Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Đỗ Hữu Nghiêm
Mục Lục

Lời Tri Ân

Phần I: Khung Cảnh Tổng Quát, Chương I: Từ Thiên Nhiên Đến Con Người

Chương II: Lý Tưởng và Mục Tiêu Giáo Dục

Phần II: Lịch Sử Thành Lập, Chương III: Điều Kiện Hợp Pháp Đến Hoạt Động Thực Tiễn

Chương IV: Hội Đại Học Đà Lạt

Chương V: Quá Trình Thành Lập Viện Đại Học

Chương VI: Khối Hành Chánh

Chương VII: Khối Tâm Linh

Chương VIII: Khối Phục Vụ Chuyên Biệt

Chương IX: Khối Học Thuật

Chương Mười: Một Số Dự Án của Viện Đại Học Đà Lạt

Phần III: Khối Học Vụ: Các Phân Khoa; Chương XI: Trường Sư Phạm

Chương XII: Trường Văn Khoa

Chương XIII: Trường Khoa Học

Chương XIV: Trường Chánh Trị Kinh Doanh

Chương XV: Trường Thần Học

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Viện Đại Học Đà Lạt Giữa Lòng Dân Tộc Việt Nam 1957-1975

“Mến Thánh Giá” (1670-2008)

Viện Đại Học Đà Lạt Giữa Lòng Dân Tộc Việt Nam 1957-1975
Chương II: Lý Tưởng và Mục Tiêu Giáo Dục

1/. Mục đích truyền giáo 

Người viết rất đồng ý với nhiều suy tư của GS Nguyễn Khắc Dương về mục tiêu của giáo dục đại học Công giáo. Trong bài huấn dụ sinh viên nhân lễ tốt nghiệp khóa I của Trường Đại Học Sư Phạm, GM Chưởng Ấn tiên khởi đã phát biểu:

“Ở bất cứ đâu, Giáo Hội Công Giáo đã từng góp phần giáo dục thanh thiếu niên. Trên khắp lãnh thổ Việt Nam thân yêu của chúng ta, từ Bắc chí Nam, từ làng quê đến thành thị, các trường trung tiểu học được Công giáo bảo trợ đang hoạt động hăng hái. Rất nhiều cựu học sinh của những trường này đang phục vụ dân tộc chúng ta trong nhiều lãnh vực hoạt động khác nhau.

Nhưng Đất Nước vào giai đoạn phát triển mới cần có những nhân sự được huấn luyện đầy đủ đế có thể đáp ứng với những đòi hỏi mới.

Nhằm tiếp tục truyền thống giáo dục của Giáo Hội Công giáo góp phần vào nhiệm vụ quan trọng là đào tạo giới ưu tú cho Đất Nước, toàn thể các Giám Mục Việt Nam đã quyết định thành lập Viện Đại Học Đà Lạt, mặc dù có nhiều khó khắn về tài chánh và nhân sự. Các Giám Mục tin tưởng rằng các sinh viên của chúng ta - nhờ các giáo sư giảng dậy tận tâm, có giáo thuyết trong sáng bảo đảm, sẽ đạt tới những kết quả thỏa đáng, trong toàn môi trường cảnh quan và khí hậu cao nguyên trong mát này[1]”.

Tiếp lời vị GM Chưởng Ấn, Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục Trần Hữu Thế cũng phát biểu:

“Xứ sở chúng ta đã cố gắng phấn đấu kiến thiết nền tảng tinh thần và vật chất do yêu cầu tiến bộ của toàn dân. Chúng phủ kêu gọi đến thiện chí của các cá nhân và tổ chức. Viện Đại Học là một gương sáng hợp tác đó, và sự thành công của Viện Đại Học Đà Lạt chứng tỏ cho tôi viện có đủ tinh thần tham dự vào việc đào tạo các kỹ thuật gia và các nhà trí thức cho Việt Nam, cùng với các viện đại học quốc gia[2].”

Trong bản tường trình cũng của GM Chưởng Ấn Viện Đại Học Đà Lạt kính gửi Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục, sau bốn năm vây dựng và hoạt động, những mục tiêu của Việc thành lập một Viện Đại Học đã được nhắc lại rõ rệt ba mục tiêu:

 a. Nhằm cung ứng cho sinh viên Việt Nam nói chung, và cách riêng cho những người Công giáo. Chính họ vẫn mong muốn học hỏi, nhưng thiếu một trung tâm cho họ có thể tiếp tục những công cuộc học hỏi ở đó.

b. Nhằm đảm lãnh cuộc phục hưng đạo lý của những trí tuệ đã đi lạc đường trong nhiều năm rối loạn chiến tranh đã qua.

c. Nhằm mở rộng nền giáo dục Đại Học nơi quần chúng, nhất là nơi những người Công giáo, ngõ hầu bắt kịp tiến bộ chung của nhân loại[3].   

