Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Trần Minh Huy, pss
Mục Lục

II : Những thách đố đức tin cho chúng ta hôm nay (Lk 17:5-6)

III : Bối cảnh sống sứ vụ Linh Mục (Hb 5:7-10)

IV : Phục vụ yêu thương của Linh Mục (A)

V : Phục vụ yêu thương của Linh Mục (B)

VI : Sức mạnh và niềm vui của đời Linh Mục (A)

VII : Sức mạnh và niềm vui của đời Linh Mục (B)

VIII : Bí quyết trung tín và thành công của đời sống và sứ vụ Linh Mục

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

THƯƠNG CHO ĐẾN CÙNG ĐỜI LINH MỤC THỪA TÁC

Đối Mặt Với Bối Cảnh Đào Tạo Hôm Nay: Cuộc Khủng Hoảng Tình Cảm Và Tình Dục Trong Giáo Hội.

ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY

LƯỢNG SỨC MÌNH ĐỂ QUYẾT ĐỊNH DỨT KHOÁT

Hiệp Thông Trong Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC NGÀY NAY

BAN HUẤN LUYỆN ĐAMINH TAM HIỆP - Thường Huấn 4-7/5/2017

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - XÂY DỰNG NHÂN CÁCH TU SĨ

Xây dựng Cộng Đoàn Cầu Nguyện và Yêu Thương

NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT HÔM NAY

TRỞ NÊN LINH MỤC ĐÍCH THỰC NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.

MỤC VỤ LINH HƯỚNG - Phân Định và Sống Ơn Gọi

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC NGÀY NAY

Đào Tạo Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo và Đời Tu

CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN BÍ QUYẾT TÌNH YÊU VÀ VUI SỐNG

Linh Mục Sống và Thực Thi Năm Thánh Lòng Thương Xót - Linh Mục Đoàn Ban Mê Thuột Thường Huấn 29/2 - 4/3/2016

Đối Mặt Với Các Thách Thức Trong Đời Sống Và Sứ Vụ Linh Mục Của Chúng Ta Hôm Nay - Linh Mục Đoàn Hưng Hoá Tĩnh Tâm Năm 9 - 13/11/2016

Người Nữ Tu Sống Tu Đức Toàn Diện

Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu

Cầu Nguyện Cá Nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống

Sứ Điệp Từ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay

Lớp Thần Học bổ túc (2006-2007)

Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu

Chúa vẫn thương

Làm Sao Để Tha Thứ

Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu
VIII : Bí quyết trung tín và thành công của đời sống và sứ vụ Linh Mục

(Mt 11:28-30)

 

1.  Linh Mục và Chúa Giêsu Thánh Thể

Thánh Thể là “suối nguồn và tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh”, nên cũng phải là trung tâm đời sống và sứ vụ linh mục của chúng ta, bởi vì có một mối tương quan rất chặt chẽ giữa cử hành Thánh Lễ và rao giảng Đức Kitô. Theo những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm trong bữa Tiệc Ly (Lc 22, 14-20), khi Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục, để chúng ta tái hiện và cử hành nhân danh  con người của Ngài (in persona Christi), đời sống thiêng liêng của chúng ta có thể lớn lên dần dần và dẫn đưa chúng ta tới độ “trở nên và sống như một Kitô Khác trong mọi hoàn cảnh sống” (Bộ Giáo sỹ, Linh mục và Thiên niên kỷ Kitôgiáo thứ ba). Và “các sinh hoạt của đời sống hàng ngày của chúng ta sẽ thực sự mang ý nghĩa và chiều kích Thánh Thể” (x. John Paul II, Ecclesia de Eucharistia, n. 31).  

