Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

BBT CGVN YouTube
Thánh Kinh Công Giáo
Cầu nguyện bằng email
Hội Đồng Giám Mục VN
Liên Lạc

Văn Kiện Vatican 2

Lectio divina

Suy Niệm & Cầu Nguyện

Học Hỏi Kinh Thánh

Lớp KT Sr Cảnh Tuyết

Nova Vulgata

Sách Bài Đọc UBPT

LỜI CHÚA LÀ ÁNH SÁNG

GH. Đồng Trách Nhiệm

TAN TRONG ĐẠI DƯƠNG

Video Giảng Lời Chúa

Giáo Huấn Xã Hội CG

Tuần Tin HĐGMVN

Vụn Vặt Suy Tư

Giáo Sĩ Việt Nam

ThăngTiến GiáoDân

Bản Tin Công Giáo VN.

Chứng Nhân Chúa Kitô

Thánh Vịnh Đáp Ca

Phúc Âm Nhật Ký

Tin Vui Thời Điểm

Tin Tức & Sự Kiện

Văn Hóa Xã Hội

Thi Ca Công Giáo

Tâm Lý Giáo Dục

Mục Vụ Gia Đình

Tư Liệu Giáo Hội

Câu Chuyện Thầy Lang

Slideshow-Audio-Video

Chuyện Phiếm Gã Siêu

Các Tác Giả
  Augustinô Đan Quang Tâm
  Đinh Văn Tiến Hùng
  Ban Biên Tập CGVN
  Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
  Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức, MD.
  Bùi Nghiệp, Saigon
  Bosco Thiện-Bản
  Br. Giuse Trần Ngọc Huấn
  Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh
  Dã Quỳ
  Dã Tràng Cát
  Elisabeth Nguyễn
  Emmanuel Đinh Quang Bàn
  Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền,OSB.
  EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
  Fr. Francis Quảng Trần C.Ss.R
  Fr. Huynhquảng
  Francis Assisi Lê Đình Bảng
  Gia Đình Lectio Divina
  Gioan Lê Quang Vinh
  Giuse Maria Định
  Gm Phêrô Huỳnh Văn Hai
  Gm. Giuse Đinh Đức Đạo
  Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
  Gm. JB. Bùi Tuần
  Gm. Nguyễn Thái Hợp, op
  Gm. Phêrô Nguyễn Khảm
  Gs. Đỗ Hữu Nghiêm
  Gs. Ben. Đỗ Quang Vinh
  Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
  Gs. Nguyễn Đăng Trúc
  Gs. Nguyễn Văn Thành
  Gs. Phan Văn Phước
  Gs. Trần Duy Nhiên
  Gs. Trần Văn Cảnh
  Gs. Trần Văn Toàn
  Hạt Bụi Tro
  Hồng Hương
  Hiền Lâm
  Hoàng Thị Đáo Tiệp
  Huệ Minh
  HY. Nguyễn Văn Thuận
  HY. Phạm Minh Mẫn
  JB. Lê Đình Nam
  JB. Nguyễn Hữu Vinh
  JB. Nguyễn Quốc Tuấn
  Jerome Nguyễn Văn Nội
  Jorathe Nắng Tím
  Jos. Hoàng Mạnh Hùng
  Jos. Lê Công Thượng
  Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP
  Joseph Vũ
  Khang Nguyễn
  Lê Thiên
  Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
  Lm Đaminh Hương Quất
  Lm. Anmai, C.Ss.R.
  Lm. Anphong Ng Công Minh, OFM.
  Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế op.
  Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  Lm. Đan Vinh, HHTM
  Lm. Đỗ Vân Lực, op.
  Lm. G.Trần Đức Anh OP.
  Lm. GB. Trương Thành Công
  Lm. Giacôbê Tạ Chúc
  Lm. Gioan Hà Trần
  Lm. Giuse Hoàng Kim Đại
  Lm. Giuse Lê Công Đức
  Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp
  Lm. Giuse Trần Đình Thụy
  Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
  Lm. Inhaxio Trần Ngà
  Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
  Lm. JB Trần Hữu Hạnh fsf.
  Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
  Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh
  Lm. Jos Đồng Đăng
  Lm. Jos Cao Phương Kỷ
  Lm. Jos Hoàng Kim Toan
  Lm. Jos Lê Minh Thông, OP
  Lm. Jos Nguyễn Văn Nghĩa
  Lm. Jos Phan Quang Trí, O.Carm.
  Lm. Jos Phạm Ngọc Ngôn
  Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
  Lm. Jos Trần Đình Long sss
  Lm. Jos.Tuấn Việt,O.Carm
  Lm. Lê Quang Uy, DCCT
  Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.
  Lm. Linh Tiến Khải
  Lm. Martin Ng Thanh Tuyền, OP.
  Lm. Minh Anh, TGP. Huế
  Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên O. Cist.
  Lm. Ng Công Đoan, SJ
  Lm. Ng Ngọc Thế, SJ.
  Lm. Ngô Tôn Huấn, Doctor of Ministry
  Lm. Nguyễn Hữu An
  Lm. Nguyễn Thành Long
  Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
  Lm. Pascal Ng Ngọc Tỉnh
  Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
  Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
  Lm. Phạm Văn Tuấn
  Lm. Phạm Vinh Sơn
  Lm. PX. Ng Hùng Oánh
  Lm. Raph. Amore Nguyễn
  Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
  Lm. Tôma Nguyễn V Hiệp
  Lm. Trần Đức Phương
  Lm. Trần Mạnh Hùng, STD
  Lm. Trần Minh Huy, pss
  Lm. Trần Việt Hùng
  Lm. Trần Xuân Sang, SVD
  Lm. TTT. Võ Tá Khánh
  Lm. Vũ Khởi Phụng
  Lm. Vĩnh Sang, DCCT
  Lm. Vinh Sơn, scj
  Luật sư Đoàn Thanh Liêm
  Luật sư Ng Công Bình
  Mẩu Bút Chì
  Mặc Trầm Cung
  Micae Bùi Thành Châu
  Minh Tâm
  Nữ tu Maria Hồng Hà CMR
  Nguyễn Thụ Nhân
  Nguyễn Văn Nghệ
  Người Giồng Trôm
  Nhà Văn Hương Vĩnh
  Nhà văn Quyên Di
  Nhà Văn Trần Đình Ngọc
  Nhạc Sĩ Alpha Linh
  Nhạc Sĩ Phạm Trung
  Nhạc Sĩ Văn Duy Tùng
  Phaolô Phạm Xuân Khôi
  Phêrô Phạm Văn Trung
  Phó tế Giuse Ng Xuân Văn
  Phó tế JB. Nguyễn Định
  Phùng Văn Phụng
  Phạm Hương Sơn
  Phạm Minh-Tâm
  PM. Cao Huy Hoàng
  Sandy Vũ
  Sr. Agnès Cảnh Tuyết, OP
  Sr. M.G. Võ Thị Sương
  Sr. Minh Thùy, OP.
  Têrêsa Ngọc Nga
  Tín Thác
  TGM. Jos Ngô Quang Kiệt
  TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc
  Thanh Tâm
  thanhlinh.net
  Thi sĩ Vincent Mai Văn Phấn
  Thiên Phong
  Thy Khánh
  Thơ Hoàng Quang
  Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
  Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt
  Tiến Sĩ Trần Xuân Thời
  Trầm Tĩnh Nguyện
  Trầm Thiên Thu
  Trần Hiếu, San Jose
  Vũ Hưu Dưỡng
  Vũ Sinh Hiên
  Xuân Ly Băng
  Xuân Thái
Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
  Giáo Sĩ Việt Nam
BẢY LỜI CỦA ĐỨC MARIA & ĐỜI SỐNG LINH MỤC

 

GIẢNG TĨNH TÂM LINH MỤC ĐOÀN  PHAN THIẾT

NGÀY 5-9/1/2009

LỜI THỨ NHẤT

Lc 1, 26-34

Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
 

BIẾT MÌNH

“Việc đó được xảy đến thế nào,

vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34) 

I. LỜI THỨ NHẤT CỦA ĐỨC MARIA 

1. Từ thái độ bối rối

2. Đến câu hỏi “thế nào?”

3. Để nên như hành trình đáp trả ơn gọi 

II. LINH MỤC VÀ VIỆC BIẾT MÌNH 

1. Biết mình

2. Linh mục và lời “tôi biết”

3. Linh mục và lời “tôi không biết”


LỜI THỨ HAI

Lc 1, 35-38

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
 

VÂNG PHỤC

“Này tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời,

tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1,38) 

I. LỜI XIN VÂNG CỦA ĐỨC MARIA 

1. “Này tôi”

2. “là tôi tá Đức Chúa Trời”

3. “Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” 

II. SỰ VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI LINH MỤC  

1. Vâng phục là thành phần cuộc đời linh mục

2. Vâng và phục

3. Vài lãnh vực đang cần đến sự vâng phục

 

LỜI THỨ BA

Lc 1, 39-45

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét.

Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.
 

BẰNG HỮU

Đức Maria vào nhà ông Dacaria

và chào hỏi bà Elizabeth (Lc 1,40) 

I. TÌNH BẰNG HỮU CỦA ĐỨC MARIA

1. Vội vã lên đường

2. Vui vẻ gặp gỡ

3. Vồn vã giúp đỡ

 

II. TÌNH BẰNG HỮU TRONG ĐỜI LINH MỤC 

1. Từ tình bằng hữu đời thường

2. đến tình bằng hữu linh mục đoàn

3. Vấn đề thực tế


LỜI THỨ TƯ

(Lc 1, 46-56)

Bấy giờ bà Maria nói:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

Thần trí tôi hớn hở vui mừng

Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới:

Từ nay hết mọi đời

Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,

Danh Người thật chí thánh chí tôn!

 

Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

 

Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,

Như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

Vì Người nhớ lại lòng thương xót

Dành cho tổ phụ Abraham

Và cho con cháu đến muôn đời”.

Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.


 

KINH MAGNIFICAT

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui

mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-55)

 

I. KINH MAGNIFICAT CỦA ĐỨC MARIA 

1. Nhãn giới mầu nhiệm

2. Nhãn giới sứ vụ

3. Nhãn giới hiệp thông  

II. KINH MAGNIFICAT TRONG ĐỜI LINH MỤC 

1. Ngợi khen bằng đời sống linh mục đích thực

2. Ngợi khen bằng đời sống linh mục gương mẫu

3. Ngợi khen bằng đời sống sứ vụ nhiệt thành


LỜI THỨ NĂM

Lc 2, 41-52

Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chugn với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu.

Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hăng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

 

MỤC VỤ TÌM KIẾM CHIÊN LẠC  

“Sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không,

cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48)

 

I. LỜI CỦA ĐỨC MARIA 

1. Từ sự cố trẻ Giêsu ở lại Đền Thờ

2. Đến lời đối đáp giữa hai mẹ con

3. Để sáng lên lời mời gọi vượt qua 

II. LỜI THỨ NĂM VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC

1. Sứ mạng tìm kiếm chiên lạc

2. Những bóng dáng chiên lạc hôm nay

3. Những bước chân không mỏi


LỜI THỨ SÁU

Ga 2, 1-4

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.

Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”.

Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”.


MỤC VỤ GIA ĐÌNH  

“Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3) 

I. LỜI “HỌ HẾT RƯỢU RỒI” 

1. “Họ hết rượu rồi”: một lời thông tin

2. “Họ hết rượu rồi”: một lời thông cảm

3. “Họ hết rượu rồi”: một lời chuyển cầu

 

II. LỜI THỨ SÁU TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC 

1. Khi cuộc sống gia đình “hết rượu”

2. Mục vụ với trái tim

3. Nhờ Mẹ Chúa Giêsu chuyển cầu

 

LỜI THỨ BẢY

Ga 2, 5-11

Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.

Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!”. Và họ đã đổ đầy tới miệng.

Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”.

Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”.

Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.


 

MỤC VỤ LỜI CHÚA 

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5)

 

I. LỜI THỨ BẢY CỦA ĐỨC MARIA 

1. “Người”

2. “bảo gì”

3. “các anh cứ việc làm theo”

 

II. LỜI THỨ BẢY VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC 

1. Gặp gỡ Lời Chúa

2. Thực hành Lời Chúa

3. Giảng Lời Chúa

 

BIẾT MÌNH

“Việc đó được xảy đến thế nào,

vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34)

 

Có một bài thánh ca từ lâu đã nổi tiếng, nhưng từ hơn một năm nay lại càng nổi tiếng hơn. Nổi tiếng vì nội dung phong phú như ánh sáng muôn đời soi dẫn cuộc đời phụng sự, nhưng cũng nổi tiếng vì cách vận dụng bài thánh ca ấy trong những tình huống cụ thể để trở thành bài ca thời sự cho người có đạo cũng như cho người ngoại đạo, cho tín hữu trong nước cũng như cho tín hữu ngoài nước. Bài ca là lời kinh gieo tin yêu hy vọng và nhất là khi được hát cộng đồng đã trở thành sức mạnh làm chứng đức tin, bất kể những khó khăn mọi mặt. Đó là bài hát cha Kim Long phổ nhạc lời “Kinh hoà bình” của thánh Phanxicô Khó Khăn mà hầu như mọi tín hữu Việt Nam đã thuộc nằm lòng. Bài hát là một lời kinh tin tưởng mở đường mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, cũng là bài ca vẽ lên chương trình phục vụ và yêu thương mọi người trong Chúa. Bài hát là kinh nguyện hoà bình dâng lên Chúa và cũng là ước nguyện đấu tranh bất bạo động gửi gắm cho con người.

Bản thân, khi được hoà vào dòng chảy hoà bình mạnh mẽ ấy, nhất là với ánh nến trên tay giữa bóng tối vây quanh, tôi cũng cảm nhận được những nghịch lý quắt quay của hành trình đức tin Kitô giáo. Hôm nay, nếu được hát bài ca này giữa cộng đoàn, xin chỉ dừng lại trong một nghịch lý cũng là chân lý ngàn đời của người phụng sự: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”, để thấy được rằng khi quên mình tưởng là không biết mình mà kỳ thực lại là cách khẳng định mình đẹp nhất, cũng như nói “mình không biết” lại là cách diễn tả “mình biết mình” hơn cả bao giờ.

Lời đầu tiên của Đức Maria trong Phúc Âm là lời khẳng định Mẹ không biết, nhưng chính lại là lời cho thấy Mẹ biết mình rất rõ để từ đó làm cơ sở mà bước vào chương trình của Thiên Chúa: “Việc đó được xảy đến thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”. Trong khuôn khổ của những ngày tĩnh tâm linh mục, chúng ta trước hết sẽ tìm hiểu ý nghĩa lời của Đức Maria trong bối cảnh năm xưa, và tiếp theo sẽ xét xem lời đó rọi sáng điều gì trên đời sống hôm nay của linh mục.

I. LỜI THỨ NHẤT CỦA ĐỨC MARIA

1. Từ thái độ bối rối

Khi thốt lên lời thứ nhất, Đức Maria đang ở trong một hoàn cảnh khó xử. Khó xử bên ngoài có thể vì sự xuất hiện của một gương mặt lạ trong nhà mình, cho dẫu với kiến thức truyền thống của một thiếu nữ Sion ngoan đạo, Mẹ đã chẳng lạ gì với những tên tuổi thiêng liêng phụng mệnh Thiên Chúa. Trình thuật Phúc Âm đã không vòng vo để gọi tên vị khách lạ ấy là thiên sứ Gabriel. Sự xuất hiện của một người lạ phàm nhân như người hàng xóm chẳng hạn, có lẽ không gây khó xử vì là chuyện thường ngày; nhưng khi sứ thần Thiên Chúa đến gặp ai thì không còn là chuyện thường ngày nữa, mà xem ra đã là chuyện trọng đại ngoại thường. Nhưng khó xử bên trong nội dung câu chuyện trao đổi, từ lời chào cho đến sứ điệp chuyển đạt, mới là điều đáng nói. Nghe những lời ấy, ruột gan Đức Maria rối bời. Có thể lý giải những bối rối của Đức Maria, dựa trên chính lời nói của thiên sứ Gabriel.

Bối rối thứ nhất: Hồng ân Chúa quá cao, phận mình lại bé nhỏ. Trước lời chào đặc biệt của thiên sứ “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”, Đức Maria đã cảm nhận một bầu khí hồng ân đang bao bọc lấy mình. Đây không chỉ là lời chào thông thường, mà còn là lời xác nhận Thiên Chúa luôn hiện diện hỗ trợ. Đây cũng không chỉ là lời chào khuôn định xã giao, mà còn là lời mời gọi hãy mừng vui lên vì được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn để góp công góp sức góp thân góp phận vào công trình yêu thương của Ngài. Tiếng chào cao hơn mâm cỗ. Nếu mâm cỗ ở đây là ân sủng đầy tràn của Thiên Chúa, thì lời chào “Mừng vui lên” đã được đẩy lên tầm cao tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người.

Lạ lùng lắm sứ thần Gabriel sử dụng từ “kêcharitômênê - đầy ân sủng” áp dụng cho người trần, nên càng hiểu hơn nữa tâm tình phản tỉnh của Đức Maria. Trong tiếng Việt, có thể phân tích bằng ba chữ “đ” = “đã được đầy”. 1/ đã: Từ muôn đời Thiên Chúa đã thương ban ơn và Ngài còn luôn ban ơn cho đến ngàn sau (chiều dài); 2/ được: Những ơn sủng Đức Maria có đều là nhận được từ Thiên Chúa tình thương (chiều cao); 3/ đầy: Tràn lan, chứa chan, trọn vẹn mỗi ơn và toàn vẹn mọi ơn (chiều rộng). Như thế, từ “kêcharitômênê” khi biến thành danh xưng gọi Đức Maria phải được giải thích là “Đấng đã được ban đầy tràn ân sủng”. Quả là một danh xưng ngoại thường, được xướng lên trong một khung cảnh trang trọng của buổi truyền tin, nhất là lại có sự xuất hiện của nhân vật từ trời, thử hỏi người nghe có thể bình tĩnh được chăng? Thảo nào, Phúc Âm kể: Đức Maria rất bối rối.

Bối rối thứ hai: Sứ mạng Chúa trao quá lớn, sức mình lại yếu ớt. Có lẽ chẳng cần dài lời lý giải, chỉ cần đặt mình vào hoàn cảnh của Đức Maria năm xưa, cũng đủ hình dung tâm tình của Mẹ trước câu nói của sứ thần. “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”.

Quả là bối rối trước hàng loạt nghịch lý của sứ mạng đề ra: trinh nữ mà lại sinh con; con người mà lại sinh ra Con Đấng Tối Cao; nhà hai lúa mà lại được ban cho ngai vàng Đavít. Với đầu óc thiếu nữ thực dụng ngày nay, có thể đây là cơ hội ngàn vàng kiểu “ăn mày gặp xôi gấc”, phải chộp lấy ngay kẻo dịp may không quay trở lại, chẳng phải đắn đo lo nghĩ làm gì cho già người đi. Thế nhưng với Đức Maria thì khác. Ngài nghĩ: Chúa trao sứ mạng quá lớn, mà ngài thì sức yếu vai mềm làm sao gánh vác nổi. Phận cỏ mình rơm của một thiếu nữ miền quê Nagiarét làm sao dám mơ với lên lá ngọc cành vàng của Đức Chúa là Thiên Chúa.

Vì thế, đã bối rối về hồng ân cao cả lãnh nhận, lại càng bối rối hơn về sứ mạng lớn lao được trao, nhất là trong tình huống cụ thể của một gia đình tương lai mà Đức Maria chưa tưởng tượng hết được, ở đó việc đặt tên tuỳ thuộc phần lớn ở người đàn ông như trường hợp gia đình Giacaria chẳng hạn, còn ở đây, theo lời sứ thần, Mẹ sẽ phải cáng đáng nhiệm vụ ấy để nhận tên trước cho con trẻ là Giêsu, với ý nghĩa cao quý ở đỉnh cao lòng mong chờ của toàn dân: Giêsu = Giavê là Đấng Cứu Độ.

2. Đến câu hỏi “thế nào?”

Bối rối trước hồng ân và bối rối trước sứ mạng, dẫu thật là thế, cũng chỉ là những cảm nhận trong tâm tưởng của Đức Maria khi đối chiếu mình với lời nói của sứ thần Gabriel; nhưng chính khi buột miệng thốt ra lời đầu tiên, Đức Maria mới để lộ cho thấy điều ngài quan tâm hơn cả không phải là một tương lai dòng dõi hoàng vương, cũng không phải là một vị thế gia phong huy hoàng choáng ngợp nằm mơ cũng không thấy; mà là một điều liên hệ trực tiếp đến chính bản thân ngài vốn là một trinh nữ  làm sao có thể đi vào nhịp cầu sinh nở, hay nhạy cảm hơn, làm sao có thể đón nhận mối quan hệ nam nữ như cửa ngõ duy nhất của việc sinh con, làm sao có thể dung hoà giữa hai bậc sống khác biệt đồng trinh và gia đình, và làm sao một cuộc đời đã thuộc về Thiên Chúa trọn vẹn lại có thể chia sẻ ra để thuộc về người khác. Nghĩ sao nói vậy, Đức Maria thưa: “Việc đó được xảy đến thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”.

Về lời đáp của Đức Maria dành cho sứ thần, cũng là một câu hỏi can dự đến lựa chọn bậc sống của ngài, trong tiếng Việt, có một cách dịch nghe ra không thuận lắm vì có thể làm suy giảm tâm tình cởi mở của Mẹ trước đề nghị của Thiên Chúa, đó là lời dịch “Việc đó xảy đến thế nào được”. Đã đành có bối rối, nhưng không thể để xuất hiện một lời mang hàm ý từ chối, trong khi lời dịch “Việc đó được xảy đến thế nào” lại bộc lộ một thái độ tiếp nhận dù còn chờ giải thích rõ hơn. Tiếng Việt hay lắm. Chỉ đảo vị trí chữ “được” thôi cũng thay đổi hẳn cả ý nghĩa, ấy là chưa nói đến cách bỏ dấu: “thế nào được!” sẽ đi với dấu chấm than, trong khi “được thế nào?” sẽ gọi theo dấu chấm hỏi.

Trong lời của Đức Maria, nếu phần đầu là một nỗi băn khoăn dấu hiệu của tâm tình bối rối: “việc đó được xảy đến thế nào?”, thì phần sau lại là một lý do hàm chứa một khẳng định quan trọng: “tôi không biết đến việc vợ chồng”. Lời này cho thấy:

Trực tiếp là việc Mẹ đưa ra lý do “không biết đến việc vợ chồng”. Mà đúng thật. Trong ngôn ngữ Do Thái, động từ “biết” là một động từ đặc biệt, nó không nhằm thái độ tri thức của một chủ thể đối với một khách thể cho bằng muốn diễn tả mối liên hệ cận thân xoắn xuýt của những thể ấy với nhau đến nỗi dẫu trong thực tế vẫn phân biệt chủ khách, nhưng trong thực thể không còn phân chia khách chủ nữa. Nói đúng hơn, chủ khách đã “nên một”. Chẳng phải nói dài lời, chỉ cần lần giở mục từ “biết” trong cuốn Điển ngữ Thần học Thánh Kinh hoặc trong một vài điểm chú giải của những bộ Thánh Kinh, người ta cũng có thể hình dung được ý nghĩa đặc trưng này, cách riêng trong mối quan hệ vợ chồng.

Khi Thánh Kinh nói “Adam biết Eva” thì không chỉ hiểu là họ nhận ra nhau trong tình thân vô tư theo kiểu bài hát sinh hoạt “Gần nhau trong cho nhau yêu thương tình loài người”, mà còn phải hiểu là họ đã gần nhau nên một xương một thịt, đã gần nhau qua việc chia sẻ sự sống cho nhau và đã gần nhau để ăn đời ở kiếp với nhau. Vì thế, khi Đức Maria nói không biết đến việc vợ chồng thì chắc chắn ngài đã sử dụng động từ “biết” của ngôn ngữ Do Thái trong ý nghĩa hiện thực nhất, tức là không liên hệ thân xác với người khác phái, cho dẫu đã đính hôn với một người phái nam theo quy định của luật pháp đường hoàng.

Nhưng gián tiếp, Đức Maria lại khẳng định “tôi biết mình là một trinh nữ”, một người nữ đã chọn cho mình bậc sống đồng trinh, một người nữ đã hiến dâng đời mình để trọn vẹn thuộc về Chúa. Trong trình thuật Phúc Âm liên hệ, thánh Luca đã sử dụng từ “trinh nữ” 2 lần. “Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê gọi là Nagiarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1, 26-27).

Tại sao tác giả Phúc Âm không dùng chữ “thiếu nữ” hay “thiếu phụ”? Thưa chỉ vì muốn cho độc giả nhớ lại lời các tiên tri đã từng khẳng định Thiên Chúa sẽ được trinh nữ Israel đón nhận. Nếu trong bao thế kỷ, Thiên Chúa đã phải gánh chịu những tội bất tín bất trung của dân mình nhưng đã tha thứ hết cho họ, thì khi xuống thế làm người, Người lại muốn được dân mình đón nhận với lòng trung trinh, với đức tin hoàn hảo, nghĩa là, với một cuộc đời tựa đoá hoa ẩn kín chưa hề bị chiếm hữu, và muốn biến cả đời mình thành tặng phẩm hoàn toàn hiến dâng.

Chắc hẳn khi nêu lên lý do “không biết đến việc vợ chồng”, Đức Maria đã ý thức, đã biết rất rõ về nhân thân đồng trinh của mình; nếu không, không thể hiểu được tại sao Mẹ phải bối rối trước mặt thiên sứ, tại sao Mẹ phải bối rối khi nghe những lời ngọt ngào chào kính “bà đầy ân sủng” và “bà đẹp lòng Thiên Chúa”, và tại sao Mẹ phải phản tỉnh suy tư tự hỏi mình chán rồi mới bật ra thành lời, mà lời ấy lại là một câu hỏi thăm dò tìm hiểu xin soi sáng khởi đi trong tâm là “sự biết mình”, nhưng ngoài miệng là “sự không biết đến việc vợ chồng”.

3. Để nên như hành trình đáp trả ơn gọi

Những ghi nhận nêu trên cho thấy trong lời đầu của Đức Maria đã hàm chứa cả một nghịch lý mang màu biện chứng giữa biết và không biết cả trên bình diện tri thức lẫn bình diện hiện thực, tương tự như biện chứng của thánh Phanxicô Khó Khăn giữa quên mình và gặp lại mình.

Nếu châm ngôn “Không nên nói hết những gì mình biết, mà nên biết hết những gì mình nói” là lời phổ cập cho hết mọi người, thì xem ra càng đúng hơn với trường hợp của Đức Maria với câu nói đầu tiên này: Mẹ biết hết những gì Mẹ nói. Đây không chỉ là phong cách đời sống mà xem ra đã là cốt cách của Mẹ trong cả cuộc đời dấn thân đón lấy hồng ân Chúa gửi và nhận lấy sứ mạng Chúa trao.

Nói “không biết đến việc vợ chồng, vì Mẹ biết mình là một trinh nữ” hay nói “biết mình là một trinh nữ, nên Mẹ không biết đến việc vợ chồng”, cách nào cũng không thay đổi ý nghĩa. Nghĩa minh nhiên hàm chứa nghĩa mặc nhiên, và nghĩa mặc nhiên làm điều kiện cho nghĩa minh nhiên. Biện chứng là thế và nghịch lý cũng là thế. Vừa là trinh nữ, vừa là mẹ; là trinh nữ mà vẫn sinh con; là mẹ mà vẫn ngàn đời trinh khiết.

Luôn luôn các biến cố đời Mẹ bên cạnh Chúa Giêsu đều được xây dựng trên nền của cái thế đong đưa biện chứng giữa biết và không biết ấy. Chả thế mà trong trình thuật đời thơ ấu của Chúa Giêsu với những biến cố dồn dập, bao giờ cũng thế, thánh sử cẩn thận ghi lại tư thế của Đức Maria là: “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”. Tại sao vậy? Phải chăng vì Mẹ ít nói hay nói ít, cả Phúc Âm chỉ ghi lại bảy lời? Phải chăng vì Mẹ thích suy tư phản tỉnh trước mọi tình huống, hay vì Mẹ trầm tĩnh đắm mình trong biện chứng đong đưa giữa sự kiện và mầu nhiệm, giữa những gì rõ mười mươi trước mắt và những gì còn ẩn khuất bên trong, nói tóm lại, giữa biết và không biết? Ghi nhớ những việc xảy ra, vì Mẹ biết rõ mồn một; và suy niệm trong lòng vì Mẹ chưa biết hết ý nghĩa của từng việc, nhất là khi kết nối những việc ấy lại trong nhãn giới cứu độ. Ghi nhớ vì đã là kinh nghiệm thuộc về quá khứ; và suy niệm trong lòng vì việc đó còn là kinh nguyện cho tương lai. Ghi nhớ là kho tàng chất chứa những gì đã biết, còn suy niệm trong lòng là kho tàng để dành những gì hôm nay chưa biết hết nhưng sẽ được khám phá dần dần vào những ngày sắp đến tiếp theo.

