Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Nhà Văn Hương Vĩnh
Mục Lục

Lời nói đầu

Chương I: Yêu thương kẻ thù (Matthêu 5, 38-48)

Chương II: Bài giảng trên núi: Những mối Phúc Thật (Matthêu 5, 1-10)

Phần thảo luận (I)

Chương III: Bình đẳng (Mac-cô 3, 31-35)

Chương IV: Nước Trời (Mac-cô 4,26-34)

Phần thảo luận (II)

Chương V: Sự Hiển Dung (Luca 9, 28-36)

Chương VI: Sứ vụ Tông Đồ (Luca 9, 2-6)

Phần thảo luận (III)

Chương VII: Đức Tin (Gioan 12, 44-50)

Chương VIII: Sự Phục Sinh (Gioan 20, 10-18)

Phần thảo luận (IV)

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu
Phần thảo luận (I)

Cha Laurence 

“Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Tôi xin chân thành cám ơn ngài về điều huấn dụ của ngài sáng nay. Tôi nói như thế nhân danh tôi nhưng cũng nhân danh mọi người hiện diện nơi đây vì tôi cảm thấy thật xúc động, với tư cách Kitô hữu, khi nghe ngài đọc những lời lẽ của Chúa Giêsu với một sự trong sáng và một sự lãnh hội ý nghĩa một cách thâm sâu như thế.  

Và giờ đây là lúc có cuộc hội thảo nhóm lần đầu tiên, tôi xin phép giớí thiệu với ngài hai nhân vật sẽ đặt câu hỏi là ông Robert Kiely và bà Isabelle Glover. Ông Robert Kiely thuộc dòng ba Biển Đức của cộng đồng tu trì chúng tôi và là giáo sư văn chương thuộc đại học Harvard và bà Isabelle Glover cũng thuộc dòng ba Biển Đức của cộng đồng tu trì chúng tôi và là giáo sư Phạn ngữ.  

Mục đích cuộc hội thảo nầy là để cho phép chúng tôi được lắng nghe một cách chăm chỉ hơn “Lời” đã đánh động chúng tôi sáng nay. Điều đó không nhằm tìm kiếm những khác biệt nhưng chỉ để suy tư, trong một tinh thần càng cởi mở và độ lượng, vừa dựa trên những điểm tương đồng và dị biệt lý thú có thể có ở giữa hai tôn giáo chúng ta.  

Tôi xin mời ông Bob Kiely bắt đầu bằng đôi lời mở đầu rồi sau đó chúng ta đi vào phần thảo luận.” 

 

Ông Robert Kiely 

“Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Tôi xin phép được thêm đôi lời vào những câu cám ơn của cha Laurence. Được biết cuộc đời ngài, lịch sử dân tộc ngài như thế nào, tôi xúc động đặc biệt khi nghe ngài đọc những Mối Phúc Thật và nhất là những câu sau đây: “Phúc thay ai than khóc: họ sẽ được an ủi!” và “Phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính: Nước Trời là của họ!”  

Theo niềm tin Kitô giáo, nếu Thánh kinh được đọc bởi một người có đức từ tâm sẽ trở nên sức sống cho mọi người. Đối với tôi, cũng như đối với nhiều người ở đây, tôi thiết tưởng những lời mà ngài đã đọc cũng có hiệu quả như vậy. 

Một trong những câu hỏi mà tôi muốn đề cập với ngài có liên quan đến ý niệm thuộc Do Thái giáo và Kitô giáo về “Đấng Tuyệt Đối đi vào trong lịch sử, trong thời gian”.  

Trong những đoạn sách mà ngài đã đọc và trong mọi giáo huấn của Chúa Giêsu nói chung, Kitô hữu đã đặt để chúng vào trong một bối cảnh bao gồm ít nhất ba tiến trình lịch sử.  

Tiến trình thứ nhất là “lịch sử đời sống Chúa Giêsu”. Không một Kitô hữu nào khi nhận lãnh giáo huấn của Chúa Giêsu mà không nhớ lại Ngài đã sinh ra nghèo hèn, Ngài là một người Do-Thái sống trong một nước bị chiếm đóng, đời công khai của Ngài tức giai đoạn Ngài dạy dỗ dân chúng, thì rất ngắn ngủi, Ngài đã bị bắt, bị đóng đinh như một tên tội phạm về công pháp và Ngài đã phục sinh. 