Trước hết, việc xét mình tốt (Presbyterorum Ordinis, số 18; 1 Cor 11:27-29) sẽ giúp chúng ta ý thức mình bất xứng và phải cậy dựa vào sự trợ giúp của Chúa và cần được Giáo Hội bổ khuyết cho (“Ecclesia supplet”). Điều này giúp chúng ta sống đầy đủ chiều kích Hội Thánh, trong cộng tác và hiệp thông với mọi thành phần của Hội Thánh, là Thân Thể Đức Kitô. Thiên Chúa tỏ lộ mầu nhiệm ý định của Ngài trong phụng vụ Lời Chúa, mà chúng ta phải biết liên kết với các thực tại của cuộc sống, ngõ hầu được sống và biến đổi bởi chính Lời ấy. Chúng ta phải công bố Lời Chúa và Thánh Ý Chúa mà chúng ta đã tin và đang sống. Nhờ đó, tín hữu cũng được thúc đẩy suy gẫm và hành động cách thích đáng, đồng thời được biến đổi và hoán cải. 

Là linh mục, chúng ta cũng đã tự nguyện nhận lấy quà tặng quí giá chức linh mục, trong niềm hăng say, hạnh phúc và biết ơn. Và hiện nay, cho dù không tránh khỏi khó khăn và thập giá, nếu cho chọn lại, chúng ta vẫn sẵn sàng thưa “xin vâng”, đôi khi chậm rãi, nhưng với ý thức và bình an. Như đã làm trong bữa tiệc ly với bánh, Chúa Giêsu cũng cầm lấy chúng ta và chúc phúc cho chúng ta, khi Chúa kêu gọi và tuyển chọn chúng ta giữa nhiều người khác tốt hơn chúng ta. Chúng ta phải tạ ơn Chúa và có lẽ phải hét lên vui mừng và hạnh phúc, vì tình yêu vô điều kiện Chúa dành cho chúng ta, và vì may mắn của chúng ta (được chọn dù không tốt hơn những người khác). Ước gì chúng ta không bao giờ sợ bị cầm lấy và chúc phúc như thế, bởi Chúa và bởi đoàn chiên được trao phó cho chúng ta chăm sóc mục vụ, kể cả qua những gánh nặng, những khó khăn trong đời sống và sứ vụ linh mục của chúng ta. 

Để luôn trung thành giữ lời cam kết với Chúa và với Hội Thánh, đôi khi chúng ta cảm thấy đời sống và con tim bị bẻ ra vì hiểu lầm và đau khổ, vì sự cô đơn và những chiến đấu nội tâm chống lại những ước muốn nhân loại và các cơn cám dỗ từ bên ngoài. Chúng ta biết rằng thân xác nhân loại yếu hèn của chúng ta trở nên một thân xác thánh thể như thân xác Chúa Giêsu (bị bẻ ra và trao cho người ta ăn). Nhưng nay chúng ta hiểu ý nghĩa của đời sống bị bẻ ra vì Thiên Chúa và vì tha nhân. Như tấm bánh bị bẻ ra, chúng ta phải được trao ban và bị ăn bởi Dân Chúa, đoàn chiên của chúng ta, như cha Chevrier nói "linh mục là người bị ăn". Ý thức rằng chúng ta không dám tự nộp mình cho đến chết như Chúa Giêsu, nhưng chúng ta sẵn sàng hiến tặng thời giờ, của cải, sức khỏe, ước muốn, hạnh phúc, niềm vui, cả những đau khổ và buồn phiền …. Tất cả những thứ đó cũng là cuộc sống và chính con người của chúng ta vậy.

Máu các thánh tử đạo đổ ra vì Chúa và vì Nước Trời chỉ có một lần thôi. Máu của chúng ta đổ ra cách này hay cách khác, mỗi ngày, từng giọt một, qua trách nhiệm và bổn phận của chúng ta: “Một lúc đổ cả máu đào, hay từng giọt một đằng nào công hơn?” Và như Thánh Phaolô, mỗi ngày, chúng ta hoàn tất nơi thân xác chúng ta phần còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn cứu thế của Đức Kitô. 

