Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Đỗ Hữu Nghiêm
Mục Lục

Lời Tri Ân

Phần I: Khung Cảnh Tổng Quát, Chương I: Từ Thiên Nhiên Đến Con Người

Chương II: Lý Tưởng và Mục Tiêu Giáo Dục

Phần II: Lịch Sử Thành Lập, Chương III: Điều Kiện Hợp Pháp Đến Hoạt Động Thực Tiễn

Chương IV: Hội Đại Học Đà Lạt

Chương V: Quá Trình Thành Lập Viện Đại Học

Chương VI: Khối Hành Chánh

Chương VII: Khối Tâm Linh

Chương VIII: Khối Phục Vụ Chuyên Biệt

Chương IX: Khối Học Thuật

Chương Mười: Một Số Dự Án của Viện Đại Học Đà Lạt

Phần III: Khối Học Vụ: Các Phân Khoa; Chương XI: Trường Sư Phạm

Chương XII: Trường Văn Khoa

Chương XIII: Trường Khoa Học

Chương XIV: Trường Chánh Trị Kinh Doanh

Chương XV: Trường Thần Học

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Viện Đại Học Đà Lạt Giữa Lòng Dân Tộc Việt Nam 1957-1975

“Mến Thánh Giá” (1670-2008)

Viện Đại Học Đà Lạt Giữa Lòng Dân Tộc Việt Nam 1957-1975
Chương Mười: Một Số Dự Án của Viện Đại Học Đà Lạt

Vào năm 1974, Hội Đồng Viện Đại Học Đà Lạt đã có phiên họp đi đến một số quyết định quan trọng:  

1. Hợp Thức Xây Dựng Phân Khoa Thần Học: Để phát huy tính năng cơ bản là một Viện Đại Học Công giáo toàn quốc, Viện chấp nhận toàn bộ Chương trình và Ban Giảng Huấn của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X là hợp thức để có thể đủ tư cách cấp phát văn bằng Cữ Nhân Thần Học, theo danh nghĩa của Phân Khoa Thần Học của Viện Đại Học Đà Lạt

Học viện này có tên là Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt (Dalat Pius X Pontificale Collegium. Cơ sở này là một tài sản của Giáo Hội Trung Ương tại Vatican, và thực tế được giao cho Dòng Tên quản trị. 

2. Huấn Luyện Nhân Viên Giảng Huấn:  

Các phân khoa của Viện xúc tiến dự án cho nhiều nhân viên giảng huấn còn trẻ có nhiều triển vọng đi du học đào tạo tại các nước tiền tiến như Pháp, Anh, Đức, Mỹ, … như các sinh viên Lê Văn Khuê, Nguyễn Văn Hòa (VK) đi Mỹ; Trần Văn Cảnh (SP), Lê Ngọc Minh (KH) đi Pháp, …Dưới thời Linh Mục Viện Trưởng Lê Văn Lý, sinh viên đầu tiên được cho đi du học tại Mỹ là Phạm Văn Hải, chuyên về Ngữ Học. Sau này anh được mời vào giảng dậy tại Trường Đại Học Georgetown ở Thủ Đô Washington, DC. Khi đó tất cả các sinh viên được gửi đi du học ở nước ngoài đều do học bổng của các cơ quan bên ngoài. Thực tế Viện chưa khủ điều kiện để tài trợ toàn bộ học phí, và các phi tổn liên quan như cư trú và sinh hoạt, bảo hiểm y tế, chuyên chở, … cho nhiều sinh viên.    

3. Nâng Cao Kỹ Năng Quản Trị Đại Học  

Viện Đại Học Đà Lạt cũng gửi đi tu nghiệp một số nhân viên có triển vọng tham gia guồng máy quản trị xây dựng Viện Đại Học sau này. Cụ thể là Viện cử đi hai người: GS Phạm Thiên Hùng, GS Đỗ Hữu Nghiêm, đi tham dự khóa tu nghiệp về Quản Trị Đại Học trong sáu tháng tại Manila (Asian Institute of Management, Học Viện Quản Trị Á Châu), từ ngày 31/5/1974, do tài trợ của cơ quan Asia Foundation.

Về sau, có thêm Bà Ánh Nguyệt được cử đi tham dự. Bà đã được bổ nhiệm một thời gian ngắn làm Giám Đốc Thư Viện trước khi Sư Huynh Théophane Nguyễn Văn Kế thay thế.

Ngoài ra một số chuẩn bị cho các dự án đã được LM Viện Trưởng dự kiến nhưng chưa đem ra bàn bạc rộng rãi và quyết định trong Hội Đồng Viện. 

4. Hoàn Thiện Từng Bước Cơ Cấu Tổ Chức Và Nhân Sự.  

Một số chức vụ cần thiết của Hội cũng như Viện, đảm nhiệm việc quản trị điều hành hành chánh xử lý thường vụ tổng quát và công tác văn phòng của Viện, cải thiện một số chức vụ nhân viên giảng huấn, tuyên úy, thư viện, soạn thảo các văn kiện xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn các chức vụ quản trị khác. Dưới thời LM Simon Nguyễn Văn Lập làm Viện Trưởng, trên Thẻ Sinh Viên của sinh viên Nguyễn Thị Phấn Hoa KD7, Năm Nhập Môn CTKD, còn chữ ký của Tổng Thư Ký Trần Quang Diệu ký TL Viện Trưởng ngày 30 tháng 12 năm 1969 tại Đà Lạt[81]. Phải chăng, chức vụ Tổng Thư Ký này của Viện Đại Học Đà Lạt gắn liền với sự chấm dứt nhiệm kỳ của Linh Mục Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập? Khi người viết được liên Bộ Giáo Dục và Quốc Phòng biệt phái đến làm việc tại Viện vào cuối năm 1971, thì không thấy còn chức vụ này[82]  

5. Kiến thiết Cư Xá Nhân Viên.  

Song song với kế hoạch đó, việc mở rộng cơ sở của Viện Đại Học Đà Lạt tại Khu C đã được tiến hành, sơ khởi dành cho các nhân viên giảng huấn. Đã có gia đình GS Nguyễn Hồng Giáp, và Phụ Khảo Nguyễn Thanh Châu tình nguyện ra dọn về cư ngụ tại khu này từ 1973. Hiện nay dưới chế độ mới, GS Nguyễn Thanh Châu - Quảng Hoa vẫn được tái tuyển dụng giảng dậy trong Viện Đại Học và đang cư ngụ tại cư xá nhân viên giảng huấn khu C. Được biết GS Nguyễn Thanh Châu là con trai của một liệt sĩ kháng chiến chống Pháp. 

