Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Nhà Văn Hương Vĩnh
Mục Lục

Chương 1: Mấy dặm sơn khê

Chương 2: Hải đảo Phú Quốc

Chương 3: Đà nẵng - Hội an

Chương 4: Thừa Thiên - Huế

Chương 5: Hà nội

Chương 6: Hạ Long

Chương 7: Thành phố Sapa

Chương 8: Lên miền Cao nguyên

Chương 9: Đáo Trường Thành

Chương 10: Bắc Kinh

Chương 11: Thượng Hải & Hàng Châu

Chương 12: Nhà Truyền Thống/ Văn Hóa & Đức Tin

Chương 13: Tu hội truyền giáo Vinh Sơn

Chương 14: Đan Viện Biển Đức Thiên Phước

Chương 15: Trẻ em khuyết tật

Chương 16: Những bào thai bị giết

Chương 17: Trung Tâm Trọng Điểm

Chương 18: Nhóm Tiếng Vọng

Chương 19: Khóa Tĩnh Huấn Vũng Tàu

Chương 20: Thánh lễ cầu cho bệnh nhân HIV/AIDS

Chương 21: Những thách đố đối với giáo hội Công giáo VN

Chương 22: Hiến Sinh Lâm Võ Hoàng

Chương 23: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978)

Chương 24: Cụ Văn Đình Tôn Thất Bản (1890-1973)

Chương 25: Lm. Thiên Phong Bửu Dưỡng (1907-1987)

Chương 26: Lm. Bửu Đồng (1912-1968) & Bửu Hiệp (1914-1988)

Chương 27: Bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè (1897-1954)

Chương 28: Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991)

Chương 29: Giáo Sư Phan Huy Đức (1913 - +…)

Chương 30: Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương (1925…)

Chương 31: Cựu Hoàng Bảo Đại (1913-1997)

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

Những Nẻo Đường Việt Nam
Chương 24: Cụ Văn Đình Tôn Thất Bản (1890-1973)

Trong quyển “Từ Ánh Sáng Mặt Trời Tình Yêu” (tập II), nữ tu Marie Gabriel Tôn Nữ Như Mai, Dòng Đức Bà – ái nữ của cụ Văn Đình Phaolô Tôn Thất Bàn (1890-1973) – đã ghi lại tiểu sử cũng như “hành trình đức tin” của cụ mà tôi xin lược tóm như dưới đây.

