Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Đan Vinh, HHTM
Bài Viết Của
Lm. Đan Vinh, HHTM
ĐỂ NÊN MỤC TỬ NHÂN LÀNH NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU
LẠY CHÚA, XIN Ở LẠI VỚI CHÚNG CON
LÒNG THƯƠNG XÓT - PHƯƠNG THẾ HỮU HIỆU ĐỂ LÀM CHỨNG CHO CHÚA
ĐỨC GIÊ-SU PHẢI TRỖI DẬY TỪ CÕI CHẾT
SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH
ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN
SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH
ĂN NĂN SÁM HỐI VÀ VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ ĐI THEO CHÚA
HÃY YÊU NHƯ THẦY
CON ĐƯỜNG VINH QUANG NGANG QUA THẬP GIÁ
TIN VÀO ĐỨC GIÊ-SU ĐỂ ĐƯỢC SỐNG LẠI VÀ SỐNG ĐỜI ĐỜI
XIN MỞ MẮT ĐỨC TIN ĐỂ VỮNG BƯỚC ĐI THEO CHÚA
TRỞ NÊN MẠCH NƯỚC BAN ƠN CỨU ĐỘ ĐỜI ĐỜI
THỜI GIAN THUẬN TIỆN ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI NÊN TỐT
XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ
CHAY TỊNH VÀ LÀM VIỆC LÀNH TRONG KHIÊM HẠ
HÃY YÊU KẺ THÙ VÀ LÀM ƠN CHO KẺ GHÉT MÌNH
KIỆN TÒAN LUẬT MÔ-SÊ BẰNG LUẬT MỚI YÊU THƯƠNG
TRỞ THÀNH MUỐI ƯỚP CHO ĐỜI VÀ ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN
PHÚC THAY AI CÓ TÂM HỒN NGHÈO KHÓ
TÍCH CỰC CHIẾU SÁNG TIN MỪNG CỨU ĐỘ CHO THA NHÂN
HIỆP SỐNG TIN MỪNG CÁC NGÀY LỄ TẾT 2023
KẾT HIỆP VỚI CHIÊN THIÊN CHÚA THI HÀNH SỨ MỆNH CỨU ĐỘ
SỐNG TÌNH CON THẢO VỚI CHÚA CHA
THÀNH ÁNH SAO LẠ DẪN ĐƯỜNG CHO THA NHÂN
ĐỨC MA-RI-A LÀ MẸ CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI
XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HOÀ HỢP HẠNH PHÚC
HÃY THẮP LÊN NGỌN LỬA YÊU THƯƠNG NƠI THA NHÂN
GÓP PHẦN CHIA SẺ NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ
TIN MỪNG CHO TOÀN DÂN
SỐNG CÔNG CHÍNH ĐỂ CHUẨN BỊ ĐÓN ĐẤNG EMMANUEN
THI HÀNH SỨ VỤ TIỀN SỨ CHO CHÚA NHƯ GIO-AN TẨY GIẢ
SÁM HỐI ĐỂ CHUẨN BỊ TÂM HỒN ĐÓN CHÚA ĐẾN
HÃY TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN
TÔN VINH VUA GIÊ-SU TRONG CUỘC SỐNG ĐỨC TIN
TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT
LÀM GÌ ĐỂ CHUẨN BỊ ĐÓN CHỜ CHÚA LẠI ĐẾN?
TƯỞNG NHỚ CẦU NGUYỆN CHO TIỀN NHÂN (LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN)
NÊN THÁNH GIỮA ĐỜI THƯỜNG (LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 01/11)
SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA TÌNH THƯƠNG
GIỮ MÌNH TRÁNH MỌI THỨ THAM LAM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN C

Gv 1,2; 2,21-23 ; Cl 3,1-5.9-11 ; Lc 12,13-21

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 12,13-21

(13) Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. (14) Người đáp : “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?” (15) Và Người nói với họ : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam. Vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”. (16) Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này : “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, (17) mới nghĩ bụng rằng : “Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu ! (18) Rồi ông ta tự bảo : “Mình sẽ làm thế này : phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. (19) Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng : Hồn ta hỡi. Mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !”. (20)  Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : “Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?” (21) Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó”.

