Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Trần Minh Huy, pss
Mục Lục

Lời Tựa

Dẫn Nhập

Lược Tóm

PHẦN I - Chương I: Xã Hội Việt Nam

Chương II: Giáo Hội Việt Nam với các Chủng Viện và Hàng Giáo Sĩ

Chương III: Việc đào tạo thiêng liêng hiện nay ở các chủng viện Việt Nam

PHẦN II - Chương IV: Giáo Huấn của Hội Thánh Hoàn Vũ về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương V: Giáo huấn của Hội Thánh Địa Phương về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương VI: Áp dụng giáo huấn của Hội Thánh vào việc đào tạo Thiêng Liêng cho các Chủng Sinh

PHẦN III - Chương VII: Bối cảnh hoá đào tạo Thiêng Liêng cho các Linh Mục Việt Nam tương lai

Chương VIII: Giai đoạn tiền chủng viện thăng tiến, thẩm tra và đón nhận

Chương IX: Giai đoạn chủng viện đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng

Chương X: Giai đoạn hậu chủng viện

Kết Luận

Sách tham khảo

Phụ trương A

Phụ trương B

Phụ trương C

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

THƯƠNG CHO ĐẾN CÙNG ĐỜI LINH MỤC THỪA TÁC

Đối Mặt Với Bối Cảnh Đào Tạo Hôm Nay: Cuộc Khủng Hoảng Tình Cảm Và Tình Dục Trong Giáo Hội.

ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY

LƯỢNG SỨC MÌNH ĐỂ QUYẾT ĐỊNH DỨT KHOÁT

Hiệp Thông Trong Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC NGÀY NAY

BAN HUẤN LUYỆN ĐAMINH TAM HIỆP - Thường Huấn 4-7/5/2017

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - XÂY DỰNG NHÂN CÁCH TU SĨ

Xây dựng Cộng Đoàn Cầu Nguyện và Yêu Thương

NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT HÔM NAY

TRỞ NÊN LINH MỤC ĐÍCH THỰC NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.

MỤC VỤ LINH HƯỚNG - Phân Định và Sống Ơn Gọi

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC NGÀY NAY

Đào Tạo Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo và Đời Tu

CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN BÍ QUYẾT TÌNH YÊU VÀ VUI SỐNG

Linh Mục Sống và Thực Thi Năm Thánh Lòng Thương Xót - Linh Mục Đoàn Ban Mê Thuột Thường Huấn 29/2 - 4/3/2016

Đối Mặt Với Các Thách Thức Trong Đời Sống Và Sứ Vụ Linh Mục Của Chúng Ta Hôm Nay - Linh Mục Đoàn Hưng Hoá Tĩnh Tâm Năm 9 - 13/11/2016

Người Nữ Tu Sống Tu Đức Toàn Diện

Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu

Cầu Nguyện Cá Nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống

Sứ Điệp Từ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay

Lớp Thần Học bổ túc (2006-2007)

Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu

Chúa vẫn thương

Làm Sao Để Tha Thứ

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay
Chương III: Việc đào tạo thiêng liêng hiện nay ở các chủng viện Việt Nam

A.  Chương Trình Tiêu Chuẩn Đào Tạo Thiêng Liêng

Ngày nay việc chủng sinh lo thực hành thiêng liêng trong đời sống hằng ngày được nhìn nhận là chìa khoá dẫn đến thành công trong mọi chương trình đào tạo. Đời sống thiêng liêng là đời sống nhân bản được sống trong Chúa Thánh Thần. Đó là lời đáp trả với lời mời gọi của Thiên Chúa trong một hoàn cảnh cụ thể. Nhìn chung, việc đào tạo thiêng liêng tại sáu Đại Chủng Viện Việt Nam gồm ba phần chính:

      1. Lý Thuyết

Phần lý thuyết trong công cuộc đào tạo được chia thành triết học và thần học. Chương trình triết học kéo dài hai năm. Ngoài triết học, chủng sinh được dẫn nhập vào đời sống cầu nguyện, suy niệm và linh đạo cộng đoàn, với những môn học về thiêng liêng, lịch sử cứu độ, đời sống ơn gọi.60 Mục đích của chương trình này là hướng dẫn và động viên chủng sinh lớn lên trong mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa, và sống đời sống thường ngày với sự hiện diện của Thần Khí Chúa Kitô.

