Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Nhà Văn Hương Vĩnh
Mục Lục

Chương 1: Mấy dặm sơn khê

Chương 2: Hải đảo Phú Quốc

Chương 3: Đà nẵng - Hội an

Chương 4: Thừa Thiên - Huế

Chương 5: Hà nội

Chương 6: Hạ Long

Chương 7: Thành phố Sapa

Chương 8: Lên miền Cao nguyên

Chương 9: Đáo Trường Thành

Chương 10: Bắc Kinh

Chương 11: Thượng Hải & Hàng Châu

Chương 12: Nhà Truyền Thống/ Văn Hóa & Đức Tin

Chương 13: Tu hội truyền giáo Vinh Sơn

Chương 14: Đan Viện Biển Đức Thiên Phước

Chương 15: Trẻ em khuyết tật

Chương 16: Những bào thai bị giết

Chương 17: Trung Tâm Trọng Điểm

Chương 18: Nhóm Tiếng Vọng

Chương 19: Khóa Tĩnh Huấn Vũng Tàu

Chương 20: Thánh lễ cầu cho bệnh nhân HIV/AIDS

Chương 21: Những thách đố đối với giáo hội Công giáo VN

Chương 22: Hiến Sinh Lâm Võ Hoàng

Chương 23: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978)

Chương 24: Cụ Văn Đình Tôn Thất Bản (1890-1973)

Chương 25: Lm. Thiên Phong Bửu Dưỡng (1907-1987)

Chương 26: Lm. Bửu Đồng (1912-1968) & Bửu Hiệp (1914-1988)

Chương 27: Bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè (1897-1954)

Chương 28: Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991)

Chương 29: Giáo Sư Phan Huy Đức (1913 - +…)

Chương 30: Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương (1925…)

Chương 31: Cựu Hoàng Bảo Đại (1913-1997)

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

Những Nẻo Đường Việt Nam
Chương 1: Mấy dặm sơn khê

Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được dịp thăm viếng ba miền Nam, Trung, Bắc Việt-nam, khởi đầu từ Saigon, rồi đến Phú Quốc, Huế, Hà-nội, Vịnh Hạ-long, Thành Phố Sa Pa và miền Cao Nguyên.

Trong những chuyến đi Tours ở trong nước, các hướng dẫn viên du lịch đã dẫn giải cho du khách những điều thích thú liên quan đến những địa danh được tham quan. Những chi tiết do họ trình bày phần lớn được tìm thấy trong hai cuốn sách sau đây:

- Non Nước Việt Nam xuất bản tại Hà Nội năm 2005, do Tổng Cục Du Lịch Việt Nam, Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin Du Lịch phát hành.

-  Cẩm Nang Du Lịch Việt Nam của Minh Anh - Hải Yến do Nhà Xuất Bản Thế Giới phát hành. 

CHƯƠNG I.- THÀNH PHỐ SAIGON

Khi nhắc đến Saigon, người ta liên tưởng đến danh xưng “Hòn Ngọc Viễn Đông” đã được ban tặng cho thành phố thân yêu đó. Nhưng trong thực tế, cuộc sống của đại đa số dân chúng hiện nay ở tại Thành Phố được ca tụng là “Hòn Ngọc Viễn Đông” đó như thế nào?

TIẾT MỘT
HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG

Saigon và Chợ Lớn là hai địa danh gắn liền với nhau như chị với em. Những nơi như Chợ Bến Thành, Chùa Xá LợiVương Cung Thánh Đường Đức Bà là những địa điểm được nhiều du khách tham quan nhất, nhưng ít người biết rõ lai lịch của những địa danh đó. 

Saigon

Tính theo đường bộ, Thành Phố Saigon cách Hà Nội 1.730 cây số về phía bắc và cách bờ biển Đông 50 cây số theo đường chim bay, cùng với bờ biển dài 15 cây số. Từ khi được ghi vào sổ sách đầu năm Mậu Dần (1698), đến nay Thành Phố Saigon đã được thành lập trên 300 năm.

Vào năm 1864, Chợ Lớn được tách ra khỏi Saigon (về phương diện địa bạ), vì là thành phố của người Hoa đang trên đà phát triển. 