6. Dự Án Xây Dựng Phân Khoa Mới  

Viện Đại Học quyết định dự án vận động nhân sự và tài chính để thiết lập thêm trường Đại Học Y Khoa. LM Viện Trưởng Lê Văn Lý với GS phụ tá hành chánh tháp tùng, đã có dự tính vào kỳ nghỉ hè năm 1975, sẽ du hành vận động tài chính và nhân sự tại ít nhất ba nơi là Pháp, Đức và Mỹ, cho kế hoạch thiết lập Trường Đại Học Y Khoa Đà Lạt cho vùng Cao Nguyên. Việc chuẩn bị một khu đất nền rộng lớn đã được san bằng sẵn ở một sườn đồi Khu A quay về hướng bắc, gần phía Trung Tâm Nguyên Tử Lực Cuộc Đà Lạt. Yểm trợ cho hoạt động xây dựng này, Viện Đại Học không thể thiếu được sự hợp tác tích cực quí báu của anh em Công Binh Đà Lạt Tuyên Đức do Thiếu Tá Nguyễn Văn Huấn (nay ở San Diego, Calif.) làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn công binh đóng tại Tam Bố ở quận Đức Trọng. 

7. Mở Rộng Hợp Tác Và Phát Huy Tính Năng Viện Đại Học Cao Nguyên 

VĐHĐL cũng xúc tiến xây dựng quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở giáo dục nghiên cứu trong cũng như ngoài nước dự án phát huy thế mạnh của một Viện Đại Học vùng Cao nguyên về nhiều phương diện, như ngữ học, dân tộc học, và khảo cổ học, lâm khoáng sản và thủy điện nơi cộng đồng dân tộc ít người ở Cao Nguyên Miền Trung Việt Nam:

- Với Viện Đại Học Honolulu cụ thể qua giáo sư Wilhem Solheim II[83] (khảo cổ Cao Nguyên)

- Với Viện Chuyên Khảo Ngữ Học Mùa Hè[84] của Đại Học North Dakota qua Tiến Sĩ David Thomas, mà LM Lê văn Lý đã có quan hệ từ rất sớm (1957) khi ngài còn dậy ở Tiểu chủng viện Piô XII, Ngã Sáu Chợ Lớn. Dự án này thành hình, Viện Đại Học Đà Lạt còn có thể trở nên một Trung Tâm Nghiên Cứu Đa-Liên Ngành và Học Tập Đặc Trưng về các vấn đề nhân chủng, xã hội và thiên nhiên của cộng đồng các dân tộc ít người ở Cao Nguyên Miền Trung Việt Nam.

Được biết từ cuối niên khóa 1960-61, Ban Điều Hành đầu tiên của Viện Đại Học Đà Lạt đã muốn thi hành dự án lập các Phân Khoa Kỹ Thuật lúc đó chưa có trong các Viện Đại Học Quốc Gia. Viện đã dự tính thiết lập Trường Nhân Viên Ngoại Giao (School for Diplomatic Agents[85]) tại Viện vào năm học 1962-63. Nhưng tình hình sau đó đã không cho phép. 

8. Thành Lập Hội Thân Hữu Thụ Nhân, qui tụ Giáo Sư và Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt. Một dự án bắt đầu được xúc tiến thi hành khẩn trương từ niên khóa 1975-76. Nhưng thời cuộc đã xóa hết bàn cờ xã hội của đất nước.    
--------------------------------------------------------------------------------
 
[1] Toàn bộ bản dịch tiếng Anh theo Nguyên Văn trong Dalat University, đd., t.42

[2] Toàn bộ bản dịch tiếng Anh theo Nguyên Văn trong Dalat University, đd., t.43

[3] Chỉ Nam Sinh Viên niên khóa 1973-74, đd, t.8

[4] Dalat University, đd., t. 29-30

[5] Niên Giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Hà nội, NXB Tôn giáo, 2005, 965t., 15x21cm. đóng bìa cứng. Theo ký ức của Sư Huynh Théophane Nguyễn Văn Kế thì VĐHĐL được thành lập từ 1956. Nhớ lại cảnh cũ người xưa: Đại Học Đà Lạt. Đặc San Frère Kế, California 12/2003, t. 156-158 trong Ban Điều Hành Hội Ái Hữu Thụ Nhân Viện Đại Học ĐàLạt Nam California: Đặc San Sư Huynh Théophane Nguyễn Văn Kế (ĐSSHKế). “Frère Kế, Thụ Nhân và một đời hiến dâng cho giáo dục.” Southern California, USA (12/2003), 183 t., pdf., in font 12, t. 156

Theo diễn văn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đọc ngày 7 tháng 10 năm 1957, trước phiên họp Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa tháng 10 năm 1957, có câu: “Authorization has been granted for the creation of a private University in Dalat. Đã thuận cấp phép thành lập một Viện Đại Học tư tại Đà Lạt”.

Tài liệu thứ hai là bài tóm tắt về tiểu sử của GM Ngô Đình Thục của  Jean Marie Roger Kozik, (được GM Ngô Đình Thục truyền chức GM sái phép năm 1978), sáng lập hội Fraternité Notre Dame ở Chicago, Hoa Kỳ ghi rõ: “Mở và chuẩn bị ban đầu cho Viện Đại Học Đà Lạt do Giám Mục Ngô Đình Thục thành lập, 1957; được thăng Tổng Giám Mục đầu tiên của Gp Huế, do Giám Mục Brini xướng lập và được bổ nhiệm làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Đông Dương năm 1959”. Như vậy năm thành lập VĐHĐL chắc chắn là năm 1957.

Tài liệu của Griff Ruby nói GM Ngô Đình Thục cũng lập VĐHĐL. “Viện này trên thực tế đã được thành lập từ chỗ đổ nát, nhưng khi một trong những anh em của GM NĐT đã lên nắm quyền, thì ông cho GM Thục được quyền khai thác một khu rừng để thu lợi gây quỹ cần thiết.”

GS Trần Long đã viết căn cứ theo tài liệu của Viện, nhưng không kể rõ văn kiện nào: "Tháng 8, 1957 Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam thành lập VDHDL tọa lạc ngay trung tâm văn hóa của thành phố du lịch Đà Lạt. Cố Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập, Viện Trưởng VDHDL từ năm 1961 đến 1970, chọn từ ngữ Thụ Nhân làm phương châm cho Viện để thể hiện quan điểm thăng hoa con người qua thành quả giáo dục." [“Tổng quát về Viện, Trường, Khóa 7 CTKD” trong Đặc san Khóa 7/CTKD (12/2005), t.9]

Nhưng ngày 16 tháng 01năm 1969, Đức Phaolô VI có gửi một lá thư chúc mừng cho LM Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập và toàn thể Viện Đại Học nhân lễ tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Đại Học Đà Lạt (1959-1969). Như vậy có thể giải thích là năm 1956 đã có cuộc vận động thành lập VĐHĐL, nhưng năm 1957 mới có giấy phép mở VĐHĐL, thực sự từ năm 1958 đã bắt đầu và năm 1959 hoạt động chính thức. Vì thế LM Viện Trưởng mới làm Kỷ niệm 10 năm (1959-1969) vào năm 1969. 