TIẾT MỘT

ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Hành trình đức tin

Sau khi được Đức Tổng Giám Mục Huế là Philipphê Nguyễn Kim Điền ban phép Thánh Tẩy sáng ngày 05/03/1973 tại nhà thờ Tây Lộc, Thành Nội, Huế, cụ Tôn Thất Bàn đã lược thuật “hành trình đức tin” của cụ mà ở đoạn cuối như sau: “tôi được Chúa thương thật là mãn nguyện”.
Hành trình đức tin của cụ kéo dài khá lâu, vì tâm hồn của cụ phải hoán chuyển từ nền văn hóa Khổng Mạnh kiên cố mà cụ đã hấp thụ nhiều năm, đến việc tiếp nhận nền giáo lý cao siêu của Thiên Chúa nhập thể do bởi yêu thương loài người. Cuộc hoán chuyển nội tâm đó đã được thể hiện từng bước, qua những tương quan đầm ấm và thâm sâu với những thành viên thân thiết nhất trong gia đình.
Gia thế
Cụ Tôn thất Bàn sinh ngày mồng một tháng hai Canh Dần, tức 19/02/1890 dương lịch, tại Văn Xá, Hương Trà, Thừa Thiên. Lúc đó, thân sinh của cụ là cụ Mộng Phát Tôn Thất Diệm giữ chức án sát tỉnh Hà Tĩnh. Cụ Tôn Thất Bàn là con thứ hai và là con út vì cụ chỉ có một người anh.
Lúc mới được 5 tuổi, một thầy giáo được mời về dinh dạy học cho cụ. Vì thuộc gia đình truyền thống Nho Giáo, cụ Tôn Thất Bàn chú trọng đến giáo dục đạo đức, cương thường đạo lý Khổng Mạnh, thờ kính tổ tiên.
Học vấn
Đến 15 tuổi, cụ vào học Quốc Tử Giám là nơi phần đông các quan dạy học. Thầy giáo cũng như học sinh luôn đội khăn đen (thường gọi là “khăn đóng”) và áo dài đen: thầy giáo ngồi trên sập, còn học sinh ngồi trên chiếu lát giữa sân.
Từ năm 1907-1908, học sinh buộc phải thông thạo cả ba ngôn ngữ (Hán-Việt-Pháp), mới được ra trường. Vì sức khỏe yếu, cụ Tôn Thất Bàn phải tự học ở nhà. Giờ rảnh, cụ học thêm ca nhạc cổ truyền: đàn tranh, đàn nguyệt, ca Huế, Nam Bình, Nam Ai…
Lập gia đình
Lúc 20 tuổi, cụ Tôn Thất Bàn kết hôn với ái nữ cụ Hiệp Viện Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, thân sinh linh mục Nguyễn Văn Thích. Cô dâu là Nguyễn Thị Pha Lê, 16 tuổi, nhưng 4 năm sau thì bà qua đời, để lại 2 cô con gái là Tôn Nữ Tiểu Tuyết (2 tuổi) và Tôn Nữ Đạp Thanh (3 tháng).
Hai cụ nhạc gia đề nghị gả con gái thứ 3 là Nguyễn Thị Lập Xuân, em ruột bà Nguyễn Thị Pha Lê, để tránh vấn đề “dì ghẻ con chồng”. Lúc đó bà Lập Xuân đang dạy học ở Hà Tĩnh.
Người mẹ phúc đức
Bà Lập Xuân là cánh cửa mở rộng để ánh sáng đức tin rọi vào gia đình, từ người anh Nguyễn Văn Thích. Sống gần gũi người anh nầy, bà Lập Xuân hiểu biết và tôn sùng Thiên Chúa là Tình Yêu cứu độ. Với tâm hồn trầm lắng, nói ít làm nhiều, với quả tim nhân hậu, bao dung, bà là guơng mẫu cho các con cái.
Để bù đắp cho đồng lương khiêm tốn của chồng, bà Lập Xuân đã quán xuyến nhiều việc, bên trong cũng như bên ngoài mái nhà ấm cúng. Bà dạy các con thêu may, làm bánh…Bà còn phụ giúp cụ Tôn Thất Bàn xem xét đơn từ, kiện tụng, công văn án mạng…vì bà có chút vốn chữ Hán, học tại nhà với ông cụ thân sinh.
Bà cũng thông thạo tiếng Pháp nên đã tiếp khách phụ với cụ ông như các công sứ Pháp, các cha cố vảng lai. Cụ Tôn Thất Bàn hiểu thêm đạo Công Giáo từ những nhân vật đạo giáo sáng giá như cụ Nguyễn Hữu Bài, các cụ Ngô Đình, các Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Lê Hữu Từ…
Cơn gia biến
Trong lúc gia đình đầm ấm hạnh phúc, chẳng may bà Lập Xuân lâm bệnh và vì thời đó thuốc chữa trị còn khan hiếm, nên bà qua đời ngày 27/03/1930, mới 34 tuổi, để lại cho cụ ông (41 tuổi) 9 người con: 5 trai 4 gái mà con út chưa đầy 1 tuổi.
Trong lúc gia đình giao động, cô gái lớn nhất được 19 tuổi, đã đính hôn, nay cương quyết “từ hôn” để ở lại với cụ ông và các em. Nhờ đó gia đình trở lại hạnh phúc đầm ấm.
Vài năm sau, hai cụ nhạc gia đề nghị cụ Tôn Thất Bàn lấy một kế thiếp để cùng vác gánh nặng gia đình…Đến khi cụ Tôn Thất Bàn trở về Huế nhậm chức Tham Tri Bộ Lại (Bộ Nội Vụ lúc bấy giờ) thì cô gái lớn nầy mới đi lấy chồng.