2. Ý CHÍNH : Một chàng thanh niên đến yêu cầu Đức Giê-su can thiệp để anh trai phải chia gia tài cho anh, nhưng Người đã từ chối can thiệp. Nhân dịp này Người đã dạy mọi người phải tránh thói tham lam ích kỷ, cũng đừng trông cậy tiền bạc sẽ bảo đảm cho tương lai đời mình. Rồi Đức Giê-su kể ra dụ ngôn về một người giàu có chỉ lo thu tích của cải để làm giàu cho bản thân. Điều đó thật dại khờ ! Vì chính lúc anh ta tưởng của cải sẽ bảo đảm cho tương lai mình sẽ được an nhàn hưởng thụ, lại là lúc cái chết thình lình ập đến. Thế thì tài sản anh ta tích trữ kia sẽ về tay ai ? Cuối cùng Người kêu gọi mọi người hãy lo làm giàu về nhân nghĩa có giá trị trước tòa Chúa phán xét sau này.

3. CHÚ THÍCH :

- C 13-15 : + “Xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi” : Luật Mô-sê qui định : trong việc thừa kế, chỉ con trai mới được chia gia tài. Trưởng nam được hưởng trọn phần di sản về bất động sản như đất đai nhà cửa, và còn được gấp đôi phần động sản như tiền bạc, hoa màu... nữa (x. Đnl 21,17). Vậy có một người anh cả kia sau khi cha chết đã chiếm hết tài sản cha để lại và không chia cho người em phần nhỏ bé mà lẽ ra anh ta được hưởng. Thời Đức Giê-su người Do thái thường yêu cầu một luật sĩ đứng ra làm trọng tài khi có sự tranh chấp về luật pháp. + Ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ? : Tuy “là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Cv 10,42), nhưng Đức Giê-su đã từ chối can thiệp về việc chia gia tài này, vì điều cấp bách mà Người phải lo chu toàn là đi lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, nên Người không muốn mất thì giờ vào việc riêng cá nhân, vốn thuộc thẩm quyền của các đầu mục Do thái (x. Xh 2,14). + Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam... : Tuy từ chối can thiệp, nhưng Đức Giê-su không nhắm mắt làm ngơ. Nhân dịp này Người nêu quan điểm về thái độ người ta phải có đối với tiền bạc của cải là: phải tránh lòng tham và đừng tin vào sự bảo đảm của tiền bạc cho tương lai đời mình.

- C 16-19 : + Có một nhà phú hộ kia : Dụ ngôn cho thấy ông phú hộ đã thành công trong công việc làm ăn. Ông mở rộng thêm nhà kho để tích trữ thóc lúa dư thừa cho an toàn. + Ta sẽ nhủ lòng : đồng nghĩa với : “Tôi sẽ bảo hồn tôi”. Danh từ “hồn” có nghĩa là một con người sống động.+ Cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã ! : Của cải vật chất đã tác động làm cho ông nhà giàu không những chi lo làm giàu, mà còn dẫn ông ta đến chỗ ăn chơi sa đọa và lười biếng làm việc, đồng thời trông cậy số tài sản lớn lao đã tích trữ được kia sẽ bảo đảm cho tương lai cuộc đời của mình.

- C 20-21 : + Đồ ngốc : Cựu ước dùng kiểu nói “ngốc, ngu dại” để ám chỉ những người chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa như lời Thánh vịnh đã viết : “Kẻ ngu si tự nhủ: Làm chi có Chúa Trời” (x. Tv 14,1). Người phú hộ này được coi là kẻ ngu dại, vì đã lãng quên Thiên Chúa, do quá bon chen tìm kiếm của cải vật chất. + Nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi : Có nghĩa là đêm nay Thiên Chúa sẽ gọi ngươi ra khỏi thế gian bằng cái chết. + Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ? : Thiên Chúa mới là chủ của sự sống và sự chết chứ không phải tiền bạc. Của cải trần gian không thể bảo đảm cho người ta được sống mãi. Khi chết thì cả người anh giàu có khờ dại và đứa em nghèo khó đều không thể mang tiền đó sang thế giới bên kia được. Như thế : Lòng tham lam và sự tích trữ của cải là một hành động khờ dại và vô ích ! + Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó : Đức Giê-su nhắn nhủ về việc sử dụng của cải. Nếu dùng của cải để hưởng thụ một mình thì sẽ bị trắng tay khi giờ chết đến. Nhưng nếu dùng của cải để làm việc thiện, quảng đại chia sẻ cơm áo cho người nghèo đói, thì đó là cách để làm giàu trước mặt Thiên Chúa và sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh hằng đời sau (x. Lc 12,33; 18,22; 16,9; Mt 25,40).