[6] Theo GS Nguyễn Khắc Dương, Viện Đại Học Đà Lạt được thành lập năm 1959 dưới thời Chính Phủ Ngô Đình Diệm, do Giám Mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục sáng lập. Năm 1966, lên VĐHĐL ông vẫn thấy ba năm sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về Viện này. Sau chính biến 1963, Viện Đại Học Đà Lạt bị chính phủ miền Nam cho là gắn liền với chế độ Ngô Đình Diệm, nên có cái nhìn không mấy quân bình mà có phần ác cảm. Do đó vào những năm 1963,64,65, Viện đã gặp rất nhiều trở ngại. Ví dụ về tài chánh, một số tài sản làm cơ sở tài chánh của Viện bị phong tỏa, thậm chí có lúc vấn đề tịch biên được đặt ra, ban giáo sư bị hạn chế, nơi ăn ở của sinh viên từ các nơi khác đến cũng nan giải. Có lúc LM Viện Trưởng phải chạy đi mượn tiền để thanh toán tiền lương cho giáo sư và nhân viên (Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương: Sđd, t.156.)

[7] Dalat University, đd., t. 30

[8] Đỗ Hữu Nghiêm: Phỏng vấn ông Đinh Văn Bài tại Norfolk, Virginia Beach, ngày 25 tháng 5, 2004

[9] Có lẽ thực tế là LM Nguyễn Văn Thạnh, phụ trách trông coi nhiều tài sản thuộc giáo phận Sàigòn. Phải chăng sở dĩ có điều chưa được rõ rệt trong giai đoạn này, vì sự phân phối quyển quản nhiệm một số tài sản của giáo hội giữa địa phận Sàigòn và Viện Đại Học Đà Lạt chưa ổn định xong khi đó?

[10] Tài liệu Dalat University liệt kê những khoản tiền của Hội Việt Nam Viện Trợ Giáo Dục Cao Đẳng để xây dựng các hạng mục trong Viện Đại Học Đà Lạt từ 1958-1961. Sau giai đoạn này, thì không thấy nói đến Hội này nữa.

[11] Qui Chế (Statutes) này đựọc làm tại Sàigòn ngày 20/6/1957. do các Giám Mục ký tên sau đây: Ngô Đình Thục, Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi, Phaul Seitz (Kim), Marcel Piquet (Lợi), Nguyễn Văn Hiền, J.B. Urrutia (Thi), Trương Cao Đại và Nguyễn Văn Bình. Qui chế này đính kèm Nghị Định số 67/BNV/NA/P5 ngày 8/8/1957 có chữ ký Bộ Trưởng Nội Vụ Nguyễn Hữu Châu xác nhận đính kèm cùng ngày, vào sổ phòng 4 Sàigòn, quyểhn 375, tờ 32, số 196, lệ phí 24VN$. Bản Dịch tiếng Anh theo y Bản Chính ngày 4/7/1961 do Thông dịch viên hữu thệ với chữ ký của Trần Văn Thoan, Sollicitor General cùng ngày tháng năm.

Qui chế HĐHĐL gồm có 5 chương. I. Mục đích (điều 1,2,3) Ch.II Hội Viên (đ. 4,5) Ch.III Hội Đồng Quản Trị (đ. 6, 7,8, 9,10). Ch.IV Đại Hội Đồng (đ. 11,12,13,14, 15, 16. 17). Ch. V Giải tán (đ. 18). Dalat University, đd., tt. 35-41

[12] Dalat University, đd., t. 32

[13] Chỉ Nam Sinh Viên 1973-74 đd., t. 18

[14] Hiện nay hữu dưỡng tại nhà riêng của ngài trên khu nhà đất ở bên trái xa lộ Điện Biên Phủ, nếu đi từ Sài gòn đi ra ngoại thành ở phía Bắc.

[15] Trần Long: Hồi Ký đã dẫn trên

[16] Dường như với tính cách Phụ Tá Hành Chính cho Viện Trưởng khi trước, và vừa với tính cách người làm việc gần gũi tin cậy của ngài.

[17] Dalat University, đd., t. 26

[18] Tham khảo Chỉ Nam Sinh Viên 1973-74, đd., t. 16

[19] Nhưng khi người viết đến thăm khu C, thì nhiều biệt thự và đất đai đã được dân cư từ nhiều nơi đến chiếm ngụ từ khoảng trước năm 1973 về sau.

[20] Nguyễn Thị Xuân Phương: “Hồn Thu Thảo”. ĐSKD7, tt.126-128.

[21] Trịnh Thị Hải: “Nhật Ký”. ĐSKD7, tt.132-135.

[22] Phạm Ngọc Vy: “Thời Tuổi Trẻ Không Thể Nào Quên (Tự Sự)”. ĐSKD7, tt.81-83.

[23] Cậu Ngô Đình Thục sinh ngày 6/10/1897 tại Phủ Cam, Huế, du học tại Trường Truyền giáo Rôma năm 1921 Ông Ngô Đình Khả có 9 người con: Con cả là Ngô Đình Khôi (1885?-1945). Con thứ hai là Ngô Đình Thục(1897-1984),  du học Roma (1919-1927): Tiến sĩ Triết học (1922), thụ phong Linh mục ngày 20/12/1925, Tiến sĩ Thần học (1926), Tiến sĩ Giáo luật (1927). Qua Pháp học Đại Học Công Giáo Paris: Cử nhân Triết học (1929). Con thứ ba là Ngô Đình Diệm, (1901-1963), Tổng Thống VNCH (1957-1963) Con thứ tư là Ngô Đình Nhu (1910- 1963). Con thứ năm là Ngô Đình Cẩn (1912- 1964). Con út là Ngô Đình Luyện (1914-1990) . Ba con gái là Ngô Thị Giáo, chết 1944; Ngô thị Hoàng, thường gọi là bà Cả Lễ, vì lập gia đình với ông Nguyễn Văn Lễ; Ngô Thị Hiệp, lập gia đình với ông Nguyễn Văn Ấm, thân sinh của HY TGM FX Nguyễn Văn Thuận, làm Bộ Trưởng Bộ Công Lý và Hòa Bình tại TT Vatican trước khi tạ thế ngày 16/9/2002, tại Rôma.

Ngài được chọn làm GM hiệu tòa Sesina, quản trị địa phận Vĩnh Long với tư cách GM Đại diện Tông Tòa từ 1938 đến 1960, thụ phong ngày 4/5/1938 tại Nhà thờ chính tòa Huế do Khâm Sứ Tòa Thánh ở Đông Dương là GM Antonio Drapier, OP. Với tính cách thành viên HĐGMVN, rồi sau đó với tính cách Chưởng Ấn, ngài tích cực chuẩn bị xây dựng Viện Đại Học từ 1956 đến 1959. Nhân dịp Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập chính thức ngày 24/11/1960, ngài được thăng TGM GP Huế được GM Mario Brini Khâm sứ Tòa Thánh lập. TGM Phêrô được mời tham dự Công Đồng Vatican II năm 1963.

Khi xảy ra chính biến ngày 1-2/11/1963, thì ngài ở lại ngoại quốc. Sau đó ngài được chỉ định làm Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương, rồi Tổng Giám Mục hiệu tòa Bulla Regia (1968), Phụ tá Ngai Giáo Hoàng.

