Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Văn Thành
Mục Lục

Chương I : Cuộc-đời muôn màu muôn sắc

Chương II : Chiếc cầu tre lắc lẻo

Chương III : "Tin là Yêu"

Chương IV : Con đường Đức-tin diệu vợi

Chương V : Ánh-sáng đến trong thế-gian

Chương VI : Trời mới - Đất mới

Chương VII : "Tấm và Cám" trong nội tâm của Chúng ta

Chương VIII : Đức Kitô trở lại trong vinh quang

Chương IX : Chuyển hoá môi trường

Chương X : Mầu-nhiệm Thánh-giá

Chương XI : Rao giảng Tin-mừng

Chương XII : Hướng đến một nền Thần học Việt Nam

Chương XIII : "Anh em hãy vui luôn..."

Chương XIV : "Đức Kitô là tất cả"

Chương XV : Trong Đức Kitô

Chương XVI : Thiên Chúa làm "Bụi đất"

Chương XVII : "Xin đừng sợ"

Chương XVIII : Hỡi Tín-hữu, ngươi ta ai?

Chương XIX : Đức-tin và Văn-hoá

Chương XX : Thay lời kết - Hãy trao cho nhau một tấm lòng...

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !

Lòng Tự Tin - Hành trang cho ngàn năm thứ ba

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải

Bản câu hỏi về tính tình

Phát Huy Quan Hệ Xã Hội Trong Vấn Đề Giáo Dục Trẻ Em Tự Kỷ

Trong Đức Kitô

Nguy cơ Tự Kỷ (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ

Quan hệ mẹ con : Bài học đầu tiên của cuộc sống

Phương Pháp Tâm Vận Động

Trẻ Em Chậm Phát Triển

Đồng Cảm Để Đồng Hành

Lắng Nghe Chúa Thánh Thần

Đối Thoại Một quê hương Tình Người

Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt

Con Đường Bao Dung

Huyền Sử Việt Nam

Tư Duy và Hành Động

Trong Đức Kitô
Chương XVIII : Hỡi Tín-hữu, ngươi ta ai?

(Thư gửi tín hữu Rô-ma)

  

   Năm Đại Hồng-ân 2000 là cơ hội rất thuận tiện để chúng ta tuyên xưng lại một cách long trọng Đức-tin của chúng ta.

   • Chúng ta tin vào ai?

   • Chúng ta tin điều gì?

   • Tin như vậy để làm gì? Mục đích tối hậu của Đức-tin là gì? Chúng ta theo đuổi những giá trị cơ bản nào?

   • Đức-tin mang đến cho chúng ta những khả năng nào?

   • Khi sống Đức-tin, chúng ta làm gì, cần có những tác phong nào?

   • Chúng ta tuyên xưng Đức-tin trong những cơ hội nào? Trước mặt ai? Trên những địa bàn hoạt động thế nào?

   Trả lời được bao nhiêu câu hỏi ấy một cách rành mạch, thông suốt, một đàng chúng ta sẽ đánh sáng bản sắc của chúng ta bằng cách xác định nguồn gốc và đích điểm của chúng ta trong đời sống Đức-tin. Đàng khác càng hiểu rõ về căn cước đích thực của mình, chúng ta sẽ không còn úp úp mở mở, tiến thoái lưỡng nan, trong sứ mệnh rao truyền Đức-tin hay là làm chứng về Tin-mừng của Đức Kitô. Cũng vậy, khi đối thoại với các anh chị em thuộc các tôn giáo bạn, hay là thuộc các cộng đoàn khác, trong chiều hướng đại kết, chúng ta có những ý thức rõ rệt "mình là ai" và mình "đang ở đâu" trên tiến trình đồng hành và chia sẻ. Đặc biệt hơn tất cả, khi chúng ta nắm vững về bến bờ sẽ đạt tới, chúng ta sẽ có khả năng sáng tạo con đường vượt trùng dương, mặc dù đang ở giữa vùng bão táp, sóng gió...