Trong tiến trình thứ hai, chúng tôi “không thể tách rời Phúc Âm ra khỏi lịch sử dân tộc Do-Thái” vì lịch sử đó là một thành phần của Thánh Kinh. Đó là một lịch sử được đánh dấu bởi đời sống nô lệ ở Ai-Cập, được giải phóng dưới sự dẫn dắt của Mai-Sen là người đã ban bố Luật Pháp mà chính ông đã nhận lãnh từ Thiên Chúa và đã chấm dứt bằng cuộc tản mát trên khắp địa cầu.  

Tiến trình lịch sử thứ ba luôn luôn là “lịch sử đời sống chúng ta”. 

Như vậy, những lời nói của Chúa Giêsu mà chúng ta suy niệm những ngày nầy đây đã đến với chúng ta qua những câu chuyện được diễn biến trong lịch sử - lịch sử cá nhân, lịch sử quốc gia và lịch sử thần học - trong cuộc sống của chính Chúa Giêsu. 

Tôi xin phép được hỏi những suy tư nào đã gợi lại nơi ngài - một vị cao tăng Phật giáo - khía cạnh “thời gian tính đó ở nơi Kitô giáo” và nếu có thể được xin ngài cho thấy sự “liên hệ gần gũi với Phật giáo”.” 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(đề cập đến đời sống Đức Phật và Chúa Giêsu) 

“So sánh giữa hai truyền thống tâm linh kỳ cựu như Phật giáo và Kitô giáo cho thấy một sự tương đồng nổi bật giữa đời sống các vị giáo chủ sáng lập: đó là Đức Giêsu Kitô trong Kitô giáo và Đức Phật Thích-Ca trong Phật giáo. Tôi nhận ra một điểm chung rất quan trọng: chính “đời sống các vị giáo chủ sáng lập” đã thể hiện điều cốt yếu ẩn tàng trong những giáo huấn các Ngài.  

Như thế, trong đời sống Đức Phật, “Tứ Diệu Đế” biểu thị điều cốt yếu của giáo huấn Ngài: Diệu Đế về đau khổ (Khổ Đế), Diệu Đế về nguồn gốc sự đau khổ (Tập Đế), Diệu Đế về sự diệt khổ (Diệt Đế) và Diệu Đế về cách hành đạo đưa đến diệt khổ (Đạo Đế). Tứ Diệu Đế đã mặc nhiên thể hiện trong đời sống của vị giáo chủ sáng lập, tức chính Đức Phật Thích-Ca.  

Tôi thiết tưởng đối với Đức Kitô cũng vậy. Khi quan sát đời sống Chúa Giêsu, người ta nhận thấy đời sống đó đã biểu trưng tất cả mọi việc hành đạo và những giáo huấn căn bản của Kitô giáo.  

Tôi cũng nhận ra một điểm tương đồng khác nữa giữa hai đời sống đó là duy chỉ bằng những thử thách, sự chấp nhận thử thách, sự cam kết cá nhân và sự gắn bó bền chặt vào những nguyên tắc mà người ta có thể tiến tới trên hành trình tâm linh và đạt tới sự giải thoát. Đối với tôi điều nầy xem ra đã tạo nên một sứ điệp chung và là sứ điệp cốt lõi.” 

 

Isabelle Glover 

“Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Ngài đã nhắc tới sự “tái sinh”. Có nhiều dấu hiệu cho phép nghĩ rằng, vào những thời gian đầu của Giáo hội Kitô, luân hồi là một niềm tin được chấp nhận, nhưng ngày nay không còn lưu  hành trong tư duy Kitô giáo nữa. Ngài có thể dẫn giải thêm về điều đó được không? Tầm mức quan trọng của giáo huấn về “tái sinh và nghiệp quả” như thế nào?” 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(bàn luận về luân hồi tái sinh) 

“Quả nhiên người ta đã nói với tôi là trong những giáo huấn đầu tiên của Giáo hội Kitô, người ta đã có thể giải thích một số đoạn Thánh Kinh một cách có thể minh chứng niềm tin ở sự tái sinh không nhất thiết xung khắc với đức tin Kitô giáo. Do đó, tôi đã tự do thảo luận vấn đề nầy với nhiều linh mục khác nhau và với nhiều cấp lãnh đạo Kitô giáo khác nhau - tuy nhiên tôi chưa có cơ hội đặt vấn đề nầy với chính Đức Giáo Hoàng.  