4. CÂU HỎI : 1) Tại sao người em lại yêu cầu Đức Giê-su can thiệp để người anh chia gia tài cho mình ? 2) Đức Giê-su đã từ chối can thiệp về việc chia gia tài này vì lý do gì ? 3) Đức Giê-su đã khuyên bảo thế nào về thái độ phải có đối với tiền bạc của cải trần gian ? 4) Tại sao Đức Giê-su gọi kẻ chỉ biết thu tích của cải và trông cậy vào giá trị của tiền bạc là “đồ ngốc” ? 5) Người muốn chúng ta dùng của cải trần gian thế nào để được hạnh phúc ?

I. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21).

2. CÂU CHUYỆN :

1) LÒNG THAM KHÔNG ĐÁY :

TOLSTOI kể rằng một bác nông dân kia tên là Pakhom rất thích có một mảnh đất làm tài sản riêng. Sau một thời gian làm lụng cực nhọc, anh ta rất mừng khi tậu được một mảnh đất rộng tới 40 mẫu tây. Nhưng rồi sau đó, anh lại muốn sở hữu một mảnh đất khác rộng hơn. Anh liền chịu khó làm lụng vất vả, rồi bán đi mảnh đất cũ, cộng thêm tiền để dành, và cuối cùng đã mua được một mảnh đất 80 mẫu tây. Nhưng anh vẫn chưa cảm thấy thoả mãn, muốn có một mảnh đất khác rộng hơn nữa. Có người mách bảo rằng ở vùng bên kia núi có một bộ lạc mà dân chúng sống rất đơn giản, họ có rất nhiều đất, ai muốn mua bao nhiêu cũng được. Ngay sáng hôm sau, anh nông dân liền đi sang vùng đất phía bên kia núi. Vị tù trưởng bộ lạc nói : "Anh chỉ cần đặt cọc trước 1000 rúp là có thể sở hữu được vùng đất mà anh đi vòng quanh được trong ngày hôm đó. Nhưng phải nhớ kỹ điều kiện này là phải xuất phát từ 6 giờ sáng và đến đúng 6 giờ chiều phải quay trở lại điểm đã xuất phát. Nếu về không kịp một giây thì không những anh sẽ không được gì mà còn mất trắng luôn số tiền đã đặt cọc 1000 rúp kia nữa !"

Đêm hôm đó anh nông dân cảm thấy thật sung sướng không sao ngủ được. Vừa rạng sáng anh đã có mặt để nhờ người đánh dấu điểm xuất phát rồi bắt đầu đi. Càng đi anh càng sung sướng khi nhìn thấy phần đất của mình mỗi lúc một rộng ra thêm. Anh cứ đi và đi mãi quên cả dừng lại dọc đường để nghỉ ngơi ăn uống. Khi thấy mặt trời bắt đầu xuống núi anh liền hốt hoảng quay trở về. Nhưng vì đã đi quá xa sợ về không kịp nên anh cắm đầu chạy. Khi chạy về tới điểm đã xuất phát thì anh bị ngã gục xuống. Vị tù trưởng đến chúc mừng : "Xin chia vui với anh. Từ trước tới nay tôi chưa gặp được người nào đi xa được như anh. Anh hãy nhận phần đất của anh". Nhưng người nông dân kia đã không thể đứng dậy được nữa để nhận lấy phần đất của mình, vì anh đã chết !

2) TỪ “MỘT TÊN SÁT NHÂN” TRỞ THÀNH ĐẠI ÂN NHÂN CỦA THẾ GIỚI.

