Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Văn Thành
Mục Lục

Chương 1: Hội chứng tự bế

Chương 2: Phát hiện sớm

Chương 3: Can thiệp sớm, ý hướng cơ bản

Chương 4: Những hình thức tự bế trong các hội chứng khác

Chương 5: Mặt chìm của tảng băng sơn

Chương 6: Cách tổ chức của nội tâm

Chương 7: Nội tâm của trẻ em tự bế

Chương 8: HỘI CHỨNG TỰ BẾ trong lối nhìn của PHÂN TÂM HỌC

Chương 9: VAI TRÒ và VỊ TRÍ của XÚC ĐỘNG trong HỘI CHỨNG TỰ BẾ

Chương 10: Ba chứng nhân

Chương 11: Phương pháp TEACCH

Chương 12: Phương pháp ABA - Chuyển hoá hành vi tiêu cực

Kết luận : Bài học về tiếp xúc và trao đổi

Phụ trương : Những bài học cụ thể trong chương trình TEACCH

Bản đánh giá những cấp độ phát triển

Sách tham khảo

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !

Lòng Tự Tin - Hành trang cho ngàn năm thứ ba

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải

Bản câu hỏi về tính tình

Phát Huy Quan Hệ Xã Hội Trong Vấn Đề Giáo Dục Trẻ Em Tự Kỷ

Trong Đức Kitô

Nguy cơ Tự Kỷ (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ

Quan hệ mẹ con : Bài học đầu tiên của cuộc sống

Phương Pháp Tâm Vận Động

Trẻ Em Chậm Phát Triển

Đồng Cảm Để Đồng Hành

Lắng Nghe Chúa Thánh Thần

Đối Thoại Một quê hương Tình Người

Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt

Con Đường Bao Dung

Huyền Sử Việt Nam

Tư Duy và Hành Động

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ
Chương 7: Nội tâm của trẻ em tự bế

   Khi tiếp thu các tin tức hay dữ kiện, do môi trường sinh thái chung quanh cung ứng, như trong chương trước đây tôi đã trình bày, nội tâm xuyên qua cửa vào là 5 giác quan, không ghi nhận tất cả. Không ghi nhận y nguyên sự kiện thô thiển, như đã xuất hiện, trong trạng thái ban đầu. Trái lại, 5 giác quan thực thi công việc tiếp thu, bằng 3 cơ chế khác nhau :

-          Cơ chế thứ nhất là CHỌN LỌC. Nội tâm giữ lại những tin tức thích hợp cho mình và loại thải những dữ kiện không cần thiết cho mình, trong tình huống hiện thời.

-          Cơ chế thứ hai là TỔNG QUÁT HÓA. Nội tâm xếp đặt, phân loại, bằng cách lưu giữ những yếu tố cố định, thường hằng, có tính qui luật. Ví dụ, cái ly là vật dụng chứa đựng nước uống được rót ra từ cái chai hay cái bình. Và khi ai nghe tôi nói đến cái ly, người ấy không cần đặt ra nhiều câu hỏi dài dòng như : màu gì, cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu ?

-          Cơ chế thứ ba là CHỦ QUAN HÓA. Khi nói đến Sông Hương, Núi Ngự, Chùa Linh Mụ, Chợ Đông Ba, Cầu Tràng Tiền…tôi có những kinh nghiệm, kỷ niệm, hoài niệm và ý nghĩa tình cảm hoàn toàn riêng biệt cho cá nhân tôi. Một nhân vật khác, như Thanh Tịnh, Nhã Ca, Hàn Mặc Tử có thể gợi lại những địa danh trên, với những nỗi niềm trăn trhoàn toàn độc đáo của riêng họ.

    Đối với trẻ em tự bế, sự kiện là một cài gì bất di bất dịch, không thể du di, biến chế. Cô giáo hôm nay phải giống hoàn toàn như cô giáo dễ thương hôm qua. Và cô giáo ngày mai cũng phải tốt lành như cô giáo hôm nay.

