Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Văn Thành
Mục Lục

Chương I : Cuộc-đời muôn màu muôn sắc

Chương II : Chiếc cầu tre lắc lẻo

Chương III : "Tin là Yêu"

Chương IV : Con đường Đức-tin diệu vợi

Chương V : Ánh-sáng đến trong thế-gian

Chương VI : Trời mới - Đất mới

Chương VII : "Tấm và Cám" trong nội tâm của Chúng ta

Chương VIII : Đức Kitô trở lại trong vinh quang

Chương IX : Chuyển hoá môi trường

Chương X : Mầu-nhiệm Thánh-giá

Chương XI : Rao giảng Tin-mừng

Chương XII : Hướng đến một nền Thần học Việt Nam

Chương XIII : "Anh em hãy vui luôn..."

Chương XIV : "Đức Kitô là tất cả"

Chương XV : Trong Đức Kitô

Chương XVI : Thiên Chúa làm "Bụi đất"

Chương XVII : "Xin đừng sợ"

Chương XVIII : Hỡi Tín-hữu, ngươi ta ai?

Chương XIX : Đức-tin và Văn-hoá

Chương XX : Thay lời kết - Hãy trao cho nhau một tấm lòng...

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !

Lòng Tự Tin - Hành trang cho ngàn năm thứ ba

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải

Bản câu hỏi về tính tình

Phát Huy Quan Hệ Xã Hội Trong Vấn Đề Giáo Dục Trẻ Em Tự Kỷ

Trong Đức Kitô

Nguy cơ Tự Kỷ (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ

Quan hệ mẹ con : Bài học đầu tiên của cuộc sống

Phương Pháp Tâm Vận Động

Trẻ Em Chậm Phát Triển

Đồng Cảm Để Đồng Hành

Lắng Nghe Chúa Thánh Thần

Đối Thoại Một quê hương Tình Người

Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt

Con Đường Bao Dung

Huyền Sử Việt Nam

Tư Duy và Hành Động

Trong Đức Kitô
Chương XVII : "Xin đừng sợ"

(Lc. 1, 30)

  

Mỗi lần có dịp tiếp xúc với thế giới thánh thiêng, phàm là người, ăi ai cũng tỏ ra bối rối, kinh hoàng lo sợ. Họ mất chân đứng. Họ cảm thấy mình mong manh, yếu kém, bất an, thiếu an toàn. Giữa những lúc như vậy , họ cần được nâng đỡ, che chở. Họ muốn có người quen biết hướng dẫn cho mình hiểu rõ mình đang ở đâu, tiếp xúc với ai, cần có thái độ và tác phong như thế nào.

   Mẹ Maria đã lo sợ, khi Mẹ được Sứ-thần Ga-bi-ri-en đến thăm viếng.

   Da-ca-ri-a cũng hốt hoảng, kinh hoàng, mặc dù biết rằng mình đang ở trong một nơi thánh thiêng, rất an toàn, không có quỷ thần nào dám quấy rầy. Đó là đền thờ Giê-ru-sa-lem.

   Phê-rô được Đức Kitô cho phép bước đi trên mặt nước, để đến với Ngài. Bổng nhiên một cơn sóng ùa tới. Phê-rô mất lòng tin, hoảng hốt la lên: "Xin Thầy cứu con, con chết mất!".

   Sau khi sống lại, mỗi lần Đức Kitô đến thăm các tông đồ, họ cũng lo sợ, bán tín, bán nghi Ngài đã làm gì, để hoá giải nỗi lo sợ của họ?

   Thứ nhất, Ngài cho phép họ lại gần, đưa hai tay tiếp xúc, va chạm để kiểm chứng Ngài không phải là "tinh ma hiện hình". Ngài có thân xác hoàn toàn giống như họ. Ngài chính là người cùng một tên tuổi như trước đây.

