Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Nhà Văn Hương Vĩnh
Mục Lục

Lời nói đầu

Chương I: Yêu thương kẻ thù (Matthêu 5, 38-48)

Chương II: Bài giảng trên núi: Những mối Phúc Thật (Matthêu 5, 1-10)

Phần thảo luận (I)

Chương III: Bình đẳng (Mac-cô 3, 31-35)

Chương IV: Nước Trời (Mac-cô 4,26-34)

Phần thảo luận (II)

Chương V: Sự Hiển Dung (Luca 9, 28-36)

Chương VI: Sứ vụ Tông Đồ (Luca 9, 2-6)

Phần thảo luận (III)

Chương VII: Đức Tin (Gioan 12, 44-50)

Chương VIII: Sự Phục Sinh (Gioan 20, 10-18)

Phần thảo luận (IV)

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu
Phần thảo luận (IV)

Cha Laurence

 “Không, sự Phục Sinh không phải là luân hồi tái sinh”.

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Chúng ta không đề cập ở đây sự luân hồi tái sinh. Chúng ta bàn đến trường hợp một hành giả riêng biệt. Khi người đó đạt tới những cố gắng tâm linh thì ngay thân thể vật lý của người đó càng lâu càng trở nên tinh tế.”

 

Cha Laurence 

“Trước khi lìa đời, Chúa Giêsu đã hiện diện với các môn đệ và ở giữa trần thế một cách nào đó và sau khi chết, Ngài hiện diện trên trần thế một cách khác hẵn. Chúng ta nhận thấy trong sự hiện diện có tính cách lịch sử của Ngài ở giữa trần thế - như trong trường hợp Ngài gặp gỡ bà Maria ở đây chẳng hạn - thì sự hiện diện đó cần phải được nhận thức một cách đặc biệt.  

Nói cách khác, hành giả phải có một mô hình nhận thức đặc biệt thì mới nhận ra sự hiện diện mới mẻ của Chúa Giêsu. Phúc Âm cho chúng ta thấy một giai đoạn trung gian ở giữa cái chết và sự Phục Sinh cùng sự Thăng Thiên của Ngài. Và cách thức mà Chúa Giêsu đang hiện diện ngày nay trong trần thế lại còn khác hơn với cung cách mô tả ở đây. Chúng ta có thể nói được ngày nay Ngài hiện diện qua Đức Thánh Linh.”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Ngay trong Phật giáo lại một lần nữa, có nhiều quan điểm khác nhau về sự hiểu biết đối với việc “Nhập Niết-bàn của Đức Phật”. Một trường phái tư tưởng - trường phái “vaibhasika” thời cổ điển Ấn-Độ - quả quyết việc Nhập Niết-Bàn của Đức Phật chính là sự “chấm dứt cuộc sống của Ngài ở trần thế”. Cũng như khi Ngài vào đời là một sự kiện lịch sử thì sự Ngài biến mất khỏi trần thế cũng là một sự kiện lịch sử. Cuộc sống của Đức Phật có một khởi điểm và một chung cục.  

Sự nhập Niết-Bàn được xem như giai đoạn cuối của một ngọn lửa. Khi người ta tắt ngọn lửa thì ngọn lửa chấm dứt: đó là sự hư vô hoàn toàn. Ngay cả sự tiếp nối của thần thức Đức Phật cũng chấm dứt. Những đệ tử môn phái vaibhasika tuyên bố cái thức, cho dù không có khởi đầu, nhưng có một chung cục. Cái thức có thể hết hiện hữu. 

Trong trường hợp nầy, vấn đề đặt ra là xem ý nghĩa như thế nào đối với những đệ tử của Đức Phật tôn kính Ngài, thờ phượng Ngài và khẩn cầu Ngài. Ích lợi như thế nào? Câu trả lời của môn phái đó là sự “giác ngộ viên mãn của Đức Phật” là kết quả của một sự tích lũy những công đức và một sự minh trí đến tột đỉnh hoàn thiện trải qua vô lượng kiếp trong vũ trụ.  

Trong suốt thời gian đó, Đức Phật đã phát huy và vun bồi một tâm ý vị tha cực mạnh để phục vụ cho sự lợi tha của hết thảy mọi chúng sinh. Công năng của nghị lực và chân lý đó đang còn hiện diện ở giữa chúng ta. Chính “công năng” đó đã đến giúp đỡ chúng ta khi chúng ta tôn thờ Đức Phật. Tuy nhiên, nhân vật lịch sử của Đức Phật thì đã chấm dứt rồi. 

Nhưng đó không phải là quan điểm của nhiều truyền thống Phật giáo khác, trong đó có “Phật giáo Tây Tạng”. Theo môn phái nầy, Phật tính hay sự giác ngộ viên mãn được nhìn trong viễn tượng của “giáo thuyết tam thân” (kayas). Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni là một nhân vật lịch sử - Ngài đã sống trong một không gian và thời gian rõ rệt, trong một bối cảnh và môi trường rõ rệt - và việc Ngài Nhập Niết-Bàn ở Kushinagar là một biến cố lịch sử.  