Một hành động đáng tiếc là ngài tự ý phong chức sái phép Jean Marie Roger Kozik và Emmanuel Marie Michel Fernandez năm 1978 làm GM, do một Sắc lệnh mà sau này ngài nhìn nhận là giả mạo mang tên một Motu Proprio “Giám Mục Ngô Đình Thục được Đức Piô XI ban cho Quyền hành giáo hoàng như tấn phong giám mục mà không cần thông báo và được chấp thuận trước của Giáo Hoàng đương nhiệm “.

Sau khi thống hối vì nhiều sai lầm cuối đời như truyền chức giám mục không được phép như thế, ngài về hưu tại Dòng Đồng Công ngày 28/4/1984. Ngài qua đời trong niềm hiệp thông hoàn toàn với giáo hội Công giáo, ở Nhà Hưu Đồng Công, tại Carthage, MO, ngày 12/12/1984, nhưng Niên Giám CGVN năm 2004 lại ghi ngày RIP của ngài là 13/12/84 (NGCG 2004, t. 276, Thứ tự 3 trong danh sách GM) (Tư liệu Kozik: Bishop Pierre Martin Ngo Dinh Thuc, Website. Xem thêm: Griff Ruby: “Chapter 8: The Bishops of Pierre Martin Ngo Dinh Thuc” in Griff Ruby: The Resurrection of The Roman Catholic Church. A guide to the Traditional Roman Catholic Movement. All rights reserved by the Author @ 1998, 1999, 2002, 2004. www.the-pope.com/church08.html). Bảng thông báo còn ghi ở Nhà Hưu Dòng Dòng Công ở Carthage, MO ghi ngày RIP là 12/12/84

[24] http://en.wikipedia.org/wiki/Chancellor_(education) cho biết hệ thống Chưởng Ấn trong cac trường đại học, kể cả trong giáo dục Công giáo lẫn ngoài xã hội, rất khác nhau theo danh xưng cũng như chức vu tùy mỗi quốc gia, tùy giai đoạn lịch sử. Chẳng hạn trong Trường Đại Học Công Giáo Mỹ, người cầm đầu là một President (Viện Trưởng) và Tổng Giám Mục Washington làm Chưởng Ấn. Vị Tổng Giám Mục và Chưởng Ấn hiện nay là Hồng Y Theodore McCarrick. Ngài là đại diện cho Trường Đại Học trước Tòa Thánh.

[25] Người viết đặt vấn đề là khi TGM Ngô Đình Thục đi trước biến cố ngày 1-2/11/1963, thì phải chăng có thể có một sự sắp đặt trước của một người nào đó của nhóm đảo chánh, gián tiếp hay trực tiếp? Vấn đề đó thực ra không có bằng chứng để trả lời.

[26] Từ năm 1956, Các GMVN đề xướng thiết lập một Đại Học trên Đà Lạt từ cơ sở huấn luyện các con Tây lai của quân đội Pháp. Cũng từ 1956, Viện Trưởng đầu tiên là LM Trần Văn Thiện. Tiếp theo đò là hai năm dự bị vào đại học 1956-1957 (“Nhớ lại cảnh cũ người xưa: Đại Học Đà Lạt”. Đặc San Frère Kế, Southern California 12/2003, t. 156-158, đoạn 3, 7.) Tiếp theo đò là hai năm dự bị vào đại học 1956-1957.

Cậu Giuse Trần Văn Thiện, sinh ngày 13/3/1908, thụ phong Linh mục ngày 21/9/1935 (1957-1961) sau làm GM GP Mỹ Tho (1961-1973). GM Trần Văn Thiện là giám mục tiên khởi giáo phận Mỹ Tho vào dịp ngày 27/11/1960 Toà Thánh ban Sắc Chỉ Quod Venerabilis Fratres thiết lập tân giáo phận này. Khi đó giáo phận Mỹ Tho có 39 giáo xứ, với 32 nhà thờ, 54 nhà nguyện, 50.249 giáo dân, 43 linh mục và 28 đại chủng sinh theo học Học Viện Piô X và Đại Chủng Viện Sàigòn, cùng 77 tiểu chủng sinh ở Cần Thơ và Sàigòn. Ngoài ra giáo phận còn có 153 tu sĩ thuộc các dòng Sư Huynh La San, MTG Cái Nhum, Saint Paul. GM Trần Văn Thiện đặc biệt chú ý đến việc đào tạo con người qua hoạt động Công giáo Tiến Hành. Chuẩn bị người kế nhiệm ngài truyền chức linh mục Nguyễn Văn Nam làm Giám Mục ngày 10/6/1975. Từ đó GM TVThiện tập chú vào việc dậy giáo lý và giáo dục cộng đoàn dân Chúa Mỹ Tho. Ngài qua đời ngày 24/2/1989.

Chú ý:Có nhiều người lẫn với GM Nguyễn Văn Thiện, sinh ngày 13/3/1906, chịu chức Linh mục ngày 20/2/1922, thụ phong Giám Mục ngày 22/1/1961, về nhiệm chức giáo phận Vĩnh Long. Khi bị bệnh ngài sang Pháp nghỉ hưu từ năm 1968 đến nay. Hiện ngài dang cư ngụ tại Nice (Les Cèdres, 30 rue de Lilas, Nice, France 06100. Tél.: 93.84.18.27. (Như SH Pierre Trần Văn Nghiêm: Souvenirs. Không đề nơi, 1999, lưu hánh nôi bộ, in vi tính, 117p., khổ 14x25cm, t. 54)

[27] Chỉ Nam Sinh Viên 1973-74, đd., t.18

[28] Cậu Nguyễn Văn Lập, sinh ngày 6/6/1911 tại Giáo xứ Vạn Thiện, làng Vạn Kim, Gio Linh Quảng Trị. Tháng 9/1923 cậu gia nhập chủng viện An Ninh (Cửa Tùng), Quảng Trị dưới quyền bảo trợ của LM Simon Hoàng Văn Tâm. Mãn Chủng Viện, Thầy Simon Nguyễn Văn Lập thụ phong Linh Mục ngày 18/10/1938 tại Đại Chủng Viện Huế. Được Gp Huế cho di du học ở Pháp từ 1939 đến 47. Tốt nghiệp Cử Nhân Sorbonne, Paris về văn chưng. Từ 1947, lần lượt ngài giữ các chức vu: giáo sư Trường Thiên Hựu, Giám Đốc Giáo Dục GP Huế (1947-1955); Cha xứ họ đạo Phancicô Huế, Đại Diện Viện Trợ Công Giáo Mỹ (CRS). Ngài làm sáng lậm viên và hiệu trưởng Trường Bính Minh Huế (1953-1958). Giám Đốc Công Giáo Tiến Hành Tiàn Quốc (1958-61). Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt (1961-70). Sáng lập Trường Chánh Trị Kinh Doanh Đà Lạt (1964). Từ chố đề xuất của Tòa Thánh làm giám mục kế vị GM Sin Hoa Nguyễn Văn Hiền Đà Lạt. Kẹt lại tại Sàigòn sau 30/4/1975. Cha sở GX Fatima Bình Triệu Thủ Đức (1977-2000). Linh Phụ Tu Hội Bác Ái Bình Triệu ( 31/12/1983). Thụ Huấn Linh Đạo Tu Hội tại Chateau Neuf de Galaure Pháp (12/9-16/11-1994). Găp gỡ một số thành viên Thụ Nhân Đại Học Đà Lạt. Phong tước Đức Ông (9/11/1998). Qua đời 19/12/2001 tại Bình Triệu, thọ 91 tuổi. ĐSKD7, đã dẫn, t. 34-35).