Tuy chưa vấn nạn ngài, nhưng tôi đã hỏi han nhiều hành giả và nhiều linh mục Kitô giáo ở mọi nơi. Tất cả đã đồng thanh nói với tôi là tín ngưỡng đó không được chấp nhận trong giáo lý Kitô giáo mà không cho biết lý do đặc thù tại sao khái niệm luân hồi không có chỗ đứng trong ngữ cảnh mở rộng của đức tin và đường lối thực hành Kitô giáo. 

Tuy nhiên, cách đây hai năm ở tại Úc châu, khi tôi gặp gỡ cha Bede Griffiths lần sau cùng (tôi đã gặp cha nhiều lần và đích thân tôi đã quen biết cha), tôi đã đặt câu hỏi như thế với cha. Tôi ghi nhớ rõ ràng cuộc tiếp xúc đầy cảm động đó. Cha khoác chiếc áo thiền sư Ấn-Độ màu vàng. Cha cho biết, theo quan điểm Kitô giáo, niềm tin ở sự tái sinh làm xoi mòn đức tin và sự hành đạo của Kitô hữu.  

Khi bạn chấp nhận cuộc sống nầy - cuộc sống cá nhân của bạn được trực tiếp tạo dựng bởi Đấng Tạo Hóa - thì cuộc sống bạn là một tặng dữ trực tiếp của Ngài; điều đó tức thời tạo nên một dây liên kết rất đặc biệt giữa bạn - một tạo vật cá biệt - và Đấng Tạo Hóa. Tương quan cá nhân trực tiếp đó cho thấy một tình cảm thân cận và mật thiết với Đấng Tạo Hóa của quí bạn.  

Tin tưởng vào sự tái sinh sẽ làm lay chuyển mối liên kết đặc biệt đó với Đấng Tạo Hóa. Tôi nhận thấy lối giải thích nầy rất có sức thuyết phục.” 

 

Cha Laurence 

“Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Tôi thấy có một liên hệ giữa hai câu hỏi được nêu lên bởi ông Robert Kiely và bà Isabelle, về sự tương quan giữa thời gian và vĩnh cửu, giữa tương đối và tuyệt đối. 

Đối với Kitô hữu, Thiên Chúa cũng có danh xưng là “Chân Lý”. Thế mà, do kinh nghiệm, mọi người đều biết chân lý là điều người ta khám phá từ từ. Chân lý là điều ló rạng dần dần. Chân lý được mạc khải từng giai đoạn qua cuộc sống một cá nhân, cuộc sống đó bao gồm một kiếp hay nhiều kiếp. Chúng ta cũng biết rằng tôn giáo trải qua một cuộc tiến hóa theo giòng lịch sử.  

Có một “cái nhân tuyệt đối” trong những giáo huấn của Đức Phật và của Chúa Giêsu, nhưng chân lý của những giáo huấn đó ló rạng dần dần qua lịch sử, bằng suy tư. Nếu không, chúng ta đã không có một lý do nào để tổ chức một khóa hội thảo như hôm nay đây. Chúng ta luôn có chân lý để khám phá và tái khám phá.  

Có thể nào ngài nói cho chúng tôi biết ngài cảm nghĩ như thế nào về ý niệm chân lý như là một cái gì hiện hữu bây giờ và ở đây một cách sung mãn nhưng đồng thời chúng ta cũng chứng nghiệm chân lý từ từ, qua từng giai đoạn?” 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(bàn luận về chân lý - vĩnh cửu và thời gian - giáo pháp “tam than”) 

“Giáo lý Phật giáo cũng đề cập đến vấn đề “chân lý chung cục” được biểu lộ qua từng giai đoạn và ở trong diễn tiến lịch sử nhưng đồng thời cũng tuyệt đối hay chung cục.  