Cảng Saigon được thành lập từ năm 1862. Các tàu buôn của người phương Tây và các nước lân cận đã tấp nập ra vào và họ cũng rất quen thuộc với các địa danh như chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Kho, chợ Rẫy, chợ Bến Thành, chợ Saigon. Do đó từ lâu, Saigon đã được ca ngợi là “Hòn Ngọc viễn Đông”. 

Cuối thế kỷ 19, tổng thống Cộng Hòa Pháp ký sắc lệnh thành lập Thành Phố Saigon, vào ngày 15/3/1874. Đầu thế kỷ 20, Chợ Lớn được sáp nhập vào Saigon và Thành Phố Saigon trở thành đô thị lớn nhất ở Đông Dương. 

Chợ Lớn 

Năm 1788, một nhóm người Hoa từ cù lao Phố và Mỹ Tho kéo về bờ rạch Bến Nghé lập chợ buôn bán. Khu chợ đó phát triển thành Chợ Lớn ngày nay. Chợ Lớn còn gọi là Chợ Bình Tây là ngôi chợ được xây cất năm 1928 do một người Hoa tên là Quách Đàm 

Mặt tiền chợ trông ra đại lộ Hậu Giang. Bên trong chợ, Quách Đàm cho dựng tượng mình trên bệ cao. Sau 1975, tượng đó đã được gỡ đi.  

Chợ Lớn có thể xem như một China Town (Thành Phố Người Hoa) của Việt Nam với những phố chợ san sát và đầy ấp hàng hóa từ lâm thổ sản đến những hàng tiểu thủ công nghệ.  

Chợ Bến Thành (Chợ Mới) 

Chợ Bến Thành nằm ở trung tâm thành phố Saigon. Trước khi Pháp xâm chiếm Saigon  năm 1859, có một chợ nhỏ nằm ở khu đất sình lầy kế bên bờ sông Bến Nghé và sát Thành Saigon (lúc bấy giờ). Từ xuất xứ đó mà chợ đã mang tên ghép là Bến Thành – một trung tâm buôn bán lớn không những của TP Saigon mà còn của các tỉnh phía Nam.    

Chùa Xá Lợi 

Ở Saigon có nhiều ngôi chùa nổi tiếng như chùa Ấn Quang, chùa Vĩnh Nghiêm…nhưng chùa Xá Lợi được giới Phật tử ôn hòa mến chuộng nhất vì nơi đây có Xá Lợi Phật. Chùa nầy tọa lạc tại số 89 đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Saigon.  

Chùa được khởi công xây cất ngày 5/8/1956 trên một khuôn viên rộng 2.500 mét vuông, theo bản vẽ thiết kế của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh, với tổn phí 5,5 triệu đồng, dưới thời cố tổng thống Ngô Đình Diệm. Đại lễ khánh thành được tổ chức vào các ngày 2-4 tháng 5/1958. 

Hội Phật Học Nam Việt tổ chức xây cất chùa để thờ Xá Lợi Phật nên quen gọi là Chùa Xá Lợi. Điện thờ ở lầu một có đặt thờ ngọc Xá Lợi Phật do ngài Narada ở Tích Lan dâng cúng cho Phật Giáo Việt Nam. 

Bên trái tam quan có tháp chuông cao 7 tầng, được xây cất từ năm 1960 đến cuối năm 1961. Chuông lớn được đưa lên tháp ngày 17/10/1961.  

Vương Cung Thánh Đường Đức Bà 

Nhà Thờ Đức Bà hay còn gọi là Nhà Thờ Lớn là một công trình kiến trúc bề thế với hai tháp chuông cao, ở nơi trung tâm thành phố Saigon, tại quảng trường hiện nay được gọi là “Công Xã Paris”, nhưng trước kia được mang một cái tên thật dễ thương và được mọi người mến chuộng là “Công Trường Hòa Bình”. 

Vương Cung Thánh Đường nầy được khởi công xây cất ngày 7/10/1877 và được khánh thành ngày 11/4/1880. Nhà thờ được thiết kế tại Pháp và công trình xây cất do kỹ sư người Pháp là Bourard chỉ huy thực hiện. Tổng kinh phí xây cất lúc bấy giờ là 2,5 triệu Phật lăng. 