Chương trình thần học kéo dài bốn năm. Năm đầu tiên chú trọng vào lịch sử Linh Đạo trong Hội Thánh. Năm thứ hai và thứ ba đặt trọng tâm vào Thần Học Thiêng Liêng. Năm thứ tư chú tâm đến chỉ nam về đời sống linh mục. Bốn năm học này có một số mục tiêu. Chúng nhằm giúp chủng sinh lớn lên và trưởng thành trong đời sống thiêng liêng. Nghĩa là chủng sinh phải mở ra để trải nghiệm Thiên Chúa đang sống. Đồng thời chủng sinh cũng được khích lệ trở nên thoải mái hơn khi chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng với những người khác qua lời nói và hành động, trong đời sống hằng ngày và tác vụ linh mục của mình.     

   2.  Thực Hành Thiêng Liêng

Phần thực hành trong chương trình đào tạo về cơ bản là đem ra thực hành những điều mà chủng sinh đã học về mặt lý thuyết. Nghĩa là chủng sinh được hướng dẫn và trợ giúp để hoà nhập đời sống thiêng liêng vào đời sống hằng ngày. Điều này bao gồm một số cách thực hành khác nhau. Chủng sinh được hướng dẫn khám phá Chúa Giêsu trong các Tin Mừng bằng việc cố gắng sống và chia sẻ đời sống của Chúa Giêsu bằng những phương pháp suy niệm. Chủng sinh cũng được hướng dẫn tập lớn lên về đời sống thánh thiện bằng cách đem ra sống ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến; đồng thời thực tập bốn nhân đức luân lý là khôn ngoan, công bình, tiết độ, và can đảm.

      3. Sự Nâng Đỡ Cần Thiết

Phần thứ ba của tiến trình đào tạo thiêng liêng có thể được gọi tên là sự nâng đỡ của cộng đoàn. Tiến trình này được đặt dưới sự hướng dẫn trực tiếp và được củng cố bằng ba cách thực hành. Cha giám đốc chủng viện có những buổi huấn dụ thiêng liêng thường kỳ và bất thường. Chủng sinh cũng được linh hướng riêng tư. Cuối cùng, cũng sẽ có  chia sẻ và trợ giúp theo nhóm, theo những cách luyện tập khác nhau, dưới sự hướng dẫn của một nhà đào tạo.

 

B. Việc Tự Đánh Giá của Các Chủng Sinh

Trong suốt thời kỳ huấn luyện ở chủng viện, các chủng sinh được khích lệ tự suy nghĩ về chính bản thân mình, dựa trên một bảng câu hỏi61 xuất phát từ những chất liệu khám phá được từ khung cảnh những khoá linh hướng.

   Bảng câu hỏi này liên quan đến:

* Những điều kiện bên ngoài (môi trường xã hội, gia đình, những mối liên hệ với các linh mục quen biết, với người khác giới);

* Những điều kiện tự nhiên (sức khoẻ, tính tình, trí thông minh, các tài năng và khả năng);

* và những điều kiện thiêng liêng (tinh thần xả kỷ, tinh thần trách nhiệm, tinh thần thiêng liêng, tinh thần đức tin, tinh thần cộng tác, tinh thần vâng phục, tinh thần nghèo khó, tinh thần thanh khiết, tinh thần phụng vụ, tinh thần mục vụ và tinh thần lao động chân tay).

Bảng câu hỏi nhằm giúp các chủng sinh biện phân ơn gọi của mình và đưa ra một quyết định trưởng thành cho cuộc đời mình với sự tự do nội tâm hoàn toàn. Để  những nỗ lực này được dễ dàng hơn, họ được khuyến khích xây dựng một hình ảnh linh mục lý tưởng62 mà lòng họ ước ao, dựa trên nguyên mẫu là Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục Tối Cao Vĩnh Cửu.

