng tất niên…Cư dân đăng ký tại “ Việt ville ”   lúc đó là khoảng 5.000 … mà Thánh Lễ cũng như cúng Đình chỉ khoảng vài ba trăm … gồm ông bà già và trẻ em… Giới làm ăn thì miệt mài vùng núi Phi Luật Tân , ngại đường xá  xa xôi nên không về… Đêm giao thừa pháo nổ rung trời : cái loại pháo của người Phi có tiếng nổ khá là chát chúa … Đêm ấy , trong giấc ngủ , mình nằm mơ thấy mảnh đất Palawan tự nhiên tách ra và trôi dần về  Việt Nam…Nếu không lầm thì hình như “ BigBang” thủa nào đấy đã làm rạn vỡ và đưa mảnh đất này trôi đi …Rất nhiều từ trong tiếng Tagalog - tiếng bản địa của người Phi- khá là gần gũi với ngôn ngữ truyền khẩu của anh em dân tộc trong cộng đồng Việt Nam chúng ta …

“ Ăn Tết ”  còn bao gồm cả chuyện “ chơi Tết ”  nữa … Trò chơi dân gian thì nhiều … và – trong hôm nay - ở đâu đó vẫn cố để dàn dựng lại như một cách lau chùi cổ vật …Năm cầm tinh con Dê và – rất là bất ngờ - được “sống ”  lại một trò chơi thủa bé – không chỉ trong dịp Tết – mà rất rộng rãi nơi bất cứ một mảnh đất nào đủ cho số người tham dự  : trò chơi  “ bịt mắt bắt dê ” tác giả Đỗ Thành Dương ghi lại trong số Kiến Thức Xuân … Điều mà mình chưa biết đến : đấy là ngày xưa , đây là “ trò chơi dành cho người lớn hay chính xác hơn là trò chơi của trai thanh gái lịch trong các dịp vui như Hội Đầu Xuân , Tết Trung Thu …”  Tác giả cho thấy trò chơi “ bịt mắt bắt dê” của người lớn … có khác hơn của trẻ em ít nhiều …Trong vòng chơi có tới ba người chơi … Con dê thì không nói rồi … nhưng hai người chơi còn lại đương nhiên là một nam , một nữ … Cả hai đều bịt mắt , mang áo “tơi ” nhằm gây tiếng động , đeo lục lạc ở cổ chân …Con dê thì lục lạc ở cổ… Thế nhưng đôi bạn chơi ít quan tâm đến chuyện “ bắt dê ” … mà rất nhiệt tình với chuyện “ bịt mắt bắt nhau !” … làm cho chú dê đôi khi cũng thấy ngỡ ngàng với vai trò “ đòn kê ” của mình …Thảo nào mà dân gian có câu : “ Giả vờ bịt mắt bắt dê . Để cho cô cậu dễ bề với nhau” ( Ca dao)…Dĩ nhiên là trẻ em thì vẫn thích thú  “ đồng dao” : “ Dung dăng dung dẻ . Dắt  trẻ đi chơi . Cho dê đi học . Cho cóc ở nhà . Cho gà bới bếp .” …Người viết hy vọng là những vùng đất nuôi dê như Ninh Bình , Ninh Thuận may ra có thể có những nơi tổ chức lại trò chơi dễ thương này … Mình thì – tuy là người đang sống ở Ninh Thuận – nhưng không hy vọng là mấy … vì không biết sức hấp dẫn của nó có vượt qua được niềm say mê của trẻ dành cho các thứ games cài đặt tùm lum trong di động , máy tính …Còn các bạn thanh thiếu niên nam nữ  bây giờ thì đâu còn nhiều sự e dè , bẽn lẽn , thẹn thùng đủ để mà phải “ Giả vờ” và phải nhờ đến con “ dê đeo lục lạc ở cổ” nữa…
 

“ Ăn Tết ”  và “ về quê ăn Tết” – trong hôm nay và với nhiều người – là cả một “ công trình ” mang tính “ tam tứ núi cũng trèo , thất bát sông cũng lội” ( Ca dao) dù phương tiện có hiện đại hơn ngày xưa rất nhiều …Ngày xưa – chỉ với đôi bàn chân trần – nhưng ở đẩu ở đâu cũng về được … Ngày nay kiếm cho được tấm vé tàu , vé xe nhỏ xíu thôi … cũng đã là chuyện truân chiên lắm rồi …

Dù sao … miễn là “ về ” : về được với gia đình , với quê hương , với tổ tiên, ông bà , cha mẹ … là mừng rồi …

 

Thiết tưởng cũng không thể không nói đến tâm tình của các Đấng Bậc Đạo – Đời phải có dựa trên ước mơ trong bài thơ ngự chế của Vua Minh Mạng (1791 – 1841) . Nhà Vua có hai bài thơ ngự chế nói đến Dê … nhưng có lẽ bài “ Tứ  nhật vi dương” … đáng để chúng ta chia sẻ :

 

  Tứ nhật vi dương .

