Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Văn Thành
Mục Lục

Lời Mở đầu

Chương Một : Đoái thương nhìn cuộc đời

Chương hai: Nhìn Đời với Trăm Con Mắt

Chương Ba: Lắng nghe tiếng kêu trầm thống của nội tâm

Chương bốn: Lắng nghe với trăm lỗ tai

Chương Năm: Học làm người trong từng giây phút của cuộc sống

Chương Sáu: Quan hệ hài hòa, đồng cảm

Chương Bảy: Tuyên dương và Khen thưởng những bước đi làm người

Thay lời cuối: Ông Đồ Sộ

Phụ Trương Một: Khổ đau và hạnh phúc

Phụ Trương Hai: Khi chúng ta tiếp xúc và trao đổi

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !

Lòng Tự Tin - Hành trang cho ngàn năm thứ ba

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải

Bản câu hỏi về tính tình

Phát Huy Quan Hệ Xã Hội Trong Vấn Đề Giáo Dục Trẻ Em Tự Kỷ

Trong Đức Kitô

Nguy cơ Tự Kỷ (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ

Quan hệ mẹ con : Bài học đầu tiên của cuộc sống

Phương Pháp Tâm Vận Động

Trẻ Em Chậm Phát Triển

Đồng Cảm Để Đồng Hành

Lắng Nghe Chúa Thánh Thần

Đối Thoại Một quê hương Tình Người

Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt

Con Đường Bao Dung

Huyền Sử Việt Nam

Tư Duy và Hành Động

Đồng Cảm Để Đồng Hành
Lời Mở đầu

Nhằm hướng dẫn quần chúng mộc mạc đơn sơ có những khả năng hiểu biết cơ bản và chứng nghiệm một phần nào về quan hệ đồng cảm giữa người với người :

-   Đồng cảm là gì ?

-   Khi đồng cảm với tha nhân, cần thực thi những động tác cụ thể nào ?

Cha ông, tổ tiên chúng ta thường sử dụng hình tượng "Quan Thế Âm".

Ngài có trăm con mắt, để nhìn ngắm cuộc đời, dưới tất cả mọi gốc độ chìm nổi, lớn bé khác nhau.

Ngài có trăm lỗ tai, để lắng nghe tiếng kêu trầm thống, từ bốn phương chân trời vọng lại.

Ngài có trăm đôi chân, để lại gần, cùng có mặt với những người đang khổ đau, buồn chán, thất vọng, bị áp bức và sống lầm than.

Ngài có trăm đôi tay, để băng bó vết thương cho mỗi anh chị em đồng bào, đồng loại, không phân biệt màu da, nguồn gốc, địa phương, chính kiến, tôn giáo, giai tầng xã hội.

Ngài có trăm bộ mặt : Ông bác sĩ, chàng kỹ sư, cô y tá, người nông dân, bà giúp việc... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của từng người trong mỗi hoàn cảnh đặc thù.

Ngài có trăm quả tim, để phập phòng, trăn trở, chia sẻ, đồng hành. Ai tan nát mà lòng Ngài không thổn thức, nhức nhối ? Ai tê liệt, kiệt quệ mà Ngài không cúi xuống nâng đỡ, hiến tặng một sức sống vươn lên ? Ai lần mò, dò dẫm trong bóng đêm mịt mù mà Ngài không đốt lên một tia nắng hy vọng ?

Sống bên cạnh Ngài, người tốt càng ngày càng tốt hơn. Người xấu, trái lại, không nhục nhã, thấy mình bị kết án, phê phán, tố cáo và loại trừ. Cho nên cái gì đã "hữu xạ", có hương sắc thanh cao trong bản thân của họ, sẽ từ từ được đánh thức, chỗi dậy, nẩy mầm, đâm mộng, "tự nhiên hương", tô điểm cho cuộc đời.

Ngài là một bóng mát bao la, giữa trưa hè đứng ngọ. Được Ngài đùm bọc, che chở, chúng ta cảm thấy mình an lành, tươi thắm, được chấp nhận và đón nhận với tất cả điều kiện hiện hữu của mình. Xuyên qua cách nhìn và lối đãi ngộ của Ngài, ai ai cũng ý thức rằng mình là nhân vật quan trọng, có giá trị nội tại, nằm sẵn trong từng tế bào, thớ thịt, chứ không phải được vá víu, chắp nối, thêm vào một cách giả tạo từ bên ngoài.

Theo bước chân Ngài, tôi làm một chủ thể tự do, có khả năng sáng tạo hạnh phúc cho bản thân và những ai tiếp cận với tôi. Trong lối nói của văn hào Paulo Coelho, tôi là người "luyện vàng". Đồng, chì, sắt, thép, cho dù là ai... ở trong quỷ đạo của tôi, từ từ họ sẽ biến thành vàng nguyên chất.

Trong lòng đất nước và dân tộc, ngày hôm nay, thuộc thời đại Nghìn năm thứ ba, còn có chăng những vị bồ tát Quan Thế Âm? Phải chăng quê hương nầy muôn đời vẫn là trời đất của lòng Bao dung, Tha thứ, Đồng cảm và Quảng đại ? Đoàn đoàn lũ lũ con cháu của chúng ta đang sinh ra, tiếp tục nhau lớn lên. Cơ hồ, Thánh Gióng trước ba tuổi, chúng nó cũng chậm phát triển, không biết đi, không biết nói. Chúng nó chờ bà con họ hàng, người đồng hương, đồng bào "Cho ăn, cho mặc, cho ngựa, cho gươm", để có khả năng đứng dậy, lên đường nghe theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, đi cứu Nước, cứu Nhà, mang về thái hòa cho anh chị em, trên mọi nẻo đường của cả ba miền đất nước.

