Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Trần Minh Huy, pss
Mục Lục

II : Những thách đố đức tin cho chúng ta hôm nay (Lk 17:5-6)

III : Bối cảnh sống sứ vụ Linh Mục (Hb 5:7-10)

IV : Phục vụ yêu thương của Linh Mục (A)

V : Phục vụ yêu thương của Linh Mục (B)

VI : Sức mạnh và niềm vui của đời Linh Mục (A)

VII : Sức mạnh và niềm vui của đời Linh Mục (B)

VIII : Bí quyết trung tín và thành công của đời sống và sứ vụ Linh Mục

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

THƯƠNG CHO ĐẾN CÙNG ĐỜI LINH MỤC THỪA TÁC

Đối Mặt Với Bối Cảnh Đào Tạo Hôm Nay: Cuộc Khủng Hoảng Tình Cảm Và Tình Dục Trong Giáo Hội.

ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY

LƯỢNG SỨC MÌNH ĐỂ QUYẾT ĐỊNH DỨT KHOÁT

Hiệp Thông Trong Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC NGÀY NAY

BAN HUẤN LUYỆN ĐAMINH TAM HIỆP - Thường Huấn 4-7/5/2017

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - XÂY DỰNG NHÂN CÁCH TU SĨ

Xây dựng Cộng Đoàn Cầu Nguyện và Yêu Thương

NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT HÔM NAY

TRỞ NÊN LINH MỤC ĐÍCH THỰC NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.

MỤC VỤ LINH HƯỚNG - Phân Định và Sống Ơn Gọi

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC NGÀY NAY

Đào Tạo Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo và Đời Tu

CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN BÍ QUYẾT TÌNH YÊU VÀ VUI SỐNG

Linh Mục Sống và Thực Thi Năm Thánh Lòng Thương Xót - Linh Mục Đoàn Ban Mê Thuột Thường Huấn 29/2 - 4/3/2016

Đối Mặt Với Các Thách Thức Trong Đời Sống Và Sứ Vụ Linh Mục Của Chúng Ta Hôm Nay - Linh Mục Đoàn Hưng Hoá Tĩnh Tâm Năm 9 - 13/11/2016

Người Nữ Tu Sống Tu Đức Toàn Diện

Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu

Cầu Nguyện Cá Nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống

Sứ Điệp Từ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay

Lớp Thần Học bổ túc (2006-2007)

Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu

Chúa vẫn thương

Làm Sao Để Tha Thứ

Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu
III : Bối cảnh sống sứ vụ Linh Mục (Hb 5:7-10)

1. Khiêm Nhường

Khiêm nhường đơn giản là tính ngay thật nhìn nhận thực tại đời sống chúng ta trước mặt Chúa và tha nhân. Tính ngay thật mời gọi chúng ta nhìn nhận rằng chúng ta không thể đứng ngước cao đầu trước mặt Chúa. Không phải vô lý mà Chúa Giêsu bắt các môn đệ thôi tranh cãi xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 23:12), trong khi Mẹ Maria tự gọi mình là nữ tỳ thấp hèn của Chúa. Cả cuộc đời Mẹ nói lên sự khiêm nhường trước mặt Chúa và Thánh Ý nhiệm mầu của Chúa. Mẹ thách đố những ai theo Chúa phải nêu rõ khiêm nhường thực sự là gì.

Phúc Âm nói cách nghịch lý: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23:12). Lời Mẹ Maria cũng không kém nghịch lý: “Chúa đã đoái đến phận hèn nữ tì của Chúa, và từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc” (Lk 1:48). Có một tác động hổ tương giữa khiêm nhường và vinh thăng, giữa thấp hèn và cao trọng. Người ta thường bị cám dỗ giải quyết sự nghịch lý này mà không chịu nắm bắt cái căn bản sâu xa của nó. Lời Chúa Giêsu về sự hạ xuống và nâng lên không thể chỉ giản lược vào sự khôn ngoan trần thế. Chúa Giêsu dạy cho những kẻ theo Ngài một sự thật căn bản hơn, không thể nào đạt tới được với chỉ sự khôn ngoan của loài người. Sự thật về khiêm nhường và vinh quang được mạc khải nơi thập giá Chúa Giêsu, và nơi cuộc sống của Mẹ Maria đứng gần Con mình trong cuộc khổ nạn.