  Tứ nhật vi dương xuân chính lai .

    Khả xưng dương thái khuếch tường khôi .

    Vũ dương  thời nhược tương cảnh điệt.

    Tiết thuận khí điều biến cửu cát .


 

  Ngày mùng bốn là ngày dương .

  Ngày mùng bốn là ngày dương : chính là lúc mùa xuân đến .

    Đáng gọi là ánh mặt trời tốt mở rộng điềm lành .

    Nắng mưa theo thời cùng nhau đến kịp lúc .

    Thời tiết khí hậu điều hoà khắp cả chín châu.
 

Theo chính sử - như tác giả Nguyễn Huy Khuyến trong mục Trà dư tửu hậu , Kiến Thức Ngày nay số 882 – thì , với Vua Minh Mạng , ngày mùng 4 là ngày lập xuân , chữ  “ dương ” ( con dê) và chữ  “ dương ” ( mặt trời) đồng âm …và là dấu lành …  Chính sử ghi :

 

Trước đây , hôm mùng 1 tháng giêng , có một con hươu từ trong núi nguồn Hữu Trạch chạy ra bến đò hành cung An Bằng . Thủ bộ phó sứ Tôn Thất Quý bắt sống được  , đem dâng Vua . Qua vài ngày , lại có  con dê rừng cũng từ trong núi ấy chạy ra . Thủ hộ sứ Tôn Thất Cung bắt được , dâng lên.Vua nói : Chữ  “ lộc” ( con hươu) đồng âm với chữ  “ lộc” ( phúc lộc) , chữ “ dương” ( con dê) đồng âm với chữ  “ dương” ( khí thịnh) . Đó tuy là những vật tầm thường , nhưng năm mới mà bắt được : không phải là việc ngẫu nhiên , chính là điềm tốt . Tới đây , việc bang giao trọng đại đã khánh thành trong khi Bắc tuần , việc dùng binh ở Nam Kỳ lại thành công lớn , người ta cho là ứng với điều tốt “ dương , lộc” .

 

Ước mong sao trong Đạo cũng như ngoài Đời , các Đấng các Bậc nhìn ra được những điềm lành trong năm mới Ất Mùi này  , chẳng hạn Năm Tân Phúc Âm Hoá Đời Sống Giáo Xứ và Đời Sống Thánh Hiến … và hết lòng vì  Dân Chúa và vì Dân Tộc …   

 

Người Công Giáo – vẫn   “ ngầm ”  bị cho rằng “ lạnh lùng ”  với Ông Bà , Tổ Tiên – nhưng thực ra lại là những người gắn bó hằng ngày với Tổ Tiên , Ông Bà dựa trên chính Luật của Chúa dạy … Giới Luật thứ tư trong Mười Điều Răn được nhắc lui nhắc tới mỗi ngày Chúa Nhật -  Thứ tư : Thảo kính cha mẹ… Và trong mọi Thánh Lễ dâng đều có phần cầu nguyện cách riêng cho Ông Bà , Tổ Tiên , Thân  Bằng  , Quyến Thuộc cùng tất cả các linh hồn cũng như phần xin ơn bình an cho những người còn hành trình trên trần gian này… Đặc biệt ngày mùng hai Tết được dành để kính nhớ Tổ Tiên , Ông Bà… “ Ăn Tết ”  và  “ về quê ăn Tết ” … chắc chắn bà con mình sẽ có mặt trong các Thánh Lễ đầu năm … và sẽ có những nén hương tưởng nhớ và thành kính …

 

Lời Chúa – trong sách Huấn Ca ngày mùng hai  Tết : kính nhớ Tổ Tiên  – ghi rất rõ :

 

Giờ đây , chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân … cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ .

 

Các ngài là những vị đạo hạnh … Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng .

 

Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu : đấy là lũ cháu đàn con.

 

Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước . Nhờ các ngài , con cháu cũng một mực trung thành .

 

Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại . Vinh quang các ngài sẽ  chẳng phai mờ .
 

Các ngài được mồ yên  mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế .

 

Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen .  ( Hc  44 , 1.10 – 15) .


 

Lm  Giuse  Ngô Mạnh  Điệp.


 

Tác giả: Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!