Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Văn Thành
Mục Lục

Chương I : Cuộc-đời muôn màu muôn sắc

Chương II : Chiếc cầu tre lắc lẻo

Chương III : "Tin là Yêu"

Chương IV : Con đường Đức-tin diệu vợi

Chương V : Ánh-sáng đến trong thế-gian

Chương VI : Trời mới - Đất mới

Chương VII : "Tấm và Cám" trong nội tâm của Chúng ta

Chương VIII : Đức Kitô trở lại trong vinh quang

Chương IX : Chuyển hoá môi trường

Chương X : Mầu-nhiệm Thánh-giá

Chương XI : Rao giảng Tin-mừng

Chương XII : Hướng đến một nền Thần học Việt Nam

Chương XIII : "Anh em hãy vui luôn..."

Chương XIV : "Đức Kitô là tất cả"

Chương XV : Trong Đức Kitô

Chương XVI : Thiên Chúa làm "Bụi đất"

Chương XVII : "Xin đừng sợ"

Chương XVIII : Hỡi Tín-hữu, ngươi ta ai?

Chương XIX : Đức-tin và Văn-hoá

Chương XX : Thay lời kết - Hãy trao cho nhau một tấm lòng...

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !

Lòng Tự Tin - Hành trang cho ngàn năm thứ ba

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải

Bản câu hỏi về tính tình

Phát Huy Quan Hệ Xã Hội Trong Vấn Đề Giáo Dục Trẻ Em Tự Kỷ

Trong Đức Kitô

Nguy cơ Tự Kỷ (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ

Quan hệ mẹ con : Bài học đầu tiên của cuộc sống

Phương Pháp Tâm Vận Động

Trẻ Em Chậm Phát Triển

Đồng Cảm Để Đồng Hành

Lắng Nghe Chúa Thánh Thần

Đối Thoại Một quê hương Tình Người

Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt

Con Đường Bao Dung

Huyền Sử Việt Nam

Tư Duy và Hành Động

Trong Đức Kitô
Chương XII : Hướng đến một nền Thần học Việt Nam

    Hướng đến một nền thần học việt nam là hướng đến một đời sống Đức-tin sáng ngời như ngọn đuốc giữa lòng dân tộc, liên đới với những con người Việt Nam mang trong mình bao nhiêu là khổ đau và tồn tại cũng như bao nhiêu kỳ vọng và giá trị cao cả...

   Phải chăng đó là nội dung tôi muốn mạo muội chia sẻ hôm nay với quí vị quí bạn là những người cũng mang trong mình dòng máu Tiên Rồng như tôi! Hơn thế nữa, chúng ta tất cả còn mang dòng máu Ba Ngôi Thiên Chúa trong từng huyết quản của chúng ta, nhờ Bí tích Rửa tội và Hồng phúc kỳ diệu của Chúa Thánh Linh.

   Thật ra, kính thưa quí vị và quí bạn, thay vì chia sẻ chân tình với anh em kinh nghiệm sống đạo nơi bản thân và mối tương giao của tôi với Thiên Chúa, tôi thường xuyên bị cám dỗ đua đòi đuổi bắt một thứ thần học lý thuyết, sao chép sách vở, xa rời cuộc sống. Khi vay mượn một khuôn mẫu lý thuyết để nói thần học, phải chăng tôi muốn áp đặt từ ngoài cho kẻ khác một con đường mà chính tôi không bao giờ đi?

   Con đường tôi đang đi, thật ra chính là "hơi thở" hằng ngày của tôi, được hà hơi tiếp sức bởi Thần khí Chúa để đổi mới tâm hồn và cuộc đời tôi. "Hơi thở" và sức sống ấy, nói lên lối suy nghĩ và nếp sống đạo chân thật nhất của tôi, và có khả năng tác động trên đồng bào tôi. Nếu tôi chưa thực sự "sống lại" với Đức Kitô, làm sao tôi có thể làm cho Đất-nước tôi "sống lại" với Ngài? Nếu con sông Bến Hải vẫn còn chảy qua giữa con tim của tôi, làm sao tôi có thể mang Tin Mừng yêu thương và tha thứ đến cho các "thế hệ Sơn tinh và Thủy tinh" đã và đang tiếp tục chém giết, loại trừ nhau trên từng tấc đất của Quê hương tôi?