Thực ra suy nghĩ sâu xa hơn, việc thành lập Viện Đại Học Đà lạt, cũng như bất cứ sinh hoạt nào của Giáo Hội đều thực hiện sứ mạng “truyền giáo”, tức là loan Tin Mừng cứu độ cho mọi loài thụ tạo, cho đến tận cùng trái đất, tận cùng thời gian. Truyền giáo là một trong những bổn phận căn bản của Kitô giáo, của từng Kitô hữu.

Giáo Hội muốn Kitô hóa mọi giá trị tốt đẹp của trần thế; muốn cứu độ mọi sinh hoạt văn hóa xã hội và kể cả kinh tế chính trị, nên Đại học Công giáo cũng nhằm nhập thể giá trị cứu độ vào mọi sinh hoạt văn hóa của mọi dân tộc, mọi thời đại, mọi nền văn minh, chứ không nhằm mục đích chính trị nào cả. Nền văn hóa được giảng dạy trong Đại Học Công giáo không theo (chứ không chống lại) duy vật và vô thần về mặt tư tưởng nhằm tạo điều kiện cho con người tiếp nhận chân lý hữu thần của Kitô giáo. Đạo Kitô muốn thâu gồm và bổ khuyết mọi giá trị chân chính của các triết lý khác.  

Chẳng hạn, theo cái nhìn của một giáo sư triết học, thì chủ thuyết vô thần Mác–xít ít nhất cũng có ba yếu tố được nhìn với thiện cảm:

“1. Mọi tài sản ở trần gian đều có mục đích phục vụ cộng đoàn nhân loại, trái với chủ nghĩa duy lợi nhuận cá nhân của chủ trương tự do kinh doanh quá trớn.

2. Giá trị kinh tế cũng như tinh thần và đạo đức của người lao động, và tôn trọng lao động chân tay; Thánh Phụ Giuse, Chúa Giêsu, các Thánh tông đồ hầu hết là thành phần lao động chân tay.

3. Công bằng xã hội trong việc phân phối sản phẩm của lao động… Thậm chí cả yếu tố duy vật và vô thần cũng được xem như có phần tác dụng tích cực nào đó; giúp người tín hữu lưu tâm hơn đến khía cạnh mầu nhiệm “Thiên Chúa mang lấy xác phàm” khỏi bị lạc vào cái sai lầm duy tâm (idéalisme); tinh luyện quan niệm về Thiên Chúa, thoát khỏi sa lầy vào một sự mê tín dị đoan ngấm ngầm vô thức [trang 174] nào đó, có nguy cơ tha hóa con người, vốn được Thiên Chúa ban cho có lý trí và tự do làm chủ đời mình, xã hội và thiên nhiên.”[4]  

2/. Truyền giáo và chính trị trần thế 

Mục đích là thế, còn việc có bị ai lợi dụng không? Có thể thấy rằng đương nhiên; chính quyền nào cũng muốn lợi dụng tất cả để phục vụ cho mục tiêu của mình! Giáo Hội và cá nhân thừa hành có chủ ý phục vụ cho một mưu đồ chính trị đảng phái không hay có vô tình để cho người ta lợi dụng không, như thế không thể vơ đũa cả nắm. Giáo Hội không chủ trương dùng Đại Học Đà Lạt để phục vụ chính trị cho chế độ nào cả!

Theo nhận định của GS Nguyễn Khắc Dương, từng phục vụ tại Viện Đại Học Đà Lạt chín năm (1966-1975):

“Còn phần cá nhân các linh mục, các thành viên trong giáo ban thì đó là chuyện riêng tư cá nhân họ, tôi không biết thâm tâm họ ra sao, nhưng tôi không thấy ai đã làm công việc cụ thể nào phục vụ cho mục tiêu chính trị nào cả! Mà tôi, riêng bản thân tôi, tôi xác định rằng tôi không phục vụ cho mục tiêu chính trị nào cả, mà tôi cũng đã cố gắng hết sức nếu có thể, không để cho ai lợi dụng mình phục vụ cho một mục tiêu chính trị nào cả, còn hỏi tôi rằng có đủ khôn ngoan già dặn để đối phó, thoát khỏi mưu mô của những tay cáo già chính trị hay không? Thì tôi xin hỏi lại, có ai dám quả quyết mình tài giỏi như vậy, để tôi xin cắp sách đến học.