Sự khiêm hạ của Thiên Chúa được mạc khải trên thập giá và được phản chiếu nơi trái tim Mẹ Maria là gương mẫu cho chúng ta. Sự khiêm hạ của Chúa đã vang vọng trong trái tim Mẹ Maria, cũng phải dội lại và phản chiếu ra trong cuộc sống của chúng ta, trong đời thường cũng như trong phượng tự. Sự khiêm hạ đòi hỏi chúng ta đồng nhất với kế hoạch và sứ vụ của Chúa Kitô, Đấng hằng tuôn đổ tình thương và vinh quang xuống trên thế gian. Sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu là sứ mệnh duy nhất được trao phó cho chúng ta. Như Mẹ Maria, chúng ta không được bám vào bất cứ cái gì khác, ngoại trừ Thiên Chúa hóa thân làm người. Mọi sự đều nhất thiết phải được phán đoán theo tiêu chuẩn mà Đấng Chịu Đóng Đinh đã muốn cho Giáo Hội.

Chúng ta được mời gọi chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô, như Vaticanô II dạy “Sự sống của Chúa Kitô tuôn đổ trên các tín hữu, là những người nhờ các nhiệm tích được kết hiệp cách ẩn giấu, nhưng thực sự, với Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển” (LG 7). Chúng ta chắc chắn phải đau khổ khi Giáo Hội bị bách hại, do sự thù nghịch hay dững dưng tôn giáo. Mọi hình thức theo Chúa đòi phải đau khổ. Nếu không có thập giá thanh tẩy, Chúa Kitô không được hình thành trong chúng ta. Chúng ta phải luôn đứng gần thập giá, chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô, và nhận lãnh sự sống cùng sức mạnh từ Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thủng của Ngài.

Sự khiêm hạ của chúng ta không chỉ là một kiểu nói, mà phải là một sự hiển nhiên, như thánh Phaolô đã chỉ rõ: "Không mấy ai trong anh em là khôn ngoan theo tiêu chuẩn của thế gian, chẳng mấy ai quyền thế, chẳng mấy ai sinh ra được danh giá, nhưng Chúa đã chọn sự điên dại trong thế gian để làm thẹn mặt kẻ khôn ngoan, đã chọn những gì là yếu đuối trong thế gian để làm thẹn mặt kẻ mạnh mẽ" (1 Cor 1:26-27). 

Chúng ta gieo rắc Lời Chúa, không phải chỉ trên đất cày bừa cẩn thận, song bất cứ ở đâu, cả giữa cỏ dại và gai góc. Sứ điệp Phúc Âm phải đến được với bất cứ ai, già trẻ, giàu nghèo, có học thức hay thất học, tội lỗi hay thánh thiện, "khi thuận tiện cũng như khi không thuận tiện." Chúng ta cũng phải khiêm tốn nhận lấy trách nhiệm bảo vệ và truyền bá giáo huấn của Giáo Hội. Sự kiêu ngạo loài người mang lại hai cám dỗ: thứ nhất là do dự vì sợ người ta sẽ phản ứng tiêu cực với những gì chúng ta rao giảng; hai là nhấn mạnh vài điểm thực ra không phải là giáo huấn của Giáo Hội, song chỉ là sự ưa thích cá nhân của chúng ta mà thôi. 

Nhìn vào sự tương ứng diệu kỳ giữa sự khiêm hạ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, chúng ta phải thực sự khiêm tốn đứng dưới quyền năng thập giá, một quyền năng vượt quá chúng ta, một tình yêu lớn hơn tất cả những gì được nói tới. Quyền năng của Chúa được mạc khải trong sự bất lực; khôn ngoan của Chúa được mạc khải trong sự điên rồ. Sự khiêm nhường của chúng ta được đo lường bởi khả năng của chúng ta đứng với Mẹ Maria dưới chân thập giá, vang hát lời kinh Magnificat của chúng ta. 

 

2. Quyền Bính

Ngày nay vấn đề quyền bính lắm khi gây đau đớn và chia rẻ trong Giáo Hội. Quyền bính của chính Chúa Giêsu  cũng đã bị đặt thành vấn đề: "Do quyền bính nào mà ông làm những việc ấy? Ai cho ông quyền đó?" (Mt 21:23). Nếu chúng ta đứng với Mẹ Maria dưới chân thập giá, chúng ta còn nghe hơn nữa. Các thủ lãnh chế nhạo Chúa Giêsu: "Nó cứu được người khác; hãy để nó tự cứu lấy mình, nếu nó là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Kẻ Ngài Tuyển Chọn!" (Lk 23:35). Binh lính cũng chế nhạo quyền bính Ngài: "Nếu ông là vua dân Dothái, hãy cứu lấy mình đi!" (Lk 23:37).