Lấy ví dụ biến cố Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, người ta sẽ hiểu hơn về lối sống trong tinh thần biết mình của Đức Maria. Khi biết mình phải chu toàn lễ thanh tẩy vì mới sinh con và phải thánh hiến con đầu lòng cho Thiên Chúa theo quy định của lề luật, Đức Maria đâu có ngờ gặp cụ ông Simêon và nghe ông cụ móm mém hát bài ca an bình ra đi. Nghe mừng mừng tủi tủi. Tính biện chứng giữa biết và không biết của biến cố cũng được trải ra thật rõ ở đây. Đức Maria biết mình phải dâng con phút đầu đời, nhưng không biết con mình cũng nên quà tặng cho những người phút cuối đời nữa; Đức Maria biết trẻ Giêsu đang được ẵm bế trong vòng tay mình, nhưng không biết trẻ ấy còn được trao cho những vòng tay khác nữa; Đức Maria biết trGiêsu Hoàng Tử hoà bình, nhưng lại không biết trẻ thánh còn nên duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hoặc đứng lên; Đức Maria biết mình đang ôm ấp trẻ Giêsu hạnh phúc, nhưng không biết trẻ ấy sẽ còn thành dấu hiệu cho người đời chống báng; Đức Maria đã biết nhiệm vụ nuôi nấng chăm sóc trẻ Giêsu, nhưng làm sao biết được mầu nhiệm của lưỡi gươm sẽ đâu thấu tâm hồn.

Tóm lại, tìm hiểu lời đầu tiên của Đức Maria trong Phúc Âm theo kiểu chẻ sợi tóc ra làm tư sẽ dẫn ta đến một nhận thức: biết mình là một bước quan trọng trong hành trình đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa.

Biết mình là bước đầu thật cơ bản làm tiền đề cho những bước tiếp theo. Nếu bước đầu biết đắn đo, những bước sau sẽ không phải lo nghĩ nhiều. Đầu xuôi đuôi lọt mà. Nhưng nếu bước đầu đã buông trôi, chẳng mong gì những bước sau sẽ vững chãi. Biết mình cũng là cả một hành trình biện chứng giữa biết và không biết. Nếu biết là chính đề thì không biết là phản đề, và hợp đề là những kinh nghiệm rồi quyết tâm đilên theo một bước biện chứng mới. Nơi Đức Maria, biết mình còn là một lối sống luôn luôn rộng mở để ghi nhớ và suy niệm trong lòng, để lắng nghe và thực hành lời Chúa. Đức Hồng Y Fulton Sheen, trong bộ sách nổi tiếng “Từ đỉnh cao Thập giá”, đã khéo nối kết lời đầu của Chúa Giêsu trên Thánh giá với lời đầu của Đức Maria trong Phúc Âm để nêu cao nhận định về nét tích cực trong việc không biết. Chúa Giêsu xin Cha mở lòng tha thứ cho lý hình vì họ không biết việc họ làm; Đức Maria mở lòng cho ý định của Thiên Chúa vì Mẹ không biết đến việc vợ chồng. Cả trong lời của Chúa Giêsu và lời của Đức Mẹ, sự không biết đã bật mở ra những câhn trời mới của hồng ân. Càng biết mình bao nhiêu, càng biết Chúa bấy nhiêu; và ngược lại, càng biết Chúa bao nhiêu, càng biết mình bấy nhiêu.

II. LINH MỤC VÀ VIỆC BIẾT MÌNH

Nhìn vào Đức Maria qua lời đầu tiên của Mẹ, ta đã thấy sáng lên không chỉ một phản ứng cấp thời, mà còn cả một chiều dài của lối sống đức tin. Ánh sáng ấy đã dẫn Đức Mẹ tiến bước theo Chúa Giêsu trên đường cứu độ. Chậm mà chắc. Nhưng ánh sáng ấy sẽ chiếu dọi điều gì trên đời sống của linh mục hôm nay?

1. Biết mình

Ngay từ những năm đầu của Đại chủng viện, qua ban Triết học, mỗi đại chủng sinh đã được làm quen với một phương pháp quan sát suy tư thuộc loại hàng đầu nếu muốn bước sâu tiến xa vào lầu đài triết học, đó là phương pháp nội quan: mình quan sát mình, mình nhìn vào mình để có những phản tỉnh và nhận thức về chính mình. Nhớ lại hồi ấy, khi cha giáo nêu ra dẫn chứng là câu “Connais-toi, toi-même” (Hãy biết mình) được ghi trên cổng đền thờ hy lạp nào đó, thú thật chủng sinh chẳng hiểu gì nhiều, cứ như lời cảnh báo xa gần của cha giám luật về hạnh kiểm cuối năm hoặc như lời giảng giải xét mình của cha linh hướng mỗi lần cử hành bí tích hoà giải. Thế nhưng, nghe riết rồi thấm; làm riết rồi quen, để khi lãnh chức linh mục đã thấy hình thành trong mình tự thuở nào một phương pháp suy tư phản tỉnh.

Rồi khi thi hành nhiệm vụ linh mục, ngày từng ngày, những lúc xét mình, những khi sám hối, những phút hồi tâm, những giờ linh hướng đã tích luỹ nơi mỗi linh mục một thứ hành trang không thể thiếu được, dẫu chẳng phơi bày, đó là việc biết mình. Cũng như nơi Đức Maria, biết mình nơi từng linh mục ảnh hưởng lên lối sống và nhất là hình thành nơi người mục tử một bản lĩnh đức tin.

Một linh mục đã nghỉ hưu nhưng còn khoẻ khoắn lắm, vẫn thường có mặt trong mọi sinh hoạt của Giáo Phận có lần đã chia sẻ kinh nhgiệm với các linh mục trẻ rằng: Nếu mỗi ngày sống trọn vẹn những phút hồi tâm sáng trưa chiều tối, đời sống linh mục sẽ khoẻ lắm. Nghe trong lời chia sẻ chân thành ấy, người ta hiểu xét mình chính là một cách biết mình không thể thay thế, để tiến triển trên đường nên thánh.

Nhưng linh mục biết mình đâu chỉ là biết một mình theo kiểu “một mình mình biết một mình mình hay” mà còn là biết mình trong tương quan với người khác qua việc đối nhân xử thế. Nếu cụm từ “chỉ biết mình” mang một nghĩa xấu diễn tả tính ích kỷ bo bo một mình, thì cụm từ “biết mình biết người” lại bộc lộ tính khôn khéo của kẻ thành công được lòng mọi người, vừa khôn trong tính toán, vừa khéo trong tương giao. Linh mục được sai đến một giáo xứ để phục vụ, dẫu làm việc hết mình, chẳng ai cầu toàn rằng mình được hết mọi người quý mến, nhưng thiết tưởng với châm ngôn “biết mình biết người” hướng dẫn cách cư xử, linh mục sẽ tìm được sức mạnh nâng đ để nếu gặp khó khăn cũng dễ vượt lên, gặp truân chuyên cũng dễ khắc phục và nếu có gặp sung túc cũng dễ chia sẻ giúp đỡ người khác. Ngày nào còn biết mình, ngày ấy còn hy vọng để tâm hồn thăng hoa; nhưng chng may một khi không còn biết mình đầy đủ nữa, linh mục sẽ vô tình dẫn vào đời mình một cách sống xa lạ với chính mình, một lối sống xa rời xã hội và ngại hơn nữa là một đời sống xa lìa lý tưởng hiến dâng và phục vụ. Trong ngôn ngữ hiện nay, người ta gọi đó là “đánh mất mình”.

Một linh mục trẻ vừa được thuyên chuyển chỉ vì quá mê vi tính, tối ngày khép mình không tiếp xúc với ai, quên cả ngủ ngáy, quên cả lễ lạy, không còn biết mình là linh mục được sai đi để phục vụ nữa. Khổ.

Biết mình sẽ giúp linh mục định vị được mình giữa mớ bòng bong đa chiều của những phận vụ đạo đời. Cha phụ tá nào được sai đến giúp một cha sở ở một giáo xứ nhất định và biết mình trong vị trí đó, ắt hẳn sẽ có những cư xử đúng mực. Phụ tá không phải phụ tá cho một giáo xứ mà cho một cha sở vốn là “chủ chăn riêng của một nơi” theo Giáo luật, nên không nóng vội coi mình bằng vai phải lứa với cha sở, để lên mặt cho mình gần gũi với giáo dân hơn cha sở hoặc lên máu hăng say qua mặt ngài trong mọi việc. Nhiều vị phụ tá nghĩ đơn giản rằng mình với cha sở đều là linh mục cả, nên đâu phải giữ khoảng cách làm gì. Nghe có vẻ thuận lý và thường được một số giáo dân tâng bốc đồng tình, nhưng như thế là không biết rõ về vị trí của mình. Xin nhớ cho rằng phần lớn những thất bại của các cha phụ tá là ở điểm này.

Cha sở nào có cha phụ tá và biết mình trong vị trí cha sở, ắt cũng có những cách chăm sóc thắm tình dành cho cha phụ tá của mình. Những tháng năm làm phụ tá cho những cha sở như thế sẽ trở thành kỷ niệm khó quên. Đước Giáo Hoàng Piô X luôn coi những năm làm phụ tá cho cha sở Costantini ở Tombolo là những năm hạnh phúc trong đời linh mục của ngài. Nơi cha sở, ngài nhìn được gương sáng đạo đức, ngài gặp được tấm lòng nhân hậu và ngài còn được chỉ dẫn tận tình về những công việc mục vụ. Phần đông các cha sở hôm nay đều hân hoan đón nhận cha phụ tá vàhết lòng nâng đỡ các ngài trong mọi việc để nên gương sáng cho giáo dân. Nhiều giáo dân rất ngưỡng phục mẫu gương ấy khi thấy đi đâu cha phụ tá cũng đèo cha sở mình trên chiếc Honda. Nhưng đó đây vẫn còn một số vị chưa coi các cha phụ tá như người cộng sự, như người hợp tác làm việc trên cùng cánh đồng dân Chúa, thậm chí có vị còn coi cha phụ tá của mình như một gánh nặng chẳng đặng đừng.

Một cha sở hiền hoà ở một giáo xứ lớn vừa được giám mục gỡ đi cha phụ tá đã tâm sự rằng: ở một mình làm việc vất vả nhưng vui vẻ; có cha phụ tá việc nhẹ nhàng hơn nhưng cuộc sống không vui. Chỉ vì cha phụ tá không biết vị trí của mình. Một cha phụ tá trẻ trung ở một giáo xứ lớn khác thường bị anh em cùng khoá chọc ghẹo là “linh mục ôsin” lại than thở rằng: cuộc sống ở xứ như ở đợ, cha sở bắt làm lễ nợ, cả năm cho ăn chứ không cho bổng lễ. chuyện khó tin nhưng có thật. Chỉ vì cha sở không biết vị trí của mình.

Những mảng sáng tối trong đời sống được nêu lên chỉ muốn khẳng định rằng: từng người biết mình, cuộc sống sẽ bình an ổn định; từng linh mục biết mình, cuộc đời sẽ bản lĩnh và hạnh phúc. Giống như trong thân thể từng bộ phận chu toàn phận vụ của mình, chủ nhân của thân thể ấy sẽ có sức khoẻ tốt làm điều kiện cho một đời sống hài hoà. Kinh nghiệm thường thức cũng xác nhận điều này: người táo bón thường hay cau có, kẻ mập mạp thường khó đi nhanh.

2. Linh mục và lời “tôi biết”

Biết mình trong tương quan với chính mình hoặc trong tương quan với người khác đã là những cách tích cực, nhưng linh mục trong nhịp sống thiêng liêng, chỉ có thể biết mình rõ nét khi đặt mình trong tương quan với Chúa. Chính ở đây, câu hỏi “linh mục là ai?” được nêu lên và mong ước trong tinh thần biết mình mỗi người sẽ đưa ra những câu trả lời xác định.

Linh mục trước hết là người thuộc về Chúa Kitô. Thực ra, theo định nghĩa cơ bản, là kitô hữu, ai mà chả thuộc về Chúa Kitô. Nhưng linh mục thì khác, biết mình thuộc về Chúa Kitô là Đầu, được chọn gọi để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và cũng để làm việc trong tư cách của Chúa Kitô, in personna Christi Capitis. Lời khẳng định này linh mục nào mà chả biết. Thế nhưng từ biết chung chung trong học thuyết đến biết thuần nhị cá nhân để có thể khẳng định “tôi biết” lại là một khoảng cách không nhỏ. Thật vậy, biết mình thuộc về Chúa Kitô không dừng lại trong nhận thức mà còn trải ra thực hành, từ thực hành nhỏ đến thực hành lớn, từ thực hành một ngày đến thực hành một đời.

Qua những nỗ lực không ngơi nghỉ hướng về Chúa Kitô, linh mục quy chiếu mọi khoảnh khắc và công việc trong phận vụ mình vào đời sống Chúa Kitô để có sự hoà điệu thánh thiêng cần thiết mà diễn tả tính khả tín cũng như khả ái của sứ vụ được trao. Nói rằng mình thuộc về Chúa Kitô mà đời sống không quy hướng về Chúa Kitô để dựng xây thì e rằng đã làm giảm thiểu tính khả tín trong sứ vụ; ngược lại những ý mình nghĩ những lời mình nói những việc mình làm biết quy hướng về Chúa Kitô sẽ cho thấy một khuôn mặt khả ái của linh mục ở giữa cộng đoàn. Giáo dân hôm nay xem ra rất bén nhạy về khía cạnh này. Ở đây tâm tình của thánh Phaolô cũng phải là tâm tình của mỗi linh mục: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống nữa, chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

Và rồi, như ngựa chạy đường dài sẽ có ngày thấm mệt, linh mục trong đời cũng có những lúc đàn lỡ nhịp hoặc chùng dây không còn tấu lên điệu khúc dâng hiến như mộng ước ban đầu, những lúc ấy nhận thức mình thuộc về Chúa Kitô lại là một sức mạnh đem lại hy vọng để vươn lên tìm về với Chúa Kitô mà nhận lại sự sống. Như vậy, thuộc về Chúa Kitô là những nét cơ bản giúp linh mục soi bóng để biết mình.

Nhưng linh mục dầu thiện chí đến đâu cũng không tự mình có thể dấn thân vào đường sứ vụ. Sứ vụ phải được trao và được nhận, vì thế cùng với ý thức mình thuộc về Chúa Kitô, linh mục cũng biết mình thuộc về Giáo Hội. Giáo Hội phổ quát là cả một kho tàng mênh mông ơn thánh, nhưng Giáo Hội địa phương nơi mình được sai đến mới là trọn vẹn tấm lòng gửi trao và cuộc đời thể hiện. Nếu trong đời sống dân sự, không thể có một công dân không quốc tịch, thì trong đời sống tôn giáo, cũng không thể có một linh mục trên không chằng dưới không rễ lông bông lang thang khắp nơi mà chẳng chịu nhập tịch vào Giáo Phận nào. Linh mục mà không thuộc về Giáo Hội địa phương nào thì không còn là linh mục đúng nghĩa nữa. Vì thế khi trả lời cho câu hỏi “linh mục là ai?” thì cũng là lúc khẳng định mình thuộc về Giáo Hội nào, nếu không sẽ có nguy cơ sống kiểu bèo giạt mây trôi vừa đánh mất mình vừa không nêu gương sáng cho người khác. Linh mục thuộc về Chúa Kitô nên cũng thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô để nhận lấy trách vụ làm việc cho Chúa Kitô. Như Đức Maria, linh mục biết mình là người của hồng ân và sứ mạng, nên luôn ghi tâm khắc cốt: hồng ân Chúa ban, dấn thân theo đuổi, dong duổi một đời.

3. Linh mục và lời “tôi không biết”

Những khẳng định mình biết sẽ dẫn tới những lãnh vực mình khong biết nơi đời linh mục, va như một thái cực ngược lại để đối chiếu, vừa như một liệt kê tương phản để nỗ lực vượt qua.

Trước hết là lãnh vực tình cảm. Người ta bảo khác với đàn bà, trái tim đàn ông có nhiều ngăn lắm, mỗi ngăn dành cho một đối tượng theo thứ tự ưu tiêu. Không biết có đúng không? Khổ nỗi linh mục cũng là đàn ông, nên xin mượn hình ảnh ấy để minh hoạ. Trái tim linh mục cũng có nhiều ngăn: ngăn dành cho Chúa Kitô và Giáo Hội; ngăn dành cho gia đình ruột thịt mẹ cha, rồi đến ngăn bao la dành cho già trẻ lớn bé bạn bè cộng sự. Lý ra những ngăn ấy được xếp theo thứ tự ưu tiên, nhưng nhiều khi lu bu tình Chúa tình người hoặc cả nể yêu người như mình ta vậy, những ngăn đó cứ bị đảo tung lên, sự việc đổ bể khiến mình bị thương tứ bề. Bị thương theo cả hai nghĩa: bị thương mến kiềm toả bủa vây và bị thương tổn danh dự khó vớt vát được.

Về tình yêu nam nữ, theo lý thuyết linh mục chẳng yêu riêng ai và cũng chẳng có ai làm của riêng cho mình, nhưng trên thực tế hành trình của động từ yêu nơi đời linh mục rối rắm khó lý giải lắm. Con tim có lý lẽ của nó. Có khi mới đầu chỉ là tình bạn giúp đỡ hỗ trợ một việc già đó, rồi dần dà thân thiết mọc cánh yêu thương; vẫn biết nam nữ thọ thọ bất thân, mà làm sao lại cứ cọ có rất thân không dứt ra được. Khổ. Có khi lúc đầu chỉ là tình cha con đỡ nâng dắt dìu dạy dỗ, rồi lâu ngày cô bé lớn lên bỗng muốn được dặt dìu tay đỡ tay nâng dạy ít dỗ nhiều, nên linh mục cũng khó tránh khỏi lưới giăng.

Kể ra thì nhiều lắm, vả lại cũng không cần thiết. Có điều là trong lãnh vực này, mỗi linh mục quyết tâm khảng khái như Đức Maria: “Tôi không biết đến việc vợ chồng”.

Một lãnh vực khác cũng cần linh mục nói lời “tôi không biết”, đó là lãnh vực tiền bạc. Tất nhiên, tiền bạc ai mà không cần. Có tiền mới có thể trang trải chi phí cho đời sống được, có tiền mới làm việc bác ái được, có tiền mới xây dựng mở mang cơ sở vật chất được. Nhưng cần tiền thì khác, còn dính bén đến tiền bạc thì khác.

Nhiều linh mục ở những giáo xứ rất giàu, nhưng cuộc sống riêng tư lại rất đạm bạc, chẳng màng chi của cải. Tiền bạc đi đâu? Thưa ngài dùng tiền chung để góp phần phát triển đời sống xứ đạo và giúp đỡ giáo dân cũng như những người nghèo khó. Giáo dân ở đó rất quý rất trọng ngài như người cha có trái tim người mẹ. Ngược lại, có một vài linh mục có những biểu hiện khác thường đối với tiền bạc, chẳng những quý tiền lại còn mê làm tiền nữa. Xây thì ít cất thì nhiều, khiến đời sống xứ đạo mỗi ngày mỗi tẻ nhạt. Trong câu chuyện sau lưng, giáo dân thường bảo cha chỉ thích những nhà mặt tiền thôi. Gặp ai cha cũng than thở mình túng thiếu, nhưng đến khi bị mất trộm, người ta mới biết cha bị mất cả bạc tỷ kìa. Một vài linh mục khác nữa lại rơi vào vòng luẩn quẩn tiền tình, cho cô này mượn một ít, cho cô kia giữ một ít, đến lúc có việc chung muốn lấy lại không được. Bắc thang lên hỏi ông trời, có tiền cho gái có đòi được không?

Cuối cùng là lãnh vực quyền bính vốn là lãnh vực ít nhiều các linh mục phải hành xử trong sinh hoạt mục vụ điều hành giáo xứ. Ngoài những quyền thuộc diện quản trị điều khiển điều phối được quy định trong giáo luật và theo hướng dẫn của giáo phận mà linh mục nào cũng phải biết và biết chắc, còn có một số thẩm quyền được xem xét và hành xử tuỳ theo nhãn quan của mỗi mục tử trong những tình huống cụ thể nhằm lợi ích cho các linh hồn. Nhưng chính đó lại là những kẽ hở nhiều khi mở cho tính khí tác động làm nhạt nhoà đi mục đích cứu rỗi để chỉ còn là một biện pháp chế tài gây buồn lòng cho người trong cuộc và gây buồn cười cho khách bàng quan.

Chẳng hạn như một cha sở nọ quy định chỉ xức dầu cho các bậnh nhân vào chiều ngày thứ sáu đầu tháng, nên nhà nào có người đau yếu muốn nhận bí tích này phải báo trước cho ngài biết để ngài sắp xếp đến tận nhà. Ai không giữ quy định này thì đừng mong ngài phục vụ. Rủi có một người đau bất thình lình xin ngài ban bí tích sau hết bị từ chối và đêm ấy người ta mất, thế là cả nhà người ta ca thán giận hờn. Không bào chữa được. Có một cha sở khác chỉ vì mong muốn cho giáo xứ thăng tiến về mặt đạo đức, đã dùng bí tích giải tội như một biện pháp chề tài một giáo dân có gương xấu trong giáo xứ. Ngài công khai cấm ông ta sáu tháng không được xưng tội rước lễ, ông ta tức khí đứng lên bảo cho cha một năm luôn cho chẵn. Dở khóc dở cười. Mong rằng mỗi linh mục chúng ta biết nói không với những loại thẩm quyền mong manh ấy.

Tóm lại, lời đầu tiên của Đức Maria là một lời khẳng khái biết mình “không biết việc vợ chồng”, để trở nên lối sống gương mẫu vượt lên những nghịch lý biện chứng giữa biết và không biết trong đời của Mẹ, đồng thời cũng là lời dọi sáng trên đời sống của mỗi linh mục trong dịp tĩnh tâm. Mong rằng những gì linh mục biết về căn tính của mình sẽ nên nguồn lực giúp linh mục từ chối không biết đến những lãnh vực xa lạ với căn tính ấy, để đừng như bài hát “vì tôi là linh mục” vớ vẩn vẩn vơ vô vọng, mà sẽ trở thành lời kinh xác tín như thánh Phanxicô Khó Khăn “chính c quên mình là lúc gặp lại bản thân” hay như bài báo của một GMVN “xứng đáng là biết mình bất xứng”.


 

VÂNG PHỤC

 

Nầy tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời,

tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1,38)

 

khi được trao mũ đỏ, Đức Hồng Y Yves Congar, OP đã vào tuổi về hưu và đang lâm bệnh, không còn tỉnh táo nhiều nữa. Một dịp ghé thăm các chị em Tiểu muội ở Paris, tình cờ gặp cảnh mấy người đang giúp ngài dùng bữa. Người thì lo trải khăn lên ngực đề phòng thức ăn vương vãi, người thì lo bưng chén cháo sẵn sàng phục vụ, và còn người nữa có mặt chỉ với nhiệm vụ ngọt ngào dỗ dành, mong sao ĐHY ăn được chút gì để sống. Lắng nghe điệp khúc dỗ dành như nói với trẻ thơ mà thấy buồn cười: “ĐHY ngoan nào, há miệng lớn nhé, ầm”. Và thế là một muỗng cháo đã được rót gọn vào miệng. Tiếp theo là những lời tưởng thưởng. “ĐHY hôm nay ngoan ghê, có các cha Việt Nam đến thăm nè”. Thấy bữa ăn cứ tiếp tục theo nhịp 4/4: lời dỗ dành; muỗng cháo; lời tưởng thưởng; lau miệng, người ta không khỏi không mủi lòng. Có biết đâu trước mặt mình là một nhân vật nổi tiếng anh hùng.

Thật vậy, thuở Công Đồng Vatican 2 khai mạc, Yves Congar đã là một nhà thần học danh tiếng về Giáo Hội học, đồng thời cũng là một chuyên gia trổi trang về vấn đề đại kết. Nhưng chỉ vì tư tưởng của ngài quá mới nếu không muốn nói là táo bạo ở thời điểm đó để có thể được Giáo Hội công nhận. Chính vì thế, lời yêu cầu thôi dạy học và thôi khai triển tư tưởng đã được gửi đến ngài. Cũng giống như trường hợp các thần học gia khác bị Rôma lưu ý, cha Congar đã trăn trở nhiều: hoặc là tiếp tục dấn thân trong tư tưởng dù phải mang thương tích; hoặc là chấp nhận phán quyết của Toà Thánh để thấy sự nghiệp mình sụp đổ trước mắt. Cuối cùng, ngài bày tỏ niềm vâng phục Giáo Hội một cách tuyệt đối để rút lui vào thinh lặng, thinh lặng cho đến 30 năm sau, khi được trả lại vinh dự bằng chiếc mũ đỏ, ngài chẳng còn tỉnh táo để đội nữa.

Đó là một trong những chuyện đầy kịch tính và cũng thật hào hùng của sự vâng phục. Hôm nay, chúng ta cũng đối diện với sự vâng phục trong lời thứ hai của Đức Maria qua tiếng “xin vâng”. Lời đó có tầm vóc thế nào và dọi sáng ra sao trên đời sống linh mục chúng ta?

I. LỜI XIN VÂNG CỦA ĐỨC MARIA

Lời Đức Maria được ghi trong Phúc Âm Luca là lời đầy đủ: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”; nhưng lời được đọc trong Kinh truyền tin lại là lời bình dân dễ đọc dễ nhớ và dễ hiểu hơn: “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”.

1. “Này tôi”

Một chủ thể hiện diện. Là chủ từ ngôi thứ nhất số ít, đại danh từ “tôi” xác định một chủ thể là ai khi thực thi một hành vi nào đó một cách cá vị không thể lẫn với người khác. Khi thánh Maximilien Kolbê nói lên lời “tôi là linh mục công giáo” thì ngài khẳng định căn tính của mình khác với căn tính của các tù nhân Đức quốc xã kia đang xếp hàng chờ lệnh vào lò sát sinh. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã có bài giảng thấm thía cho các linh mục khi cắt nghĩa chữ “tôi là” này vừa như một lời xác định vừa như một tiếng công bố. Khi cô gái là nhân vật chính trong phim truyện “đơn giản tôi là Maria” dàn trải đời mình qua các tình huống mạch chuyện, người ta hiểu rằng cô gái ấy đang khẳng định đời mình, một cuộc đời khác hẳn với những nhân vật cùng xuất hiện trong phim. “Tôi là” chính là lời bộc lộ một căn tính.

Nhưng “Này tôi” còn là một công thức thường dùng để xác định một sự hiện diện trong ý nghĩa hiện thực nhất. Trong nghi thức giới thiệu ứng viên chức linh mục, mỗi người đều phải khẳng định sự có mặt khi nghe xướng tên của mình qua công thức “Có mặt”. Trong nghi thức khấn dòng nữ trước đây cũng có lời xác định sự có mặt qua công thức “Dạ có con”, nhưng vì bị cật vấn theo kiểu nôm na “Bụng dạ đã có con rồi thì khấn với hứa nỗi gì?”, nên sau này người ta đã đổi sang một công thức khác nghe thanh hơn và cũng có cơ sở Thánh Kinh hơn “Lạy Chúa, này con đây”.

Một chủ thể tự do. Không chỉ xác định một hiện diện lời “Này tôi” của Đức Maria còn là xác quyết của một chủ thể tự do trước hành vi sắp thực hiện, không bị thúc bách bởi bất cứ sức ép nào. Danh xưng Gabriel có nghĩa là sức mạnh củ Thiên Chúa, nhưng tuyệt nhiên không có một ẩn ý nào tác động lên sự tự do của Đức Maria, mà ngược lại còn làm gia tăng bầu khí tinh thần để sự tự do kia được phát huy và nâng đỡ. Lời chào của sứ thần với ba yếu tố “Mừng vui lên, hỡi Đấng được sủng ái, Thiên Chúa ở cùng bà”, gợi lại những sấm ngôn xa xưa của Xôphônia (3,14) hoặc Dacaria (9,9) như thu tóm lại toàn thể chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa trên dân, cũng không làm suy giảm sự tự do của Mẹ, mà ngược lại còn củng cố khích lệ. Và rồi sứ điệp tiếp theo của sứ thần như dồn dập với ba động từ “sẽ thụ thai, sẽ sinh hạ một con trai và sẽ đặt tên con trẻ” vọng lại sấm ngôn Isaia (7,14) về Đấng Mêsia tưởng có thể áp đảo, nhưng xem ra lại làm cho sự tự do của Đức Maria được minh bạch hơn nữa, khi đối chiếu sứ điệp ấy với tình trạng không có khả năng chu toàn nhiệm vụ được ký thác: “không biết đến người nam”. Chính vì tôn trọng sự tự do của Đức Maria mà Thiên Chúa mới cử sứ thần đến đối thoại và cuộc truyền tin đã diễn ra như một cuộc điều đình, để chỉ khi nhận được sự ưng thuận tự do của Đức Maria, sứ thần mới cáo biệt ra đi. Xem như thế, khi trả lời “Này tôi”, Đức Maria đã bộc lộ cho thấy mình là một chủ thể tự do hoàn toàn.

