Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Nhà Văn Hương Vĩnh
Mục Lục

Chương 1: Mấy dặm sơn khê

Chương 2: Hải đảo Phú Quốc

Chương 3: Đà nẵng - Hội an

Chương 4: Thừa Thiên - Huế

Chương 5: Hà nội

Chương 6: Hạ Long

Chương 7: Thành phố Sapa

Chương 8: Lên miền Cao nguyên

Chương 9: Đáo Trường Thành

Chương 10: Bắc Kinh

Chương 11: Thượng Hải & Hàng Châu

Chương 12: Nhà Truyền Thống/ Văn Hóa & Đức Tin

Chương 13: Tu hội truyền giáo Vinh Sơn

Chương 14: Đan Viện Biển Đức Thiên Phước

Chương 15: Trẻ em khuyết tật

Chương 16: Những bào thai bị giết

Chương 17: Trung Tâm Trọng Điểm

Chương 18: Nhóm Tiếng Vọng

Chương 19: Khóa Tĩnh Huấn Vũng Tàu

Chương 20: Thánh lễ cầu cho bệnh nhân HIV/AIDS

Chương 21: Những thách đố đối với giáo hội Công giáo VN

Chương 22: Hiến Sinh Lâm Võ Hoàng

Chương 23: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978)

Chương 24: Cụ Văn Đình Tôn Thất Bản (1890-1973)

Chương 25: Lm. Thiên Phong Bửu Dưỡng (1907-1987)

Chương 26: Lm. Bửu Đồng (1912-1968) & Bửu Hiệp (1914-1988)

Chương 27: Bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè (1897-1954)

Chương 28: Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991)

Chương 29: Giáo Sư Phan Huy Đức (1913 - +…)

Chương 30: Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương (1925…)

Chương 31: Cựu Hoàng Bảo Đại (1913-1997)

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

Những Nẻo Đường Việt Nam
Chương 19: Khóa Tĩnh Huấn Vũng Tàu

TIẾT MỘT: KHÓA SAI ĐI 

Đây là khóa đặc biệt thứ ba, dành cho những nam nữ tu sĩ trẻ tuổi thuộc nhiều hội dòng khác nhau, chuẩn bị lên đường phục vụ tại Trung Tâm Trọng Điểm (nay là Bệnh Viện Nhân Ái), do Tổng Giáo Phận Saigon tổ chức. 

Thành phần tham dự 

Có tất cả 16 tu sĩ trẻ tuổi tham dự khóa nầy, trong đó có 3 nam tu sĩ và 13 nữ tu, thuộc 9 hội dòng khác nhau. Tuy khóa tĩnh huấn dành cho các tu sĩ, nhưng 5 nữ giáo dân trẻ tuổi cũng được tham dự, đặc biệt trong số đó có một em đang còn dự tòng. Tất cả các tu sĩ và giáo dân nầy đều đã tốt nghiệp lớp điều dưỡng sơ cấp hay trung cấp, ngoại trừ ba nữ tu tốt nghiệp ngành xã hội. 

Em dự tòng vốn là một nữ sinh 18 tuổi, ở Hà Tây. Cách đó một năm, sau khi học xong lớp 12, em đã vào Saigon tiếp tục việc học. Trong khóa học điều dưỡng, em đã tiếp xúc với các nam nữ tu sĩ cùng khóa và được cảm hóa bởi cuộc sống của các thầy và các Sơ nên em muốn theo đạo và có ý định đi tu như các tu sĩ để phục vụ các bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS. 

Quyết định của em là một cú “sốc” đối với gia đình, vì họ chưa biết gì về Công Giáo. Nay em đột ngột xin theo đạo, lại còn muốn đi tu nữa. Tuy nhiên người chú ở Saigon mà em tạm trú, đã cho em lời khuyên như sau: “Cháu đã lớn rồi. Chú ước mong cháu quyết định đúng, miễn sao đời cháu hạnh phúc là được! 