Nhưng cái thức của Đức Phật là một giòng chảy luôn luôn tiếp tục hiện hữu. Đức Phật, trong tư cách phân thân dưới hình dạng con người thì đã chấm dứt sự hiện hữu thể lý khi Nhập Niết Bàn, nhưng Ngài luôn luôn hiện diện dưới hình thức “Báo Thân” (sambhogakaya), tức trạng thái sung mãn tròn đầy. Và Ngài còn tiếp tục phân thân và xuất hiện dưới những hình dạng khác nhau để được thích nghi hơn và lợi tha hơn cho các chúng sinh. 

Đứng trên quan điểm đó, nếu Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni với tư cách là một khuôn mặt lịch sử thì không còn hiện hữu nữa, nhưng sự hiện diện của Đức Phật thì trường tồn. Theo truyền thống đó, “giác thức” không có khởi đầu cũng như không có chung cục, xét về mặt liên tục.  

Đối với một hành giả Phật tử, sự Nhập Niết-Bàn của Đức Phật mang một ý nghĩa tượng trưng bởi vì những ngôn từ cuối cùng của Đức Phật hướng về “giáo thuyết vô thường” và tính cách chuyển biến của mọi sự vật. Ngài đã tuyên bố là hết mọi sự vật và biến cố đều mang tính cách chuyển tiếp, vô thường và không tồn tại.  

Ngài cũng tuyên bố rằng thân xác của một nhân vật hoàn toàn giác ngộ - Đức Phật hay Phật Như Lai (Tathagata) - cũng vô thường và chịu sự chi phối bởi những định luật đó. Và sau khi công bố những lời đó, Ngài đã tắt thở. Đối với một hành giả Phật tử, sự Nhập Niết-Bàn của Đức Phật - hành động lịch sử mà theo đó Ngài đã tắt thở - nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của sự thực hành về giáo thuyết vô thường. 

Tôi hơi tò mò về câu nói trong Phúc Âm, theo đó Chúa Giêsu công bố: “Thầy chưa lên với Cha Thầy”. Tôi tò mò muốn biết sự “Thăng Thiên” được cắt nghĩa như thế nào trong bối cảnh thần học Kitô giáo.”

 

Cha Laurence  

“Ở trong một đoạn trước của Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy biết Thầy đến từ đâu và Thầy biết Thầy đi về đâu”. Ngài đã mô tả cuộc đời và sứ vụ Ngài như là một cuộc trở về nguồn. Ở đâu đâu Ngài đều nói: “Thầy đã từ Cha mà đến”. Sự Thăng Thiên của Ngài là sự hội nhập nhân tính của Ngài đã được triển khai trọn vẹn vào nguồn gốc của Ngài ở nơi Thiên Chúa Cha. Theo một ý nghĩa nào đó, sự Thăng Thiên là việc “hội nhập hoàn toàn của Thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu.

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma  

“Theo Phật giáo, một tương quan đặc thù nối kết sự phóng xuất cùng lực phóng xuất và sự phóng xuất chấm dứt khi định mệnh đã hoàn tất. Người ta tìm thấy ý niệm “sự phóng xuất được hội nhập vào nguồn gốc của nó”, mặc dù trong vài trường hợp, sự phóng xuất tự ý biến mất.  

Do đó, trong trường hợp Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, xét về phương diện lịch sử, sau khi nhập Niết-bàn, thân xác vật lý của Ngài rõ ràng còn hiện diện; thân xác đó đã được hỏa táng và tất cả mọi người có thể trông thấy.  

Một Phật tử thực hành sẽ nói là giác thức của Đức Phật - chính cái thần thức siêu việt của Đức Phật - đã hội nhập hay đã được thu hút vào trạng thái “Pháp Thân” (Dharmakaya). Nhiều văn bản còn qui chiếu vào một loại hiện tượng mà những vật thể tâm linh được biến hóa một cách siêu đẳng, có thể tiếp cận với những thế giới tinh tấn mà không phải cởi bỏ thân xác thể lý của họ.”

 

Cha Laurence  

“Đó là những nhận xét tuyệt vời để hiểu biết thêm về sự Phục Sinh theo ý nghĩa Kitô giáo. Thật đáng khích lệ! Thiết tưởng sự hiểu biết của Kitô hữu về sự Phục Sinh cũng mang một “tầm vóc vũ trụ”. Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể dưới hình dạng con người và sự Sáng Thế hay vũ trụ đã được phát sinh qua Ngôi Lời của Thiên Chúa. 

Vì vậy khi hình dáng con người của Chúa Giêsu chết, Ngài đã trải qua một sự biến đổi tiên báo những gì sẻ xảy ra cho toàn thể vũ trụ. Hình dáng thể lý con người của Chúa Giêsu được hội nhập - với trọn vẹn năng lực và dáng dấp vật lý - vào Thiên Chúa là nguồn gốc vũ trụ. Điều đó cuối cùng cũng xảy đến cho toàn thể vũ trụ.  