Bánh và rượu dâng lên sẽ được sức mạnh của Chúa biến thành Mình và Máu Chúa Kitô. Nếu chúng ta dâng chính mình, những cảm nghĩ và tình yêu, những vấn đề, những băn khoăn lo lắng, đau khổ và hạnh phúc …. thì sức mạnh của Chúa cũng sẽ biến đổi chúng thành những gì tốt đẹp hơn, hữu ích hơn cho chúng ta và đoàn chiên của chúng ta. Đặc biệt, nếu chúng ta dâng những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, Chúa sẽ tha thứ, biến đổi và thánh hoá chúng ta, bởi vì với Chúa, chẳng có tội gì quá nặng đến đỗi Chúa không thể tha thứ được! 

Trong việc cử hành Thánh Thể này, chúng ta cũng được mời gọi sống và làm chứng cho sự hiệp nhất của Hội Thánh. Chén chúc tụng mà chúng ta chia sẻ là Máu Chúa Kitô, lưu chuyển trong Giáo Hội, mang lại sự sống thần linh. Bánh mà chúng ta bẻ ra là Mình Chúa Kitô, được hiến dâng vì phần rỗi của mỗi chi thể. Sự hiệp nhất này là nguồn mạch và bằng chứng hữu hiệu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh (John Paul II, Ecclesia de Eucharistia, nos. 34-36).  

Nhờ việc cử hành thánh lễ mỗi ngày, chúng ta sẽ “hiểu hơn sức mạnh biến đổi của Bí tích Thánh Thể và tìm thấy nơi mầu nhiệm này sự can đảm và nguồn sức mạnh đi theo Chúa Giêsu và phục vụ Ngài nơi tha nhân.” Chúng ta sẽ kín múc dồi dào nguồn sức mạnh này từ Bí tích Thánh Thể, được cử hành trong thánh lễ mỗi ngày và được thờ phượng nơi Nhà Chầu mỗi khi đến viếng Mình Thánh Chúa (John Paul II, Ecclesia de Eucharistia, no. 1), như chính Chúa Giêsu mời gọi “hãy đến với Ta, hỡi những ai đang vất vả và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28). 

•          Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ nạp lại năng lượng và tăng thêm nhiệt huyết tông đồ cho chúng ta, bằng việc tiếp tục kích hoạt ngày sống và đổ đầy chúng ta với niềm hy vọng vững chắc. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ thường hằng của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu đỡ nâng hành trình của chúng ta tiến về hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Đây là thứ tình yêu vượt thắng tình yêu nhân loại của trái tim con người. Chính nơi Nhà Tạm mà ta phục hồi và nạp thêm năng lượng cho đời sống thiêng liêng và sứ vụ linh mục, như Chúa Giêsu mời gọi (x. Mt.11,28). Ai trong chúng ta đã không có hơn một lần trải nghiệm những gánh nặng mục vụ và những trăn trở cá nhân? Thánh Phêrô khuyên: “Trong khi cầu nguyện, anh em hãy trao trút nỗi lòng anh em cho Chúa, vì Ngài hằng thương yêu chăm sóc đến anh em” (1 Pr 5:7). Đó cũng là lý do tại sao Đức Gioan Phaolô II đã mở ra “Năm Thánh Thể” với ước mong rằng Hội Thánh được “khởi đầu lại từ Chúa Kitô.” Ngài chia sẻ với cảm xúc sâu xa chứng tá đức tin của chính ngài nơi Bí Tích Thánh Thể như là phương tiện đồng hành và tăng sức mạnh (John Paul II, Ecclesia de Eucharistia, no. 59).

 

2. Linh Mục với Mẹ Maria

Mẹ hướng dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu, Đấng đưa chúng ta đến với Chúa Cha. Mẹ chỉ cho chúng ta con đường hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, bởi vì Mẹ là người phụ nữ được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài với tư cách là người đồng tham dự vào những biến cố tột đỉnh của lịch sử cứu độ. 

