Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Bài Viết Của
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Đêm Hồng Phúc
Phái đoàn Việt Nam tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới
Bật gốc
Đẽo chân theo giày
Mong manh
Đức giám mục Hải Phòng hiệp thông với gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Ngôi mộ trống
Thông báo của Uỷ ban Giới trẻ, HĐGMVN
Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2009 của Giáo phận Hải Phòng
SỨ ĐIỆP CỦA NGÔI MỘ ĐÁ
ƠN GỌI NÊN THÁNH
BÀI GIẢNG LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC TẠI BẮC NINH 07-10-2008
Thư Hiệp Thông của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, GM. Hải Phòng
LỜI SÁNG TẠO

(Suy niệm trong năm Sống Lời Chúa)

Trong bất kỳ nền văn hóa nào, ta đều thấy những huyền thoại về sự tích trời đất. Những huyền thoại này cho thấy con người không ngừng thao thức với những vấn nạn về nguồn gốc của mình. Và, tuỳ theo mỗi nơi mỗi thời, người ta tìm cách lý giải để tìm ra ý nghĩa cuộc đời, điều mà chúng ta gọi là vũ trụ quan và nhân sinh quan của một nền văn hóa.

Cũng trong chiều hướng ấy, những trang đầu của Kinh Thánh nói về sự tích trời đất, sự tích mọi loài và nhất là loài người. Thoáng qua, độc giả có thể nghĩ sự tích trong Kinh Thánh cũng giống như những huyền thoại khác về khởi thuỷ trời đất. Quả thật, tác giả sách Sáng Thế đã mượn những nét văn chương và quan niệm của người đương thời để nói về công trình sáng tạo. Tuy vậy, hãy đọc kỹ những gì được trình bày, chúng ta sẽ thấy có những điểm đặc biệt: Thiên Chúa sáng tạo mọi sự từ hư vô, và Ngài sáng tạo bằng LỜI của Ngài.

1-Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô (creatio ex nihilo )

Trong những trình thuật về sáng tạo của các nền văn hoá miền Trung cận Đông hay ở Việt nam chúng ta, các vị thần đã lấy vật liệu có trước như đất, đá, gỗ mà tạo nên vạn vật. Hơn nữa, chính các ngài trực tiếp dày công lao nhọc để tạo thành thế giới. Công trình sáng tạo còn là một quá trình tranh đấu gian khổ giữa thế giới các vị thần linh để tồn tại và thống trị.

Động từ được dùng trong trình thuật là động từ sáng tạo (nguyên gốc Do thái là ba-ra). Ý nghĩa của động từ này là hành động làm nên một vật mà không cần chất liệu có sẵn. Thiên Chúa sáng tạo mọi sự từ hư vô, từ không không. Nghĩa là Ngài không cần chất liệu gì. Điều này hoàn toàn khác với các truyền thuyết sáng tạo đương thời khác.

Thế giới này được sáng tạo không phải từ chất liệu đã có sẵn. Cũng không phải từ chất liệu là một phần của chính bản thể Thiên Chúa như một số tác giả đã chủ trương. Ngài đã làm cho chúng nên hiện hữu hoàn toàn do sự tự do tuyệt đối của Ngài. Ngài tạo dựng vũ trụ càn khôn không phải vì nhu cầu, nhưng vì tình yêu thương. Qua công trình sáng tạo Thiên Chúa mạc khải tình yêu của Ngài. Như thế, công trình sáng tạo là sự “tự-tỏ-bày-và-hiệp-thông” của Thiên Chúa (auto-communication). Dante đã viết: “chính từ tình yêu của Thiên Chúa mà xuất phát vũ trụ tuyệt vời này”.

2-Thiên Chúa sáng tạo bằng LỜI  của Ngài

Trình thuật sáng tạo trong chương 1 của sách Sáng Thế đã diễn tả Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Ngài ra lệnh cho mọi vật hiện hữu. Nói cách khác, Ngài dùng Lời của Ngài mà sáng tạo mọi vật mọi loài: “Thiên Chúa phán: Phải  có ánh sáng. Liền có ánh sáng” (St 1,3). Trong tiến trình sáu ngày của công trình tạo dựng, Thiên Chúa dùng Lời của Ngài để ra lệnh. Tác giả ghi lại 10 lần “Thiên Chúa phán” và điều này làm cho độc giả Do thái dễ dàng liên tưởng đến Thập Điều trong Luật Giao ước ký kết giữa Thiên Chúa với Dân Ngài trên núi Si-nai, sau khi Dân vừa được dẫn đưa khỏi Ai-cập. Chính nơi đây, Israel có thời gian suy tư về cội nguồn của mình, về thân phận của cả một dân bị đày đọa 430 năm (Xh 12,40). Với họ, luật Giao ước được ban bố trên núi Si-nai là sự cam kết đối với Đấng đã giải phóng và dẫn đưa họ tới bến bờ của tự do. Nếu 10 Lời của Thiên Chúa đã hoàn thành công trình sáng tạo thì nay 10 giới răn của Ngài nhắc nhở và cam kết với con người về những đòi buộc luân lý để dẫn đưa công trình sáng tạo ấy đến hoàn thiện.

