Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Văn Thành
Mục Lục

Chương 1: Hội chứng tự bế

Chương 2: Phát hiện sớm

Chương 3: Can thiệp sớm, ý hướng cơ bản

Chương 4: Những hình thức tự bế trong các hội chứng khác

Chương 5: Mặt chìm của tảng băng sơn

Chương 6: Cách tổ chức của nội tâm

Chương 7: Nội tâm của trẻ em tự bế

Chương 8: HỘI CHỨNG TỰ BẾ trong lối nhìn của PHÂN TÂM HỌC

Chương 9: VAI TRÒ và VỊ TRÍ của XÚC ĐỘNG trong HỘI CHỨNG TỰ BẾ

Chương 10: Ba chứng nhân

Chương 11: Phương pháp TEACCH

Chương 12: Phương pháp ABA - Chuyển hoá hành vi tiêu cực

Kết luận : Bài học về tiếp xúc và trao đổi

Phụ trương : Những bài học cụ thể trong chương trình TEACCH

Bản đánh giá những cấp độ phát triển

Sách tham khảo

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !

Lòng Tự Tin - Hành trang cho ngàn năm thứ ba

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải

Bản câu hỏi về tính tình

Phát Huy Quan Hệ Xã Hội Trong Vấn Đề Giáo Dục Trẻ Em Tự Kỷ

Trong Đức Kitô

Nguy cơ Tự Kỷ (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ

Quan hệ mẹ con : Bài học đầu tiên của cuộc sống

Phương Pháp Tâm Vận Động

Trẻ Em Chậm Phát Triển

Đồng Cảm Để Đồng Hành

Lắng Nghe Chúa Thánh Thần

Đối Thoại Một quê hương Tình Người

Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt

Con Đường Bao Dung

Huyền Sử Việt Nam

Tư Duy và Hành Động

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ
Chương 12: Phương pháp ABA - Chuyển hoá hành vi tiêu cực

     ABA là một phương pháp hay là một chương trình nhằm giáo dục và dạy dỗ trẻ em tự bế, bằng cách đặt trọng tâm vào 2 đường hướng chính yếu : Đường hướng thứ nhất là chuyển hóa những hành vi tiêu cực, đang tạo ra những trở ngại trầm trọng cho vấn đề học tập và xây dựng quan hệ tiếp xúc trong môi trường xã hội. Đường hướng thứ hai là khuyến khích và cổ võ, củng cố và tăng cường những hành vi tích cực, đang « đạt chỉ tiêu ». Nhờ vậy, trẻ em sẽ càng ngày càng có khả năng đáp ứng và thực hiện những mục đích và yêu cầu, do cuộc sống làm người đề xuất và ấn định, trong nhiều địa hạt khác nhau, như ngôn ngữ, vận động, tự lập và nhận thức…

    Trong hiện tình của tâm lý học và khoa sư phạm, ABA được gắn liền với tên tuổi của 2 tác giả là Ivar LOVAAS và Catherine MAURICE. Tuy nhiên, nguồn gốc của ABA là chủ thuyết hành vi (Behaviorism). Ba tác giả Ivan PAVLOV, John B. WATSON và B.F. SKINNER là những nhà tiên phong đã khám phá, đề xuất, nghiên cứu và ứng dụng những nguyên lý của chủ thuyết tâm lý nầy.

Trong khuôn khổ hạn hẹp của một chương sách, thay vì trình bày mọi chi tiết, tôi chỉ nhấn mạnh 3 điểm thiết yếu mà thôi :

-          1.- Điểm xuất phát của chủ thuyết hành vi là thí nghiệm quan trọng của Ivan PAVLOV về « phản ứng điều kiện hóa ».

-          2.- Phương pháp ABA là một hình thức ứng dụng của chủ thuyết hành vi, trong địa hạt giáo dục và dạy dỗ.

-          3.- Một trong những đồ đệ của PAVLOV là F. B. SKINNER đã áp dụng những nguyên lý « điều kiện hóa » vào trong địa hạt « dạy ngôn ngữ ».

1)    Thí nghiệm của I. PAVLOV

Ivan PAVLOV (1849-1936) là một nhà sinh lý học, người Nga. Nhờ những công trình nghiên cứu và thí nghiệm khoa học về « hiện tượng điều kiện hóa », tên tuổi của ông đang còn được nhắc tới, trong địa hạt tâm lý ứng dụng ở Pháp và nhất là ở Mỹ.

Thí nghiệm nầy bao gồm 3 giai đoạn :

Trong giai đoạn thứ nhất, một con chó bị giam đói trong nhiều tiếng đồng hồ. Sau đó, vừa nhìn thấy miếng thịt tươi, nó đã chảy nước miếng và xông tới đòi ăn.

