Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Bài Viết Của
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Đêm Hồng Phúc
Phái đoàn Việt Nam tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới
Bật gốc
Đẽo chân theo giày
Mong manh
Đức giám mục Hải Phòng hiệp thông với gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Ngôi mộ trống
Thông báo của Uỷ ban Giới trẻ, HĐGMVN
Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2009 của Giáo phận Hải Phòng
SỨ ĐIỆP CỦA NGÔI MỘ ĐÁ
ƠN GỌI NÊN THÁNH
BÀI GIẢNG LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC TẠI BẮC NINH 07-10-2008
Thư Hiệp Thông của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, GM. Hải Phòng
LỜI THA THỨ

(Suy tư đầu Mùa Chay 2006 – Năm sống Lời Chúa) 

Lịch sử Dân Do Thái ghi lại nhiều lần Israel đã bất trung với Đức Gia-vê. Những lúc gặp thử thách, họ đã quên những gì mà Thiên Chúa đã thực hiện cho họ, kể cả biến cố oai hùng kỳ diệu là cuộc giải phóng khỏi Ai-cập,  (x Xh.  chương 12-14). Không bao lâu sau khi  chứng kiến sự can thiệp hùng mạnh của Thiên Chúa qua cuộc vượt Biển Đỏ, dân Do Thái đã phàn nàn khiển trách Môi-sen. Chỉ vì  thèm “củ hành củ tỏi” mà dân đã kêu trách Chúa. Rồi việc lập bàn thờ tế lễ con bò vàng tại chân núi Si-nai, nơi họ vừa chứng kiến cuộc “thần hiện” uy hùng của Thiên Chúa trong sấm sét vang dậy để ký kết giao ước với người đại diện của dân là Ong Môi-sê. Dân Do Thái quả là một dân khó chiều. Họ dễ quên những ơn huệ Thiên Chúa đã thực hiện để cứu giúp họ.

Trước một dân “ngang bướng” như thế, Thiên Chúa không bỏ rơi họ. Tác giả Cựu ước đã dùng thể văn chương nhân cách hóa để diễn tả Thiên Chúa: Ngài nổi giận, Ngài hối hận vì đã dựng nên con người và đã dẫn đưa họ ra khỏi Ai-cập. Ngài muốn tru diệt họ để thiết lập một dân mới từ Môi-sen,  vị tiên tri được Ngài tín nhiệm và thường gặp gỡ mặt đối mặt.  Và với lời lý luận rất chí tình chí lý của Môi-sen, Chúa đã hủy bỏ ý định trừng phạt ( x.Xh 32, 7-14).         

1- Thiên Chúa là Đấng hay tha thứ

Những người theo lạc giáo Ngộ Đạo ở thế kỷ II, do ảnh hưởng của Nhị nguyên thuyết, cho rằng có một Thiên Chúa của Cựu ước hay giận dữ trừng phạt và một Thiên Chúa của Tân ước là Cha hay yêu thương tha thứ. Thực ra cách trình bày hình ảnh Thiên Chúa trong Mạc khải mang hình thức tiệm tiến, dần dần để đạt tới mức rõ nét trong Tân ước. Nếu Thiên Chúa trong Cựu ước được diễn tả như  một vị thần linh khắt khe, hay trừng phạt, thì Ngài cũng là Đấng nhân từ hay tha thứ. Trong nền văn minh phụ hệ, Thiên Chúa được sánh ví như người Cha mạnh mẽ, đồng thời cũng như người Mẹ dịu hiền: “Có người mẹ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Chúng ta có vô số những trích dẫn trong Cựu ước nhằm chứng minh sự nhân từ hay tha thứ của Thiên Chúa. Ngài không muốn nhớ đến quá khứ của con người: “Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và Ta không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa” (Is 43,25). Ngài mong mỏi chúng ta trở về, từ bỏ con đường trụy lạc để sống trong tình thương. Ngôn sứ Ezechiel còn đi xa hơn nữa khi say sưa diễn tả một ngày mà tình thương Thiên Chúa thực hiện cách tròn đầy: “ Ta sẽ ban tặng các người một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban  tặng các ngươi một quả tim bằng thịt…các ngươi sẽ là dân của Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ez 36,26-27).