   Dựa vào nền tảng thần học nào chúng ta đua đòi xây cất những ngôi đền thờ đồ sộ bằng gạch đa, giữa một đại dương nghèo đói? Để minh họa, tưởng cũng nên nói rõ tại một địa điểm hành hương nọ, người ta chịu Chi 120 ngàn Mỹ kim để xây cất một pho tượng Đức Mẹ. Và 5 cây vàng cho mỗi chặng đàng thánh giá! Đang khi ấy, đa số người anh em đồng bào Việt Nam chưa có một ngày hai loong gạo để độ thân. Hơn nữa, nạn cao bồi du đảng, xì ke ma túy, mãi dâm, xi-đa đang lan tràn như vũ bão, tung hoành trên khắp nẻo đường quê hương. Thế hệ thanh thiếu niên đang bỏ nhà ra đi, vì bị cha mẹ lên án, tố cáo, nguyền rủa, mạ lị, đánh đập, hoặc bị hiểu lầm, rẻ rúng, rầy rà suốt năm tháng... Như vậy, thử hỏi chúng ta chọn tư tưởng và tâm tình nào làm ưu tiên hàng đầu trong bảng thang giá trị của nền thần học Việt Nam?

   Dĩ nhiên là chúng ta ngày ngày lớn tiếng rao giảng tinh thần Phúc Âm: hiếu hòa, cởi mở, đối thoại. Nhưng chính trong lòng Giáo Hội chúng ta, đã có cởi mở, đối thoại thực sự chưa, giữa Giám mục với Giám mục, giữa Giám mục với Linh mục, giữa Linh mục với giáo dân? Nói gì đến việc đối thoại chân tình giữa Kitô-hữu với tín đồ các tôn giáo bạn như Phật giáo, Khổng giáo,v.v..! Riêng đối với người cộng sản, trong lối nhìn Đức Tin của chúng ta  - và cũng là lối nhìn thần học -, họ còn là người anh em thực sự và trọn vẹn của chúng ta chăng? Hay họ mãi mãi là người thù địch, không đội trời chung với chúng ta như thuở nào!

   Nếu Thiên Chúa đã chọn con đường Nhập Thể, mang lấy thân phận làm người, chấp nhận trở thành "tất cả trong tất cả" trừ phi tội lỗi, thì liệu còn gì có thể cản trở chúng ta mang đến cho người anh em một con tim, một tình người, một vòng tay huynh đệ, để chúng ta cùng làm người với họ trong lòng Đất-nước Việt Nam? Nói cách khác, chúng ta phải hướng đến một nền thần học nào giữa lòng dân tộc?

   Theo ý kiến riêng tư và kinh nghiệm bản thân tôi, bất kỳ một nền thần học chân chính nào - trong đó có nền thần học Việt Nam mà chúng ta muốn khởi công xây dựng - cũng phải bắt đầu từ mẫu khuôn của Mầu-nhiệm Nhập-thể: "Thiên Chúa làm người" ở giữa chúng ta, với chúng ta, cho chúng ta. Và, Thiên Chúa ấy, chính là Đức Kitô, mang tất cả thân phận làm người như mọi người chúng ta và cùng một lúc Ngài làm "phát ngôn viên" cho Thiên Chúa Cha đối với nhân loại. Làm thần học theo mẫu khuôn "Nhập Thể", chúng ta trước tiên phải "làm người" tại Quê-hương này cùng với đồng bào Việt Nam, và cùng với Đức Kitô, chúng ta phải là những "phát ngôn viên" của Thiên Chúa.

   Như vậy, chỉ có thể phát khởi một luồng suy tư "thần học Việt Nam" khi chúng ta dứt khoát khẳng định lấy con người Việt Nam làm "địa chỉ" cho Chúa Thánh Linh, lấy nếp sống và cảm nghĩ của dân tộc Việt Nam làm cơ sở cho việc sống đạo và hành đạo Chúa. Là Kitô-hữu, chúng ta không chối bỏ thân phận làm người Việt Nam. Trái lại, chúng ta tha thiết gắn bó với thân phận của mình cùng với thân phận của đồng bào ruột thịt mình, và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam vươn lên từ truyền thống đặc thù của dân tộc, để đạt đến. Kế-hoạch do Thiên Chúa ấn định từ trước muôn đời.