Có một đoạn trong “Kinh Bát Nhã Ba-La-Mật” (Prajnaparamitasutra) là một phần của toàn bộ Kinh Trí Độ Luận quảng diễn chuyên biệt ý niệm đó. Theo đoạn kinh đó, chư Phật quá khứ hay vị lai được đến trong thế gian nầy hay không, và cho dù có một vị Phật sống giữa thế giới hay không, chân lý rốt ráo của mọi sự và mọi biến cố vẫn luôn luôn là một. Chân lý thì hiện tại đời đời; chân lý luôn luôn ở đó.  

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là mọi sinh vật đều được dự phần vào chân lý đó - nói cách khác, sẽ đạt tới sự giải thoát - một cách tự nhiên hay không chút cố gắng nào, bởi vì mọi cá nhân phải có kinh nghiệm về chân lý đó một cách tuần tự.  

Vì vậy chúng ta phải phân biệt giữa sự hiện hữu đích thực của chân lý là một việc và kinh nghiệm về chân lý đó là một việc khác. Chính ở đây mà người ta có thể tìm ra điểm giao thoa giữa sử tính và bản chất tuyệt đối của chân lý. 

Cha đã nêu lên một điểm lý thú. Làm thế nào một nguyên lý tuyệt đối như Đấng Tạo Hóa thần linh lại có thể tỏ lộ trong một khuôn mặt lịch sử như Đức Kitô? Bản chất đích thực của sự tương quan đó như thế nào và những cơ chế nào có thể giải thích “sự liên hệ giữa tuyệt đối là cái phi thời gian và một khuôn mặt lịch sử là cái có thời gian tính”?  

Trong bối cảnh Phật giáo, vấn nạn đó được đề cập dưới góc độ của giáo lý “tam than” (kayas) tức ba hình thức biểu lộ của một đấng đã giác ngộ. Trong bối cảnh đó, những biểu lộ vật chất và sử tính của những đấng giác ngộ được trông thấy, theo một nghĩa nào đó, như là những sự xuất hiện bộc phát của trạng thái chung cục và phi thời gian của “Pháp Thân” (dharmakaya), tức Chân Thân hay Thân Chân Lý của một vị Phật.” 

 

Robert Kiely 

“Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Một phương cách khác tiếp cận vấn đề đó nhất là dưới góc cạnh của việc thực hành và nghi thức phụng tự hằng ngày, có lẽ sẽ nhắc nhở lại những danh xưng mà Kitô hữu đã gọi Chúa Giêsu và những Phật tử đã gọi Đức Phật.  

Một trong những điều nghịch lý hiển nhiên của Kitô giáo ở chỗ chúng tôi gọi “Chúa Giêsu là Anh chúng tôi và là Đấng Cứu Thế” của chúng tôi. Theo từ ngữ cá nhân, điều đó muốn ám chỉ rằng chúng tôi được mời gọi yêu mến Chúa Giêsu như một con người, như một người anh hay một người chồng. Đồng thời, chúng tôi tin rằng ngài cũng là Đấng Cứu Thế mà chúng tôi tôn thờ như Thiên Chúa. Những danh xưng đó nhắc nhở chúng tôi rằng Chúa Giêsu đã cho chúng tôi năng lực yêu mến Ngài bằng hai cách đó, ràng Ngài tuôn đổ thần tính của Ngài trên con tim chúng tôi.  

Điều đó có tương ứng xa gần với những cảm tình mà chư Phật tử cảm nhận đối với Đức Phật, và tương ứng với những danh xưng mà chư Phật tử đã tặng cho Ngài?”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(bàn luận về Đức Phật lịch sử - hóa thân Phật) 

“Vì có nhiều môn phái Phật giáo nên không thể nghĩ tưởng ra một môn phái đồng dạng, một đường hướng quyết định, nếu muốn nói như thế.  

Riêng cá nhân tôi, tôi thích gắn bó với một “Đức Phật như là một nhân vật lịch sử” - một đấng đã đưa thân phận làm người đến sự tuyệt hảo và đã trở thành một “Đấng Giác Ngộ viên mãn”.  