Một chủ thể sẵn sàng. Nhưng trên hết, qua lời “Này tôi” của Đức Maria, người ta thấy sáng lên một tâm tình sẵn sàng và ứng trực. Sẵn sàng mở lòng mình ra đón nhận tình thương Thiên Chúa và ứng trực hiến dâng đời mình để quyền năng Thiên Chúa hoạt động. Thiếu đi tâm tình sẵn sàng này, chắc sẽ không bao giờ có lời Fiat và vắng bóng tâm tình ứng trực này chắc mầu nhiệm nhập thể sẽ không giống như Phúc Âm mô tả và đúng như Hội Thánh tin hôm nay. Chả thế mà khi giảng giải về lời thứ hai này, các thánh ngày xưa đã không ngừng diễn tả lòng biết ơn về sự sẵn sàng đón nhận của Đức Maria đối với lời thiên thần truyền và coi sự ứng trực của Mẹ như chìa khoá mở toang cánh cửa trần gian làm địa chỉ để Con Thiên Chúa giáng trần. Thánh Augustinô diễn ý: trước khi cưu mang Ngôi Lời nhập thể, Đức Maria đã cưu mang lời Thiên Chúa. Bởi vì lòng đã sẵn sàng đón nhận lời Chúa, nên thể xác cũng ứng trực để nên lều cho Thiên Chúa cư ngụ.

2. “là tôi tá Đức Chúa Trời”

Nếu khẳng định sự hiện diện, Đức Maria xuất hiện như một chủ thể tự do, thì khi xác định mình là tôi tá, Mẹ cho thấy ý thức rõ nét của Mẹ về thân phận mình trong tương quan với Thiên Chúa. Trong một xã hội không xa lạ gì với hình ảnh của những ôsin càng được đánh giá là giàu sang, đồng thời cũng vì thế mà được trọng vọng vị nể, thì nhận mình là nữ tỳ là gì nếu không phải là khẳng định vị thế của mình trong tương quan với vị làm chủ đời mình.

Khi Đức Maria nhìn nhận mình là nữ tỳ của Chúa, Mẹ chân thành lặp lại một lòng tin truyền thống là mọi người mọi vật đều là của Chúa và thuộc quyền sở hữu của Ngài, đều là dân Chúa thuộc đàn chiên Ngài dẫn dắt, đều là thọ tạo do tay Chúa tác thành và ngày ngày đều được hưởng ơn mưa móc của Chúa để vui sống. Đó là tương quan sở hữu trong một niềm tin phổ quát. Và còn hơn thế nữ, khi Đức Maria đặt mình vào phận tôi tá của Chúa, Mẹ còn đảm lĩnh một tương quan rất tự nhiên không tách rời tương quan sở hữu, đó là tương quan tuỳ thuộc. Tôi tá tuỳ thuộc vào chủ. Tôi tá phục vụ ý muốn của chủ một cách đắc lực, hết mình và hết tình, mới là tôi tớ trung tín. Chính vì thế, tương quan tuỳ thuộc cũng chính là tương quan quy phục. Trước khi nói lời quy phục, Đức Maria xác định mình trong tương quan sở hữu và tuỳ thuộc: “Này tôi là tôi tá Chúa”.

Không cần nhiều lời, chỉ là một khẳng định về phận tôi tá của Chúa, nhưng đã bộc lộ một sự khiêm nhường từ trong ý thức, mà khiêm nhường đúng nghĩa chính là chân lý và công bình, nghĩa là nhìn thật về mình và đón nhận vinh quang tương ứng, nên Thiên Chúa cũng muốn bộc lộ mình qua dáng dấp của một vị Chúa cao cả mà gần gũi yêu thương, siêu việt mà không ngừng quan tâm thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Đức Maria nhận mình là tôi trung của Thiên Chúa; Thiên Chúa biểu lộ Ngài là Chúa của các tôi trung. Thực vậy, qua nội dung sứ điệp truyền cho Đức Maria, từ đầu đến cuối qua ba lời thoại của Gabriel, người ta thấy hiển hiện dung mạo của một vì Chúa thật đẹp.

Lời thoại một là hiển hiện hình ảnh của Thiên Chúa tình thương quan tâm hết mực đến phận số từng cá nhân: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn sủng, Thiên Chúa ở cùng bà”. Ở rải rác đó đây trong Thánh Kinh, người ta có thể bắt gặp những phẩm tính riêng lẻ của Thiên Chúa được nhắc đến, nhưng được tập hợp lại như trong lời thoại một quả là trọng đại và bao la: Thiên Chúa là Đấng gieo niềm vui, là Đấng ban ơn sủng và là Đấng luôn hiện diện cho từng người mà Đức Maria là đại biểu.

Lời thoại hai là chân dung của Thiên Chúa cứu độ đã đón nhận phận số con người trong lịch sử của dân thánh để giải cứu muôn dân. Trong lời sấm Cựu Ước, tất cả vẫn chỉ là niềm mong chờ, tất cả còn trong thì tương lai không thể tính toán được; còn ở đây trong lời thọai hai trực tiếp với Đức Maria, tất cả đã hiển hiện, rõ mồn một, Thiên Chúa không là Đấng không màng chi tới đời sống trần thế, trái lại, Ngài là Đấng can dự để thực thi ơn cứu độ; để cứu thế, Thiên Chúa đã nhập thể, để cứu người, Thiên Chúa đã làm người.

Lời thoại ba xem ra muốn giới thiệu lại khuôn nhan của Thiên Chúa toàn năng “không gì không làm được”, nhưng đã mở ra nhãn giới hoàn toàn mới: Thiên Chúa không chỉ là duy nhất, mà còn là Ba Ngôi. Với sự xuất hiện của Thánh Thần ngự xuống và rợp bóng trên Đức Trinh Nữ, tất cả được dìu vào vận hành mới đậm mầu cứu rỗi và nơi Đức Maria, Thiên Chúa hoạt động trong tư cách là Ba Ngôi.

Đến đây, ta có thể nói: nếu Đức Maria đã thốt lên lời “Này tôi là tôi tớ Chúa” bằng một phong thái khiêm nhường, thì bởi vì trước đó, qua lời của sứ thần, Thiên Chúa đã cúi xuống với Mẹ để gợi lên trong lòng ý nghĩ “Này Ta là Chúa của các tôi trung”.

3. “Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”

Tất cả những lắt léo suy tư trên rốt cuộc cũng để dẫn đến đích điểm là chữ “Fiat - xin vâng” vốn là trọng tâm lời thứ hai của Đức Maria. Nếu được phép chẩn đoán, chúng ta sẽ chẩn đoán thế này.

Trước hết, đó là lời xin vâng trong niềm vui với ý chí tự do và trách nhiệm cao độ. Vẫn biết trong ý thức, Đức Maria chỉ dám nhận mình là nữ tỳ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa đã không chọn giải pháp đơn giản như thế để mau chóng đạt được ý muốn của mình, mà xem ra lại hạ mình hết mức để một mặt từ từ dẫn giải như phương pháp giáo dục tiệm tiến muôn thuở của Ngài dành cho các tôi tớ tuyển chọn, và mặt khác tôn trọng sự tự do đáp ứng của thụ tạo như quà tặng độc sáng Ngài ban cho họ từ thuở tạo thành.

Bằng quyền năng, Ngài có thể có được sự ưng thuận của Đức Maria dễ dàng như trở bàn tay, nhưng bằng tình yêu, Ngài đã chinh phục nữ tỳ của Ngài từng bước. Xem ra trong cuộc trao đổi lạ lùng này, Thiên Chúa đã cho thấy ý định “làm người” của Ngài một cách quyết liệt. Ngài chờ đợi sự ưng thuận của người biết mình chỉ là tôi tá, để sẵn sàng nâng người tôi tá ấy lên phẩm chức là Mẹ của Thiên Chúa giáng trần.

Quả là kỳ diệu và lạ lùng đường lối của Thiên Chúa, thế nên khi nghe lời xin vâng của Đức Maria đối với sứ điệp truyền tin, người ta cũng nghe vang vọng lại niềm vui của lời chào phút đầu gặp gỡ. Có điều là ở đây, không chỉ Đức Maria đắm đuối trong niềm vui sâu lắng, mà chừng như chính Thiên Chúa cũng mừng vui không kém khi đạt được ý nguyện của mình, làm tiền đề vững chắc cho công cuộc nhập thể cứu đời. Những sách dẫn giải về đường thiêng liêng còn đi xa hơn nữa để bảo rằng thiên đàng cũng rộn vui và trần thế bỗng bật tung lên nhảy mừng. Đất với trời hợp lời giao duyên. Thiên Chúa xuống với gian trần và gian trần tìm lại được gốc gác nguyên thuỷ của mình. Đúng với Thiên Chúa đã sáng tạo cách lạ lùng và Ngài còn tái tạo cách lạ lùng hơn nữa, theo ngôn từ của Thánh Augustinô.

Tiếp theo, đó cũng là lời xin vâng trong tinh thần dấn thân trọn vẹn và suốt đời, không gì có thể làm đảo ngược được. Lời Fiat - xin vâng xem ra ngắn ngủi, nhưng âm vang một khi dâng lên là không ngừng lại nữa. Đức Maria từ lời thứ hai này sẽ đảm lãnh trọn vẹn lời ấy trong suốt quá trình cuộc sống bên cạnh Đấng Cứu Thế cũng là con của Mẹ, từ những lúc vui mừng nhất của đêm Giáng Sinh với tiếng hát vinh danh của ca đoàn thiên sứ tới những phút thê lương nhất của chiều tử nạn đứng đó chôn chân như tượng đài hiệp công cứu chuộc; từ những ngày tuổi thơ êm đềm của trẻ Giêsu bên cạnh cha mẹ tại quê hương Nagiarét đến những tháng năm đời công khai của Ngài dong duổi khắp đất nước mà rao giảng Tin Mừng cho mọi kẻ thành tâm. Trong niềm vui, lời xin vâng có thể không có gì đáng quan ngại, nhưng trong nước mắt nỗi sầu, lời xin vâng quả là một đỉnh cao phải lao đao chinh phục với khó khăn trăm bề. Trong hạnh phúc, ai cũng dễ dàng nói tiếng xin vâng, nhưng trong bất hạnh, tiếng xin vâng xem ra chỉ thuộc về những tâm hồn cao thượng. Như ông Gióp biết dâng lời tạ ơn khi giàu sang phú túc cũng như khi khổ cực bần hàn; như cha thánh Lê Bảo Tịnh biết “xin tạ ơn Chúa muôn đời” khi có được bầu khí tự do thi hành đạo giáo cũng như khi phải xích xiềng tù tội.

Tiếng xin vâng cất lên một lần xem ra không khó, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng ân cần nhắc lại như một điệp khúc hiến dâng tưởng không dễ lắm đâu. Xin vâng là tiếng đầy kịch tính.

Sau nữa, đó còn là lời xin vâng trong hào hùng dân hiến. Xin ghi nhận một chi tiết rất nhỏ, nhưng xem ra lại không kém phần quan trọng, đó là phần kết thúc lời nói thứ hai của Đức Maria: “Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Đã đành, vâng lời là vâng lời Thiên Chúa, nhưng trong thực tế của phần lớn lịch sử Giáo Hội Công giáo bây giờ, Thiên Chúa đâu có nói chuyện trực tiếp diện đối diện với con người như giữa cuộc thần hiển nữa, mà xem ra Ngài lại thích truyện trò với con người qua trung gian của những người đại diện. Không phải vì Ngài bận trăm công ngàn việc không có giờ dành cho con người, cũng không phải vì khả năng ngôn ngữ Ngài giới hạn hoặc không còn kiên nhẫn nữa, mà chỉ vì muốn cho con người khi vâng lời Ngài cũng biết chứng minh bằng sự hào hùng.

Buổi truyền tin, Chúa nói với Đức Maria qua trung gian của sứ thần, nên lời xin vâng của Mẹ như tái xác nhận sự tôn trọng của Mẹ đối với vị trung gian này. Thực ra, nếu Đức Maria chỉ thưa “tôi xin vâng ý Chúa” cũng đã trọn nghĩa lắm rồi, vì Mẹ nhìn nhận mình là “nữ tỳ của Chúa” mà. Nhưng một khi phải đi đường vòng để dài dòng bằng câu “tôi xin vâng như lời thiên thiên truyền”, thì về mặt đối thoại, Đức Maria đã để lại một tương quan đẹp với sứ thần, và nhất là về mặt sư phạm, Mẹ đã nêu lên mẫu gương vâng phục Chúa qua trung gian của vị đại diện.

Chính với hình ảnh vâng phục tuyệt đẹp tuyệt sáng này, người ta luôn trình bày Mẹ với phong thái hiến dâng: dâng trọn ý muốn, dâng trót cả cuộc đời, dâng không bằng lời mà còn dâng mãi dâng hoài bằng từng nhịp bước của hành trình theo Chúa và thực thi lời Chúa. Sau lời Fiat - xin vâng, sứ thần ra đi, nhưng Thiên Chúa từ đây cư ngụ vĩnh viễn trong tâm hồn và đời sống của người đã sẵn sàng thưa lời xin vâng với mình.

II. SỰ VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI LINH MỤC

Cuộc đời Đức Maria là tiếng xin vâng kéo dài. Không thể nói đến Mẹ mà không nói đến tiếng xin vâng diệu kỳ này, cũng như đừng mơ đến mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc được trình bày như trong tín lý hiện nay nếu không có tiếng xin vâng lạ lùng ấy. Suy tư để dẫn sang thực hành, vì thế chúng ta thử xem lời xin vâng ấy sẽ có những âm vang nào trong đời sống linh mục.

1. Vâng phục là thành phần cuộc đời linh mục

Khởi đầu nghi thức bí tích truyền chức, mỗi ứng viên linh mục được mời gọi trả lời tích cực cho những câu thẩm vấn công khai trước cộng đoàn phụng vụ. Tổng hợp những câu trả lời này được coi như bản tuyên bố trước mặt dân chúng quyết tâm của ứng viên về nhiệm vụ sắp lãnh nhận. Sách nghi thức gọi đó là “lời hứa của các ứng viên”. Trong số các câu hỏi ấy, đặc biệt có một câu mà từng ứng viên phải quỳ với đôi tay chắp lại đặt trong tay giám mục để thưa. Đó cũng chính là câu mà ứng viên phải nói bằng lời “thưa con hứa” khác với những câu thẩm vấn trước là “thưa con muốn”. Câu đó thế này: “con có hứa kính trọng và vâng phục cha cùng các đấng kế vị cha không?”. Chỉ nguyên việc này thôi cũng đủ để cho thấy sự vâng phục không phải chỉ là hiệu quả đến sau bí tích truyền chức để điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa, mà chính là tiền đề để thánh chức được trao ban và là điều quan trọng không thể thiếu được để là một linh mục đích thực.

Đã đành đây chỉ là một lời hứa đúng với chữ nghĩa vốn khác với lời khấn vâng phục của các tu sĩ về cấp độ, nhưng về bản chất, hứa hay khấn cũng chẳng cách xa nhau bao nhiêu, nếu không muốn nói là tương đồng. Thành ra, có thể khẳng định: ngay trong nghi thức bí tích truyền chức, vâng phục đã trở nên thành phần của đời linh mục. Ngôn từ “thưa con hứa” và hành vi “tay trong tay” tự nó đã diễn tả đầy đủ ý nghĩa và nét đẹp của sự vâng phục nơi người linh mục. Không biết các cha thế nào chứ bản thân tôi khi lãnh chức linh mục, với câu hỏi này tôi đã ngước mặt lên và bắt gặp ánh mắt âu yếu của vị chủ phong đang nhìn vào mắt mình, bất giác tôi cảm động và đã nói lời “thưa con hứa” với cả tâm tình.

Nhưng tại sao lại phải gài lời hứa vâng phục giám mục vào trong nghi thức truyền chức? Thưa chắc không phải vô tình đâu, mà có lẽ là một hữu ý, một mặt cho thấy người ta không htể cứ muốn làm linh mục là tự nhiên thành, mà phải được kêu gọi; và mặt khác cũng nhắc nhở rằng khi thi hành nhiệm vụ, linh mục không thể cứ muốn làm gì thì tự ý làm, mà phải tuỳ thuộc vào giám mục của mình.

Kinh nghiệm cho biết trong linh mục đoàn mỗi giáo phận cũng có vài người cá tính khá độc lập tự do cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm, chẳng hỏi ai và cũng chẳng phải trả lời ai. Làm như đã là linh mục người ta nghiễm nhiên trở thành “cha toàn năng” làm được và được làm mọi sự không kể chi đến phẩm trật quyền bính. Như một cha xứ nọ có máu kinh doanh, thấy khuôn viên nhà thờ còn rộng nên nảy ra sáng kiến xây một dãy nhà ở đó để cho thuê mở câu lạc bộ thể hình, vừa được tiếng là tích cực tham gia phong trào khoẻ tại địa phương, vừa tháng tháng có chút đỉnh chi tiêu. Giáo dân ngứa mắt vì ngày ngày đi lễ đều thấy những hình thể lồ lộ không cầm trí được, nên phản ảnh về Toà Giám mục. Giải pháp đưa ra là đề nghị cha dẹp ngay cái câu lạc bộ “trên hở ngực dưới hở đùi, khi đi thiếu vải khi ngồi thừa da” kia đi. Nhưng có lẽ vì tiếc của, vị linh mục này không nghe. Sự việc xập xình mãi cho đến lúc phải thuyên chuyển linh mục đi, người ta mới dẹp được cái bộ lạc câu khách kia.

Vâng phục là một phần trong nghi lễ phong chức. Linh mục luôn ý thức. Nhưng từ ý thức đến thực hành lại là một khoảng cách. Chính khi xem sự vâng phục như một phần kỷ luật đời sống, linh mục mới thể hiện mình một cách cụ thể và tròn đầy. Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã nêu rõ tính tông đồ, tính cộng đoàn và tính mục vụ trong sự tuân phục của linh mục. Chỉ nam Linh mục cũng không ngần ngại đưa ra những hướng dẫn cụ thể để linh mục có thể chu toàn sự tuân phục trong đời sống phục vụ của mình. Nhưng tuân phục không phải là một đức tính riêng lẻ, mà đúng ra là thành phần trong một toàn bộ lớn chính là đời sống hiếng dâng. Linh mục đã hiến dâng đời mình cho Chúa thì dâng cho trót và đã hiến dâng cho Giáo Hội thì dâng cho trọn. Đừng giữ lại phần ý riêng cho mình, dẫu đâu đó người ta xem mình là có cá tính, hay đôi khi người ta tâng bốc mình là có bản lãnh. Đã đành, linh mục theo kiểu nói ngày xưa là “thầy cả”, nhưng nếu vịn vào đó để không thích vâng phục quyền bính Giáo Hội nữa thì e rằng mình đang đi đường ngược chiều, có thể bị thổi còi bởi cảnh sát giao thông bất cứ lúc nào. Trong ý nghĩa này, câu nói “Giáo Hội có kỷ cương” của những cha trọng tuổi đã xem ra rất ám hạp để nói về sự tuân phục trong đời sống của các mục tử chúng ta. Để vâng phục bề trên, người ta cần phải xoá mình, và càng biết xoá mình bao nhiêu người ta càng dễ buông mình theo quy định chung bấy nhiêu.

Ở một giáo xứ lớn nội thành (Tp. HCM), đầu tháng nào giáo dân cũng rủ nhau đi lễ rất đông, tưởng là cha sở có sáng kiến mục vụ đặc biệt như mời cha khách giảng tuần đại phúc hay có thêm những sinh hoạt sùng kính bình dân khác như suy tôn lòng thương xót của Chúa hoặc đặt tay xin Chúa chữa lành. Nhưng không phải, người đến đó đi lễ rỉ tai nhau: “sướng lắm, chả phải xưng tội xưng lỗi gì cả, trước thánh lễ cha đều giải tội tập thể, thế là cứ đi lễ rước lễ thoải mái. Vô tư”. Quả là vô tư thật: giáo dân vô tư rước lễ, cha sở vô tư ban phép xá giải. Nhưng giáo phận, vì kỷ cương Hội Thánh, không thể vô tư được, nên đã xin cha sở bản phúc trình và cuối cùng phải dùng biện pháp hành chánh để ngưng cái tối kiến mục vụ kia đi. Thi hành biện pháp theo phương thức cuốn chiếu. Cuối cùng, cha sở ấy cũng chịu tuân phục. May quá. Nhiều khi tôi cứ nghĩ lẩn thẩn: giá mà những thiện chí mục vụ được thấm nhuần trong sự vâng phục ngay từ đầu, việc làm của người mục tử sẽ để lại những kết quả tốt đẹp hơn và nhất là để lại một tấm gương khó quên trong đời sống tín hữu.

2. Vâng và phục

Tiếng Việt mình đôi lúc nôm na, nhưng đôi lúc cũng sâu sắc lắm. Trường hợp chữ vâng phục là một ví dụ về sự sâu sắc ấy. Trong khi tiếng pháp phải cắt nghĩa dài dòng, tuy cũng tìm được cặp từ ý nhị, thì tiếng Việt chỉ cần một từ kép “vâng phục”. Vâng là vâng theo lệnh theo luật theo quy định: chữ vâng thuộc về bên lý trí nhiều hơn; trong khi phục là phục người ban lệnh hoặc phục người thi hành lệnh ấy: chữ phục lại thuộc về bên tâm tình nhiều hơn. Tuy nhiên nghiêng về bên nào là cả một sự cân nhắc đã trở thành nghệ thuật của cách thế ban lệnh và cách thế chấp hành lệnh ban. Chả thế mà người xưa đã có châm ngôn: qui ne sait pas obéir, ne sait pas commander. Biết vâng lệnh mới biết cách ra lệnh.

Trong khoá bồi dưỡng dành cho các giám mục trẻ mới chịu chức trong vòng năm năm, bộ Truyền giáo cũng có một buồi thuyết trình về đề tài vâng phục này. Bằng tiếng pháp, người ta phân tích cho thấy vâng là obéir effectivement và phục là obéir affectivement. Chỉ vâng thôi mà không phục thường là do lệnh ban khô cứng, người ban lệnh có chút ngả nghiêng và người chấp lệnh còn có điều khuất tất. Một lệnh ban sắt thép thường mau có hiệu quả vãn hồi trật tự, nhưng lại có hậu quả làm tan nát lòng người; trong khi chịu khó tỉ mỉ bọc nhung những chi tiết sắt thép lại, lệnh ban sẽ có hiệu quả kép là vừa vãn hồi trật tự vừa nhẹ nhàng xoa dịu lòng người.

Lý thuyết là thế, còn trong thực tế phải thú nhận là rất khó. Các cha dư kinh nghiệm. Lý và tình là hai phạm trù cùng tồn tại, khi thì đối nghịch loài trừ, khi thì tương tác phong phú. Cứ sức người thật khó phân định. Nhưng như trường hợp Đức Maria, với bóp rợp của Chúa Thánh Thần, đã thưa lên lời Fiat tuyệt vời, mỗi linh mục cũng được mời gọi gắn bó với Chúa Thánh Thần để đảm lĩnh sự vâng phục trong tác vụ đời mình.

Một cha trẻ ở Tp. HCM mới ra trường về làm phụ tá trong một giáo xứ lớn, không biết vì việc gì thường đi vắng cả ngày, cứ sáng làm lễ xong là mất dạng cho đến tối mới trở về. Nghe đâu cha đi học ngoại ngữ để chuẩn bị đi tu nghiệp bên Mỹ. Cha sở lấy làm lạ nên xin xác minh từ Toà giám mục và nhận được câu trả lời là chưa có chủ trương ấy. Cha sở tìm hiểu và biết được cha phụ tá của mình vắng nhà vì một lý do khác: học thiết kế kỹ thuật và mỹ thuật trên vi tính để chuẩn bị cho những cong trình xây dựng tương lai. Cha sở nhẹ nhàng khuyên bảo bằng cách khôi hài phân tích giữa tu trì và tu hành: “tu trì” là có mặt tại xứ còn “tu hành” là đi lang thang cả ngày. Đồng thời ngài cũng xin cha phụ tá thiết kế mẫu mã cho nhà thờ họ lẻ sắp xây. Cha phụ tá nghe ra và cảm thấy mình có ích, nên đã chuyển máy móc về nhà xứ làm việc. Anh em đuề huề. Vâng và phục song đôi, đến nỗi cha phụ tá ấy sau này đi phục vụ tại nơi khác vẫn giữ tình gắn bó với cha sở đầu tiên của mình. Trộm nghĩ trong trường hợp này, cha phụ tá đã biết vâng phục thật tốt, nhưng cha sở cũng là người góp phần không nhỏ vào thái độ vâng phục đẹp này.

Còn một khía cạnh khác liên quan đến sự vâng phục mà không nói sẽ không tránh khỏi thiếu sót, mà nói đến lại không tránh hết va chạm, đó là những nhân vật trung gian giữa Đấng bản quyền và các linh mục. Dĩ nhiên, kiểu nói của thánh Phêrô “phải vâng lời Chúa hơn vâng lời người ta” luôn luôn có giá trị, nhưng Chúa thì đâu có mặt đối mặt nữa mà thường chỉ ban lệnh qua những vị đại diện làm trung gian, nên nhiều khi lệnh ban cũng không tránh khỏi bị khúc xạ. Rất nhiều trường hợp bị nhiễu sóng để lại dư vị chua chát, như có lần nào trong một bài báo, một linh mục đã thốt lên: “tôi không sợ Phêrô, nhưng lại sợ những thư ký của Phêrô”. Có thể diễn ý: không sợ Đức Giáo Hoàng, nhưng sợ các thánh bộ; không sợ giám mục, nhưng sợ cha bí thư phòng bộ; không sợ cha sở mà sợ ông trùm; không sợ cha phụ tá mà sợ mấy huynh trưởng thiếu nhi.

Nói cho cùng, chỉ có Chúa Giêsu mới được diện đối diện nhận lệnh từ Chúa Cha thôi, mà nào có nhẹ nhàng gì, phải vâng phục với mồ hôi loáng máu, chứ kỳ dư nơi loài người trần thế, bất luận trong cương vị nào cũng đều nhận lệnh qua trung gian của người đại diện. Đức Maria nhận thực mình là nữ tỳ Chúa, nhưng lại nhận lệnh Chúa qua trung gian của sứ thần, nên đã khiêm nhường thốt lên “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Đó là đường đi của lệnh ban và cũng là đường nét hào hùng của vâng phục.

Một cha sở nọ mới lâm trọng bệnh được giám mục bảo nên đi nghỉ hưu. Cha không vui đưa ra nhiều lý do trì hoãn trong đó có lý do lớn là công trình xây dựng còn dang dở. N hưng bệnh tật có nể nang ai, cha lại đột quỵ, và lần này giám mục nhờ cha quả hạt tác động đến để có được kết quả mong muốn, kẻo làm thiệt hại đến đời sống thiêng liêng của dân Chúa. Khổ nỗi cha quản hạt nhà mình lại sốt sắng quá, nhân dịp cha sở ấy nhập viện, ngài xử lý công việc tận tình với một tờ sớ liệt kê được 47 chủ nợ lớn bé của cha sở ấy đang bức xúc muốn nhận lại tiền. Thế là áp lực bệnh tật tái phát cộng thêm áp lực nợ nần được công khai hoá, cha sở kia phải chấp nhận giải pháp rút lui. Cũng là vâng lời bề trên đấy, nhưng xem ra không vui trọn vẹn, nếu không muốn nói là thiếu vắng một lòng kính phục. Vị trung gian kia cũng làm tròn sứ mạng đấy, nhưng giá mà có cách xử lý uyển chuyển hơn, có lẽ yếu tố kịch tính sẽ dịu bớt hơn. Tất nhiên, bệnh tật phải lo chữa chạy và nợ nần phải lo liệu trả, nhưng xem ra trong tình huống cụ thể này, phải có ơn Chúa Thánh Thần nữa mới giải quyết thấu tình đạt lý được.

3. Vài lãnh vực đang cần đến sự vâng phục

Những dẫn chứng cụ thể về sự vâng phục trong đời sống linh mục có thể chỉ là những trường hợp cá biệt, không khái quát hết hiện trạng kèm theo những trăn trở mà có thể chỉ người trong cuộoc tại hiện trường mới biết hết, hay người trải rồi, thấm mệt rồi mới thấy thấm thía. Như một kinh nghiệm. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Nhưng trong công việc mục vụ chung của giáo phận, cũng có một vài lãnh vực linh mục cần nêu cao sự vâng phục để vừa dễ dàng cho việc điều hành chung vừa nêu gương sáng cho giáo dân.