Xin xem Bài viết riêng về tiểu sử của ngài: Đỗ Hữu Nghiêm: “Linh Mục Simon Nguyễn Văn Lập (1911-2001) Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt (1961-1970)”. Dayton, OH, 11t., A4, font 12.

[29] Tham khảo Dalat University, đd., tt. 16 và 27-28. Ở giai đoạn đầu các số liệu dường như không hoàn toàn chính xác.

[30] Tham khảo Dalat University, đd., t.27

[31] Trong một tám hình chụp khoảng năm 1961, ở hàng đầu từ trái qua phải có đầy đủ nhiều khuôn mặt quan trọng đạo đời của thời thế: Ô.Ô. Lê Văn Thới (Khoa Trưởng Trường Khoa Học Sàigòn), Trần Văn Phước (Thị Trưởng Đà Lạt), Trần Hữu Thế (Bộ Trưởng Giáo Dục), TGM Huế Ngô Đình Thục (Chưởng Ấn Đại Học), GM Trần Văn Thiện (Cựu Viện Trưởng), GM Cần Thơ Nguyễn Kim Điền, LM Nguyễn Văn Lập (Viện Trưởng đương nhiệm).

[32] Website Vatican

[33] Đỗ Hữu Nghiêm tạm dịch.

[34] “Nhớ lại cảnh cũ người xưa: Đại Học Đà Lạt”. Đặc San Frère Kế, Southern California 12/2003, t. 156-158, đoạn 5.

[35] Cậu Lê Văn Lý sinh ngày 30/5/1913 tại làng Lệ Thủy, Xã Châu Giang, Giáo Xứ Bút Đông, Duy Tiên, Hà Nam. Tập tu ở xứ đạo Bút Đông (1920). Vào nhà tràng Hoàng Nguyên, Phú Xuyên, Hà Đông, Gp Hà Nội (1928). Du học tại Saunt-Pol-de-Léon, Finistère, Bretagne, Tây Bắc Pháp (1930). Theo học Đại Chủng Viện Xuân Bích ở Issy-les-Moulineaux (1936-1941). Thụ Phong Linh Mục (1941, Notre Dame de Paris). Theo học Université de Paris (Sorbonne), (1941-1948). Cử Nhân Văn Chương và tốt nghiệp Nhật Ngữ (1944, École Nationale des Langues Orientales de Paris). Tốt nghiệp Hoa ngữ củng trường (1946). Tiến Sĩ Văn Chương Sorbonne (1948). Hồi hương Việt Nam (1950). Giáo sư Tiểu Chủng Viện Piô XII Hà Nội, Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Hiệu Trưởng Trường Dũng Lạc Hà Nội (1951-54), Tiểu Chủng Viện Piô XII Chợ Lớn (1954-1958). Hội Nghị Khoa Học Thái Bình Dương tại Bangkok (1957). Chuyển về làm GS TCV Thánh Giuse đường Cường Để, Sàigòn 1 (1958). GS Trường Văn Khoa Huế, rồi Sàigòn (1960), Phó Viện Trưởng kiêm Phó Khoa Trưởng Văn Khoa, Viện Đại Học Đà Lạt (1966). Hội Nghị Các Trường Đại Học Công Giáo Đông Nam Á ở Manila (1967). Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt (1970-1975). GS Tiểu và Đại Chủng Viện Sàigòn (1975-80). Xin đi chữa bệnh tại Paris (1980). Hưu tại Nhà hưu Dưỡng Dòng Đồng Công tại Carthage, MO, Mỹ. Qua đời 3/10/1992 tại Carthage. An tang tại nghĩa trang Springfield, MO. Công trình ngữ học: Le Parler Vietnamien (The Spoken Vietnamese), (Luận Án Tiến Sĩ Văn Chương 1948), và Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt Nam (1968, Trung Tâm Học Liệu Việt Nam Cộng Hòa. (ĐSKD7, đã dẫn, t. 17-18). Xin xem bài viết riêng về tiểu sử của ngài: Đỗ Hữu Nghiêm: “Linh Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Lý (1913-1992) Viện Trưởng Viện Đại Đá Lạt (1970-1975)”. Dayton, OH, 13t., A4, font 12.

[36] LM Viện trưởng kế vị dường như có hạn chế phần nào trong hoạt động giao tế và ứng xử nhân bản.

[37] Tạ Duy Phong, Lịch Sử Thụ Nhân Viện Đại Học Đà Lạt. 1994, Houston, TX, 21t, A4 font 8, tt.5-6. Người viết nghi vấn là HĐKL này không có thành viên nhân sự của cấp Viện, mà chỉ có cấp khoa, dù sinh viên nào cũng thuộc khoa nhất định. Việc sự kiện xảy ra trong bất cứ đơn vị nào của Viện, nên được xử lý kỷ luật theo quyết định ở cấp toàn viện, ví hành vi đó có ý nghia giáo dục cho mọi người. Theo sơ đồ tổ chức của Viện trang 16 của Chỉ Nam Sinh Viên NK 1973-74, không thấy nói đến Hội Đồng Kỷ Luật này 

[38] Chỉ Nam Sinh Viên NK 1973-74 đd., t. 9

[39] Phó Bá Long: điện đàm từ Washington DC với người viết ở Dayton, Ohio ngày 10/5/2006.5.

[40] Thế Tâm: Sđd., t.163.

[41] Thế Tâm: Sđd., tt.167-168.

[42] Thế Tâm, Sđd., tt.168,169170

[43] Thế Tâm, Sđd., tt.170-171.

[44] Thế Tâm, Sđd., tt.190-191.

[45] Bác Sĩ Nguyễn Khắc Viện, một đảng viên Cộng Sản, người anh của GS Nguyễn Khắc Dương, từng du học ở Paris, và trở về miền Bắc phục vụ.

[46] Thế Tâm, Sđd., t.192.