Tuy nhiên, theo nhiều môn phái tư duy Phật giáo, Đức Phật không những là một khuôn mặt lịch sử, mà còn tham dự vào một chiều kích phi thời gian và vô biên nữa. Trong bối cảnh đó, cho dù Đức Phật là một khuôn mặt lịch sử, sử tính của Đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni được xem như là một sự biểu lộ khéo léo của hành động từ bi của Đức Phật được thể hiện từ trạng thái phi thời gian và viên mãn của “Pháp Thân” (dharmakaya) hay “Chân Thân”, tức Thân của Chân Lý.  

Đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni, với tư cách một khuôn mặt lịch sử, là “hóa thân" (nirmanakaya) tức Thân biểu lộ ra ngoài: một sự biểu lộ thích ứng với một không gian, một thời gian và trong một bối cảnh riêng biệt. Sự biểu lộ đó phát xuất từ một trạng thái thuộc một chân tánh gọi là “Báo Thân” (sambhogakaya), tức trạng thái an lạc viên mãn và trạng thái nầy lại xuất phát từ phạm trù phi thời gian của “Pháp Thân” (dharmakaya). 

Tuy nhiên, nếu chúng ta thảo luận hết mọi tính cách đặc thù đó, chúng ta chỉ thêm nhức đầu và lẫn lộn mà thôi! 

Phương cách đơn giản nhất để xem Đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni dưới góc cạnh lịch sử là như sau: Đối với những Phật tử, nhất là những người dấn thân trong đời sống tu trì, Đức Phật là Đấng đã sáng lập truyền thống tu viện. Ngài là khởi điểm của hệ phái tu sĩ Phật giáo. Những tăng ni được tấn phong trọn vẹn trong hệ phái đó phải kiên trì trong việc chấp nhận hoàn toàn những lời khấn khi được tấn phong.  

Muốn trở thành một “tì-khưu” (bhiksu), tức một vị tăng được tấn phong trọn vẹn hay một “tì-khưu ni” (bhiksuni), tức một ni cô được tấn phong trọn vẹn, phải là một con người. Vì vậy, nếu người ta liên hệ với Đức Phật trong tư cách một tăng, ni được tấn phong trọn vẹn, điều đó ám chỉ rằng người ta liên hệ tới một Đấng với tư cách là một nhân vật lịch sử.” 

 

Cha Laurence 

“Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Việc thực hành trong Phật giáo xem ra đòi hỏi một sự phân tích lý giải tối đa và ngài đã nói tặng vật lớn nhất của con người khi sinh ra là “bộ óc”. Tuy nhiên người ta có thể từ bi mà không cần thông minh. Ngài có thể giúp chúng tôi lãnh hội điều đó được không? Có cần phải rất thông minh và có một khối óc rất thành thạo, uyên bác và chính xác để đạt tới giác ngộ không?”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(đề cập đến thông minh và giác ngộ - đức tin) 

“Hiển nhiên không phải như vậy. Cũng như trong bất cứ mọi việc, đường lối cực đoan bao giờ cũng là một điều sai lầm.  

Những kinh sách Phật giáo phân biệt ba hạng người tùy theo khả năng cá nhân đối với đường lối tu đức, bằng cách chứng minh những hạng người nào sẽ rút tỉa lợi ích tối đa đối với việc thực hành tu đức thâm sâu.  

Quí bạn miễn chấp cho tôi vì không trích dẫn đúng câu kinh, nhưng nội dung câu đó như sau: Thông thường, những cá nhân thích ứng nhất để thực hành tu đức là những kẻ không những chỉ có năng khiếu trên bình diện trí thức, mà cũng phải có một đức tin và một sự chú tâm tập trung trên một tiêu điểm duy nhất và phải có sự minh triết. Những người đó là những kẻ thụ cảm nhất đối với việc thực hành tu đức.  

Trong hạng thứ hai, người ta tìm thấy những người không nhất thiết phải thông minh trổi vượt nhưng phải có một điểm tựa không lay chuyển trên đức tin 

Khốn nạn nhất là những kẻ thuộc hạng thứ ba. Mặc dù họ có thể rất thông minh, họ luôn bị gặm nhắm bởi sự hoài nghi và ngờ vực. Họ rất tài tình, nhưng có khuynh hướng tỏ ra do dự, nghi ngờ và không bao giờ có thể thực sự kiên trì đối với bất cứ một sự việc nào. Những người đó được xem như là những kẻ kém thụ cảm nhất. 