   Thứ hai, Ngài xin họ một miếng bánh và một chút cá nướng. Và rồi, Ngài đã ăn trước mặt họ, như Ngài đã làm suốt ba năm gần gũi họ. Tại làng Ê-mau, Đức Kitô đã vào bàn, bẻ bánh với hai đồ đệ, sau khi đã lắng nghe nỗi lòng hoang mang, những thất vọng ê chề... Chia sẻ một tấm lòng, trước khi chia sẻ miếng cơm manh áo. Người Xa-ma-ry nhân hậu đã cùng chia sẻ một tấm lòng, trước khi chia sẻ tiền của... Bà goá phụ trong đền thờ đã chia sẻ một tấm lòng, khi cúng một đồng xu nho nhỏ. Nhờ tấm lòng ấy, đồng xu của Bà có giá trị hơn bao lượng vàng, bao túi tiền đô-la.

   Thứ ba, Ngài thổi hơi trên họ, ban tặng cho họ Chúa Thánh Thần. Bản dịch của Giáo phận Thành-phố Hồ Chí Minh sử dụng cách nói "thổi vào trong họ"; vì tấm lòng của con người là đền thờ của Ngài. Thực ra, tấm lòng là một cái gì lung linh diệu vợi, bao la như Đại-dương. Cao-cả như Bầu-trời, không có ngoài có trong.

   Thêm vào đo, theo cách nhìn của Thánh Gio-an, Lu-ca và Phao-lô, chia sẻ Chúa Thánh Thần không phải là cách thứ ba, sau hai cách chia sẻ sự có mặt và chia sẻ lương thực. Trái lại, khi hai người - bất kể là ai, Do-thái hay Hy-lạp, đàn ông hay đàn bà, đã lãnh nhận Bí-tích Rửa-tội hay còn ở ngoài Hội-thánh - khi hai người ấy có khả năng chia sẻ cho nhau một tấm lòng, họ đã "Thành Người" với nhau, nhờ nhau. Và chính giữa tấm lòng của hai người đang làm người, Chúa Thánh Thần đã có mặt. Trong ngày Sáng-tạo, Thiên Chúa đã thổi thần khí của Ngài vào bùn đất. Và bùn đất đã biến thành người. Chính vì vậy, chỗ nào có chất người, chỗ ấy Thánh Thần đã có mặt hoạt động. Và chỗ nào có Chúa Thánh Thần đang hoạt động, chỗ ấy con người có khả năng nhận lãnh sức mạnh thần thiêng của Ngài. Họ không còn gì để sợ. Họ bất diệt. Không gươm giáo, súng ống, bom đạn nào có thể huỷ diệt một tấm lòng. Với một tấm lòng công chính như vậy, Thánh Gióp cả gan đối mặt, đương đầu với Thiên Chúa và đã được Ngài lắng nghe.

   Tại vườn Cây-dầu, vào tối thứ Năm Tuần-thánh, Đức Kitô cũng hãi hùng lo sợ trước hình ảnh của ngày tử nạn đang đón chờ Ngài hôm sau. Ngài xúc động tột độ đến nỗi mồ hôi và máu tuôn ra, khắp châu thân của Ngài.

   Ngài đã làm gì để vượt qua cơn sợ hãi và cùng cực ấy?

   Ngài đã cầu nguyện, trang trải "tấm lòng làm con" cho Cha Ngài. Và như trước đây tôi đã trình bày về giáo lý của Thánh Lu-ca, Phao-lô và Gio-an, ở đâu có một tấm lòng làm người, Chúa Thánh Thần đã có mặt. Với Ngài và nhờ Ngài, người ấy có mọi khả năng, để vượt qua mọi bão tố hãi hùng trong lòng cuộc đời.

   Khi đã "tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần", con người của Đức Kitô, cũng như mọi con người khác , không trừ sót một ai, không còn sợ. Con người "quì gối", khiêm hạ, thấy mình là bùn đất, cô đơn, lẽ loi, run sợ... biến thành con người "đứng thẳng": Ego eimi!