    Tôi xin đan cử hai ví dụ cụ thể, để minh họa điều tôi vừa mới trình bày. Em Lô vào lớp học của tôi lúc 5 tuổi. Mỗi sáng sớm, lúc 9 giờ, em đến trường bằng xe taxi. Sáng nào cũng như sáng nào, vừa ra khỏi xe, em đã vội vã chạy vào lớp học. Gặp tôi, em Lô thét la lên vì vui mừng và quì xuống ngửi từ chân lên áo sơ mi. Em muốn kiểm chứng : phải chăng tôi vẫn là tôi như hôm trước hay không ? Mấy tháng đầu, trong lớp học, sau những câu hỏi của tôi. Em Lô không bao giờ phân biệt được « cái gì có, cái gì không có », cho nên em thường trả lời cùng một lúc « vừa có vừa không » (oui-non). Tôi thường nhấn mạnh với bộ điệu : Có là có, không là không, không thể chọn lựa cả hai được ( oui c’est oui, non c’est non).

     Sau 5 năm làm việc trong lớp của tôi, trước khi trả lời một câu hỏi, do tôi đặt ra, em Lô có thói quen đưa ngón tay chỉ vào trán, suy nghĩ lớn tiếng « Có là có, không là không ». Sau đó, em Lô mới trả lời.

    Rất lâu sau này, tôi đã gặp lại em Lô. Bấy giờ, Lô đã là một cô gái 20 tuổi. Sau khi đã đi qua nhiều lớp học khác, và đang là học sinh tại một trường khác, người học sinh xưa kia của tôi vẫn giữ câu nói « có là có, không là không », khi suy nghĩ, để trả lời cho các giáo viên hiện tại của mình.

     Ví dụ thứ hai : Em La là trẻ tự bế và có những cơn động kinh về đêm, nếu ngày ngày không uống một viên thuốc Tégrétol. Sau 5 năm làm việc trong lớp của tôi, từ lúc 5 tuổi, em La vẫn không biết nói, nhưng khả năng hiểu đã tiến bộ và đã biết tự lập, trong vấn đề vệ sinh đại và tiểu tiện. Mỗi tuần 2 lần, tôi có thói quen đem học sinh ra Sở Thú nho nhỏ, có chim, có vịt, có nai dê, thiên nga và vịt trời…Từ trường đến Sở Thú, chúng tôi cần 15 phút đi bộ. Vào năm em La lên 10 tuổi, một hôm tôi đột xuất lâm bệnh, phải nằm viện trong một tuần lễ. Ngày tôi vắng mặt lần đầu tiên, chỉ cần cô giáo thay thế tôi không lưu ý đến em La, trong vòng chưa đầy 5 phút, em La đã biến mất. Lúc bấy giờ là 10 giờ sáng. Mọi nhân viên trong phòng thư ký, cũng như những chuyên viên có mặt, đều được huy động đi tìm. Không ai tìm ra em La. Vào một giờ trưa, Sở Cảnh Sát đã điện thoại cho Giám đốc trường và yêu cầu cho người ra đem em La về.

     Để đi đến Vườn Thú như vậy, em La đã phải băng qua nhiều con đường tấp nập xe gộ và một khu rừng nho nhỏ khá quanh co. Sau biến cố này, tôi đặt ra cho mình câu hỏi : Em La có nội tâm hay không ? Và để trả lời, tôi cần phân biệt nhiều loại sinh hoạt khác nhau của nội tâm :

-          Em La đã ghi nhận những tin tức về Sở Thú và đường đi, ít nhất trên bình diện thị giác và trí nhớ.

-          Nếu biết suy luận một cách đứng đắn, chắc hẳn em La sẽ không đi như vậy, đúng như câu tục ngữ Việt Nam đã nhận xét : « Người điếc không sợ súng ».

-          Tuy không có xúc động « sợ », em La chắc hẳn có những xúc động khác như vui thích…

-          Một cách đặc biệt, em La có trí nhớ, biết ghi lại những đường đi từ trường đến Sơ Thú.

Để có thể có một lối nhìn khá đầy đủ về nội tâm của trẻ em tự bế, chúng ta hãy qui chiếu vào 3 tiêu chuẩn, do tác giả Theo PEETERS đề xuất :

1) Diễn tả và thông đạt (communication)

Trẻ em tự bế không hay là ít diễn tả mình, bằng ngôn ngữ CÓ LỜI. Nhưng các em đang diễn tả với những phương tiện khác, như mắt nhìn, cử chỉ, điệu bộ. Trong hai ví dụ trên đây, Em Lô đã học đưa ngón tay lên trán, để suy nghĩ. Và em La đã biết nhìn và phân biệt chất lượng chú ý của cô giáo, để lén đi ra khỏi lớp một cách tài tình.