[47] Khoảng cuối năm 1975, nhờ một người em họ bên vợ thuộc thành phần bộ đội bị đưa vào chiến đấu ở miền Nam (đi B), người viết đi Đà Lạt và vào được trong căn phòng riêng ở dãy nhà Dĩ Lễ, bên trong phía Đông khuôn viên Viện, nhận một số đồ đạc và sách vở chuyển về Sàigòn. Hai nhân viên cũ của Viện là Nguyễn Văn Ngật và Nguyễn Văn Khúc là người được “Cách Mạng” chỉ định trông coi Viện. Hai nhân viên cũ ấy lại là người chủ “cách mạng” mới giám sát và cho phép người viết chở vội vàng như có vẻ lén lút một số đồ đạc và sách vở lên hai xe GMC mới tinh mà bộ đội miền Bắc chiếm dụng làm chiến lợi phẩm từ quân đội Sàigòn trước kia. Người viết nhớ đến lời cha Lê Văn Lý nhắc với người viết từ trước năm 1975. Ngài nghi ngờ trong hàng ngũ nhân viên của Viện có người ngấm ngầm hoạt động cho CS. Ngài đặc biệt lưu ý đến hai nhân viên nói trên, và sự kiện Nguyễn Văn Khúc cầm đầu đám nhân viên yêu cầu Viện phải chia đất đai trồng trọt trong Viện khi trước, với bằng khoán chủ quyền đất sở hữu đầy đủ. Sư Huynh Théophane có nhắc đến sự kiện chia đất này.  

[48] Đây chỉ là công việc tạm thời chưa có bất kỳ danh chính ngôn thuận nào. Nhưng khi được lệnh LM Viện Trưởng ký thay một chứng từ hành chánh liên quan đến các Khoa, người viết đã gặp phản ứng vì hai chữ TM hay TUN Viện Trưởng. Trước khi thi hành lệnh từ Viện Trưởng, chính người viết có đặt vấn đề về vai trò của LM Phó Viện Trưởng, và nên làm cách thế nào khi LM Viện Trưởng văng mặt. Dường như có những dấu hiệu giao dịch không bình thường giữa hai vị đương chức vào thời điểm ấy. LM Viện Trưởng nói: “Con cứ việc “ký thay cha” trong lúc cha phải đi vắng mà công việc này không thể đợi cha về!” Phải chăng LM Viện Trưởng đã thấy vấn đề gì khi ngại ngùng phải đặt chữ ký của mình trên văn thư ấy trước khi đi Sàigòn?

Đấy là một khía cạnh tế nhị nhưng phức tạp, một bài học vào đời trong giao tế nhân sự ở môi trường trí thức đại học, mà người viết không thể quên. Phải chăng người viết chỉ là người mới tới, lại tương đối còn trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tế và tốt nghiệp ở một đại học trong nước, dù đã lăn lộn trong môi trường giáo dục trung học nhiều năm vùng Sàigòn, Chợ lớn và Gia định? Hơn nữa nhiều vị khoa trưởng lại là các linh mục và giáo sư từng du học ở nước ngoài về. Người trẻ tuổi mới vào đời sẽ nghĩ sao về thái độ ứng xử đó của các vị trí thức khoa bảng đàn anh đi trước trong trường đời, khi chính LM Viện Trưởng nói lại cho người viết được biết ngay sau khi sự việc xảy ra không lâu. Phải chăng không có một thái độ xây dựng nào khác của thế hệ tiền sinh đối với thế hệ hậu sinh? Người viết ghi lại như một chứng từ lịch sử của Viện Đại Học Đà Lạt.

[49] Công việc mà Phụ Tá Hành Chánh đã làm thì không xác định rõ rệt.

Có khi đóng vai trò một bí thư viết một diễn văn với tư cách Viện Trưởng để ngài đọc khi tham dự một hội nghị giáo dục văn hóa, … ở Sàigòn, như lễ kỷ niệm Nguyễn Trường Tộ năm 1973 ở Sàigòn. Có khi là một chuyến đi nhận cả mấy trăm triệu ở Phòng Chuẩn Chi dành cho Viện Đại Học ở Bộ Tài Chánh (khi đó là Bộ Trưởng Nguyễn Văn Điệp) và mang tiền trở về bằng đường bộ trong tinh hình có rất nhiều cuộc phục kích bất ngờ vẫn hay diễn ra trên quốc lộ 20, từ Sàigòn đến Đà Lạt.

Có khi thảo hoạch một dự án theo yêu cầu của LM Viện Trưởng, như đo đạc và thiết kế công việc phát triển Viện Đại Học trên cả ba khu ABC. Để phục vụ cho công tác này người viết đã phối hợp trợ giúp của Đại Tá Tỉnh Trưởng Đà Lạt để xin một chuyến bay trực thăng. Thế là một phi vụ của quân đội Mỹ từ Nha Trang bay lên chỉ để chụp một số không ảnh trên vùng trời Viện Đại Học Đà Lạt, như đã nói. Đồng thời Tiểu Đoàn công binh do Thiếu Tá Nguyễn Văn Huấn chỉ huy ở Tam Bố, quận Đức Trọng, đã sẵn sàng giúp đem xe ủi công binh đến san bằng một số nền đất nhằm chuẩn bị việc xây Trường Đại Học Y Khoa và các kiến trúc khác, và tạo điều kiện chuyên chơ sinh viên lấy đất cỏ từ Suối Vàng về chỉnh trang Viện.

Có khi điều khiển xây dựng và thi hành một chương trình triển lãm Viện Đại Học Đà Lạt, như ở Trung Tâm Công Giáo tại Sàigòn nhân kỷ niệm 350 Công giáo truyền đến Việt Nam. Có khi đại diện cho LM Viện Trưởng dự một hội nghị ở Bộ Giáo Dục về những vấn đề liên quan đến Đại Học, và biết bao việc không tên khác, thầm lặng nhưng có hiệu quả cải tiến môi trường Viện Đại Học….  

[50] Hương Bình: “Cây Thánh Giá Trên Tháp Năng Tĩnh” (Đà Lạt, 30/4/2005). ĐSKD7, tt.196-197.

[51] Nguyễn Thị Xuân: “Hồi Ức” (Sàigòn). ĐSKD7, tt. 147-151.

[52] Chỉ Nam Sinh Viên NK 1973-74 đdt., t. 150

[53] Theo cảm nhận của người viết khi có kinh nghiệm sống thực tế với cha Lã Thanh Lịch. Đó là một tâm hồn thật đạo đức, nhưng có cung cách giữ đạo và linh hướng tương đối cổ điển, có phần không thích hợp hẳn cho tâm thức của giới trẻ thanh niên sinh viên đại học. Có phần nào chưa có sự dấn thân tự nhiên giữa một tuyên úy với anh chị em sinh viên, m ặc dù Cha rất nhiệt tình đạo đức.

