Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Bài Viết Của
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Đêm Hồng Phúc
Phái đoàn Việt Nam tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới
Bật gốc
Đẽo chân theo giày
Mong manh
Đức giám mục Hải Phòng hiệp thông với gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Ngôi mộ trống
Thông báo của Uỷ ban Giới trẻ, HĐGMVN
Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2009 của Giáo phận Hải Phòng
SỨ ĐIỆP CỦA NGÔI MỘ ĐÁ
ƠN GỌI NÊN THÁNH
BÀI GIẢNG LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC TẠI BẮC NINH 07-10-2008
Thư Hiệp Thông của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, GM. Hải Phòng
NGÔI MỘ TRỐNG

 

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Ngày Chúa nhật Phục sinh, chúng ta giống như các môn đệ Phê-rô và Gioan vội vã hối hả đến bên mộ Chúa, sau khi đã nghe Maria Mađalêna loan tin : « Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu » (Ga 20,2).

Thiên Chúa như người thích chơi trò trốn tìm với con người. Con người cứ tìm kiếm, khám phá và dõi theo Người và Ngài cứ thoắt ẩn thoắt hiện trong cuộc sống. Người ta không thể chứng minh Ngài hiện hữu như « hai với hai là bốn » nhưng trái lại người ta cũng không thể phủ nhận sự hiện diện của Ngài. Mới hôm nào, Đức Giêsu còn hẹn với các môn đệ : « sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilêa trước anh em » (Mc 14,28). Vậy mà hôm nay Ngài để lại giữa họ một ngôi mộ trống. Trước ngôi mộ này,  mỗi người chứng kiến có  những nhận định khác nhau : Phê-rô và người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến  « đã thấy và đã tin », trong khi các thượng tế và các kỳ mục lại tạo nên câu chuyện về việc các môn đệ đã lấy trộm xác (Mt 28, 12-15)

Như các môn đệ ngày xưa, khách hành hương Thánh Địa hôm nay vẫn được chứng kiến một ngôi mộ trống. Người ta đến có thể vì tò mò, hiếu kỳ. Nhưng phần lớn  trong họ là các tín hữu Kitô đến để cung kính và cầu nguyện tại chính nơi đã an táng xác Chúa, như truyền thống công nhận, sau khi tháo đanh Ngài khỏi Thập giá. Ngôi mộ trống của ngày Phục sinh  nói với chúng ta biết bao điều :             

1- Ngôi mộ trống là khởi điểm đức tin của các môn đệ :

Trước cuộc tử nạn, Phê-rô là người nhát đảm. Mặc dù trước đó Ông đã mạnh mẽ tuyên bố : « dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng vẫn sẵn sàng » (Lc 22,33), vây mà khi Thày bị bắt, Ông đã vội vàng chối Thày mình ba lần trước câu hỏi bâng quơ của một cô đầy tớ. Trước ngôi mộ trống, các ông đã tin. Ngôi mộ trống là bằng chứng hùng hồn về quyền năng Thiên Chúa. Bởi vì nếu thân xác của Đức Giêsu còn nằm yên trong ngôi mộ thì Ngài cũng chỉ như bao người khác mà thôi, giáo lý của Ngài không có gì đặc biệt. Người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến đồng thời cũng là tác giả của Phúc âm thứ Bốn đã nói lên cảm nghiệm cá nhân của mình khi chứng kiến ngôi mộ trống : Ông đã thấy và Ông đã tin. Thấy và Tin, đó chính là nội dung chính của Tin Mừng này và đó cũng chính là nguồn hứng khởi đã khiến Ông viết ra để làm chứng về Đức Giêsu, « để  Anh Em tin rằng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa và để Anh Em  tin mà được sống nhờ Danh Ngài ».(Ga 20,31).              

2- Ngôi mộ trống là khởi điểm của một Dân Tộc Mới :

Vào thuở bình minh của công cuộc sáng tạo, khi muốn dựng nên người phụ nữ, Thiên Chúa đã khiến Ông A-đam ngủ say, và từ chiếc xương sườn của Ông, Ngài đã tạo nên người phụ nữ (xem St 2,18-25). Trong ngôi mộ này, Đức Giêsu, vị A-đam thứ hai - hay vị A-đam cuối cùng - đã ngủ yên. Và trong giấc ngủ này, chính tại cạnh sườn bị đâm thâu qua  mà một dân tộc mới  được sinh ra. Dân  tộc này  bao gồm tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc màu da và ngôn ngữ (xem Cv 10,34a.37-43, bài đọc đề nghị cho Phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật Phục sinh). Dân tộc mới này bao gồm tất cả những ai đã được thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu, Đấng đã chết và sống lại, và chính chúng ta, những người từ « dân ngoại » cũng được trở nên thành viên của Dân tộc này. Qua làn nước tái sinh, chúng ta đã được « chỗi dậy cùng với Đức Kitô » (2 Cl 3,1) để làm thành « giống nòi được tuyển chọn,là hàng tư tế vương giả,là dân Thánh, Dân  riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người » (l Pr 2,9)             

3- Ngôi mộ trống giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của cuộc đời :

Phụng vụ Giáo hội đề nghị chúng ta suy ngắm Đàng Thánh Giá vào chiều Thứ Bảy Tuần Thánh. Một nghi thức thật cảm động : từng đoàn người lặng lẽ âm thầm chiêm ngắm thập giá, biểu tượng của tình yêu tự hiến, biểu tượng của tình thương Thiên Chúa. Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo hội nghiêng mình tưởng niệm và cầu nguyện bên mộ Chúa. Tuy vậy, Đức Kitô không chỉ dẫn đưa chúng ta tới nấm mộ. Sự chết không phải là tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa. Ngôi mộ trống muốn nhắc nhở chúng ta rằng : chúng ta sống là sống cho Thiên Chúa. Cuộc sống đời này là sự chuẩn bị cho đời sau. Ngôi mộ là một điểm dừng, nhưng không phải là cùng đích, vì Đức Giêsu đã ra khỏi mồ, đã chiến thắng tử thần. Cuộc sống này tìm thấy ý nghĩa sâu xa của nó trong chính cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu. Thập giá là lời mời gọi yêu thương, phục vụ. Thập giá là niềm hy vọng an ủi. Thập giá còn là lời hứa hẹn bảo đảm cho chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu.

Vâng, Thiên Chúa vẫn thích chơi trò trốn tìm với con người. Ngôi mộ trống là một bằng chứng hùng hồn cho quyền năng Thiên Chúa. Sự trống vắng ấy là một lời phát biểu mạnh mẽ về sự hiện diện của Ngài, một sự « hiện-diện-vắng-mặt » (présence-absence) đang mời gọi chúng ta hãy tiếp tục  kiếm tìm và gặp gỡ.

Như thế, Lễ phục sinh mời gọi chúng ta đến chiêmngưỡng ngôi mộ trống năm xưa trong khu vườn gần nơi Chúa chịu đóng đinh, để khám phá ra chính sự hiện diện của Ngài. Ngài đã sống lại, Ngài không còn chết nữa. Đức Kitô đang mời gọi chúng ta hãy vượt lên cái thực tại hữu hạn để vươn tới cái siêu nhiên, vô hạn ; hãy thoát ra khỏi sự sợ hãi để ra đi loan báo sự Phục sinh của  Ngài.

+ GM Giuse Vũ văn Thiên

Tác giả: Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!