Thánh đường có chiều dài 133 mét, tính từ cửa ngăn đến cuối phòng mặc áo lễ, chiều ngang 35 mét và chiều cao 21 mét. 

Ban đầu, hai tháp chuông được xây cất năm 1895 với chiều cao tính từ mặt đất lên là 36,6 mét. Sau đó xây thêm hai chóp nhọn lầu chuông 21 mét nữa và chiều cao của tháp tổng cộng được hơn 57 mét. Sáu đại hồng chung, nặng 25,850kg được đặt dưới hai lầu chuông. 

Ngày 7 và 8 tháng 12/1959, được sự chấp thuận của Tòa Thánh Vatican, nhà thờ được làm lễ “xức dầu thánh” để trở thành “Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Saigon”. 

Hiện nay, vào mỗi sáng Chúa nhật, lúc 10 giờ 30, có Thánh Lễ bằng tiếng Anh dành cho người ngoại quốc. Thật cảm động khi thấy nhiều du khách thuộc nhiều quốc gia khác nhau như Hoa Kỳ, Pháp, Úc…già cũng như trẻ, trai cũng như gái, sốt sắng tham dự Thánh Lễ.  

Có lẽ họ đến đây vì tò mò và điều đó cũng nằm trong chương trình du lịch cá nhân của họ. Nhưng biết đâu ở xứ sở họ, không bao giờ họ đặt chân đến nhà thờ vào mỗi Chúa nhật. Nhưng tại nơi xa xôi nầy, trong một đất nước vô thần, họ lại gặp gỡ Chúa trong thinh lặng ngỡ ngàng. 

TIẾT HAI

CUỘC SỐNG NHỘN NHỊP 

TP Saigon còn có nhiều địa danh nổi tiếng khác, cũng như những nơi du lịch thu hút nhiều du khách chẳng hạn Suối Tiên, Đầm Sen… cùng với một số chùa chiền, thánh đường và thánh thất được nhiều người biết đến. Nhưng đó không phải là những nơi tôi thăm viếng nên không được viết ra ở đây. 

Cuộc sống ở TP Saigon thật đa dạng, nhất là những nơi ăn chơi nổi tiếng với những “cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm” đã được mô tả qua báo chí hay các cuộn băng video được phổ biến ở hải ngoại. Nhưng đó không phải là những nơi tôi giao lưu. 

Ở đây, tôi chỉ ghi lại những gì tôi tiếp cận hằng ngày mà thôi, như những chuyến di chuyển bằng xe buýt, xe ôm hay xe taxi. Những người mà tôi gặp gỡ là những người lao động phục dịch trong các tuyến giao thông đó hay những em học sinh, sinh viên tình cờ tôi gặp gỡ trong các tuyến xê dịch.  

Trăm xe đua chạy 

Tôi trở lại Saigon vào một buổi xế trưa Chúa nhật. Tuy sắp sửa vào thu, nhưng trời Saigon vẫn còn nóng nực. Điều đập vào mắt tôi trước tiên là nhà cửa được xây cất nhiều hơn, so với hai năm về trước, ở dọc hai bên những đại lộ mà tôi đi qua. 

Nạn xe cộ chen chúc nhau như mắc cửi, khiến một vài con đường lớn phải ngăn đôi bằng những hàng rào sắt để tránh cảnh lấn tuyến, có thể gây ra tai nạn. Đây là sự kiện mới mẻ mà hai năm về trước chưa có. 

Lần nầy tôi tạm trú ở một căn nhà gần chợ Bà Chiểu, tại quận Bình Thạnh, tức Gia Định trước kia. Quang cảnh ở đây cũng khác xa những quận lỵ thuộc trung tâm TP Saigon, nên tôi được tiếp cận với nếp sống của dân chúng nửa thành thị, nửa thôn quê, mang lại cho tôi một số nhận thức khá thích thú. 