Trước hết là lãnh vực phụng vụ. Thánh lễ của Giáo Hội Công Giáo chỉ có một, nên đâu cũng như đâu, đều dựa theo Sách lễ Rôma, không khác đi được. Vì thế mới gọi là Lễ Quy. Điều này các linh mục ai cũng biết rõ, ngay từ khi cử hành Thánh Lễ đầu đời. Nhưng không biết có phải vì linh hồn thiêng liêng sáng láng qúa, nên cứ thích sáng chế ra những chi tiết diễn ý đi ra ngoài quy định chung của Giáo Hội. Những chi tiết ấy có thể làm vừa lòng một số giáo dân, nhưng phần đông giáo hữu còn lại chẳng vui lòng gì. Đây là lãnh vực để lại nhiều điều ong tiếng ve khiến giám mục phải đau đầu.

Chẳng hạn như một linh mục thích nói nhiều trong Thánh lễ, nói đầu lễ và bài giảng thì chẳng phải kêu ca làm gì; nhưng nói giữa lễ đan xen trong phần kinh nguyện Thánh Thể, như cứ nghĩ gì nói nấy mà chẳng quan tâm đến sự tập trung tôn thờ cao độ của cộng đoàn. Tay lúc nào cũng khư khư giữ cái micro sans fil kê sát miệng, thấy mà ngán.

Chẳng hạn như một linh mục khác thuộc thời @, hi-tec đi đâu cũng kè kè cái điện thoại di động, thậm chí khi lên bàn thờ, cha chẳng những không khoá máy, mà lại còn để ngay bên chén lễ. Có lần đang lễ có cuộc gọi đến và máy reo một đoạn tình ca, cha bốc máy trả lời tỉnh queo trước mặt cộng đoàn, thấy mà ngại. Mong rằng vì tình hiệp thông vâng phục Giáo Hội, xin chớ để linh mục chúng ta sa chước cám dễ dễ dãi này.

Ngoài ra là lãnh vực sổ sách giáo xứ. Hết rồi cái thời khó khăn “tay trái làm không cho tay phải biết”, bây giờ việc sổ sách giáo xứ đã dễ dàng và vì thế cũng cần được hệ thống hoá và ghi chép minh bạch hơn, từ sổ lễ cá nhân đến sổ sách bí tích Rửa tội, Thêm sức và Hôn phối. Giáo luật đã quy định và Giáo phận đã hướng dẫn. Ngày xưa các giám mục mỗi lần đi kinh lý đều được trình xem những sổ sách này. Ngày nay có khác. Hình như giám mục chỉ còn ký sổ bí tích Thêm sức thôi. Nhưng trong những lần ký hiếm hoi ấy, thấy nhiều nơi xem ra còn luộm thuộm lắm. Bản thân tôi có lần được xin ký khống ở cuối trang, còn chi tiết cha sở sẽ điền vào sau, vì ngài chưa làm kịp. Thấy mà buồn cười. Đây chỉ là trường hợp vô cùng ngoại lệ. Mong rằng linh mục đoàn giáo phận sẽ thể hiện sự vâng phục một cách cụ thể qua việc sổ sách này.

Và cuối cùng là lãnh vực thuyên chuyển, một lãnh vực khá nhạy cảm, cũng là lãnh vực thử thách sự vâng phục của linh mục sát sườn nhất. Có nhiều linh mục thánh thiện luôn sống tinh thần ứng trực, được giám mục gợi ý đi đâu cũng chấp hành mau mắn. Giống như Đức Maria trong Phúc Âm thưa tiếng Fiat vậy. Được như thế chắc chắn giám mục hài lòng lắm và nhịp sống giáo phận cũng suông sẻ, tuy nhiên cũng có một hai linh mục khi nhận được lệnh thuyên chuyển chẳng những đã không vâng lệnh bề trên lại còn vận động đó đây xin giữ mình lại, khiến việc điều hành giáo phận cứ rối tung lên. Giống như quân cờ domino bị kẹt lại làm tắc nghẽn mọi thế chuyển dịch. Thuyên chuyển giáo xứ là một sinh hoạt bình thường, không thuyên chuyển mới là bất thường. Thành thử, mỗi linh mục khi được gọi, hãy đáp lời xin vâng với cả tâm tình hào hùng của người lên đường truyền giáo.

Tóm lại, lời thứ hai của Đức Maria là lời phản ảnh một tâm hồn nghèo khó, một trái tim đơn sơ và là điểm đến của một thái độ sẵn sàng và ứng trực. Lời Fiat ấy đã biến đổi Đức Maria từ người nữ tỳ sang Mẹ Thiên Chúa. Xin cho lời Fiat ấy trở nên khuôn mẫu cho mọi linh mục, trong tư duy cũng như trong thực hành, để như ý nguyện của bài hát “Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng”, đời sống linh mục sẽ được biến đổi nên mới hơn.

Người ta kể: một hãng xe hơi đã cử người đến hỏi Đức Giáo Hoàng xem phải mất gì để được nêu tên hãng xe mình trong thánh lễ, như tên Fiat trong kinh Lạy Cha. Đức Giáo Hoàng không trả lời. Ngài nghĩ: phải mất mạng. Như Chúa Giêsu đã phải chết để trọn lời “Fiat voluntas tua”, như Đức Maria đã hiến mình để thưa lời Fiat, và như mỗi linh mục chúng ta hôm nay đang còn phải nỗ lực hiến dâng đời mình để học sống lời Fiat của Đức Maria.


 

BẰNG HỮU

 

Đức Maria vào nhà ông Dacaria

và chào hỏi bà Elizabeth (Lc 1,40)

 

Cách đây ít năm, tại một giáo xứ nhỏ thuộc Giáo Phận Tp.HCM có hai cha già về hưu chung sống với nhau và làm việc mục vụ bên nhau rất hài hòa hạnh phúc, một cha mắt đã lòa hoàn toàn và một cha thì chân yếu, có điều cả hai đều còn minh mẫn và còn giảng giải tốt. Nghe đâu các ngài thân thiết với nhau từ lâu, thuở còn sinh hoạt Hướng Đạo có bằng rừng nhiều người còn nhớ. Một lần đến giáo xứ ban bí tích Thêm sức, thấy tình cảm của hai vị mà cảm động và cảm phục. Cảm động vì lần đầu tiên gặp thấy hai linh mục nương tựa vào nhau mà làm việc và cảm phục vì được đối diện với một tình bạn bền bỉ bất kể những hạn chế về sức khỏe và tuổi tác.

Được biết thêm: ngày nào cũng thế, trong khi cha mắt sáng dâng lễ thì cha mắt lòa dự lễ, và vì cha mắt sáng có thể cử hành các nghi thức nên cha mắt lòa mà tai lại thính trở thành chuyên gia ngồi tòa giải tội. Giáo dân rất yêu kính hai cha và đặc biệt rất thích đến xưng tội với cha mắt lòa. Đơn giản vì ngài chẳng nhìn thấy ai nên họ không sợ và vì ngài cũng chẳng cần xem đồng hồ để giữ giờ giấc, mà cứ ngồi tòa cho đến khi hết hối nhân mới có người đến dẫn ngài vào nên họ không ngại đến với ngài bất cứ lúc nào. Đối với cha mắt sáng, có người trách nhiệm thường trực ở tòa giải tội là một sự trợ giúp không gì thay thế được; còn đối với cha mắt lòa, ngồi tòa giải tội lại là cơ hội ít oi để ngài nhận thấy mình còn có ích cho người khác và còn hạnh phúc để phục vụ Giáo Hội. Hồi đầu, khi biết hai vị cùng về sống trong một nhà xứ, người ta đã tỏ vẻ quan ngại: các cha già về hưu thường khác tính, khó sống với nhau lắm, không biết được bao lâu. Nhưng sau vài năm hoàn toàn bình ổn, người ta lại không ngớt lời thán phục coi đó như một mẫu gương về tình bằng hữu trong đời linh mục. Ngày nay hai cha già ấy không còn ở giáo xứ nữa, nhưng giáo dân ở đó vẫn coi lòng đạo đức và tình thân của hai cha không chỉ như kỷ niệm đáng nhớ mà còn như tài sản tinh thần còn được phát triển trong tương lai.

Lời thứ ba của Đức Maria chúng ta cùng suy niệm giờ này là một lời liên quan đến tình bác ái yêu thương giữa huynh đệ hoặc giữa tỷ muội với nhau, cũng là một mẫu gương đằm thắm của tình bằng hữu. Vì thế, trước hết là phân tích và ghi nhận tình bằng hữu đó trong những nét tiêu biểu, và sau đó là cố gắng đặt tình bằng hữu linhg mục dưới ánh sáng tình yêu của Đức Maria.

I. TÌNH BẰNG HỮU CỦA ĐỨC MARIA

Lời thứ ba tuy không được ghi lại bằng lối văn trực tiếp như những lời khác để có thể viết ra, nhưng lại ngồn ngộn các sự kiện như được mô tả trong trình thuật thăm viếng. Cách ghi nhận của thánh sử Luca dẫu vắn gọn: “Bà (Maria) vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên”, nhưng nối kết với những chi tiết khác của chuyến viếng thăm lịch sử này, đặc biệt về địa lý miền núi, về tâm lý Đức Maria và về những lời bà Êlisabét lớn tiếng nói lên trong Thánh Thần, người ta có thể phác vẽ lên cả một tình bằng hữu thật ý nghĩa trong những nét tươi tắn và cụ thể nhất.

1. Vội vã lên đường

“Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa”. Chỉ một câu ngắn mang tính nhập đề, nhưng cũng chỉ chừng đó thôi cũng đủ để hình dung phong thái của Đức Maria trong sáng kiến viếng thăm người thân gia đình mình.

Về mặt tâm lý. Rõ ràng, Đức Maria không biết trực tiếp tin vui bà Êlisabét sắp sinh con. Phúc Âm có nói gì đâu. Vả lại ở tuổi già có ai còn dám nghĩ đến chuyện ấy. Hoặc giả có nghĩ cũng chẳm dám mơ, và có mơ quay quắt đi nữa cũng chẳng mong thấy. Bà Sara trong Cựu Ước cũng còn cười “không dám đâu” cơ mà. Chuyện phụ nữ đã có gia đình mà hiếm muộn trong Thánh Kinh là một nỗi nhục “nước mắt nuốt vào trng”. Chả phải nói đâu xa, ở Việt Nam xưa cũng vậy qua lời dè bỉu: cây độc không sinh trái. Mẹ chỉ được thông tin gián tiếp qua lời thiên sứ, mà có phải là thông tin chính thức đâu. Chỉ như một bằng chứng bảo đảm rằng Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự, kể cả những sự trước mắt con người là không thể. Thông tin ấy đúng ra là để kêu gọi lòng tin nơi Đức Maria. Nếu bà Êlisabét có thốt lên “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” thì cũng là một xác nhận thông tin kia chỉ là gián tiếp. Nhưng mặc kệ. Mẹ không chần chừ chuẩn bị hành trang và mau mắn lên đường.

Không biết rõ họ hàng trực hệ bàng hệ của Đức Maria và bà Êlisabét ra sao, nhưng chỉ nhìn vào sự vội vã lên đường này cũng chẩn đoán được họ thân thiết với nhau chừng nào. Lẽ thường tình như trong văn hóa Việt Nam, xa mặt thì cũng cách lòng. Chuyện đương nhiên. Mặt mình mà lâu không nhìn lại có khi cũng thấy khác nữa là mặt người thân. Cũng lẽ thường tình nữa đối với một người thân thích anh chị em họ gần mà ở xa, tuy trong lòng vẫn nhớ nhung quý mến, nhưng lâu ngày không gặp, một cách nào đó đã không còn thân thích hơn người hàng xóm tuy không họ hàng mà lại gần gũi. “Bán anh em xa mua láng giềng gần” chẳng phải là giải pháp được chấp nhận đó sao? Hiểu như thế mới thấy việc Đức Maria vội vã lên đường có một tầm vóc quan trọng thế nào trong tình thân hữu.

Chỉ nghe biết thông tin gián tiếp về việc bà Êlisabét có thai được sáu tháng mà đã trực chỉ lên đường thăm viếng bà ấy ngay, bất kể chuyện riêng đời Mẹ còn ngổng ngang chưa biết sắp xếp ra sao, nhất là còn đó chuyện giải trình sự việc mình bỗng dưng có bầu cho người mình đã đính hôn nhưng chưa về chung sống. Mặc kệ. Nghĩa công nặng hơn tình riêng. Bà Êlisabét được Thiên Chúa yêu thương cho đậu thai và Mẹ Thiên Chúa yêu thương chọn gọi mang thai Con Thiên Chúa làm người đã là động lực thúc đẩy Mẹ phải lên đường nay để niềm vui nóng hổi được chia sẻ và được cộng hưởng trong tình yêu đậm đà của Thiên Chúa. Thế mới biết tình thân hữu đích thực phải là tình được dẫn dắt bằng tình yêu trên cao.

Về mặt địa lý. Người ta bảo trong một cuộc hành trình, điều quan trọng ảnh hưởng đến kết quả cuối đường không phải là địa hình, mà chính là bước khởi hành, như trong các cuộc chạy đua, chỉ cần một phần tư giây chậm trễ, đích điểm sẽ như xa thêm một đỗi đường. Đức Maria đã lên đường mau mắn. Mẹ đã có lợi thế. Nhưng đường đi như mô tả của Phúc Âm xem ra ngắn xịt: “đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa”, cứ như chỉ vài bước chân; trong khi trên thực địa lại xa xôi và chẳng nhẹ nhàng gì. Ai đã quen với địa lý Thánh Kinh ắt có thể mường tượng được độ dài của cuộc hành trình từ một thành miền đồng bằng Galilê đến một thành miền núi Giuđê. Không chỉ là cuộc hành trình mà xem ra còn là cuộc hành hình nữa, vì đường đi đã gập ghềnh sỏi đá sao gợn khô cằn, người đi lại còn phải leo trèo chống đỡ lắc lư lên dốc đổ đèo. Trong dịp hành hương Thánh Địa cách đây 10 năm, khi dừng lại trên một ngọn núi để xe và người nghỉ mệt, mấy anh em linh mục chúng tôi có dịp nhìn xuống Galilê và nhìn lên Giuđê, bất giác lượng giá đường đi của Đức Maria, từ Nazarét đến Ain Karim cách xa 150 km (95 miles), rồi từ hỏi làm sao mà Mẹ có thể đi được ở một thời chỉ có cách đi bộ hoặc ngồi trên lưng lừa? Phải mất 5 ngày hoặc một tuần lễ!

Kinh nghiệm của Nguyễn Thái Học qua câu nói nổi tiếng: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”, có lẽ được vận dụng ở đây để hiểu hơn lựa chọn của Đức Maria. Đường xa, Mẹ quá rõ; đường khó, Mẹ đã tường; nhưng Mẹ vẫn vội vã ra đi như không còn chờ được nữa, chính vì niềm vui trong lòng đã cho Mẹ sức mạnh, và Đấng Cứu Độ trong lòng đã giải thoát Mẹ khỏi mọi âu lo để an dạ cất bước ra đi. Núi non có cách trở, nhưng sự nôn nao còn cao hơn núi khiến Mẹ đã chẳng quản ngại thân gái dặm trường, chỉ với ước nguyện được gặp gỡ người bà con chị em trong tình yêu thắm thiết. Tình thân hữu được nâng đỡ bằng tình yêu của Đấng Cứu Thế.

2. Vui vẻ gặp gỡ

Đường đi càng nhọc mệt bao nhiêu, gặp gỡ càng thắm thiết bấy nhiêu. Như quên hết đường dài, Đức Maria bộc lộ niềm vui qua lời chào gửi đến người chị họ cách mặt mà chẳng cách lòng. Niềm vui ắp đầy sắp sửa trào ra, nhưng hãy khoan. Tiếng chào cao hơn mâm cỗ mà. Đức Maria là người mở lời để hôm nay ta mới có lời thứ ba của Mẹ mà suy niệm. Có điều lạ là lời này nội dung đầy ứ mà lời thoại chẳng được tỏ ra, vì thế Phúc Âm muốn ghi cũng không được, và chúng ta hôm nay cũng đành câm lặng trong suy tư chẩn đoán. Có người nghĩ rằng Đức Maria đã chào bà Êlisabét bằng một trong những công thức cửa miệng theo truyền thống mỗi khi người Do Thái gặp nhau: shalôm, chào bình an, như khi Đấng Phục Sinh gặp lại các môn đệ của mình. Có người khác lại nghĩ rằng trên đường đi chắc Mẹ vốn là chuyên gia “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” đã không ngừng suy về lời chào của sứ thần dành cho mình, nên vừa gặp được người thân, đã tự nhiên bật miệng thành lời chào “hãy vui lên”. Cách nghĩ nào cũng có thể đúng. Xác xuất 50, 50.

Mà thôi, hãy nhường những ý nghĩ ấy cho các nhà chú giải nhiều tưởng tượng, còn chúng ta chỉ biết đối diện bằng thái độ đón nhận. Nếu trong thực tế cuộc sống, nhiều khi ngôn ngữ không chỉ biểu lộ bằng âm thanh, mà còn bằng những hình thái cụ thể như cử điệu tay chân mắt miệng, ấy là chưa kể đến cảm xúc của trái tim, thì ở đây có lẽ chỉ cần một vòng tay ôm chặt giữa Đức Maria với bà Êlisabét thiết tưởng cũng là một cách chào còn tâm tình hơn cả lời nói nữa.

Biểu tỏ lời chào của Đức Maria dẫu không được ghi nhận nhưng đáp lại lời chào ấy nơi bà Êlisabét lại đầy dẫy âm thanh với những ý nghĩa thật phong phú dồi dào. Chính qua lời đáp này người ta thấy toát lên một niềm vui vỡ bờ hạnh phúc. Bảo là niềm vui chia sẻ cũng được và bảo là niềm vui hội tụ cũng đúng. Niềm vui của Đức Maria từ ngày truyền tin đến giờ chưa được chia sẻ cùng ai, nên gặp người chị họ là tuôn ra ào ạt; niềm vui của bà Êlisabét cũng thế, biết tìm được ai đồng điệu mà ngỏ, thế nên gặp được người em họ “được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” từ xa đến là lớn tiếng tuôn trào. Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai? Có lẽ Đức Maria đã canh cánh bên lòng câu hỏi ấy; và bà Êlisabét chắc chắn đêm ngày cũng ôm ấp băn khoăn ấy, để chẳng cần chi nhiều lời, đôi bên qua việc chào đã như hiểu rõ nhau từ lâu. Đức Maria đã biết bà Êlisabét có thai lạ qua thiên sứ, nhưng bà Êlisabét làm sao bỗng dưng lại biết Đức Maria mang thai Con Thiên Chúa? Không rõ, vì Phúc Âm không nói đến. Nhưng chắc chắn rằng bà Êlisabét mới chỉ biết thai lạ nơi Đức Maria khi nghe lời Mẹ chào thôi. Do đâu? Thưa do Thánh Thần. Thế là niềm vui gặp gỡ niềm vui trong cùng một Thánh Thần, đã trở thành điểm hội tụ lời kinh hạnh phúc.

Thảo nào, Giáo Hội sau này đã rât tự nhiên nối kết lời sứ thần chào Đức Maria trong buổi truyền tin “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà” và lời bà Êlisabét đáp lời chào của Đức Maria trong ngày thăm viếng “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Gie6su Con lòng bà gồm phúc lạ”, mà dệt nên Kinh Kính Mừng ngân vang hạnh phúc.

Rồng đến nhà tôm. Quý hóa quá. “Bởi đâu tôi được mẹ của Chúa tôi đến với tôi thế này?” bà Êlisabét đã xuýt xoa như thế với tất cả lòng thành. Không biết bình thường bà Êlisabét có nói hay đến thế không, chỉ biết rằng qua câu nói này, bà cho thấy mình đã xác tín những điều quan trọng của mầu nhiệm Nhập Thể. Cũng là điều lạ lùng do Chúa Thánh Thần thực hiện đấy.

Xác tín thứ nhất là Chúa của bà (Con Thiên Chúa) sẽ sinh bởi Đức Maria. Người ta không thể đòi hỏi một bà già phát biểu chính xác hơn nữa. Ngôn ngữ thần học ngày nay, với những phát triển qua nhiều thời đại có thể có cách diễn đạt trừu tượng tách bạch và sâu sắc hơn, nhưng suy cho cùng, cũng chỉ khai triển điều bà già lạ lùng này đột xuất nói ra khi gặp gỡ em họ mình. Đúng hơn, bà tuyên xưng đức tin.

Xác tín thứ hai là Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Tất nhiên, sinh ra con trẻ nào thì được quyền để người khác nhìn nhận mình là mẹ của con trẻ nấy, và trường hợp Đức Maria, vì sinh ra Con Thiên Chúa làm người do phép mầu của Thánh Thần, nên đã được xưng tụng là Mẹ Thiên Chúa. Mặc kệ thần học phải cắt nghĩa dài dòng với những tam đoạn luận xa xôi chằng chịt chồng chéo nghe mà rối cả tâm trí, trong khi chỉ bằng câu nói ngắn gọn tự nhiên pha chút đon đả của người hiếu khách, bà Êlisabét đã tuyên xưng đức tin của mình cũng đầy đủ như ai.

Như vậy niềm vui gặp gỡ không chỉ là xã giao bên ngoài, cũng không dừng lại trong cử chỉ tay bắt mặt mừng, mà đã có một chiều sâu đức tin cần thiết để lời chào của Đức Maria trở thành lời thể hiện tình bằng hữu thiêng liêng: đem Chúa đến với gia đình Dacaria.

3. Vồn vã giúp đỡ

Nói gì thì nói, lời thứ ba của Đức Maria là lời của một bà bầu trẻ (U16) nói với một bà bầu khác trọng tuổi hơn mình (U61) nhưng cùng chia sẻ với nhau trong một tình thân, một sứ mạng. Thế nên không chỉ las2 chuyện của ngôn từ mà thực ra là chuyện của động thái. Nếu lời chào này không được ghi lại theo kiểu nói trực tiếp mà chỉ được ghi nhận theo mạch chuyện kể, thì đó là dấu chỉ cho thấy giá trị của những hành vi liên quan đến việc chào hỏi này.

Bên ngoài là việc chào hỏi và viếng thăm giúp đỡ. Không phải vô tình mà biến cố này trong đời Đức Maria được đặt tên là cuộc thăm viếng, và cũng chẳng phải tình cờ mà phụng vụ sau này có một lễ kỷ niệm cách riêng biến cố này, ấy là chưa kể có vô số dòng nữ tây có ta có đã gợi hứng linh đạo từ việc Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét, mà có lẽ muốn nêu cao tinh thần bác ái và tình bằng hữu trong đời Đức Maria. Thật vậy, chẳng cần ai thúc giục, cũng không nhờ đến ai sắp xếp, khi hay tin lành, Đức Maria tự mình có sáng kiến và nhận lấy trách nhiệm lên đường thăm viếng người chị họ này một cách đặc biệt trong những tháng ngày nặng nhọc cưu mang và khó nhọc sinh nở. “Người ta đi biển có đôi, còn tôi vượt cạn lẻ loi một mình”, có lẽ Đức Maria đã nghĩ đến lúc lẻ loi vượt cạn ấy nơi bà chị già, nên đã vội vã ra đi mong đem sự lanh lợi của tuổi trẻ mà dấn thân giúp đỡ. Mẹ trẻ ẵm con thơ còn vất vả huống chi cảnh mẹ già ôm con mọn, biết cậy nhờ ai. Lý do rất cụ thể, nhưng cũng rất khát quát nhân bản để việc chào hỏi viếng thăm cho tới lúc Mẹ chào từ giã trở về, thời gian là ba tháng, một khoảng thời gian đủ để giúp đỡ người chị em vuông tròn sinh nở và cũng đủ để nhìn thấy sự lớn lên của thai nhi nơi lòng dạ mình.

Bên ngoài là thế, nhưng bên trong chính là việc hai thai nhi tiếp cận gặp gỡ nhau. Trong trình thuật thăm viếng có một chi tiết được ghi nhận hai lần, một lần qua kiểu nói gián tiếp và lần khác là trực tiếp trong lời bà Êlisabét, đó là chi tiết “vừa nghe tiếng chào của Đức Maria thì đứa con trong bụng bà Êlisabét nhảy lên vui mừng”. Có thể giải thích một cách tự nhiên động thái này là do tác động tâm sinh lý: bà Êlisabét nghe tiếng chào vui mừng của Đức Maria; tiếng chào ấy đem đến cho bà một cảm xúc mừng vui chưa từng thấy đi liền với một cảm thức đức tin về người mẹ và người con được chúc phúc đang hiện diện trong nhà mình; và từ đó tác động lây lan qua thai nhi ở tháng thứ sáu thành chuyển động reo vui nhảy mừng. Nhưng tất cả diễn tiến ấy chỉ có thể giải thích đầy đủ dưới tác động của Thánh Thần, như thánh Luca đã hữu ý tường thuật. Nói khác đi, Thánh Thần chính là đạo diễn sắp xếp để việc gặp gỡ bên ngoài của hai bà bầu trở thành cuộc gặp gỡ bên trong của hai thai nhi: một thai nhi là Lời muôn thuở và một thai nhi là tiếng hô vang. Tiếng cho âm thanh, nhưng chính Lời mới đem đến cho âm thanh một nội dung; tiếng làm cho âm thanh vang lên, nhưng Lời làm cho ý nghĩa được loan truyền. Thảo nào, thai nhi Gioan đã nhảy lên mừng húm vì gặp được đích đến của đời mình. Sau này lớn lên bước vào nhiệm vụ dọn đường cho “Đấng đến sau nhưng hằng có trước”, Gioan đã không bao giờ lãng quên vị trí của mình trong sứ mạng tiền hô để mãi mãi quy chiếu vào điệu nhảy đầu đời hôm nay mà sống, và đến cuối đường, lại phải hy sinh mạng sống vì một điệu nhảy khác của người đời.

II. TÌNH BẰNG HỮU TRONG ĐỜI LINH MỤC

Việc thăm viếng của Đức Maria với lời thứ ba như vừa chia sẻ, đã cho thấy một tình bằng hữu cao đẹp, cụ thể đấy nhưng cũng rất đỗi linh thiêng, vượt cao đấy nhưng cũng rất mực gần gũi với hết mọi người. Vội vã lên đường, Mẹ cho thấy bằng hữu là một niềm vui sẵn sàng chia sẻ, bất kể những vất vả trên đường, miễn sao đến được với người thân; vui vẻ gặp gỡ, đó là cơ hội để niềm vui được nhân tăng cộng hưởng, người ngày góp phần với người khác kiểu góp gạo thổi cơm chung, Mẹ đem Chúa đến cho người thân, để người thân cùng với Mẹ chung lời ca tụng Chúa; vồn vã giúp đỡ trong ba tháng, Mẹ thể hiện lòng bác ái tận lực tận tình, đem khả năng mình có để phục vụ hạnh phúc của bằng hữu, lấy hạnh phúc của bằng hữu làm hạnh phúc của mình, và lạ lùng làm sao, hạnh phúc được thăng hoa làm tiền đề để gặp gỡ hạnh phúc của Thiên Chúa. Dưới ánh sáng mẫu gương của Đức Maria, ta thử nhìn lại tình bằng hữu trong đời sống của linh mục.

1. Từ tình bằng hữu đời thường

Tự bản chất, không ai là một ốc đảo nguyên tuyền xanh sạch đẹp có thể tự đủ cho cá nhân mình, từ tự sản tự tiêu đến tự túc tự cường mà không cần nhờ đến người khác. Cần đến người khác là chuyện bình thường trong khi không cần đến người khác mới là chuyện bất thường. Ngựa chạy có bày, chim bay có bạn. Bằng hữu là cả một kho tàng không ngại góp thêm và cũng là nguồn dự trữ đợi chờ khai thác. Bạn theo kiểu “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai” thì chắc không cần, thứ đó nên đóng bè lại mà thả trôi sông; trái lại, bạn kiểu “chung vui khi thành công, cảm thông khi thất bại, đi lại những khi cần và luôn gần ngay cả khi trắng tay chẳng còn gì nữa” mới là bạn thực người ta cần tìm, loại này nên kết bè lại để giúp nhau vượt thác ghềnh. Friend in need, friend indeed.

