Bước chân vào trung tâm Paul Getty, chúng tôi hỏi ngay "bức tranh Irises hiện đang ở đâu?" Vậy mà bức tranh này trị giá 53 triệu Mĩ kim à?
Bức tranh Hoa Hướng Dương của Vincent van Gogh, đã bán tới 42 triệu Mỹ kim.
Sau nhiều dò hỏi kiếm tìm, cách đây mấy năm tôi được một người bạn xếp đặt để đi thăm bức tranh mắc tiền nhất thế giới, trị giá 53 triệu tiền Mỹ, đã được nhà tỷ phú Paul Getty mua về để tại trung tâm Paul Getty (Paul Getty Center) ở Los Angeles, California. Đó là bức Irises (Hoa Cầu Vồng) của họa sĩ Vincent van Gogh gốc người Hòa Lan.
Điều buồn cười là người bạn này ở không xa trung tâm Paul Getty bao nhiêu, thế mà chẳng hề nghe nói tới, cho đến khi người mãi ở xa đến hỏi thì mới bắt đầu đi dò tìm. Mà đi thăm bức tranh này cũng thật công phu vất vả. Phải gọi điện thoại giữ chỗ trước. Rồi phải đậu xe ở xa thật xa để lên xe của trung tâm chở tới trạm xe điện dưới chân đồi ở phía tây Los Angeles. Từ đây, xe điện mới chuyển du khách lên đỉnh đồi, trườn mình chạy quanh co tạo cảm giác đi vào một thế giới khác như tâm tình của Từ Thức ngày xưa được dẫn vào động Thiên Thai.
Bước chân vào trung tâm Paul Getty, chúng tôi hỏi ngay "bức tranh Irises hiện đang ở đâu?"
Đây rồi, bức tranh treo giữa phòng triển lãm hội họa của những họa sĩ nổi tiếng như Monet, Renoir, Degas... Cảm tưởng đầu tiên cũng giống như ba nhà đạo sĩ là chỉ thấy một đứa bé mới sinh bọc trong khăn vải thô để trong máng chuồng chiên: Vậy mà đứa bé này là Đấng Cứu Thế sao? Vậy mà bức tranh này trị giá 53 triệu à?
Người ta tấp nập ngó tới ngó lui, ngồi xuống đứng lên, nét mặt ra chiều đăm chiêu thưởng ngoạn, nhưng trong bụng thì vẫn chưa nắm bắt được bao nhiêu! Mình đã từng xem những bức tranh nổi tiếng của Vincent van Gogh, như bức Đêm Sao (Starry Night) trong Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Tân Thời (MOMA) ở phố New York, như bức bác sĩ Gachet, Hoa Hướng Dương tại Bảo Tàng Viện Orsay ở Paris bên Pháp. Mình cũng đi tìm vết chân của nhà hội họa kỳ lạ này từ "Ga Lyon đèn vàng" lấy xe lửa TGV tốc hành đi Arles rồi St Rémy miền nam nước Pháp, nơi Vincent van Gogh đã vẽ những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới vào năm 1888-1889. Rồi lộn lại Paris tìm lên Auvers-sur-Oise phía bắc nơi ông ta sống những ngày cuối đời bên cạnh cánh đồng lúa vàng.
Đây là ngôi mộ của họa sĩ Vincent van Gogh với biết bao bó hướng dương do du khách vẫn tới thăm mang theo để tỏ lòng ái mộ nhà nghệ sĩ tài danh nhưng mệnh yểu. Ông sống nghèo nàn, cả đời chỉ bán được một bức tranh mấy chục Mỹ kim, nên phải cậy dựa vào người em giúp đỡ. Vậy mà bây giờ, sau hơn một trăm năm, người ta đưa những bức tranh của ông ra bán, bức nào cũng cả mấy chục triệu Mỹ Kim. Điều gì lạ vậy?!
Ảnh của Cao Tường
Mộ của Vincent van Gogh ở Auvers-sur-Oise, bên cạnh mộ người em, phía Bắc Paris.