Việc tự đánh giá nghiêm túc có thể dẫn chủng sinh tới một trong hai kết luận:

* Hoặc là Chúa muốn thầy theo con đường khác. Thầy đã được trang bị các đức tính và những khả năng cần thiết để sống đời sống Kitô hữu một cách trọn vẹn với tư cách là một giáo dân. Vậy tinh thần trách nhiệm sẽ khích lệ thầy thay đổi ơn gọi.

* Hoặc là Thiên Chúa chọn thầy làm linh mục. Mặc dù thầy tự kiểm mình một cách nghiêm túc, thầy vẫn không thể tuyệt đối chắc chắn về ơn gọi của mình. Sự chấp thuận của Giám Mục và các vị đại diện của ngài sẽ hoàn tất chọn lựa này và làm cho thầy an tâm.

  

C.    Việc Áp Dụng Chương Trình Này Trên Thực Tế

Đào tạo thiêng liêng là nền tảng quan trọng nhất trong việc đào tạo linh mục. Nhưng nói chung, những người trẻ hôm nay vào chủng viện chưa được chuẩn bị kỹ càng cho một đời sống Kitô hữu trưởng thành; họ còn thiếu nền tảng giáo lý và một đời sống cầu nguyện nội tâm nghiêm túc.63

Mọi nhà đào tạo ở chủng viện đều đồng ý rằng công việc đào tạo thiêng liêng cần được làm nổi bật ngay từ thời kỳ tiền chủng viện tại các giáo xứ. Nền tảng giáo lý ở giáo xứ và các chương trình đào tạo nhân bản phải làm sao để các ứng sinh chủng viện biết cách cầu nguyện và tự làm quen với các việc phụng vụ và đời sống cộng đoàn. Vì không còn tiểu chủng viện, công việc đào tạo cơ bản phải bắt đầu trước hết từ gia đình, đặc biệt là các bậc cha mẹ. Các cộng đoàn Kitô hữu và các cha xứ có thể giúp các ứng sinh biện phân các động lực chân thực đối với ước muốn trở thành linh mục của các ứng sinh, và thực hành từng bước một lối sống đó.64 Càng sống như là chủng sinh, ứng sinh càng trở nên chủng sinh thực thụ hơn, và càng sống như là linh mục, ứng sinh càng trở nên linh mục thực thụ hơn.

Trong tất cả các chủng viện, sinh viên được tổ chức theo các nhóm để họ có thể hợp tác với các nhà đào tạo cách tốt hơn trong hành trình thiêng liêng. Nhiệm vụ to lớn của hoạt động này là áp dụng những nhận thức sâu sắc lãnh hội được nhờ việc linh hướng vào cuộc sống của họ. Họ họp nhau hằng tuần để trợ giúp nhau trong những hoạt động đa dạng của việc điều hành đời sống chủng viện, và vượt thắnng những khó khăn cá nhân trong đời sống hằng ngày. Các nhà đào tạo cũng nỗ lực cung cấp một nền tảng giáo dục chắc chắn hơn, một khi họ được vào học năm thứ nhất.

      

D. Trở Lực Trong Tiến Trình Phát Triển Thiêng Liêng

Nhưng trên thực tế, thời gian được dành cho việc đào tạo thiêng liêng và những nỗ lực đối với công việc này là chưa đủ để các chủng sinh trưởng thành về mặt thiêng liêng. Giáo Hội địa phương đang thiếu thốn nhân sự và những nguồn trợ lực cần thiết để chu toàn việc đào tạo thiêng liêng trong chương trình sáu năm đào tạo linh mục.