Hết thảy những gì ở trong vũ trụ đều đến từ Thiên Chúa - một sự phóng xuất từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Thiên Chúa. Vì vậy thiết tưởng chúng ta nhìn thấy trong sự Phục Sinh một sự biến đổi vật chất để trở về với nguyên ủy của nó. Điều đã xảy tới cho thân xác Chúa Giêsu trong dạng thức con người - thân xác, tâm thần và linh hồn - cũng là một sự tiên kiến về những gì sẽ xảy ra cho vũ trụ vào ngày giờ của nó, tức khi thế mạt.  

Thưa ngài, vì chúng ta sắp kết thúc cuộc hội thảo, thiết tưởng tất cả đều đồng ý nói lên rằng chúng ta sẽ phải trải qua hai cuộc đời - hoặc nhiều hơn! - để đồng hóa quà tặng tuyệt vời mà Ngài đã trao ban cho chúng tôi. Tôi xin phép đạo đạt lên Ngài vài câu hỏi do cử tọa nêu ra, xuất phát từ những cuộc hội thảo nhóm hay từ cá nhân.  

Ngay từ đầu cuộc hội thảo nầy, tôi cũng đã nghĩ tới nhân dân và đất nước Tây Tạng mà Ngài đại diện và đã cam kết với Ngài sự hỗ trợ vô điều kiện đối với công cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình.  

Một trong những câu hỏi được đặt ra liên quan đến không gian linh thánh và đất thánh, tiếp theo sau những lời bình luận của Ngài liên quan đến việc hành hương. Ngài đã nhắc tới lợi ích mà Ngài đã rút tỉa từ những cuộc thăm viếng những nơi linh thánh. Câu hỏi mà tôi muốn đặt ra cho Ngài là: theo Ngài, điều gì đã làm cho một nơi trở thành linh thánh?”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma  

“Theo tôi, khởi đầu, một nơi chốn trở thành linh thánh do “quyền năng của hành giả tâm linh” sinh sống ở nơi đó. Quyền năng do những sự thực hiện tâm linh của một cá nhân đã “tích tụ năng lượng” cho nơi chốn đó một cách nào đó; đến lượt nơi chốn đó “tích tụ năng lượng” cho những cá nhân thăm viếng nơi đó.  

Rồi thì, những nơi linh thánh đó đóng một vai trò quan trọng khác, nhất là những người liên kết với cuộc sống những vị giáo chủ sáng lập những tôn giáo lớn. Khi thăm viếng những nơi đó, tín hữu của bất cứ tôn giáo nào đều có cơ hội suy tư chín chắn về mẫu gương các vị giáo chủ tốt lành đó và, như thế họ được khích lệ cũng như được tác động, nên có cơ may theo gương các ngài.”

 

Cha Laurence  

“Theo Ngài, sẽ có ích lợi cho những tín đồ các tôn giáo khác nhau cùng “đi hành hương chung” với nhau không?”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma  

“Vâng, đó chính là một dự án mà tôi đang triển khai. Tôi chắc rằng sự thực hành đó sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn.”

 

Cha Laurence  

“Một câu hỏi khác có lẽ liên hệ đến những Kitô hữu và Phật tử thuộc những truyền thống khác - không phải Tây Tạng - khi họ nhạy cảm với những nhu cầu của đất nước Tây Tạng mà sự lạnh nhạt của Tây phương thật là một gương xấu. Làm thế nào, bằng một phương tiện tâm linh hay bất cứ phương tiện nào khác, Ngài có thể gợi ý để những Kitô hữu cũng như Phật tử và những tín đồ các tôn giáo khác có thể hỗ trợ Ngài và nhân dân Tây Tạng?”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma  

“Câu hỏi nầy liên quan đến “sự tự do của đất nước Tây Tạng”. Điều nầy đã nối kết một cách mật thiết với sự tự do nói chung và trong thực tế, cũng chính là sự sống còn của nền “linh đạo thuộc đất nước Tây Tạng” nói riêng. Vì vậy, điều đó chắc chắn không thể không mang lại những hậu quả tốt đẹp đối với thế giới nói chung.  

Nền linh đạo xa xưa của xứ Tây Tạng là một sự thành bại đáng kể. Nếu linh đạo đó sống còn sau bao thử thách thì không những người dân Tây Tạng được hưởng lợi ích mà còn đóng góp lớn lao cho sự an sinh của dân tộc Trung Hoa nữa. Trong ý nghĩa đó, thiết tưởng những hành giả và những tổ chức các tôn giáo khác - tất cả những ai mà linh đạo có một giá trị và ý nghĩa - phải đóng một vai trò đặc biệt bằng cách hỗ trợ cho lý do chính đáng của chúng tôi.”

 

Cha Laurence  

“Đối với một số lớn chúng tôi ở đây, việc Ngài hành thiền mỗi ngày trực tiếp khuyến khích chúng tôi theo gương Ngài để tiến tới trên con đường “bi trí dũng” và đồng thời giúp chúng tôi phục vụ một cách quảng đại quốc gia Tây Tạng. Tất cả chúng tôi sẽ được khích lệ và phong phú hơn lên nếu Ngài có thể ban tặng cho chúng tôi những lời khuyến khích và chỉ bảo về phương thức kiên trì trong con đường chiêm niệm hằng ngày.  

