Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Bài Viết Của
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Đêm Hồng Phúc
Phái đoàn Việt Nam tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới
Bật gốc
Đẽo chân theo giày
Mong manh
Đức giám mục Hải Phòng hiệp thông với gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Ngôi mộ trống
Thông báo của Uỷ ban Giới trẻ, HĐGMVN
Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2009 của Giáo phận Hải Phòng
SỨ ĐIỆP CỦA NGÔI MỘ ĐÁ
ƠN GỌI NÊN THÁNH
BÀI GIẢNG LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC TẠI BẮC NINH 07-10-2008
Thư Hiệp Thông của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, GM. Hải Phòng
LỜI GIAO ƯỚC (SUY TƯ NHÂN NĂM SỐNG LỜI CHÚA)

Thánh Kinh là cuốn sách kể lại lời giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với con người. Mặc dù rất xa chúng ta về thời gian và không gian, đối với các tín hữu Kitô, giao ước này vẫn luôn mang tính hiện tại. Thiên Chúa là Đấng đã tỏ mình ra cho con người và có sáng kiến kết thân với họ. Ngài đã tỏ mình qua các Tổ Phụ, qua Môi-sen và các Ngôn sứ, rồi sau cùng qua chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Sự tỏ mình trải qua các thời đại này được thực hiện bởi CÁC GIAO ƯỚC. Có một tiến triển từng bước trong việc ký kết Giao ước để đạt tới mức hoàn thiện là GIAO ƯỚC MỚI ký kết trong Máu Đức Kitô Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Như thế, Thiên Chúa đã nhập cuộc, đã tự  hạ mình trở nên đối tác của con người khi ký kết giao ước với họ. Giao ước này cho thấy mối liên hệ thân tình giữa Thiên Chúa với con người, một mối liên hệ đã trải qua những biến cố vui buồn, thất bại, nỗ lực. Đó là một chặng đường dài để vươn tới tình yêu và tự do.            

1- Thiên Chúa: đối tác của con người

Giao ước theo nghĩa chung là mối quan hệ hỗ tương giữa hai đối tác trong lãnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế và xã hội. Nguyên tự  Do thái, Giao ước được dịch bởi chữ berit có nghĩa là “giữa đôi bên – xẻ làm đôi”. Chữ này cũng diễn tả nghi thức thường được cử hành trong các cuộc ký giao ước: xẻ đôi một hy tế (thường là súc vật) qua đó muốn ám chỉ :nếu một bên vi phạm điều cam kết thì cũng sẽ bị xẻ đôi, tức là phải chết như vậy. Cũng có trường hợp giao ước được thực hiện với một vật được cắt đôi, mỗi bên giữ một nửa để làm tin hoặc như một thứ bùa cam kết tuân giữ những gì được giao kèo giữa hai bên. Một văn bản giao ước cổ nhất ngoài Thánh Kinh đã được tìm thấy trong tài liệu cổ của vùng Mari (một thành phố cổ nằm ở tả ngạn sông Euphrate, được khai quật từ năm 1933) nhắc tới việc xẻ đôi một con lừa con để ký kết giao ước giữa bộ lạc Hanéen và người Idamaraz.

Giao ước (berit) có thể được ký kết giữa hai cá nhân (x. St 21,22-32: giao ước giữa Apraham và vua Avimelech); có thể được ký kết giữa hai bộ lạc hay hai dân tộc (2 S. 3,13; 1V 5,26: giao ước giữa vua Salômon và vua Khiram); có khi được ký kết giữa một vua nước lớn với một nước chư hầu. Trong trường hợp này, không có sự cân bằng bình đẳng giữa hai bên ký giao ước. Bên mạnh hơn hứa bảo đảm sẽ đỡ đầu hoặc bảo vệ cho bên yếu thế hơn với một số điều kiện. Giao ước giữa Đức Gia-vê và Israel có thể so sánh với giao ước kiểu này, tức là giao ước giữa một vương quốc với một nước chư hầu.