Theo cách giải thích và trình bày của PAVLOV, miếng thịt tươi là một « loại kích thích TỰ NHIÊN và TUYỆT ĐỐI », đối với con chó bị giam đói. Phản ứng « chảy nước miếng » là một hiện tượng tự nhiên, còn được gọi là « phản ứng vô điều kiện », do loại kích thích tự nhiên tạo nên.

Trong giai đoạn thứ hai, đồng thời với miếng thịt tươi được đưa ra trước mặt con chó đói, PAVLOV đã gõ thêm một tiếng chuông. Với cách làm nầy, nhà nghiên cứu đã cố kết hợp lại với nhau 2 yếu tố : hình ảnh miếng thịt tươi và âm thanh của tiếng chuông.

PAVLOV đã lặp đi lặp lại nhiều lần, trong nhiều ngày, giai đoạn thứ hai nầy.

     Cuối cùng, trong giai đoạn thứ ba, nhà thí nghiệm chỉ gõ tiếng chuông và không còn trình bày miếng thịt tuơi. Mặc dù trong gian giai đoạn nầy, không thấy miếng thịt, con chó vẫn tiếp tục chảy nước miếng, mỗi khi nghe tiếng chuông.

    Theo cách giải thích của PAVLOV, trong những điều kiện sinh hoạt do thí nghiện dàn dựng, âm thanh của tiếng chuông đã từ từ được đồng hóa với miếng thịt tươi. Nó trở thành một loại « kích thích có điều kiện », khả dĩ tạo nên « phản ứng chảy nước miếng » nơi con chó, đang « ở trong điều kiện » bị giam đói. Ngược lại, khi con chó không còn ở trong « điều kiện đặc biệt » nầy, tiếng chuông lúc bấy giờ không còn hữu hiệu, không thể trở nên một loại kích thích có khả năng tạo nên hành vi chảy nước miếng nơi con chó.

2.- Phương pháp ABA

    Phương pháp nầy do tác giả Ivar LOVAAS và các bạn đồng nghiệp đã nghiên cứu và phát triển, vào những năm chung quanh 1990, nhằm áp dụng chủ thuyết hành vi của I. PAVLOV vào lãnh vực giáo dục và sư phạm.

ABA là danh hiệu do 3 chữ hoa đầu tiên của 3 từ ngữ được ghép lại với nhau : Applied Behavior Analalysis.[1]

-          Từ thứ nhất là ANALYSIS, có nghĩa là phân tích, khảo sát, đo lường, quan sát và xác định điều nào cần làm, cần nói và cần dạy, để thành quả có thể đạt mức độ mong muốn tối đa.

-          Từ thứ hai là BEHAVIOR có nghĩa là hành vi cụ thể và khách quan bên ngoài. Trong thí nghiệm của PAVLOV, hành vi là  đưa ra một miếng thịt tươi, gõ tiếng chuông và sự kiện con chó đói đang chảy nước miếng. Nói khác đi, hành vi là tất cả những gì chúng ta có thể « đếm, đo, cân, lường », nghĩa là quan sát, ghi nhận một cách khoa học và khách quan từ bên ngoài.

-          Từ thứ ba là APPLIED có nghĩa là được áp dụng, ứng dụng và sử dụng. Nhất cử nhất động, mỗi một lời nói, liếc nhìn, việc làm… đều phải được nghiên cứu, khảo sát và chuẩn bị một cách kỹ càng. Người giáo viên, khi tiếp xúc và trao đổi với trẻ em, không thể tùy tiện, hay là tùy cơ ứng biến. Mỗi sự việc, hiện tượng « đến trước » (Antecedent) hay là « đến sau » (Consequence), đối với một hành vi của trẻ em (Behavior), đều phải được sử dụng và biến thành những kích thích có hiệu năng đặc biệt (Discriminative Stimulus) hay là những yếu tố củng cố và tăng cường (Reinforcer), đối với việc học tập và tiến bộ của trẻ em.[2]

     Trong tinh thần và ý hướng ấy, nếu trẻ em ù lì, bị động, thoái hóa… không phải vì các em mang nhãn hiệu tự bế hay là khuyết tật. Nhưng trái lại, vì chúng ta không biết sử dụng đúng cách, những kích thích có hiệu năng đặc biệt. Hay là chúng ta không biết chớp lấy thời cơ thuận tiện, để bồi đắp, vun tưới hay là chuyển hóa những gì có sẵn ở « thể hạt mầm », hay là đang có mặt trong những « chức năng của hành vi », nơi trẻ em.

Nói khác đi, khi các em đang thực hiện một hành vi có một bề mặt rối loạn, tiêu cực, chúng ta cần nêu lên câu hỏi, để khám phá chức năng của hành vi :[3]

-          Thứ nhất phải chăng vì các em muốn chúng ta chú ý và lưu tâm đến các em ?