Như bất cứ ai, linh mục cũng cần đến tình bằng hữu. Hết rồi cái thuở của các thánh tu rừng, mỗi vị một hang tối ngày kết hợp với Chúa chẳng liên hệ với ai; ngày nay linh mục vì công việc mục vụ nặng nề cần đến sự hỗ trợ của nhiều giới, trong đó bằng hữu là một tuyến luôn được vận dụng để góp sức chu toàn. Đông tay thì vỗ nên kêu. Có nhiều linh mục đã thể hiện tình bằng hữu một cách hiệu quả. Mời các bạn cùng lớp chủng viện ngày xưa mà nay đang là những người thành đạt đến chung tay góp sức vào một công trình nào đó như giúp dạy giáo lý hôn phối là một ví dụ, hay ra ứng cử làm chánh trương trùm trưởng là một ví dụ khác.

Nhưng điều muốn nói hơn cả là tình bằng hữu tự nhiên của linh mục quý lắm và cũng đẹp lắm, để giúp đỡ nhau và cũng để nâng đỡ nhau. Như trường hợp một cha nọ rất đáng phục khi đón một hai linh mục đang gặp khó khăn không còn ở giáo xứ được nữa, đến cư trú tại nhà xứ của mình, chỉ để tạo điều kiện nghỉ ngơi qua cơn sóng gió, đến nỗi các cha cứ bảo nhà xứ ấy là refugium peccatorum. Hay như trường hợp một cha khác đã bỏ ra cả 50 ngàn USD một lúc để cứu một cha bạn khỏi cảnh lao lung khi bị tố tụng trước tòa đời.

Linh mục có bạn, đời sẽ vui hơn; nhưng khi linh mục không bạn bè với ai, dẫu có được xem là ông thánh đi nữa, cũng là một ông thánh buồn và đáng buồn. Chắc các cha nhiều kinh nghiệm? Hồi tôi giúp một giáo xứ ở Paris bốn năm, thứ hai nào, ngày off của các cha coi xứ, cũng thấy một cha cùng lớp với cha xứ đến thăm và ở lại dùng cơm trưa tại nhà xứ. Xem chừng họ thân thiết với nhau lắm qua những câu chuyện trao đổi pha lẫn những tràng cười giòn giã, nhất là khi chia nhau chiếc bánh ngọt tarte aux pommes mà cha khác kia bao giờ cũng mang đến. Những tình thân thiết tự nhiên ấy trong đời linh mục luôn để lại những hiệu quả tốt trên đường phục vụ và để lại những dấu ấn đẹp trong mắt nhìn của thế hệ đến sau.

Một linh mục trọng tuổi chia sẻ kinh nghiệm: linh mục trẻ còn chịu khó tìm đến gặp gỡ anh em, đó là dấu hiệu của một đời hạnh phúc; nhưng khi linh mục trẻ mà lặn biệt tăm không cần đến anh em bạn hữu nữa thì đó lại là dấu cho thấy đời sống có trục trặc chi đó ít nhiều cần được hóa giải nâng đỡ. Gặp nhau dù chỉ để đánh cờ giải trí hoặc đánh chén giải khát cũng là những cuộc gặp góp phần đánh tan những cơn sầu cấp tính hay những căng thẳng mãn tính nào đó trong đời. Ngày nay, người ta nói nhiều đến loại bệnh của các linh mục, đó là bệnh cô đơn và cách chữa hiệu quả chính là tình bằng hữu. Chạy qua chạy lại thăm hỏi anh em sẽ giúp giải tỏa, chứ nằm hoài ở nhà sẽ có nguy cơ tăng thêm, vì cô đơn không đến một mình mà xem ra lại đến với cả gia đình các cô, từ cô đơn cô độc đến coca cola, rồi cognac và cuối cùng đi khám bệnh thấy cholestérol trong máu đã dâng cao từ bao giờ.

2. Đến tình bằng hữu linh mục đoàn

Là người như bất cứ ai, linh mục cần đến tình bằng hữu; nhưng là người khác mọi người vì dấu ấn bí tích truyền chức, linh mục cũng cần thể hiện tình bằng hữu với những dấu ấn không thể lẫn vào đâu được.

Xét về mặt nguồn gốc. Từ ngày thụ phong mỗi linh mục được sáp nhập vào “một đơn vị có thể định nghĩa như một gia đình thực sự, trong đó mối liên hệ không do máu thịt nhưng do ân sủng của thánh chức” (PDV 74). Hiện nay ta gọi là linh mục đoàn. Thật vậy, khởi đi từ cùng một nguồn gốc là ơn gọi phát xuất từ Chúa Kitô và được sai đi bởi cùng một Thánh Thần trong bí tích truyền chức thánh để góp phần làm việc cho công trình Nước Trời, mọi linh mục trở thành huynh đệ với nhau. Đây là nền tảng của tình bằng hữu trong đời sống và chức vụ linh mục, khởi đi từ đó chúng ta thân thiết với nhau.

Mỗi lần trong giáo phận có lễ truyền chức linh mục, người ta thấy các linh mục đến đồng tế rất đông, bất kể là triều hay dòng. Cá biệt có lần trong lễ truyền chức, nghi thức các linh mục lên đặt tay cho vị tân chức kéo dài cả 15 phút khiến mọi người kinh ngạc thú vị. Đó là dấu hiệu tích cực diễn tả niềm vui chung trong Hội Thánh địa phương, đồng thời cũng cho thấy vị tân chức ngay khi nhận bí tích truyền chức đã được kết nạp vào linh mục đoàn. Thế hệ cha anh đón tiếp con em của mình, và cũng kể từ đó, có thể nói quy chiếu về gốc nguồn này, tất cả đều ngang hàng với nhau trong ân sủng để coi nhau như bằng hữu. Vì ngày xưa Chúa Giêsu đã không coi môn đệ mình như tôi tớ mà ngược lại như bạn hữu, nên ngày nay các linh mục theo chân và theo gương Ngài, cũng coi nhau như bằng hữu của cùng một Thầy, bất kể tuổi tác, trình độ, khả năng, thâm niên, kinh nghiệm, nhiệm vụ và nhiệm sở. Nói có vẻ cào bằng, nhưng thực sự là thế. Nếu có lãnh vực nào các linh mục luôn luôn được đặt trên cùng một bình diện, thì đó chính là lãnh vực bằng hữu do thánh chức. Già nhận trẻ là bạn bè và trẻ cũng đón già là bằng hữu. Không còn cách biệt e dè chút nào nữa. Không còn xa lạ với nhau nữa.

Biểu hiện rõ rệt nhất của tình bằng hữu này chính là thánh lễ truyền dầu ngày thứ năm tuần thánh, ở đó các linh mục giáo phận kết thành một thể duy nhất với lời hứa đời linh mục được lặp lạt và với sức sống mới từ bí tích thánh thể được khơi lên.

Xét về mặt công trình. Cùng được sai đi làm việc trong vườn nho của Chúa, cùng thực hiện trách nhiệm mục tử theo sự phân bổ của giám mục giáo phận, các linh mục lại còn được gắn bó với một chương trình trong đó việc thi hành thừa tác vụ sẽ liên kết mọi người vào một tình bằng hữu cụ thể. Chính ở đây mới thấy sự khác biệt rõ ràng giữa linh mục này với lkinh mục khác về mọi mặt, và cũng mới thấy tình bằng hữu đời linh mục cas62n thiết thế nào để người này làm phong phú cho người kia trong cùng một ước vọng xây dựng Giáo Hội tại địa phương mình. Bằng hữu ở đây trải ra trong sự nối kết và phối kết mục vụ, mong sao việc giảng dạy, thánh hóa và cai quản được thể hiện trong bác ái yêu thương và việc phục vụ dân Chúa gặt hái được kết quả tốt đẹp. Trong ngôn ngữ thường ngày, người ta quen dùng kiểu nói “đồng tình” để diễn tả sự nhất quán trong tư tưởng, sự nhât trí trong hành động và sự nhất tâm trong nỗ lực chung xây. Với mạch ý này, trộm nghĩ, tình bằng hữu linh mục tỷ lệ thuận với kết quả mục vụ. Càng gắn kết với linh mục đoàn, càng gặt hái được thành công và ngược lại, càng xa rời linh mục đoàn, càng mau chóng chuốc lấy thất bại.

Biểu hiện khá đầy đủ về tình bằng hữu này là dịp các linh mục giáo phận tĩnh tâm chung với những chữ “cùng” thắm tình bằng hữu: cùng ở một nơi, cùng ăn một chỗ, cùng hồi tâm lắng đọng, cùng chia sẻ một cảm nghĩ, cùng gắn bó một nỗi niềm, và trên hết cùng tìm về một suối nguồn là cử hành bí tích Thánh Thể chung. Kết quả sâu lắng của tĩnh tâm sẽ ra sao chỉ có cá nhân linh mục và Chúa Thánh Thần biết, nhưng kết quả nhãn tiền ai cũng thấy được chính là việc bồi dưỡng tình bằng hữu, mà vì một lý do nào đó, một linh mục không hiện diện sẽ cảm thấy bứt rứt nuối tiếc hoặc hụt hẫng mòng chờ. Một cha sở tuổi trung niên bị bệnh đột xuất phải nằm viện vào dịp tĩnh tâm thường niên giáo phận đã chia sẻ rằng: một phần ngài cảm thấy như có lỗi vì không chu toàn bổn phận linh mục; nhưng một phần khác lớn hơn ngài tâm sự: không tĩnh tâm chung được thì có thể tĩnh tâm riêng bù lại, còn không gặp gỡ anh em linh mục dịp quy tụ đông đảo sẽ không có dịp nào khác ngoài việc đợi chờ đến năm sau.

Như vậy, tình bằng hữu linh mục chỉ có một, nhưng lại được quy chiếu vào những tiêu điểm khác nhau, nên đôi khi có những giao thoa lẫn lộn đem đến những cảm nhận khác nhau. Quy chiếu vào bí tích truyền chức, linh mục sẽ thấy mình chỉ là người được chọn gọi, thế nên lòng mình sẵn sàng mở ra đón nhận sự hiện diện và đồng hành của mọi linh mục khác thuộc mọi độ tuổi và khả năng cũng là những người được chia sẻ một ơn gọi như mình. Quy chiếu vào công trình mục vụ, linh mục trong điều kiện sống cụ thể tại một giáo xứ, với tư cách là “chủ chăn riêng của một nơi”, dẫu độc lập tự do hạnh phúc, vẫn không thể một mình một cõi ăn cơm chúa múa tối ngày. Nhưng phân biệt quy chiếu chỉ để dễ định hình suy tư và định vị con người, còn trên thực tế, cả hai điểm quy chiếu nêu trên của tình bằng hữu đều tương tại vào nhau. Quy chiếu bí tích để nối kết xây dựng yêu thương và quy chiếu mục vụ để biết phối kết tôn trọng những sự khác biệt. Chính đây là chìa khóa bảo vệ cho tình bằng hữu trong đời linh mục.

3. Vấn đề thực tế

Tình bằng hữu đời linh mục trên lý thuyết tách bạch là thế và trong lý tưởng cao đẹp là thế; nhưng trong thực tế nhiều khi người ta gặp thấy những khoảng cách không vui. Vẫn biết các linh mục khác nhau nhiều, tự nhiên thôi vì nhiều nguyên do hoàn toàn được chấp nhận và chấp nhận được, nhưng từ “khác nhau” đến “khắc nhau” đường đi lắm lúc không dài như mình nghĩ. Và kịch tính của tình bằng hữu chính là đây. Trong ký ức mỗi giáo phận, những hình ảnh đẹp của tình bằng hữu linh mục không thiếu, như một trong những trường hợp được sử dụng để dẫn vào bài suy niệm hôm nay. Các cha có thể kiểm chứng. Nhưng cùng với những ký ức tươi sáng vui mừng cũng chen vào một vài mảng tăm tối xót xa được xem là kinh nghiệm đổ vỡ của tình bằng hữu.

Có khi thuần túy chỉ là không vượt qua nổi sự khác biệt vốn có của tuổi tác thói quen, của kinh nghiệm chức vụ, của sở thích tính tình. Trong thời gian năm năm đồng hành cùng các linh mục trẻ mới ra trường đi làm mục vụ, tôi gặp thấy những rạn nứt tình bằng hữu hầu như đều thuộc khía cạnh không vượt qua nổi này. Theo thói quen, những linh mục trung niên có kinh nghiệm thường được bổ nhiệm làm cha sở một giáo xứ lớn và vì công việc của giáo xứ, cha sở này lại được cung cấp cho một cha phụ tá. Chuyện vẫn thế tại các giáo phận. Nhưng chung sống và làm việc với nhau trên cùng một cánh đồng, thời gian đã để lộ ra những điều khó xử. Cha sở tuổi lớn kinh nghiệm nhiều biết rõ lòng dân nên thường cân nhắc kỹ những sáng kiến mục vụ giáo xứ. Còn cha phụ tá mới ra trường hăng tiết vịt thích đưa ra những sáng kiến lạ, tốt thôi, nhưng chưa được đáp ứng ngay đã âm thầm bực dọc coi mình như đang bị ém tài. Khác biệt kiểu này có thể vượt qua, nhưng khổ nỗi để lâu ngày làm nhụt chí nam nhi, nhất là có nhân tố thứ ba nói ra nói vào bảo mình bị cản đường tiến bước và thế là vỡ thành xung khắc. Bỏ cơm, bỏ hội đoàn. Cho biết tay. Và biết tay thật. Cha phụ tá đã được giám mục đổi đi xứ khác để bảo toàn nhiệt huyết.

Quý cha phụ tá coi cha sở như cha mình về tuổi tác để tôn kính, như thầy mình về kinh nghiệm mục vụ để tôn quý học tập và như bằng hữu vong niên để tôn trọng cộng tác chung xây là một truyền thống tốt đẹp torng đời dâng hiến. Quý cha sở biết nhìn cha phụ tá của mình như con em bằng hữu quả là một gương sáng truyền thống làm phát sinh thêm những ơn gọi linh mục tại địa phương.

Cũng có khi vì quá chú trọng đến công trình mục vụ mà quên quy chiếu vào chức thánh để chỉ thấy trong tương quan linh mục khía cạnh thế lực hoặc lợi lộc, khiến tình bằng hữu không có đất sống và hạt giống bất hạnh cứ thế mà nảy sinh. Không biết có đúng, nhưng như một sự kiện để suy ngẫm. Trong giáo phận nọ, khi một giáo xứ lớn cả về mặt nhân sự lẫn tài chánh, được đưa vào danh sách chuyển đổi cha sở là y như rằng sẽ có những chẩn đoán xầm xì theo sau. Nào là cha này được chỉ định vì quen biết thế lực, nào là cha kia được sắp xếp vì lợi lộc biết điều trên dưới. Chuyện không công khai nên thả cửa được thêm thắt mắm muối. Các cha nghe rát cả tai và giám mục cứ mãi đau đầu.

Xin lỗi quý cha, các linh mục trong giáo phận là người cùng một nhà được phân bổ vì lợi ích mục vụ chung của dân Chúa và cũng không loại trừ khả năng vì lợi ích thiêng liêng của cá nhân người được phân bổ, những yếu tố thế lực hoặc lợi lộc không bao giờ trở thành tiêu chuẩn ảnh hưởng đến quyết định, có chăng chỉ là sự trùng hợp bất khả kháng, nên những chẩn đoán thuộc loại điều ong tiếng ve ấy, xin đừng bao giờ khai thác kẻo trở thành những di chứng làm sói mòn tình bằng hữu, gây khó xử cho cả người phân bổ và người được phân bổ, ấy là chưa muốn nói đến khía cạnh tạo điều kiện thuận lợi Chúa sự ganh tỵ lẻn vào khiến giáo dân cứ tròn mắt lắc đầu kinh ngạc. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Nhưng bi kịch hơn cả trong tình bằng hữu linh mục là chẳng quy chiếu vào đâu cả, không vào chức thánh mà cũng chẳng vào thừa tác vụ, mà chỉ đối xử với nhau theo tình tư dục. Xa gần xin được thưa về những yếu tố làm biến tướng tình bằng hữu như đầu óc cục bộ đâu đó vẫn còn ẩn hiện. Óc cục bộ vừa là nguyên nhân làm thui chột tình bằng hữu và cũng là hậu quả của một tình bằng hữu từ lâu đã vắng bóng. Là nguyên nhân, óc cục bộ tập hợp nơi mình những kháng thể chống lại tình bằng hữu, rồi thể hiện tương giao với phần còn lại bằng những phương thế đời hơn cả đời. Là hậu quả, óc cục bộ để lộ một tình trạng trong đó tình bằng hữu đã không còn hiện diện nữa, hay nếu có chỉ như một mẫu trang phục tự chọn rẻ tiền. Đối thủ của giới luật yêu thương chính là đây và kẻ thù của tình bằng hữu linh mục cũng chính là đây. Nhóm họp với nhau để làm việc chung là hình ảnh đẹp của tình bằng hữu mang lại hiệu quả, nhưng nhóm họp với nhau như một thế lực đối kháng giữa lòng Giáo Hội địa phương lại là kiểu sống xa lạ với đời mục tử yêu thương.

Tóm lại, nhìn vào Đức Maria qua cuộc thăm viếng bà Êlisabét với lời chào xởi lởi mở ra tình bằng hữu tươi tắn tự nhiên và linh thiêng bác ái, để rồi nhìn lại tình bằng hữu trong đời linh mục với đan xen giữa ánh sáng và bóng tối, mong rằng đã cùng với quý cha rảo qua đời mình một cách chân thành, để theo gương bằng hữu của Đức Maria, ta sẽ quyết tâm xua đi bóng tối và kiên tâm thắp sáng lên những điểm sáng tích cực. Được như thế, đời linh mục sẽ là một lời giới thiệu Đức Kitô cách cụ thể nhất.


 

KINH MAGNIFICAT

 

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-55)

 

Lời thứ tư của Đức Maria là một lời đặc biệt.

Đặc biệt trước hết vì vị trí trọng yếu của lời này trong toàn bộ bảy lời. Nếu ba lời trước được xem như những thái cử với mình, với bề trên, với bằng hữu và ba lời sau sẽ được nhìn như những hình thái trách vụ, thì lời thứ tư không theo những cách nhìn ấy, mà là lời trung tâm mang tính định hướng. Đặc trong hình kim tự tháp với triền đi lên gồm ba lời và triền đi xuống gồm ba lời còn lại thì lời thứ tư chính là chóp đỉnh bao trùm và toả sáng trên tất cả những lời của Đức Maria. Độc đáo.

Đặc biệt sau nữa là lời này vượt xa các lời khác của Đức Maria về độ dài và nội dung. Lời thứ tư dài nhất trong bảy lời và nội dung phong phú nhất bao gồm nhiều góc nhìn đến độ kinh ngạc, từ góc nhìn cá nhân tới góc nhìn tập thể, từ góc nhìn lịch sử đến góc nhìn nội tâm, từ góc nhìn mầu nhiệm tới góc nhìn sứ vụ. Bao la.

Nhưng cũng đặc biệt không kém vì lời này mang một hình thức của một bài ca đầy dẫy tâm tình, đồng thời cũng chan hoà sức mạnh của Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã nên Đấng cứu độ của mọi người và của mỗi người. Vì thế lời thứ tư này đã được phụng vụ các giờ kinh chọn làm thánh ca tin mừng Magnificat cho giờ kinh chiều hằng ngày.

Và còn đặc biệt hơn nữa vì Đức Maria vốn nhẹ nhàng kiệm lời đối với sứ vụ của Chúa Giêsu, lại bỗng dưng qua lời thứ tư này, trở thành người mạnh mẽ nhiều lời để công bố cuộc cách mạng lịch sử mà Chúa Giêsu đã khởi đầu khi đến với thế giới trong kiếp sống nhân sinh.

Chính vì những nét đặc biệt nêu trên, ta sẽ tuần tự đi tìm ý nghĩa của lời này qua các nhãn giới thay đổi kiểu ống kính vạn hoa, để xem Đức Maria đã ngợi khen ra sao trong lời kinh Magnificat, và khởi đi từ gợi hứng đó, thử xem linh mục có thể ngợi khen Chúa thế nào bằng cuộc sống nhất là bằng sứ vụ của mình.

I. KINH MAGNIFICAT CỦA ĐỨC MARIA

1. Nhã giới mầu nhiệm

Được xướng lên tại ngưỡng cửa nhà Dacaria, ngay trước mặt Êlisabét trong ngày thăm viếng, kinh Magnificat hình thức là một lời hồi đáp của Đức Maria đối với lời tán tụng của bà chị họ thân yêu.

Nếu trong lời bà Êlisabét, yếu tố hạnh phúc và niềm vui mừng được lặp đi lặp lại như điệp khúc, thì trong lời Đức Maria cả hai yếu tố ấy cũng hiện diện, vừa được hoạ lại vừa được nêu cao để trở thành chủ điểm của bài ca bất hủ. Các nhà chú giải đã có công nêu lên những nét tương đương giữa lời khen ngợi của bà Êlisabét với lời ca tụng trong sách Giuđít 13, 18-19 với những yếu tố song đối về hạnh phúc, nhưng hạnh phúc trong bài kinh Magnificat là hạnh phúc đặc biệt chỉ có người trong cuộc dấn thân mới có thể cảm nghiệm để cao hứng thốt lên. Khi lòng tràn đầy thì miệng tự nhiên thoát ra, có kìm lại cũng chẳng được. Khi ý tứ đã sống từ thuở nào thì chẳng cần sắp xếp, bài kinh rất tự nhiên hình thành. Đức Maria cảm nhận hoàn toàn hồng ân Thiên Chúa trong ngày truyền tin và ôm ấp sâu kín niềm hạnh phúc khôn vời ấy để giờ này trước lời cảm kích của bà chị họ, đã cảm tác hát lên bài kinh ca ngợi ngợp choáng niềm vui và hạnh phúc. Như nước vỡ bờ, lời kinh tuôn chảy.

Nếu trong lời bà Êlisabét, nơi nhận lời tán tụng là cô em yêu dấu thì ngược lại trong lời thứ tư này, địa chỉ kinh ngợi khen của Đức Maria lại là chính Thiên Chúa Đấng cứu độ, Đấng Toàn Năng. Gián tiếp Mẹ như điều chỉnh lại hướng nhìn của bà chị họ từ lúc gặp gỡ đến giờ cứ dán vào Mẹ, và trực tiếp Mẹ như công khai hoá hướng nhìn của mình vào Thiên Chúa. Bằng ngôn ngữ thường ngày, ta có thể diễn nghĩa tâm tình của Đức Maria: Không dám đâu, em chỉ là người được Chúa chúc phúc thôi, thay vì ca ngợi em, chị hãy hợp ý với em để ngợi khen Thiên Chúa là Đấng chúc phúc cho em, chị nhá.

Nhưng nội dung của kinh Magnificat chính là tâm tình reo vui của Đức Maria ngợi khen tình thương của Thiên Chúa đã đậu lại trên cuộc đời Mẹ cách mầu nhiệm và quyền năng của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ những điều lạ lùng. “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn”.

Chỉ cần rảo nhanh một lần qua bốn câu đầu bài kinh, người ta cũng dễ dàng nhận ra tính chủ vị không thể lẫn vào đâu được, chủ từ là ngôi thứ nhất số ít như khẳng định lại một lần nữa rằng: đơn giản tôi là Maria, tôi hát lên bài kinh này với tất cả con người của tôi, linh hồn tôi phần thâm sâu nhất, thần trí tôi phần cao tôn nhất, phận đời tôi phần sát sườn nhất, tình cảm tôi giờ vui mừng nhất, và đường đời tôi giờ hạnh phúc nhất, tất cả là một thể duy nhất và chính từ thể duy nhất ấy, tôi cất lời ngợi khen. Chính tính chủ vị này là yếu tố độc sáng phân biệt bài kinh với lời của bà Êlisabét, và cũng cho thấy bà Êlisabét, dẫu đầy tràn Thánh Thần cũng không thể hát được như vậy. “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”.

Trước khi đặt mình vào những cương vị khác trong tương lai, Đức Maria biết rất rõ về mình trong tương quan với Thiên Chúa như trong buổi truyền tin Mẹ đã từng khẳng định: chỉ là phận nữ tỳ hèn mọn. Nhưng chính khi khiêm nhường biết mình chỉ có thế, Đức Maria đã cất lời ngợi khen tình thương Thiên Chúa trong những nét chân xác nhất. Nghe trong lời ngợi khen có tâm sự sâu lắng: tôi xác đất vật hèn, chẳng có công lênh gì, chỉ nhờ Chúa đoái thương nhìn tới tôi mới được hạnh phúc, hạnh phúc hôm nay và hạnh phúc muôn đời. Tôi chỉ là nữ tỳ chân lấm tay bùn một nắng hai sương tối tăm phận số, có chi đâu có chi đâu, nhưng chỉ vì tình thương Chúa bao bọc, từ nay hết mọi đời tôi mới được ca ngợi là diễm phúc trong chức vụ cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa. Tất cả là hồng ân và tình thương, vì thế lời đầu tiên của tôi xin dâng để ngợi khen tình thương ấy, một tình thương đã cúi xuống để thi ân cứu độ. “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Nhưng Đấng cứu độ giàu lòng thương xót cũng là Thiên Chúa toàn năng sáng tạo và thống trị hoàn vũ muôn loài. Trong lịch sử dân thánh, Ngài đã chọn gọi những người cộng tác để thực thi chương trình cứu độ. Mỗi lần chọn gọi là một lần thi thố quyền năng và mỗi lần con người đáp trả tích cực lại là một mặt khác của quyền năng ấy, vì Thiên Chúa có ép buộc ai bao giờ, dẫu Ngài quyền năng không gì không làm được. Ngài đề nghị và người ta có hoàn toàn tự do để chấp nhận hay không, thế nên mỗi lời đáp xin vâng phải được xem như một phép lạ của quyền năng Thiên Chúa. Nghe trong lời ngợi khen của Đức Maria có cảm nhận thật tình: để là hòn đất cất lên là bụt, phận tôi hòn đất bẩm sinh giữa chợ đời nhân gian, nhưng hôm nay tôi được là gì cho ai thì đó là do quyền năng của Chúa cất nhắc đó. “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn”.

Danh xưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ và Đấng Toàn Năng được nêu lên trong kinh ngợi khen chính là những danh xưng tiêu biểu nói lên tình thương và hoạt động giải cứu của Thiên Chúa đối với con người, thế nên nêu lên những danh xưng ấy trong cùng một tâm tình, kinh Magnificat cũng là lời tuyên xưng đức tin của Đức Maria trong những nét xác quyết đậm sâu nhất và cũng đi liền với kinh nghiệm bản thân nhất. Bà Êlisabét trong lời ca tụng ghi nhận Mẹ hạnh phúc vì Mẹ đã tin, còn ở đây, chừng như Mẹ muốn đi xa hơn để xác định: Mẹ còn tin hơn nữa và Mẹ đã hạnh phúc, dù sau này những điều kiện của hạnh phúc có khác. Nghe trong hình thức ngợi khen có âm vang nội dung tuyên tín: tôi tin kính một Thiên Chúa toàn năng hằng thương xót.

2. Nhãn giới sứ vụ

Không dừng lại trong nhãn giới mầu nhiệm, kinh Magnificat còn dẫn người ta bước sang nhãn giới sứ vụ, là một nhãn giới vô cùng mới mẻ và mạnh mẽ trong cuộc đời của Đức Maria.

Thực vậy, nếu với nhãn giới mầu nhiệm, Đức Maria ở đỉnh cao vui mừng đối chiếu đời mình với hồng ân Thiên Chúa, để đã cảm nghiệm đầy đủ trong ngày truyền tin giờ được lặp lại giữa khi thăm viếng, làm thành lời kinh ngợi khen ngất ngây hạnh phúc, thì với nhãn giới sứ vụ, một chân trời mới đã mở ra, rất mới mẻ bất ngờ. Không chỉ là hồng ân thủ đắc cá nhân nữa mà là hồng ân Chúa ban cho mọi người, không chỉ là tình thương dành cho một người nữa mà là tình thương cho tất cả những ai có lòng kính sợ Thiên Chúa, không chỉ là lòng lân mẫn thể hiện trong một tình huống đặc biệt mà còn là lòng lân mẫn muôn đời vẫn còn có và sẽ có biểu tỏ mãi mãi ngàn đời. “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.

Là thiếu nữ Sion tiêu biểu, Đức Maria chắc không lạ gì với lời ngợi ca tình thương Chúa qua các Thánh Vịnh cầu nguyện tụng ca, nhưng với cảm xúc cá nhân đầy tràn sóng sánh trong trường hợp ơn gọi đặc biệt, Mẹ thấy đời mình không còn thuộc về riêng mình nữa, mà từ nay đã thuộc về Đấng mình đang cưu mang để sẵn sàng liên kết với sứ vụ của Đấng ấy trên hành trình cứu độ. Đây là một cảm thức mới mẻ khiến Đức Maria không thể không nhắc đến trong bài kinh ngợi khen. Có lẽ khi Mẹ biết thai nhi Gioan Tẩy giả nhảy mừng trong dạ bà Êlisabét, Mẹ cũng nhận ra sứ vụ mới mẻ của mình là dấn thân trên đường sứ vụ mà đem Chúa cùng với ơn cứu độ của Người đến cho tất cả mọi người. Mỗi người là một cành hoa cùng đem về đây góp gió; mỗi người là một phương tiện hữu hiệu Chúa dùng để lòng thương xót của Người đến được với tha nhân.