   Theo quan điểm của Thi sĩ Goethe, khi chúng ta hành xử với một người đúng như tình trạng hiện hữu của họ, suốt đời họ sẽ hiện hữu y nguyên như cũ không xê dịch. Trái lại khi chúng ta cư xử với họ đúng như lý tưởng họ cần vươn tới và thu đạt, mai ngày họ sẽ dần dần trở thành một người với những chiều kích lớn lao, mà họ có thể và có bổn phận cưu mang, trong bản thân và cuộc đời. Cũng vì lý do nầy, khi một con thuyền trôi dạt bấp bênh không có định hướng rõ ràng, sẽ không có một cơn gió nào thuận lợi thực sự cho nó. Không có một bến bờ nào đang đón chờ nó cả. Trái lại, khi ý hướng của cuộc hành trình đã được cưu mang, mọi chân trời có thể trở thành đường đi. Mọi con nước là lời gọi lên đường.

   Thánh Phao-lô, với lá thư gửi tín hữu Rô-ma, đã định hướng Đức-tin của mình, để giới thiệu mình cho cộng đoàn mà Ngài có ý định thăm viếng, trên tuyến đường truyền giáo cho những vùng đất ngoại biên như Tây-ba-nha... Thêm vào đó, Ngài cũng nêu lên những chuẩn mực rõ ràng cho đời sống Đức-tin vào Đức Kitô. Dựa vào những nền tảng nầy , người tín hữu có khả năng "dẫn dắt kẻ mù loà, làm ánh sáng cho kẻ ở trong bóng tối, làm nhà giáo dục cho kẻ u mê, làm thầy dạy cho người non dại..." 63.

 

***

   Bản sắc của người tín hữu bao gồm năm đặc điểm chủ yếu sau đây:

    1- Thiên Chúa Ngôi Cha là nguồn gốc ban phát mọi hồng phúc và ân sủng, trên trời và dưới đất, từ nguyên thuỷ cho tới ngày hôm nay.

   Nhờ Ngài, mọi người được tạo thành.

   Cũng nhờ kế hoạch tình thương và tha thứ vô điều kiện mà Ngài cưu mang ấp ủ, từ trước muôn đời, Tin-mưng Cứu-độ đã được thể hiện trong con người của Đức Kitô, cho tất cả mọi người đã, đang và sẽ có mặt trên thế giới nầy, thuộc dòng máu của A-dong và E-và, hai nguyên tổ của loài người.

  

***

   2- Đức Kitô là Tin-mừng duy nhất của Ngôi Cha ban cho Nhân-loại.

   Nhờ tin vào Đức Kitô, chúng ta được cứu độ, nghĩa là được Ngài giải thoát khỏi mọi gông cùm của tội lỗi và sống cuộc sống mới như ngài.

   Đức-tin ấy là hồng ân vô điều kiện phát xuất từ ý định yêu thương và tha thứ của Ngôi Cha.

   Trong hai bức thư gửi tín hữu Rô-ma va Ga-lát, Thánh Phao-lô thường nhắc đi, nhắc lại, để cho chhúng ta ý thức một cách sáng suốt rằng: Ân sủng cứu độ do Thiên Chúa trao ban "dưng không"; không tùy thuộc vào công đức, công trạng hoặc nghiệp quả do con người làm nên.

   Đến thời kỳ viên mãn, sau khi đã chuẩn bị bằng nhiều cách khác nhau, từ đời tổ phụ A-bra-ham, xuyên qua các tiên tri, Lời-hứa Tha-thứ của Ngôi Cha đã được mặc khải, nghĩa là thành xương thành thịt, nhập thể làm người, sinh ra giữa lòng nhân loại 64.

   Tin vào Đức Kitô có nghĩa là lắng nghe, đón nhận Lời Tha-thứ của Ngôi Cha.