Nhiều người sinh sống ở thành thị phải đương đầu với những khó khăn của cuộc sống hiện tại và trải qua những khó khăn lớn lao khi ngồi thiền hay chiêm niệm. Chính vì thế, Cộng Đồng Chiêm Niệm Kitô Giáo đã được thành lập để giúp đỡ họ. Nhưng thường rất khó khăn để chiêm niệm, đối với những người không sống trong tu viện - và đôi khi cũng khó khăn đối với cả những người sống trong tu viện nữa!  

Xin Ngài ban bố cho chúng tôi đôi lời khuyến khích và đưa ra một cái nhìn sáng suốt về điều chúng tôi phải triển khai để kiên trì đào sâu việc “chiêm niệm mỗi ngày” của chúng tôi.”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma  

“Nếu một người được tác động bởi sự hứng thú thật sự về phát triển tâm linh thì người đó không thể bỏ qua việc chiêm niệm được. Đó là chìa khóa! Chỉ cầu nguyện mà thôi sẽ không phát sinh sự biến đổi đời sống nội tâm được. Phương pháp duy nhất để tiến tới trên hành trình tâm linh là phải cố gắng liên tục trong con đường chiêm niệm!  

Dĩ nhiên lúc ban đầu, không dễ dàng đâu. Người ta sẽ cảm thấy nhiều khó khăn hay giảm bớt lòng hăng say. Hoặc có thể ngược lại, một sự hăng say thái quá và sau đó vài tuần lễ hay vài tháng sẽ bắt đầu xuống dốc. Phải triển khai một bước tiến đều đặn, kiên trì, căn cứ trên một sự cam kết có tính cách dài hạn.”

 

Cha Laurence  

“Có những phương pháp nào để giúp chúng ta kiên trì khi bị nản chí?”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma  

“Phải luôn luôn suy nghĩ và cân nhắc mặt phải mặt trái của việc chiêm niệm hay không chiêm niệm. Một mặt phải đo lường lợi ích, giá trị và hiệu năng của sự chiêm niệm và mặt khác những hậu quả tiêu cực của việc bỏ chiêm niệm. Khi mãi mãi cân nhắc hai khía cạnh đó, người ta sẽ củng cố sự hăng say chiêm niệm.  

Quả địa cầu chúng ta có hơn năm tỷ người. Đại khái chia làm ba hạng người. Một hạng gồm những người có niềm tin và thực hành đời sống nội tâm. Một hạng khác gồm những người không những không có niềm tin mà còn chống đối tôn giáo nữa. Và sau cùng là hạng người tuy không thực hành đạo giáo, nhưng không có sự chống đối đặc biệt nào đối với tôn giáo. Họ ở trong một trạng thái dửng dưng.  

Tuy nhiên ba hạng người đó đều giống nhau: tất cả đều được tác động bởi bản năng và lòng ước muốn tự nhiên được “sống hạnh phúc” và vượt thắng sự đau khổ.  

Khi so sánh, tín hữu hay người thực hành đạo giáo không thuộc hạng người thứ ba - hạng người tuy không thực hành nhưng cũng không chống đối. Họ cũng không được liệt kê vào hạng người thứ hai, tức những kẻ chống đối tôn giáo - những người chẳng những không tin tưởng mà còn nghĩ ngợi tôn giáo là vô ích và dối trá. Vậy các bạn thử so sánh đời sống các người tín hữu thực hành đạo giáo - các người ở hạng thứ nhất - với hai hạng người kia và các bạn sẽ thấy cuộc sống nào minh chứng sự hài hòa tuyệt hảo và hạnh phúc tối đa.  

Xét về vài khía cạnh, đứng trên bất cứ bình diện nào, những ai làm hết mọi cách để đạt tới cùng đích, dĩ nhiên sẽ cho người khác cảm tưởng là họ thành công lớn lao nhất. Nhưng về lâu về dài, người ta phải xét đoán sự thành công của một cuộc sống bằng chính phẩm chất của cuộc sống đó được biểu lộ qua sự “an bình nội tâm” của chính họ. Một cuộc sống thiếu chiều kích nội tâm thông thường vắng bóng sự an bình nội tại.  

Hãy xem những vị lãnh đạo các nước Cộng Sản như Trung Quốc chẳng hạn. Hiển nhiên, những vị lãnh đạo đó cũng muốn đạt được hạnh phúc như chúng ta! Nhưng họ đã thực thi một phương thức khiến họ tin tưởng tôn giáo là một thứ độc dược.  

Hạng người thứ nhất đề cập trên đây cũng muốn truy tầm hạnh phúc nhưng bằng phương thức tôn giáo. Ở đây, chúng ta gặp được những người “thực hành chân chính”, chứ không phải những kẻ bằng lòng nói rằng mình tin và thực hành một tôn giáo nhưng đạo giáo của họ không có chút ảnh hưởng quan trọng nào trên cuộc sống họ.  