2) Trao đổi, tiếp xúc (social interactions)

Thế nào là tạo quan hệ ? Trẻ em tự bế trao đổi với chúng ta, bằng ngôn ngữ cụ thể của các em. Nếu chúng ta không HỌC, để tìm hiểu, lắng nghe, coi trọng và trả lời, chính chúng ta là người không biết trao đổi. Trước khi đi du học ở Pháp và Mỹ, phải chăng người sinh viên phải bắt đầu học tiếng Pháp và tiếng Anh ? Trẻ em tự bế đang nói một loại ngôn ngữ cụ thể bằng tay chân và hai con mắt, chúng ta cần vận dụng những hình ảnh và dấu hiệu, để tiếp xúc với các em.

Điều tối quan trọng là giữa các giáo viên cùng trường, cũng như giữa gia đình và trường học, chúng ta tổ chức những buổi họp định kỳ, để thống nhất và cập nhật hóa kho từ vựng cụ thể được sử dụng giữa chúng ta và trẻ em tự bế :

-          Để diễn tả « đi chợ », chúng ta dùng hình ảnh, đồ vật hay là ký hiệu gì ?

-          Đi ngủ : phương tiện nào được dùng để thông đạt ?

-          Đi chơi : hình ảnh nào được chọn lựa, để thông báo cho trẻ em ?

-          Việc « Đi vệ sinh » được trình bày với ký hiệu nào ?

Với ba cấp bậc « đồ vật, hình ảnh và ký hiệu », ngôn ngữ chúng ta dùng càng ngày càng xa rời khỏi thực tế cụ thể và trở thành trừu tượng. Tuy nhiên, với những trợ ngôn này, chúng ta vẫn dùng lời nói bình thường mỗi ngày. Trẻ em và chúng ta không phải là những người khiếm thính.

Điều quan trọng hơn tất cả mọi điều vừa được đề xuất và đề nghị là ý nghĩa của công việc tạo quan hệ hai chiều với trẻ em. Hẳn thực, mỗi ngày trẻ em cần học 4 động tác là : Xin, Cho, Nhận và Từ chối. Và người lớn như thầy cô và cha mẹ cũng phải biết Xin, Cho, Nhận và Từ chối, thay vì áp đặt, la mắng, đánh đập, thiếu kính trọng. Không làm người, chúng ta không thể dạy ai khác làm người. Dù trong thực tế và điều kiện hiện tại, trẻ em có vô lễ, hỗn hào và « mất dạy », đến độ nào chăng nữa, đích điểm mà chúng ta nhắm tới là con người có giá trị, ngang hàng chúng ta. Nếu đích điểm không luôn luôn có mặt trong con mắt và lối nhìn của chúng ta, chúng ta chỉ là « con dã tràng xe cát bể Đông ».

3) Tưởng tượng, hình dung, hình tượng, thuyên giải (imagination, interpretation, symbolism, representation)

Phần vụ hay là chức năng chính yếu của nội tâm là thuyên giải, tìm ra ý nghĩa. Công việc này đòi hỏi phải có khả năng biến chế, chuyển hóa những tin tức và sự kiện ở tình trạng thô thiển, thành những vật tư xây cất ngôi nhà ý thức và hiểu biết, còn mang tên là tư duy.

Để thuyên giải và làm công việc tư duy, trẻ em cần phải học sáng tạo, chủ động, trở thành chủ thể, có khả năng liên kết các dữ kiện hay là tin tức lại với nhau :

-          Liên kết các sự kiện đang có mặt, để đề xuất một giả thuyết.

-          Liên kết những gì đã có mặt ngày qua với những gì đang xảy ra hôm nay, bằng cách vận dụng trí nhớ, hoài niệm.

-          Liên kết những gì đang hiện hữu, với những điều mà chủ thể có thể tưởng tượng, dự phóng cho tương lai gần và xa.

-          Liên kết 2 vật dụng khác nhau, trong địa hạt hình tượng hay biểu tượng, bằng cách dùng vật này để thay thế cho vật khác, trong các trò chơi giả bộ hay là trong những câu chuyện dụ ngôn.