Sứ vụ ấy thật mới mẻ và, theo ngôn từ của kinh Magnificat, sứ vụ ấy được thực hiện một cách mạnh mẽ không khoan nhượng bằng những hành động cụ thể của cánh tay Thiên Chúa.

Đó là cánh tay tràn đầy sức mạnh được vận dụng để “dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, để hạ bệ những ai quyền thế, và để đuổi người giàu có ra về trắng tay”. Những hình ảnh và ngôn từ mạnh mẽ này có thể được mượn trong truyền thống Thánh Kinh, nhưng một khi được thốt lên qua môi miệng Đức Maria “phận nữ tỳ hèn mọn” giữa lòng bài kinh phấn khởi ngợi khen, đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ vô cùng. Thực ra trong Cựu Ước không thiếu gì trường hợp Thiên Chúa biểu dương sức hùng qua chinh chiến hoặc qua chinh phạt để trừ gian diệt ác, để trừng phạt sự bất trung, để sửa trị sự bất chính trong đời sống của dân lòng chai dạ đá, nhưng hạ bệ tam đầu chế đầu sỏ “danh lợi thú” như ở đây quả là mạnh mẽ cho thấy Nước Thiên Chúa đã đến gần trong không gian và đã gần đến trong thời gian. Không chần chừ nữa, nếu Thiên Chúa đã chính thức khai mở một triều đại mới đua nở hoa công lý, thì tất cả những ai là tôi trung tớ nữ hèn mọn của Người cũng phải chung tay gánh vác giang sơn bằng một tinh thần mới với một nhiệt tình mới. Cánh tay Thiên Chúa hùng mạnh không gì không làm được, nhưng Người lại thích gọi đến sự góp công góp sức của những cánh tay nhân loại, để niềm vui chiến thắng vốn là hồng ân Người ban, một cách nào đó cũng được hiểu rộng như là chiến công của con người.

Nhưng cánh tay Thiên Chúa cũng còn là cánh tay yêu thương băng bó chữa lành vỗ về nâng đỡ dắt dìu thi ân, cách chung cho những ai biết kính sợ Chúa, nhưng cách riêng ưu tiên cho những người khố rách áo ôm thấp cổ bé miệng bị gạt sang bên lề xã hội. Như nước chảy về chỗ trũng, tình thương Thiên Chúa sẽ cúi xuống với những kẻ thấp hèn để đổ đầy đời sống họ những phúc lộc. “Người khiêm nhường Chúa ra tay nâng dậy, kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư”. Đây là điểm mạnh trong kinh Magnificat, cũng là điểm mạnh trong toàn bộ Phúc Âm Luca. Khi để cho những người dưới đáy xã hội có một chỗ đứng bề thế trong tình thương cứu độ, và tự xếp mình ngang hàng với họ, Đức Maria đã thể hiện mình là một người khiêm nhường trắng tay (anawim) chỉ còn biết trông chờ Thiên Chúa là nguồn hy vọng duy nhất trong đời, và đồng thời theo mạch kinh Magnificat, Mẹ trở thành người tiên phong dấn bước trong sứ vụ bảo vệ những người cùng khốn.

Như thế, trong nhãn giới sứ vụ, kinh Magnificat cho thấy chân dung của một vì Thiên Chúa sẵn lòng đứng ra bênh vực người yếu thế cô thân để trả lại cho họ phẩm giá làm người, và phương thế hành động của vì Thiên Chúa ấy là thích chọn những thụ tạo yếu đuối thấp hèn để thi thố quyền năng và tình thương. Đồng thời trong bài kinh ngợi khen cũng phác vẽ lên những tâm tình sứ vụ của Đức Maria và tranh thủ sự đồng tình của mọi kẻ tin, để những gì được nhen nhúm lên trong lòng sẽ tìm được sức mạnh thực thi: bênh người kính sợ; đỡ kẻ khiêm nhường; thương người nghèo khổ.

3. Nhãn giới hiệp thông

Bài kinh ngợi khen được kết thúc bằng nhãn giới hiệp thông chan hòa ký ức về tình đất nước con người tan chảy trong lòng thương xót của Chúa. Thật khéo nếu kết thúc là lúc khép lại, nhưng thật đẹp nếu kết thúc lại là dịp mở ra. Kinh Magnificat có một kết thúc vừa khéo vừa đẹp. Khéo vì cô đọng lại trên niềm tin vào lòng người thương xót Chúa muôn đời tồn tại và đẹp vì mở ra nhãn giới hiệp thông mênh mông trong đó Chúa trở nên Đấng cứu độ cho mọi người.

Hiệp thông dễ thấy nhất là hiệp thông thời gian lịch sử trong lòng thương xót của Chúa. Trong Cựu Ước, bao giờ cũng thế, khi nói “Thiên Chúa nhớ lại” thì thánh ký không chỉ nói đến một ký ức nhạy bén qua đó Chúa nhận ra người này người khác trong mối liên hệ tình thương, mà hơn thế, còn gợi lại những hành động can thiệp đáp cứu Chúa thực hiện để giải thoát người ta khỏi tình trạng quẫn bách sầu đau hoặc đem lại sự sống cho loài người. Khi Đức Maria nói lên việc “Chúa nhớ lại lòng thương xót”, Mẹ đã vận dụng tất cả những yếu tố lịch sử hành động quá khứ, đem vào hiệp thông trong hiện tại lời kinh mà mở ra hy vọng lòng thương xót đến muôn đời.

Hiệp thông rõ hơn là hiệp thông những biến cố thuộc về lịch sử dân thánh trong cùng một lời hứa cứu độ. Không phải vô tình mà danh xưng tổ phụ Abraham và danh xưng Israel tôi tớ Chúa được nêu lên trong phần cuối lời kinh ngợi khen, mà chắc chắn có dụng ý một mặt minh chứng cho thấy Thiên Chúa là Đấng trung tín, đã hứa là luôn luôn ghi nhớ và đã hứa là mãi mãi giữ lời, và mặt khác cũng minh họa cho thấy những tên tuổi thừa hưởng lời hứa cứu độ không chỉ là những cá nhân cộng lại, mà là cả một đại gia đình hàng hàng lớp lớp từ thế hệ cha ông đến những thế hệ con cháu sau này. Đức Maria không đứng bên ngoài nhưng có mặt bên trong đại gia đình được Thiên Chúa yêu thương độ trì này để tình hiệp thông được lung linh tỏa sáng.

Có thể nói đến một góc nhìn hiệp thông nữa là hiệp thông hiện thực sinh động của tất cả những ai cùng Đức Maria hát lên kinh ngợi khen này, bất luận hôm nay họ là ai và làm gì trong cuộc đời gắn liền với vận mạng cứu độ. Nếu trong nhãn giới mầu nhiệm Đức Maria hát kinh ngợi khen bằng cảm nghiệm cá nhân ở ngôi thứ nhất số ít “của tôi”, thì trong nhãn giới hiệp thông, Mẹ đã nhẹ nhàng chuyển sang cảm thức tập thể ở ngôi thứ nhất số nhiều “của chúng ta”, là một cách tế nhị mở lối hiệp thông và kín đáo gọi mời mọi người hãy bước tới hòa lời và hòa mình trong tâm tình ngợi khen Chúa. Chính trong nhãn giới này, người ta nghĩ có thể lúc này là điệp khúc năm xưa của Đức Maria và bà Êlisabét cùng chung tiếng và ngàn sau cả nhân loại cùng góp lời. Hiệp thông kêu gọi hiệp thông, để với hiệp thông mới, hiệp thông đã có sẽ được củng cố lớn mạnh thêm.

Cũng ghi nhận rằng trong bài ca không có một lời cầu khẩn nào, chỉ là những tiếng ngợi khen tiếp nối ngợi khen, vì hai động lực minh nhiên: của cá nhân Đức Maria “vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” và của tập thể nhân loại “vì Chúa nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời”. Như vậy, kinh Magnificat đích thực là kinh ngợi khen kiểu mẫu của mọi người dâng lên Thiên Chúa.

II. KINH MAGNIFICAT TRONG ĐỜI LINH MỤC

Với ba nhãn giới mầu nhiệm, sứ vụ và hiệp thông như ba góc nhìn của ống kính vạn hoa được vận dụng để đi vào kinh Magnificat, cũng là lời thứ tư của Đức Maria, chúng ta đã thấy sáng lên ý nghĩa của tâm tình ngợi khen: ngợi khen không chỉ bằng lời, mà còn bằng cả một đời hiến dâng; ngợi khen không chỉ cá nhân, mà còn mở rộng đến dân Chúa này; ngợi khen cất tiếng hôm nay, sẽ còn vang mãi tương lại cuộc đời. Ngợi khen nào hãy hòa lời, linh mục của Chúa người người ngợi khen.

1. Ngợi khen bằng đời sống linh mục đích thực

Tất nhiên, trọn đời linh mục là “một bài hát kinh ca ngợi”, mượn lời một ca khúc về Đức Maria của Lm. Dao Kim, nhưng kinh ca ngợi ấy được hát lên thế nào mới là điều đáng nói. Có kinh ca ngợi được hát lên với niềm vui tươi phấn khởi dấu hiệu của một đời hiến dâng hạnh phúc; có kinh ca ngợi cũng được hát đấy, nhưng buồn ngủ dấu hiệu của đời linh mục gặp khó khăn; và cũng có kinh ca ngợi chỉ được hát cách hời hợt bộc lộ niềm hiến dâng không trọn vẹn. Mỗi cách hát mỗi cuộc đời và chỉ có cách hát với cả tâm tình mới là lời ngợi khen đích thực của người linh mục đích thực.

Dựa xa gần trên kinh Magnificat của Đức Maria, linh mục có thể ngợi khen Chúa trước hết bằng đời sống thống nhất của mình. Nếu Đức Maria đã ngợi khen Chúa với linh hồn với lý trí với phận số với ơn gọi, thì mỗi linh mục cũng theo đường ấy để thực hiện khúc ngợi khen đời mình. Đời sống là một thể thống nhất. Khi lý trí đã nhận thức đầy đủ, tình cảm đã thuận chiều mộ mến thì đời sống cũng phải thể hiện khít khao trùng khớp. Ngược lại, khi lý trí không vuông tròn vai trò nhận thức và tình cảm lại theo chiều ngược lại thì đừng mong có sự thống nhất đời sống. Trong căn tính, linh mục hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, nếu vì lý do gì hữu ý hay vô tình, linh mục không để mình thuộc về Chúa Kitô một cách trọn vẹn nữa, thì rõ ràng không còn sự thống nhất trong đời hiến dâng. Làm việc có thể bán thời, nhưng thuộc về Chúa Kitô phải là toàn thời; làm gì mỏi mệt cũng phải nghỉ ngơi, nhưng làm linh mục mỏi mệt không được rời xa căn tính của mình. Nghỉ làm việc tay chân năm phút có thể bù đắp lại, nhưng nghỉ làm linh mục năm phút có khi đã sa chân vướng mắc không còn vớt vát được nữa, nếu không muốn nói đã không còn là linh mục nữa rồi.

Cách đây hơn 20 năm tại Học viện Công giáo Lyon có cuộc hội thảo về sự thống nhât đời sống linh mục, trong đó có câu hỏi buồn cười là “khi ngủ, linh mục có còn là linh mục hay không?” và cuộc thảo luận đã dẫn đến tranh cãi khó phân định trả lời. Cuối cùng hội nghị đã dừng lại với phát biểu của một linh mục triết gia: nếu là người khi ngủ tôi vẫn là người, thì là linh mục tận căn thuộc về Đức Kitô khi ngủ tôi vẫn là linh mục thuộc về Đức Kitô. Có thể bên ngoài linh mục ngủ cũng ngáy kho kho như bao người khác, nhưng bên trong căn tính thường hằng, linh mục ngủ cũng vẫn là linh mục như khi cử hành các bí tích, có điều là khi thực hiện hành vi bí tích, linh mục ở dạng hiện thể của vị thế “in personna Christi Capitis”, còn khi ngủ ở dạng khả thể thôi. Lý thuyết là thế, nhưng thực hành chỉ muốn nói: làm gì thì linh mục luôn luôn nhớ mình là linh mục có đời sống thống nhất không thể phân chia. Làm được như thế, đời sống linh mục đã trở thành bài hát ngợi khen Chúa.

Nhưng lời ngợi khen đích thực của đời sống linh mục còn được thoát tỏa ra qua cách sống hạnh phúc thường ngày. Hạnh phúc không phải là nguyên nhân nhưng đúng ra là hiệu quả nhãn tiền của đời sống thống nhất. Càng thấy mình hạnh phúc bao nhiêu trong đời linh mục, càng là dấu cho thấy sự thống nhất đời sống nơi mình khít khao bấy nhiêu; ngược lại, càng thấy mình chao đảo bao nhiêu giữa trách vụ hàng ngày, càng là dấu cho thấy những kẽ hở trong đời sống hiến dâng của mình bấy nhiêu. Một chiếc xe gắn máy nổ ngọt ga vọt chạy êm nhiều khi không phải là xe mới, mà là xe được cân chỉnh gió và ga một cách hoàn hảo. Những phút tĩnh lặng hồi tâm cuối ngày có thể được xem như sự cân chỉnh những thể hiện thống nhất của đời sống linh mục.

Xin đừng quên linh đạo của linh mục triều là nên thánh bằng các việc mục vụ. Càng chu toàn những việc mục vụ với ý thức cao nhất, và càng chăm chút sao cho những việc ấy mang lại kết quả nơi dân Chúa, càng cảm nhận được hạnh phúc linh thiêng, cho dẫu thân xác có thấm mệt và sức khỏe có hao mòn. Xét cho cùng, hạnh phúc của đời linh mục xem ra không có gì phức tạp, và việc nên thánh của linh mục cũng chẳng có gì cầu kỳ, chỉ là điểm đến tất yếu của lẽ hiến dâng khi linh mục quan tâm xây dựng đời sống thống nhất trung thành với căn tính của mình. Bởi lẽ, càng nỗ lực thuộc về Chúa Kitô trọn vẹn bao nhiêu, linh mục càng được thánh hóa để trở nên đồng hình đồng dạng với Người bấy nhiêu.

Đời sống linh mục đích thực với việc thống nhất đời sống, như thế, là một lời ngợi khen đích thực dâng lên Thiên Chúa. Có đời sống nội tâm thống nhất, linh mục thể hiện là một linh mục đích thực; Thiếu đời sống nội tâm thống nhất, linh mục không còn chứng minh được tính đích thực nơi mình nữa. Vì thế, hiện diện một linh mục đích thực là một hồng ân to lớn và ngược lại, vắng bóng một linh mục đích thực chính lại là “một thảm họa không tên” (Madeleine Delbrêl).

2. Ngợi khen bằng đời sống linh mục gương mẫu

Lời ngợi khen Thiên Chúa, bên trong linh mục ca lên bằng niềm hạnh phúc với bản lĩnh của cuộc sống thống nhất, nhưng bên ngoài linh mục thể hiện cách cụ thể qua những gương mẫu đời sống. Ở châu Á, cách riêng tại Việt Nam, linh mục trong mắt nhìn của người đương thời phải là hiện thân của những giá trị cao vượt vừa để lại những dấu ấn thánh thiêng tiêu biểu khiến người ngoài có thể nhận ra, vừa chan hòa những hành vi nhân sinh khiến người khác có thể nhìn vào. Chính ở góc nhìn nhạy cảm này, mỗi linh mục âm thầm hát lên lời kinh ngợi khen Chúa.

người của linh thánh, khi linh mục chu toàn những nhiệm vụ đời sống thiêng liêng một cách sốt sắng và chu tất những việc mục vụ hằng ngày một cách mau mắn sẵn sàng, và đã để lại cho giáo dân một hình mẫu yêu thương phục vụ không thể quên được, lúc ấy linh mục đang ngợi khen Chúa bằng đời sống gương mẫu của mình đó. Có thể đối với cá nhân linh mục, chỉ là những việc phải làm của người đầy tớ vô dụng theo quan điểm Phúc Âm, nhưng đối với giáo dân, lại là những điểm sáng thiết yếu thiết thân và thiết thực đi liền với sự hiện diện của linh mục tai một nơi. Có bà cụ tự hào kể với chúng tôi rằng: cha sở chúng con đạo đức lắm, chiều nào khi chúng con đi lễ cũng thấy cha ngồi giải tội và khi tan lễ chúng con về thấy cha vẫn một mình trong nhà thờ đọc sách nguyện sách kinh. Rõ ràng chỉ là chu toàn phận vụ, nhưng đã trở thành gương sáng có sức tỏa chiếu đem lại niềm vui cho người xung quanh.

Xây dựng một công trình kiến trúc, phải cần nhiều yếu tố tốn kém, nhưng xây dựng một công trình tâm hồn, nhiều khi chỉ cần một gương sáng khơi lên. Cha thánh Gioan Vianey, bổn mạng các cha sở, hồi mới được bổ nhiệm làm cha sở họ Ars, đã chọn cho mình giải pháp cho đến hôm nay vẫn chưa mất tính thời sự, đó là cải hóa các tâm hồn bằng gương sáng đạo đức của mình. Kiên trì ngài thực hiện. Kiên tâm ngài khuyên nhủ. Kiên nhẫn ngài chờ đợi. Và phép lạ đã xảy ra. Giáo dân tại chỗ hoán cải, giáo dân nơi khác tìm đến xin ơn thánh hóa, và kết cục, giáo xứ trở thành điểm hẹn đón nhận hồng ân Chúa. Cha sở họ Ars như thế đã ngợi khen Chúa bằng đời sống gương mẫu đạo đức. Trong một chuyến hành hương, được đích thân cầu nguyện trong ngôi giáo đường họ Ars và được ngồi vào tòa giải tội năm xưa của thánh nhân, chúng tôi đã hiểu đời sống đạo đức của một linh mục có tầm ảnh hưởng thế nào trên nếp sống của giáo xứ.

Nhưng linh mục cũng còn là người của nhân sinh, nên nhất cử nhất động của linh mục, từ những cách cư xử với giáo dân đến những mối giao tiếp với người ngoài, tất cả đều để lại những âm hưởng đa chiều. Đời sống linh mục có trở thành lời ngợi khen Chúa hay không xem ra tùy thuộc rất nhiều vào những biểu tỏ cụ thể này. Lời nói lung lay gương bày lôi kéo. Một linh mục giảng hay mà không minh họa được những điều hay bằng cuộc sống của mình, thì lời giảng sẽ thành phản cảm mất tác dụng liền, nếu không muốn nói là phản chứng với những hậu quả khó lường. Một linh mục giảng còn nhiều khó khăn nhưng đời sống lại bao dung bác ái chan hòa, đã trở thành một tượng đàisống cho mọi kẻ trong người ngoài quý mến. Có lẽ cũng vì muốn nhấn mạnh đến khía cạnh nêu gương này trong đời sống linh mục mà trong nghi lễ phong chức, giám mục đã để lại lời khuyên: “Hương thơm đời sống các con phải nên niềm vui cho các tín hữu Đức Kitô, để lời nói và gương lành của các con xây dựng Nhà Thiên Chúa là Hội Thánh”.

Đức Hồng Y Fulton Sheen thuật lại câu chuyện sau. Tại Nam Tư, trong lần giúp lễ, một chú bé đã vô ý xẩy tay đánh rơi làm vỡ chiếc lọ nước, vị linh mục đang dâng lễ đã tức giận tất chú bé và quát mắng: cút xéo ngay và đừng bao giờ trở lại đây nữa. Quả nhiên, chú bé uất ức ấy không bao giờ trở lại nữa. Lớn lên chú trở thành một lãnh tụ độc tài nổi tiếng của nước Nam Tư. Chú tên là Tito. Còn tôi, khi đang là chú giúp lễ 7 tuổi ở nhà thờ chính tòa, tôi cũng làm rơi vỡ chiếc lọ đựng rượu lễ và run lên sợ hãi. Thế nhưng sau lễ, Đức giám mục gọi tôi lại và hỏi: lớn lên con sẽ đi học trường nào? Rồi ngài tiếp: Đã bao giờ con nghe nói đến Louvain chưa? Tôi rụt rè trả lời: Chưa. Ngài dõi nhìn xa xăm tủm tỉm cười: Vậy con hãy về thưa với mẹ là lớn lên con sẽ vào học tại Louvain nhé! Không ngờ lớn lên, tôi đã xin đi tu, và sau khi chịu chức linh mục 2 năm, tôi đã được giám mục chỉ định đi học tại Louvain. Cũng một sự kiện, một lỗi lầm như nhau, tôi đã đi về hướng này, còn ông Tito đi về hướng ngược lại.

3. Ngợi khen bằng đời sống sứ vụ nhiệt thành

Với đời sống mẫu gương về những giá trị hoặc linh thánh hoặc nhân sinh, linh mục đã trở nên dụ ngôn sống cho người thời đại vốn không thích những thầy dạy cho bằng những chứng nhân; nhưng chính khi những giá trị kia biến thành động lực thúc đẩy dấn thân bênh vực bảo vệ và cứu giúp những con người đói nghèo cụ thể tại địa bàn mình đảm nhiệm, đời sống linh mục mới trở thành lời ngợi khen mạnh mẽ thấm đẫm tinh thần sứ vụ của Hội Thánh. Nếu qua nhãn giới sứ vụ của kinh Magnificat, lời ngợi khen đã nêu cao hình ảnh Chúa là Đấng giơ tay biểu dương sức mạnh đối với những kẻ kiêu căng tự phụ, những ai ỷ vào quyền thế và những người cậy vào của cải; đồng thời tô đậm dung mạo Chúa là Đấng cúi xuống bênh đỡ kẻ khiêm nhường và yêu thương người nghèo khổ, thì để trở nên lời ngợi khen Chúa, sứ vụ đời linh mục cũng không thể đi ra ngoài đường lối ấy.

Có điều là đường lối Chúa thật khác lạ. Luôn luôn sức mạnh Chúa được biểu dương bằng những phương tiện xem ra yếu đuối tối tăm. Người hạ bệ kẻ quyền thế bằng cách nâng cao kẻ khiêm nhường và Người xua đuổi kẻ giàu sang bằng việc ban của cải cho kẻ nghèo khó. Chính khi kẻ khiêm nhường được nâng cao, người quyền thế sẽ phải đỏ mặt rút lui; và chính khi người nghèo được vực dậy trong cuộc sống giàu sang thì người nghĩ mình giàu có sẽ phải tía tai bỗng thấy mình có hơn ai đâu để mà kênh kiệu. Chúa quyền năng vô biên và cũng giàu lòng thương xót.

Như vậy, nhãn giới sứ vụ của kinh ngợi khen mở ra cho linh mục một khả năng tưởng như không thể, nhưng thực ra lại rất gần gũi với những người tại địa phương mình trách nhiệm. Nước Việt Nam hiện nay đã khấm khá hơn xưa, nhưng vẫn còn bị xếp trong hàng ngũ những nước đang trên đường phát triển; như thế, người nghèo còn đầy dẫy, nghèo mọi mặt: nghèo vật chất nghèo tinh thần, nghèo công bình nghèo lẽ phải, nghèo chân lý nghèo tình thương, nghèo danh dự nghèo phẩm giá. những lãnh vực nghèo ấy như trận địa đợi chờ linh mục bước tới. Ngày xưa, khi thánh Laurensô phó tế bán hết của cải Hội Thánh đem phân phát cho người nghèo rồi dẫn họ tới trước hoàng đế với lời giới thiệu “đây là tài sản của Hội Thánh”, ngài đã xây dựng những nốt nhạc khởi đầu của bài kinh ngợi khen Chúa. Ngày nay, khi nêu cao lập trường dứt khoát đứng về phía người nghèo, Giáo Hội tiếp tục phát triển giai điệu truyền thống cho bài ca ngợi khen Chúa được cất hát lên. Và chính ikhi mỗi người tông đồ biết chia sẻ cuộc sống với người nghèo, bài Magnificat mới được hát lên trọn vẹn.

Thập niên gần đây, người ta nhắc nhiều đến tên tuổi của Mẹ Têrêsa Calcutta, người đã cống hiến cả đời để hát kinh ngợi khen Chúa giữa người nghèo bằng những việc thiết thực như chăm sóc những kẻ vô gia cư hấp hối sao cho, theo ngôn ngữ của mẹ, “những người sống như con thú được chết như thiên thần”. Và mới đây thôi, vào dịp ra đi vĩnh viễn ngày 20.10.08, người ta lại xôn xao về một tên tuổi nữa luôn sát cánh bên người nghèo, đó là soeur Emmanuelle. Ngày an táng soeur (ở Callian vùng Var), Đức HY André Vignt-Trois ở Nhà thờ Đức Bà Paris đã vinh danh soeur như tông đồ của người nghèo, và tạp chí Pèlerin trong một số ngoại lệ cũng cho chạy tựa đề lớn: Emmanuelle, soeur universelle.

Trở lại trường hợp đời linh mục phục vụ tại giáo xứ, có lẽ chẳng cần nhiều lời, các cha biết rõ hơn ai những người nghèo trong giáo xứ của mình. Nhưng từ biết trong sổ nhân danh đến biết để quan tâm chia sẻ giúp đỡ khoảng cách cần được thu hẹp lại. Vẫn biết người nghèo lúc nào mà chả có, thời Chúa Gie6su cũng vậy cơ mà, giúp hết mọi người cũng như đem chiếu trải chợ làm sao thực hiện được, và giả như thực hiện được thì cũng như hạt muối bỏ bể thôi. Vâng đúng thế, nhưng quan trọng là bắt đầu. Chia sẻ cùng cảm nghĩ này, nhiều giáo xứ có phòng phát thuốc cho người đau yếu, có quỹ học bổng dành cho những học sinh triển vọng, có quỹ tương trợ giú vốn làm ăn, có tổ chức bác ái Vinh Sơn chẳng hạn đi thăm nom những người neo đơn, có nhóm ve chai tình nguyện góp gió thành bão, và có vô vàn sáng kiến mục vụ khác nhỏ thôi, nhưng cũng góp phần dệt thành bài kinh ngợi khen Chúa giữa cuộc sống đời thường.

Tôi biết một cha già, từ lâu vẫn âm thầm trích phần trăm trong số bổng lễ đã làm để dành cho mục đích từ thiện. Cha bảo: mình không còn sức để đến với người nghèo thì ít ra mình cũng có chút tấm lòng. Nghe ngài chia sẻ bỗng thấy ấm lòng, bất giác nghĩ giá mình và các linh mục khác cũng thực hiện được nhẹ nhàng như thế. Tôi cũng vô cùng cảm kích trước sự nhiệt thành trong sứ vụ của một linh mục trẻ hiện đang coi sóc một giáo xứ vùng XM, khi hàng tháng ngài vẫn đứng ra nhận trách nhiệm trợ cấp đời sống cho 1430 trẻ em khiếm thị, có ít gì đâu, mỗi tháng phải có cả trăm triệu mới đủ chi dùng. Cả chục năm nay ngài vẫn kiên trì bám trụ. Có lần hỏi ngài xem có mỏi mệt không, ngài trả lời rằng: làm việc cho người nghèo mệt lắm, nhưng không làm việc cho họ xem ra lại mệt hơn. Trộm nghĩ, bài ca ngợi khen Chúa qua sứ vụ nơi linh mục này đã đi lên cao trào khiến nhiều người có thể nhận ra. Hình như báo Saigòn giải phóng số ra ngày Chúa nhật 9/11 có một bài phóng sự khá đẹp về chân dung của vị mục tử thiết tha với sứ vụ này.

Tóm lại, lời thứ tư của Đức Maria trong kinh Magnificat là một lời nói lên mầu nhiệm, sứ vụ và hiệp thông của người phục vụ đã trở nên lời kinh ngợi khen một đời. Xin cho lời ấy mỗi chiều được cất lên trong kinh nguyện, cũng thấm đẫm những sự kiện hoàn tất trong ngày, để hòa chung với Đức Maria và mọi tâm hồn thiện chí, linh mục hát lên ngợi khen Chúa. “Trọn đời con một bài hát kinh ca ngợi, tiếng hát con vang tận tới thiên thu”.