TIẾT HAI
NHỮNG GƯƠNG CHỨNG NHÂN Ở TRONG GIA ĐÌNH
Một người anh và người bạn chí thân
Đó là linh mục Nguyễn Văn Thích. Trong bài “Lược thuật lịch trình tôi được biết Chúa”, đăng trong “Bản thông tin Giáo Phận Huế”, số 31 tháng 07/1973, cụ Tôn Thất Bàn viết:
“Linh mục Nguyễn Văn Thích với tôi là bạn học thân thiết từ lúc thiếu thời, mà lại là anh vợ tôi, tức là cậu ruột mấy người con tôi đã làm con Chúa: Têrêxa Quật Hồng mất rồi, Marie Gabriel Như Mai, nữ tu bề trên Đức Bà Lâm Viên Đà Lạt, André Tôn Thất Phái, linh mục phụ tá địa sở Trà Kiệu Quảng Nam và Gioan Tôn Thất Dung, chủ sự Khu Thủy Nông Huế.
“Năm 1906, nhà nước cải định thi pháp thì Cha Thích và tôi chia tay… (Cha Thích học trường Dòng, tôi học trường Quốc Tử Giám). Một thời gian khá lâu…thì được tin Cha Thích được phong chức linh mục tại Huế (1926), vinh dự vô cùng. Tôi nói với vợ tôi (Nguyễn Thị Lập Xuân, em ruột cha Thích…): “Cơ chi tôi đi một đàng với anh thì bây giờ mình cũng linh mục rồi” (tôi với Cha Thích tuy bạn học, anh vợ, nhưng tính tình giống nhau, mến nhau như anh em ruột, nên khi nghe tin anh đắc đạo thì mình tự hối là đi lạc đường). Chính lúc ấy, tôi có cảm tưởng tin mến Chúa rồi.
“Vợ tôi an ủi tôi rằng: “Muộn rồi Cậu ơi, nhưng hễ có lòng mến Chúa thì khi nào Chúa cũng chứng cho mình cả”…Từ đó tôi càng tin mến Chúa nhiều, nên thường tới lui thăm viếng các Cha Cố. Ở Bắc thì Đức Cha Từ, cha Thạc, ở Huế thì Đức Cha Cẩn, Đức Cha Thuận và các linh mục nhiều lắm, ngài nào cũng thương mến tôi. Mỗi khi gặp các lễ lớn thì tôi đều có mặt dự lễ; nhiều người tưởng tôi là có đạo, mà chính tôi khi đó cũng quên mình là lương.”
Quật Hồng – người con gái với đức tin mãnh liệt
Năm 1941, chị Quật Hồng là con đầu lòng của bà Lập Xuân bị bệnh phổi, nằm bệnh viện, xin phép cụ Tôn Thất Bàn cho được rửa tội. Chị đã để lại di chúc dưới đây, sau 12 năm trời với thân xác dày vò trên giường bệnh:
“Con biết sự con đi về nhà Chúa trên trời làm đau lòng Cậu hơn sự hai em con đi nhà dòng, vì con đi mà không bao giờ trở lại thế gian nữa. Cậu không còn có thể tới lui thăm viếng hay gởi thư từ được nữa, cho mãi đến ngày sum họp trên Trời mới thôi.
Nhưng con xin Cậu cũng hãy trông lên trời mà hy sinh dâng con cho Chúa như Cậu đã hai lần hy sinh dâng hai em con cho Chúa vào dòng vậy... Ôi, phần phước của Cậu lớn lắm và ơn Chúa sẽ ban xuống cho Cậu nhiều lắm, vì Cậu đã ở rộng rãi cùng Chúa thì Chúa cũng sẽ ở rộng rãi cùng Cậu…
12 năm nay Chúa chọn và kêu gọi con đi vào con đường hy sinh đau khổ, hay đúng hơn là vào “Dòng đau khổ”, một dòng không ai biết tới, chỉ có Chúa biết, một dòng không thấy làm việc gì có ích, chỉ có Chúa thấy, một dòng không có lề luật, không có mặc áo khấn hứa, nhưng cũng có đủ mọi sự ấy trước mặt Chúa.
Hơn nữa Chúa đã chọn con vào dòng nầy là một dòng mà dầu con có muốn ra cũng không bao giờ ra được, nghĩa là con phải thuộc trọn về Chúa cho đến đời đời. Như vậy thật là một ơn đặc biệt Chúa đã ban cho con vậy.
12 năm ở trong nhà tập đã xong, hôm nay Chúa cho con vào dòng chính thức và đời đời là nhà Chúa trên trời. Và chính vì thế mà hôm nay con phải từ giã Cậu, anh em chị em và thế gian mà theo Chúa.
Trong dòng nhà Chúa nầy, khăn lúp của con là công nghiệp Đức Chúa Giêsu, áo dòng của con là thánh giá của Đức Chúa Giêsu, lời hứa ngày con rửa tội là lời khấn của con…
Ôi nhà dòng con phú dâng mình đời đời bây giờ là chính lòng Đức Chúa Trời Ba Ngôi Cậu ạ, như thế còn gì làm lòng Cậu khoan khoái hơn nữa, vì Cậu thấy con được ở chốn hạnh phúc vĩnh viễn sung sướng thì lòng Cậu vui sướng với con và con xin Cậu hãy vui mầng và cảm tạ ơn Chúa với con bây giờ, mà chớ buồn rầu đau đớn nữa…
Con xin Cậu hãy trông cậy và hy vọng…hy vọng một ngày kia cả nhà đoàn tụ đời đời trong nhà Chúa trên trời…Bây giờ ở đó, con hằng chờ đợi Cậu và cả gia đình. Cúi xin Chúa Ba Ngôi ban ơn lành và sự bằng an cho Cậu và cả nhà”
Con bé mọn của Cậu
Trong nhà Thiên Chúa Ba Ngôi
Maria Têrêxa Quật Hồng