Mẹ được kêu cầu là Mẹ của Hội Thánh và Mẹ của linh mục theo một đường lối đặc biệt, khi trên thập giá, vào lúc tột đỉnh của sứ mạng cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã trao phó Mẹ mình cho Gioan và ký thác Gioan cho Mẹ (Ga 19, 26-27): “Chúng ta cũng hãy đón nhận Mẹ Maria vào trong nhà nội tâm của chức linh mục chúng ta” (John Paul II, Thư gửi các linh mục Thứ Năm Tuần Thánh 1988, số 6). Được sự che chở và hướng dẫn từ mẫu của Mẹ nâng đỡ và tăng sức mạnh, chúng ta có thể nhìn thấy mọi mối tương quan và các giai đoạn đời sống và sứ vụ linh mục của mình, bằng đôi mắt mới, bằng trái tim và trí não mới, và luôn bước đi trên con đường thánh thiện cần thiết.

Là Linh mục, chúng ta cần tăng cường lòng sùng kính Đức Mẹ. Sự hiện diện từ mẫu của Mẹ luôn là sự nâng đỡ cho chúng ta. Mẹ đã luôn theo sát Chúa Giêsu Con Mẹ, bây giờ Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành cùng chúng ta, những Kitô khác. Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, Đức Gioan Phaolô II đã trao phó mỗi linh mục cho Mẹ và mong muốn rằng mọi linh mục đều trao phó chính mình cho Mẹ, và hướng về Mẹ với một tình yêu và niềm hy vọng đặc biệt. Bằng kinh nghiệm của mình, Ngài đã viết lên điều ấy trong bức thư gửi các Linh mục. Ngài cầu mong: “Nguyện xin Đức Maria, Đấng mà tôi mời gọi anh em hãy luôn nuôi dưỡng lòng sùng kính con thảo, đồng hành với anh em và liên lĩ che chở anh em.” Đức Benedictô XVI mới đây cũng thôi thúc chúng ta: “Tôi khuyên anh em hãy vào trường Đức Maria để học biết yêu thương và bước theo Đức Kitô trên hết mọi sự.” 

Thật vậy, trong trường của Mẹ Maria, chúng ta học để đặt Chúa Kitô vào chỗ nhất trong cuộc đời chúng ta, và học để hướng tư tưởng cùng hành động của chúng ta theo Ngài: “Người bảo gì thì các anh hãy làm theo.” Đúng vậy, nơi trường của Mẹ, chúng ta học biết thinh lặng, biết lắng nghe và phục vụ, đó là những điểm mấu chốt của đời sống người môn đệ. Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta tiến sâu vào mối tương quan nhân vị và đích thực hơn với Chúa Giêsu, để chúng ta yêu mến Ngài và làm cho Ngài được yêu mến. Vâng, qua việc chiêm ngắm và lắng nghe Mẹ Maria, chúng ta sẽ hiểu hơn sức mạnh nâng đỡ và biến đổi của Bí tích Thánh Thể, và tìm lại được niềm an ủi và nguồn sức mạnh để bước theo Chúa Kitô và phục vụ Ngài trong anh chị em.

Liên quan đến đời sống độc thân linh mục đang “bị thế giới của thời đại chúng ta nghi ngờ giá trị và cho là không thể giữ được”, Đức Phaolô VI cậy dựa vào lòng sùng kính nồng nhiệt và tỏa sáng đối với Mẹ Maria (Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus, no. 1). Lòng đạo đức này của chúng ta sẽ mang chúng ta “đến nguồn suối của đời sống thiêng liêng đích thực, mà chỉ nó mới là nền tảng vững chắc cho việc giữ luật độc thân” (Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus, no. 75).

