Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Emmanuel Đinh Quang Bàn
Bài Viết Của
Emmanuel Đinh Quang Bàn
Giáo hội phải gắn kết với quảng đại quần chúng
Cơm ba bát, thuốc ba thang, bài giảng… ba từ
15 Điểm Tóm lược Thông điệp Lumen Fidei
ĐÁM CƯỚI DỰ ĐƯỢC THÌ ĐI, ĐÁM TANG KHÔNG ĐI KHÔNG ĐƯỢC
Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo: Tự do tôn giáo, quyền căn bản của con người
Nhân đức Liên đới
Tôi có một giấc mơ
“Bí mật” cần “bật mí” của Giáo hội
GIÁO HỘI VIỆT NAM ĐANG CẦN NHỮNG “ÔNG WEIGANG”
GIÁO HỘI PHẢI GẮN KẾT VỚI QUẢNG ĐẠI QUẦN CHÚNG

 Hình Vương cung thánh đường Santa Maria tại Trastevere thuộc thành phố Rô-ma, Ý, là nhà thờ hiệu tòa Rôma của Hồng y James Gibbons, Tổng giám mục Baltimore từ 1877 - 1921

Mất lòng dân thật tai hại, có đánh bạn với thiểu số người giàu và người quyền thế cũng không bù đắp được" (Hồng y James Gibbons)

Trong tờ trình năm 1887 gửi về Rôma, Hồng y Gibbons cảnh báo “Giáo hội không khéo sẽ được trình bày như là bạn của những người giàu có đầy quyền thế và là kẻ thù của những người nghèo tất bạt không ai cứu giúp”. “Một liên minh như thế sẽ làm cho Giáo hội bị tổn hại khôn lường”.

Nước Anh và Hoa kỳ vào thời Cách mạng Công nghiệp thế kỷ 19 là hai trung tâm lớn của chủ nghĩa tư bản. Công nhân chịu nhiều thiệt thòi và bị đối xử bất công đến nỗi nhiều cuộc đình công đã nổ ra tại các nước tư bản. Tình hình đó đòi buộc Giáo hội phải có lập trường rõ rệt: ủng hộ giai cấp công nhân hoặc ngả về phe những ông chủ tư bản.

Trước tình huống dầu sôi lửa bỏng này, Hồng y Manning, một người Anh giáo trở lại Công giáo, tuyên bố rằng Giáo hội “không còn liên can đến các ông hoàng bà chúa và các Nghị viện, mà phải gắn kết với quảng đại quần chúng”. Sau đó, ngài tỏ thái độ của mình bằng cách ủng hộ cuộc đình công ở bến tàu Anh năm 1889.

Còn ở bên Hoa Kỳ, Hồng y gốc Ái nhĩ lan James Gibbons của Tổng Giáo phận Baltimore, lãnh đạo cộng đồng những di dân lao động Công giáo. Ngài ra sức bảo vệ Hiệp hội Knights of Labor (Các Hiệp sĩ Lao động), một tổ chức công đoàn tiên khởi lãnh đạo bởi Terence Powderly, một giáo dân nhiệt thành, khỏi bị đức giáo hoàng kết án là hội kín. Thời đó Tòa Thánh rất lo ngại về hoạt động của những hội kín như Tam Điểm. Đức hồng y giải thích lý do tại sao hội cần giữ bí mật, không phải vì đang có âm mưu chống phá hàng giáo sĩ, mà chỉ để “phòng gian bảo mật”, tự bảo vệ tránh để cho bọn gián điệp của các ông chủ lao động tìm cách cài cắm người vào hầu tìm cách phá hoại. Vatican hiểu và không kết án “hội kín” này.

Trong tờ trình gửi về Roma vào năm 1887, ngài nhắc lại lời của Hồng y Manning ở trên, và đích thân thêm vào câu: “Mất lòng dân thật tai hại, có đánh bạn với thiểu số người giàu và người quyền thế cũng không bù đắp được” (To lose the heart of the people would be a misfortune for which the friendship of the few rich and powerful would be no compensation).

Cũng trong tờ trình đó, Hồng y Gibbons còn đề cập đến “viễn tượng Giáo hội không khéo sẽ được trình bày như là bạn của những người giàu có đầy quyền thế và là kẻ thù của những người nghèo tất bạt không ai cứu giúp”. Ngài cảnh báo “một liên minh như thế, hoặc thậm chí bề ngoài xem như đang liên minh như thế, sẽ làm cho Giáo hội bị tổn hại khôn lường”.

Những cảnh báo trên đã được tiếp nhận ra sao tại Vatican? Đức Lêô XIII, lên kế vị Thánh Phêrô năm 1878, là người gần gũi giới lao động và có tầm nhìn xa trông rộng. Ngài đã minh định lập trường. Chỉ 4 năm sau, tức năm 1891, ngài ban hành Thông điệp Tân sự. Một cơn địa chấn đã nổ ra.

Thông điệp này là tiếng nói có thẩm quyền của Giáo hội lần đầu tiên chính thức tuyên bố người lao động có đầy đủ các quyền – quyền được hưởng đồng lương công bằng và những điều kiện sống xứng đáng, quyền thành lập công đoàn và ngay cả quyền đình công.

Hồng y James Gibbons đã đi vào lịch sử Giáo hội như một trong số các nhà lãnh đạo quan trọng của Giáo hội đã tác động đến việc Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII, như đã nói trên, ban hành Thông điệp Tân sự, chỉ 4 năm sau sự can thiệp của ngài vào năm 1887.

Đinh Quang Bàn

Tài liệu tham khảo: Trang 140-141, Modern Catholic Social Teaching: the Popes Confront the Industrial Age 1740-1958, New York: Paulist Press, 2003 của Giáo sư Joe Holland, Chủ tịch Phong trào Pax Romana Hoa Kỳ

Tác giả: Emmanuel Đinh Quang Bàn

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!