Chuyện thiếu các nhà đào tạo vẫn còn là một vấn đề tồn đọng và có ảnh hưởng tiêu cực đối với việc đào tạo thiêng liêng. Một chủng viện không có vị linh hướng thường trú (ví dụ như Hà Nội) phải mời các linh mục ở nơi khác nhận trọng trách này, nhưng mỗi lần các linh mục đó chỉ ở lại vài tháng rồi lại phải ra đi.65 Ta không thể tạo ra được một môi trường đào tạo thuận lợi cho các chủng sinh, và xây dựng lòng tín nhiệm cần thiết để họ có thể ký thác những vấn đề thực tế liên quan đến ơn gọi của họ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế. Hơn nữa, nhiều vị linh hướng hiện nay không được chuẩn bị thích hợp, và vẫn còn tồn tại một quan niệm sai lầm là bất cứ linh mục nào cũng có thể làm linh hướng.

Ta có thể nhận diện những ảnh hưởng bất lợi của một xã hội duy vật và duy tiêu thụ, của việc giáo dục thiêng liêng và nhân bản khiếm khuyết trong thời gian tiền chủng viện, như là những trở lực ngăn cản các ứng sinh tiến tới chức linh mục lớn lên cách thích đáng về mặt thiêng liêng. Ngoài ra, các nhà đào tạo cũng đau đớn nhận thấy rằng do bị tiêm nhiễm bởi tệ nạn gian lận và thiếu lương thiện của xã hội, một số chủng sinh đôi khi vẫn trả lời không thành thực.66 Các thói quen xấu khác có thể thúc đẩy một số ứng sinh che giấu động lực thật sự của mình. Một số nhà đào tạo nói rằng họ sử dụng một số trắc nghiệm như là cơ sở để giúp các ứng sinh biết mình rõ hơn và phát triển hoặc thay đổi thái độ và cách ứng xử.

Các linh mục thường trú có trách nhiệm đối với việc đào tạo thiêng liêng của các chủng sinh, và các linh mục dòng được mời hướng dẫn các kỳ tĩnh tâm thường niên hay các khoá phân định ơn gọi để đảm bảo một sự đánh giá khách quan về mức độ trưởng thành của các chủng sinh. Công việc đào tạo thiêng liêng không đầy đủ và ảnh hưởng của não trạng duy tiêu thụ trên các ứng sinh tiến tới chức linh mục ở Việt Nam hiện nay cho thấy rõ nhu cầu cần xem lại công tác đào tạo thiêng liêng, và nhu cầu cần nhiều vị linh hướng thành thạo (kỹ năng  và giàu kinh nghiệm) và được đào tạo chu đáo.

Tuy nhiên, các nhà đào tạo cũng đồng ý với nhau rằng kết quả của việc huấn luyện mặt thiêng liêng là các ứng sinh chứng tỏ những thay đổi tích cực trong một thời gian ngắn ở chủng viện. Các chương trình đào tạo linh mục tại các chủng viện Việt Nam gồm có một hoặc hai năm làm việc mục vụ ở giáo xứ. Việc phục vụ này vẫn còn xen kẽ trong suốt sáu kỳ nghỉ hè, tuỳ theo đòi hỏi của chủng viện và giáo phận.

Vẫn còn đó nhiều vấn đề và khó khăn, nhưng Hội Thánh tại Việt Nam vẫn hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn, dưới sự hướng dẫn quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngài là vị linh hướng đích thực. Niềm hy vọng này một phần dựa trên sự giúp đỡ quảng đại của các Giáo Hội anh em, những Giáo Hội vẫn đang giúp Giáo Hội Việt Nam đào tạo những nhà đào tạo chủng viện tương lai tại Paris, Rôma và Philíppin.67

 

E.  Việc Lượng Định Hằng Năm

Nhằm lượng định về các chủng sinh, mỗi năm học, các nhà đào tạo họp hội đồng ít nhất là hai lần, một lần sau đầu năm học mới và lần thứ hai trước kỳ nghỉ hè (dĩ nhiên là các chủng sinh không tham dự). Trong cuộc họp thứ nhất, vị giám đốc cho hội đồng biết mức tiến triển của mỗi chủng sinh bằng cách đọc thư của các cha xứ về thông tin cũng như việc xem xét và gợi ý của các ngài liên quan đến chủng sinh trong kỳ nghỉ hè. Hội đồng cũng xem xét và nhớ lại đánh giá mới nhất của mình. Đồng thời, các ngài thảo luận về chương trình cho năm học mới.