   Thật ra, người Kitô-hữu chúng ta chỉ có thể đóng góp chân thực và độc đáo phần mình vào công cuộc giữ nước, dựng nước và phát triển đất nước, khi Đức Tin của chúng ta thực sự đổi mới, thăng hoa toàn diện con người của chúng ta. Lúc bấy giờ, chúng ta có thể nói được như thánh Phao-lô: "Tôi sống, nhưng đâu phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô đang sống trong tôi". Tôi mang lấy sự sống của Đức Kitô trong thân phận làm người Việt Nam của tôi, cũng như Chúa Kitô đang nhập thể trong tôi và sống thân phận người Việt Nam của tôi. Khi tôi ăn như Ngài là lúc Ngài ăn như tôi. Cũng như ngày ngày tôi hít thở như Ngài, thì cũng chính là Ngài hít thở trong tôi. Giống như Mẹ Maria, tôi cưu mang và lắng nghe Lời Chúa. Lời Chúa đến trong thế gian, hóa thân làm người và làm người Việt Nam, với da thịt xương máu của tôi. Thật vậy, nhờ tôi, Ngài có thể làm người Việt Nam với dòng máu Tiên Rồng trong huyết quản của tôi...Nhờ tôi, Ngài đang làm người giữa lòng dân tộc Việt Nam.

   Để có thể quán triệt con đường hướng đến một nền thần học dân tộc, tôi xin lần lượt trình bày hai phần sau đây:              

   Phần I : Thần học chỉ là một lối nhìn, một lối kiến giải về thực tại sống đạo của người Kitô-hữu Việt Nam trong lòng dân tộc, chớ không bao giờ là thực tại ấy.

   Phần II : Lối nhìn ấy, lối kiến giải ấy cần được bổ túc, kiện toàn để giúp thực tại sống đạo ấy mỗi ngày một phù hợp hơn với Tin Mừng của Đức Kitô giữa lòng Quê Hương Việt Nam.

   

*** 

   Phần I : Thần học là một lối nhìn

   Xét về mặt tâm lý học, khi tôi nhìn một thực tại, bất kỳ loại thực tại nào, thì thực tại ấy được gạn lọc, tiếp thu, hấp thụ theo những khuôn thức đã có sẵn trong nội tâm tôi. Ở cuối chặng đường biến hóa ấy, thực tại bên ngoài đã được ghi nhận và trở nên một lối nhìn cá biệt và chủ quan của tôi. Bốn giai đoạn sau đây tóm lược tiến trình ghi nhận - hay lãnh hội, khi một thực tại khách quan và toàn diện bên ngoài được tiếp thu vào nội tâm của chủ thể đang làm công tác suy tư thần học.

   Giai đoạn 1 : Thực tại khách quan và toàn diện bên ngoài là tất cả những gì đang có mặt thực sự trong môi trường sinh sống. Một cách cụ thể, đó là bao nhiêu điều tôi thấy, tôi nghe, tôi cảm xúc, nhờ các cánh cửa của giác quan tôi. Qua ba cửa ngõ này, thực tại khách quan đi vào nội tâm tôi.

   Giai đoạn 2 : Trong khi đi vào nội tâm, thực tại bị biến chế, thích nghi, bóp méo theo ba cơ chế tâm lý sau đây:

   Cơ chế 1: khuynh hướng tổng quát hóa, còn gọi là "vơ đũa cả nắm". Một sự kiện chỉ xẩy ra một hai lần mà rồi bị cái nhìn của tôi biến thành một qui luật thường hằng, bất di bất dịch. Chẳng hạn, thay vì ghi nhận "có một số người Việt Nam sống đạo đức", tôi lại thổi phồng lên rằng "người Việt Nam, bất kể là ai, đều sống đạo đức".