TIẾT BA
ÁNH SÁNG QUYẾT LIỆT
Đi thăm nữ tu Như Mai ở Đà Lạt
Năm 1972, khi nữ tu Như Mai đảm trách Cộng Đoàn Dòng Đức Bà ở Đà Lạt, cụ Tôn Thất Bàn và bà kế thất lên thăm. Trong thời gian một tháng lưu lại nghỉ ngơi tại nhà khách của Dòng, cụ đã được các chị em nữ tu Pháp-Việt đón tiếp niềm nở.
Mỗi tối vài nữ tu đến trò chuyện ân cần vui vẻ với cụ. Ngoài ra có hai cụ Nguyễn Thúc đã trở nên tín hữu Công Giáo, ở rất gần Dòng, đến thăm viếng trò chuyện, vì là bạn đồng liêu với cụ. Bầu không khí nhân ái yêu thương và tế nhị nơi đây đã tác động mạnh mẽ trên cụ nên cụ quyết định xin được làm con Chúa sau khi trở về lại Huế.
Nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy
Trong bài tường thuật “Hành Trình Đức Tin” nói trên, cụ Tôn Thất Bàn đã ghi lại những ấn tượng ân sủng cao quý nhất đánh dấu cuộc đời viên mãn của cụ:
“Đầu năm Quý Sửu, vừa có Hiệp Định ngưng bắn, lại được Đức Giáo Hoàng cho phép người Công Giáo được cúng kỵ tổ tiên như thường. Ôi, nỗi mừng biết lấy chi cân…Tôi mới bàn với cha Thích và các con tôi định đến ngày 05-03-1973, tức ngày mồng một tháng 2 năm Quý Sửu nầy, chính sinh nhật của tôi, xin làm lễ Rửa tội tại nhà thờ Tây Lộc (gần nhà tôi), để tiện cho tuổi già (tôi nay 84 tuổi), khi đi dự lễ.
Trước ngày ấy, tôi lên trình xin phép Đức Tổng Giám Mục địa phận Huế (Nguyễn Kim Điền) để Ngài chứng giám cho, ai ngờ Ngài lại quá thương. Ngài hứa rằng ngày ấy Ngài sẽ tới làm lễ Rửa tội cho tôi…nên tôi đã tin mời các Cha, các Bà Soeur, các Quí cụ thân hữu và bà con đông đủ tới dự lễ.
Thì quả đúng ngày giờ ấy, Đức Cha tới nơi làm lễ Rửa tội cho tôi và ban luôn 3 thánh tích một lần. Tôi mừng quá, chỉ biết cúi đầu nhận lễ một cách vui sướng lạ thường về những ơn lành Chúa đã ban cho tôi, lại chọn lấy tôi làm con Hội Thánh. Ấy là tôi được Chúa thương, Đức Cha thương, các cha các mẹ thương và thân bằng bà con thương thì vinh hạnh cho tôi biết chừng nào, thật là mãn nguyện.
Về nhà Cha
Cuộc đời của cụ Tôn Thất Bàn đã đạt tới đích tối thượng. Với tuổi 84, sức khỏe báo động. Cụ vào bệnh viện và ngày 18/11/1973, cụ đã ra đi trong thanh thoát vì “đã mãn nguyện”, như bài thơ sau đây được cụ sáng tác, nhân ngày Đại Hồng Ân được gia nhập Giáo Hội Công Giáo:
Mừng ngày Thánh Tẩy
Mừng đặng làm con Đức Chúa Trời.
Ngày nay xin rửa tội trần ai,
Tuân theo mười giới, không hai dạ,
Tin kính Ba Ngôi cũng một Ngài.
Cầu mẹ chứng lòng ban phước lộc,
Gần Cha xem lễ tiện hôm mai (1)
Con nhà may đã nhờ ơn Chúa,
Con gái thành danh, khấn trọn đời (2).
Văn Đình
Phaolô Tôn Thất Bàn
(1)    Nhà gần nhà thờ Tây Lộc.
(2)    Linh mục André Tôn Thất Phái và nữ tu Marie Gabriel Tôn Nữ Như Mai.