[54] Đỗ Hữu Nghiêm: “Tập Thể Sinh Viên Công Giáo Việt Nam Cộng và các Linh Mục Dòng Đa Minh Chi tỉnh dòng Lyon”. Dayton, OH, ngày 7/11/2005.2- 18/11/2005.6 Bổ sung ngày 27/12/2005 tại VN đến 10/3/2006.6 tại HK, nhân chuyến đi Việt Nam Tết Bính Tuất. Đỗ Hữu Nghiêm. t. 17-19) Website Dũng lac

[55] Than khảo Chỉ Nam Sinh Viên NK 1975-74 đd., t. 152

[56] Cựu sinh viên Phạm Văn Bân có ghi lại mấy trang hồi ký về chuồng thỏ khoảng hai trăm con mà SH Kế nuôi vào năm 1970, để làm món ăn nấu cho các giáo sư thỉnh giảng từ Sàigòn hay các tỉnh tới. Về sau, rành đường đi nước bước, Phạm Văn Bân rủ rê Hoàng Văn Thắng, một sinh viên cùng phòng trọ tại ký túc xá Bình Minh đi “chôm chỉa vài chú thỏ làm thịt “ăn chui”. Nhưng nhưng tay mơ đó không biết nấu món thỏ, đã phải ăn thịt thỏ chán muốn “oẹ” luôn. Mà lại bắt đúng vào chú thỏ được SH Théophane chú ý đặt cho tên riêng trong chuồng thỏ! Đúng là “Nhất quỉ nhì mà thứ ba học trò các Frères! (Phạm Văn Bân: “Kỷ niệm nuôi thỏ với Frère Kế”8/2002, Calif.), Đặc San Frère Kế (sđd., t.179-180)

[57] Tự thuật, Giáo Sư Ngô Đình Long, Đặc San Kỷ Niệm 30 năm, Khóa 1 CTKD, 1999, p. 53; cũng xem “GS Phó Khoa Trưởng Ngô Đình Long”, ĐS K7CTKD, t.30-31.

[58] Người viết chưa có cơ hội làm việc cụ thể với giáo sư Ngô Đình Long về công tác sinh viên vụ, từ khi GS nhận trách nhiệm làm Giám Đốc năm 1973, dù đã từng thực hiện nhiều việc, phụ tá sinh viên vụ với Lm Giám Đốc Vũ Minh Thái và Linh Mục Phó Giám Đốc Sinh Viên Vụ Nguyễn Hữu Toản và các anh Nguyễn Văn Năm, Nguyễn Văn Khiêu. Có thể người viết quá bận rộn với một số hoạt động, phụ tá cho Linh Mục Viện Trưởng, từ 1971 đến 20/3/1975 ở Đà Lạt.

[59] Tổng hợp các số liệu ở Chỉ Nam Sinh Viên NK 1973-74 đd., tt. 160-62

[60] Nguyễn Thị Hạnh: “Tạ Tội”. ĐSKD7, tt.136-138 (Sydney, AU).

[61] Đồng Lương Nhơn: “Những kỷ niệm với K7 ở Nam Đại Học Xá”. ĐSKD7, tt. 144-147.

[62] Frère Kế: “Nhớ lại cảnh cũ người xưa: Đại Học Đà Lạt”. Đặc San Frère Kế, California 12/2003, t. 156-158 (Đoạn 11, t. 158).

[63] Chỉ Nam Sinh Viên 1973-74, đdt., t. 10

[64] “Ý Nghĩa Tên Gọi Các Tòa Nhà Trong Viện” trong Viện Đại Học Đà Lạt: Chỉ Nam Sinh Viên Niên Khóa 1973-74. Đà Lạt, 1973, 174t., 14.5x25cm., tt. 12-14.

[Ghi đến đây, người viết muốn mở một dấu ngoặc, thầm cảm phục tác giả cựu sinh viên, họ Tạ KD1, họ Phạm KD7, nhớ đến câu nói chí lý của Giáo Sư Phó Bá Long:

“Đệ Tử Tầm Sư Dị,

Sư Tầm Đệ Tử Nan! [64]”.

Người viết có trao đổi với Giáo sư họ Phó là sinh viên nào đạt đến lý tưởng Thụ Nhân, thì dù có bước lên đầu Thày mà nhìn cao xa hơn, bằng cấp lớn hơn, thì vẫn không bao giờ mất lòng tri ân và kính trọng đối với bậc ân sư trong đời, dù “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, phương chi cả một hay hai niên khóa cuối cùng của nhà trường. Giáo sư có nhắc đến một câu giáo sư phát biểu trước đám đông cựu sinh viên trong ngày hội ở khuôn viên Viện Đại Học Đà Lạt ở Việt Nam ngày 31/12/2005:

                                “Chắp Tay Con Tạ Ơn Trời,

Cho Con Sứ Mệnh Làm Thầy Nơi Đây”.

Những phát biểu tiếp theo nghẹn ngào hôm ấy trong cổ họng người Thầy tận tụy đã 85 tuổi, xúc động, đang dưỡng thương, vì vừa té ngã hai giờ đêm hôm trước, khi đi xuống bậc thang cuốn trong sân bay Tân Sơn Nhứt. Lập tức, nỗi lòng nức nở thầm lặng ấy được ấp ủ sưởi ấm trong vòng tay thân thương của nhiều môn sinh vội đến dìu Thầy xuống chỗ ngồi bên dưới!

Trong cuộc điện đàm sáng ngày 3/5/2006 với người viết, giáo sư họ Phó còn chú ý đến tấm hình chân dung trang trọng của ba Vị Tu Sĩ Viện Trưởng đáng kính có công khai sáng, phát triển và xây dựng Viện Đại Học Đà Lạt: Linh Mục Giuse Trần Văn Thiện (1957-1961), Linh Mục Simon Nguyễn Văn Lập (1961-1970), Linh Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Lý (1970-1975)]

[65] Thơ Quản Trọng (Quản Tử)

[66] Quản Tử/http://www.gutenberg.org/etext/7367, dẫn theo Phạm Văn Bân K7 CTKD (Santa Ana, California): “Vài Nhận Xét Trong Việc Dịch Chữ Hán.” Đặc San K7 CTKD (12/2005) PDF (1-7), t.2. ĐSKD7, tt. 202-208

[67] Đại Học.

[68] Trung Dung, chương 14.

[69] Trung Dung VI

[70] Trung Dung

[71] Kinh Thi

[72] Luận Ngữ, Tăng Tử. Thiên Nhan Hồi 12. (Vô danh: “Tổng Quát về Viện, Trường và Khóa 7 CTKD” trong Đặc San Khóa 7 CTKD (12/2005), (9-12), tt. 11-12)

[73] Trung Dung, chương 21.

[74] Ngài sinh tại Whitman, Massachusets William và bà Ellen (nhũ danh Conway) Spellman. Ngài thụ huấn tại Fordham University và tốt nghiệp B.A. năm 1911; tốt nghiệp S.T.D. (Tiến Sĩ Thần Học), tại North American College; tốt nghiệp Học Viện Giáo Hoàng Urbania (Pontifical Urbanian Athenaeum) tại Rôma, và thụ phong linh mục ngày  14/5/1916. Sau khi thụ phong LM, ngài được bổ nhiệm Curate tại Roxbury, Massachusetts, rồi chủ bút báo “The Pilot” của Giáo Phận Boston (1918-22). Ngài làm Phó Chưởng Ấn, Chưởng Ấn Giáo Phận này (1922-25). Tùy viên cho Hồng Y Gaspari, Tổng Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh (1925). Thông dịch viên cho Đức Piô XI. Được phong tước Dức Ông (1926), rồi được bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Boston, Massachusetts vào tháng 7/1932 và thụ phong ngày 8 tháng 9 dưới hiệu tòa Sila. Sau khi HY Hayes (1867-1938) từ trần, ngài được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Giáo Phận New York ngày 15/4/1939 (1939-1967) và ngày 11/12 được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Tuyên Úy Phục Vụ Quân Đội (Archbishop for the Military Services) tức Tổng Tuyên Úy Quân Đội Hoa Kỳ (1940-1967). TGM Spellman được phong Hồng Y Giáo Chủ New York (1945) (với danh hiệu Ss Giovanni e Paolo) ngày 18/2/1946, và phục vụ với danh nghĩa TGM đến khi chết. Ngài đươc an táng tại hầm mộ dước bàn thờ Thánh Đường Chính tỏa Thánh Patrick. Grand Prior of USA of the Sovereign Order of Malta. Grand Prior of America of the Military and Hospitaller Order of St. Lazarus. Ngài đạt danh hiệu TGM New York lâu dài nhất trong hơn 28 năm. [Tham Khảo thêm (http://en.wikipedia.org/wiki/Cardinal_Spellman)]

[75] Tạ Duy Phong: Lịch Sử Thụ Nhân Viện Đại Học Đà Lạt, đd., t. 1 & 3

[76] Trung Dung, chương 20.