Cuộc họp hội đồng thứ hai diễn ra trước khi đi nghỉ hè. Hội đồng đánh giá về các chủng sinh trong năm học qua, đặc biệt là các chủng sinh sẽ mãn khoá chủng viện và sẵn sàng chuẩn bị chịu chức. Vị giám đốc báo cáo kết quả cho Giám Mục của các ứng viên. Ngài cũng gửi một bức thư cho từng cha xứ để xin các ngài hợp tác trong tiến trình đào tạo chủng sinh trong kỳ nghỉ hè.

Mỗi chủng sinh được đánh giá theo năm lãnh vực: thiêng liêng, tri thức, tính tình, kỷ luật và khả năng ơn gọi. Vị giám đốc chủ toạ cuộc họp sẽ nêu tên lần lượt từng chủng sinh. Ngài báo cáo sự đánh giá mới nhất. Sau đó, mỗi thành viên hội đồng lần lượt nói lên những nhận xét của mình về năm lãnh vực nêu trên, so sánh với quá khứ xem chủng sinh này có tiến bộ hay không. Vị giám đốc và thư ký hội đồng ghi chép mọi điều các thành viên hội đồng phát biểu.

Khi đến lượt các chủng sinh do mình hướng dẫn, vị linh hướng sẽ giữ  im lặng, nhằm bảo vệ nguyên tắc tín cẩn: Các vị linh hướng không tham dự vào việc lượng định những chủng sinh mà ngài hướng dẫn, vì việc linh hướng diễn ra ở toà trong và mối tương quan này là mối tương quan tín nhiệm và cẩn mật.

Thông qua việc huấn đức của vị giám đốc và người phụ trách môn tu đức, chủng sinh được khuyến khích hoàn thành một bản xét lại bản thân, nhằm kiểm tra lại sức mạnh và các mặt tiến triển để hoạch định cho tương lai.

Các chủng sinh cũng phải được biết về những lầm lỗi của mình, đặc biệt là những lầm lỗi quan trọng. Chủng sinh cũng được phép giải thích và biện hộ lý do của mình (Cv 25,16). Chủng sinh cũng cần có thời gian và cơ hội để thực hiện sự hoán cải cần thiết. Đây là mệnh lệnh của Tin Mừng đối với việc tha thứ và biến đổi. Điều mà tổ tiên người Việt Nam quan tâm là “làm người, không ai thoát khỏi lầm lỗi; có lầm lỗi thì phải sửa mình; và khi đã sửa rồi thì không còn lầm lỗi nữa.” Tin Mừng chứng tỏ nhiều tội nhân trở thành thánh nhân nhờ sự trợ giúp quyền năng của ân sủng Thiên Chúa (Ga 8,7). Đây là tình yêu thương xót của Chúa (Mt9,12-13). Trên thực tế, những người đã hoán cải mà có lòng khiêm tốn còn tốt hơn những ai không hề có lỗi lầm nào đáng kể, mà mắc phải chứng kiêu hãnh và tự phụ.

Mọi nhà đào tạo đều cố gắng biết rõ từng chủng sinh một, nhằm giúp họ trong những nỗ lực tự đào tạo, và góp phần vào đường hướng đào tạo chung của chủng viện. Vì thế, sự thống nhất trong đội ngũ đào tạo chủng viện là cần thiết.68 Nhưng chỉ có vị giám đốc mới cho chủng sinh và Giám Mục liên hệ biết thông tin về chính chủng sinh ấy. Vị giám đốc là đại diện duy nhất của hội đồng chủng viện đối với bên ngoài. Hội đồng chủng viện sẽ không chỉ báo cáo với Giám Mục liên hệ về cách cư xử bên ngoài của từng ứng viên (điều thầy nói và việc thầy làm, và thầy đã đáp ứng được những đòi hỏi như thế nào), nhưng cũng lượng định về thầy như là ứng viên đối với lời mời gọi tiến tới Bí Tích Truyền Chức Thánh.