   Cơ chế 2 : Khuynh hướng gạn lọc. Khi đứng trước một sự kiện, tôi ghi nhận yếu tố này nhưng bỏ qua nhiều yếu tố khác đồng thời có mặt... Chẳng hạn, khi đề cập đến bốn nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, chúng ta có khuynh hướng chỉ nêu lên những trang sử kiêu hùng. Như vậy, vô hình chung, chúng ta làm ngơ, nhắm mắt bịt tai trước bao nhiêu trang sử đen tối, làm nên những thế kẹt ngàn đời, tạo nên những vòng luân hồi khổ đau của dân tộc. Một cách nào đó, chúng ta gạn lọc, tránh né, không muốn nhận diện và đối diện toàn bộ lịch sử đất nước, nhất là những vụ tàn sát lẫn nhau

   Cơ chế 3: khuynh hướng xuyên tạc, còn được gọi là khuôn đúc chủ quan. Chẳng hạn đạo Ông-bà, dẫu biết rằng được nhiều dân tộc trên thế giới tuân giữ, nhưng chúng ta vẫn đinh ninh rằng đạo ấy là của dân tộc Việt Nam và làm nên bản chất, linh hồn của nền văn hóa Việt Nam. Triết lý Tam Tài "Thiên-Địa-Nhân" là sản nghiệp ngàn đời của dân Việt? Tư tưởng Âm-dương phát nguồn từ Việt tộc?

   Có đúng chăng nữa thì cái quan trọng thật sự là gì? Phải chăng là "của ta" hay "của người"? Sở hữu, chiếm hữu một cái gì, cũng cốt là để có phương tiện làm người. Cái quan trọng, phải chăng là sống cho ra người với những phương tiện ấy. Nói cách khác, hiện hữu phải quan trọng hơn sở hữu. Khuynh hướng "xuyên tạc" có thể làm cho chúng ta chuộng chiếc áo tu hành hơn chính nhà tu hành vậy...!

   Để hình dung rõ nét hơn khuynh hướng này, chúng ta thử hỏi: Nếu con người, "Nhân", là trung tâm và trọng tâm của mọi đường đi nẻo về trong cuộc sống của chúng ta, thì chúng ta đã và đang làm gì để người đừng bốc lột người? Để người đừng chém giết người? Để tình trạng "tao hơn mầy thua", "tao tốt mầy xấu", "tao yêu nước mầy bán nước" không còn nằm vùng bám trụ trong tâm tưởng của chúng ta?

   Giai đoạn 3 : Lối nhìn của tôi về thực tại bắt nguồn từ thực tại khách quan bên ngoài.

   Nhưng một phen đã thành hình trong nội tâm tôi, lối nhìn ấy không phải là thực tại, mà chỉ là "chiếc bản đồ" vẽ lại thực tại ấy. Thực tại bên ngoài là xứ sở, đất đai, núi sông, con người bằng xương bằng thịt, v.v. Đồng hóa lối nhìn với thực tại được nhìn chẳng khác nào lấy tấm bản đồ địa lý Việt Nam trên vách tường mà cho đó là Quê-hương Đất-nước.

   Không ý thức rõ rệt về sự khác biệt hiển nhiên giữa lối nhìn và thực tại được nhìn, giữa tấm bản đồ với xứ sở, chúng ta sẽ dễ dàng trở thành kẻ độc tài, người độc đoán một cách thô bạo. Khi ấy, tôi sẽ cho lối nhìn của tôi là chân lý, và thản nhiên áp đặt chân lý ấy cho kẻ khác. Thì ra, tôi không ý thức là lối nhìn của tôi mang tính cách độc lộ, độc đạo, độc chiều. Đang khi ấy, có bao nhiêu người nhìn là có bấy nhiêu lối nhìn khác nhau. Cơ hồ năm người mù đi xem voi, mỗi người mô tả voi hoàn toàn khác nhau. Mà họ không nhận biết rằng những khác biệt ấy vẫn có thể bổ túc cho nhau...