DẤU CHỈ THỜI ĐẠI TỪ NHỮNG NGƯỜI ĂN KHOAI
Paul Getty cũng như người mua bức tranh Hoa Hướng Dương 42 triệu Mỹ kim không khoe của phách lối đâu. Cả đời bon chen bòn tiền làm tỷ phú rồi cuối cùng Paul Getty cũng nhận ra rằng một bông hoa trong vườn nhà mình cũng đáng giá 53 triệu. Đó là cái nhìn và cái thấy của Vincent van Gogh. Thế ra xem tranh lại chẳng phải là xem tranh mà là đi xem mắt. Bức tranh Irises giá trị vì biểu hiện được hướng nhìn đó, làm cho mọi vật hiện lên nét đẹp tự thân, thành một bài ca vũ trụ như của thánh Phan Sinh với anh mặt trời, em mặt trăng.
Ông ta theo hướng nhìn của một họa sĩ khác cũng người Hòa Lan là Rembrandt. Đang khi thời đó người ta chỉ biết đề cao những nét giầu sang nơi hàng quan quyền, chỉ vẽ hình những vị hoàng đế, hoàng hậu hay công chúa, thì Rembrandt vẽ một bức tranh gây trào lưu cách mạng: một tảng thịt bò treo lủng lẳng. Tại sao chỉ có nhà vua mới đáng quí trọng? Một đứa bé nhà quê, một đùi thịt cũng đẹp cũng quí vậy. Cái gì được tạo dựng cũng cao đẹp, cũng quí báu. Giá trị không nằm ở cái vỏ bề ngoài mà phải từ bên trong trái tim. Ông vẽ những bức chân dung với một lối chơi ánh sáng mới: ánh sáng từ bên trong tâm hồn, từ nét đẹp nội tâm hơn cái ánh sáng bên ngòai. Vì thế những ai học về nghệ thuật chụp hình ngày nay đều phải qua một bài về vẽ bằng ánh sáng, gọi là ánh sáng Rembrandt.
Vincent van Gogh lớn lên với ý định làm thầy giảng đạo. Ông đã được phái đi thực tập làm tuyên úy cho đám phu hầm mỏ nghèo khổ thấp cổ bé miệng tại vùng Borinage bên Bỉ. Ở đây ông chứng kiến những cảnh cùng khổ nên bắt đầu vẽ những bức đầu tiên về những người lao động vất vả đen đủi chân tay nhưng đẹp đẽ tâm hồn. Ông đề cao những gì mà người đương thời hay ngay cả tôn giáo của ông vẫn coi thường. Tin Vui ông loan báo là tin vui đích thực cho người nghèo khổ, nhưng dễ gây xáo trộn đẳng cấp, chính vì thế mà ông bị sa thải không được phép giảng đạo nữa.
Thế là Vincent van Gogh đi tìm phương cách khác: diễn đạt cái nhìn và cái thấy bằng nét vẽ. Ông học vẽ và bắt đầu vẽ với một cái nhìn quá khác nên tranh của ông chẳng ai thèm ngó và mua. Có một câu truyện vui là một hôm ông bị lên cơn bệnh bất thường phải vào nhà thương ở Arles vào tháng12 năm 1888 và được bác sĩ Félix Rey tận tâm chữa trị. Sau khi xuất viện, ông đã vẽ bức tranh chân dung bác sĩ Rey để cảm ơn ông. Bác sĩ Rey thấy bức tranh có vẻ buồn cười thì không biết treo đâu, bèn đưa về chắn chuồng gà cho mẹ. Vậy mà bây giờ bức tranh chắn chuồng gà này cũng được moi ra bán với giá kỷ lục.