Với việc Thiên Chúa ký kết giao ước với Dân Ngài, Ngài đã chấp nhận trở nên một “đối tác” với con người. Ngài đòi buộc con người phải thực thi những bổn phận của Giao ước, tức là những gì đã cam kết và Ngài chấp nhận thực thi những gì được cam kết để tỏ bày sự trung tín của Ngài đối với mọi loại thụ tạo. Giao ước đầu tiên trong Thánh Kinh là Giao ước với Ong Nô-ê, sau khi nước Hồng thuỷ đã cạn. Trong Giao ước này, Thiên Chúa đã hứa sẽ không bao giờ tái diễn thảm họa của Đại Hồng thuỷ. Tác giả Thánh Kinh đã dùng thể văn nhân cách hoá để diễn tả Thiên Chúa: Ngài ngửi mùi thơm ngon bay lên từ của lễ toàn thiêu do Ong Nô-ê dâng hiến và tự nhủ: “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa. Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng ta sẽ không bao giờ sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm” (St 8,21). Với việc thiết lập Giao ước với Nô-ê, Thiên Chúa đã đặt ông làm cha của cả một dân tộc mới, dân tộc được tái sinh sau Hồng Thuỷ.            

2- Nét đặc trưng của Giao ước trong Thánh Kinh           

- Dấu hiệu của Giao ước: mỗi khi thiết lập giao ước với con người, Thiên Chúa tạo nên một dấu để nhắc nhớ điều đã cam kết. Cầu vồng xuất hiện trên vòm trời trong Giao ước với Nô-ê vừa để Thiên Chúa nhớ lại Giao ước đã ký kết với mọi sinh vật, mọi xác phàm trên mặt đất, đồng thời cũng là lời nhắc nhở con người hãy chú trọng thực thi những gì do Giao ước đòi buộc. Trong Giao ước ký kết với Abraham, dấu hiệu này chính là nghi thức cắt bì nơi mọi đàn ông con trai thuộc dòng dõi của ông, kể cả những người nô lệ. Phép cắt bì được kể như chính điều tuân giữ giao ước: “đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì” (x St 17,9-14 ); Để ghi nhớ  lời chúc phúc của Thiên Chúa đối với Gia-cóp, ông đã lấy một hòn đá dựng lên làm trụ và xức dầu lên trên. Chính nơi đây, Thiên Chúa đã đổi tên Gia-cóp thành Israel (St 28,18; 36,9-15).

- Lễ vật để ký kết giao ước: những lễ vật này thường là các loài gia súc và các loài chim được coi là thanh sạch (trường hợp Giao ước với Nô-ê, St 8,20). Những lễ vật phải được chọn lựa kỹ càng và đôi khi số lượng mang tính tượng trưng. Với Abraham, Thiên Chúa đã ra những chỉ dẫn cụ thể: “ Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con bê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non” (St 15,9). Trong trường hợp ký kết giao ước tại núi Sinai, lễ vật còn kèm theo lệnh truyền toàn dân phải giữ mình khỏi nhiễm uế ba ngày trước khi ký kết giao ước(Xh 19-10). Máu bò được rảy trên tế đàn và trên dân  như lời cam kết từ hai phía, giống như “uống máu ăn thề” (Xh 24,6).

- Thần hiện (Epiphanie): Mỗi lần ký kết giao ước, Thánh Kinh lại cho chúng ta thấy sự hiển hiện của Thiên Chúa ở một góc độ khác nhau. Có lúc mạnh mẽ và có lúc nhẹ nhàng, có khi trong tiếng sấm ầm ầm vang dậy và cũng có khi  trong làn gió hiu hiu. Ngài tỏ hiện để tuyên bố những điều cam kết, những lời hứa hẹn và động viên: “Hỡi Ap-ram,đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn !” (St 15,1). Trong những lần ký kết giao ước này, Thiên Chúa còn tỏ hiện qua mây, lửa, khói; cùng với tiếng tù và vang dậy. Lửa từ trời xuống thiêu huỷ của lễ như dấu hiệu cho thấy của lễ đó đẹp lòng Chúa và được Ngài chấp nhận.           