   Bao lâu chúng ta còn độc đoán, chưa tôn trọng lối nhìn của anh em mình, bấy lâu chúng ta không thể nào ngồi lại với nhau, cùng nhau chia sẻ để có "cái nhìn chung của chúng ta". Bao lâu chúng ta còn áp đặt cho anh em mình một lối nhìn từ trên giáng xuống, từ ngoài ặp vào, bấy lâu chúng ta còn xa rời tinh thần cởi mở, đối thoại của Tin-mừng Chúa Kitô. Bao lâu lối nhìn từ trên, từ ngoài, chưa được anh em chúng ta tiêu hoá, nội nhập, hội nhập, được sở-hữu-hóa và biến thành da thịt máu mủ của mình, thì bấy lâu đó vẫn còn là lối nhìn xa lạ, ngoại lai, có tính xâm lăng, xâm lược, thực dân. Cho dù lối nhìn ấy có phát xuất từ Thiên Chúa chăng nữa...!

   Như vậy, làm sao để có một lối nhìn thần học phát xuất từ kinh nghiệm sống Đức-tin của tôi mà không bị méo mó xuyên tạc ngay từ trong bản thân tôi? Câu trả lời vẫn là: sống trung thực Đức Tin! Đức-tin dạy tôi phải lấy Lời Chúa làm "hơi thở" hằng ngày và lấy anh em trong cộng đồng tín hữu - tức là giáo hội - làm nơi gặp gỡ, trao đổi, bổ túc, và kiện toàn lối nhìn và lối sống Đức-tin của tôi.

   Thực vậy, với niềm tin vào giáo huấn của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng Chúa Thánh Linh đã đi vào nếp sinh sống bên trong chúng ta, bên trong tâm hồn con người Việt Nam. Ngài đã chọn lấy nội tâm con người để làm đền thờ của Ngài. Nhờ Ơn phù trợ của Ngài, tất cả chúng ta và anh em đồng bào ta đều được nâng đỡ, dắt dìu, soi lối để có khả năng tự biến thân mình thành Tin-mừng cho Quê-hương chúng ta. Giống như Mẹ Maria, chúng ta đã nhận cưu mang Tin-mừng. Và chúng ta tin chắc rằng Đức Kitô sẽ sinh ra, lớn lên trong chúng ta, và với chúng ta Ngài sẽ sinh ra và lớn lên giữa lòng dân tộc Việt Nam. Ngài đi qua những chặng đường khổ nạn của chúng ta, với chúng ta, và vì chúng ta. Và qua chúng ta, Ngài chia sẻ thân phận ngọt bùi của dân tộc Việt Nam. Bởi đó, chúng ta sẽ sống lại với Ngài, như Ngài, nhờ Ngài. Và dân tộc Việt Nam cũng hy vọng được vinh dự chia phần sống lại với Ngài, nhờ Ngài, như Ngài...

   Chúng ta tin rằng Đức Kitô sẽ trở thành người Việt Nam, sẽ nói ngôn ngữ Việt Nam, sẽ cảm nghĩ, tư duy như người Việt Nam. Ngài hội nhập văn hóa Việt Nam. Ngài tiếp tục bổ túc những gì đang còn thiếu sót trong cuộc đời của Ngài. Ngài đang hoàn thành chương trình nhập thể nới rộng của Ngài cho đến ngày cánh chung.

   Nói một cách qui mô, chúng ta tin rằng Đức Kitô sẽ giúp tu chỉnh, kiện toàn nền triết lý Tam Tài, tư tưởng Âm-dương, đạo sùng kính Ông-bà, để con người Việt Nam có khả năng vươn lên tới chiều kích của Trời - Đấng Tạo Hóa. Đồng thời, Đất sẽ trở nên môi trường thuận lợi hơn để con người Việt Nam thi thố khả năng xây dựng con người mới với Trời mới, Đất mới, nhờ Đức Kitô.

   Chúng ta xác tín rằng, trong lòng Đất-nước Việt Nam, Tin-mừng sẽ được ưu tiên rao giảng cho từng từng lớp lớp người nghèo của Ya-vê Thiên Chúa. Nhờ vậy, Tin-mừng "phúc cho người nghèo" sẽ không còn mãi mãi là câu nói tuyên truyền hoa mỹ, trống rỗng, rêu rao ở đầu môi chót lưỡi mà thôi. Trái lại, Tin-mừng đó sẽ thành hiện thực trong nội tâm con người, được đổi mới - "mê-ta-nô-ya" - bởi Thần Khí Chúa, vì chính "Ngài đã nâng nhắc kẻ khiêm hèn".