Khi chúng ta đề cập tới trình độ trí thức, chúng ta xem xét một hiện tượng tương đối. Một người có thể khôn ngoan hơn khi so sánh với một số người, nhưng lại kém thông minh khi so sánh với một số người khác.  

Nói chung, xem ra được xác nhận là mọi đức tin hay niềm xác tín căn cứ trên một sự hiểu biết xuất phát từ một sự suy lý thì rất vững chãi. Một niềm tin như thế thì vững chãi vì quí bạn tin chắc chắn về hiệu năng hay hiệu lực của ý niệm mà trên đó quí bạn đặt để niềm tin. Và niềm xác tín đó, dĩ nhiên, là một động cơ mạnh mẽ thúc đẩy hành động.  

Do đó, Phật giáo quả quyết trí thông minh rất quan trọng trong tiến trình tu đức. Trong truyền thống đó, trí thông minh phối hợp với con tim vì con tim nặng về xúc cảm. Như thế đức tin và tâm từ bi - mà bản chất lệ thuộc trạng thái cảm xúc nhiều hơn - cần được hỗ trợ bởi một niềm xác tín mạnh mẽ là kết quả của suy tư và tìm tòi nghiên cứu thì mới không thể mai một được.  

Còn đức tin hay tâm từ bi mà không đặt căn bản trên một lý luận vững chắc thì sẽ dễ dàng trở nên cảm xúc và có tính cách bản năng nhiều hơn nên không vững chắc được. Đức tin đó có nguy cơ dễ bị lay chuyển khi đối diện với những nghịch cảnh hay hoàn cảnh bất trắc. Theo một ngạn ngữ Tây-Tạng: “Một người mà đức tin không đâm rễ sâu trong sự suy lý thì cũng giống như một giòng thác mà người ta có thể điều hướng bất cứ nơi đâu. 

 

Robert Kiely 

“Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Tiếp theo câu hỏi liên quan đến khía cạnh “cảm xúc và lý trí”, ngài có thể soi sáng cho chúng tôi về vai trò của “nghi lễ” trong tôn giáo được không?  

Trong nhiều thế kỷ, nghi lễ đã là đối tượng của những bất đồng ý kiến trầm trọng ở giữa cộng đồng Kitô hữu. Có người đồng ý cho rằng nghi lễ, hát xướng, xông hương, đèn đuốc, áo lễ sặc sỡ và sự tôn trọng một số tục lệ nào đó tạo nên một sự khác biệt rõ rệt trong cách thức thờ phượng Thiên Chúa của chúng tôi.  

Ngài có thể nói cho chúng tôi biết vai trò của nghi lễ trong truyền thống của ngài không?” 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(bàn luận về nghi lễ) 

“Khi suy tư về vai trò và tầm mức quan trọng của nghi lễ trong cách thực hành đạo giáo, thiết tương rất quan trọng nên xem xét người ta bị ảnh hưởng bởi môi trường như thế nào. Do đó, xem ra đã được xác nhận là nhiều việc thực hành nghi lễ hay lễ nhạc giúp chúng ta tạo nên một bầu không khí đặc biệt thuận lợi cho trạng thái tâm linh mà chúng ta muốn đạt tới và, trong ý nghĩa đó, nghi lễ đóng một vai trò quan trọng. 

Lấy thí dụ một người cầu mong thực hiện một điều gì, một người khác cương quyết muốn khấn hứa thực hiện một điều khác thì nghi lễ sẽ tác động họ rất nhiều và sẽ có một hiệu quả rất lớn trên hành động của họ. Cũng thế, khi quí bạn sử dụng những nghi thức và nghi lễ để tạo ra khung cảnh linh thiêng mà quí bạn tìm kiếm, lúc bấy giờ phương cách đó sẽ có một hiệu quả lớn lao trên cuộc sống bạn.  