Nếu chúng ta quan sát hạng người nầy, chúng ta nhận thấy mà không chút nghi ngờ là đời sống của những hành giả chân chính đó biểu lộ nhiều hạnh phúc hơn, nhiều an bình hơn. Và ngay ở trong xã hội nói chung, tôi chắc chắn người ta sẽ dành nhiều sự tôn trọng và tín nhiệm đối với những người đó.  

Khi xem xét những sự kiện dưới một góc độ nào đó, quí bạn sẽ thấy sự hội nhập tôn giáo và một hình thức linh đạo nào đó vào trong cuộc sống các bạn thì hữu ích biết bao. Các bạn tự so sánh mình với người khác để củng cố niềm xác tín của mình. 

Thỉnh thoảng cũng nên đối chiếu những kinh nghiệm của mình với những kinh sách. Nhờ đó, một cách tuần tự và tiệm tiến, quí bạn sẽ nhận thấy giá trị sâu xa của linh đạo. Niềm xác tín của các bạn càng lớn lao bao nhiêu, các bạn càng cảm thấy sự hăng say và sức mạnh của các bạn càng rộng lớn bấy nhiêu để tiến lên.

Điều đó phải xảy ra như thế. Nhưng bất hạnh thay, trong thực tế, chúng ta nhận thấy điều ngược lại. Vì nếu quí bạn có một điều ao ước cực mạnh để đạt được điều gì, tự nhiên những sự cố gắng của các bạn cũng lớn lao như vậy.  

Hãy lấy thí dụ những chính trị gia cương quyết để được đắc cử trong một cuộc bỏ phiếu: người ta thường có cảm tưởng họ dồn hết mọi nỗ lực để đạt tới mục đích. Họ đi vận động tranh cử, dừng lại hầu hết mọi nơi. Trong chiến dịch tranh cử, quí bạn trông họ già thấy rõ! Đó là cách mà họ đã tận dụng hết mọi năng lực của họ.  

Người ta cũng tìm thấy một sự cương quyết như vậy ở nơi nhiều nhà kinh doanh mà mục đích duy nhất là kiếm thật nhiều tiền, thu hoạch thật nhiều lợi nhuận. Họ ao ước một cách hăng say cho đến nỗi họ hy sinh tất cả để đạt được mục tiêu.  

Đối với hành giả tâm linh cũng vậy. Nhưng xem ra không thấy có bao nhiêu hành giả hăng say cố gắng như thế! Điều tôi muốn nói là quí bạn càng nhận thấy mục đích mà mình ao ước một cách rõ rệt, quí bạn càng nỗ lực dấn thân để đạt cho kỳ được và trên tiến trình như thế, động cơ của quí bạn sẽ thúc đẩy quí bạn nhiều hơn.  

Từ bước khởi đầu, tuyệt đối phải hiểu rằng sự phát triển tâm linh không dễ dàng đâu: phải có thời gian. Nếu lúc bắt đầu, người ta hy vọng một sự thay đổi quá nhanh từ gốc rễ, đó là dấu hiệu chắc chắn một sự thất bại sẽ xảy tới! Đứng về mặt tinh thần mà nói, phải chấp nhận rằng bất cứ sự tiến bộ nào cũng cần phải có thời gian.”

 

Cha Laurence  

“Có thể ngài cho chúng tôi biết thời gian bao lâu?”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma  

“Trong ngôn ngữ Phật giáo, người ta nói tới “vô lượng kiếp”; điều đó có nghĩa là không thể tính toán được! Và khi quí bạn nghĩ tới vô lượng kiếp thì những năm tháng không nghĩa lý gì hết! Một cuộc sống vắn vỏi không là gì! Trăm năm nào có gì đâu! Khi nghĩ tới vô lượng kiếp, điều đó quả thật giúp chúng ta phát triển một sự quyết tâm mạnh mẽ! Nhưng đó không phải là điều quan trọng ở đây. Điểm thiết yếu là làm thế nào trở nên hoàn thiện ngay trong cuộc sống nầy!”

 

Cha Laurence  

“Đối với chúng tôi là Kitô hữu, chúng tôi tin tưởng Đức Thánh Linh đang tác động không những ở nơi các Kitô hữu mà còn qua toàn thể nhân loại, nhất là ở nơi những người truy tầm chân lý. Chắc hẵn nhiều người đồng ý với tôi là Đức Thánh Linh đang tác động qua cung cách mà Ngài và nhiều anh em tu sĩ và tín hữu Tây Tạng của Ngài đã và đang mang đến cho Tây phương sự minh triết của dân tộc Tây Tạng và đã tạo ra những mẫu mực từ bi hỉ xả cho dù phải trả bằng cái giá của sự khốn khổ và sự hy sinh cá nhân thật đáng kể. Theo tôi, những cuộc thăm viếng của Ngài trong đất nước nầy cũng như ở Tây phương là một quà tặng lớn lao cho người Kitô hữu chúng tôi. 