[77] Cậu Kế sinh ngày 17/12/1912 tại Phú Lương, Tuyên Quang (?) và được rửa tội ba ngày sau. Như thế phải chăng có sự lầm lẫn Phú Lương ở Thái Nguyên với giáo xứ Phú Lương (Giáo phận Hà Nội, có số giáo dân vào năm 1939 là 816 người, Kỷ Yếu Ái Hữu Hà Nội, sđd., t.198), thuộc xã Định Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Theo các sự kiện và địa danh được SH ghi và chuyển lại cho nhóm cựu sinh viên VĐHDL công bố trong Đặc San Frère Kế (Calif., 12/2003), thì có thể có nghi vấn về nhưng ngày thơ ấu của chú Kế. Tài liệu nhắc đến Kẻ Đầm (tức Bích Trì năm 1939 có 1689 giáo dân, thuộc xã Thanh Nam, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, Kỷ Yếu Hà Nội đdt., t. 145) , đến cha Đoán là những chi tiết liên quan đến GP Hà Nội. Hơn nữa, nếu cha Đoán rửa tội cho cậu Kế vào ngày 20/12/1912, tức là ba ngày sau khi sinh, thì khó có thể hiểu được điều kiện di chuyển ở Việt Nam vào thời điểm đò, từ Tuyên Quang đến Hà Nam cho một người mẹ mới sinh con được ba ngày, vỉ khi rửa tội trẻ sơ sinh, có tập quán được khuyến khích là khi sức khỏe không có gì bất thường thì bà mẹ cũng nên tham dự!? Vả lại, trong gia tộc của họ Nguyễn bên vợ người viết, tại Ý Yên, Nam Định, xác nhận là SH. T. Kế có liên hệ gia tộc với họ vợ của người viết. Nhưng không thấy SH, khi còn sống, đã  cho biết là gia đình SH đá chuyển từ Phú Lương (hay cư trú ở nơi này) về (hay thuộc) miền Phủ Lý (Hà Nam) khi nào và trong hoàn cảnh nào. Như vậy, khó thể hiểu Phú Lương là ở Tuyên Quang!

[78] Tham khảo Chỉ Nam Sinh Viên 1973-74, đd., t. 148

[79] Điều đó tốt, nhưng phải chăng đó là mục đích chính của thư viện? Nếu nhân cơ hội đó giáo dục được tốt cho thanh niên thì luôn luôn tốt, nhưng cần chú ý đến nhiệm vụ chủ yếu của thư viện!

[80] Trần Bá Hồng Minh: “Spellman, dấu chân kỷ niệm”. ĐSKD7, tt. 88-92.

Trước khi chia tay rời khỏi đất Cao Nguyên Lâm Viên, người viết nhận được một số hình ảnh, kỷ vật, trong đó có chiếc office-case Echolac và vài trang kỷ niệm cuộc đời của Sư Huynh. Điều quan trọng nhất là những tâm sự của Sư Huynh đối với người viết về nhiều dư luận và tháí độ của các linh mục giáo sư đồng nghiêp và sinh viên đã có giao tiếp hay tham dự những lớp mà người viết phụ trách ở Trường Văn Khoa, CTKD và hoạt động ở các đơn vị khác trong Viện đối với người viết Trong đó Sư Huynh có lưu ý những khuyết nhược điểm và những ưu điểm của người viết trong môi trường đại học, nhất là những điều cần thận trọng để tránh hiểu lầm và suy bì ở nơi từng hạng người! Những điều ấy không có liên quan gì đến Thư Viện, nhưng về giao tế nhân bản vả tương quan xã hội trong đại gia đình Thụ Nhân thì có giá trị giáo dục tế nhị và chân thành vô cùng. Người viết chưa kịp nói lời chia ly với Sư Huynh, thì sư huynh vội về với Chúa đúng một tháng trước khi người viết bước chân lên đất Mỹ (11/2003)! Xin ghi lại chứng từ này như một tri ân sâu thẳm nhất, chân thực nhất, như một chứng liệu lịch sử, để chia sẻ với mọi thành viên Thụ Nhân.  

[81] Nguyễn Thị Phấn Hoa: “Hoài Niệm”. ĐSKD7, hình chụp Thẻ sinh viên NTPH, t. 84.

[82] Như thế chức vụ Tổng Thư Ký đã có, nhưng bắt đầu và kết thúc năm nào, và vì những lý do nào, cùng giải pháp được chọn lựa thế nào?

[83] Giáo Sư W. Solheim có gửi cho người viết ít nhất hai là thư thúc dục kế hoạch hợp tác phát quật mấy di chỉ khảo cổ ở Blao, nhưng không thể tiến hành trong thời chiến, dù phía GS W. Solheim sẵn sàng tài trợ về tài chính và kỹ thuật cùng các chuyên gia khảo cổ. Về sau này, sau 30/4/1975, Viện Khảo Cổ Hà Nội và Ban Khảo Cổ thuộc Viện Khoa Học Xã Hội tại Sàigòn thực hiện nhiều cuộc khai quật khảo cổ ở Cao Nguyên Lâm Đồng

[84] Tức là tổ chức Summer Institute of Linguistics (SIL), University of North Dakota, USA. Tổ chức này thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu ngữ học bằng cách gửi nhiều sinh viên Ph.D. đến Cao Nguyên và biên soạn Luận Án Tiến Sĩ Ngữ Học qua các field studies nơi các bộ tộc khác nhau. Khi các nhà khoa học VN miền Bắc vào tiếp quản cơ sở SIL này ở số 279 Đường Nguyễn Minh Chiếu, Phú Nhuận (cũ), thì máy móc và nhiều tài liệu khoa học bị phá hủy và người viết chứng kiến các sách vỡ lòng và nghiên cứu ngữ học, dân tộc học (do nhiều nhà truyền giáo dân tộc học Tin Lành ghi chép tại thực địa) khác bị nhiều nhân viên mang về cho con chơi hay cắt nhỏ làm phiếu nháp!

[85] Dalat University, đd., t. 20.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!