Thách đố ấy ngày nay vẫn tiếp diễn. Quyền bính của các Tông đồ và những người kế vị tiếp tục bị thách đố. Nhiều cá nhân tự phụ giải thích quan điểm và ý kiến của mình như qui phạm, lại đặt thành vấn đề giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội. Sự tự lập và yêu sách tự do đòi được miễn trừ khỏi giáo huấn đích thực và có thẩm quyền của Giáo Hội. Nguồn gốc quyền bính cũng bị lẫn lộn. Người ta đi tìm những kiểu mẫu mới của quyền bính, như minh tinh màn bạc, cầu thủ bóng đá, tiểu thuyết gia, nghệ sĩ dân nhạc… Quá nhiều người rập khuôn cách “nô lệ” lối sống của mình theo gương các "ngôi sao" ấy. Còn quyền bính hợp pháp bị cho là kiểm soát khắt khe, độc tài, độc đoán. Quyền bính đã không được nhìn đúng theo ý nghĩa và mục đích của nó.

Việc đặt thành vấn đề quyền bính của Giáo Hội phải được nhìn trong một bối cảnh rộng lớn hơn và tích cực hơn. Giáo Hội nhìn nhận nhu cầu phải kiểm điểm chính mình. Câu Ecclesia semper reformanda rõ ràng kêu gọi một cái nhìn thẳng thắn, thường xuyên và triệt để, về quyền bính mà Giáo Hội đang thực thi. Tuy nhiên, việc kiểm điểm đó sẽ không thành công, nếu nó chỉ được giới hạn vào các nguyên tắc tâm lý hay xã hội của loài người. Mọi quyền bính trong Giáo Hội đều bắt nguồn từ Chúa Giêsu. Do đó, để xem xét quyền bính, chúng ta phải quay trở lại với Ngài, Đấng cai trị từ Thập giá. Ánh sáng của thập giá Chúa Kitô phải soi sáng mầu nhiệm quyền bính của Giáo Hội.

Bản chất quyền bính của Chúa Giêsu đã bị hiểu sai, thì bản chất quyền bính của Giáo Hội cũng sẽ bị hiểu lầm. Một số người coi quyền bính của Giáo Hội chỉ là một phương tiện để duy trì giáo thuyết và trật tự. Số khác lại coi quyền bính như một áp đặt bất công ý muốn của các lãnh đạo lên các thành viên của mình. Họ chỉ ra những lạm dụng quyền bính của Giáo Hội - một số lạm dụng có thật, một số được tưởng tượng ra- và kêu gọi Giáo Hội phải có một đường lối lãnh đạo cho phép một quyền hành rộng rãi hơn trong mọi lãnh vực của đời sống Giáo Hội. Cả hai quan điểm đều thiếu sót, vì cả hai cùng sớt chia một sai lầm chung. Một đàng, họ nhìn quyền bính như không thích hợp và chẳng có quyền lực gì. Đàng khác, họ đặt thành vấn đề mọi quyền bính hiện hữu trong Giáo Hội. Ngược lại, chúng ta xác tín rằng có quyền bính ở trong Giáo Hội và nó phải được thực thi. "Quyền bính xuất phát từ quyền điều khiển Giáo Hội được Chúa Kitô ủy thác cho các Tông đồ và những người kế vị" (Daniélou, Why the Church? Chicago, Franciscan Herald, 1974). 

Mục đích quyền bính Giáo Hội, được mạc khải và tuôn đổ xuống trên Giáo Hội từ nơi Thập giá là để thiết lập vương quốc tình thương cứu độ. Tình thương cứu độ không che đậy tội lỗi, nhưng phơi bày tội lỗi như nó hủy diệt phẩm giá con người và tình thương. Tình thương cứu độ đó dùng sức mạnh của Chúa để chiến thắng tội lỗi. Quyền bính được trao ban cho Giáo Hội là để rao giảng, thanh tẩy, tha tội và qui tụ những ai được tái sinh bởi nước và Thánh Thần quanh bàn tiệc Hy Tế của Chúa (x. Mk 16:15-16). Tất cả mọi luật lệ và áp dụng của quyền bính Giáo Hội phải được nhìn trong ánh sáng của mục đích ấy, mà chúng ta chỉ có thể hiểu được ở dưới chân thập giá.