Cảnh kẹt xe ở Saigon có nhiều nét đặc trưng. Vào những giờ cao điểm, các xe gắn máy tràn lan trên các tuyến đường, chẳng khác nào cơn lũ lụt. Đặc biệt là hệ thống đèn lưu thông, hình như chỉ cò đèn báo hiệu màu “xanh” và “đỏ”, còn đèn “vàng” hầu như không có, hay chỉ loé lên trong nháy mắt, không đủ thời gian báo hiệu cho xe cộ chuẩn bị dừng lại khi đèn đỏ lên màu. Những người chạy xe gắn máy hình như không quan tâm đến hệ thống đèn màu: họ chỉ cắm đầu chạy mà thôi, nhất là khi vắng bóng nhân viên công lực. 

Tệ hại hơn nữa, dù đèn đỏ đã bật, nhưng xe cộ ít khi dừng lại ngay. Hầu hết cứ hối hả chạy tới, tranh thủ thời gian vượt qua ngã tư. Thêm vào đó, thay vì chỉ được “ghẹo phải” khi đèn đỏ như luật lệ cho phép, ở Saigon (cũng như Huế, Hà-Nội là những thành phố lớn), người ta thoải mái “ghẹo phải, ghẹo trái”, ngay cả “ghẹo xiên, ghẹo xéo” nữa…gây nên cảnh lưu thông hổn độn và kẹt xe trầm trọng. 

Phương tiện lưu thông 

Rất ít người đi xe hơi. Phải chăng đó là phương tiện lưu thông trang trọng dành riêng cho hạng quyền quí. Đa số đi xe gắn máy: xe nhà hay xe ôm. Ngoài ra còn có xe taxi và xe buýt nữa.

Có thể nói, xe ôm là phương tiện lưu thông công cộng tiện lợi nhất và đầy dẫy khắp phố phường, giá cả tương đối trung bình. Đó cũng là phương tiện sinh sống của một số đông đàn ông gặp cảnh lỡ thầy lỡ thợ. Ở bất cứ góc đường nào cũng có vài ba chiếc xe ôm chờ sẵn đón khách, chẳng khác nào những ngư ông ngồi thả câu ở các khúc sông thời xa xưa, chờ đợi cá cắn mồi, như Nguyễn Khuyến đã mô tả: 

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,

  Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

(Thu Điếu, Nguyễn Khuyến) 

Khi vắng khách, tài xế xe ôm, sung sướng ngồi nghỉ hay nằm ngửa trên xe, thoải mái đọc báo để biết tin tức thời sự đó đây như những chuyện trộm cắp hay cướp giật nơi nầy nơi khác. 

Hiện nay xe xích lô đạp rất hiếm. Thỉnh thoảng mới thấy một chiếc. Hình như loại xe nầy quá cũ kỹ và ở Saigon hầu như vắng bóng hoàn toàn. Ngoài ra hành khách cũng không ưa thích mấy. Ở Huế và Hà-Nội thỉnh thoảng còn sử dụng loại xe nầy. 

Vì cảnh kẹt xe ban ngày gần như thường xuyên nên ít người sử dụng taxi vì phải trả cước phí cao. Trái lại xe buýt là phương tiện giao thông được nhiều người ưa thích, nhất là những người lớn tuổi, do lợi ích an toàn, ít bị ô nhiễm hay tai nạn lưu thông, thêm vào đó giá cả rất rẻ (2000 đồng VN cho một lượt đi ở trong thành phố, gần đây được tăng lên 3000 đồng VN).  

Đi xe buýt tránh được việc phải hít khói xăng hay dầu khí như khi đi xe ôm. Xe buýt cũng tương đối sạch sẽ, có máy điều hòa không khí. Nạn móc túi trên xe buýt hiện nay ít xảy ra hơn như trước kia. 

Những chuyện vui buồn trên xe buýt 

Dù thế, xe buýt cũng có phần nguy hiểm, vì tài xế thường dừng lại quá nhanh mỗi khi hành khách lên xuống, khiến họ có nguy cơ bị té ngã. Những anh chị lơ xe, ngoại trừ một số ít có lương tâm nghề nghiệp, biết phục vụ khách hàng, đa số thiếu lịch sự, ít niềm nở. Có lẽ vì đồng lương không cao nên họ làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm.  