   Chúng ta vững tin rằng, trong lòng Đất Nước, Tin Mừng "hòa bình của Đức Kitô" sẽ được đón nhận nơi mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng thôn ấp. Người người sẽ tích cực sống hòa nhã, bất bạo động, khiêm nhu với mọi người trong bất kỳ cảnh huống rối ren, tranh chấp, đảo điên nào. Ngày ngày, lời chúc "bình an cho anh em" của Đức Kitô sẽ trở thành hiện thực trong nếp sống của người Việt Nam. Cùng với Thần Khí Chúa thổi vào khí thiêng sông núi, vào từng hơi thở của chúng ta, chúng ta sẽ ưu tiên xây dựng hạnh phúc trên từng hố bom, trên từng chiếc cầu đổ gẫy, trên từng con sông Bến Hải, Nhật-lệ đang còn chảy dài trên Quê-hương chúng ta.

   Chúng ta thật lòng mong muốn rằng, trong lòng Đất-nước, con người Việt Nam sẽ được kính mến ngang nhau nhờ biết kính trọng nhau, yêu thương nhau, lắng nghe nhau, chân thành đối thoại với nhau, như chính Đức Kitô đã làm. Trời và Đất đã giao hòa, Rồng và Tiên đã gọi nhau về, Non và Nước đã gặp nhau... Tất cả đã hòa đồng với dòng máu dân tộc Việt Nam. Bởi Thiên Chúa đã làm người và làm người Việt Nam với anh chị em chúng ta. Và chúng ta cũng được mời gọi làm người với mọi người để trở nên con cái của Thiên Chúa.

   Giai đoạn 4 : Những "lối nhìn thần học" ấy, một khi đã thành hình trong nội tâm chúng ta, sẽ có khả năng sáng soi và điều động mọi hành vi chúng ta trên mọi nẻo đường thường nhật của mình. Khi ấy, Đức Tin vào Chúa Kitô sẽ không phải là lớp sơn trang trí cho cuộc đời chúng ta. Đức-tin ấy cũng không phải là khẩu hiệu tuyên xưng "ngoài môi miệng". Nhưng "tin" tức là "cảm", là "hành", là "tri", là "lý", là "nghĩa", là sống tràn đầy nếp sống và nếp suy tư thuận với niềm tin của chúng ta.

   Chính Đức-tin ấy mới có khả năng dời núi lấp sông, vá trời lấp biển. Đức-tin vào Chúa Kitô cho chúng ta nội lực dũng mạnh để thể hiện rõ nét Lời Ngài trong từng lời nói và hành động dấn thân. Với điều kiện này, chúng ta mới có khả năng "làm đuốc sáng và muối mặn" trong lòng dân tộc và đất nước Việt Nam. Quê-hương không bao giờ có thể "sống lại", nếu ngày ngày mỗi người chúng ta chưa quyết tâm và kiên trì "sống lại" với Đức Kitô.

  

***

   Phần II : Cần kiện toàn lối nhìn thần học với

     phương pháp tâm lý 6 màu

   Nói như trên mới chỉ là biết đại khái đường hướng thần học Việt Nam. Nhưng "biết" mà thôi chưa đủ! Chúng ta còn phải "biết làm". Thần học lấy sinh lực từ cuộc sống Đức-tin trung thực và thường trực xẩy ra "tại đây, lúc này" và diễn biến liên tục, để trở thành một hệ thống mạch lạc, hài hòa và có khả năng truyền đạt cho kẻ khác. Như vậy, thần học cũng là một khoa học, và cũng cần có kỹ năng chuyên biệt để xây dựng nên một nền thần học xứng với danh xưng của mình. Dĩ nhiên, muốn có thực chất, nền thần học dân tộc cũng cần được dầy công xây dựng, với nhiều hy sinh, xương máu và khổ đau...

   Sau đây, tôi xin bàn về lối suy tư thần học dân tộc trong giới hạn sinh hoạt tâm lý của mỗi con người Kytô-hữu. Tôi dựa vào tác giả De Bono, kẻ chủ trương dùng lối cảm nghĩ theo 6 màu, để trình bày lề lối tiếp cận thần học thực tế, dùng làm cơ sở cho việc suy tư thần học lý giải sau này. Đó cũng   chính là phương pháp "sáu màu" dùng cho 6 giai tầng cảm nghĩ và tư duy thần học Việt Nam của người Kitô-hữu.