Trời đất, con người và vạn vật được tạo thành qua những lệnh truyền của Đấng Tối cao. Tác nhân thực hành những lệnh truyền ấy là LỜI của Thiên Chúa. Qua dòng thời gian của Mạc Khải, chúng ta nhận ra Lời này là chính Đức Giêsu, Lời của Thiên Chúa nhập thể để cứu độ trần gian. Hãy xem tác giả Tin mừng thứ bốn viết thế nào: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời… nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1). “Lúc khởi đầu” của công trình Sáng tạo được ghi trong sách Sáng thế được nhắc lại trong lời tựa của Tin Mừng Thánh Gioan như lời nhấn mạnh đến nguồn gốc và vai trò của Lời: Ngôi Lời là Thiên Chúa và Ngài là tác nhân thực hiện công trình sáng tạo.  Tác giả Jurgen Moltmann đã viết: “Thiên Chúa hoàn thành công trình của mình bằng lời mà Ngài đã thể hiện. Lời sáng tạo là trung gian kế cận giữa Đấng tạo hóa với công trình sáng tạo… Việc Thiên Chúa sáng tạo bằng Lời cho thấy Ngài hoàn toàn tự do đối với công trình sáng tạo” (J Motlmann: Dieu dans la Création, trang 108). Thiên Chúa đã dùng Lời của Ngài để “gọi” vạn vật từ hư vô đến hiện hữu. Không những chỉ “gọi” chúng đến hiện hữu. Thiên Chúa dùng Lời của Ngài để chọn lựa, phân tách ánh sáng khỏi tối tăm,  đất liền khỏi biển cả. Ngài đặt tên cho chúng, chúc lành và khen là tốt đẹp. Thiên Chúa hài lòng về công trình sáng tạo của Ngài. Ngài hài lòng về Lời của Ngài. Lời sau này sẽ hóa thân làm Người, là Con yêu dấu, Đấng luôn làm đẹp lòng Cha (x Mt 3,17; Mc1,11). Đức Giêsu đến trần gian để thi hành Thánh ý Chúa Cha. Việc thi hành ấy hoàn hảo đến nỗi chính Thánh ý Chúa Cha là lương thực và lẽ sống của Người (Ga 4,34).

3- LỜI đã trở nên người phàm

Thiên Chúa không tạo dựng vũ trụ vì nhu cầu của Ngài. Bởi lẽ Ngài là Đấng Toàn Năng. Ngài tạo dựng vì yêu thương. Ngài muốn san sẻ tình yêu từ cung lòng Ba Ngôi cho mọi tạo vật. Mục đích của công trình sáng tạo không chỉ để con người thờ phượng Chúa, nhưng Thiên Chúa muốn cho vinh quang và tình yêu của Ngài tràn ngập nơi gương mặt và tâm hồn con người cũng như nơi mọi tạo vật. Vì vậy, trình thuật về việc tạo dựng con người như một nghi thức long trọng. Thiên Chúa bàn tính,  định ra một kế hoạch trước khi tạo dựng con người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26). Như thế, “linh hồn” chưa hẳn đã là đặc tính nổi bật của con người, vì chính nơi loài động vật cũng có “sinh hồn”. Đặc tính nổi bật của con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Như  J Moltmann viết: “con người là hình ảnh của Thiên Chúa, điều này có nghĩa là Thiên Chúa muốn ghi lại nơi cuộc sáng tạo không phải chỉ là công trình của mình, mà Ngài muốn thấy lại chính mình ở nơi đó. Sự sáng tạo con người giống hình ảnh Thiên Chúa cho thấy Ngài tìm nơi con người sự phản chiếu của chính mình, như trong một chiếc gương, qua đó Ngài thấy chính gương mặt của mình, thấy con người giống như mình” (Sđd, p  109).