Tôi chỉ có thể nói rằng tôi không thấy có việc cụ thể nào (nhằm mục đích ấy) tôi làm để phục vụ cho một mục tiêu chính trị. Có chăng là một vài việc trong đó tôi bị phê bình là: “Có lợi cho Cộng sản”, ví dụ quá tích cực trong việc xin miễn dịch, hoãn dịch cho sinh viên hoặc để cho các sinh viên tá túc qua đêm trong phòng tôi (dù họ đến gõ cửa lúc đêm khuya) không cần biết họ có phải là Việt Cộng nằm vùng hay không, mà chỉ biết họ là người quen lỡ đường, thì theo lời Chúa dạy mình phải đón tiếp họ như chính Chúa vậy, người sinh viên ấy có thể là Đại Việt, Cần Lao, là Việt cộng, là thành phần thứ 3 thứ 4 gì đó, tôi không thể biết được và tôi cũng không muốn biết, tôi chỉ biết họ là con người gặp khó khăn chờ tôi giúp đỡ, thế thôi!

Tôi không kể công với ai, mà tôi nghĩ tôi cũng chẳng có tội với ai về mặt chính trị vì tôi là một con người vốn phi chính trị từ trong bản chất và dù chỉ là một giáo dân thường, [trang 175] tôi phát nguyện trọn đời phục vụ Thiên Chúa, và với cương vị giáo sư một Trường Đại học Công giáo, tôi là cán bộ văn hóa làm việc dưới sự quản lý của Hội Thánh Công giáo Việt Nam, để chống trả ba kẻ thù của Chúa Giêsu - Đó là: dốt nát, đau khổ và tội lỗi.

Trước hết là nơi chính bản thân tôi, sau nữa là nơi những anh chị em mà Chúa để cho tôi gặp gỡ trên mỗi nẻo đường không phân biệt ai, không hỏi căn cước lý lịch ai, vì ai cũng là thân phận làm người trong một cõi thế gian mà sự dữ đã len vào để quấy phá chương trình của Thiên Chúa dưới mọi hình thức, ở khắp mọi nơi; ngay cả trong lòng Hội Thánh và trong lòng tôi nữa. Và vì thế tất cả đều cần được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Do đó, khi ý Chúa nhiệm mầu đưa Viện Đại Học đến chỗ ngưng sinh hoạt, tôi vui vẻ nhẹ nhàng theo ý Chúa đi đến những nơi khác, làm những việc khác (ví dụ, gánh phân bón ruộng) với tất cả lòng tin cậy mến bình an vui vẻ, cố gắng thương yêu mọi người trong tình yêu Chúa. Cố nhiên đó là cố gắng tối đa, còn đạt được bao nhiêu là việc Chúa thẩm phán, tôi không tự đánh giá mình và cũng chẳng quan tâm đến lời thiên hạ (dù là ai) thị phi khen chê cả! Chỉ sợ mình vô ý làm buồn lòng anh chị em mà thôi.”[5]

“Phải chăng, đáng lẽ tôi phải biết như thế để bỏ cái ham mê ấy mà cố gắng tạo một sự nghiệp văn hoá thế tục trần gian. Tôi chỉ hỏi thế thôi, chứ với sự giải thể Viện Đại Học Công giáo Đà Lạt năm 75 thì cũng chưa rõ ý Chúa mầu nhiệm muốn gì, bởi vì như tôi đã ghi ở trên, kể từ năm 73, tôi đã tìm cách bắt tay vào, tuy có hơi muộn nhưng cũng là chưa muộn màng lắm! Dầu sao, đến năm 75, thì lịch sử đã sang trang! Viện Đại Học Đà Lạt nay là một trường đại học của một nền giáo dục xây dựng trên nền tảng lý thuyết Mác-Lê, Giáo Hoàng Học Viện nay là cư xá của công nhân viên chức thuộc Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân!”[6]  

Tưởng cần giải thích chiều hướng ý nghĩa mà tập thể Viện Đại Học Đà Lạt đã nhận thức và chọn lựa. Có thể ý nghĩa trở nên rõ rệt hơn từ thời LM Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập cùng với nhiều người đã ghi khắc chữ Thụ Nhân cho huy hiệu Viện Đại Học Đà Lạt, với cây thông xanh cây đứng hiên ngang giữa vùng trời cao nguyên. Lý tưởng Thụ Nhân này bắt nguồn từ danh ngôn cổ truyền của văn hóa Á Đông:  

“Nhất Niên Chi Kế, Mạc Nhi Thụ Cốc, Thập Niên Chi Kế Mạc Nhi Thụ Mộc, Bách Niên Chi Kế Mạc Nhi Thụ Nhân” (Kế Hoạch Một Năm, Không Gì Bằng Trồng Lúa, Kế Hoạch Mười Năm, Không Gì Bằng Trồng Cây, Kế Hoạch Trăm Năm, Không Gì Bằng Trồng Người).  