Thập giá quan trọng biết bao cho chúng ta là những người thực thi quyền bính. Không bao giờ chúng ta được rời khỏi thập giá, nếu muốn hiểu và thực hiện tốt quyền bính. Mỗi quyết định của chúng ta phải được thực hiện với Chúa Giêsu chịu đóng đinh ở trước mắt. Thập giá của Ngài phải được nổi bật lên trong tất cả những gì chúng ta làm. Thập giá phải là thước đo mức độ tận hiến của chúng ta và cách chúng ta đối xử với người khác. Thập giá phải là dấu hiệu tình yêu đối với Chúa mà chúng ta biểu lộ qua lòng nhiệt thành, sẵn sàng cho đi tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là, trong khi giáo huấn, thánh hóa và dẫn dắt giáo dân. Chúng ta không thể thi thố thành công quyền bính, nếu không chạy đến với Mẹ của lòng thương xót. Mẹ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng vượt trên mọi vương quốc và quyền lực. Mẹ dẫn chúng ta đến sức mạnh và quyền năng ấy, vốn mang lại những gì là chân thực và tốt lành trong tâm hồn con người. Nhờ Mẹ cầu bàu, chúng ta có thể biểu lộ quyền bính của Chúa qua việc chúng ta phục vụ.

 

3.  Vâng Lời

Chúng ta hãy nhớ lại thời khắc quan trọng khi chịu chức linh mục, qùy trước mặt Giám Mục Bản Quyền, đặt tay chúng ta trong tay Ngài. Nhân danh Giáo Hội, Ngài hỏi chúng ta: "Con có hứa kính trọng và vâng phục Cha và người kế vị cha không?" và chúng ta trả lời: "Thưa con hứa." Không ai trong chúng ta có thể quên thời khắc ân sủng ấy. Đó là một sự cam kết với Chúa và với Giáo Hội, cho một tương lai vô định. Đó là tiếng “Xin Vâng” của chúng ta trong mọi sự mà Chúa và Giáo Hội đòi hỏi chúng ta. Chúng ta cam kết vâng lời Giám Mục Bản Quyền của chúng ta và những người kế vị Ngài, mà chẳng biết cái gì các ngài sẽ yêu cầu chúng ta. Như Mẹ Maria, lòng vâng phục của chúng ta được xây dựng trên đức tin và chấp nhận Lời Chúa trong cuộc sống. Nó cũng được xây dựng trong sự tin tưởng, phó thác vào ơn nâng đỡ của Chúa, tín nhiệm vào Giáo Hội, vì Giáo Hội đã nhận lãnh sứ vụ và quyền bính từ Chúa Kitô.

Trong cuộc sống trải dài, có khi chúng ta kinh ngạc, có khi hân hoan, có khi lo buồn về những gì mà Giáo Hội đòi hỏi chúng ta. Khi gặp thử thách lớn lao, lắm lúc chúng ta tự hỏi: “Có phải Chúa đòi hỏi, và trao cho chúng ta những gánh quá nặng như vậy bắt phải vác không?” Như Mẹ Maria, chúng ta đặt câu hỏi: "Việc đó xảy đến thế nào được?" khi mà chúng ta phải đối mặt với những vấn đề và thách đố mà chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến trong ngày hồng phúc thụ phong linh mục. 

Sự vâng phục đòi hỏi chúng ta cái gì nhiều hơn là sự xác định ở đâu và khi nào chúng ta sẽ thi hành sứ vụ của mình. Như các môn đệ đầu tiên, chúng ta không tự quyết định lấy sứ vụ của mình, song chúng ta đã được sai đi, hay sẽ được sai đi. Trong sự vâng lời, chúng ta không thể tránh khỏi thập giá. Chúng ta biết chết cho chính mình khó khăn dường nào!, vì không phải chỉ trong chốc lát, song trong từng phút giây của cuộc sống mỗi ngày. Chúng ta hằng trải nghiệm nhu cầu cần được tăng thêm sức mạnh mới để vâng lời, nhờ ân sủng của Chúa Kitô và lời cầu bàu của Mẹ Maria. Chúng ta cần tiếp tục đào sâu và làm mới lại cái nhìn của chúng ta về bản chất của sự vâng lời mà Chúa và Giáo Hội đòi hỏi chúng ta.

Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô, sống trong sự vâng lời Chúa Kitô, Đầu của Thân Thể, như Công đồng Vaticanô II dạy (LG 7; Eph 5:23-24). Và trong sự vâng lời, chúng ta tham dự đầy đủ vào công việc cứu thế đã được mạc khải và kiện toàn trong Chúa Kitô. Như Mẹ Maria, chúng ta có nhiệm vụ kéo dài sứ mệnh của Chúa Kitô, và sứ mệnh ấy chỉ có thể tiếp tục trong đức tin vâng phục, và sự quen thuộc sâu xa với đường lối của Chúa. Trong việc kiện toàn sứ mệnh của mình, chúng ta được mời gọi dõi bước theo cùng một con đường Chúa Kitô đã đi qua. Con đường đó dẫn đến thập giá, không thể tránh được. Khi cầu nguyện, chúng ta qui tụ lại dưới chân thập giá. Khi đối mặt với bách hại hay đồng hóa với thân phận bị bỏ rơi, chúng ta đứng gần thập giá và mặc lấy tâm trí của Chúa Giêsu!

Đúng như Giáo Hội tuân theo Chúa Kitô, chúng ta phải gắn bó với Giáo Hội trong tình thảo hiếu và vâng lời. Vâng lời đòi hỏi can đảm tuân giữ kỷ luật Giáo Hội, và thích ứng với những yêu sách đặc biệt: có thể là phải bỏ một nhiệm sở tốt và đầy đủ tiện nghi để đến một nơi khó khăn; có thể là bỏ lại đàng sau cha mẹ, gia đình và bạn bè. Nhưng sự vâng lời mà Giáo Hội đòi hỏi chúng ta đi xa hơn và tóm tắt lại trong câu sentire cum Ecclesia (cảm thông với Giáo Hội). Điều đó có nghĩa vâng lời là cùng suy tư với Giáo Hội. Cảm thông với Giáo Hội  còn hơn là việc chấp nhận cách máy móc các công thức đức tin hay các khoản Giáo luật. Cảm thông với Giáo Hội có giá trị là mối thiện cảm sâu xa và trung thành với giáo huấn, phượng tự và sứ vụ của Giáo Hội. Truyền thống và quan niệm hiện hành của Giáo Hội phải được thấm sâu vào cuộc sống chúng ta. Vâng lời như thế loại bỏ đầu óc vụ hình thức vô bổ, nhưng phải dẫn đến một sự sống được lớn lên trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô, đến đỗi thánh Phaolô nói: “Không còn phải là tôi sống nữa, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).

Vâng lời đòi hỏi sự sẵn lòng để ra một bên mọi sự, vì tình yêu Chúa Kitô và Giáo Hội. Đức vâng lời rất hiển nhiên nơi Chúa Kitô và rất căn bản nơi Giáo Hội phải bén rễ sâu nơi chúng ta và những ai chúng ta phục vụ. Vâng lời không phải là nhu nhược và nhát gan đến phát sợ mà phải từ bỏ ý nghĩ và các lý do tốt nhất của mình. Một vị Giám mục khuyến cáo thư ký của ngài như sau: “Tôi muốn cha luôn nói với tôi sự thật như cha thấy. Cha mắc nợ tôi sự phục vụ đó. Tôi có thể quyết định khác đi, và nếu tôi làm như vậy, tôi mong muốn cha vâng lời tôi. Nhưng cha phải luôn nói rõ ý nghĩ của cha, cách rõ ràng, kính trọng và nhiệt tình. Tôi cần biết sự thật, tôi muốn nghe những gì cha nghĩ.”   

Đúng vậy, Đấng Bản Quyền của chúng ta luôn đáng được nghe ý kiến tốt nhất và những thỉnh nguyện đã được suy nghĩ chín chắn của chúng ta. Ngài có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận chúng. Nhưng chúng ta an tâm biết rằng Ngài có một ơn phân định đặc biệt của Chúa Thánh Thần, ơn đoàn sủng mà chúng ta không có. Chúng ta được mời gọi tận tâm vâng lời như Mẹ Maria đã làm. Mẹ đã nói với thiên sứ sự thật Mẹ không biết đến người nam. Chúng ta cũng phải nói lên sự thật như chúng ta nhận thấy, và luôn sẵn sàng vâng lời, dù có trái ý chúng ta. Đó là thực sự cảm thông với Giáo Hội. 