-          Liên kết một điều kẻ khác đã nói và chúng ta tin, dựa vào quan hệ đã được kết dệt giữa họ và chúng ta. Những tin tưởng ấy (beliefs) cho phép chúng ta THẤY được điều mà chúng ta muốn tìm. Hẳn thực, khi không có một câu hỏi trong nội tâm, con mắt bên ngoài sẽ không thấy được gì ở dưới bề mặt nông cạn.

-          Liên kết trong địa hạt Đồng Cảm là dựa vào nét mặt bên ngoài, tôi có khả năng đọc được tâm tình và xúc động đang có mặt trong nội tâm.

   Xuyên qua bao nhiêu nhận định ấy, tôi muốn nhấn mạnh một điều quan yếu : ý nghĩa không bao giờ có sẵn trước mắt. Chính chúng ta sáng tạo ra ý nghĩa, từ những vật liệu còn ngổn ngang đang đến, đã đến và sẽ đến và có thể đến với chúng ta.

    Công cuộc sáng tạo ý nghĩa như vậy là kết quả của một quá trình học tập, kinh nghiệm, trao đổi và tiếp xúc. Hẳn thực, tôi là một chủ thể có khả năng chọn lựa và quyết định ý nghĩa cho đời tôi. Nhưng tôi không thể phủ nhận vai trò đóng góp của bao nhiêu chủ thể hữu hình và ảnh hưởng lớn lao của từng từng lớp lớp cha ông và đàn anh đã ra đi. Con người có văn hóa là những ai biết trồng trọt và chuẩn bị cho hậu lai. Nhưng đồng thời họ bảo tồn di chúc và di sản của các bậc tiền bối. Bịt mắt không nhìn và học bài học của quá khứ và lịch sử, chúng ta sẽ muôn đời trầm luân trong vòng luân hồi khổ đau. Nói cách khác, con người có văn hóa là những ai nhận ra 3 chiều kích của bản thân mình : chiều dọc vì tôi là người truyền thừa. Chiều ngang, vì tôi đang đồng hành và chia sẻ. Chiều sâu, vì tôi thấy được ý nghĩa luôn luôn là một tảng băng sơn, vừa có mặt nổi hữu hình, vừa có mặt chìm đang vô hình.

٭٭٭

    Với trẻ em tự bế, từ lứa tuổi 2-3 năm, không có trò chơi giả bộ, không có khả năng đồng cảm, không biết đi tìm những gì đang thiếu vắng, đang bị che khuất. Giữa lúc ấy, với trẻ em bình thường cùng tuổi, những khả năng ấy xuất hiện một cách tự nhiên và dễ dàng, trong khi các em chơi với mẹ, với ba, với anh chị em và các bạn bè cùng lối xóm.

     Dù mảnh đất có khô cằn, chai sạn đến bao nhiêu, là một đứa con nhà nông, tôi biết rõ trong da thịt, mồ hôi và nước mắt rằng : ai gieo trong khổ đau, không nhiều thì ít, người ấy gặt trong hân hoan. Bao nhiêu bà mẹ có con cái rất thông minh, vào tuổi bà lên 40-50, ngôi nhà đã trống trơn. Vì nghề nghiệp, con cái đã tản mác khắp bốn phương. Đương khi đó, bà mẹ có đứa con khuyết tật, lên tới tuổi đời 70, bà vẫn còn có con thỏ thẻ và bi bô bên mình. Đâu là gánh nặng ? Đâu là hồng ân ? Tất cả tùy thuộc vào lối nhìn của nội tâm. Khi TÂM hạnh phúc, tôi sẽ thấy hạnh phúc trong chén cháo, củ khoai, trong công việc lam lũ hằng ngày. Trái lại, khi TÂM không an lành, tu đến chức Đại Sư như Đạo Hạnh và « đã nếm trải tột cùng quyền lực, tột đỉnh vinh hoa, bao lạc thú của thiên hạ đều có thể tụ về dưới ngón tay trỏ của mình »… vẫn còn phải chờ kiếp đọa đày khác, để hóa thân.[1]

٭٭٭

Với một tư duy khô cằn, sỏi đá đến độ nào chăng nữa, trẻ em tự bế vẫn có thể học, nếu những giáo viên có những hiểu biết đứng đắn về nội tâm của trẻ em.