Vâng, chọn lựa độc thân linh mục của chúng ta cần được đặt nơi trái tim Mẹ Maria. Chúng ta hãy chạy đến cùng Mẹ, khi gặp khó khăn trên con đường đã chọn. Là trinh nữ và là mẹ, Mẹ Maria hiểu rất rõ trái tim linh mục chúng ta cần gì, và Mẹ biết làm thế nào để giữ cho chúng ta được trung thành với lời cam kết của mình. Chúng ta sẽ tìm được ẩn náu an toàn nơi Mẹ Maria, người Mẹ trên trời của chúng ta. Mẹ sẽ giúp chúng ta thăng hoa trái tim và con mắt, để nhìn thấy Mẹ ở trong và qua những người con gái của Thiên Chúa quanh chúng ta. Chúng ta kêu xin Mẹ bảo vệ và biến đổi chúng ta và những ai thân thiết với chúng ta, như Thánh Phaolô đã khuyên nhủ Timôtê “coi các phụ nữ lớn tuổi như mẹ và những người trẻ như chị em” (x. 1 Tm 5,2).  

“Linh mục sẽ không thiếu sự chở che, nâng đỡ của Mẹ Chúa Giêsu” (Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus, no. 59). Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, Chúa Thánh Thần sẽ gìn giữ sự độc thân trong trắng của linh mục như Ngài đã làm cho Mẹ Maria và Thánh Giuse. Vì thế, Đức Phaolô VI đã khuyên nhủ: “Anh em hãy hướng con mắt và trái tim, với niềm tín thác được đổi mới và lòng cậy trông con thảo, về Mẹ rất yêu dấu của Chúa Giêsu và Mẹ của Hội Thánh, và hãy kêu xin sự cầu bầu vạn năng và hiền mẫu của Mẹ cho chức linh mục Công giáo” (Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus, no. 98a).

Có một việc thật đơn giản nhưng rất quan trọng của lòng sùng kính Mẹ Maria là lần chuỗi Mân côi, một bản Phúc Âm tóm tắt (x. Paul VI, Marialis Cultus: The Angelus and the Rosarry). Các anh em linh mục trẻ nên giữ sống động thói quen lần chuỗi Mân côi của các cha già và hãy khuyến khích giáo dân của mình lần chuỗi, một mình khi đi đường tới trường học, tới công sở, đồng ruộng, chợ búa… (như pho tượng “Bà mẹ Bùi Chu” trong Vườn Tòa Giám Mục diễn tả), hoặc lần chuỗi chung với người khác, theo nhóm hay hội đoàn trong giáo xứ, đặc biệt là lần chuỗi tại nhà, trong gia đình, vì chuỗi mân côi sẽ đốt nóng và làm mạnh thêm mối giây ràng buộc giữa các thành viên trong gia đình. Lời cầu nguyện này sẽ giúp chúng ta được mạnh mẽ hơn trong đức tin, bền vững hơn trong đức ái, được niềm vui và kiên trì trong niềm hy vọng. 

Theo gương mẫu và kinh nghiệm của Đức Gioan Phaolô II, mỗi linh mục nên tận hiến cho Mẹ Maria với lòng tin tưởng yêu mến, tìm trú ẩn nơi sự che chở của Mẹ, biết rằng trong lúc khó khăn mình cũng không cô đơn, vì Mẹ sẽ nâng đỡ ủi an bằng sự dịu dàng từ mẫu của Mẹ. Chính Đức Gioan Phaolô II đã tận hiến cho Mẹ Maria “Totus Tuus - Tất cả bản thân con là của Mẹ.” Ngài chia sẻ: “Suốt cuộc đời tôi, tôi đã cảm nghiệm rõ sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ của Chúa chúng ta. Mẹ Maria đồng hành với tôi mọi ngày để giúp tôi chu toàn sứ vụ là người kế vị Thánh Phêrô.”â Con đã mất mẹ sớm nên cũng cảm nhận và kinh nghiệm được sự an ủi, che chở và đồng hành đầy yêu thương của Mẹ Lavang cho đời linh mục của con: “Mạ mất nay được Mẹ thay, chuỗi đời côi cút bớt cay bớt buồn, nhất là đêm lạnh mưa tuôn, mưa tuôn ngoài phố mưa buồn trong tim.” Ước mong tất cả các bạn linh mục đều có được kinh nghiệm diễm phúc ấy.