TIẾT BỐN
NỮ TU MARIE GABRIEL TÔN NỮ NHƯ MAI
Ngày 05/10/2006, nữ tu Marie Gabriel Tôn Nữ Như Mai đã về nhà Cha trên trời. Trong Thánh Lễ an táng ngày 09/10/2006, Dòng Đức Bà Nữ Kinh Sĩ Âu Tinh có ghi lại tiểu sử nữ tu Marie Gabriel Tôn Nữ Như Mai (1922-2006) như dưới đây.
Thời thơ ấu
Nữ tu Như Mai chào đời ngày 10/03/1922 tại Huế, trong một gia đình truyền thống Nho giáo. Thân phụ chị rất chú trọng đến giáo dục đạo đức, cương thường đạo lý Khổng Mạnh. Thân mẫu chị tạo hạnh phúc cho gia đình với tình thương quảng đại, ân cần và âm thầm của bà. Tuy chưa là người Kitô hữu, song thân chị cũng hiểu biết về tinh thần Công giáo.
Thân mẫu chị qua đời lúc 34 tuổi, để lại 9 người con. Lúc ấy chị Như Mai còn là một trẻ thơ, nên chị đã xin Đức Mẹ Maria thay người mẹ trần thế của chị và suốt đời chị vẫn giữ trọn một lòng kính yêu Đức Mẹ Maria.
Theo đạo và đi tu
Năm 1945, chị Như Mai lãnh nhận phép Rửa tội và 4 năm sau, tức là năm 1949, chị nhập dòng Đức Bà tại Đà Lạt rồi sang Pháp và ở đó suốt thời kỳ huấn luyện. Một nữ tu người Pháp, cùng khóa với chị, đã viết trong bức thư chia buồn với Tỉnh Dòng Việt Nam như sau:
“Chúng tôi không ý thức đủ là khi sống ở Pháp, chị Gabriel đã phải chịu đựng những thay đổi về văn hóa và một lối sống khác như thế nào, nhưng chị vẫn vui vẻ và khôi hài trước những cái bất ngờ!”
Hành trình phục vụ
Năm 1953, chị trở về Việt Nam. Chị đã khai mở trường tiểu học Thiên Lý cho các trẻ em nghèo ở Xóm Lách: các cô giáo vẫn nhớ hình dáng một nữ tu hằng ngày lách qua những vũng nước bùn để đến lớp đào tạo các cô giáo và chăm sóc các trẻ em trong xóm nầy.
Từ năm 1966 cho đến 1975, chị Gabriel đã lần lượt làm phụ tá rồi phụ trách cộng đoàn Saigon, Đà Lạt, nhà huấn luyện…luôn luôn với một tư thế sẵn sàng “Xin Vâng”, đúng như điều chị đã ghi trên một tờ giấy tìm thấy trong tài liệu riêng của chị:
Chết trong Thánh Ý Chúa là sống, sống oai hùng,
Sống ngoài Thánh Ý Chúa là chết, chết thảm bại.
Kết thúc hành trình dương thế
Chị vẫn dạy Pháp văn và giáo lý tân tòng cho đến ngày Chúa gọi chị về là ngày 05/10/2006. Chị đã kết thúc hành trình Đức Tin và nay gần bên Chúa, xin chị chuyển cầu cho thế giới, cho Giáo Hội, cho quê hương và cho tất cả những người đã yêu mến và phục vụ trong cuộc đời trần thế của chị.