 

MỤC VỤ TÌM KIẾM CHIÊN LẠC

 

Sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không,

cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48)

 

Người thầy cũ của tôi là một cha Dòng Chúa Cứu Thế hiện đang làm quản lý một cộng đoàn nhỏ ven đô. Ngài không nổi nang về kiến thức học vị cho nhiều người biết đến, cũng chẳng giảng hay như các cha cùng dòng cho được bố trí vào xứ lớn, chỉ bình thường như nhiều người khác, được cái là ngài rất thích làm việc âm thầm. Cộng đoàn ngài ở chỗ chưa biết nhiều đến việc đô thị hóa, nên đất cũng còn rộng. Ngài được phép xây dựng một bức tượng lớn nêu cao chân dung Chúa Giêsu đang chơi giỡn với đám nhóc tỳ trông thật vui mắt. Hằng ngày trong khi làm việc quản lý, ngài vẫn mang theo chiếc điện thoại di động thời tiền sử to như cục gạch để nếu có cuộc gọi là bắt máy trả lời ngay.

Một lần tôi đang thăm ngài, có cuộc gọi đến, ngài hớn hở reo lên: có việc rồi. Tôi định chào từ giã thì ngài bảo ở lại chơi. Trong thời gian ngồi chơi ấy, tôi nghe có vài bước chân đi lại kèm theo những tiếng xầm xì có thể nghe được: em này hai tháng, em kia ba tháng. Nghe cứ như là chợ cô dâu Đài Loan, nhưng không phải, đó là tuổi đời của những thai nhi. Thì ra ông thầy của tôi bây giờ chọn một công việc mục vụ khá đặc biệt là tìm kiếm những thai nhi bị bỏ rơi đâu đó rồi đem về chôn cất dưới chân tượng đài “Chúa yêu bé thơ”.

Có nhóm thiện nguyện làm việc với ngài. Dịp nào có nhiều cuộc gọi đến, ngài vui mừng như tìm được kho báu; nhưng dịp nào không có, ngài than thở: ế rồi. Có lần tôi nói đùa với ngài: nếu ế thì bố phải vui mới đúng, vì người ta đã thôi không tàn sát trẻ thơ nữa. Nhưng ngài trầm ngâm: kiểu này chắc người ta lại vứt bỏ đi chỗ khác rồi. Tội nghiệp. Tội nghiệp. Biết đâu mà tìm. Đó là chuyện về ông thầy cũ của tôi, ông Tobia đời nay: đi tìm các thai nhi bị trục ra đem về trang trí tượng đài.

Hôm nay, với lời thứ năm của Đức Maria, chúng ta đối diện với một cuộc đi tìm đặc biệt, không ly kỳ tình tiết, không có điện thoại di động, nhưng cũng có những bước chân kịch tính đem lại gợý sâu lắng cho công tác mục vụ. Vì thế, hướng chia sẻ là: tìm hiểu lời Đức Maria trong bối cảnh năm xưa, rồi áp dụng lời ấy cho cuộc đời linh mục hôm nay.

I. LỜI CỦA ĐỨC MARIA

Tuổi mười hai mười ba đối với một trẻ em là một sự kiện quan trọng. Theo tiến trình sinh học tự nhiên, tuổi này khép lại những tháng năm thơ ấu, để chuẩn bị bước vào tuổi lớn hơn với những biến đổi tâm sinh lý khác hơn, cùng với những hạt mầm băn khoăn mơ ước đan xen đang nẩy mầm đợi chờ vươn lên. Hình như Phạm Duy có bài hát “tuổi thần tiên” viết tuổi này với câu mở đầu: “em ước mơ gì tuổi mười hai tuổi mười ba” và khối Anh-Mỹ cũng coi tuổi này như bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc sống làm người gọi là tuổi teen, từ 13 thirteen cho đến 19 nineteen. Nhưng tuổi mười hai mười ba đối với một trẻ em nam người Do Thái không chỉ là một sự kiện thuộc về nhân sinh như trên, mà còn là một biến cố thuộc về nhịp sống tôn giáo. Cứ được mười ba tuổi là em phải tham dự các cử hành phụng tự nơi hội đường và phải chính thức tuân thủ lề luật cha ông trong đó có luật hành hương lên Giêrusalem vào những dịp lễ (lễ Vượt Qua, lễ Mùa gặt và lễ Lều), để từ đó em được gọi là bar miswàh “con của điều răn”.

Như thế, việc trẻ Giêsu theo cha mẹ hành hưởng lên Giêrusalem dự lễ năm 12 tuổi là một biến cố bình thường theo Do Thái giáo, nhưng đi lễ rồi lại đi lạc đâu đó thì không còn là biến cố nữa mà theo ngôn ngữ hiện hành phải là một sự cố gây xôn xao lo lắng kiếm tìm.

1. Từ sự cố trẻ Giêsu ở lại Đền Thờ

Vâng, đúng là một sự cố theo cách nhìn truyền thống của người Công Giáo qua ngắm thứ năm phép lần hạt Mân Côi năm sự vui là “Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh”, bởi vì có lạc mất nên mới đi tìm và có đi tìm nên khi gặp mới gọi là tìm được. Sự cố này như thánh Luca mô tả được diễn tiến khá dồn dập qua nhiều bước nối tiếp nhau:

Bước một: “Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu Giêsu thì ở lại Giêrusalem mà cha mẹ chẳng hay biết”. “Đi đến nơi, về đến chốn”, đó là lời khuyên cửa miệng bậc cha mẹ thường dành cho con cái, nhất là con cái tuổi học trò, vì đường đi của chúng không tách bạch như người lớn. Chả thế mà người ta vẫn bảo: đường ngắn nhất là đường chim bay, còn đường dài nhất chính là đường của học trò. Vì học trò ở tuổi đi học lại thích chọc hoa bắt bướm nên tan trường từ hồi mặt trời đứng bóng mãi tới khi xế bóng mới về tới nhà. Xem ra thời nào cũng thế, các bậc phụ huynh biết rất rõ. Thế nhưng việc cậu Giêsu đi lễ Giêrusalem rồi ở lại Giêrusalem không thuộc loại chọc hoa bắt bướm hồn nhiên tuổi học trò, mà xem ra lại đầy ý thức trong sứ vụ lên đền. Có thể nói sự cố không hệ tại việc cậu ở lại Giêrusalem cho bằng việc cậu ở lại mà không cho cha mẹ mình hay biết. Nếu biết trước, Giuse và Maria chắc vẫn lo, nhưng là lo liệu, còn không biết trước như trong trường hợp này thì chỉ có sự lo lắng chiếm ưu thế, nên biến cố này mới được gọi là sự cố và được nhìn như là Giuse và Maria để lạc mất con giữa cuộc hành trình. Kịch tính chính là đây.

Bước hai: “Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc”. Độc giả tân tòng tiếp cận lần đầu với trang Tin Mừng thuật lại biến cố này thường có chung một tâm sự không nói ra nhưng khi được gợi ý thì nhao nhao vào cuộc trách móc: sao cậu Giêsu lại vô tư đến thế khi không cho cha mẹ hay biệt việc mình làm? Và sao hai ông bà cũng vô tình đến thế, để lạc con mà mãi sau một ngày đường mới khám phá ra? Tâm sự này rất thật và chừng như cũng rất quen, dựa trên tình yêu lễ phép của con cái đối với cha mẹ va dựa vào tình yêu bổn phận của cha mẹ đối với con cái. Nếu cha mẹ có quyền đòi con cái giải thích sự việc thì con cái cũng có quyền chờ đợi nơi cha mẹ một sự hỗ trợ cần thiết để sự việc được hoàn thành. Đàng này, chả bên nào nói với bên nào, nên nỗi lo khi khám phá mất con lại càng gia tăng khi đôn đáo kiếm tìm, từ đi lại ngược xuôi tới hỏi han không ngớt, từ quan sát trước sau tới nhận diện không ngừng, từ nơi những mối liên hệ gia đình bà con ruột thịt cho đến những mối tương quan bạn bè thân thích. Vô vọng và vì thế, kịch tính của sự cố cũng gia tăng.

Bước ba: “Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đề Thờ”. Không biết thánh Luca khi tường thuật biến cố này có quan tâm xây dựng cốt chuyện cho hấp dẫn không, nhưng để cho những sự kiện ngồn ngộn tiếp theo nhau, ngài đã khéo léo dẫn đến hồi kết thúc được xem là có hậu thở phào: cuối cùng thì Giuse và Maria đã gặp lại người con thân yêu. Lạc mất, kiếm tìm và gặp lại là ba động tự chủ đạo của trình thuật này. Không loại trừ tài năng tường thuật của thánh sử, thú thật, người ta cứ bị cuốn hút vào hành trình tìm con của hai ông bà, một phần vì đường xá xa xôi vất vả và một phần khác vì thời gian lâu lắc những ba ngày nên nỗi lo lắng hoang mang kiếm tìm xem lại càng hoang mang lắng lo thêm khi gặp lại, nhất là với lời đối thoại mẹ - con trong đền thờ và việc hai ông bà không hiểu lời trẻ Giêsu nói. Lại thêm một yếu tố kịch tính nữa để biến cố cuối cùng thời thơ ấu của Chúa Giêsu trở thành một sự cố đặc biệt.

2. Đến lời đối đáp giữa hai mẹ con

Nối kết những bước đi của trình thuật, yếu tố kịch tính đã rõ ràng, nhưng chính trong lời đối thoại mẹ - con phút đầu gặp lại, người ta mới thấy hết những éo le của sự cố đặc biệt này.

“Sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”. Lời thứ năm của Đức Maria có một vị trí khá lạ. Trước hết, đó là lời Mẹ nói trực tiếp với Chúa Giêsu. Khác với bốn lời trước vốn là những lời trao đổi hoặc chào hỏi, ca khen dành cho những bậc vị vọng bậc trên về tuổi tác hoặc về vị thế và cao nhất là chính Thiên Chúa, còn lời này dẫu là lời thứ năm trong đời nhưng lại là lời đầu tiên Mẹ ngỏ cùng người con thân quý nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, đã từng chia ngọt sẻ bùi trong suốt tuổi thơ hạnh phúc. Tất nhiên suốt tuổi thơ của trẻ Giêsu tại gia đình, Đức Maria đã nhiều lần nói với con mình như lời ru à ơi truyền thống vẫn hát lên vào mùa giáng sinh, như tiếng vỗ về dạy dỗ được diễn tả trong phúc âm ngụy tác, hoặc như những sáng tác văn thơ cách riêng về thời lưu lạc nơi đất khách quê người Ai cập, nhưng trong Phúc Âm chính lục, đây chính là lời duy nhất Đức Maria dành cho trẻ Giêsu, con mình khi vừa tìm gặp trong Đền Thờ, để trở thành lời duy nhất của Mẹ cho con trong suốt hành trình tuổi thơ Giêsu.

Đặt trong ngữ cảnh này, đây còn là lời mang nhiều sắc thái tình cảm pha trộn với nhau, trong đó sự cực lòng lo lắng vất vả kiếm tìm được Đức Maria trực tiếp nói ra, còn sự bàng hoàng trách móc lại được độc giả Tin Mừng gián tiếp đoán được trong cung giọng của lời. Cũng dễ hiểu thôi. Nếu gia đình là cung thánh của sự sống, là trường lớp dạy yêu thương và là mái ấm thấm đẫm mẫu gương, thì gia đình thánh Chúa Giêsu Mẹ Maria và thánh Giuse từ đầu đến giờ đã là và vẫn là môi trường thể hiện bậc nhất của những hình ảnh tuyệt vời ấy, thế mà chỉ qua một biến cố được xem là sự cố, những hình ảnh tốt đẹp kia bỗng dưng trở thành khó hiểu. Người trong cuộc gần gũi như Đức Maria và thánh Giuse còn không hiểu nữa là người ngoài cuộc và ở xa trong thời gian như độc giả Thánh Kinh hôm nay.

Nhưng lạ hơn cả là hình thức của lời thứ năm được gói ghém trong câu hỏi “tại sao?” vốn là một câu hỏi quay quắt nhất của ngôn ngữ con người, vì người hỏi muốn truy tìm nguyên nhân của sự việc xảy ra và để trả lời người đáp phải đưa ra những bằng chứng phù hợp về suy luận và thuyết phục về tâm tình, để kết quả tối ưu phải là khẩu phục tâm phục mới có thể gọi là đối thoại tích cực. Khi hỏi “Sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Đức Maria, như bao cha mẹ trần thế khác, chờ đợi một lời giải thích minh nhiên, nhưng điều không chờ đợi đã đến.

“Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Nói theo ngôn ngữ đường phố, câu trả lời của trẻ Giêsu được coi như một gáo nước lạnh làm tắt đi bao nhiêu nhiệt tình. Độ lạnh đầu tiên chính là tầm vóc của câu nói. Nếu câu hỏi của Đức Maria là lời đầu tiên và duy nhất gửi đến trẻ Giêsu thời thơ ấu, thì câu trả lời cũng là lời đầu tiên và duy nhất của trẻ Giêsu trong thời thơ ấu dành cho cha mẹ Người. Người ta lấy làm lạ là tại sao trẻ Giêsu lại đưa ra câu trả lời xem ra lạnh lùng như thế, nhưng càng lạ bao nhiêu, người ta lại càng thấm thía về thân thế thiên linh của Người, nhất là khi đặt song đối giữa chữ “cha con” viết thường trong câu hỏi và chữ “Cha con” viết hoa trong câu trả lời. Trẻ Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, là Ngôi Lời nhập thể và ngay từ tuổi thơ, Người vẫn luôn ý thức về thân thế và sứ vụ của mình.

Độ lạnh thứ hai được ghi nhận trong nội dung câu trẻ Giêsu nói với cha mẹ trần thế. Nếu đã ghi nhận sự hiện diện của cung giọng trách móc nơi câu hỏi, thì cũng thấy trong câu trả lời có một sự trách móc đáp lại. Đối nhau chan chát. Cha mẹ trách con sao ở lại Đền Thờ không cho cha mẹ hay biết để phải cực lòng tìm kiếm; con trách lại cha mẹ sao phải tìm kiếm con khi con đang ở trong Đền Thờ là nhà Cha con. Ông nói gà bà nói vịt. Câu hỏi nhắc đến Đền Thờ như địa chỉ vật thể nơi hành hương vào dịp lễ, còn câu trả lời lại nói Đền Thờ như nếp nhà thường hằng từ muôn đời Chúa Cha và Chúa Con đồng bản thể ở với nhau. Cũng cần ghi nhận là trong câu trả lời, trẻ Giêsu nói rất mạnh: “Cha mẹ không biết là con cần phải ở nhà của Cha con sao?”. Đây không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên tùy hứng mà chính là một đòi hỏi thuộc về bản tính, cho dẫu đó là bản tính của Con Thiên Chúa làm người.

Một độ lạnh khác chính là hình thức của câu trả lời. Thay vì đưa ra lý do giải trình, trẻ Giêsu lại đưa ra một câu hỏi vặn lại, khiến cung giọng đã lạnh lùng bỗng hóa nên lạnh lùng hơn. Lại đối nhau nữa. Câu “tại sao?” hỏi, câu “tại sao?” trả lời. Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh đã có công cho biết cùng với lời nói đầu tiên của trẻ Giêsu cũng còn là hành động đầu tiên của Người. Trước đây Phúc Âm thời thơ ấu chỉ tường thuật trẻ Giêsu ở ngôi thứ ba số ít, trong biến cố này qua câu trả lời, trẻ Giêsu đứng lên trong ngôi thứ nhất số ít như hành vi diễn tả bí mật thâm sâu cuộc đời Người. Trẻ Giêsu biết mình là Con Thiên Chúa và luôn ý thức phải liên kết với ý muốn của Thiên Chúa, được biểu lộ qua sự vâng phục của Người đối với đường lối của Cha mình.

3. Để sáng lên lời mời gọi vượt qua

Như vậy, phân tích việc Đức Maria tìm được Chúa Giêsu trong Đền Thánh, từ sự cố cho đến lời đối thoại giữa hai mẹ - con, nhất là hữu ý cho thấy sự song đối chan chát giữa câu hỏi của Đức Maria và câu trả lời của trẻ Giêsu, người ta thấy sáng lên những lời mời gọi.

Lời mời gọi dễ nhận ra nhất nằm ngay trong tổng thể của biến cố với ba động từ chính yếu: lạc mất, kiếm tìm và gặp lại. Đức Maria đã đảm lĩnh biến cố này với tất cả nhiệt tình của Mẹ.

Việc lạc mất trẻ Giêsu, Mẹ không có trách nhiệm, vì trẻ Giêsu tự ý ở lại Đền Thờ mà Mẹ không hay biết. Một người chỉ bị quy trách khi hoàn toàn ý thức và tự do về việc làm của mình, đàng này Đức Maria có biết chi đâu. Không phải trách nhiệm, đồng ý, nhưng có đáng trách? Thực ra, cũng chẳng đáng trách nữa, vì những gì tốt nhất hai ông bà có thể làm được cho trẻ Giêsu thì họ đã làm với cả tâm tình rồi, còn đây chỉ là một sự cố ngoài ý muốn cho cả đôi bên: bên trẻ Giêsu cũng như bên cha mẹ của Người.

Việc gặp lại trẻ Giêsu trong Đền Thánh có thể cho ta cảm giác sững sờ không phải vì kết thúc câu chuyện có hậu mà vì tình huống trong đó Đức Maria không vui trọn vẹn. Mủi lòng và chưng hửng. Trong kết thúc dường như đã mở ra một chân trời mới với những băn khoăn thể hiện qua câu hỏi “tại sao?” chưa được trả lời dứt khoát. Tương lai mới biết.

Chỉ còn việc kiếm tìm trẻ Giêsu là biểu lộ rõ nhất nhiệt tình của Đức Maria và thánh Giuse. Luôn luôn họ có mặt bên nhau dưới kiểu nói “hai ông bà” làm chủ từ cho những động thái đôn đáo kiếm tìm vất vả ngược xuôi. Ba ngày đường tương đương với ba ngày Chúa Giêsu chịu an táng trong mồ. Nếu nói đến trách nhiệm, thì đây là trách nhiệm cao nhất hai ông bà đã làm để tìm gặp lại người con thân quý, cho dẫu người con ấy như đang lìa xa họ để bước vào đường sứ vụ.

Nhiều khi vì muốn đào luyện con người, Thiên Chúa xem ra cũng thử lánh mặt để con người chứng minh bằng việc tìm kiếm, rồi cuối cùng Người cũng cho gặp lại trong Đền Thờ của Người.

Lời mời gọi khó nhận ra hơn hẳn lại ẩn chứa trong lời đối đáp của Đức Maria và trẻ Giêsu. Đặt trong tình huống, hình thức “tại sao?” của câu nói đôi bên đã khó quan niệm rồi, huống chi nội dung xa xăm huyền nhiệm với nét nhấn nhá cố tình trong kiểu nói “con cần phải ở trong nhà Cha con” vốn ám chỉ nẻo đường thương khó và việc chu toàn thánh ý. Thảo nào hai ông bà chẳng hiểu mô tê lời trẻ Giêsu nói. Nhưng cũng chính đó cho hay Chúa Giêsu muốn cho người thân của mình sống cách biểu tượng mầu nhiệm thương khó và phục sinh Người sẽ thực hiện, trước khi sống thực sự mầu nhiệm này. Thật ra mọi sự cố trong đời Đức Giêsu đều ít nhiều diễn tả mầu nhiệm trung tâm này.

Người ta được mời gọi ở đây để nhận biết rằng mọi biến cố bình thường thậm chí tầm thường tẻ nhạt trong đời mình sẽ có ý nghĩa khi giúp mình sống mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa là nỗ lực đi từ cuộc sống này mà vào sự sống của Thiên Chúa.

II. LỜI THỨ NĂM VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC

Lời thứ năm của Đức Maria đúng là một lời quay quắt se lòng, nhưng sự kiện mà lời này nói lên đúc kết lại chỉ là việc “cha mẹ lo lắng tìm con”. Đúc kết ấy có thể dọi chiếu điều gì trên đời sống linh mục hôm nay, cách riêng trong lãnh vực mục vụ, khi linh mục nhìn lại mình trong bóng dáng của “mục tử lo lắng tìm kiếm những chiên lạc đàn”?

1. Sứ mạng tìm kiếm chiên lạc

Một trong những chủ đề ít được nói đến cách độc lập trong các tài liệu huấn quyền, mà thường chỉ được nhắc đến như một phụ trương “nhân tiện” khi bàn về nhiệm vụ mục tử, đó là việc chăm sóc mục vụ cách riêng dành cho những người vì lý do này hay lý do khác không còn giữa đạo đầy đủ hoặc không còn gắn bó với Giáo Hội nữa. Có nhiều lý do, nhưng lý do lớn hơn cả được nêu ra là số mục tử còn không đủ để phân bổ chăm sóc những chiên trong đàn, lấy đâu ra nhân sự lo toan ch những chiên lạc đàn. Giữ người ở lại, ai giữ người đi. Phục vụ 99 con chiên đang lớn mạnh đã bở hơi tai và choán hết thời giờ, lấy đâu ra sức mà lặn lội kiếm tìm một con chiên lạc. Nghe co1s vẻ thuận lý trên quan điểm thực tế, nhưng xem ra không ổn trên quan điểm thực chất của việc mục vụ và trên quan điểm linh đạo của linh mục triều là nên thánh bằng việc mục vụ. Vì thế dưới ánh sáng lời thứ năm của Đức Maria, xin được cùng với quý cah nhận diện lại tầm vóc đúng mức của việc tìm kiếm chiên lạc này.

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Không phải vì có Giáo Hội rồi mới có hoạt động truyền giáo, mà vì có sứ mạng truyền giáo được Đấng Phục Sinh trao phó, nên mới có việc thành lập Giáo Hội để lên đường thực thi sứ mạng. Điều này quý cha hơn ai hết biết rất rõ. Thuộc về bản chất của Giáo Hội như thế, nên Giáo Hội lúc nào cũng canh cánh bên lòng với sứ vụ truyền giáo của mình, khi thuận tiện hoặc khi không thuận tiện. Bất chấp. Nhưng sứ vụ truyền giáo ngày nay đang cần những định hướng phù hợp. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhạy cảm với thời đại để đưa ra những đường hướng mới a6s1y, gọi là cuộc “tân phúc âm hóa”, nghĩa là nỗ lực truyền giáo bằng một nhiệt tình mới, với những phương tiện mới, nơi những địa chỉ mới. Đồng thời ngài cũng nhấn mạnh đến việc “tái truyền giáo”, trong đó đối tượng không chỉ là lương dân theo truyền thống ngàn xưa, mà còn là những người đã có lúc vào đạo nhưng nay không còn giữ đạo nữa. Bỏ đạo hoặc xa đạo. Một giám mục người Bỉ đã phát biểu rất hay rằng: “truyền giáo hôm nay không chỉ nhắm đến việc rửa tội cho những người hoán cải, mà còn phải quan tâm hoán cải những người đã được rửa tội”. Như thế, chính trong đối tượng truyền giáo của Giáo Hội, người ta gặp thấy những con chiên lạc đàn.

Hơn nữa, công bình mà nói về trách nhiệm mục vụ của mục tử tại một địa phương, người ta cũng thấy cần ghi nhận một lối nhìn mới, đó là không coi những người xa rời đức tin trong địa bàn giáo xứ mình coi sóc như những phần tử xa lạ, mà ngược lại nên coi sự hiện diện của họ như thành phần của Giáo Hội địa phương, cho dẫu hôm nay thành phần ấy đang gây nhức nhối khó khăn. Không phải vô tình mà trong thống kê hằng năm của giáo xứ, các cha biết tỷ lệ người công giáo trên số dân, và không quên con số những trường hợp hoán cải trên tổng số thành quả truyền giáo, mà hữu ý để nắm bắt tình hình chung cũng như lượng giá múc quan tâm đặc biệt dành cho những con chiên lạc. Thực ra, trong sứ vụ nhận được ngày lãnh chức thánh, các chiên lạc đã hàm chứa trong cộng đoàn được giám mục trao gởi cho linh mục, nhưng chỉ với bài sai về một nơi nhất định, các chiên lạc tại đấy mới trở thành đối tượng chăm sóc mục vụ đặc biệt này. Gánh không nhẹ đâu.

Ngoài ra, hơn lúc nào hết, việc mục vụ cách riêng cho những chiên lạc đàn đang trở thành cấp bách. Tại những nước tiên tiên, cùng với việc đô thị hóa và kỹ nghệ hóa, kéo theo những biến động dân cư, phá vỡ đi cấu trúc gia đình truyền thống làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt đạo đức tại các xứ đạo, từ đó đẩy một số giáo dân đến tình trạng xa đạo dần dần rồi nhạt nhòa tắt ngúm. Tại Việt Nam hôm nay, nơi các giáo xứ lớ nhỏ thuộc thành phố hay thôn quê, người ta đều thấy xuất hiện một số gọi chung là di dân, những người từ nơi khác mà đến. Hoàn cảnh không tiện để họ cho thấy dấu hiệu mình là công giáo, nhưng bất chợt vào dịp Maria chay cưới hỏi mới biết là giáo dân từ nơi khác đến. Chiên lạc ngày nay cũng khó biết lắm, bởi lẽ chiên đâu có điều kiện ổn định để ý thức mình thuộc đàn nào đâu mà nói lạc hay chẳng lạc. Tội nghiệp. Đáng trách hay đáng thương? Họ cần được tìm kiếm hơn là bị rượt chạy có cờ. Hình như “chiên lạc” chỉ là kiểu nói của những thành phần ổn định đối với những thành phần bất ổn thì phải, nhưng coi chừng kiểu nói mang tính “đối chiếu” này trong thực tế có thể dẫn đến tình cảm “đồi đầu” để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy, việc tìm kiếm những con chiên lạc không phải là việc làm thêm mà là việc cũng quan yếu như việc chăm sóc những con chiên ngoan đạo. Vì đối tượng truyền giáo không loại trừ họ, vì sứ vụ mục tử tại địa phương không xem thường họ và cũng vì họ cách nào đó ở trong điều kiện sống đáng thương. Xét cho cùng, chiên lạc có thể là vấn đề mục vụ nhức nhối, nhưng tìm kiếm chiên lạc lại là cách giải quyết vấn đề ấy một cách rốt ráo theo Tin Mừng.

Khi đang chuẩn bị đề tài này, văn phòng tòa giám mục chuyển đến cho tôi một hồ sơ hôn phối để xác nhận theo yêu cầu của cha quản hạt, vì cha sở mới được thuyên chuyển đến không biết rõ trường hợp nên thẳng tay từ chối. Hồ sơ ấy của một nữ di dân công giáo từ bắc trôi dạt vào nam đi làm kiếm sống. Cũng là một thứ chiên lạc “thời thế thế, thế thời phải thế”, nên mới gặp khó khăn khi xin cử hành lễ cưới, dù chứng chỉ học giáo lý với mộc đỏ khả tín đường hoàng. Tôi ký thuận sau khi xin ý kiến của linh mục chuyên viên, nhưng cứ thấy trĩu nặng tâm sự. Giá mà cha sở kia quan tâm hơn nữa đến mục vụ dành cho chiên lạc và giá mà con chiên lạc này biết quan tâm đến giáo xứ nơi mình làm việc nhiều hơn, có lẽ tình hình sẽ khác. Thêm thiện cảm phía này và bớt mặc cảm phía kia, vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa, mục tử và con chiên vui vẻ đôi đàng.

2. Những bóng dáng chiên lạc hôm nay

Mục vụ cho những chiên lạc là cần thiết, nhiều linh mục đã và đang hao mòn sức lực cũng như tâm lực để tìm đến với những thành phần Giáo Hội bị lãng quên này. Trong tổng thể, những chiên lạc đàn cũng là những người nghèo một cách nào đó về phương diện thể hiện đức tin, về phương diện luật đạo hoặc về phương diện chu toàn nhiệm vụ công giáo; nhưng trong thực tế của giáo xứ, có thể nêu lên vài bóng dáng tiêu biểu “khi ít khi nhiều khi nào cũng có”.

Phải kể đến trước hết những người trên danh nghĩa là công giáo, nhưng trong đời sống chẳng có gì minh họa cho căn tính của mình. Trong sổ rửa tội, thêm sức và hôn phối, họ đường đường là một giáo dân có quyền xin trích dọc trích ngang lý lịch tôn giáo đầy đủ; nhưng ngoài đời, họ không có gì phân biệt với những người hàng xóm ngoại đạo, thậm chí còn có điều tệ hơn. Như một bà công giáo nọ ở Tp. làm chủ chứa bị chụp hình đăng báo ê mặt, như một bà công giáo khác ở tỉnh đem hai con gái đi bán cái đáng giá nghìn vàng lấy hai chỉ vàng xài chơi, hoặc như một anh công giáo khác trong xứ đạo truyền thống bỗng nảy sinh ước vọng làm giàu chớp nhoáng nên đã dấn mình vào đường dây chuyên chở Maria túy tới lúc bị bắt người nhà mới hay. Kể ra thì nhiều, càng nhắc tới càng cay đắng. Đó là những người phạm tội bị công khai hóa trước dư luận. Mặc kệ tòa trong chỉ Chúa biết, còn mục tử ở tòa ngoài nên coi đây như những con chiên đã lạc xa đàn, dẫu hộ khẩu vẫn còn ở giữa đàn, để có hình thức mục vụ tương hợp.