   Tầng 1: Thần học màu trắng

   Màu trắng là màu khách quan: các sự kiện xẩy ra như thế nào đều hiện rõ trước mắt người quan sát. Làm thần học, người Kitô-hữu phải biết cân, đo, đếm, lường các sự kiện sống đạo giữa lòng Quê Hương, để kiểm chứng hay trắc nghiệm những cảm nghĩ và lời lẽ của mình. Đức Kitô cũng dùng phương pháp trên khi tra vấn chúng ta: "Đồng tiền này là của ai?".

   Thiếu màu trắng khoa học, màu trắng khách quan, chúng ta sẽ chặt tay, chặt chân Đức Kitô, để o ép Ngài vào khuôn khổ chật hẹp và chủ quan của quan điểm, lập trường cá biệt của chúng ta.

   Tầng 2: Thần học màu vàng

   Màu vàng là màu của ánh sáng mặt trời, nguồn năng lượng vô tận cho vạn vật và con người. Màu vàng, do đó, là màu của tư tưởng tích cực và năng động. Sẵn sàng "trồng cây lúc tiết hạ, hái quả lúc chiều đông". Không phàn nàn vì "mùa Xuân hôm nay chưa vĩnh cửu"! Tư tưởng tích cực bao gồm 6 động tác cụ thể sau đây:

   - Khám phá động lực từ bên trong thúc đẩy ta lên đường rời bỏ vùng đất nô lệ và hiên ngang tiến vào hứa địa của Tin Mừng.

   - Phân định và xếp đặt những giá trị theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3,... trong một bảng thang có hệ thống và đẳng cấp rõ ràng.

   - Phân chia công tác thành nhiều giai đoạn thực hiện, để công tác trở thành khả thi, dễ hoàn thành và nuôi dưỡng sức phấn chấn nơi mình.

   - Dấn thân "sống" trọn vẹn giờ phút hiện tại, độc nhất vô nhị và ở trong tầm tay của ta. Đồng thời, có những mục tiêu rõ rệt nhắm đến trong tương lai.

   - Ý thức mình là nguyên nhân chủ động và năng động của bao nhiêu thành tựu. "Tôi không bao giờ là nạn nhân, mà là tác nhân có trách nhiệm".

   - Đánh giá bản thân mình, là chủ thể trách nhiệm, dựa trên công tác thực hiện từng giai đoạn. Đừng bao giờ vướng bận vào một tiêu chuẩn ở ngoài mình, áp đặt từ ngoài hay do người ngoài.

   Tầng 3 : Thần học màu đen

   Màu đen là màu của u tối.. Đối với tâm lý con người, màu đen là màu của vô thức, của tiềm thức, của mê muội, của vô minh. Làm thần học dân tộc, chúng ta cần nhận diện và đối diện toàn bộ sự thật về chính mình, nghĩa là nhìn nhận những gì còn có mặt trong vô thức, vô minh, để sửa sai, bổ túc. Cần có can đảm để tự sáng tỏ với chính mình, biết rằng "xét lại" không đồng nghĩa với phản bội và hèn nhát; trái lại, đó là điều kiện cho tiến bộ...

   Tầng 4 : Thần học màu đỏ

   Màu đỏ là màu kích động, căng thẳng, báo động hiểm họa... Làm thần học, người Kitô-hữu không thể không diễn tả những nỗi niềm bực tức, lo lắng , đau buồn trước những điều lẽ ra phải làm mà chưa được thực hiện. Không thể không "báo động đỏ" trước bao nhiêu giá trị làm người còn bị chà đạp, miệt thị hoặc lảng quên...; trước bao nhiêu thứ tự ưu tiên bị đảo lộn một cách thảm hại.