Với Vaticanô II, không còn “vâng lời tối mặt”; nhưng “vâng lời đối thoại” hay “vâng lời trưởng thành”, nghĩa là chúng ta được trình bày với Đấng Bản Quyền hết sự thật những gì chúng ta nhận thấy và suy nghĩ, với đầy đủ lý do và ước nguyện, có khi nghịch lại ý Ngài, nhưng lời nói cuối cùng thuộc về Ngài, và chúng ta phải vâng lời quyết định cuối cùng của Ngài với tinh thần siêu nhiên. Thường Đấng Bản Quyền nào cũng có ban cố vấn và hành xử theo điều đã bàn bạc với họ. Nhưng trong trường hợp hết sức đặc biệt, Ngài cũng có quyền theo lương tâm làm trái ý họ. Là người của Chúa và của Giáo Hội, chúng ta tránh những hình thức liên minh gây áp lực hay chống đối Đấng Bản Quyền, hoặc khi không được như ý thì thụ động tiêu cực và xa lánh. Chúng ta biết rằng Ngài có quyền quyết định trái với ý của tất cả chúng ta, nhưng chính Ngài chịu trách nhiệm và trả lời với Chúa. Đó là thực sự cảm thông với Giáo Hội.

Điều đáng e ngại là có thể một số Vị quá “sính quyền bính” không dễ dàng lắng nghe sự thật và cho bề dưới cơ hội đối thoại hay giải thích! Đức Gioan Phaolô II, trong cuộc tiếp kiến năm 2002 tại Roma, đã khuyên các Giám Mục Việt Nam đi ad limina hãy luôn gần gũi hơn với các linh mục, quan tâm tới đời sống hàng ngày của họ để nâng đỡ họ và đồng hành cùng họ, nhất là khi họ gặp thử thách vì thi hành sứ vụ; cung cấp cho họ một sự đào tạo thiêng liêng thích ứng với những thách đố trong việc truyền giáo mà họ phải đối diện. Chương trình đào tạo linh mục của Giáo Hội Philippines cũng đề nghị các Giám mục nên đi bước trước trong cuộc đối thoại thân hữu và thường xuyên với các linh mục trẻ, để họ có thể cởi mở và chân thành bàn cải cách riêng tư, với sự hướng dẫn từ phụ của Giám Mục, về công việc, thành công và thất bại, kế hoạch và vấn đề, và về đời sống thiêng liêng của họ nữa. Với hiểu biết đầy yêu thương và trợ giúp từ phụ của Giám mục, linh mục sẽ đứng vững trong mọi hoàn cảnh. Thái độ của các linh mục đối với Giám Mục phải là hợp tác, vâng lời, tình bạn, và nhìn thấy nơi ngài một người cha thực sự và vâng phục ngài với tất cả kính trọng (x. Đào tạo và Tự đào tạo thiêng liêng…, tr. 288-289).

Và đi cho tới cùng, vâng lời đòi hỏi mọi sự nơi chúng ta: trí khôn, con tim, ý muốn, đời sống. Mẹ Maria đứng gần thập giá luôn vâng phục và Mẹ đã nhượng bộ mọi sự cho Chúa, bao gồm cả Con yêu dấu của Mẹ. Mẹ đã nêu gương về sự chết cho chính mình. Trong khiêm tốn, Mẹ đã hiểu vâng lời là diễn tả trọn vẹn sự lệ thuộc vào Chúa và là hệ luận thiết yếu của quyền bính. Cả hai đều lệ thuộc vào Chúa Kitô chịu đóng đinh, và được đo lường bởi mức độ mật thiết với Ngài. Phúc cho chúng ta, nếu như Mẹ Maria, chúng ta tin vào sự thật của Lời Chúa và gìn giữ nó trong lòng! Phúc cho chúng ta, nếu như Mẹ, chúng ta có thể có được một trái tim thực sự ăn khớp với những đường lối nhiệm mầu và yêu thương của Chúa! Phúc cho chúng ta, nếu như Con của Mẹ, chúng ta cũng có thể hiến dâng mạng sống chúng ta trong vâng phục và yêu thương!