   Sống Đức-tin vào Ngài còn có nghĩa là thực hiện, thể hiện, biến thành xương da máu thịt của chúng ta, chính Tin-mừng của Ngôi Cha, là Đức Kitô: Đóng đinh vào Thánh-giá con người tội lỗi của chúng ta, để có thể sống lại với Ngài. Trở thành con người mới như Ngài. "Đồng hình đồng dạng với Ngài" trong lối nhìn cũng như trong mọi cảm nhận. Trong hành động cũng như trong ngôn ngữ. Trong mọi tiếp xúc trao đổi cũng như khi bị thử thách khổ đau... trên đấu trường của cuộc đời 65.

   Để diễn tả quan hệ giữa Đức Kitô và người tín hữu, Thánh Phao-lô đã dùng một lối nói của Toà-án và Pháp-luật thuộc thời đại của Ngài, khi Ngài phân biệt: Đức Kitô là "người công chính" do căn tính và bản sắc của mình. Người tín hữu, trái lại, là người được trở nên công chính, được "công chính hoá" nhờ sống Đức-tin vào Đức Kitô 66. Hẳn thực khi toà án tuyên bố ai là người công chính, người ấy được "trắng án", vô tội trước mặt pháp luật, không còn bị tố cáo và trừng phạt. Duy một minh Đức Kitô là người thực sự công chính trước mặt Ngôi Cha.

   Nhờ Đức-tin vào Đức Kitô, người tín hữu trở thành "vô tội", trước nhan thánh của Thiên Chúa. Đức Kitô đã đổ máu và chịu án tử hình, để mỗi người trong chúng ta có những thành quả ấy.

   Tuy nhiên, Đức Kitô chỉ cần chết một lần, để toàn thể nhân loại có khả năng nhận lãnh hồng ân cứu độ. Trái lại, người tín hữu , bao lâu còn sống là còn ở trên một tiến trình, ngày ngày thánh hoá bản thân mình. Ngày ngày mặc lấy con người của Đức Kitô. Tiến trình nầy chỉ kết thúc, khi chúng ta được trở về trong cung lòng đại dương của Ngôi Cha, tham dự vào chính sự sống tròn đầy và viên mãn của Ngài. Tiến trình ấy còn được gọi là con đường Thánh hoá, con đường trở nên giống như Đức Kitô. Sống cuộc sống của Ngài. Mặc lấy Ngài.

  

*** 

   3- Chúa Thánh Thần hưống dẫn

   Trong cuộc sống làm người, từ lúc được cưu mang, sinh ra cho đến khi được sống lại và về trời, nhất cử, nhất động Đức Kitô được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, soi sáng, nâng đỡ và đùm bọc. Theo ngôn ngữ của Thánh Phao-lô, Ngài "thấm nhuần và tràn đầy Chúa Thánh Thần", để thực hiện từng chi tiết Kế-hoạch Cứu-độ, do Ngôi Cha thiết định, từ trước khi tạo thành vũ trụ.

   Chúa Thánh Thần đã làm việc thế nào cho Đức Kitô, thì cũng một Chúa Thánh Thần ấy đang hoạt động trong mỗi người tín hữu, từ khi họ nhận lãnh Bí-tích Rửa-tội.

   Chúng ta chỉ cần thưa với Ngài hai tiếng "Xin-vâng" giống như Mẹ Maria, tức thì Ngài sẽ làm cho Đức Kitô lớn lên trong xương da máu thịt của chúng ta. Chúng ta trở nên một Đức Kitô thứ hai. Giống như Ngài, chúng ta có khả năng gọi Thiên Chúa: "Áp-ba! Cha ơi!" 67. Nói cách khác, chúng ta là con cái tự do. Chúng ta có quyền thừa kế vinh quang của Nước Trời giống như Đức Kitô.