   Nếu chúng ta dồn nén sự thật của lòng mình, ắt chúng ta phải ngụy tạo một "sự thật gian dối" để thay thế vào đó. Mà gian dối, quanh co, thì cũng có ngày sự thật sẽ bùng nổ một cách thô bạo và vô phương kiểm chứng. Trái lại, diễn tả ngay thật tình cảm của mình là biết đảm nhiệm tính chủ quan của lòng mình với sứ điệp "ngôi thứ nhất" là Tôi. "Tôi buồn vì nghĩ rằng Giáo Hội còn chạy theo quyền lực, tiền của, đang khi đa số anh em đồng bào còn thấp cổ bé họng, khố rách áo ôm". Tôi nói "Tôi buồn" thay vì tôi tố cáo, mạ lỵ, nguyền rủa "ngôi thứ hai" trước mặt tôi: Các anh, các chị, các Cha, các Thầy.. bê bối, lem nhem..."

   Tầng 5 : Thần học màu xanh dương

   Màu xanh da trời và màu xanh biển cả là màu của bao la rộng lớn, thanh bình và an lạc. Sau khi đã thu lượm mọi dữ kiện khách quan và diễn tả tình cảm chủ quan, người làm thần học phải vươn lên khả năng màu xanh để có cái nhìn rộng mở, có tâm hồn hiểu biết, yêu thương, thứ tha, và để lòng mình thanh tịnh, an lạc và hạnh phúc...

   Khả năng này cho phép thấy cây mà không quên rừng. Khả năng này hướng đến rừng mà không quên cây. Hai câu thơ của Trụ Vũ nói lên được ý hướng của suy tư thần học màu xanh dương này:

   

      "Bởi vì mắt thấy trời xanh,

      Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.

      Bởi vì mắt thấy biển khơi,

      Cho nên mắt cũng xa vời đại dương."

     

   Tầng 6 : Thần học màu xanh lục

   Màu xanh lục là màu của hy vọng. Thần học màu xanh lục không đặt cơ sở trên thái độ lạc quan vớ vẩn, ước vọng viễn vong. Màu xanh hy vọng không thể có với những lời lẽ suông! Mùa Xuân hy vọng sở dĩ có được là vì mùa xuân là sức sống vươn lên, là hành động tích cực, là công cuộc chứng nghiệm những sáng tạo, đổi mới. Thần học màu xanh lục là tích cực chia sẻ kinh nghiệm và quan hệ bản thân giữa chính mình với Thiên Chúa, giữa chính mình với anh em và đồng bào.

   Đây là màu xanh của Trời mới Đất mới đã hình thành nơi bàn tay và quả tim của người Kitô-hữu. Của đồng hương và đồng bào là những người đã sống niềm hy vọng có căn cơ nơi Đất Nước đang vươn lên ... Đây là màu của bình minh sống lại, đã khởi đầu từ ngày người Kitô-hữu chúng ta lãnh nhận Phép Rửa.

    Làm công tác thần học là giúp tạo nên Mùa Xuân trong lòng Đất-nước. Có người sẽ hỏi: "Mấy con én làm nên mùa xuân?!" Chúng ta không biết. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều: "Anh là con én". Anh có thừa khả năng làm nên mùa xuân cho đời anh. Khi Anh hạnh phúc, Anh sẽ gieo rắc hạt mầm hạnh phúc cho mọi người chung quanh. Và như thế, mùa xuân sẽ đến. Từ từ đến.

   

   Kết luận  

   Để kết luận, tôi xin trưng dẫn câu nói đầu của Lão Tử trong Đạo-đức-kinh:

    "Đạo khả đạo, phi thường đạo.

    Danh khả danh, phi thường danh"

   Theo kiến giải riêng của tôi, đạo là đường. Đường mà chúng ta có khả năng đi, có can đảm để đi, có quyết tâm và phấn chấn đi và đi mãi, đó là đạo lạ thường, khác thường, dành cho những con người sống một cách phi thường cuộc đời thường nhật của mình; như chị Thánh Tê-rê-xa.

   Danh là tên. Tên có nghĩa là Thiên Chúa trong Cựu-ước. Thiên Chúa mà chúng ta được gọi là Cha. Tên đó cũng chỉ  "Thiên Chúa Nhập-thể" là Đức Kitô, chấp nhận sống làm người anh em, để cho chúng ta có khả năng lam "con cái Chúa"... Phép lạ ấy đang ngày ngày xảy ra trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.  



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!