Chương trình khóa tĩnh huấn 

Khóa tĩnh huấn được diễn ra ở Vũng Tàu tại cơ sở của các Nữ Tử Bác Ái, gần thánh tượng Đức Mẹ  Bãi Dâu, từ chiều thứ hai đến chiều thứ năm, vào hạ tuần tháng 11/2006. Khoá tĩnh huấn được hướng dẫn bởi cha B.T. Bích (về “Linh đạo hiệp thông”), cha Giuse San (về “Đối thoại hội nhập” và “Mục vụ nâng đỡ tinh thần người sắp qua đời”) và cha Augustinô Nguyễn Viết Chung (về “Nhận định Thánh Ý Chúa trong môi trường phục vụ”). 

Cha Chung hướng dẫn những buổi chia sẻ vào tối thứ tư và sáng chiều thứ năm. Nhân dịp nầy, tôi xin phép cha Chung được tháp tùng cha, không phải để đi du ngoạn Vũng Tàu, nhưng để được chia sẻ những kinh nghiệm về cuộc tĩnh huấn của các nam nữ tu sĩ và giáo dân trẻ tuổi sắp dấn thân phục vụ những bệnh nhân HIV/AIDS ở Trung Tâm Trọng Điểm (Bệnh Viện Nhân Ái). 

Kinh nghiệm tuyệt vời 

Tôi được tham dự những giờ kinh thần vụ sáng tối cũng như Thánh Lễ ban sáng với các tu sĩ và những giáo dân trẻ tuổi đó trong chương trình “sai đi” của Tòa Tổng Giáo Mục Saigon. Những câu kinh, những tiếng hát của những người trẻ sẵn sàng hy sinh chính mình cho những người bất hạnh, bị bỏ rơi, có một sức thiêng quyến rủ, không bút mực nào tả xiết. 

Những buổi chia sẻ của cha Chung với họ khiến tôi lắng nghe với lòng say mê. Không cầu kỳ, không giáo điều, nhưng nhìn vào thực tế như thế nào để phục vụ tốt những mảnh đời cơ nhỡ. Tất cả đều dựa trên Tình Yêu đối với Chúa, nếu không, sức con người không thể làm gì được. 

Tôi được nghe những chứng tá Tin Mừng qua cac nam nữ tu sĩ trẻ tuổi, khiến họ đã đi vào đời sống tận hiến và tận hiến cho đến cùng, bằng cách chấp nhận phục vụ những bệnh nhân mang căn bệnh thế kỷ, rất nguy hiểm có thể bị lây lan. Nhưng họ sẵn sàng chấp nhận vì đáp lại tiếng gọi yêu thương của Chúa. 

TIẾT HAI: TRÊN ĐỈNH TAO PHÙNG  

Vào trưa thứ năm, trước khi kết thúc khóa Tĩnh Huấn lúc 3 giờ chiều, một số nam nữ tu sĩ đã tham dự một cuộc du ngoạn bỏ túi, bằng cách leo lên thăm viếng tượng đài Chúa Kitô trên đỉnh Tao Phùng. 

Nằm chót vót trên đỉnh núi Nhỏ, Bãi Sau, tượng đài Chúa Kitô Vua Tao Phùng như một ngọn tháp canh thu vào tầm mắt du khách toàn bộ cảnh quan của thành phố Vũng Tàu. 

Tiến trình xây cất 

Năm 1972, cha Phaolô Nguyễn Minh Tri cùng với bà con giáo dân Vũng Tàu khởi công xây dựng một tượng đài Chúa Kitô, theo dự kiến cao khoảng 10m, đặt trên bệ cao 5m, ngay tại mũi Nghinh Phong dưới chân núi Nhỏ. Công việc xây dựng đang tiến hành thì bị gián đoạn vào năm 1973. 

Một thời gian sau, vào năm 1974, tượng đài Chúa Kitô được xây dựng lại trên đỉnh núi Tao Phùng thuộc dãy núi Nhỏ với diện tích rộng lớn 10 hécta. Việc thay đổi này đem lại sự khó khăn về tài chính cũng như những điều kiện khác trong việc xây dựng.  

Tuy nhiên, công việc vẫn được tiến hành dưới sự chỉ đạo của cha Phaolô Nguyễn Minh Tri và sự giúp đỡ về tài chính của ông bà Lê Quang Tuyến. Công việc điều hành thi công do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân và kỹ sư Nguyễn Quảng Đức cùng với 50 công nhân lành nghề thực hiện và được hoàn tất năm 1975. 