Cách đây khá lâu, vào một buổi sáng sớm, khi mở mấy tờ báo hằng ngày ra đọc, ON-PHIT NÔ-BƠN (Alfred Nobel) vô cùng sửng sốt khi thấy trên nhiều tờ báo hằng ngày có số phát hành rất lớn, đã đồng loạt đưa tin về cái chết của ông với những hàng tít trên trang nhất, kèm theo những lời bình luận đầy ác cảm đối với ông. Họ dùng những từ có tính bôi nhọ, hạ nhục cá nhân như : “Nô-bơn, ông vua cốt mìn đã chết !”, “Tên đồ tể Nô-bơn đã bị tiêu đời !”, “Nô-bơn, một tên sát nhân đã chế tạo các thứ vũ khí giết người hàng loạt giờ đây không còn nữa !”... Sau đó dư luận mới té ngửa ra rằng : người chết không phải là Nô-bơn nhưng là người anh ruột có tên gần giống với tên ông. Mặc dù các tờ báo kia sau đó đã phải đính chính và xin lỗi về việc loan tin thất thiệt. Nhưng dù sao các bài bình luận đó cũng là một cú “sốc” đối với Nô-bơn. Nó đánh thức lương tâm khiến ông phải suy nghĩ tự hỏi : “Tại sao báo chí lại coi ta là một tên đồ tể giết người như vậy ? Tại sao dư luận lại ác cảm và thù hận ta như thế ? Tại sao chẳng thấy ai nói một lời an ủi thông cảm và lấy làm tiếc về cái chết của ta ?” Sau thời gian này, Nô-bơn đã quyết định phải thay đổi hình ảnh xấu dư luận đang có về mình. Ông đã nhờ luật sư lập tờ di chúc để trao tặng toàn bộ số tài sản kếch sù gửi trong ngân hàng, số tiền ông kiếm được nhờ bán các phát minh khoa học về cốt mìn cho chính phủ. Từ đó mỗi năm một ủy ban quốc tế đã lấy ra số tiền lời, chia thành 5 phần thưởng có giá trị lớn để trao tặng cho những người có công phát minh về các lãnh vực: hòa bình, vật lý, hóa học, y học và văn chương. Nô-bơn đã thành công trong việc sử dụng tiền của vào việc tốt. không những làm cho ông lấy lại quân bình về tinh thần, mà nó còn giúp ông biến đổi dư luận đang coi ông là “một tên đồ tể giết người”, để công khai nhận ông là một vị đại ân nhân của nhân loại.

3) VỀ BA NGƯỜI BẠN THÂN CỦA CHÚNG TA :

Một người kia có 3 người bạn, trong đó hai người là bạn rất thân còn người thứ ba chỉ là bạn thân bình thường. Nhưng rồi đến một ngày nọ, ông ta bị quân lính đến bắt và bị đưa ra trước quan tòa. Ông ta liền xin 3 người bạn thân kia đi theo ra trước tòa án biện hộ cho mình. Nhưng anh bạn thân thứ nhất liền từ chối và dứt khoát không chịu đi theo ông, viện cớ đang bận nhiều công việc không thể đi được. Anh bạn thứ hai thì bằng lòng đi theo ông, nhưng khi đến nơi, anh ta liền dừng lại không dám theo ông vào nghe tòa xử. Chỉ có anh bạn thứ ba tuy không được ông mấy yêu thích, nhưng đã tỏ thái độ trung thành khi sẵn sàng ra trước tòa án để biện hộ cho ông cuối cùng được trắng án và còn được ban thưởng nữa.

Mỗi người chúng ta cũng có ba người bạn giống như người trong câu chuyện trên : Anh bạn thứ nhất là Tiền Bạc Của Cải: Khi chúng ta chết, anh bạn Tiền Bạc này lập tức bỏ rơi chúng ta, chỉ để lại cho chúng ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Anh bạn thứ hai chính là các Thân Bằng Quyến Thuộc. Họ yêu thương khóc lóc tiễn đưa chúng ta ra tới nghĩa trang, nhưng sau đó đã quay về nhà. Chỉ duy anh bạn thứ ba là các Việc Lành Phúc Đức. Chúng sẵn sàng đi theo chúng ta ra trước tòa Chúa phán xét và cầu xin cho chúng ta được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.

4) THAM THÌ THÂM :

Người ta kể rằng ở miền rừng núi, dân Thượng có một lối bẫy khỉ rất đơn giản. Họ làm một cái lồng có nhiều lỗ nhỏ vừa tay con khỉ. Rồi họ buộc lồng vào một gốc cây và bỏ vào đó ít hạt bắp rang. Các chú khỉ ngửi mùi bắp thơm thì thò cả hai tay vào bốc. Lúc đó người bẫy khỉ ngồi xa xa cứ việc tiến lại bắt chú khỉ. Con khỉ cuống cuồng muốn thoát chạy nhưng không được, vì hai tay còn đang nắm chặt hai nắm hạt bắp.

5) ỨNG XỬ THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC ? :

Một ngày nọ, vua Nghiêu đi tuần thú đất Hoa, viên quan địa phương ra nghênh đón và chúc vua rằng : “Xin chúc nhà vua sống lâu”. Vua Nghiêu nói : “Đừng chúc thế !” Viên quan lại chúc : “Chúc nhà vua giàu có”. Vua Nghiêu lại nói : “Đừng chúc thế”. Viên quan chúc nữa : “Xin chúc nhà vua đông con trai”. Vua Nghiêu lại nói : “Đừng chúc thế”. Quan lấy làm lạ mới hỏi nhà vua : “Sống lâu, giàu có, đông con trai, ai cũng thích cả, sao nhà vua chẳng muốn ?” Vua Nghiêu đáp : “Đông con trai thì sợ nhiều. Giàu có thì việc nhiều. Sống lâu thì nhục nhiều. Ba điều ấy không mang lại nhân đức nên ta từ chối.

