Học Thuyết Xã Hội Công Giáo
II. Con Người
Bài 2
A. Phẩm Giá, Sự Tự Do và Tính Xã Hội ( số 39 – 65)
11. HTXHCG đề cập đến phẩm giá con người như thế nào?
Phẩm giá con người được biểu lộ trong nguồn gốc và cùng đích của chính mình. Vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu độ bằng Máu thánh của Đức Kitô, nên con người được trở thành con Thiên Chúa, là đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần, và được chia sẻ đời sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Vì lý do này, bất cứ sự xúc phạm nào đến phẩm giá con người đều là sự xúc phạm đến chính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng con người.
12. Giáo hội bảo vệ phẩm giá con người như thế nào?
Giáo hội kiên quyết bảo vệ phẩm giá con người dưới mọi hình thức. Nhất là đối với những luồng tư tưởng coi thường phẩm giá con người, và cả những luồng tư tưởng thần tượng hóa con người. Vì không có luật nào của loài người, dù khôn khéo và bảo đảm đến đâu, có thể sánh được với luật Tin Mừng của Đức Kitô mà Giáo hội được ủy thác. Tôn trọng phẩm giá con người là chu toàn luật Tin Mừng của Đức Kitô.
13. Chúng ta có trách nhiệm liên đới trong việc bảo vệ phẩm giá con người không?
Thưa có. Phẩm giá con người mang một giá trị siêu việt. Vì đươc tạo dựng bởi Thiên Chúa, nên tự bản chất con người luôn hướng về Đấng đã tạo nên mình và đồng thời họ cũng không ngừng hướng đến đồng loại mang cùng phẩm giá như mình. Vì thế, kiến tạo hạnh phúc cho mỗi cá nhân là thúc đẩy điều thiện hảo cho cộng đồng nhân loại, mà mỗi cá nhân là thành phần trong cộng đồng ấy. Vậy, trách nhiệm liên đới là quyền và bổn phận cần được thúc đẩy và tôn trọng.
14. HTXHCG đề cập đến sự tự do của con người như thế nào?
Khi đề cập đến vấn đề luân lý, chúng ta không thể không đề cập đến sự tự do. Vốn mang hình ảnh của Thiên Chúa trong phẩm giá siêu việt của mình, nên sự tự do của con người, tự trong bản chất là hướng về Thiên Chúa. Vì thế, sự tự do không thể tách rời khỏi con người được. Không có một quyền lực cá nhân hay tổ chức nào có thể kiềm chế hay tước đoạt sự tự do của con người. “Con người tự do là bởi vì họ sở hữu khả năng tự quyết những gì liên quan đến sự thật và thiện hảo.” (World Day of Peace Message, 1981, #5)
15. “Tôi muốn là gì thì làm.” có phải là tự do không?
Thưa không. Vì tự do không chỉ là quyền đòi hỏi của mỗi cá nhân, nhưng còn là bổn phận đối với người khác. Tôi dùng tự do để phục vụ cho cá nhân và cộng đoàn của tôi, nhưng tôi cũng phải biết tôn trọng quyền tự do của những cá nhân và cộng đoàn khác. Điểm này như đặt giới hạn cho sự tự do, nhưng thật ra nó thật logic và phù hợp với giá trị của sự tự do: vì tất cả chúng ta đều mang tính xã hội. Trong Bài giảng tại Baltimore, 1995, ĐGH John Paul II nhấn mạnh: “Mọi người cần phải nhớ rằng: tự do không có nghĩa là chúng ta làm những gì chúng ta thích, nhưng là có quyền để làm những gì chúng ta phải làm”.
Mặt khác, vì quá mải mê những tạo vật thế gian, có những người đã trở nên mù quáng. Họ đã lạm dụng sự tự do của chính mình, nên họ trở thành một ngục tù giam cầm chính họ. Họ phá vỡ tình huynh đệ và trở nên đối nghịch với sự thật.
16. Thế nào là tự do đích thực?
Chúa Giêsu đã phán: “Sự thật sẽ giải thoát các con” (Jn 8: 32). Như vậy, điều kiện tiên quyết để có sự tự do đích thực là con người phải gắn liền với sự thật. Vì chỉ trong sự thật thì sự tự do mới được viên mãn. Đồng thời, để có thể tiếp cận được sự thật, con người cần phải tránh mọi kiểu tự do hão huyền, giả tạo. Vì những kiểu tự do giả tạo này sẽ không dẫn ta vào sự thật về con người và về thế giới. (cf. Redemptor Hominis, # 12)
17. Không có tự do đích thực thì phẩm giá của con người có được tôn trọng không?
Thưa không. Trong thế giới ngày nay, con người dễ dàng lẫn lộn giữa sự tự do đích thực và tự do phóng túng. Nhân danh sự tự do, có nhiều người hành động một cách không có ý thức về luân lý, tức là coi thường phẩm giá con người. Vậy khi chúng ta không có tự do đích thực, nghĩa là chúng ta không sống trong sự thật, thì phẩm giá con người cũng không được tôn trọng.
18. Con người có mang tính xã hội không?
Thiên Chúa là Cha, theo ý định yêu thương của Ngài, đã tạo dựng loài người trong một gia đình nhân loại, vì thế con người nên cư xử với nhau theo tình anh em. Tính xã hội nơi con người được minh chứng cụ thể rằng: sự phát triển của mỗi cá nhân gắn liền với sự phát triển của xã hội; điều này luôn luôn hổ tương cho nhau. Thực tế cho thấy, mục đích ban đầu của các thể chế xã hội là nhằm phục vụ con người, và đây cũng là bản chất của xã hội loài người. Chính vì thế, xã hội tính nơi con người không phải là một đặc tính được thêm vào cho con người, nhưng là xuyên qua quá trình làm việc, trao đổi, đối thoại con người phát triển mọi khả năng của mình để cùng giúp nhau đi tới vận mệnh chung của mình.
19. Nguyên nhân nào làm cho con người đánh mất tính xã hội để rơi vào chủ nghĩa cá nhân?
Ngày nay, nhiều cá nhân thường bị bóp nghẹt giữa hai cực: Nhà nước và thị trường. Sự hiện hữu của mỗi cá nhân như là những công cụ để sản xuất và tiêu thụ, hoặc như là đối tượng cho việc quản lý của nhà nước. Vì thế, nhiều người dễ dàng đánh mất sự thật rằng: mục đích đời sống xã hội không phải là nhà nước hay thị trường, nhưng tự bản chất, đời sống xã hội mang một giá trị độc đáo mà nhà nước và thị trường phải phục vụ cho giá trị ấy. Chính sự lầm lẫn nghiêm trọng này, con người mất khả năng nhận thức về sự liên đới trong cộng đồng nhân loại, dẫn đến hậu quả là đề cao chủ nghĩa cá nhân thay vì xã hội tính nơi mỗi người.
20. HTXH đề cập đến trách nhiệm xây dựng xã hội của mỗi cá nhân như thế nào?
Mỗi một cá nhân là thành viên của gia đình nhân lọai. Tất cả mọi người đều được mời gọi đóng góp vào sự phát triển của nhân loại. Tất cả các nền văn mimh được sinh ra, phát triển và chết đi, nhưng loài người luôn phát triển theo dòng lịch sử. Mỗi chúng ta đều được thừa hưởng những di sản của tổ tiên và tiếp tục được hưởng những thành quả của xã hội đương đại. Ví lý do này, mỗi người phải có bổn phận xây dựng xã hội không phải chỉ vì cho chúng ta hôm nay, mà còn phải có trách nhiệm để lại những giá trị quí báu cho thế hệ mai sau.
Huynhquảng