Tượng mẫu Chúa Kitô và bốn bức phù điêu dưới chân tượng do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân thực hiện, kỹ sư Nguyễn Quảng Đức đảm trách phần họa đồ sắt và bê-tông, gần chân tượng Chúa là tượng Đức Mẹ của nhà điêu khắc Xuân Quang 

Nguyên vật liệu xây cất 

Phần lớn nguyên vật liệu sử dụng cho công trình này đều là những sản phẩm trong nước, ngoại trừ xi măng trắng được nhập khẩu từ nước ngoài.  

Đá và cát được chở từ Đồng Nai, riêng đá mài ở mặt, tay, chân, tà áo, cầu thang lấy từ đá cẩm thạch ở núi Non Nước ngoài Đà Nẵng về xay nhỏ. Đá rửa bên ngoài pho tượng là sỏi nhỏ 3 ly sàng lọc kỹ càng lấy từ sông Đồng Nai. 

Quang cảnh tượng đài 

Năm 1994, toàn bộ công trình thuộc khu vực tượng đài Chúa Kitô được hoàn thành và được cung hiến vào ngày 2-12-1994, bởi Ðức cố Giám mục Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, lúc đó là giám mục của Xuân Lộc. Ngài về hưu năm 2004 và qua đời ngày 17 tháng 1 năm 2007. 

Tượng đài Chúa Kitô đặt trên ngọn núi Nhỏ đối diện mũi Nghinh Phong, ở độ cao 176m so với mặt nước biển, cách thành phố Saigòn 125 cây số về phía đông. Tượng đài đứng giữa hướng đông nam và quay ra biển, bên phải là núi Ô Quắn, bên trái là Hòn Bà, phía sau là thành phố Vũng Tàu.  

Từ dưới bãi biển nhìn lên, tượng đài Chúa Kitô giang đôi tay sừng sững án ngữ trên đỉnh núi cao, bao quanh là những tán cây xanh mát tạo thành một điểm nhấn đầy ấn tượng. Từ trên cánh tay tượng đài nhìn xuống, du khách có thể nhìn thấy thành phố Vũng Tàu với nhà cửa san sát, công viên khu công nghiệp Đông Xuyên, hồ Thị Vải và dáng vẻ mập mờ của núi Hòn Bà được bao quanh bởi làn nước trong xanh của biển trời Vũng Tàu. 

Tượng đài Chúa Kitô lớn nhất thế giới 

Với chiều cao 32m, hai tay giang dài 18,40m hướng ra Thái Bình Dương. Trong lòng tượng có 133 bậc thang và có thể chứa khoảng 100 du khách tham quan. Mỗi bàn tay dài 2,20m, ngón giữa dài 1,10m. 

Tượng đài Chúa Kitô Vua Tao Phùng được xem là một trong những tượng đài về Chúa Kitô lớn nhất thế giới hiện nay, lớn hơn cả bức tượng Chúa Cứu Thế nổi tiếng ở Rio de Janeiro, Brazil – vừa được chọn là một trong những kỳ quan thế giới. 

Đường lên tượng đài 

Đường đi lên tượng đài dài trên 500m, rộng từ 5-10m với gần 1.000 bậc thang tính từ đường Hạ Long lên đến chân tượng. Đứng từ mũi Nghinh Phong nhìn lên, sứ trắng bao quanh con đường ngoằn ngoèo uốn lượn, bất chợt du khách có cảm giác con đường này giống một dải lụa trắng thướt tha.  

Dọc đường đi, du khách có thể dừng lại tại một nơi nghỉ chân để uống cà phê và mua quà lưu niệm do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá phụ trách. Nơi đây có nhiều hoa và tượng thiên thần.  

Xung quanh chân tượng Chúa Kitô có 50 ghế đá để du khách ngồi cầu nguyện và ngắm cảnh. Xung quanh bệ đặt chân tượng là các bức tượng chạm hình Chúa Giêsu trao chìa khóa cho Thánh Phêrô, Bữa Tiệc Ly và Chúa Giêsu bị đóng đinh. Dưới nữa là một bản sao tượng Ðức Mẹ sầu bi màu trắng, bức tượng nổi tiếng được coi là của Michelangelo chạm hình Ðức Mẹ ẵm xác Chúa Giêsu.