-          Thứ hai  phải chăng vì các em muốn chạy trốn một công việc khó chịu, căng thẳng, mệt nhọc, nặng nề ?

-          Thứ ba  phải chăng vì các em tìm cách kích thích chính mình hay là tạo ra cho mình những thú vui nho nhỏ, nhất là khi các em có hành vi « nhai đi nhai lại » ?

-          Thứ tư phải chăng vì các em muốn dừng lại, chấm dứt một tình huống đã trở thành nhàm chán, không còn ý nghĩa, mất sức hấp dẫn hay là đang vượt quá mức chịu đựng, nhất là trong các trường hợp bùng nổ, tấn công, la thét ?

Người giáo viên có nhạy bén trước những ý nghĩa ấy hay không ?

    Với cách làm nầy, thể theo lối nhìn của ABA, không một thành quả nào có thể vượt ra ngoài khả năng thực hiện của chúng ta. Không một trở ngại nào có thể làm chùn chân những công trình nghiên cứu, sáng tạo mang nặng chất liệu nhiệt tình và ánh sáng thông minh của chúng ta.

Do đó, trách nhiệm của người giáo viên là :

-          sáng tạo những loại kích thích có hiệu năng đặc biệt,

-          nhạy bén chớp lấy thời cơ của một hành vi tích cực đang chớm nở nơi trẻ em, để củng cố, tăng cường, làm cho vững mạnh,

-          tìm cách chuyển hóa những hành vi đang trên đường biến chất và thoái hóa, nhưng vẫn cưu mang một chức năng tích cực, vô hình, ẩn núp ở bên dưới mặt ý thức.

-          thái mỏng bài học tùy theo cấp độ tiếp thu của người học sinh,

-          trình bày bài học dưới nhiều hình thức và trong nhiều cơ hội khác nhau.

    Với những học sinh còn non dại, trong những giai đoạn làm quen ban đầu, dạy học còn có nghĩa là PROMPTING.[4] Hành vi sư phạm nầy có nghĩa là khuyến khích, nâng đỡ, thúc đẩy, động viên, nhắc lui nhắc tới, góp gió thành bão. Chính vì lý do nầy, ABA còn được gọi là DTT (Discrete Trial Teaching),[5] có nghĩa là từng bước đi lên, vận dụng mọi thời cơ, nắm thế chủ động và sáng tạo, trong mọi tình huống đang xảy đến.

3.- Tác giả B.F. SKINNER,[6] trước khi có phương pháp ABA, đã ứng dụng chủ thuyết hành vi, trong vấn đề dạy ngôn ng cho những trẻ em vừa bi bô, bặp bẹ một vài tiếng đầu tiên, khi bắt chước người mẹ sinh ra mình. Chúng ta cũng có thể áp dụng những cách chỉ dẫn của tác giả nầy trong vấn đề kích thích « Hành vi Ngôn Ngữ » (Verbal Behavior), cho trẻ em tự bế.

    Hẳn thực, theo lối nhìn của tác giả nầy, ngôn ngữ không phải là một khả năng bẩm sinh. Trái lại, đó là một HÀNH VI lúc ban đầu, và dần dần nhờ được lặp đi lặp lại, đã trở thành một tập quán ổn định. Cho nên, để một trẻ em tự bế có thể nói, cha mẹ và người giáo viên phải làm nhiều điều, cơ hồ kho nấu một món ăn hợp tì vị của các em.

-          Thứ nhất là sáng tạo những loại kích thích đặc biệt,

-          Thứ hai là củng cố và tăng cường lập tức, khi trẻ em bắt chước, lặp lại một vài âm thanh của kẻ khác,

-          Thứ ba là khuyến khích, nâng đỡ, tạo ra nhiều cơ hội, để trẻ em lắng nghe và bắt chước phát âm,

-          Thứ bốn là phân chiết hành vi ngôn ngữ thành nhiều loại động tác cụ thể (Verbal Operants), tùy vào cấp độ và phát triển của trẻ em.

Để làm công việc phân chiết ấy, SKINNER đã liệt kê những động tác cơ bản sau đây :

-          Động tác thứ nhất là gọi tên (Naming), gắn nhãn hiệu (Labeling), khi thấy một sự vật hay một động vật. Ví dụ : trẻ em phát âm « vâu vâu », khi thấy một con chó.

-          Động tác thứ hai là bắt chước, lặp lại (Echoing), khi nghe một người khác phát âm. Ví dụ : mẹ nhìn con và phát ra âm thanh « ma, mơ… », đứa con 3-4 tháng lặp lại « mơ… mơ ».

-                    Động tác thứ ba là mô tả, nói về (Talking about) những tính chất, phần vụ và màu sắc có mặt trong các vật thể ở chung quanh.