   Tôi đây: đầy thần lực, sẵn sàng hiên ngang leo lên Ngọn-đồi Núi-sọ để chết, với một cái chết "trị giá ngàn vàng". Một cái chết rất có trọng lượng có thể chuyển đổi cán cân thăng bằng của Càn-khôn Vũ-trụ. Một cái chết mang trọng lượng của Lòng Thứ-tha, Bao-dung.

   Chính vì lý do cuối cùng nầy , sau khi trao ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ, Đức Kitô Phục-sinh sai họ đi khắp bốn phương thiên hạ rao giảng Tin-mừng Tha-thứ của Ngôi Cha. Mang đến cho mọi người một tấm lòng Đại-dương. Mời gọi tất cả đi vào Lòng Đại-dương. Đó là hai hơi thở ra vào của công cuộc truyền giáo.

    "Con đi ra: thao túng mọi biên thuỳ, giới hạn;

    Con mang về Đức Kitô tròn đầy, viên mãn".

  

***

   Đức Kitô tràn đầy và viên mãn ấy là toàn thể Nhân-loại từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam được đổi mới trọn vẹn, nhờ hồng ân cứu độ và tấm lòng thứ tha vô biên của Thiên Chúa Ngôi Cha.

   Đó là nội dung sứ điệp "Anh-chị-em đừng sợ" của Giáo chủ Gio-an Phao-lô II, khi Ngài sở hữu hoá Lời Chúa để "khai nguyên" triều đại của Ngài. Tôi cố tình dùng lối nói "khai nguyên" thay vì "khai trương". Khi khai trương, ngài chỉ mơ ra một cánh cửa. Cái gì tiếp theo? Huyền nhiệm!

   Khi Ngài khai nguyên, Ngài đặt nền móng, vạch ra một con đường tất yếu cho Ngàn năm Thứ ba của Hội-thánh: Đó là con đường của một Tấm-lòng thứ tha và bao dung.

   Trong lòng Hội-thánh, không còn bầu khí sợ hãi, nghi kỵ của một ngôi nhà cửa đóng then gài do những cuộc bách hại kéo dài gần 3 thế kỷ đầu tiên.

   Trong chương trình sinh hoạt đối nội cũng như đối ngoại, từ đây Hội-thánh là một "Tấm-lòng trang trải" bao la.

    • Một tấm lòng "biết lắng nghe", trên con đường về Ê-mau.

    • Một tấm lòng "Thầy không kết án chị", khi Đức Kitô cúi thấp xuống, từ dưới nhìn lên, so với tầm mắt lo âu của người phụ nữ ngoại tình.

    • Một tấm lòng "ngửa tay cầu xin" hơn là chỉ đe dọa, chỉ huy, đòi hỏi: "Các anh em có gì cho Thầy ăn với!".

    • Một tấm lòng "gợi ý đổi mới" thay vì áp đặt một sự việc đã được chuẩn bị một cách đơn phương đâu vào đấy: "Các anh em thử thả lưới ở phía bên kia xem sao!".

    • Một tấm lòng của người cha, người mẹ "đứng đợi con" hơn là đóng sập cửa nhà, không cho vào, vì "thiếu điều kiện", hay là vì thiếu lý do "rất chính đáng".

    • Một tấm lòng không "độc lộ: chỉ coi trọng đền thờ Giê-ru-sa-lem và khinh thường đền thờ Xi-khem". Chỉ có đền thờ tâm linh mới quan trọng. Đó là con người xương máu, cụ thể đang đứng trước mặt, hơn là Tình Nhân-loại  vượt biên cương thiếu bộ mặt...Chỉ là một nhãn hiệu.

 

***

    Nếu nhìn cho đến nơi đến chốn, với tất cả tấm lòng muốn làm người, chúng ta rất dễ nhận thấy rằng: Lo sợ là nỗi niềm lây lất, lan tràn đó đây trong lòng xã hội loài người. Khi sợ, tôi bám chặt vào quá khứ. Tôi thấy mọi sự, mọi người, qua lăng kinh của định kiến, thành kiến, thiên kiến. Nhận thức bị xuyên tạc, bóp méo. Cái nhìn không còn đơn sơ, trinh nguyên, đón nhận vô điều kiện. Từ đo, tôi phê phán, tố cáo, đỗ lỗi hay là theo phe nầy, đả đảo phe kia.