Địa điểm tham quan nổi tiếng 

Ngày nay, tượng đài Chúa Kitô (người dân Vũng Tàu thường gọi bằng một tên quen thuộc là Tượng Chúa giang tay) trở thành một trong những điểm tham quan không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến Vũng Tàu. 

Nữ tu Annê Nguyễn Thị Nguyệt, dòng Mến Thánh Giá Ðà Lạt, cho biết tình hình ở đây phức tạp do có những kẻ móc túi, cờ bạc, những người bán hàng rong và các đôi tình nhân lẫn lộn trong các đám đông khách hành hương. Chị phụ trách một nhóm 20 người giữ an ninh, vệ sinh và trông coi các cửa hiệu từ năm 1996. Nữ tu 60 tuổi cho biết chị và hai nữ tu khác giúp du khách thuộc các tín ngưỡng khác tìm hiểu ý nghĩa của tượng đài. 

Chị cho biết, 10 năm qua họ đã xin chính quyền cho phép xây dựng một nhà thờ và hội trường đa năng, và thành lập một cộng đoàn tu sĩ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhưng chính quyền chưa cho phép. Theo một số người Công giáo, các giới chức nhà nước đã yêu cầu làm việc với Giáo hội địa phương để bán vé vào cổng cho du khách, nhưng Giáo hội từ chối. Họ cho biết, chính quyền kiếm được nhiều tiền từ các bãi giữ xe xung quanh tượng đài. 

Tượng đài thuộc quyền quản lý của giáo xứ Vũng Tàu, thuộc giáo phận Bà Rịa. Giáo phận này được tách ra từ giáo phận Xuân Lộc năm 2005.  

TIẾT BA: ƠN GỌI TỪ TƯỢNG ĐÀI CHÚA KITÔ 

Khi đi tham quan tượng đài Chúa Kitô, tôi nhớ lại câu chuyện về cha Martin Đinh Trung Hòa. Trước khi đi tu để trở thành linh mục, cha vốn là một bác sĩ sản khoa, đã có người yêu và đã đính hôn. Khi đi viếng tượng đài Chúa Kitô ở đỉnh núi Tao Phùng, bác sĩ Hòa đã cảm nhận ơn gọi theo Chúa. Sau đó, bác sĩ đã gia nhập Dòng Tên và được tấn phong linh mục. 

Thanh niên vượt biển 

Thanh niên Martin Đinh Trung Hòa vượt biển đến Úc năm 17 tuổi, sau đó anh ghi tên học lại trung học tại Melbourne. Hòa là một học sinh giỏi, ít nói, tính tình nhu mì và hiền từ với cặp kính cận trông rất thư sinh. Mãn trung học, Hòa thi đậu Tú tài với điểm rất cao. Vượt qua khóa thi tuyển vào đại học, Hòa được trường Đại Học Mornash, Melbourne nhận cho theo học phân khoa ngành y.

Bác sĩ có người yêu

Theo như Hòa tâm sự và chia sẻ với bạn hữu cùng cộng đoàn Dân Chúa, thì trong thời gian học ngành y khoa, Hòa đã có người yêu. Một ý trung nhân đã yêu thương nhau khoảng 3, 4 năm. Hai cô cậu đã làm đám hỏi và chờ ngày kết hôn.

Năm 1993, Hòa tốt nghiệp Bác Sĩ y khoa và được nhận vào làm trong bệnh viện Melbourne ngay sau đó. Cánh cửa công danh, sự nghiệp và tình yêu đang mở rộng thênh thang. Thế nhưng tâm hồn Hòa lúc nào cũng bất ổn, xao động và trống vắng không thể tả được, hình như đang thiếu thốn, khát khao một điều gì đó.

Gia đình cũng chẳng hiểu Hòa là người như thế nào? Mỗi lần bàn đến chuyện hôn nhân thì Hòa lơ là, làm người yêu phải chờ đợi lâu, khổ sở. Cô ta đâm chán nản. Hòa xin người yêu cho khất lại cuộc hôn nhân và đi tìm cho bằng được một câu trả lời.