Đôi khi, thay vì phải đứng nơi cửa hành khách lên xuống để giúp đỡ họ, trái lại lơ xe thoải mái ngồi ở ghế phía trước xe, cạnh tài xế và cả hai vui vẻ cười đùa, nói chuyện…không quan tâm đến sự an toàn của hành khách lên xuống. Lắm khi khách chưa lên xuống hẳn, tài xế đã bắt đầu chạy, khiến nhiều hành khách suýt phải té ngã, nhất là những người lớn tuổi. 

Ngày nay, những em học sinh, sinh viên trên xe buýt đã biết nhường chỗ ngồi cho những người cao niên. Trái lại những anh chị em nhân công trẻ tuổi, ít khi nhường chỗ cho những người lớn. Họ cứ ung dung ngồi nghỉ, dựa lưng vào ghế, mắt lim dim, có lẽ vì đã tốn quá nhiều sức lao động nơi sở làm nên thời gian ngồi xe buýt là dịp rất tốt để nghỉ xả hơi. 

Có vài xe buýt đặt tượng Phật hay tượng Chúa ở đầu xe, với vòng đèn điện bao quanh. Đó cũng là một ấn tượng khá độc đáo. Trong khi tại các nước Âu Mỹ, người ta đòi triệt hạ các cây thánh giá treo trong các lớp học hay yêu cầu dời bảng ghi mười điều răn khỏi các tòa án thì những biểu tượng tôn giáo được trưng bày như thế trên một vài xe buýt ở Saigon, đã nói lên niềm tin của dân chúng không thể dập tắt, cho dù ở trong một đất nước vô thần. 

Ở hải ngoại, người ta không quên câu chuyện một người vô thần ở Elk Crove (cạnh Sacramento) đã kiện Ty Học Chánh ra tòa về tội để học sinh đọc lời thề trung thành với quốc kỳ Mỹ, trong đó có câu: “Hoa Kỳ là một dân tộc tôn thờ Thiên Chúa” (“one nation under God”).  

Ty Học Chánh thua kiện và người vô thần đó thắng kiện vì tòa án đồng ý với ông ta là “dân Mỹ không phải là dân thờ Thiên Chúa”. 

Còn có chuyện ông tòa Roy Moore, Chánh Nhất Tối Cao Pháp Viện tiểu bang Alabama bị nhóm vô thần ACLU lôi ra tòa Liên Bang cấp hạt về tội đặt bia đá khắc Mười Giới Răn Thiên Chúa trước tiền đình tòa án TCPV của ông tại Montgomery.


Ông đã thua kiện và kháng cáo lên TCPV Liên Bang tại thủ đô Hoa-thịnh-đốn. Trong phán quyến ngày 2/10/2004, TCPV Liên Bang Hoa Kỳ đã y án tòa dưới. Kết quả
ông tòa Roy Moore thua kiện và mất chức Chánh Nhất TCPV Alabama.

Buôn thúng bán bưng  

Tôi không có dịp tiếp cận những quan chức trong chính quyền, những đại gia hoặc những doanh gia là những người thuộc thành phần ưu đãi trong xã hội Việt-Nam hiện nay, nên không rõ sinh hoạt và nếp sống của họ như thế nào. Hằng ngày, tôi chỉ tiếp xúc với giới lao động, những người buôn thúng bán bưng…khiến tôi chứng kiến cuộc sống của họ thật vất vả lầm than!  

Từ tảng sáng, những người bán hàng rong đã ngồi sẵn hai bên vệ đường để bán hàng: đó là những thức ăn ban sáng cho giới bình dân như những gói xôi, những ổ bánh mì thịt…với giá cả không quá vài ngàn. Hoặc những bó rau, những nắm đậu cho người có lợi tức thấp mua về làm thức ăn trong ngày.  

Ngoài những phụ nữ bán hàng, khoảng bốn năm mươi tuổi, cũng không thiếu những bà già trên dưới bảy mươi, mặc dù sức cùng lực kiệt, cũng cố lê lết với những tay thúng tay xách để kiếm sống.  