Nếu thiếu sót chiều kích nội tâm về kinh nghiệm tâm linh mà quí bạn khát khao, nghi lễ lúc bấy giờ chỉ thuần là những cử chỉ đứng ngồi, những sự chế biến bên ngoài mà thôi. Trong trường hợp đó, rõ ràng nghi lễ mất hết ý nghĩa và trở nên những thói quen vô bổ - xin lỗi chỉ để cho thời giờ qua đi mà thôi.  

Thiền sư nổi tiếng Tây-Tạng là Milarepa thường hay chỉ trích những nghi lễ và lễ nhạc. Những văn phẩm của ông chứa đựng rất nhiều lời bình luận châm biếm về những khía cạnh khác nhau liên quan đến “nghi lễ và lễ nhạc!” 

 

Cha Laurence 

“Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Tôi xin có một câu hỏi, nảy sinh do cuộc hội thảo hôm nay liên quan đến nghi lễ như là một sự biểu lộ đức tin bằng thể lý, như là một phương tiện biểu lộ đức tin qua thân xác và giác quan.  

Ngày xưa, Kitô giáo Tây phương rất là nhị nguyên. Người ta chấp nhận rằng thể xác và tinh thần đối kháng nhau, rằng thể xác phải được chế ngự và tùng phục bởi tinh thần. Ngày nay, người ta chứng kiến một sự khởi đầu của cuộc trở về với tình cảm Kitô hữu nguyên thủy liên quan đến sự gắn bó mật thiết giữa “thể xác và tinh thần”. Trong cuộc sống, chúng ta không thể tách rời xác, hồn và lý trí; chúng đương nhiên phải sống mật thiết với nhau.  

Có thể nào ngài giúp chúng tôi hiểu biết tương quan giữa thể xác và tinh thần theo quan điểm Phật giáo. Nếu tôi không lầm, hình như xưa kia Phật giáo chấp nhận một sự đối kháng giữa thể xác và tinh thần còn sâu đậm hơn trong Kitô giáo nữa.” 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(bàn luận về thể xác và linh hồn) 

“Cha nói có lý. Trong vài đoạn kinh sách Phật giáo, người ta tìm được những lời tuyên bố của Đức Phật cho thấy cảm tưởng một quan niệm nhị nguyên giữa thể xác và tinh thần. Trong một kinh (sutra) Đức Phật quả quyết rằng “ngũ uẩn” (skandhas) giống như một gánh nặng và con người giống như kẻ mang gánh nặng đó. Do đó Đức Phật trở nên phát ngôn viên của thuyết nhị nguyên giữa con người và những thành phần tâm vật lý tạo nên con người. Nhưng kết cục điều đó không phải là quan điểm Phật giáo.  

Theo như sự diễn giải truyền thống, đoạn đó được viết ra cho những người, đứng về phương diện triết học, bị thử thách bởi niềm tin vào một cái “ngã” (atman), tức là một linh hồn vĩnh cửu và thường hằng. Nhưng quan điểm của Đức Phật về bản chất sự tương quan giữa thể xác và tinh thần đối chiếu với căn tính con người là giáo lý “vô ngã” (anatman). Nguyên lý đó quả quyết rằng, ngoại trừ “ngũ uẩn” (skandhas), tức là những tập hợp tâm vật lý mà bản thể con người được tạo nên, không có linh hồn như là một thực thể riêng biệt, tự chủ và vĩnh cửu thường hằng. Giáo thuyết đó thì chung cho mọi môn phái Phật giáo. 

Mặc dù giáo huấn đó là tổng quát như vậy, nhưng Phật giáo đã trải qua những trào lưu triết lý phân rẽ về quan điểm muốn hiểu biết đúng ra cái gì tạo nên bản chất cái tôi hay là con người. Có nhiều môn phái Phật giáo đồng nhất hóa con người chỉ thu gọn vào một uẩn mà thôi, đó là “cái thức”; nhiều môn phái khác thì đồng nhất hóa con ngoài vào toàn bộ năm uẩn v.v…Có những môn phái tư tưởng chấp nhận một lập trường có tính cách duy danh hơn, khẳng định con người hay cái tôi chỉ là một “danh xưng thuần túy” mà thôi.”



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!