Đối với những người Tây phương đã đánh mất lòng nhiệt thành hăng say sống tâm đạo và sự quyết chí của họ để tiến tới, Ngài đã cho họ hiểu biết tôn giáo dưới một góc độ mới mẻ. Nếu có thể được, xin Ngài vui lòng giúp chúng tôi hiểu biết tại sao thế giới hiện đại - trong khi chúng ta có nhiều trò giải trí, nhiều thời giờ nhàn rỗi, sức khỏe tốt đẹp, những điều kiện sống thoải mái và những tiện nghi vật chất nhiều hơn bao giờ hết - đã đánh mất ý hướng của tôn giáo đích thực và sự thực hành tâm linh?”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma  

“Có thể trong những tu viện hay đan viện, người ta có nhiều thời giờ rảnh rỗi hơn, nhưng ở ngoài đời - nhất là ở những đô thị lớn - cuộc sống là một sự chạy đua theo một nhịp độ hấp tấp vội vã, như cái đồng hồ vậy, không bao giờ ngừng nghỉ chút nào! Thực tế, chỉ cách đây vài ngày thôi, tôi đã nói với một người thân cận của tôi là hãy xem xét kỹ cuộc sống nơi đô thị, người ta có cảm tưởng cuộc sống cá nhân phải được định nghĩa một cách thật chính xác, như một cái đinh ốc phải vặn cho vừa lỗ đinh.  

Nói tắt một lời, người ta không có một chút kiểm soát về chính cuộc sống của họ. Để sống còn, người ta phải theo mẫu mực và nhịp độ đã được đặt ra cho chính họ.”

 

Cha Laurence  

“Thưa ngài, ngài nghĩ sao về nhận xét thường nghe nói: “Tôi chiêm niệm khá, nhưng tôi không có thời giờ chiêm niệm?”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Về nhận xét đó, tôi xin kể cho quí bạn nghe một câu chuyện. Xưa có hai tu sĩ mà một người là minh sư, còn người kia là đệ tử. Ngày kia, để khích lệ đệ tử, minh sư bảo: “Con cứ tin thầy đi, một ngày nào đó, chúng ta sẽ đi pic-nic (tức đi du ngoạn).” Vài ngày qua, đệ tử không nghĩ tới nữa. Nhưng về sau, khi đệ tử nhắc lại lời hứa đó với vị minh sư, ngài trả lời quá bận nên chưa thể đi pic-nic được, phải chờ đợi một thời gian nữa.  

Một thời gian khá lâu đã trôi qua và cũng chưa bao giờ đi pic-nic cả. Đệ tử nhắc lại: “Chừng nào mình mới đi pic-nic đây thầy?” Minh sư trả lời: “Bây giờ chưa được, thầy quá bận rộn.” Nhưng một ngày kia, đệ tử thấy người ta khiêng một tử thi đi chôn, minh sư liền hỏi: “Chuyện gì xảy ra vậy?” Đệ tử nhanh nhẩu trả lời: “Dạ, người đáng thương đó đi pic-nic!”  

Nội dung của câu chuyện nầy là trong cuộc sống, chúng ta “phải dành một thời gian chuyên biệt” cho mỗi một công việc ấp ủ trong lòng, nếu không, chúng ta sẽ có nhiều công việc khác chi phối và sẽ luôn luôn bận rộn.”

 

Cha Laurence   

“Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Tôi xin phép được ngỏ đôi lời để kết thúc cuộc hội thảo; kế đó, tôi sẽ xin Sơ Eileen O'Hea diễn tả theo cung cách của Sơ lòng biết ơn của tất cả chúng tôi. Trước hết tôi muốn cám ơn ngài, tự trong thâm tâm tôi. Tôi ý thức rằng từ vài ngày qua, chúng tôi đang sống một thời điểm lịch sử. Thời điểm đó thể hiện được nhờ vào sự can đảm và một tinh thần bao dung tuyệt vời của ngài. Ngài đã tỏ ra độ lượng ban phát cho chúng tôi nhiều thời giờ quí báu trong thời khóa biểu của ngài. Và ngài còn độ lượng bằng cách thăm dò những văn bản Thánh Kinh mà ngài chưa làm quen. 

Điều đánh động tôi nhất khi nghe ngài trình bày, chính là sự “minh triết” có tính cách trực giác và tinh thần tìm kiếm “chân lý” của ngài, được đào luyện trong truyền thống Phật giáo, cho phép ngài truy tầm một cách thâm sâu và nắm bắt một cách sáng tỏ rất nhiều điều thuộc về chân lý tiềm ẩn trong Thánh Kinh chúng tôi và ngài mạc khải cho chúng tôi dưới một góc độ mới mẻ.  

Tôi cũng nhận thấy sở dĩ điều đó có thể xảy ra, bởi vì chúng tôi đã trao phó cho ngài những gì rất quý giá và rất thánh thiêng. Sự tín thác của chúng tôi đã được đáp trả gấp bội, bởi vì ngài đã triển khai những văn bản đó với một tấm lòng cung kính và một ý hướng linh thánh cùng một sự kính trọng thâm sâu. Cho phép chúng tôi được cảm tạ ngài về điều đó. 