   Bao lâu chúng ta chưa tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần, giống như con người mới đầu mùa, là Đức Kitô và Mẹ Maria, giữa cái muốn và cái làm, vẫn còn nhiều tranh chấp và xung đột trong nội tâm của chúng ta:

    "Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm" 68.

   Theo cách giải thích của Thánh Phao-lô, sỡ dĩ còn có những hiện tượng xung đột nội tâm như vậy, là vì "tội vẫn còn nằm vùng, bám chặt, trong con người của chúng ta" 69. Chúng ta chưa hoàn toàn "thuộc về Đức Kitô" chưa hoàn toàn "nên một" với Ngài 70.

   Thay vì ém nhẹm, che dấu, làm ra vẻ ta đây, gồng mình một cách giả tạo, chúng ta thú nhận với Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ "cầu thay nguyện giúp chúng ta" . 71 Và chỗ nào tội lỗi được thành tâm thú nhận, cho dù có tràn lan lây lất đến đâu, hồng ân cứu độ đã tuôn trào lai láng, từ cạnh sườn của Đức Kitô.

   "Thật vậy, nếu vì một người duy nhất (là A-dong) đã sa ngã, mà muôn người phải chết; thì ân sủng của Thiên Chúa ban, nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người" 72.

 

***  

   4- Hội Thánh của Đức Kitô

   Cuộc sống làm người của Đức Kitô chỉ kéo dài chung quanh 30 năm. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ được Ngôi Cha giao phó, Ngài đã về trời. Điều ấy có lợi cho chúng ta. Một đàng Ngài không còn bị hạn chế trong những điều kiện thời và không gian thuộc thân phận làm người. Thứ hai Ngài vẫn hiện diện, giữa chúng ta, trong lòng Hội-thánh bằng nhiều cách khác nhau: bằng bí tích Thánh-thể, bằng cuộc sống làm chứng nhân của mỗi tín hữu và bằng sứ mệnh rao giảng Tin-mừng của Hội-thánh nhằm tiếp nối Kế-hoạch của Ngôi Cha, cho đến giai đoạn kết thúc, hoàn thành viên mãn.

    Không sống và ý thức mình thuộc về Hội-thánh, là một chi thể của Hội-thánh người tín hữu sẽ bị thui chột, bán thân bất toại, xét về mặt bản sắc của mình.

   Hẳn thực, sống Đức-tin vào Đức Kitô, theo giáo lý của Thánh Phao-lô là "ở trong Ngài", "bám chặt" vào Ngài. "Bén rễ sâu" vào cuộc sống của Ngài. Làm sao ở trong Ngài mà không ý thức mình "thuôc về" Hội-thánh là Thân-thể Nhiêm-mầu của Đức Kitô? Hội-thánh của Đức Kitô cũng là môi trường hoạt động duy nhất của Chúa Thánh-thần.

   Nói về Hội-thánh, rất nhiều người ở trong lòng cũng như ở ngoài Hội-thánh thường bỏ quên một trong hai yếu tố "mầu nhiệm" và "Chúa Thánh-thần". Cho nên, rất nhiều ngộ nhận đã xảy ra nhiều nơi, trong bao nhiêu lời tuyên bố và phát biểu.