Trong Cựu ước, sự tha thứ giữa con người với nhau chưa phải là luật buộc. Người bị xúc phạm có thể trả thù với mức độ cân xứng (Luật Talion, x. Xh 21,23). Tuy vậy. Luật cũng cấm sự ghen ghét. Hơn thế nữa, luật Lê-vi còn dạy hãy yêu thương người khác như chính mình (Lv 19-17-18). Quan niệm về tha thứ được phát triển dần trong Mạc khải của Cựu ước, đến thời Sách Khôn ngoan (thế kỷ thứ nhất trước Chúa Giáng sinh), lời kêu mời tha thứ được nhấn mạnh dựa trên lòng nhân từ của Thiên Chúa (Kn 12,19-22)         

2- Đức Giêsu mạc khải  cho chúng ta về Cha nhân hậu

Nếu trong Cựu ước, tước hiệu “Con Thiên Chúa” chỉ được dùng để chỉ toàn dân Israel, hoặc chỉ các Vua, thì trong Tân ước, Đức Giêsu đã tuyên bố Ngài là Con Thiên Chúa. Điều này đã bị các Kinh sư và Luật sĩ kết luận là lộng ngôn, báng bổ. Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu và hết thảy những ai đón tiếp Đức Giêsu đều được trở nên con Thiên Chúa. Đức Giêsu, Lời Nhập thể của Thiên Chúa, đã diễn tả hình ảnh đích thực của Thiên Chúa Cha qua chính cuộc đời và con người của mình. Thiên Chúa là Cha yêu thương. Ngài làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ cũng như người lành. Ngài làm cho mưa  xuống trên người công chính cũng như kẻ bất nhân. Ngài là Đấng Nhân Hậu, từ bi. Những phẩm tính về Thiên Chúa Cha đã được diễn tả qua các lời giảng dạy, nhất là các dụ ngôn của Đức Giêsu. Hình ảnh người mục tử để 99 con chiên lại để vào rừng tìm một con chiên lạc; hình ảnh người đàn bà đốt đèn tìm đồng bạc đã bị đánh mất; và nhất là dụ ngôn Người Cha nhân hậu trong Tin mừng Thánh Lu-ca đã chứng minh cách tuyệt hảo về tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng luôn mong chờ chúng ta trở về với Ngài để sống trong tình thương. Khi đứa con hư đốn trở về, Người Cha chạy ra đón lúc nó còn ở đàng xa. Ong không để cho nó kể lể sự tình, không cần một công thức lễ nghi, nhưng dường như ông đã quên hết những sự dữ nó làm. Giờ đây trước mặt ông là một đứa con “đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy” (Luc 15,24). Thiên Chúa do Đức Giêsu mạc khải là người Cha, muốn tìm niềm vui  trong sự tha thứ, vui mừng trước sự sám hối của con người. Qủa vậy, Ngài không muốn tội nhân phải chết nhưng muốn nó sám hối trở về (x.Ez 18,23)         

3- Lời Nhập Thể – Lời Tha thứ

Nếu phân tích theo nguyên ngữ, tha thứ, par-don có nghĩa  là “ban tặng một ân huệ cách vui lòng” (gốc từ tiếng la tinh  là per, có nghĩa là cách hoàn hảo và donare, có nghĩa là cho, ban, tặng. Per-dorare – par-don nghĩa là một quà tặng hoàn hảo).  Như thế, tha thứ có nghĩa là cho đi, là ban tặng một món quà giá trị. Quả vậy, khi chấp nhận tha thứ cho một người đã xúc phạm đến mình là chúng ta chấp nhận một hy sinh, chấp nhận cho họ một món quà. Món quà ấy có thể là danh dự của chính chúng ta. Một người xúc phạm đến danh dự của ta, nếu ta tha thứ cho người đó, tức là chúng ta chấp nhận hy sinh chính danh dự của mình, chấp nhận để những người khác hiểu sai về mình, để rồi với thời gian và với sự ngay thẳng hiền hòa của ta, sự hiểu lầm ấy sẽ được giải tỏa.

Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa cho toàn  nhân loại. Theo khái niệm “Par-don” trên đây, thì chính Đức Giêsu đến để nói LỜI THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA. Nói cách khác, Đức Giêsu đến trần gian để đem ơn tha thứ, để nói với những tội nhân rằng: “tội của con đã được tha”. Không ai ngoài Thiên Chúa có thể tuyên bố như vậy, vì không ai có quyền tha tội, trừ Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh và vô tội. Đức Giêsu nhập thể, mặc lấy thân phận con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài tuyên bố năm hồng ân của Thiên Chúa, tuyên bố ơn tha thứ. Thiên Chúa quyền năng có thể phán một lời để tha tội, nhưng Ngài chứng tỏ tình yêu của Ngài qua việc sai Con Một đến trần gian, đến ngục tối  để dẫn các tù nhân ra ngoài ánh sáng và nói với họ rằng: “các anh đã được tự do, đây là thời của hồng ân”. Trong Tân ước, Đức Giêsu được giới thiệu như một thày thuốc chữa bách bệnh bằng quyền uy. Không những chỉ chữa bệnh, Người còn chữa bệnh nhân khỏi tội lỗi, là căn nguyên gây ra bệnh tật. Vì trong truyền thống Thánh Kinh, tội lỗi và bệnh tật đi đôi với nhau. Người ta bị bệnh là do đã phạm tội. Đức Giêsu tha thứ tội lỗi cho con người và cho họ hội nhập vào cuộc sống.

Nếu trong Cựu ước, Ong Môi-sen truyền cho Israel chỉ yêu những người đồng bào, với Đức Giêsu, tình yêu đã trở thành không biên giới. “Tình yêu không có màu sắc”, không còn giới hạn giữa người da trắng hay da đen, nhưng hết thảy mọi người đều đáng quý giá trước mặt Chúa. Ngài biết họ từng người và mỗi người. Giáo huấn của Đức Giêsu còn đưa chúng ta vượt xa hơn nhiều khi Ngài dạy phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Đó là điều chưa ai được nghe trước đó. Chính Người đã làm gương cho chúng ta khi chịu treo trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Nếu từ thuở ban sơ của công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dùng LỜI của Ngài mà sáng tạo nên muôn loài, đến thời sau hết, Ngài đã dùng LỜI ấy để khôi phục bản tính con người đã bị lây nhiễm bởi tội lỗi. Đức Giêsu là LỜI THA THỨ của Thiên Chúa. LỜI phục hồi tình trạng nguyên thuỷ của con người, tình trạng này “đã mất khi phạm tội vì bất phục tùng” (Kinh Tạ ơn IV). LỜI của Thiên Chúa không còn chỉ là âm vang của ngôn ngữ, nhưng đã thành xác phàm để ở giữa chúng ta và đem cho chúng ta ơn tha thứ của Thiên Chúa.         