Cách thức mà ngài đã thăm dò những văn bản Thánh Kinh của chúng tôi cùng với cộng đoàn chúng tôi, xem ra đối với mỗi một người trong chúng tôi như là một bài thực tập về “bất bạo động”. Ngài đã có thể triển khai những văn bản đó một cách hời hợt (và ngài làm điều đó một cách dễ dàng), nhưng trái lại ngài đã vận dụng tiềm năng của sự minh triết, trí thông minh và sức mạnh tâm linh của ngài, với một sự tế nhị khác thường. Đó là một bài học về bất bạo động mà chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. 

Trong khi chúng ta đi vào những văn bản khác nhau mà trưa nay được kết thúc với đoạn Phúc Âm nói về sự Phục Sinh - một điều huyền nhiệm làm nền tảng cho đức tin chúng tôi - tôi có cảm tưởng như ngài đã sử dụng một ngôn ngữ, một tư duy và những hình ảnh đã nối kết những nền văn hóa của chúng ta lại với nhau ở trong giới hạn của ngôn từ.  

Trong khi cuộc hội thảo đi đến hồi kết thúc, chúng tôi đang chuẩn bị một buổi liên hoan liên tôn giáo để đi vào những hình thức biểu lộ khác nhau bằng ca nhạc và nhảy múa cũng như tiếng hát ngõ hầu đưa dẫn chúng ta vào một chiều kích khác của chân lý. 

Như tôi đã trình bày, sự khéo léo của ngài trong việc vận dụng tư duy và ngôn từ đã đưa dẫn chúng ta đến một giới hạn. Tôi không tin rằng điều đó đã chấm dứt việc truy tầm của chúng ta. Tôi hy vọng và khẩn xin ngài, bằng cách nầy hay cách khác, vui lòng tiếp tục truy tầm tiếp theo sau cuộc hội thảo nầy. 

Tôi muốn bày tỏ lời cám ơn của tôi không những với danh nghĩa Cộng Đồng Chiêm Niệm Kitô Giáo Thế Giới, mà còn với Giáo Hội và cộng đồng tu trì Kitô giáo nữa. Tôi tin rằng cuộc hội thảo nầy chứng tỏ những truyền thống tôn giáo khác nhau có thể dấn thân vào việc “đối thoại thâm sâu” không chỉ giới hạn trong việc duyệt xét những điểm tương đồng hiển nhiên mà còn đưa ra những phương thức chung để truy tầm chân lý. Có thể chúng ta đi trên những con đường song hành, nhưng tinh thần vẫn là một. 

Với tư cách Kitô hữu, chúng tôi được khích lệ vì thấu hiểu vai trò của chúng tôi như là những người “phục dịch”. Chính Chúa Giêsu, qua PhúcÂm, đã cho thấy Ngài không phải là một vị vua chúa hay bậc thầy nhưng là một người phục dịch. Ngài đã nói: “Tôi đến giữa anh em để phục vụ anh em”.  

Trong quá khứ, nhiều đệ tử Chúa Giêsu đã quên điều đó. Nhiều Kitô hữu và chính Giáo Hội nữa đã nhiều lần qua lịch sử tìm kiếm quyền bính thế trần, chính trị hay tôn giáo trên kẻ khác, xuyên qua chủ nghĩa đế quốc và những hình thức độc tài khác.  

Đứng trên bình diện con người, chúng tôi nhận chân điều đó là tội lỗi. Nhưng ngài đã giúp đỡ chúng tôi hiểu biết bản chất của sự khiêm tốn và vai trò Kitô hữu mà chúng tôi có sẵn trong chúng tôi: đó là môn đệ Chúa Giêsu và người phục dịch. Do đó chúng tôi đã và đang dấn thân theo đuổi công việc đó để phục vụ cho sự hợp nhất các tôn giáo. 

Giờ đây, tôi xin nhường lời lại cho Sơ Eileen.”

 

Sơ Eileen 

“Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Tôi không biết phải thêm điều gì vào những lời cha Laurence đã phát biểu. Nhưng với tư cách là phát ngôn viên của nhóm hội thảo hiện diện nơi đây, tôi xin được phép nói lên rằng chúng tôi không biết phải bày tỏ như thế nào cho trọn vẹn sự biết ơn của chúng tôi. Ngài đã chia sẻ với chúng tôi sự minh triết của nền văn hóa ngài cũng như truyền thống đạo giáo của ngài theo một cung cách đã giúp chúng tôi nhận ra ở nơi ngài sự sáng suốt và sự tinh tuyền của tuệ năng.  

Khi nhận chân điều đó, chúng tôi cũng nhận biết sự khao khát riêng tư của chúng tôi đang nỗ lực để đạt tới chính những đức tính đó. Nhờ ngài, chúng tôi đã học hỏi rất nhiều, không những bằng ngôn từ, mà còn bằng sự hiện diện của ngài cũng như sự yêu thương chiếu tỏa từ ngài và xuyên qua lòng mẫn cảm của ngài nữa. Đối với tôi - cũng như đối với nhiều người ở đây - cuộc hội ngộ nầy đã biến đổi cuộc đời chúng tôi rất nhiều  

Đành rằng Thánh Kinh Kitô giáo là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Tuy nhiên, có những ngày, hình như những lời đó xem ra nhạt nhẽo, vì luôn luôn cũng chính những mẫu chuyện đó mà chúng tôi đã biết hết rồi. Nhưng chỉ một tác động nho nhỏ của Đức Thánh Linh đã hướng dẫn chúng tôi trong những giờ phút mờ tối đó. Nếu chúng tôi kiên trì, những chữ đó sẽ lấy lại sức sống và mang nhiều ý nghĩa càng lâu càng thâm sâu hơn.  