   Cũng như Đức Kitô là "hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình", Hội-thánh luôn luôn bao gồm hai chiều kích hữu hình và vô hình 73. Môi trường hoạt động là một cái gì thấy được, nghe được, nắm bắt được. Nhưng Chúa Thánh Thần thì vô lượng, vô biên. Như Ngọn-gió, Ngài muốn thổi từ đâu, theo hương nào... tùy thánh ý của Ngài. Ai có quyền cho phép Ngài ở đây và quả quyết rằng Ngài vắng mặt ở bên kia. Duy "vị quan toà thẩm tra (l'Inquisiteur) của văn hào F.M. Dostoievski mới có khả năng chỉ huy và đàn áp Chúa Thánh Thần như vậy. Cũng trong chiều hướng nầy "Mẹ Hội-thánh tinh tuyền, vô nhiễm và Thánh-thiện" không hoàn toàn trùng hợp với Hội-thánh cơ cấu "bao gồm nhiều tội nhân", như Hồng-y C. Journet, ở Fribourg đã nhiều lần đề cập trong các tác phẩm về Hội-thánh. Nói khác đi, Hội-thánh với tư cách là Thân-thể Mầu-nhiệm luôn gắn bó với Đầu là Đức Kitô. Cả hai đều được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, soi sáng và tác động. Trong Hội-thánh cơ cấu, hữu hình, trái lại, "tội vẫn còn có mặt" . 74 Chính vì lý do nầy, Giáo-chủ Gio-an Phao-lô II, không ngần ngại, nhân danh Hội-thánh, đấm ngực sám hối về những tội lỗi đã và đang có mặt trong Hội-thánh.

   Cũng vậy, trong tinh thần và ý hướng đại kết, khi hai ba người họp nhau lại, cầu nguyện với nhau, đi với nhau, trao đổi với nhau về những gì mình đang sống - chưa hẳn là cùng nhau tuyên xưng một Đức-tin - Chúa Thánh-thần đã có mặt. Ngài đang cầu nguyện "bằng những tiếng rên siếc khôn tả. Và Thiên Chúa Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần-khí muốn nói gì..."75. Và chính Đức KItô Phục-sinh cũng đang đồng hành với họ, y hệt trên con đường về làng E-mau 76. Nói tóm lại, ở đâu con người bắt đầu làm người với nhau, cùng nhau chia sẻ "những ưu tư và hy vọng" của cuộc sống làm người 77 thì chính chỗ ấy, "Semen Verbi", chủng tử của Ngôi Lời đã bắt đầu rơi xuống trên mãnh đất màu mỡ. Một hạt sẽ sinh ra trăm hạt.

   Trước khi rao giảng Tin-mừng Thương-yêu và Tha-thứ của Ngôi Cha lúc lên 30 tuổi, Đức Kitô phải sinh ra làm người. Đó là một qui luật tất yếu. Ngài đã phải học làm người với Mẹ Maria và Thánh Giuse. Đức Kitô - Ngôi lời làm Người - là Tin-mừng.

   Cũng vậy, trước khi làm Tín-hữu, chúng ta hãy làm người với những con người nghèo đói, bị hà hiếp, bóc lột, vô gia cư. Đó là Tin-mừng cần được sống và rao truyền.

    Từ ngày Thiên Chúa nhập thể, "làm người" là Tin-mừng.

    Từ ngày Thiên Chúa có hộ khẩu ở giữa xóm nghèo Na-da-rét, "nghèo" là Tin-mừng!

    Từ ngày Thiên Chúa bị đánh đập, vác Thánh giá, "khổ đau" là Tin-mừng.

    Từ ngày Thiên Chúa bị đóng đinh, sát hại, "chết" là Tin-mừng.

    Từ ngày Đức Kitô sống lại, quyền làm người là quyền bất tử, bất diệt. Quyền ấy là Tin-mừng.

    Dưới ánh sáng của Mầu-nhiệm Thiên Chúa Nhập-thể, "sinh, lão, bệnh, tử" đã trở thành Tin-mừng với Đức Kitô và nhờ Đức Kitô. Chỗ nào có Đức Kitô làm trung gian, Nước biến thành Rượu!

    Trên con đường khổ đau, nếu chúng ta cùng đi với Đức Kitô, khổ đau là con đường dẫn tới Hồng-ân Sống-lại.

  

***

   5- Bản sắc của người Kitô hữu

   Trước khi nhận Bí-tích Rửa-tội, làm Tín-hữu, chúng ta đã sinh ra làm người. Bản sắc đầu tiên ấy không bị xóa nhoà, tiêu hủy. Trái lại, Đức-tin vào Đức Kitô làm cho bản sắc ấy vươn tới mọi chiều kích viên mãn.