Hẳn thực, như cha ông chúng ta đã thường nhắc tới, "không thầy đố mầy làm nên", nếu hôm nay, người đi trước không tìm cách đứng đắn và tốt hảo, để dạy cho người đến sau, trong tương lai "Con Rồng Cháu Tiên" sẽ là những thế hệ mang số phận con thiêu thân, ngày ngày lăn xả vào con đường hận thù, bạo động, chia rẽ, chiến tranh, đàn áp, bốc lột, hối lộ, tham tàn ..., để cuối cùng tự hủy diệt và biến mất khỏi mặt địa cầu !

Trong tinh thần và chí hướng "Trồng Cây Đức, nuôi con ăn", do Nguyễn Trãi đã khai vạch, cách đây hơn năm thế kỷ, tập sách này muốn đề xuất một mục tiêu "Mở rộng cửa Nhân mời khách đến". Bằng con đường nghiên cứu, học hỏi và nhất là nhìn người để hiểu mình, ước gì ai ai trong chúng ta cũng sẵn sàng mở cửa lòng cho thật rộng, mời khách đến. Vì tiền đồ của quê hương, dân tộc, chúng ta cần học những bài học sau đây :

Thứ nhất : Thế nào là nhìn đời với trăm con mắt ?

Thứ hai : Cần phải làm những gì, khi lắng nghe kẻ khác với trăm lỗ tai ?

Thứ ba : Đồng hành, đồng sự với trăm bàn tay, với trăm đôi chân, trong những quan hệ giữa người với người, đòi hỏi những tác phong và thái độ cụ thể nào ?

Thứ bốn : Khi mang vào mình một trăm quả tim, để sống với kẻ khác trong môi trường gia đình cũng như ngoài xã hội, tôi thâu đạt những thành quả gì?

 * *  *

 Để tháo mở bao nhiêu thắc mắc lớn lao và phức tạp ấy, tôi không buộc trói mình hay là lôi kéo người khác vào trong những vòng mê cung lý thuyết xa lạ, viễn mơ hoặc giáo điều ... tôi đi tìm con đường hiểu biết và tình thương. Điều chính yếu không phải là những kiến thức quảng bá, nhưng là những cách "biết làm, biết sống", có tác dụng thăng tiến cuộc sống làm người hằng ngày :

Hiện tại tôi ở đâu ?

Cần đi về hướng nào ?

Kết thúc ở chỗ nào ?

Đâu là những cạm bẫy đang đón chờ ?

Tôi sẽ chuyển hóa tình hình thế nào ?

Khi nào dừng lại ?

Khi nào phải rút lui vì lầm đường ?

Nội lực đang thúc đẩy tôi vượt qua mọi thách  đố và thực hiện hoài bảo của mình bao gồm những nhân tố nào ?

Khi đặt câu hỏi cho nhiều vị thầy mà tôi có cơ may gặp gỡ trên mọi nẻo đường của nhân loại, từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, tôi luôn luôn tìm cách chuyển dịch những sứ điệp muôn màu muôn sắc của họ thành những động tác cụ thể và khách quan, để thực thi hằng ngày với tất cả khối óc và con tim. Tôi từ từ đi tới, theo từng bước "cháo nóng húp quanh", hay là "kiến tha lâu đầy tổ", có mặt trong nền văn hóa Việt Nam, từ đời Hồng Bàng cho tới ngày hôm nay.

Khác với những cuốn sách được tôi xuất hành trước đây, tác phẩm nầy không đi theo lối tầm chương trích cú, trình bày, trích dẫn, lý luận một cách bài bản, có hệ thống ... Ở đây, như trong một thiên hồi ký, tôi thả mình trôi theo dòng chảy của tư duy tìm kiếm, học hỏi, chứng nghiệm. Tôi biến thân thành con ong mật đi tìm hoa hút nhụy đó đây. Và khi trở về, tôi hy vọng có khả năng làm ra mật cho bản thân và cuộc đời, bằng cách đi lại những bước chân của Bồ Tát Quan Thế Âm.

Trên con đường đồng hành khắp muôn nơi, tôi xác tín rằng thế nào trong vòng anh chị em đồng bào, bạn bè, bà con xa gần ..., cũng sẽ xuất hiện những vị Bồ Tát Quan Thế Âm "đang thành và sẽ thành". Họ mặc nhiều chiếc áo, mang nhiều hình hài khác nhau : một bà mẹ nuôi con. Một người cha làm lụng vất vả, phục vụ gia đình. Một người phu quét đường phố. Một nhà nông dân đang cuốc đất trồng khoai. Một vị lãnh đạo "chăn lạnh choàng vai đêm chẳng ngủ, suĨt đời ôm mãi nỗi lo dân"; theo cách hình dung của Nguyễn Trãi.

Mặc dù họ là ai, tất cả cùng nhau làm nên một Quan Thế Âm tròn đầy và viên mãn, bất tận và bất tử, trong lòng Đất Nước và Quê Hương.

Nhìn từ ngoài, có lẽ chúng ta đang là một hỗn hợp, chắp nối lộn xộn; cơ hồ "ngàn sông, ngàn nước, ngàn mảnh trăng rơi ...".

Nhưng từ bên trong, bản sắc của tất cả chúng ta chỉ là một; "muôn dặm không mây chỉ một bầu trời !"



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!