Với số thu nhập kém cỏi mỗi ngày, ước độ vài chục ngàn (khoảng ba bốn Mỹ-kim), người ta có thể hình dung cuộc sống chật vật của họ như thế nào, chưa kể tới những lúc đau yếu. Như cha ông chúng ta đã nói từ ngàn xưa: “Trời sinh voi, sinh cỏ”, nên họ đã âm thầm sống cho qua ngày.  

Khi ốm đau, họ chỉ cần ghé vào các tiệm thuốc tư nhân mua vài viên thuốc độ dăm ba ngàn đồng để uống cho qua cơn đau, rồi lại tiếp tục chuỗi ngày dài như thế, không biết bao giờ chấm dứt. 

Những người lái xe ôm, nếu may mắn lắm mỗi ngày cũng chạy được năm ba cuốc xe, có thể kiếm được trên năm bảy chục ngàn là nhiều. Với số tiền thu nhập như thế, cuộc sống của họ cũng rất chật vật.  

Giới taxi có thể kiếm tiền khá hơn, ngang bằng hoặc trên mức lương trung bình của nhân công, khoảng một triệu rưỡi tiền VN một tháng. 

Có lần tôi ngồi xe taxi mà anh tài xế là một thanh niên khoảng dưới bốn mươi tuổi, với vẻ mặt khôi ngô tuấn tú. Anh cho biết cách đây gần hai mươi năm, anh đã vượt biên, nhưng không được may mắn đi lọt. Nay anh phải vất vả lái xe taxi. Nhưng anh cũng cảm thấy an ủi phần nào là không phải chạy xe ôm.  

Tôi cảm thấy đau buồn cho anh: nếu lần đó anh may mắn đi trót lọt và được định cư ở một quốc gia thứ ba, có lẽ anh đã có cơ hội làm lại cuộc đời ở nước ngoài và biết đâu giờ đây anh cũng trở thành bác sĩ, kỹ sư hay chuyên viên một ngành nghề nào đó. Và cũng như bao nhiêu Việt kiều cùng lứa tuổi với anh đã thành công ở xứ người, anh cũng có thể trở về thăm quê hương mà không phải ôm một nỗi buồn ray rứt là phải lái xe taxi như ngày hôm nay. 

Giới trẻ 

Vào một buổi trưa trong tuần, tôi đi ngang qua một tiệm bán vật dụng điện toán ở góc đường Lê Văn Duyệt trưóc kia (nay là Cách Mạng Tháng Tám) và đường Hồng Thập Tự cũ, nhiều xe gắn máy của các bạn trẻ tuôn đến đậu chật trước một cửa tiệm, họ chen chúc nhau vào mua hàng.  

Tôi tò mò bước vào mới biết đó là ngày bán “sale” nhiều vật dụng điện toán. Cả trăm bạn trẻ ra vào tấp nập, xâm chiếm hai tầng lầu. Ai nấy ôm đầy những vật dụng điện toán, sắp hàng dài trước các két trả tiền.  

Điều nầy khiến tôi đâm ra sửng sốt: giới trẻ Việt Nam hiện nay đang say mê điện toán như người ta mê say cờ bạc vậy. Có em suốt cuối tuần ngồi trước máy điện toán, quên ăn quên uống.  

Những tiệm công cộng cho mướn các máy điện toán, cứ chiều chiều và đến tối khuya, các em nam cũng như nữ ngồi chật trước các máy, vào internet để “chat” trên mạng hoặc chơi “game”. Đó là một hiện tượng đáng vui hay đáng buồn cho giới trẻ Việt Nam hiện nay???  

Tuy nhiên có một số nhỏ cũng cố vươn lên để chiếm một chỗ đứng cho tương lai mình. Có lần tôi ngồi cạnh một em nữ sinh viên trên một chuyến xe buýt. Sau khi hỏi chuyện, tôi được biết em đang theo học ngành ngoại giao và sáng đó em đi xe buýt đến trường đại học. Tôi nói đùa: chắc rồi đây em sẽ làm ở Bộ Ngoại Giao. Em cười trả lời: Ở Việt Nam hiện nay, muốn thành công trong ngành ngoại giao, phải có bốn yếu tố “ngoại” sau đây: ngoại hình, ngoại ngữ, ngoại giaongoại tệ 

Em cười và nói tiếp: nhưng trên hết phải có văn bằng “COCC”. Tôi ngạc nhiên không hiểu thì em cho biết “COCC” là “con ông cháu cha”. Nghe em giải thích như thế, tôi cũng bật cười với em qua làn nước mắt. 