   Con đẻ của lo sợ là hận thù, kỳ thị, chiến tranh, bạo động... tất cả những gì tạo nên khổ đau, hơn là băng bó vết thương đang rướm máu.

   Ngược lại với lo sợ, hay là để hoá giải niềm lo sợ với bao nhiêu tầng lớp sâu hiểm; chỉ có một con đường duy nhất: Xây dựng, phát huy một tấm lòng, trong quan hệ giữa người với người.

   Thứ nhất, tấm lòng thì bao dung chấp nhận người trước mặt tôi có quyền Khác đối với tôi. Khác về lối nhìn. Khác về cảm nhận. Khác về cách hành xử.

   Thứ hai, tấm lòng thì xác tín, chấp nhận vô điều kiện rằng, tuy dù khác, mọi người có thể bổ túc, kiện toàn nhau. Dù khác xa nhau, hai người đang được kết chặt vào nhau bằng một quan hệ gắn bó, tương tức, sinh thành nhau. Có mình có người. Chúng ta liên đới với nhau trên một chuyến đò làm người.

   Thứ ba, khi tấm lòng là địa bàn của Tình-thương, nhận thức không còn bị bóp méo, xuyên tạc. Qua lăng kinh tình thương, tôi có khả năng ghi nhận giá trị của người khác. Trái lại, khi sợ như đã nói trước đây, tôi chỉ thấy bộ mặt đe dọa xấu xa của người khác , từ người gần đến người xa.

   Thứ bốn, tấm lòng yêu thương luôn luôn đi đôi với khả năng tha thứ. Và ý nghĩa của tha thứ là khả năng chuyển hoá lối nhìn, hay là khả năng luyện vàng: Biến đồng chì sắt thép thành vàng.

   Thứ tha là chuyển biến chứ không phải là quên. Khi quên chúng ta vùi dập, dồn nén, ức chế, không muốn nhìn, muốn thấy, muốn nghĩ đến... Điều bị dồn nén, che giấu sẽ trồi lên chỗ khác, cách khác, khi khác tai hại hơn.

   Khi chuyển biến, tôi nhìn thẳng đối diện: mở rộng tấm lòng để khám phá bao nhiêu vẻ đẹp đang cùng có mặt, thay vì chỉ tập trung lối nhìn vào một điểm hạn hẹp tiêu cực mà thôi.

    "Em thấy anh vô duyên?

    Vâng, anh vô duyên, không biết dùng lời nhỏ nhẹ...

    Nhưng em thử bịt tai đừng nghe: chỉ nhìn.

    Em có thấy anh có duyên ở chỗ nào khác không?"

  

***

   Trong địa hạt Đức-tin, bản sắc của Chúa Thánh Thần là, "biến bùn đất thành con cái Chúa" như sách Sáng-thế trình bày từ mấy trang đầu tiên.

   Nhờ Ngài, với Ngài, như Đức Kitô đã trình bày cho chúng ta, người tín hữu có khả năng biến lo sợ thành Tình-thương và Tha-thứ. Biến lo sợ của loài người thành sức mạnh và bình an của Thiên Chúa .

   Chúa Thánh Thần là tấm lòng của Ngôi Cha.

   Muốn trở thành môt tấm long bao la, vĩ đại biết yêu thương và tha thứ, theo giáo lý của Thánh Phao-lô, chúng ta hãy "tràn đầy và thấm nhuần" Ngài.

   Ngài đã có mặt trong tâm hồn chúng ta, từ ngày chúng ta nhận lãnh Bí-tích Rửa-tội. Công việc còn lại là "Minh minh Đức" bằng việc làm và lời cầu nguyện, để Đức sáng của Ngài càng ngày càng cháy sáng trong con người và cuộc đời của chúng ta. Có minh đức thi có tân dân: một cuộc đổi mới toàn diện, tận gốc rễ. Từ trong ra ngoài...



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!