Trần Hiếu
Làm cha mẹ, ai lại không mong có mối quan hệ tốt đẹp với con cái của mình? Thế nhưng, khi con mỗi ngày mỗi lớn, nhất là ở lứa tuổi dậy thì, các thay đổi nơi cách cư xử của chúng làm nhiều cha mẹ không khỏi lo lắng, băn khoăn, buồn phiền.
Ngày xưa, khi sống trong khung cảnh tương đối nề nếp ổn định, cha mẹ học cách dạy con nơi các bậc lão thành, từ người thân, láng giềng, bạn hữu. Nhưng khi các biến đổi xảy ra, như hoàn cảnh của người Việt trên đất Mỹ, nhiều người đã phải xét lại các giá trị, sự khôn ngoan và các kinh nghiệm qúa khứ trong việc dạy con.
Gia tăng sự hiểu biết về con cái, cũng như học các kỹ năng áp dụng trong thực tế là những điều các cha mẹ hằng quan tâm. Trong một lớp “hướng dẫn nghệ thuật dạy con”, một cặp vợ chồng từng trải tuổi đời nói rằng họ đã tìm đến sách vở, lục lọi các kiến thức đã tích lũy bấy lâu nhưng vẫn cảm thấy bất lực trong việc dạy con. Nhưng khi trao đổi với người khác, họ nhận ra rằng họ không phải là người đơn độc, mà các cha mẹ khác cũng có những vấn đề tương tự.
Vậy điều gì đã xảy ra? Tại sao lối dạy con ngày nay khác xưa như vậy?
Thực ra, một khi xã hội biến đổi, cách ứng xử của con người cũng thay đổi. Các căng thẳng mưu sinh, cả hai cha mẹ đều phải đi làm, đời sống bận rộn, nạn ly dị, các bậc thang giá trị đảo lộn, trò chơi điện tử, máy vi tính, truyền hình, điện thoại, cả các xung đột văn hóa… là những lý do gây xáo trộn cuộc sống gia đình.
Một khi người lớn thay đổi, trẻ em cũng thay đổi. Khi mẫu gương cư xử của người lớn ngày xưa không còn nữa, trẻ em đâu còn lựa chọn nào khác nên phải theo mẫu gương cư xử mới của người lớn ngày nay.
Cách đây nhiều thập niên, nền văn hóa cũ coi là bình thường khi người vợ tùng phục người chồng, hoặc người nhân viên vâng lời thượng cấp một cách triệt để. Bây giờ điều đó đã khác rồi. Khi quyền bình đẳng được cổ võ, tôn ti trật tự của xã hội không được coi trọng, thì việc thách thức quyền bính người trên không phải là điều lạ lùng.
Nhà tâm lý Rudolph Dreikurs nói, “Khi ông bố mất quyền kiểm soát bà mẹ, cả hai cha mẹ cũng mất quyền kiểm soát con cái”.
Khi được hỏi, “Làm cha mẹ, giai đoạn nào là khó khăn nhất”, hầu hết các phụ huynh trả lời, đó là những năm con cái ở tuổi vị thành niên, hoặc tuổi teen, nói theo người Mỹ. Thật vậy, đây là lứa tuổi cha mẹ bắt đầu nhận thấy các thay đổi rõ rệt nơi cách cư xử của các em.
Nói đến tuổi “teen” chúng ta không nên giản lược các em đều giống nhau, vì lứa tuổi từ 13 đến 19 có một độ chênh lệch lớn. Có trẻ ở tuổi 17 đã chín chắn, nhưng có đứa ở tuổi 19, tính khí vẫn trẻ con. Trong hạng tuổi nầy, người trẻ bị giằng co giữa ước muốn chứng tỏ cá tính độc lập của mình, đồng thời cũng mong muốn mình hành xử như những người trẻ khác cùng tuổi. Điều nầy giải thích vì sao chúng thường ăn mặc giống nhau, nói giống nhau, nghe nhạc giống nhau, và hay có các xung khắc với cha mẹ.
Vậy làm sao để thăng tiến mối tương quan giữa cha mẹ với con cái, nhất là khi con cái có vấn đề trong cách cư xử?