Và, một gương mặt nhân loại  đã phản chiếu cách hoàn hảo hình ảnh của Thiên Chúa như Ngài đã muốn từ ban đầu. Gương mặt ấy là chính Đức Giêsu, Ngài là phản ánh của Đấng Vô hình “Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời  quyền năng mà duy trì vạn vật…” (Dt 1,3). Như thế, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa Cha hiện diện nơi trần gian.  Đức Giêsu chính là mẫu mực lý tưởng cho con người mới, con người  do Chính Thiên Chúa tạo dựng và thực sự phản ánh hình ảnh của Ngài. Ngài chính là điểm quy tóm mọi sự, là đích điểm mà con người đang dần dần phấn đấu để đạt tới. Đức Giêsu là Adam mới – hay nói như một số tác giả hiện nay – Ngài là Adam cuối cùng, tức là không có Adam thứ ba hay Adam nào nữa để nhờ đó ơn cứu chuộc được thông ban cho trần gian.

Nếu từ thuở bình minh của công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dùng Lời của Ngài để phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối, phân rẽ nước phía dưới vòm trời và nước phía trên vòm trời, thì hôm nay, chính Đức Giêsu Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể, đang thúc giục mời gọi chúng ta hãy cộng tác với Ngài để ánh sáng của ân sủng, của tình yêu ngời sáng trong cuộc đời, đẩy lui bóng tối của tội lỗi, của ghen tương và ích kỷ.

4-Sáng tạo: một công trình đang tiếp diễn:

Thiên Chúa đã dùng Lời của Ngài để sáng tạo trần gian. Lời từ thuở bình minh ấy vẫn đang âm vang trong cuộc đời này. Mỗi ngày, mỗi phút mỗi giây, Thiên Chúa vẫn đang phán: “Phải có ánh sáng. Liền có ánh sáng…” Bởi lẽ hành động sáng tạo của Thiên Chúa là hành động liên lỉ. Chúa Thánh Thần đang làm cho Lời của Thiên Chúa âm vang trong mọi tạo vật để mọi vật được tiếp tục hoàn thiện mỗi ngày như tầm mức Chúa muốn. Nếu ta so sánh công trình sáng tạo như một cỗ máy, thì Thiên Chúa Cha đã tác tạo nên cỗ máy ấy; Chúa Con là Ngôi Lời làm cho cỗ máy ấy hoạt động. Chúa Thánh Thần chính là năng lượng, là nhiên liệu để cho cỗ máy luôn hoạt động. Hình ảnh được nêu lên trong sách Sáng thế: “Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2) cho chúng ta hình ảnh của một gà mẹ ấp ủ quả trứng chờ đợi ngày nở thành một chú gà con. Vâng, Thần khí của Thiên Chúa vẫn đang ấp ủ vũ trụ này, chờ đợi một ngày quả trứng khổng lồ vũ trụ nở ra, lúc đó toàn thể mọi tạo vật, trong đó có chúng ta được chiêm ngưỡng Thiên Chúa cách nhãn tiền, không còn như trong gương, nhưng mặt giáp mặt. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động để cỗ máy tạo vật được sống động, bởi vì “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay, và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gửi hơi thở tới, chúng được tạo thành...” (Tv 103,29). Một ngày nào đó nếu Chúa Thánh Thần không hoạt động thì mặt trời mặt trăng mất sáng, cỏ cây vạn vật không còn sự sống và con người cũng trở nên bất động. Chính trong Chúa mà chúng ta hiện hữu và sống động.

Công trình sáng tạo là công trình của yêu thương. Thiên Chúa sáng tạo giống như nước thuỷ triều hạ thấp xuống để nhường đất khô cho con người cư ngụ, để muôn vật có đất sinh sống. Với công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã thu bớt mình lại để nhường chỗ cho con người. Ngài cho con người thay mặt Ngài làm chủ mọi loài thọ tạo và qua những cố gắng của con người, những tạo vật được giải thoát khỏi sự dữ, lúc đó vinh quang Thiên Chúa cũng được tỏ hiện nơi mọi vật mọi loài. Mùa Xuân Địa Đàng sẽ được phục hồi và con người lại tiếp tục đàm đạo với Chúa trong làn gió hiu hiu của buổi chiều hôm. Đó chính là mối thân tình giữa chúng ta là tạo vật với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng. Lời đàm đạo giữa buổi chiều hôm thơ mộng ấy được tái lập và thể hiện qua chính Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Ngài là Thày và Anh Cả của chúng ta.

+ Gm. Giuse Vũ văn Thiên, Hải phòng

Tác giả: Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!