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hóa và tâm thức do các cơ cấu xã hội, chính trị và tôn giáo. Chẳng hạn, vì bị ảnh hưởng của Khổng giáo, của chế độ phong kiến và thực dân, của các cơ cấu phẩm trật và gia trưởng, chúng ta lắm khi phải đương đầu với những thách đố và chiến đấu trăn trở về tự do và phục tùng với bộ ba “quyền phục, lý phục và tâm phục hay tâm bất phục.” Và trong những trạng huống bức xúc có thể “tức nước vỡ bờ”, chúng ta được khuyên “đào sâu lòng sông và khơi dòng cho nước chảy”.

Nhưng với đức tin mạnh mẽ và đâm rễ sâu trên nền tảng Thánh Kinh vững chắc, đặt trọng tâm vào Chúa Giêsu, vào Phúc Âm, vào Giáo Hội và các linh hồn, cầu nguyện và biện phân dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ vâng lời cách sẵn lòng và siêu nhiên các vị lãnh đạo và cơ cấu Giáo Hội, không phải như những con người và cơ cấu nhân loại, nhưng là Ý Chúa ở trong và qua những con người và cơ cấu này. Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin hãy đến trợ giúp chúng con!

 

4. Tự Do

Trong lời đáp trả “Xin Vâng” của Mẹ, Chúa đã tự do ban ơn cho Mẹ, chọn Mẹ, chuẩn bị Mẹ, và hướng dẫn Mẹ đi đến một thuận ý trọn vẹn. Đức tin không nao núng và vâng lời trọn vẹn của Mẹ cùng lúc là ưng thuận đầy yêu thương và tự do đối với Chúa, Đấng đã sai Con Ngài đến trong thế gian, để cứu chuộc thế gian. Chẳng có gì là miễn cưỡng trong thuận ý của Mẹ với những gì Chúa yêu cầu. Mẹ đã đáp trả với niềm vui, một niềm vui chỉ có ở một người thật sự tự do thôi. Niềm vui và tự do của Mẹ có cùng một nguồn gốc, đó là sự tương hợp với Ý Chúa. Ý muốn của Mẹ không hề bị ép buộc bởi ý muốn của Chúa; đúng hơn ý muốn của Mẹ hòa hợp trọn vẹn với ý muốn của Chúa, hay nói cách khác, Mẹ muốn ý muốn của Chúa.

Khi Chúa Giêsu đi rao giảng, chữa lành và mạc khải Nước Trời, Mẹ tiếp tục hiến dâng sự thuận ý của Mẹ. Mẹ để Ân sủng Nhập Thể dạy dỗ và hướng dẫn cho đến tận cùng ở Golgotha. Gần thập giá Chúa Giêsu, Mẹ làm chứng tá cho suối nguồn sự sống và tự do của chúng ta. Thực thế, Con Mẹ đã đến trong thế gian để giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và ban cho chúng ta “tự do vinh hiển của con cái Chúa” (Rm 8:21). Phụng vụ của Giáo Hội hằng ca ngợi tự do mà Đấng Cứu Thế đã chiếm được cho chúng ta nhờ cái chết và phục sinh của Ngài: “Vì Ađam sa ngã, chúng ta phải sinh ra làm nô lệ tội lỗi, bây giờ nhờ Phép Rửa trong Chúa Kitô, chúng ta được tái sinh làm dưỡng tử của Chúa Cha” (Kinh Tiền Tụng Chúa nhật IV Mùa Chay). 

Từ trên thập giá, Chúa đã chỉ định Mẹ làm mẹ của Gioan. Và cũng từ giờ phút đó, Mẹ đã trở nên mẹ của chúng ta. Vốn tự do thuận ý với tất cả những gì Chúa muốn, Mẹ tự do kết hiệp với đau khổ và cái chết của Con. Mẹ là thầy dạy của chúng ta trong con đường tự do. Mẹ dạy chúng ta rằng để tìm được tự do, trước hết chúng ta phải để mất nó đi bằng cách vâng phục ý Chúa. Trong luận lý của Phúc Âm, hòa điệu với ý Chúa là định nghĩa đích thực của tự do. Hòa điệu với ý Chúa luôn có nghĩa là chiến thắng tội lỗi. Bất cứ cái gì nghịch lại ý Chúa đều phá hủy nhân phẩm và tự do của chúng ta.