-          Em A khi chơi, chỉ muốn xếp hàng những viên bi của mình, theo một thứ tự bất di bất dịch. Thứ tự tạo cho em có cảm nghiệm an toàn. Em có xu thế muốn kiểm soát tất cả, đương khi người và vật chung quanh di chuyển một cách tứ tung và lộn xộn. Hẳn thực, trong lúc đi dạo, khi thì mẹ đi bên mặt, lúc khác lại chạy qua bên trái… Chỉ chừng ấy đã làm cho em mất an toàn nội tâm. Và em không biết diễn tả thế nào tình huống ấy. Cho nên em có hành vi loay hoay, bất an, loạn động.

-          Lúc lên 2-3 tuổi, em B một hôm đi chơi sở thú với ba. Khi hai cha con đang chơi đùa vui vẻ, trên thảm cỏ xanh, một con ong bay tới đốt cánh tay trần của em. Từ đó, thảm cỏ xanh ở bất cứ nơi nào, đã trở thành một cực hình cho em. Cho nên, mỗi lần mẹ mặc áo xanh giống màu cỏ, em gào thét, chạy tới lôi kéo tà áo của mẹ. Mẹ không hiểu rằng đứa con muốn mình cổi áo xanh ra. Sau bao nhiêu năm, người cha không còn có hoài niệm về buổi đi chơi ở sở thú. Nhưng đối với em B, màu xanh là sở thú. Và sở thú là con ong đã chích cánh tay của mình. Màu áo xanh của mẹ gợi lại hình ảnh bị con ong đốt trên cỏ xanh.

    Nói cách chung, trẻ em tự bế chỉ thấy những chi tiết vụn vặt, rời rạc, nhưng rất quan trọng đối với các em. Đương khi ấy, để nhận thức được ý nghĩa của một hiện tượng, chúng ta cần có một lối nhìn toàn diện về hiện tượng ấy.

    Ở dưới 5 loại hành vi hay là 5 dấu hiệu khách quan bên ngoài, mà chúng ta đã cùng nhau khảo sát trong chương Một, mặt chìm của tảng băng sơn lớn lao đang bị che khuất, bao gồm những thực tế hay là ý nghĩa cần khám phá và giải quyết :

   -  Trẻ tự bế không ý thức về những qui luật, những thứ tự giống như chúng ta. Chúng ta hãy quan sát, lắng nghe và tìm hiểu, để rồi cụ thể hóa cho các em những qui luật quá trừu tượng ấy.

   -  Ngôn ngữ chúng ta dùng cũng rất trừu tượng. Trước đây, thể theo những cách chỉ dẫn của Theo PEETERS, tôi đã đề nghị dùng những đồ vật, hình ảnh, ký hiệu, để cho trẻ em có thể vừa thấy, vừa nghe, vừa đưa tay đụng đến.

   -  Trong địa hạt quan hệ trao đổi, thay vì áp đặt, cưỡng chế từ trên, từ ngoài, chúng ta bắt đầu quan sát, lắng nghe, tìm hiểu : Trẻ em đang xin gì ? Trẻ em đang từ chối gì ? Chúng ta cần tìm cách dạy trẻ em « hãy cho » bằng cách nào. Khi nhận, phải làm gì ?

Khi đứng lớp, chúng ta hãy xoáy lui xoáy tới bốn bài học ấy, với những học cụ ổn định, thường hằng và rõ ràng. Họa may, « có công mài sắt, ắt ngày thành kim ».

Ví dụ, khi muốn ăn, trẻ em cần diễn tả làm sao cho thầy và cô hiểu ? - Đi tìm một cái đĩa và mang đến ? - Đưa tay lên miệng, làm dấu ăn ? – Kết hợp cả hai cách ?

Sau cùng, trò chơi giả bộ cũng là một bài học : đút cơm cho con búp bê, đặt búp bê vào giường, tắm gội, dẫn đi chơi, ru ngủ…

Tôi sẽ trở lại với bài học diễn tả xúc động, khi đề cập lối nhìn của Phân Tâm Học về những khó khăn của trẻ tự bế trên tiến trình phát triển và học tập. 
 


[1] VÕ THỊ HẢO  -  Giàn Thiêu  - Nhà XB Phụ Nữ, Hà Nội 2003, tr 455-456.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!