Viên quan tâu : “Nhà vua nói thế thực là bậc quân tử.

Nhưng trời sinh ra mỗi người phải có một việc : Nếu đông con trai, hãy cắt đặt mỗi người một nhiệm vụ thì có lợi chứ có gì mà sợ ?

Giàu có mà đem phân phát cho người nghèo thì việc gì phải lo ?

Ăn uống chừng mực, thức ngủ điều độ, lòng luôn thanh thản. Vui cái vui của thiên hạ, trăm tuổi nhắm mắt về trời. Một đời chẳng gây tai họa gì, thì có gì là nhục ?”

Đứng trước tiền của, người ta có những thái độ rất khác nhau : Vua Nghiêu vì quá thận trọng nên chỉ nhìn thấy mặt trái của đồng tiền, nên của cải không sinh ích gì cho ông. 

6) HÃY QUẢNG ĐẠI CHO ĐI CỦA CẢI NGAY LÚC CÒN ĐANG SỐNG :

Có một người nọ rất giàu có và có lòng thương người nghèo. Ông đã làm di chúc trao phân nửa tài sản lớn lao của ông cho công việc từ thiện. Tuy vậy ông vẫn không cảm thấy hạnh phúc vì đi đâu cũng chỉ nhận được những cái nhìn soi mói, coi thường và khinh miệt của người chung quanh. Ông liền tìm đến hỏi một người nổi tiếng là khôn ngoan : “Tôi bị nhiều người coi thường và khinh miệt. Họ cho tôi là người keo kiệt bủn xỉn ? Họ đâu biết rằng tôi đã làm di chúc hiến phân nửa gia tài làm công việc từ thiện”.

Để trả lời, nhà khôn ngoan kể cho ông một câu chuyện như sau : Một chú heo than thở cùng chị bò cái : “Tôi cũng như chị, chúng ta cống hiến thịt mình cho loài người. Nhưng tại sao họ lại tỏ ra thân thiện với chị và khinh thường xa lánh tôi ?” Ngẫm nghĩ giây lát, chị bò cái trả lời : “Cả hai chúng ta đều cống hiến thịt mình làm thức ăn cho loài người sau khi chúng ta chết. Còn bây giờ họ tỏ vẻ quí mến tôi hơn chú, có lẽ là do tôi đã cho họ được uống sữa tươi mỗi ngày”.

3. THẢO LUẬN : Có hai cách sử dụng đồng tiền : Nếu dùng tiền của cách ích kỷ thì ta sẽ bị mất sự sống ở đời sau. Ngược lại nếu biết dùng tiền của đời này cách bác ái vị tha thì ta sẽ có cuộc sống vĩnh hằng sau này. Vậy bạn sẽ sử dụng tiền bạc thế nào để mang lại lợi ích thực sự cho mình ?

4. SUY NIỆM :

1) GIỮ MÌNH KHỎI MỌI THỨ THAM LAM 

Nhân có người yêu cầu Đức Giê-su can thiệp để người anh ruột chia gia tài cho anh ta. Người trả lời : “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?”.  Nhân dịp này Người đã kể dụ ngôn về một nhà phú hộ đã lo làm giàu rồi lo phải hưởng thụ thế nào số tài sản đã kiếm được… để dạy mọi người phải tránh thói tham lam ích kỷ như sau :

-Thói tham lam : Lòng tham của nhà phú hộ biểu lộ qua sự tính toán làm giàu. Tính toán để làm tăng thêm lợi nhuận tiền bạc qua câu nói : “Ta sẽ phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó”.

-Thói ích kỷ : Lẽ ra nhà phú hộ có thể làm được biết bao việc tốt cho tha nhân với số tài sản lớn lao đó như : giúp đỡ những người nghèo khổ sống bên cạnh nhà ông, tăng lương cho những người làm công cho ông; Đóng góp xây dựng trường học tại địa phương để trẻ em có nơi học hành tử tế; Góp phần tu bổ hội đường của làng mà ông đang ở cho khang trang tốt đẹp hơn...  Nhưng ông đã không làm như thế, mà chỉ quan tâm dùng tiền để thỏa mãn lạc thú ích kỷ qua sự suy nghĩ như sau : “Thôi, hãy cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !”

2) GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA TIỀN BẠC LÀ GÌ ? :

a) Người ta thường gán cho tiền bạc nhiều giá trị cao quý như sau :

- “Đồng tiền liền khúc ruột” và “Của đau, con xót” …

- “Có tiền mua tiên cũng được” hoặc “Kim ngân phá lề luật”.

- “Đồng tiền là Tiên là Phật; Là sức bật của tuổi trẻ; Là sức khỏe của tuổi già; Là cái đà danh vọng; Là cái lọng để che thân; Là cán cân của công lý; Là đồng chí thật thân thương; Là đồng hương rất thân cận; Là thời vận tuổi thanh xuân…

Tóm lại tiền bạc được coi là nguyên nhân cho người ta được vui mừng hạnh phúc !

b) Nhưng Lời Chúa dạy hôm nay lại không dạy như thế ! :

- Sách Giảng Viên trong bài đọc I đã nhắn nhủ về giá trị chóng qua của đồng tiền : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”.

- Trong bài đọc II, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu khi nhờ bí tích Rửa Tội trở nên thụ tạo mới, được mặc lấy Đức Ki-tô và thuộc về Người thì : “Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.

- Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su cũng dạy : “Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”. Vì những kẻ giàu có mà thiếu lòng nhân ái thì thật khờ dại như lời Chúa phán với tên phú hộ trong dụ ngôn : “Đêm nay người ta sẽ đến đòi linh hồn ngươi thì lúc đó những của cải ngươi tích trữ kia sẽ để lại cho ai ?”.

- Thánh Phao-lô đã khuyên đồ đệ Ti-mô-thê và cũng là khuyên chúng ta hôm nay như sau : “Chúng ta đã chẳng mang gì vào trong thế gian, và chúng ta cũng không thể mang bất cứ cái gì ra khỏi đó” (1 Tm 6,7).

3) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ? :  

- Hành trang cần mang theo khi chết : Một vị thừa sai tại Phi châu cũng cho biết như sau : Có một số dân tộc Phi châu hiện vẫn giữ tục lệ này : Khi một người trong bộ lạc chết, trước khi liệm xác vào quan tài, họ sẽ lột bỏ tất cả y phục kẻ đó đang mặc rồi mới đem đi chôn. Tục lệ này nói lên sự thật này là : chúng ta sẽ rời bỏ thế gian mà không mang theo được gì như tiền bạc châu báu và mọi thứ khác !

- Đừng ăn cắp tiền của người nghèo : Thánh Tô-ma A-qui-nô quả quyết “Những người giàu đã đánh cắp của người nghèo khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa”. Có thể nói, chúng ta đánh cắp của người nghèo khi chúng ta thu lợi quá mức trên sức lao động của kẻ khác; Khi chúng ta giữ lại đồ đạc tiện nghi mà chẳng bao giờ dùng đến; Khi chúng ta ăn chơi, mua sắm hoang phí giống như ném tiền qua cửa sổ. Thánh Ba-si-li-ô nói : “Tấm bánh mà bạn giữ lại là của người đang đói khát, chiếc áo mà bạn cất trong va-li là của kẻ không có đủ quần áo che thân”.

- Hãy biến đồng tiền vật chất thành đồng tiền thiêng liêng đời sau : Chúng ta cần ưu tiên “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” bằng cách :

Quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người nghèo đói bệnh tật, như lời Chúa phán : “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6,20). Đến ngày tận thế, Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ xét xử chúng ta dựa vào những việc bác ái chúng ta đã làm cho tha nhân như sau : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu , các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta ” (Mt 25,34-36.40).

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con “mưa thuận gió hòa”, cho con người biết nghĩ tới nhau và biết chia sẻ cho nhau đáp ứng các nhu cầu cần thiết. Xin Chúa soi sáng cho người giàu biết thực hành Lời Chúa hôm nay để biết làm giàu cả về phần thiêng liêng, bằng cách quan tâm chia sẻ cơm áo vật chất cho những người đói khổ bất hạnh. Xin cho người nghèo đừng chỉ miệt mài đi tìm kiếm tiền của như lẽ sống đời mình. Xin cho mọi người chúng con biết thực hành Lời Chúa dạy : “Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các sự khác như ăn gì mặc gì thì Người sẽ thêm cho chúng con sau” (Mt 6,33).

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH – HHTM

Tác giả: Lm. Đan Vinh, HHTM

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!