Hòa điệu của Mẹ với ý Chúa gìn giữ Mẹ khỏi nguyên tội và cho Mẹ khả năng vẫn mãi vô tội. Chiến thắng của Mẹ trên tội lỗi đã đạt được trong viễn ảnh ơn cứu chuộc bởi thập giá và phục sinh của Con Mẹ. Mẹ tiếp tục dẫn dắt chúng ta đến ơn cứu độ, nhờ đó chúng ta đạt được chiến thắng tương tự trong cuộc sống chúng ta và thực sự tự do thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi. Mẹ biết rằng trong cuộc đời này chúng ta phải đứng gần thập giá, vì hễ khi nào chúng ta lạc xa thập giá thì quyền lực tội lỗi sẽ lại chụp xuống trên cuộc đời chúng ta, và tự do của chúng ta đã được chuộc lấy bằng Máu của Con Mẹ sẽ bị đánh mất. Như thế, mỗi ngày chúng ta phải vác lấy thập giá, chiến đấu chế ngự bản thân và từ bỏ chính mình. 

Làm chủ được chính mình là thước đo của tự do. Khi chúng ta để cho ơn cứu chuộc của Chúa dẫn chúng ta đi trên con đường của Chúa và kéo chúng ta ra khỏi tội, tự do của chúng ta sẽ phát triển. Khi tự do chúng ta mở rộng, chúng ta được thoát khỏi sự tàn bạo của ích kỷ và được sẵn sàng cho Chúa và kế hoạch của Ngài trên chúng ta. Tự do mở rộng có nghĩa là khả năng cho đi không tính toán và không lo âu về những gì chúng ta sẽ nhận lại từ công khó của mình. Tự do mở rộng là khả năng đặt mình hoàn toàn phục vụ để đi bất cứ đâu và làm bất cứ gì Chúa và Giáo Hội yêu cầu chúng ta. 

Tự do mang lại niềm vui đích thực cho cuộc đời chúng ta. Nhiều linh mục vui hưởng niềm vui ấy khi họ đảm nhận những trạch cử và nhiệm vụ khó khăn, không phải do họ chọn chúng, nhưng đơn giản do Giáo Hội muốn họ làm như vậy. Chúng ta nghĩ đến những linh mục sẵn sàng rời bỏ những nhiệm sở rất thoải mái và tiện nghi, để bắt đầu làm việc trong những giáo xứ nghèo nàn và khó khăn đủ mặt. Chúng ta nghĩ đến những linh mục sẽ đảm trách những phận vụ bạc bẻo trong Giáo phận, không phải hy vọng một phần thưởng nào đó, nhưng đơn giản chỉ vì đó là công việc của Chúa và của Giáo Hội. Chúng ta nghĩ đến những linh mục sẵn lòng nói sự thật Phúc Âm cho những kẻ mình phục vụ, mà không để mình bị tê liệt vì sợ làm như vậy người ta sẽ không ưa mình. Vui biết bao việc chúng ta phục vụ Giáo Hội, khi chúng ta được tự do thoát khỏi ách quyền lợi cá nhân.

Chớ gì trong cuộc sống mỗi ngày, qua lời nói và gương sống của chúng ta, những người chúng ta phục vụ cảm nhận và tìm thấy được tự do diệu kỳ mà Chúa đã đoạt được cho chúng ta. Hằng ngày chúng ta phải xin Mẹ Maria giúp chúng ta đạt được ơn vừa vâng lời vừa tự do tâm hồn.

Lạy Chúa, con xin dâng tư tưởng của con cho Chúa, để chúng luôn hướng về Chúa; để lời nói của con có Chúa làm đề tài; để việc làm của con phản ánh tình yêu của con cho Chúa; để đau khổ của con được chịu đựng cho vinh danh Chúa hơn. Con muốn làm những gì Chúa xin con, cách nào và bao lâu Chúa muốn ở con. Xin Chúa soi sáng trí khôn con, đốt nóng ý chí con, thanh tẩy trái tim con và thánh hóa linh hồn con. Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tất cả tự do của con, ký ức của con, trí hiểu của con, trọn vẹn ý muốn của con, tất cả những gì con có và sở hữu. Chúa đã cho con mọi sự. Và mọi sự là của Chúa, xin hãy sử dụng như ý Chúa muốn. Xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa, và như thế đã đủ cho con. Xin Mẹ Maria, Mẹ Chúa và mẹ con, cũng cầu nguyện với Chúa Giêsu cho con. Amen.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!