   Nếu bản sắc của Hội-thánh là "truyền-giáo", sứ mệnh ấy bắt đầu bằng Tin-mừng "làm người" của Thiên Chúa.

   Thiên Chúa khởi đầu kế hoạch cứu độ, bằng giai đoạn làm người thực sự, trọn vẹn. Và khi trở về trong cung lòng Ngôi Cha, Đức Kitô vẫn còn làm người, mang trên thân xác mình năm vết tích khổ nạn đã được sống lại 78.

   Và trong suốt thời gian bôn ba xuôi ngược rao giảng Tin-mừng, chỗ nào Đức Kitô đi qua, chỗ ấy những vết tích lở lói, rướm máu thuộc bốn diện "sinh, bệnh, lão, tử" đều được Ngài dừng lại đoái nhìn, băng bó, chữa lành. Người mù được thấy. Người bại liệt đứng dậy mà đi. Người phung hủi được lau sạch. Người chết được sống lại. Một cách đặc biệt người nghèo được loan báo Tin-mưng 79.

   Hơn bao giờ hết, để khởi đầu ngàn năm thứ ba, Hội-thánh khắp năm châu bừng tỉnh, mở mắt, nhận thức rằng cánh đồng truyền giáo nằm ngay trong cung lòng của Hội-thánh.

   Trước khi truyền giáo, hay nói cho chính xác hơn, để truyền giáo, nguời tín hữu hãy truyền tâm. Tâm đây là tấm lòng, là quả tim. Tâm là Chúa Thánh Thần: một trái tim tràn đầy thương yêu, an bình và tha thứ.

   Chúa Thánh Thần cũng là một tấm lòng để lắng nghe, chia sẻ, coi trọng chính mình và tôn vinh "chất người" trong mọi người, từ những anh chị em nghèo hèn, yếu kém, thấp cổ bé miệng, bị đàn áp bóc lột, sống dưới chế độ nào cũng không có tiếng nói vì không theo phe nào cả. Bị cả hai bên đóng đinh vào Thánh-giá.

   Bao lâu chưa "truyền tâm", truyền giáo chỉ vọng động, quảng cáo, tuyên truyền.

   Ý thức đến bản sắc truyền giáo, hơn bao giờ hết, Hội-thánh từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam hãy học lại một lối nhìn. Hãy nghe lại với vành tai xôn xao. Hãy sinh ra giữa lòng nhân loại, làm một em bé mong manh, chưa biết đi, chưa biết nói, cần hơi ấm của một tấm lòng. Chưng nào Hội-thánh biết ngửa tay xin, biết nhận, nghĩa là ý thức đến những nhu cầu làm người... Hội-thánh mới có khả năng đồng hành, chia sẻ. Thay vì ban phát, dạy dỗ, từ trên rót xuống! Gửi đi vòng quanh những chỉ thị. Mà không bao giờ ra tay vào làm.

  

***

      Hỡi Em Thê-ô-phi-lô Ái-thiên thân mến, hỡi người em Tín-hữu đáng quí trọng!

   Em mang trong mình dòng máu của Ngôn sứ. Công việc em là phục vụ Ngôi Lời nhập thể như Giê-rê-mi-a.

    Hãy can đảm nói "để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng 80.

   Nhiều người tiên tri giả sẽ dọa em "rối đạo, lạc đạo". Họ sẵn sàng chụp lên đầu em bao nhiêu nhãn hiệu "chó dại", để có lý do "giết chó dại".

   Lời của Em là Lời Yêu-thương, Thứ-tha và Hoà-bình.

   Em mang trong mình tấm lòng Đại-dương của Thiên Chúa.

   Vậy em hãy đứng lên, sỡ hữu hoá danh hiệu "Tôi đây" (ego eimi) của Thiên Chúa, sẵn sàng "chịu tra khảo, sát hại" để sống lại ngày thứ ba!



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!