 

3. Linh Mục và Con đường Thập Giá

Chúa Giêsu đã mời gọi vác thập giá mà theo Ngài. Cuộc sống và sứ vụ linh mục tìm được sức mạnh tình yêu từ thập giá Chúa Giêsu, một con đường duy nhất để theo Ngài: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá của mình mà theo Thầy…” (Mt 16:24). Là linh mục, chúng ta được mời gọi cách đặc biệt rảo qua con đường thập giá này. Mỗi ngày chúng ta được dấn sâu vào mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm của hy tế, dù lắm khi thập giá dường như quá nặng, và chúng ta muốn qụy ngã. Nhưng chúng ta nên biết rằng mầu nhiệm này không được hoàn tất bởi cái chết, song bởi đời sống mới của sự sống lại.

Suốt dòng lịch sử của mình, Giáo Hội hầu như luôn luôn bước đi trên con đường thập giá hy tế này. Trong nhiều đất nước, các nhà truyền giáo đã tiến bước suốt nhiều năm hướng về Golgotha, vác lấy thập giá hy sinh và bách hại. Nhiều người trong chúng ta cũng đã trèo lên con đường dốc đứng đó, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Giáo Hội đã vác thập giá trong nhiều năm dài trên khắp thế giới, kể cả những nước văn minh Âu Châu mà Giáo Hội đã từng giáo dục đào tạo trong các thế kỷ qua.   

Con đường thập giá của Giáo Hội, của các tín hữu, và của chúng ta vẫn kéo dài mãi. Những người bách hại còn đó hay đã qua đi, hoặc đã thay đổi, nhưng thập giá vẫn không thay đổi và đè nặng trên vai chúng ta. Lắm lần chúng ta dường như bị oằn xuống dưới sức nặng của thập giá. Ngày xưa ông Simon đã giúp Chúa Giêsu vác thập giá, thì ngày nay chính Chúa chịu đóng đinh và sống lại đang giúp chúng ta vác thập giá của chúng ta. Đau khổ của chúng ta là đau khổ của Ngài, hy tế của chúng ta là hy tế của Ngài. Chúa Giêsu thấu hiểu những yếu đuối của chúng ta, những thất bại của chúng ta, những cảm giác ngã lòng, những lo sợ và cô đơn của chúng ta, vì chính Ngài cũng đã trải nghiệm những khó khăn này.

Đường thập giá của Chúa Giêsu đã là con đường đầu tiên, nhưng không phải là con đường cuối cùng. Nếu chúng ta muốn sống cuộc đời mình theo Chúa Kitô, chúng ta phải theo Ngài đến tận cùng trong con đường thập giá của Ngài. Giáo Hội đã không quên con đường thập giá. Giáo Hội không bao giờ che giấu thập giá. Thập giá vẫn luôn có mặt trong Phụng vụ: Giáo Hội tán dương và suy tôn thập giá. Thập giá không chỉ là gánh nặng, nhưng phải được xem là cây gậy nâng đỡ. Cuộc sống linh mục càng cắm rễ sâu vào thập giá càng sinh nhiều hoa quả. Vào mọi thời và ở mọi nơi, bao nhiêu người  vẫn không ngừng hăm hở đến với thập giá, chiêm ngắm thập giá, yêu mến thập giá. 