Tâm lý gia Alfred Adler (1870-1937) và các tâm lý gia hiện đại đã đưa ra các khái niệm căn bản nhằm giúp các phụ huynh khởi đi từ việc am hiểu thái độ của con em:
§ Trẻ em có mối tương quan mật thiết và chịu ảnh hưởng sâu đậm của môi trường sinh sống. Cách cư xử của chúng, vì vậy tùy thuộc vào ý nghĩ và sự hiểu biết của chúng về quan hệ gia đình, bè bạn, cộng đồng xã hội, văn hoá, tập quán… Chúng cũng rất nhạy cảm về điều chúng nghĩ người khác nghĩ về chúng. Một khi đặt các em trong bối cảnh đó, chúng ta thấy rằng cách cư xử của chúng không tùy thuộc vào ý muốn của phụ huynh.
Thông thường, thái độ cư xử của một người dựa vào mục đích mà họ nhắm tới. Tuy nhiên, đối với trẻ em chúng thường không ý thức về mục tiêu muốn đạt được. Đôi khi chúng lẫn lộn giữa điều chúng muốn và cách cư xử để đạt được mục tiêu.
Ví dụ, khi một đứa trẻ lên hai thấy người mẹ mang đứa em sơ sinh về nhà từ bệnh viện, nó cảm thấy người mẹ dành nhiều chú ý cho đứa em. Như vậy, nó nghĩ rằng mẹ nó thương em hơn là thương nó. Đã hẳn, điều nầy không đúng, nhưng đó là điều nó cảm nhận, vì thế, để được sự chú ý của người mẹ, nó cố bắt chước hành vi cử chỉ của em bé. Hậu qủa là, bà mẹ cảm thấy bực bội và ruồng rẫy hơn là trìu mến nó.
§ Trẻ em cư xử kém là trẻ em thất vọng. Một khi trẻ em quậy phá, không vâng lời, phụ huynh lấy làm khó hiểu vì sao chúng có thái độ đó. Họ cần tìm hiểu nguyên nhân đằng sau. Có thể lý do của lối cư xử tiêu cực là vì trẻ em muốn thuộc về hoặc sở hữu điều gì đó mà không đạt được, và chúng bị lẫn lộn về phương cách để đạt được mục tiêu.
§ Trẻ em có các quan tâm xã hội. Là một cá nhân như mọi người, trẻ em đều có lòng ao ước đóng góp cho xã hội và quan tâm về người khác một cách chân thật. Khi cố gắng học hành, có phải vì đứa trẻ muốn trở nên là người hữu ích cho xã hội không? Nếu đứa trẻ chỉ muốn người khác phục vụ mình, thì khi không được thoả mãn, nó sẽ trở nên thất vọng, và trở nên quậy phá.
Vì vậy, thực là quan trọng giúp cho trẻ em có ý thức quan tâm xã hội. Một khi con em tham gia công việc phục vụ người khác, thái độ cư xử của chúng sẽ tốt hơn. Tâm lý gia Alfred Adler khuyên một bệnh nhân bị bệnh trầm cảm rằng, “Nếu bạn làm một điều tốt cho người khác liên tục trong mười bốn ngày, bịnh trầm cảm của bạn sẽ biến mất”.
§ Trẻ em trọng tinh thần bình đẳng. Nhiều phụ huynh có vấn đề trong việc đối xử bình đẳng với trẻ em. Họ nói rằng, trẻ em không ở địa vị như của họ nên không được coi ngang hàng. Thực ra bình đẳng ở đây có ý nghĩa về phẩm gía và sự tôn trọng. Là con người, trẻ em cũng có giá trị như người lớn. Vì vậy các hình thức nói năng cư xử rẻ rúng đối với trẻ em là điều phải tránh.
§ Trẻ em cần sự yêu thương. Đây là nguyên tắc căn bản không thể thiếu trong việc dạy con. Sự yêu thương là điểm tựa giúp hoá giải nhiều vấn đề các em gặp phải. Một khi trẻ em cảm nghiệm sự yêu thương, được bộc lộ qua lời nói cử chỉ của phụ huynh, thái độ cư xử của các em sẽ được cải tiến.-