Khi nghe ngài đọc Thánh Kinh của chúng tôi, tôi nhận thấy rằng những ngôn từ của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa càng lâu càng thâm sâu hơn đối với tôi - và tôi tưởng điều đó cũng xảy ra với tất cả những người hiện diện nơi đây. Tôi lấy làm tiếc vì không được ngài chia sẻ những văn bản kinh sách của ngài cho chúng tôi, như ngài đã làm đối với những văn bản Thánh Kinh của chúng tôi vậy.  

Tôi mong muốn được ngài thấu hiểu - và nhiều người cũng đồng quan điểm với tôi - nỗi đớn đau của chúng tôi khi đối diện với những sự độc ác đang được thi hành trên quê hương và dân tộc ngài. Riêng cá nhân tôi, với tư cách là công dân Hoa-Kỳ, tôi cảm thấy hổ thẹn vì chính phủ chúng tôi đã không cương quyết giúp đỡ dân tộc ngài. Tôi xin cam đoan với ngài là tôi sẽ không im hơi lặng tiếng lâu dài nữa khi đối diện với sự kiện nầy.  

Một người trong chúng tôi đã ngỏ lời là chúng tôi đã tham dự một bữa yến tiệc và chúng tôi đã được no nê để sống. Tôi tưởng rằng tất cả chúng tôi sẽ sống thiện hảo hơn sau khi tiếp xúc với ngài. Tôi không biết chúng ta còn có cơ hội gặp nhau nữa không, hoặc giả tôi sẽ có đặc ân được gần gũi ngài như trong những ngày nầy hay không.  

Nhưng tôi chắc chắn rằng, chúng ta sẽ gặp gỡ nhau qua sự “cầu nguyện và chiêm niệm” và chúng ta sẽ hội tụ với nhau trong những giờ phút thiêng liêng đó. Về mặt thể lý, chúng ta có thể chia lìa ở đây, nhưng qua kinh nghiệm nầy, chúng ta sẽ luôn luôn hội ngộ với nhau ở nơi sự tương giao giữa các ý thức 

Và như vậy, thưa ngài, chúng tôi cảm tạ ngài một cách thâm sâu vì đã hiện diện nơi đây. Tôi xin dâng lên ngài những lời nguyện cầu của chúng tôi để ngài được hạnh phúc, cùng bày tỏ lòng tri ân và những lời cầu chúc tốt đẹp nhất của chúng tôi đối với mọi dự án của ngài.  

Để kết thúc, tôi xin trích dẫn câu nói của cha Thomas Merton: “Ở trong sâu thẳm của mỗi người chúng ta, có một nơi chỉ toàn ánh sáng, một nơi mà tội lỗi không thể làm hoen ố được”. Tôi xin cám ơn ngài đã cho phép chúng tôi, qua cuộc hội ngộ nầy, được thấy nơi thuần túy ánh sáng đó ở chính nơi Ngài.”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Tôi xin được biểu lộ nỗi vui mầng của chúng tôi khi có cơ hội chia sẻ thời gian rất quý báu nầy với quý bạn. Tình bạn nối kết tôi với cha Laurence đã lớn lên qua những ngày nầy. Tôi cũng xin lợi dụng cơ hội nầy để bày tỏ sự biết ơn sâu xa của tôi về mọi ưu tư, những mối thiện cảm cũng như sự hỗ trợ đối với việc làm của tôi cũng như đối với đất nước và dân tộc tôi, qua cha Laurence. Những tâm tình của cha phát xuất từ một con tim rộng mở, không chút che dấu. Những tâm tình đó đã tràn ngập tâm hồn tôi vừa vui vừa buồn. Xin đa tạ. 

Tôi cũng muốn tỏ bày sự biết ơn sâu xa của tôi đối với tất cả quý bạn đã tham dự những buổi thuyết trình và thảo luận nầy. Mặc dù những điều tôi trình bày rất “sơ lược” và có phần “ứng khẩu”, tôi nhận thấy mọi người đã lưu tâm và chăm chú nghe. Điều đó đã làm tôi xúc động rất nhiều.  

Vì thế, cho dù quý bạn rút tỉa được một chút lợi ích về điều tôi trình bày trong những ngày nầy hay qua việc quý bạn tham dự cuộc hội thảo nầy mà thôi, tôi cũng lấy làm mãn nguyện rồi. Với tất cả quý bạn, tôi tha thiết kêu gọi: xin quý bạn cố gắng làm cho đời sống quý báu của quý bạn càng nhiều ý nghĩa hơn càng tốt.” 

(HẾT)



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!