Đường thập giá là trường dạy chúng ta sống. Chúa Giêsu ngã xuống rồi lại chỗi dậy. Ngài chịu đựng nỗi cô đơn. Ngài chịu hành hạ và lăng nhục, nhưng Ngài luôn tha thứ. Đường thập giá là trường dạy sống thánh. Trên con đường thập giá, Mẹ Maria đã đi theo Con Mẹ. Mẹ bước đi trong thinh lặng. Cái nhìn của hai Mẹ Con bắt gặp nhau; hai Mẹ Con nhìn nhau tận trong sâu thẳm tâm hồn. Mẹ và Con kết hiệp với nhau bởi tình yêu bao la, sâu thẳm và trong trắng. Tình yêu này sẽ làm thế giới thay đổi.

Xin Chúa làm cho chúng ta được thấm nhuần tình yêu của Chúa và tình yêu của Mẹ Chúa. Mẹ đã đứng kề thập giá Chúa Giêsu. Mẹ cũng luôn đứng kề thập giá cuộc đời và sứ vụ linh mục của chúng ta. Qua tuần tĩnh tâm này, chúng ta hãy làm mới lại lời hứa và cam kết của chúng ta. Nó có một ý nghĩa thật sâu xa. Làm mới lại lời hứa và cam kết của chúng ta, dường như chúng ta đang ở trên đỉnh đồi Golgotha, dưới chân thập giá, nơi đã và đang mãi mãi tập trung sức mạnh lớn nhất của thế giới: tình yêu của Thiên Chúa trong con người của Con Ngài, Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 3:16). Tình yêu này của Thiên Chúa không bao giờ cạn kiệt, không bao giờ thôi là sức mạnh cứu độ của thế giới. Bằng những lời «Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha», Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha đời sống mình làm hy tế. Và hy tế của Ngài đã được chấp nhận.

Là linh mục, chúng ta cũng trao phó cuộc đời chúng ta trong tay Chúa Cha cùng với Chúa Giêsu. Hy tế của Ngài trên thập giá là một sức mạnh bao la cho thế giới. Sức mạnh đó được gìn giữ trong Giáo Hội bởi Bí tích Thánh Thể, trung tâm tình yêu ở dưới thế gian này. Chúng ta cử hành Thánh Lễ như một sức mạnh không thể cạn kiệt của tình yêu. Chúng ta trèo lên con đường thập giá đến tận đỉnh đồi Golgotha, đến tận Chúa Kitô, một Chúa Kitô toàn thể vừa với thập giá và mão gai trên đồi Golgotha, vừa với vinh quang trên núi Tabôrê và chiến thắng phục sinh vinh hiển. Sứ mạng linh mục của chúng ta là hướng dẫn những con người phải đau khổ vì đối nghịch và hận thù để họ không quay lưng lại với nhau, nhưng nhìn vào mắt nhau trong sự cảm thông tương hổ. 

Với rất nhiều người trong chúng ta, bao nhiêu thời gian đã qua đi từ ngày chúng ta chịu chức linh mục và bao nhiêu sự đã thay đổi: tuổi tác, tình trạng sức khỏe, và kinh nghiệm thập giá, thử thách, đau khổ... Nhưng trong thâm sâu, chẳng có gì thay đổi: Chúng ta vẫn là linh mục của Chúa và Giáo Hội. Là linh mục, chúng ta phải luôn được hướng dẫn bởi đức tin và tình yêu, và phải luôn sống sứ vụ ấy với cùng một niềm tín thác. Mẹ Maria đã theo Chúa Giêsu trên đường núi Sọ, xin Mẹ luôn đồng hành với chúng ta. Một người mẹ đã nói với con mình rằng: “Dù con lớn bao nhiêu tuổi, con vẫn là con của Me; dù con có đi tới cùng trời cuối đất, thì lòng Mẹ vẫn hằng theo con.” Chớ gì chúng ta luôn cảm nhận sâu sắc Mẹ Maria luôn đồng hành với chúng ta, luôn đứng bên thập giá của chúng ta và che chở chúng ta. Amen.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!