Lần khác, tôi đang đứng đợi xe buýt ở ngã tư Phú Nhuận để về Gia Định, một em gái được người dì chở xe gắn máy đến chỗ đó đợi xe buýt. Nhìn quanh một lúc, em hỏi tôi xe buýt nào đi về bến xe Miền Đông. Tôi chỉ cho em hai số xe trên bảng hiệu và cho biết tôi cũng đi xe đó để về Gia Định.  

Ngồi trên xe buýt, sau khi dò hỏi, tôi được biết em ra bến xe Miền Đông để trở về quê ở Long Khánh, nơi em mới rời khỏi cách đây hai tuần lễ để lên đây kiếm việc, nhưng không có kết quả. Em cho biết thêm em 18 tuổi, vừa mới học xong lớp 12, muốn lên Saigon để kiếm việc, nhưng vì mất thẻ “chứng minh nhân dân” nên không ai mướn hết. Muốn xin thẻ mới, người ta đòi hỏi một số tiền mấy triệu đồng.  

Tôi thông cảm hoàn cảnh khó khăn của em nên khuyên bảo em phải thận trọng, kẻo rơi vào những cạm bẫy nơi đô thị đa tạp nầy. Em tỏ ra thông hiểu, nhưng không biết rồi đây sẽ ra sao. Khi giã biệt, tôi chỉ biết cầu nguyện cho em thoát khỏi những ảo ảnh của cuộc đời nơi đô thị phồn hoa để không phải rơi vào vực thẳm như trăm ngàn vạn em khác trước em cũng vì lỡ lầm, để rồi nghìn thu mang hận. 

Nhà Hát Thành Phố 

Những ngày ở Saigon, tôi thường xuyên qua lại đại lộ Lê Lợi mà cuối đường là “Nhà Hát Thành Phố”. Nơi đây trước 30/4/1975 là trụ sở Quốc Hội Lập Hiến và Lập Pháp qua hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa.  

Mỗi lần ngang qua tòa nhà đó, tôi cảm thấy một nỗi buồn dâng lên trong tâm hồn, khi liên tưởng đến những người múa rối đã một thời “làm trò”, nhất là sau biến cố 1/11/1963. Và tôi cũng nghĩ tới Hội Trường Diên Hồng trước kia – không biết hiện nay trở thành cơ quan gì – với những người múa rối khác: đó là mấy quân nhân gây nên biến cố 1/11/1963 cùng với vài phản thần khác về sau thất cơ lỡ vận, bị gạt ra ngoài. Họ đã vào an trú nơi đó để rồi cũng quay cuồng múa rối trong cái gọi là “Thượng Viện” thời đó. 

Thật là một trò dâu bể khác, cũng não lòng không kém! Từ trụ sở Quốc Hội biến thành “Nhà Hát Thành Phố” mà không phải chỉ từ sau 30/4/1975, nhưng đã bắt đầu từ 1/11/1963.  

Mỗi khi đi ngang qua “Nhà Hát Thành Phố” đó, bỗng hiện ra trong đầu óc tôi hai câu thơ châm biếm đầy chua chát của thi sĩ Trần Tế Xương ở thế kỷ 19 đối với nhóm “hát tuồng” trong thời đại của ông, nhưng cũng ứng với những người hát tuồng về sau nầy:

Lẳng lặng mà xem lũ hát tuồng,

 Cũng hò cũng hét cũng i uông… 

Gặp nhau trên mạng 

Trên năm năm trở lại đây, tôi có dịp quen biết một nhóm thân hữu ở trên mạng, sống rải rác nhiều nơi ở Saigon, Âu châu và Bắc Mỹ. Nhóm chúng tôi độ 20 người, gồm vài linh mục, số còn lại là những giáo dân thuộc những ngành chuyên môn khác nhau, nhưng có một điểm chung là hoạt động trong môi trường truyền thông.  