Thăm viếng tượng đài Chúa Kitô

Năm 1995 nhân dịp chuyến về thăm quê hương Việt Nam, Hòa ra Vũng Tàu, leo lên núi viếng tượng Chúa Giêsu, rồi chàng chui vào bên trong tượng Chúa, leo lên những bậc thang. Khi đang bước lên các bậc thang thì chợt nghe như có những tiếng vang đâu đó trong đầu óc của Hòa: Ta là Đường! Ta là Đường! Hòa mỉm cười thú vị nghĩ rằng mình đang bước đi trên những bậc thang ở trong Chúa và tò mò tự hỏi: “Nếu Ngài là đường, thì Ngài dẫn nhân loại đi đến đâu?”

Thế rồi Hòa tiếp tục leo nốt các bậc thang còn lại. Khi lên đến bậc thang nơi vai của Chúa, chàng ngẩng mặt lên thấy một bầu trời trong xanh. Hòa chợt hiểu và tự nghĩ: "Chúa sẽ dẫn ta về Trời với Chúa Cha".

Chàng vội vàng lùi bước xuống nhanh dưới chân Chúa và chạy ra ngoài một quãng xa, nhìn lại rồi thốt lên: Trời ơi! Tất cả đây là sự thật”. Từ đó Hòa đặt trọng tâm vào niềm tin vững mạnh nơi Chúa và cầu nguyện liên lỷ cho con đường đang tìm kiếm. Hòa đặt câu hỏi với Chúa: “Chúa ơi! Chúa muốn con làm gì? Chúa muốn con đi đâu, con sẽ theo đó”.

Tìm đến với Chúa

Nhưng mỗi khi chàng nghĩ về hôn nhân, thì cảm thấy như có một cánh cửa đóng sầm trước mặt. Vậy mà khi suy nghĩ về đời sống tu trì, thì tâm hồn trở nên an bình, có niềm vui và sự sống. Thế rồi chàng Bác Sĩ trẻ tuổi này luôn bỏ ra nhiều thì giờ để tham dự các khóa tĩnh tâm và nao nức tìm đến gần Chúa.

Có một lần Hòa gặp Cha Linh Hướng, để xin Ngài hướng dẫn, Cha nói: “Hòa như một con bò, hì hục sau cánh cổng, đang tìm lối thoát”. Cha Linh Hướng hỏi Hòa: “Con đang tìm gì”? Hòa trả lời: “Con muốn đi tìm Chúa Giêsu”. Cha hỏi lại: “Chúa Giêsu là ai?” Chàng đáp: “Chúa Giêsu là Thiên Chúa xuống thế cứu chuộc con người”. Cha linh hướng nghiêm trang nói: “Không phải! Chúa Giêsu là người, và con càng trở thành người bao nhiêu, con càng trở nên giống Chúa bấy nhiêu”.

Gia nhập Dòng Tên và phục vụ ở Đông Timor

Sau đó Hòa quyết định xin gia nhập Dòng Tên tại Úc. Qua những tháng năm Hòa vừa là một Bác Sĩ trong bệnh viện, vừa phải vào đại học trau dồi, triết, thần học và kinh thánh cho con đường tu học.

Vào năm 1999 và năm 2001, thầy Đinh Trung Hòa đã hai lần tình nguyện sang Đông Timor, nhập với nhóm y tế Hồng Thập Tự Úc Châu để giúp các nạn nhận chiến tranh và nghèo khó tại đây. Nhìn thấy những cảnh khó nghèo, bần cùng và bất hạnh của những người đang tỵ nạn Đông Timor, Bs Hòa cảm nhận được là mình cần phải dấn thân phục vụ Chúa qua những nạn nhân này.

Truyền chức Phó Tế và Linh Mục

Cuối năm 2005, trong thánh Lễ truyền chức Phó Tế cho thầy Martin Đinh Trung Hòa SJ, một linh mục đã giới thiệu thầy Hòa là một vị Bác Sĩ sản khoa đã từng giúp các Sản Phụ sinh đẻ “mẹ tròn con vuông” thì cả nhà thờ vỗ tay cười như nắc nẻ. Nhiều sản phụ đã xì xèo: “Eo ơi! mình mà có bầu, ai mà dám đến khám bệnh cha Hòa”.