Khung trời kỷ niệm
Lê thị Hiên-Minh đã đưa lên mạng http://DalatParis.Blogspot.com/ ngày 08/10/2006 những dòng kỷ niệm về Mẹ Marie-Gabriel (1922-2006) như dưới đây:
Trời thu Gatineau rực rỡ... Anh nắng tươi vàng, lá đỏ dọc hai bên đường như những màu cờ ngày đại lễ, cái rực rỡ tôi đã thấy trong ánh mắt và nụ cười của Mẹ Gabriel một mùa hè trở về chốn cũ trường xưa.
Một chút ngượng ngùng trước cổng số 228, chẳng còn màu xanh xưa, lớp sơn mới như còn chưa quen chỗ với bức tường cũng mới bên bức tường cũ đang được đập đi. Lối vào trống vắng thiếu cây hoa vông vang, thiếu thảm hoa vàng như vần thơ bắt gặp trong tập thơ của lính chưa kịp phát hành ... Vàng lối em về ta đón đưa... Bàn chân hụt hẫng trên mặt xi-măng như tìm bước trên những viên sỏi trắng vô hình... Ngôi nguyện đường với những dẫy ghế gỗ đậm màu trên nền gạch vàng... Nhớ lời mời ngày nào của Mẹ Marie-Bernard một năm 60, lần đầu tiên biết nghi thức mừng lễ Phục Sinh trong sân trường còn rợp bóng cây... Vẫn còn trong lòng hình ảnh Mẹ Bích đốt nến, soạn khăn lễ mỗi thứ năm trong tuần. Rồi lúc sau hình như là Mẹ Gabriel...
Biết Mẹ dậy những lớp nhỏ hơn, gặp chào Mẹ trong sân trường, thấp thoáng bên tai giọng Huế nhẹ nhàng, hình như chưa một lần thật sự tiếp chuyện với Mẹ ... 30 năm qua như một giấc mơ dài ... Đặt chân trở lại nhà nguyện, nhìn lại những khuôn mặt thân quen qua làn nước mắt, dĩ vãng, hiện tại, như qua một màn sương thấp thoáng, ẩn hiện. Rõ ràng nhất chỉ là những nụ cười và rực rỡ nhất là những ánh mắt trong nắng hè... Những ánh mắt như không có tuổi.
Đà-Lạt, Saigon, trong ký ức sáng rỡ ánh mắt và nụ cười của Mẹ, dáng người thật nhỏ đứng bên như một cô bé hăng hái, chờ nhập cuộc chơi. Trong cơn sốt hội ngộ, khóc cười, Mẹ vẫn quanh đâu đó, chẳng rời bầy chim từ xa về. Buổi sáng cuối cùng trước khi rời Saigon, sau thánh lễ sáng, được ăn cơm thịt kho nước dừa, Mẹ ân cần đưa đũa, góp thìa... Vẫn chưa một lần thưa chuyện với Mẹ... Nhưng hình như đã bắt gặp lòng Mẹ sáng rỡ, mở rộng.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!