Trong quá khứ, chúng tôi thường có dịp trao đổi với nhau về nhiều đề tài liên quan đến Giáo-Hội. Dịp nầy, tôi được hội ngộ với ba linh mục thuộc ba hội dòng khác nhau và mấy anh em giáo dân khác ở Saigon. Cuộc họp mặt hôm đó khá đầy đủ và thật thích thú. 

Một điểm nổi bật, tuy là những tay cầm bút, nhưng giờ đây ai nấy đều có chiều hướng muốn trở vể đời sống nội tâm. Từ các linh mục cũng như giáo dân, tất cả đều đang truy tầm một môi trường thích hợp để đời sống nội tâm dễ phát triển hơn. 

Một trong ba linh mục hiện diện là giáo sư thần học nên tôi lợi dụng dịp nầy để nêu lên một vấn đề khá nóng bỏng do một số giáo dân đưa lên trên vài trang mạng trong thời gian gần đây. Đó là “con người có thiên tính”. Sau khi trình bày xong, tôi đặt câu hỏi với vị linh mục đó là ngài có thiên tính hay không?  

Câu hỏi của tôi đã làm cho mọi người bật cười, kể cả vị linh mục đó. Tuy nhiên, ngài đã điềm tĩnh trả lời: “Tôi chỉ có nhân tính, chứ không có thiên tính, vì thiên tính chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa mà thôi.”  

Ngài còn lưu ý một điểm khá quan trọng là Thánh Tôma Aquinô đã định nghĩa “thiên tính” cùng với nội dung hàm chứa trong đó. Nếu nay mình dùng từ “thiên tính” đó của ngài, nhưng thay đổi nội dung đó đi thì cần phải sáng chế một từ khác cho thích hợp với nội dung mới.  

Tôi nhận thấy không ai có ý kiến gì đối với những lời giải thích của vị linh mục đó. Không biết “im lặng” trong trường hợp nầy có nghĩa là “đồng ý” không? Riêng tôi thì rất tâm đắc với lối giải thích đó. 

Thiên Tính 

Một tuần lễ sau, tôi đi Tour ở Hải Đảo Phú Quốc. Nhân khi thăm viếng một ngôi chùa nổi tiếng ở đây, anh hướng dẫn viên, sau khi cắt nghĩa sự tích ngôi chùa, đã chia sẻ thêm: đối với Phật tử thì ai cũng có thể thành Phật được vì sẵn có Phật tính trong mình. Nhưng đối với Kitô giáo thì người Kitô hữu không thể thành Chúa được. Tuy nhiên hiện nay người ta đang bàn cãi xem người ta có thiên tính không, để có thể trở thành Chúa. 

Câu nói của anh hướng dẫn viên đoàn du lịch – tôi đoán có thể anh là một Phật tử – đã khiến tôi đâm ra nghĩ ngợi: câu chuyện lạm bàn về “thiên tính” của một số giáo dân đưa lên mạng đã khiến một số người quan tâm, nhất là các Phật tử.  

Sau nầy, trong một dịp chia sẻ khác, một người đã nêu ý kiến: vấn nạn “Thiên Tính” hiện nay dường như có hai lối nhìn. Một số người khẳng định: Con người chỉ có nhân tính, chứ không có thiên tính, vì thiên tính chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Một số người lại xác tín: Con người có cả nhân tính về phần thể lý, và con người có cả thiên tính về mặt tâm linh. Đây là một vấn nạn rất quan trọng vẫn còn bỏ ngỏ, mời gọi mỗi người đặt lại vấn đề cho riêng mình để tìm ra lời giải đáp cho chính cuộc đời Sống Đạo của mình. 

Khi về lại Canada, trong một cuộc “chat” trên mạng với một người anh em khác trong nhóm ở Âu châu là một giáo dân có căn bản thần học, tôi đã trình bày sự việc trên đây. Người anh em đó đã đưa ý kiến: “Là thiên tính rất khác với có thiên tính. Thiên Chúa vốn là thiên tính, còn con người có thể có thiên tính do được thông phần vào Thiên Tính của Thiên Chúa”. Tôi thiết tưởng đây là quan điểm được đại đa số Kitô hữu chấp nhận từ trước đến nay.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!