-          Động tác thứ bốn là XIN hay là yêu cầu một điều mà mình cần hay là thích (Asking),

-          Động tác thứ năm là trả lời (Answering)  những câu hỏi như : Ở đâu ? Khi nào ? Thế nào ?

-          Động tác thứ sáu là đồng ý, chấp nhận, đón nhận  (Saying YES),

-          Động tác thứ bảy là từ chối (Refusing).

Để cụ thể hóa  cách thức dạy một hành vi ngôn ngữ, theo phương pháp của SKINNER, tôi xin đan cử một vài kỹ thật :

Kỹ thuật I là « Hướng dẫn tối đa, để trẻ em không thể sai lầm » :

  Giáo viên :  Em tên gì ? DUNG .

  Học sinh :  Dung .

  Giáo viên : Hoan hô em. Em đã biết trả lời cho thầy. Tên Em là DUNG. Phải rồi, tên em là DUNG. DUNG. DUNG. Em giỏi quá.

   Lẽ đương nhiên, khi trẻ em tỏ ra nhiều tiến bộ, giáo viên sẽ từ từ giảm bớt những loại hướng dẫn của mình.

    Kỹ thuật nầy được sử dụng khi trẻ em còn ở vào giai đọan lặp lại, bắt chước, phát âm và gọi tên các vật thể có mặt trong môi trường.

Kỹ thuật II là dạy trẻ em biết Xin, yêu cầu và gọi tên những vật thể mà mình ước muốn.

    Khi trẻ em có những hành vi diễn tả ước muốn và nhu cầu của mình, người giáo viên tức khắc chớp lấy thời cơ thuận tiện, để dạy cho trẻ em hai điều : Thứ nhất là gọi tên sự vật mong muốn. Thứ hai là Xin, hay là làm cử chỉ yêu cầu (chấp hai tay đưa tới trước). Ví dụ: thấy trẻ em bỏ lớp đi ra ngoài, giáo viên dang hai tay ra chận lại và hỏi :

-          Cầu tuột?

-          Sau khi trẻ em lặp lại được Cầu tuột, giáo viên chuyển qua câu hỏi về sở thích và nhu cầu: Em muốn gì? Cầu tuột.

-          Trẻ em lặp lại : Cầu tuột.

-          Giáo viên : Thầy hiểu rồi. Em muốn chơi cầu tuột. Em xin ra chơi cầu tuột. Hoan hô. Em đã biết nói ra em muốn gì, em xin gì. Vâng, em có thể ra chơi cầu tuột. Năm phút sau, thầy sẽ ra gọi em vào.

    Với những cách làm vừa được trình bày, chúng ta dạy trẻ em thực thi dần dần bảy động tác cụ thể có liên hệ đến khả năng ngôn ngữ, mà SKINNER đã liệt kê và trình bày trong tác phẩm « Verbal Behavior », xuất bản năm 1958. 

٭٭٭

    Lẽ đương nhiên, sau khi trẻ em khởi phát một trong số 7 động tác ngôn ngữ ấy, chúng ta tìm mọi cách để củng cố và tăng cường thành quả của các em. Tôi không bao giờ phủ nhận giá trị của bánh kẹo và các loại lương thực khác, trong vai trò kích thích, khuyến khích và hướng dẫn. Tuy nhiên, thể theo kinh nghiệm dạy học trẻ em thiếu trí và tự bế, trong vòng 20 năm, tôi xác tín rằng : yếu tố có khả năng tăng cường công việc học tập và tiến phát của trẻ em không phải chỉ là kẹo bánh. Trước tất cả, tôi muốn nhấn mạnh vai trò và giá trị của những thái độ và hành vi như LẮNG NGHE, tìm hiểu và tôn trọng trẻ em, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Điều quan trọng là trẻ em thành người có bản sắc thực sự, tự lập, tự cường, hơn là mang một bộ mặt giả hiệu, hào nhoáng bên ngoài, nhưng rỗng tuếch bên trong, suốt ngày lặp đi lặp lại như keo vẹt. Một cách đặc biệt, khi trẻ em từ chối, nói không bằng ngôn ngữ có lời hay không lời, chúng ta tôn trọng. Chúng ta không cưỡng ép, áp đặt từ trên hay từ ngoài, cho dù đó là những phương pháp, những chủ thuyết rất hữu ích và có giá trị như ABA, hay là TEACCH...

    Khi trẻ em nhận thấy mình được yêu thương và kính trọng, các em sẽ tin vào mình. Lòng tự tin chính là chất liệu vừa kích thích, vừa tăng cường hành vi học hành và phát triển, trong cuộc sống làm người của mỗi người trong chúng ta, cũng như của mỗi trẻ em.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!