3- Bộ Luật Giao ước

Bộ luật Giao ước, đó là khái niệm của Thánh Kinh để chỉ Giao ước Thiên Chúa đã ký kết với Israel qua trung gian Ong Môi-sen trên núi Sinai. Sau khi chứng kiến Thiên Chúa đã giải phóng dân Ngài bằng cánh tay hùng mạnh, Dân Do Thái khiếp sợ, tâm phục khẩu phục đối với Môi-sen và không dám xầm xì trách móc nữa. Tháng thứ ba sau khi ra khỏi Ai-cập, Thiên Chúa đã ký kết Giao ước này. Những chương 20-34 trong sách Xuất hành ghi lại những điều luật của Giao ước này. Nội dung của Giao ước gồm những điều liên quan đến Luật tế tự, tôn giáo và luân lý xã hội. Những điều khoản liên quan đến công bằng trong Luật Giao ước có nhiều điểm tương đồng với những bộ luật Đông phương thời cổ xưa như bộ lạc Hammurabi, người Asryria và Hê-tê.

Bộ luật Giao ước được “dạo đầu” bằng Mười Điều răn, như những điều chính Thiên Chúa đã long trọng tuyên bố. Có hai trình thuật về Mười Điều răn:  Xh 20,2-17 và Đnl 5,5-21. Mặc dù có một số dị biệt giữa hai trình thuật, nội dung của Mười Điều răn có thể chia ra ba phần: cấm thờ phượng các thần và ngẫu tượng ngoài Thiên Chúa; lệnh truyền tuân giữ ngày Sa-bat; một chuỗi những lời dạy về trách nhiệm tôn trọng tha nhân.

Những lệnh truyền và tuyên bố này đặt trên nền tảng Thiên Chúa là Đấng đã đưa dân Do thái ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Đối với mọi người Israel, biến cố ra khỏi Ai-cập và vượt qua biển đỏ là bước ngoặt lịch sử quan trọng làm cho Dân “kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa và tin vào Ong Môi-sen, tôi trung của Người” (Xh 14,31). Quả vậy, nếu Thiên Chúa có ra những lệnh truyền, những đòi buộc là vì Ngài là Đấng đã giải phóng dân, đã cứu dân ra khỏi nô lệ. Công thức : “Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập” còn được sử dụng nhiều lần trong Cựu ước. Đó chính là lý do qua đó Thiên Chúa truyền lệnh và  dân có bổn phận phải nghe Lời Ngài. Với Luật Giao ước, Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa sáng tạo, mà còn là Đấng giải phóng. Chân lý này được triển khai sâu sắc hơn sau này trong giáo huấn của các Ngôn sứ. Nếu Thiên Chúa đòi buộc Israel phải trung thành, phải đi theo lệnh truyền của Ngài, là vì Ngài là Đấng đã tạo thành và cứu thoát họ.           

4- Giao ước mới trong Đức Kitô

Ý niệm cứu thoát được thể hiện rõ nét hơn nữa qua Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập thể. Trong mộng báo với Giuse, sứ thần  đã cắt nghĩa tên của Hài nhi sắp được thụ thai trong lòng Đức Maria: “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Đức Giêsu đến để thiết lập giao ước mới. Bản thân Người chính là giao ước giữa Thiên Chúa với loài người. Bởi lẽ những gì cần nói với con Người, Thiên Chúa nói qua Đức Kitô. Sự “đồng-hiện-hữu” của thiên tính và nhân tính nơi Đức Giêsu Kitô cho thấy nơi Người một “berit” hoàn hảo. Trong Người, Thiên Chúa đã ký kết một giao ước. Giao ước này không chỉ được ký kết qua nghi thức lễ tế một con vật hay máu bò như thời Cựu ước, nhưng là chính máu của Con Thiên Chúa. Qua hy tế của Đức Giêsu trên thập giá, Thiên Chúa đã huỷ bỏ bản án nguyên tội để thiết lập một giao ước hòa bình với con người. Trong Máu Đức Giêsu, con người tìm lại được ơn tha thứ và giao hòa. Cây Thập giá đã liên kết trời với đất (chiều dọc) và đất với đất (chiều ngang) để thiết lập mối thân tình giữa Thiên Chúa với con người và xây dựng một thế giới huynh đệ, bốn bể là anh em. Bàn thờ của Giao ước mới chính là Thập giá Đức Kitô (x. Sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo, số 1182). Các tác giả Phúc âm đều trình bày bữa tiệc ly như bữa tiệc ký kết giao ước mới trong máu Đức Kitô. Chính Người đã tuyên bố điều ấy: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thày, máu Giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,27-28). Tác giả Luca còn ghi rõ ràng: “chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thày, đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Như vậy, Giao ước cũ đã hết thời để nhường chỗ cho giao ước mới: Phụng vụ xưa phải được thay, này đây nghi lễ mới (kinh Tantum Chầu Thánh Thể). Tác giả thư  Do Thái sau này đã suy tư về vấn đề này: “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình. Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vậy nếu máu các con dê, con bò….còn thánh hóa được họ, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy… Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (x.Dt 9, 12-14).           