Mọi nỗ lực và sự quan tâm đặc biệt đối với việc đào tạo ở chủng viện là nhằm cung cấp cho các chủng sinh những phương tiện để biện phân ơn gọi của mình, để họ thu thập được kiến thức, thái độ và những kỹ năng cần thiết cho một linh mục tốt, trong niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất công việc quan trọng này của Hội Thánh bằng những ơn huệ của Chúa Thánh Thần

      

F.  Nhu Cầu Phải Tiến Bộ Liên Tục

Là một tiến trình tiệm tiến, việc đào tạo thiêng liêng và sự lớn mạnh thiêng liêng cũng cần một sự tiến bộ liên tục. Nghĩa là, ta cần một sự lượng định liên tiếp, qua đó chủng sinh sẽ nhận được thông tin rõ ràng và chính xác về bản thân mình, nhờ đó thầy có thể thay đổi và sửa chữa điều không phù hợp và phát triển những mặt thầy còn yếu. Tiến trình này bao gồm cả các nhà đào tạo, chủng sinh và anh em đồng bạn, Giám Mục giáo phận và hàng giáo sĩ giáo phận, các tu sĩ và giáo dân và những người mà thầy có trách nhiệm phục vụ, trong tinh thần tín nhiệm và tin cậy lẫn nhau. Sự lượng định liên tục này giúp chủng sinh chứng tỏ những phẩm chất tích cực đảm bảo cho thầy tiếp tục ơn gọi. Nếu như chủng sinh không có những phẩm chất để làm việc như một linh mục một cách hài hoà và hiệu quả, thì thầy cần phải được cho biết điều này, một cách có tính cách xây dựng, càng sớm càng tốt và nên khuyên thầy rời bỏ chủng viện.69

Để có được sự tiến bộ thường xuyên và hiệu quả, chính chủng sinh phải ý thức việc tự giác tuân thủ kỷ luật và trung thành trong đời sống thiêng liêng, nghĩa là một mối liên hệ cá nhân sâu xa với Chúa Kitô, được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện và phụng vụ, đặc biệt là Lời Chúa và Thánh Thể, theo mẫu gương Đức Trinh Nữ Maria. Các kinh nguyện và việc đạo đức ấy giúp thầy nuôi sống ơn gọi của mình trong chủng viện và giúp thầy kiên trì trong đời sống linh mục sau này. Việc tự giác chấp hành kỷ luật, trung thành trong đời sống cầu nguyện, trung thành trong sứ vụ đối với Dân Chúa sẽ giúp thầy thăng tiến liên tục, nỗ lực bền bỉ để trở nên tốt hơn trong đời sống chủng sinh hiện tại, cũng như trong đời sống linh mục mai ngày.

GHI CHÚ

60 “Plans for Common Curriculum Discussed at Formators’ Meeting” (Da Nang, July 11, 2002), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 3-11-2004.

61 Xem phụ trương A1: Bảng Câu Hỏi Tự Đánh Giá.

62 Xem Hội Nhập Giáo Huấn của Giáo Hội: Viễn Ảnh của Chức Linh Mục.

63 “Formators call for Better Spiritual Formation of Seminarians” (Nha Trang, 8-8-2000), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 25-01-2005.

64 “Deficient Spiritual Formation among Seminarians Tackled at Formators’ Meeting”…, ibid.

65 “Formators Call for Better Spiritual Formation of Seminarians”…, ibid.

66 “Deficient Spiritual Formation among Seminarians Tackled at Formators’ Meeting”…, Ibid.

67 “Formators call for Better Spiritual Formation of Seminarians”…, ibid.

68 Hội Xuân Bích, Hiến Pháp, các khoản 14-15 ; 17.

69 Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus: Encyclical Letter on Priestly Celibacy (June 24, 1967), no. 64.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!