4- Tha thứ đối với môn đệ Đức Giêsu

Qua lời giảng dạy của Đức Giêsu, sự tha thứ con người dành cho nhau đã trở nên điều kiện để lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Người môn đệ của Đức Giêsu được mời gọi tha thứ vì chính họ cũng đã nhận được ơn tha thứ đến từ Thiên Chúa nhân từ. “Nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mc 11,26). “Anh em hãy yêu thương nhau, như  Thày đã yêu thương anh em” (Ga13,34). Giới luật yêu thương đã trở nên giới răn mới, giới răn của chính Đức Giêsu và là nền tảng cho lối sống của người Kitô hữu. Chúng ta có thể thấy trong Tin Mừng rất nhiều trích dẫn về lời mời gọi hãy yêu thương, hãy tha thứ, hãy ở nhân hậu như  Cha trên trời là Đấng Nhân hậu. Trong kinh “Lạy Cha”, là kinh đã trở thành lời nguyện chung cho tất cả các Kitô hữu, Người dạy chúng ta hãy thân thưa với Chúa Cha: “Xin tha tội cho chúng con,  như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”(Mt 6,12).

Như Thiên Chúa là Đấng Nhân từ, người tín hữu cũng phải có trái tim nhân từ. Theo nguyên nghĩa, chữ “nhân từ”  (gốc Do thái là rahanim) trong tiếng Latinh là misericordia, là âm ghép của chữ  miseria (khốn khổ, thiếu thốn) và cor có nghĩa là “trái tim”. Như vậy, “nhân từ” nghĩa là “có trái tim thương cảm” với tha nhân, với người gặp hoạn nạn. Người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu là người biết thương cảm trước người bị nạn bị đánh nhừ tử nằm bên vệ đường. Thương cảm và nhân hậu không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn bằng hành động thiết thực. Người nhân hậu của xứ Sa-ma-ri-a đã chăm sóc vết thương, đã dẫn người bị nạn vào quán trọ, dặn dò và nhờ cậy chủ quán chăm lo chu đáo. Ong đã “xót xa” trước nỗi khổ của người bị nạn. Trong ngôn ngữ Việt nam, “xót xa” là cảm giác của người bị thương, bị đứt tay chảy máu. “Xót xa” là tâm tình xuất phát từ quan niệm yêu tha nhân như chính mình, người khác bị nạn là chính mình bị nạn, là “thương người như thể thương thân”, là “yêu người như chính mình ta vậy”.

Tha thứ nhiều khi đòi hỏi phải có nhân đức “anh hùng”: “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa…”(Lc 6,29). Tha thứ không có giới hạn, không tính bằng số lượng: “phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).  Tuy vậy, tha thứ không có nghĩa là chấp thuận hay đồng lõa với điều ác mà người khác đã làm, nhưng tha thứ cũng đi đôi với những cố gắng xây dựng sự công bằng và thiết lập trật tự trong gia đình và xã hội. Yêu thương kẻ thù không có nghĩa là a dua với người làm điều xấu, nhưng là lời mời gọi chúng ta đối xử với tâm tình của Đức Giêsu và yêu mến họ như  Thiên Chúa yêu mến. Trong một bầu trời vần vũ rối loạn là cuộc đời này, tha thứ là biết nhìn ngắm thán phục những đám mây xanh, đồng thời không bị những đám mây đen làm vẩn đục tâm hồn.          

Kết luận:

Sứ điệp Đức Giêsu đem đến trần gian là sứ điệp của tình thương hải hà của Thiên Chúa. Tình thương ấy không ngừng ban ơn, tha thứ. Người môn đệ của Đức Giêsu là người biết tha thứ. Sự tha thứ phải được thực thi với lòng nhân hậu, với trái tim biết xót thương. Noi gương Thày mình, Stê-pha-nô, người chứng thứ nhất, đã cầu nguyện trong cơn hấp hối xin tha cho những người giết chết mình. Noi gương Đức Giêsu, chúng ta hãy sống sứ điệp của lòng nhân hậu trong đời sống mỗi ngày. Chủ động có một lời nói, một nụ cười, một cử chỉ, một cái bắt tay đối với người đã làm chúng ta bị tổn thương, đó đã là tha thứ nếu những cử chỉ đó được thực hiện với trái tim chân thành.         

+ Giuse Vũ văn Thiên – GM Hải phòng

Tác giả: Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!