Lúc 10 giờ sáng, thứ Bảy ngày 8/7/2006. Thầy Martin Đinh Trung Hòa SJ đã chính thức được thụ phong linh mục do ĐGM Chris Prowse phụ tá TGP Melbourne đặt tay truyền chức tại nhà thờ Thánh Í Nhã Dòng Tên, vùng Richmond, Melbourne. Rất đông giáo dân Việt Nam đến tham dự.

KẾT THÚC KHÓA TĨNH HUẤN

Trên đường trở về thành phố Saigon

Sau khi trở lại nơi tĩnh huấn, các nam nữ tu sĩ và năm nữ giáo dân đã họp mặt lần cuối. Họ chia nhau thành ba nhóm nhỏ, ngồi bên bãi biển, đối diện với Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Mỗi người chia sẻ hành trình dâng hiến của mình để cùng nhau cảm nghiệm.

Giờ chia tay đã điểm. Mọi ngưòi lên hai xe “mini van”, từ giã thị xã nghỉ mát Vũng Tàu để về lại thành phố Saigon, chuẩn bị đi đến Trung Tâm Trọng Điểm (Bệnh Viện Nhân Ái) trong một ngày gần đây.

Thập Tự Chinh

Ngồi trên xe hơi chạy qua những hàng dừa xanh tươi, những con đường mới tân trang của thị xã Vũng tàu, để hấp dẫn du khách, lòng tôi đâm ra nghĩ ngợi mông lung. Xe càng chạy về gần thành phố Saigon, tôi càng liên tưởng đến bài thơ “Thập Tự Chinh” của Sa Mạc Hồng, khi đề cập tới một “cuộc Thánh chiến” của những con người sống đời thánh hiến. Đó là cuộc chiến gay go trên chính bản thân mình, sau đó mới xông pha trên chiến trường phục vụ.


Chúa gọi con đi vào một cuộc chiến,
Con sẵn sàng dâng hiến cuộc đời con,
Con sẵn sàng dâng hiến cả xác hồn,
Xin chỉ cho con đường đi vào Thánh chiến.

Con biết rằng Chúa chẳng muốn binh đao,
Chẳng muốn tàu ngầm máy bay, bom đạn,
Chẳng muốn con người chém giết đổ máu đào.

Lạy Chúa, xin dẫn con vào trận Thánh chiến,
Con xin vâng như Mẹ Ngài đã xin vâng,
Dẫu chẳng biết rằng ngày mai đâu bờ bến,
Nhưng Chúa an bài con vững bước dấn thân.

Vâng, con xin lãnh nhận lệnh truyền và vũ khí,
Để lên đường trong cuộc Thập tự chinh,
Chống quân thù trú ẩn trong chính mình.

Đây tấm mộc che thân là Mười Giới Răn của Chúa
Sẽ giúp con tránh đạn bắn quân thù;
Con xông pha trong chiến trường đầy sa đoạ,
Đầy khói lửa u mê và dục vọng mịt mù,
Đây Kinh Thánh, là hải đăng giữa muôn trùng biển cả,
Là bản đồ chỉ hướng đến mục tiêu,
Sẽ giúp con không bao giờ lạc hướng
Và cuối cùng sẽ thắng trận cao siêu.

Đây lương thực của con là Thánh Thể nhiệm mầu,
Lời Hằng sống, Giáo huấn, là Tình yêu,
Con no thoả trong hương trầm thánh thiện,
Trong tình yêu, và trong cả lằn tên mũi đạn.
Con xông pha cùng đồng đội, giữa ba quân,
Giữa kẻ thù tràn ngập cả gian trần.

Đây sức mạnh của con là Đức Tin, Đức Cậy,
Cùng với lòng sốt Mến, nguyện cầu, tri ân.

Ôi! Lạy Chúa con sẵn sàng và đang đợi lệnh.
Xin ở bên con trên đường vào trận chiến,
Chống quân thù ngay giữa bản thân con.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!