Từ đó Thụ Nhân trở thành phương châm biểu tượng và thực hành cho lý tưởng giáo dục “trồng người” của Viện Đại Học Đà Lạt cho đến nay.
 
--------------------------------------------------------------------------------
 
[1] GM Ngô Đình Thục, Chưởng Ấn Viện Đại Học Đà Lạt: Huấn dụ nhân lễ tốt nghiệp Khóa I Sinh Viên Phân Khoa Sư Phạm ngày 29/3/1961. Dalat University. Saigon, Printed by Dong Nam A, 1961, 44 pages in 27x32cm. p.2-3

[2] Dalat University, đd., t. 3

[3] Report, by the Chancellor of the Dalat University on the activities of Dalat University, to the Department of National Education (Thư trả lời của Bộ Trưởng Giáo Dục số 2779-GD/CVP ngày 15/7/1961 xác nhận đã nhận được bản tường trình từ GM Chưởng Ấn). Dalat University, đd., 1961, tt.21-34

[4] Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương: Quia Dilexit Humilatem Meam. Hồi Ký. Đà Lạt, Một Nhóm cựu sinh viên Đà Lạt ấn hành (lưu hành nội bộ), 248t, 14x25cm, vi tinh font 12, tt. 173-174.

(Tác giả sinh 24/9/1925 tại Vinh, nguyên quán Thịnh Xá, Hương Sơn, Hà Tĩnh, học Thiên Hựu, Khải Định Huế (1938-1945). Đậu Tú Tài II năm 1946, dậy học ở Trường Đậu Quang Lĩnh (Nghĩa Yên), rồi Hương Sơn. Gia nhập Công giáo, rửa tội ngày 8/9/1949, tại Nghĩa Yên sau một tuần cấm phòng trong Tu Viện Phanxicô Vinh. Dự tu Dòng Phanxicô Vinh, dậy Việt Văn cho chủng sinh lớp 6,7,8 (1949-50). Khấn dòng 1950. Học thần học tại Viện Triết Thần Phanxicô Nha Trang trăn trở về ơn gọi Cát Minh, nhưng ờ Viét Nam chưa có Cát Minh Nam. Tháng 4/1954, bị động viên theo lệnh động viên của Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm. Sau 6 tháng huấn luyện ở quân trường sĩ quan Thủ Đức, lên quân đoàn II (1954-56).

Được tu viên Phanxicô cho tu học tại Paris (1956-57). Ra khỏi Dòng Phanxicô, học tại Sorbonne 1957-1960. Tốt nghiệp Cử Nhân Triết Học. Thử tu tại Dòng Biển Đức ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ (1961-63). Dậy học ở nhiều trường trung học Công giáo vùng Paris (1963-65). Về Sàigòn, VN (1965). Lên dậy triết học tại Trường Văn Khoa Viện Đại Học Đà Lạt (1966-1975). Nói về GS NKD, Sư Huynh Théophane có nhận xét: “Thầy NKD cũng là người tôi quen lâu năm trong Viện. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ con người của nhà giáo Triết lý cùng mình ấy. Hình như luôn luôn sống trên mây mù thì phải. Ngày ngày ra đứng trên hè chợ Hoà Bình trông đợi ai chẳng biết, xin nhớ là ông Dương triết ấy chắng vợ cũng chẳng con cái chi cả. Có cậu sinh viên hụt tiền cơm ra gặp Bố Dương và cùng nhau đi ăn phở cho ấm bụng.” (Tạ Duy Phong phỏng vấn SH Th. Kế ngày 10-14/10/1994 tại St Mary’s College California, PO Box 5150, Moraga, CA 94575: Sự Việc Đã Qua, Những gì đã qua. Đặc San Frère Kế, California 12/2003, t.148-155)

 Vào trại cải tạo tại Phan Thiết (1975-76). Từ năm l975-l986, ông đổi nơi cư trú trên 10 lần, mà đến nay cũng không nhà, không cửa, không tài sản, không vị trí gì, cả trong Giáo hội cũng như trong gia đình và ngoài xã hội (Thế Tâm, Quia… đã dẫn, t.141). Cư trú tại Đà lạt, về Hà Nội, tạm trú tại GX Bình Triệu Fatima Thủ Đức với LM Nguyễn Văn Lập. Khi LM Nguyễn Văn Lập qua đời, trờ về sống chung với gia đình Nguyễn Khắc Phê ở Huế.)

[5] Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương: Sđd, tt.174-175.

[6] Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương, Sđd., t.184.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!