CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B (22/02/2015)
[St 9,8-15; 1 Pr 3,18-22; Mc 1,12-15]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Mùa Chay lại trở về với muôn vàn hồng ân của Thiên Chúa. Cùng với toàn thể Giáo
hội Công giáo, chúng ta hãy bước vào Mùa Chay của Phụng vụ Năm B với tâm tình
xứng hợp. Trọng tâm của Mùa Chay là thay đổi cuộc sống nhằm chuẩn bị tâm hồn đón
mừng Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Các bài đọc Thánh
Kinh hôm nay đều tập trung vào việc Thiên Chúa đã cứu vớt con người:
* Bài Cựu Ước: Thiên Chúa đã cứu ông Nô-ê và con cái ông cũng như tất cả mọi
sinh vật ở với ông, khỏi nước tức nạn hồng thủy.
* Bài Thánh Thư và Phúc Âm: Thiên Chúa đã dùng nước Thanh Tẩy để cứu toàn thể
nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết, khi Thiên Chúa sai Con Một Yêu Dấu của Người,
đến trần gian để rao giảng Nước Trời, lập các Bí tích, chịu chết trên thập giá
và phục sinh.
Điều kiện để được cứu là
“sám hối & tin vào Tin Mừng”.
Đó cũng chính là sứ điệp của Lời Chúa hôm nay.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (St 9,8-15):
Sau hồng thủy Thiên Chúa lập Giao ước với ông Nô-ê.
(8) Thiên Chúa phán với ông Nô-ê và các con ông đang ở với ông rằng: (9)
"Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau
này, (10) và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc,
dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả
dã thú. (11) Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ
không còn bị nước hồng thủy hủy diệt, và cũng sẽ không còn có hồng
thủy để tàn phá mặt đất nữa."
(12) Thiên Chúa phán: "Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các
ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai
sau: (13) Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước
giữa Ta với cõi đất. (14) Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây
cung xuất hiện trong mây, (15) Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các
ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ
không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Pr 3,18-22):
Nước đó là phép rửa nay cứu thoát anh em.
(18) Anh em thân mến, chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng
Công Chính đã chết cho kẻ bất lương - hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.
Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.
(19) Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, (20) tức là những
người xưa
đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là
thời ông No-ê đóng tầu. Trong con tầu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được
cứu thoát nhờ nước. (21) Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em.
Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thân xác, mà là cam kết
với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su
Ki-tô, (22) Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các
thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 1,12-15): Đức
Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
(12) Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.
(13) Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài
dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người.
(14) Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng
của Thiên Chúa. (15) Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến
gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa qua bài Thánh Kinh
1o) Trong bài đọc 1 (St 9,8-15)
chúng ta thấy Thiên Chúa đã loan báo và cứu ông Nô-ê và các con ông và tất cả
mọi sinh vật đã ở với ông trên tầu, khỏi nạn hồng thủy, bằng một giao ước bền
vững và lâu dài. Dấu chỉ của giao ước ấy là chiếc cầu vồng xuất hiện trên bầu
trời.
Nhưng Thiên Chúa không chỉ lập giao ước với ông Nô-ê mà còn lập giao ước với
dòng dõi ông là những kẻ tin Chúa. Dấu chỉ của giao ước mới này chính là Con Một
Thiên Chúa, Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng đã xuất hiện giữa loài người.
2o) Trong bài đọc 2 (1 Pr 3,18-22)
Tông đồ Trưởng Phê-rô khẳng định: chúng ta được cứu là nhờ
“Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi - Người là “Đấng Công Chính đã chết
cho kẻ bất lương hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa”
Phương tiện và cũng là dấu chỉ của việc cứu chuộc ấy là Nước Phép Rửa được đổ
trên trán/đầu chúng ta.
3o) Trong bài Tin Mừng (Mc 1,12-15)
Thánh Mác-cô nhắc lại với chúng ta sự kiện sau khi chịu phép rửa bởi ông Gio-an
Tẩy giả, Đức Giê-su được Thánh Thần đưa vào sa mạc để chịu Xa-tan cám dỗ. Và sau
khi nghe tin Gio-an bị giết hại, Đức Giê-su xuất hiện công khai ở Ga-li-lê và
bắt đầu rao giảng:
“Thời kỳ đã mãn và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin
vào Tin Mừng!”
3.2 Sứ điệp Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh:
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, vì thời gian đã
mãn và Triều đại Thiên Chúa đã gần.
1o) Sám hối
là hối tiếc về những tội lỗi, thiếu sót của mình và hoán cải tức thay đổi suy
nghĩ và hành động không theo thói quen và tập quán xói mòn của người đời nữa mà
theo tinh thần và cung cách mới của Phúc âm.
2o) Tin vào Tin Mừng
là tin vào chính Chúa Giê-su Ki-tô là Tin Mừng mà sứ thần loan báo khi Người
sinh ra ở Bê-lem. Tin vào Tin Mừng cũng là tin vào lời rao giảng của Đức Giê-su
Na-da-rét là Thiên Chúa làm người và đã được Thánh Thần xức dầu và đưa vào trần
gian để loan báo Tin Mừng và ban ơn cứu độ cho mọi người. Tin vào Tin Mừng còn
là tin vào Tình Thương và sự Trung Tín giữ lời hứa của Thiên Chúa.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa
là Đấng quyền năng và giầu lòng xót thương khi Người ra tay cứu ông Nô-ê và gia
tộc ông khỏi nạn Hồng Thủy là hình bóng của việc Thiên Chúa cứu nhân loại khỏi
phải hư mất nhờ/bằng cái chết của Con Một là Chúa Giê-su Ki-tô!
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
hôm nay là chúng ta kiểm điểm và thay đổi đời sống theo sự hướng dẫn và mời gọi
của Chúa Giê-su Ki-tô và của Mẹ Hội Thánh.
* Mỗi người/cộng đoàn chúng ta đã thật sự tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là Tin Mừng
Cứu Độ chưa?
* Mỗi người/cộng đoàn chúng ta đã thay đổi thế nào từ Mùa Chay năm trước đến Mùa
Chay năm nay? (Nếu chúng ta đã thật sự tin vào Chúa Giê-su Ki-tô thì đời sống
chúng ta đã thay đổi).
* Mỗi người/cộng đoàn chúng ta nên chú trọng đặc biệt vào điểm yếu kém nhất
trong đời sống tâm linh và đời sống cộng đoàn của mình để sự thay đổi có được
tính “quyết định” và “triệt để”.
V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI
[Ghi
chú:
Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai
cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu
cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1
«Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau
này.»
Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa hãy vì giao ước Người đã ký kết với loài người
mà ban bình an cho thế giới và cho loài người, nhất là cho những người nghèo và
đau khổ trong thế giới hôm nay.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.-
Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2
«Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin
vào Tin Mừng.»
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô,
cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần
Dân Chúa biết canh tân đời sống đức tin theo lời mời của Chúa Giê-su Ki-tô.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3
«Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thân xác, mà là cam
kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su
Ki-tô.»
Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những
người tham dự Thánh Lễ này, biết gìn giữ lương tâm trong trắng và thân xác vẹn
sạch.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.-
Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4
«Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ,
sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người.»
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người gặp thử thách và cám dỗ, để họ nhận được
sức mạnh của Thiên Chúa Toàn Năng mà chiến thắng xác thịt, ma quỷ và thế gian.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.-
Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.