5- Dân của Giao ước mới

Nhờ bí tích Thanh tẩy, chúng ta được tháp nhập vào dân Israel mới, dân của Giao ước. Bởi lẽ máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá không những hòa giải Thiên Chúa với con người mà còn hòa giải người Do thái với dân ngoại. Là dân ngoại, chúng ta được trở nên đồng thừa tự với Đức Kitô, được trở thành con cái Abraham trong đức tin. Phaolô đã quả quyết điều này như sau: “vậy trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở thành những người ở gần” (Ep 2,13).

Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã diễn giải rõ ràng khái niệm Dân Thiên Chúa (số 782): Dân này có thủ lãnh là chính Đức Kitô. Luật của Dân mới là giới răn yêu thương. Luật này là Luật mới của Chúa Thánh Thần. Là thành phần của Dân  Thiên Chúa, chúng ta có sứ mạng trở nên muối đất và ánh sáng thế gian (x. Mt 5,13-16) để đem ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Phụng vụ Kitô giáo được gọi là “Phụng vụ của Giao ước mới”, vì Phụng vụ này nhằm đưa con người đến gặp gỡ Đức Kitô và Giáo hội của Người, đồng thời nhắc nhở chúng ta hãy xây dựng mối hiệp thông nhờ được nuôi dưỡng bởi cùng một Bánh và cùng một Chén là Mình và Máu Đức Kitô, Máu của Giao ước mới.

Thông thường, khi nói đến lời Giao ước trong Giáo hội, chúng ta nghĩ ngay đến những cam kết trong đời sống tu trì của các Linh mục, Tu sĩ. Thực ra, mỗi người chúng ta đã cam kết với Chúa khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy. Chúng ta tuyên thệ từ bỏ ma quỷ, từ bỏ tội lỗi và những hành động xấu xa. Chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi và Giáo hội của Ngài. Khi tuyên xưng như vậy, mỗi người chúng ta đã ký kết MỘT GIAO ƯỚC với Thiên Chúa. Những cam kết của đời sống Linh mục và Tu sĩ là cam kết dấn thân để thực hiện sứ mênh của Bí Tích Thanh Tẩy cách triệt để hơn, nhằm “theo đuổi Đức Mến trọn hảo qua các lời khuyên Phúc Âm, nhằm tình nguyện đi theo Đức Kitô với một tinh thần tự do thanh thản hơn để sống tận hiến cho Thiên Chúa” (x.Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 1). Đi theo Đức Kitô là hòa mình vào truyền thống của các Giao ước đã được thực hiện trong lịch sử Cứu độ để tìm ra lẽ sống cho mình.

Như vậy, mỗi người chúng ta đều tìm thấy gương mặt và vị trí của mình trong suốt chiều dài của những Giao ước Thiên Chúa đã ký kết. Lời Chúa là Lời của Giao ước. Mỗi khi đọc Lời Chúa là chúng ta làm sống lại những Lời Hứa, những Lời Cam Kết từ phía Thiên Chúa, đồng thời nhắc nhở chúng ta hãy làm gì để trung thành với những điều chúng ta đã giao ước với Ngài.

+ Gm. Giuse Vũ Văn Thiên – Mùa Chay Thánh 2006

Tác giả: Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!