Bức tranh Những Người Ăn Khoai (trên đây) đã ghi mốc cho việc chuyển đạt Tin Vui của Đạo bằng hội họa. Ông vẽ một gia đình nông dân nghèo nàn mộc mạc đang ngồi ăn bữa tối quanh cái bàn ọp ẹp với ngọn đèn leo lét. Khuôn mặt của những người này có vẻ thô kệch với những bàn tay xương xẩu sứt sẹo. Nhưng ông diễn được nét đẹp lật ngược: họ vẫn đẹp, với cái đẹp thực. Củ khoai do chính tay họ trồng và đào lên với mồ hôi, với da cằn lại. Nhưng đẹp thực, đẹp quá. Cái đẹp không giả tạo ước định như nhiều cái đẹp đương thời, không cần mang chức nọ tước kia, không cần thuộc giai cấp quan lớn đại gia.
TIN VUI GỬI NGƯỜI BỊ VÍT TRONG HẦM (CN 17-C)
Không được làm thầy giảng đạo bằng môi miệng, Vincent van Gogh vẫn tiếp tục bằng nét vẽ. Ông đã chuyển đạt Tin Vui của Đạo cho những người làm hầm mỏ thấp cổ bé miệng, cho những người lao động lam lũ, cho những người bị vít nhãn quan trong hầm tối, để thấy được vẻ đẹp và hạnh phúc giản đơn chân thực. Chính vì thế mà tranh của ông bây giờ được mua với giá thật cao. Đúng là dấu chỉ của thời đại, khi người ta bắt đầu tìm về những gì quí trọng mà Chúa Trời Đất đã trao ban sẵn sàng: một nụ cười, một bông hoa, một cử chỉ yêu thương, bác ái... tất cả đều quí hơn bất cứ chiếc nhẫn kim cương nào, đâu có phải bon chen chèn cựa vất vả biến xã hội thành phức tạp một cách ghệ rợn như hiện tại.
Henri Nouwen, một nhà tu đức nổi tiếng gốc người Hòa Lan dạy đề tài “Việc truyền đạo của van Gogh” tại đại học Yale, đã chứng nghiệm được sức cảm hóa lòng người của những bức tranh van Gogh. Henri Nouwen đã nói rõ trong lời đề tựa cho cuốn “van Gogh and God” của Cliff Edwards (Loyola University Press):
“Tôi chắc chắn rằng những lớp dạy về van Gogh này đã ảnh hưởng sâu đậm trên các sinh viên hơn bất cứ khóa nào tôi đã dạy. Tôi đã dùng nhiều sách tu đức hiện đại như của Thomas Merton, nhưng tôi chưa từng thấy những sinh viên bị hút hồn về cả đầu óc và con tim, như trong khóa này khi nhìn kỹ những bức tranh của van Gogh. Tôi còn nhớ, chúng tôi đã để cả mấy giờ cùng với nhau trong thinh lặng, chỉ để nhìn ngắm những bức dương bản của tác phẩm Van Gogh. Tôi không phải cố gắng giải nghĩa hay phân tích gì cả. Tôi chỉ muốn các sinh viên hãy cảm nghiệm trực tiếp những hút hồn và những quằn quại của họa sĩ này đang cố đi tìm ý nghĩa cuộc sống... Thiên Chúa của Van Gogh rất thật, rất trực diện, sờ thấy được nơi thiên nhiên và con người, rất từ bi thương cảm, vì đã từng rất yếu đuối bị thương tích tư bề. Chính vị Chúa này mà tất cả chúng ta muốn đến gần.”
PHÚT TỊNH TÂM
Đúng thế. Chính vị Chúa này đã cho phép mỗi người chúng ta được gọi ngài là Bố, là Ba. Tiếng gọi "bố ơi" nghe đậm tình làm sao! Nhận ra Bố mình giầu có đầy quyền năng luôn có mặt yêu thương săn sóc bên cạnh mình, là một khám phá mới nhất, vẫn gọi là khám phá của con mắt niềm tin, bật sáng từ hầm tối tù mù. Điều mạc khải lạ lùng này chính Chúa đã quả quyết qua tâm tình của thánh Phaolô:
"Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi! " (Gal 4:6)
Chính vì thế mà mở đầu cho mọi lời cầu nguyện, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến Kinh Lạy Cha, là bày tỏ được thái độ căn bản tình nghĩa Cha-Con, tin tưởng tuyệt đối vào tình Chúa:
9 "Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? " (Luca 11:9-13)