Cũng thuộc dạng này phải kể đến một số người khó khăn hơn, đó là những kẻ chọn lập trường “tin Chúa nhưng không tin Giáo Hội”, tuyên bố mình không tin cha cụ nào cả. Đi tìm nguyên nhân chắc sẽ thấy tiềm ẩn một sự bất mãn hoặc tức thời hoặc thâm căn cố đế di truyền từ đời nọ sang đời kia. Các cha dư biết đây là những chiên lạc khó khuất phục nhất, mà công sức mục tử bỏ ra không thể “tẩy sạch vết bẩn cứng đầu chỉ sau một lần giặt” như kiểu quảng cáo có bột giặt Omo, mà nhiều khi có cảm tưởng phí hoài thời gian công cốc. Thôi thì cứ làm hết cách với những phương tiện có thể. Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu, ơn Chúa là nhịp cầu tác động, còn hoạt động mục vụ chỉ là những bước dọn đường. Tới lúc Chúa muốn và bằng cách Chúa muốn, biết đâu những chú chiên lạc này sẽ trở thành những con người mới không biết chừng. Có thể coi thánh Phaolô thuộc loại này, từ bắt đạo hăng say sang giảng đạo cuồng nhiệt. Chúa làm.

Có lần đến Thêm sức tại một giáo xứ, tôi thas61y trong số những thanh niên tích cực lo liệu việc chung có một ông đầu bạc hơn tuổi những thanh niên khác. Lấy làm lạ tôi tìm hiểu và được biết quá khứ của ông ấy là một chiên lạc cỡ bự thuộc loại bảo kê đường dài khét tiếng, nhưng chỉ vì “cảm cái tình của cha xứ” không coi thường ông, nên ông quyết tâm giã từ vũ khí đầu quân làm việc thiện, torng đó có việc làm chứng giữa cộng đoàn. Mục vụ với những con chiên lạc là mục vụ thuộc về tâm hồn.

Một số những chiên lạc âm thầm hơn và chứng như cũng đông hơn tại Việt Nam, có lẽ là những người vì ngăn trở hôn phối không được thông công đời sống bí tích cộng đoàn, nên mới đầu là ngượng ngập sau là ngại ngùng rồi dần dà khi con cái lớn lên không chịu nổi ánh mắt mang hình viên đạn của những người đồng đạo nên lánh mặt trốn khỏi sinh hoạt của giáo xứ luôn. Như chị A xóm trên lập gia đình với một cán bộ không có hôn phối đạo rồi lặng lẽ rút êm; như anh B xóm dưới ăn cơm trước kẻng bị xử lý đám cưới âm thầm, từ đó cũng sống âm thầm luôn; như chị C xóm nhỏ điêu tàn đã ly dị lại tái hôn mắc cở chẳng muốn gặp ai; như ông D xóm ruộng làm nghề giết mổ, có lẽ vì đọc nhầm câu “gia đình hai con, vợ chồng hạnh phúc” thành “gia đình hai con vợ, chồng hạnh phúc”, nên bê luôn một lúc hai chị em ruột theo kiểu “mía tốt đánh cả cụm”, rồi di dời vào khu ruộng bìa để yên ổn cảnh “một mái nhà lá, ba trái tim vàng” người phay thịt người làm chả gói nem chẳng ai dòm ngó.

Những con chiên lạc kiểu này thường được gọi chung là “rối” khó gỡ, nhưng không phải vì không gỡ được nên buông họ cho lối sống “măckênô”. Nếu Giáo Hội mới đây có đưa ra một số hướng dẫn mục vụ cho những trường hợp ly dị tái hôn, thì chẳng phải vì lối sống hợp tan ấy được đánh giá mà chỉ vì muốn chăm chút tìm kiếm và bênh đỡ những con chiên lạc.

Cuối cùng không thể không nhắc đến một cách tổng quát những con chiên lạc vì lương tâm yếu đuối hoặc vì hoàn cảnh nên không sống đời công giáo một cách đầy đủ được. Như những người đang gặp thử thách gây chao đảo đức tin lấy một mối lợi vật chất hoặc một vị thế thực dụng; như những người lòng theo Chúa nhưng lại sợ liên lụy với Chúa nên dẫn vào đời mình kiểu sống “đạo đời điên đảo đá đưa đôi đàng”.

Những trường hợp này thường gặp nơi những con chiên nhút nhát, nên chỉ cần một bàn tay nhẹ nhàng hoặc một thái độ ân cần là có thể hòa giải được. Xem ra là mục tử, mỗi linh mục cũng cần trang bị thêm kỹ năng tư vấn.

3. Những bước chân không mỏi

Nêu lên vài dạng thức chiên lạc như trên không với ý định liệt kê cho bằng muốn khơi gợi lại mối quan tâm nơi các mục tử dưới ánh sáng lời thứ năm của Đức Maria khi Mẹ lo lắng đi tìm trẻ lạc. Bảng liệt kê sẽ không bao giờ đầy đủ. Mỗi giáo xứ có hoàn cảnh riêng và mỗi mục tử cũng có hoàn cảnh riêng. Nhưng dù sao phân biệt hạng mục chiên lạc sẽ giúp nhận diện rõ tình hình hơn để từ đó có những phương dược thích hợp hơn. Những người không muốn đến với Chúa thường do mặc cảm tự ti nghĩ mình bị đồng đạo khinh khi nên chẳng muốn để ai gặp mặt: đã coi mợ là gái góa thì mợ chả cần đến quan viên nữa; trong khi những kẻ không chịu tới với Chúa thường do mặc cảm tự tôn, bất mãn với cha sở hoặc giáo xứ rồi bất mãn cả với Chúa luôn: giận cá chém thớt; còn những kẻ không thể tự tìm tới Chúa được lại là do hoàn cảnh và điều kiện sống, đa số họ như đấu bột thầm lặng, chỉ cần một chút men đúng liều đúng lúc là sẽ dậy lên ngoạn mục.

Mới đây, tại cuộc hội thảo quốc tế của FABC về “Đời linh mục, một thách đố của thế giới hiện đại” diễn ra tại Đại học Mông Triệu Thailand từ 17-23/11/08 (có 12 linh mục VN thuộc 9 GP tham dự), Đức cha Broderick Pabillo trong bài thuyết trình đã đưa ra 4 gợi ý cụ thể của việc chăm sóc mục vụ, trong đó gợi ý thứ thư là “linh mục phải quan tâm đến những con chiên yếu đau và lo lắng đi tìm những con chiên lạc”. Gợi ý như thế vì trong thế giới hiện đại, số chiên bị lạc có chiều hướng gia tăng và cách chiên đi lạc cũng biến hóa khôn lường. Chiên lạc kiểu truyền thống chỉ lanh quanh đâu đó đến khi đời mỏi mệt sẽ lộ diện, nhưng chiên lạc thời mới lẩn khuất trong những căn hộ cao tầng khó kiếm và cũng khó gặp hơn nhiều. Thời này là thời di động, nên chiên lạc cũng di động theo, nhiều khi ngoài vòng phủ sóng chẳng biết đâu mà lần. Tìm chiên xem ra cũng giống tìm chim của ca dao ngày trước.

Tìm kiếm chiên lạc là một việc không dễ. Đúng hơn, đó là một công trình đòi hỏi nhiều công sức và cần đến sự kiên trì nhẫn nại, tìm đi tìm lại tìm mãi không thôi. Ngày xưa Đức Maria đã phải bỏ ra ba ngày ngược xuôi tìm kiếm cuối cùng mới gặp lại được trẻ lạc. Ba ngày ấy đối với Mẹ là thời gain trải ra trong bóng tối kiếm tìm. Ba ngày ấy liên quan đến việc Chúa Giêsu chịu táng trong mồ của biến cố tử nạn lại là thời gian lặng thầm của hy vọng phục sinh. Vì thế việc tìm kiếm chiên lạc dẫu khó khăn nhưng không vô vọng.

Một cha là chuyên gia ban phép xức dầu trong những bệnh viện thuộc Quận X có lần chia sẻ rằng sở dĩ ngài gắn bó với việc mục vụ lặng thầm này vì qua đó ngài gặp được rất nhiều chiên lạc. Tình cờ thôi, ngài được mời xức dầu cho một giáo dân quen biết, những thân nhân của bệnh nhân gần đó biết được lại mời ngài xức dầu cho người nhà của họ nữa, rồi như vết dầu loang, người này rỉ tai người khác để cuối cùng ngài có được một tờ sớ đầy đủ chi tiết về thân thế của những thân chủ bí tích xức dầu. Hóa ra đa số đều là những con chiên lạc trôi dạt từ đâu đó về bệnh viện chữa trị thể xác rồi gặp linh mục ấy và có cơ may chữa trị cả tâm hồn luôn, để khi xuất viện sẽ điều chỉnh đời sống trở thành những con chiên mạnh khỏe.

Nhưng không phải mọi nỗ lực tìm kiếm chiên lạc đều dẫn đến kết quả. Đã có những nỗ lực đi vào ngõ cụt như một cha sở nọ ở miền tây ra sức gỡ rối cho một trường hợp hôn phối nhập nhằng giữa một bà công giáo và một ông không công giáo, sự việc sắp đến hồi kết thúc với việc ông này xin rửa tội, nhưng con cái biết việc ông này vào đạo sẽ ảnh hưởng đến việc thừa tự đât đại, nên làm đơn tố cáo cha sở về tội quyến rũ người ta theo đạo. Bà vợ công giáo rất buồn và cha sở cũng buồn không kém khi thấy một con chiên đi lạc sắp tìm về lại vụt khỏi tầm tay. Cá hụt, cá lớn. Và cũng không thiếu những nỗ lực kiếm tìm phải nơi vào bế tắc kiểu thánh Phaolô rao giảng về sự phục sinh bị từ chối ở Athène ngày nào, khi mục tử tìm đến chiên lạc và bị chiên lạc từ chối thẳng thừng. Chiên biết mình bị lạc đàn mới có hy vọng được tìm kiếm, chứ chừng nào chiên chưa ý thức về tình trạng xa lạc của mình thì nỗ lực tìm kiếm của mục tử cũng tiêu tan. Không biết lời đối đáp giữa Đức Maria và trẻ Giêsu năm xưa với hình thức câu hỏi “tại sao?” có đủ để vượt qua những kết cục khó hiểu của việc tìm kiếm chiên lạc hôm nay không, nhưng chỉ biết rằng việc “hai ông bà không hiểu lời trẻ Giêsu nói” sẽ nên gương nâng đỡ bước chân tìm kiếm của các mục tử rất nhiều.

Tóm lại, lời thứ năm của Đức Maria như vừa suy niệm và gợi ý áp dụng vào sứ vụ mục tử là lời có hình thức quay quắt của câu hỏi “tại sao?” treo trí, nhưng lại là lời cởi mở tấm lòng tạo thành sức mạnh cho những bước chân không mỏi đi tìm chiên lạc. Xin cho lời ấy hôm nay trở nên ý lực sống và nên nguồn lực nâng đỡ sứ vụ của mỗi linh mục chúng ta.


 

MỤC VỤ GIA ĐÌNH

Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3) 

Năm 1979, khi đang là đại chủng sinh đi giúp xứ tại một họ đạo vùng Hốc Môn, tôi đã phải chứng kiến một trường hợp hôn phối cười ra nước mắt. Bên nam là nài ngựa con trưởng của một gia đình không công giáo người địa phương, bên nữ là một thư sinh công giáo ở giáo xứ kề cận. Hình như chỉ vì một chuyến xe ngựa không lấy tiền của chàng nài mà nàng cứ nằng nặc đòi cha mẹ bằng được cho làm đám cưới. Có nhiều khó khăn đến từ những khác biệt khách quan mà cả hai bên phải vượt qua. Nào là khác biệt nghề nghiệp không môn đăng hộ đối gia phong; nào là khác biệt trình độ học vấn khi chàng mới có lớp mười còn nàng đang học lớp mười hai; nào là khác biệt gốc gác chàng người nam lâu đời tại chỗ còn nàng người bắc di cư; ấy là chưa kể yếu tố ngoại hình khi chàng hành nghề đánh xe ngựa dãi dầu sương gió còn nàng thì dù sao cũng ra chiều sạch sẽ. Nhưng khác biệt lớn nhất chính là yếu tố tôn giáo. Chàng từ chối theo công giáo vịn cớ là con trưởng gia đình phải giữ đạo ông bà lo hương hỏa cúng kiếng, còn gia đình nàng một mực ra điều kiện phải vào đạo mới nói chuyện cưới xin.

Nghe đâu dùng dằng cả năm trời mới có thể kết thúc. Trời chẳng chịu nắng thì nắng phải chịu trời. Xin chuẩn. Cha sở thụ lý hồ sơ và chuyển lên tòa giám mục. Thuận. Và thế là ngày cưới được tự ý ấn định không đợi đến nhà thờ làm lễ, bởi lẽ bên nam đi coi ngày thầy bảo phải đúng ngày ấy tháng ấy mới hạp, nếu không một người sẽ chết. Gia đình bên nữ thấy ấm ức thiệt thòi, nhưng vì thương con nên đành chịu vậy. Ngày cưới cha sở lánh mặt nên thầy giúp xứ phải làm cascadeur đóng thế vai chính trong pha nguy hiểm này.

Sự thể xảy ra là khi đại diện hai bên ngỏ lời, đàng gái bóng gió nói đến sự miễn cưỡng gả con vào hoàn cảnh xuống cấp, còn đàng trai chẳng cần giữ gìn cả nói ngay đến điểm nhạy cảm khác biệt tôn giáo và ra lệnh ở đâu âu đấy từ nay không nhà thờ nhà thánh chi nữa. Thế là cuộc khẩu chiến bùng nổ không ai can ngăn được. Xuýt nữa có người vong mạng. Bên gái giận dữ bỏ về và bên nam chửi thề độc địa. Đám cưới biến thành đám cãi nhau tưng bừng không còn gì để vớt vát nữa. Họ hết rượu tình yêu rồi. Và tôi khi thấy sự thể như thế đành thúc thủ làm chứng nhân câm nín, rồi mắt trước mắt sau lặng lẽ rút êm. Không bị ăn đòn là may lắm rồi. Hú vía!

Hôm nay, chúng ta đối diện với lời thứ sáu của Đức Maria là lời được ngỏ giữa lòng một đám cưới mang tính lễ hội đông vui theo tập tục của người Do Thái. Lời đó mang âm hưởng ở cung bậc nào và gợi ý điều gì trong lãnh vực mục vụ gia đình của các linh mục?

I. LỜI “HỌ HẾT RƯỢU RỒI”

Năm lời đầu của Đức Maria là những lời được cất lên gắn liền với tuổi thơ và đời sống âm thầm của trẻ Giêsu, được ghi lại qua dạng thức chuyện kể của Phúc Âm theo thánh Luca, nhưng hai lời sau này, lời sáu và lời bảy, lại xuất hiện ở tuổi trưởng thành trong bước đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và chỉ được Phúc Âm thứ tư ghi lại với một bút pháp khác mang tính thần học nhiều hơn và cũng vì thế chừng như khô khan hơn.

Ngoài lời Đức Maria chào bà Êlisabét không được ký âm nên ta không biết thế nào, còn lời thứ sáu như được ghi lại, là lời ngắn nhất trong các lời Đức Maria nói lên giữa cuộc sống bên cạnh Ngôi Lời làm người. Lời ngắn nhưng có thể hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau bổ sung cho nhau nêu lên chân dung một người Mẹ tuyệt vời, gắn bó mật thiết với hạnh phúc của các gia đình.

1. “Họ hết rượu rồi”: một lời thông tin

Các nhà chú giải cho biết rằng đám cưới theo tập tục Do Thái rình rang lắm, không chỉ là nghi thức theo luật lệ chung mà còn là râu ria thêm thắt tùy theo khả năng mỗi gia đình, giàu làm kép hẹp làm đơn; cũng không thuần túy là lễ cưới mà còn là lễ hội quy tụ đông người cả bà con thân thuộc họ hàng lẫn bạn bè mọi giới. Mỗi đám cưới là một đám tiệc hoành tráng. Có thể hình dung khung cảnh rộn ràng này qua những chỗ nói đến tiệc cưới trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, nhất là chỗ nửa đêm có tiếng loan báo chàng rể đến, khiến người ta nghĩ đám cưới phải kéo dài vài ngày là ít; lại có hoạt cảnh trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể, cứ như trong công nghệ đám cưới thời hiện đại với đủ thứ nghi thức diễu hành trai tài gái sắc quyện đi quyện lại thấy mà chóng mặt.

“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự”. Thánh sử ghi lại có thể để mở đầu chuyện kể của mình, nhưng từ hai câu vắn vỏi ấy, người ta hiểu đây là một đám tiệc quy tụ đông người, dẫTrong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự”. Thánh sử ghi lại có thể để mở đầu chuyện kể của mình, nhưng từ hai câu vắn vỏi ấy, người ta hiểu đây là một đám tiệc quy tụ đông người, dẫu không biết mối liên hệ thân thích của thánh gia với gia đình nhà đám ra sao. Mẹ, con hiện diện đã đành, nhưng còn các môn đệ Chúa Giêsu nữa, điều này cho thấy có lẽ đám cưới là người nhà của gia đình thánh, nên thiệp mời một người mà kéo cả UB đi cũng là chuyện không khó hiểu. Bữa tiệc không là cơ hội để biểu dương danh thế kết đoàn sức mạnh cho bằng là dịp để biểu lộ một tình thân lấy đông vui làm chủ yếu. Một bài hát đám cưới Việt Nam có câu “lâu thật lâu mới có được một ngày vui” có thể được áp dụng để hiểu hơn đám cưới Cana.

Có lẽ vì niềm vui lớn này mà hai nhân vật chính của đám cưới không xuất hiện với những nét đặc tả nổi bật, mà xem ra chỉ như nguyên do để niềm vui được hình thành. Tân nương không được nhắc đến và tân lang cũng chỉ xuất hiện ở phút cuối cùng trong vai phụ đón nhận lời trách móc của người quản tiệc, làm nổi bật tính tương phản trước sau của rượu xoàng rượu ngon thôi.

Đây là bữa tiệc của niềm vui quy tụ và cũng là niềm vui chia sẻ, chính vì thế, rượu luôn là tác nhân không thể thiếu được. Nếu ngày nào Thánh Vịnh có hát lên “rượu làm hoan lạc lòng người” thì cũng chỉ muốn diễn tả một thực tế khách quan ai cũng biết và xem ra lại càng đúng hơn với thực tế chủ quan như trường hợp đặc biệt của tiệc cưới Cana. Chính giữa lòng bữa tiệc linh đình ấy, khi niềm vui đang vào cao trào trăm phần trăm dzô dzô ngọt sớt, chẳng ai ngờ có nhiều nhiệt tình tham dự và nhiều nhiệt tình tham gia đến thế, nên rượu với những vò chất chồng như núi cũng phải lở. Không ai hay, kể cả chủ tiệc; không ai để ý, kể cả tân lang. vả lại khi đã ngà ngà hoa mắt rồi, khách có để ý đi nữa cũng chẳng thấy. Thế mà trong số khách hôm ấy có người đã để ý và đã thấy. Người ấy nhẹ nhàng nói với Chúa Giêsu: “họ hết rượu rồi”. Thế thôi.

Ở cấp độ bình giải này, lời “họ hết rượu rồi” chỉ là một thông tin của một thực khách đổi trao với một thực khách khác đang hiện diện trong buổi tiệc như lưu ý về tình hình thức uống mà cân đối thế nào cho phù hợp hoặc điều tiết ra sao cho khỏi mất mặt đôi đàng, đàng chủ tiệc không xấu hổ vì thiếu rượu mời làm cho niềm vui đổ bể và đàng khác mời không thòm thèm vì thiếu rượu uống giữa chừng nhâm nhi. Quả là một thông tin cấp bách, nhưng lại chỉ được loan báo cho một người và lại là thông tin chính xác đầy đủ rõ ràng, cứ như bức điện khẩn được hỏa tốc gửi đi, không còn thì giờ để giải thích ngọn nguồn.

Nhưng cũng chỉ chừng đó thôi, người ta cũng thấy khách gửi thông tin này phải là khách đặc biệt tinh ý đã ra tay đúng lúc cứu cho đàm cưới thoát được một bàn thua trông thấy và giúp cho mọi thực khách hôm đó duy trì được niềm vui đầy đặn.

2. “Họ hết rượu rồi”: một lời thông cảm

Không chỉ có thế, người khách đặc biệt ấy chính là một phụ nữ, một “bà” như lời đáp của Chúa Giêsu đã nêu lên: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Người ta đã nói khá nhiều về chữ “bà” trong cách xưng hô của Chúa Giêsu ở tiệc cưới Cana. Cứ như lạnh lùng xa lạ không có mấu chốt liên hệ gì.

Thực ra nhiều chỗ khác trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng vẫn dùng chữ này để nói với các phụ nữ một cách tự nhiên như ngôn ngữ giao tiếp, không ai lấy làm lạ và người trong cuộc đối thoại cũng không biểu tỏ một phản ứng mảy may khó chịu nào, như đối với bà Cananêa (Mt 15,28), với thiếu phụ Samaria (Ga 4,21), với người đàn bà ngoại tình (Ga 8,10) và với Maria Magđala (Ga 20,13). Người ta có thể nói nhiều hơn nữa về chữ “bà” này khi đặt cận kề hai biến cố Cana và Canvê, để thấy cho đến phút cuối trên thập giá, Chúa Giêsu vẫn thích dùng chữ “bà” trong lời gửi gắm người môn đệ thân yêu cho Mẹ mình: “Thưa bà, này là con bà”. Nhưng trong đám cưới Cana, ở cấp độ bình giải này, chúng ta muốn ghi nhận lời “họ hết rượu rồi” có tác giả là một người nữ, mà người nữ ngoài sự tinh ý, lại có tấm lòng trắc ẩn sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Lòng trắc ẩn thể hiện trước hết qua ánh nhìn ghi nhận. Phải là quán xuyến và kinh nghiệm lắm, người nữ này mới có thể đánh giá tình hình một cách chính xác đến thế. Có thể do nhịp độ phục vụ của các gia nhân bỗng dưng chậm lại; có thể do cung cách mời mọc của chủ tiệc bỗng dưng rời rạc; và cũng có thể do ánh mắt của tân lang hoặc tân nương bỗng dưng u ẩn. Không biết rõ. Chỉ biết rằng ánh nhìn kia khởi đi từ lòng trắc ẩn vốn có, người nữ ấy đã chủ động lo lắng nhanh chân đi cho con mình biết rõ sự việc. Quả là một sáng kiến thược về tấm lòng. Chúa Giêsu có biết sự thể ra thế này không? Không ai dám nói là Người không biết, nhưng cứ như câu trả lời, chừng như Người còn cân nhắc tính phù hợp xem sao. Chưa đến giờ của Người mà. Còn người nữ này nhanh lắm, mắt đã thấy trí đã phán đoán đúng là tâm hồn giục giã không thể chần chừ được. Chần chừ lúc khác có thể làm chín chín chứ chần chừ lúc này là đổ bể không còn vớt vát lại được. Vinh dự của tiệc cưới là đây và vất vả của tiệc cưới cũng là đây. Chuyện một lần chuyện một đời mà.

Nhưng lòng trắc ẩn thể hiện rõ nhất trong cách can thiệp kín đáo can đảm và tận tụy của người nữ này. Chỉ là khách mời như bao khách mời khác, nhưng bằng vào cung cách đi đứng nói năng, người khách nữ này đã chứng tỏ bản lĩnh của mình. Có thể bảo rằng bà mua việc, có ai cậy nhờ đâu mà đem thân gánh lấy công việc, mà nào có nhẹ nhàng gì. Giúp nấu nước rửa chén là chuyện của phụ nữ, chứ can gián đến chuyện rượu chè vốn là chuyện của cánh mày râu xem ra là một thách đố nếu không nói là một ngoại lệ trong xã hội Do Thái. Có thể bảo rằng bà vẽ chuyện ăn cơm nhà vác ngà voi hàng tổng, chuyện nhà người ta chứ có phải chuyện nhà mình đâu mà lo quán xuyến, coi chừng làm được việc chẳng được lời cám ơn lại còn bị coi là đạp lên chân người khác. Và cũng có thể bảo rằng bà sao chẳng giữ gìn thể diện, ăn có mời làm có khiến, mình đi ăn cưới thì cứ ăn uống thiệt tình là xong bổn phận, có can dự gì mà lôi người nhà vào chuyện rắc rối. Mặc kệ. Chắc những ý nghĩ ấy chẳng kịp đến với bà đâu, vả lại có đến đi nữa bà cũng chẳng rỗi hơi mà giữ lại trong đầu.

Thời giờ lúc này là vàng bạc. Thấy tiệc hết rượu là bà ra tay ngay, nhận lấy trách nhiệm về phần mình. Tội nghiệp đám cưới, hết rượu giữa chừng cũng là một thứ hạnh phúc đứt gánh giữa đường, xúi quẩy lắm, vì thế bà tự mình can đảm vào cuộc, coi việc đám cưới là việc nhà mình và coi chuyện hết rượu là chuyện của chính mình, từ đó bà tận tụy chẳng quản ngại gì nữa, đi lại thoăn thoắt như con thoi giữa một đàng là con mình và đàng khác là các gia nhân, dàn xếp và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, miễn sao mọi người đều vui và thế là bà lại có thể rút lui vào âm thầm như đức tính kín đáo muôn thuở của bà.

3. “Họ hết rượu rồi”: một lời chuyển cầu

Lời “họ hết rượu rồi” trong cấp độ khách quan chỉ là lời thông tin của một thực khách tinh ý, và trong cấp độ tình cảm lại là lòng trắc ẩn của trái tim người nữ sẵn sàng gieo mình đảm đang công việc, nhưng chính trong cấp độ đồng hành thiêng liêng, người ta mới thấy lời ấy quả là một lời nhiệm mầu của Mẹ Đức Giêsu mở vào tấm lòng của Đấng Cứu Thế con mình, và đồng thời mở ra ân sủng thánh hóa những giá trị trần đời. Người thực khách tinh ý kia hoặc người nữ đầy lòng trắc ẩn kia không phải là ai khác mà chính là “thân mẫu Chúa Giêsu”.

Trong Phúc Âm thứ tư, người ta không nêu đích danh Đức Maria, nhưng bù lại, một danh xưng khác cao trọng đã luôn luôn được nhắc tới, đó là danh xưng “Mẹ Đức Giêsu”. Tất nhiên, đó là chọn lựa Kitô học của thánh sử. Khi hữu ý trình bày tất cả mọi biến cố xoay quanh một trọng tâm duy nhất là Đức Giêsu thì thay thế danh xưng Maria bằng “Mẹ Đức Giêsu” cũng là chuyện dễ hiểu; nhưng điều quan trọng hơn, thánh sử cho thấy một nhãn giới độc đáo là không thể tách rời mầu nhiệm Đức Maria ra khỏi mầu nhiệm Đức Kitô. Do đó, chuyện đám cưới Cana không chỉ là chuyện liên hệ đến Đức Maria thôi, mà đúng ra là liên hệ đến Chúa Giêsu và thân mẫu Người. Nếu khoa thánh mẫu học sau này có đào sâu tư tưởng “Ad Jesum per Mariam” như một linh đạo thì nền tảng và những chi tiết dẫn chứng đã được gặp thấy phong phú trong trình thuật tiệc cưới Cana đây.

Không phải vô tình mà chuyện đám cưới đã nhắc đến sự hiện diện của thân mẫu Đức Giêsu trước, rồi mới nói đến sự hiện diện của Đức Giêsu và các môn đệ sau, mà xem ra muốn gợi ý rằng chính sự hiện diện của Đức Maria đã là nguồn gốc của việc đôi tân hôn mời Đức Giêsu và các môn đệ đến. Ghi nhận này cho thấy, tại Cana cũng như nơi những biến cố căn bản của mầu nhiệm Nhập Thể, như phép lần hạt năm sự vui chẳng hạn, Đức Maria luôn là người đi trước để giới thiệu Đấng Cứu Thế cho những người khác.

Cũng chẳng vô tình chút nào khi thấy đám cưới hết rượu, Đức Maria không đi tìm rượu ở chỗ khác nhưng lại đến thẳng chỗ con mình, mà muốn nói lên niềm tin tưởng trọn vẹn của Mẹ. Ở trường hợp quẫn bách như thế này, người duy nhất làm thay đổi tình thế không phải là ai khác ngoài Chúa Giêsu, dẫu cho tới lúc đi ăn cưới, Mẹ chưa thấy Chúa Giêsu thực hiện một phép lạ nào ở quê hương Nazarét hay ở nơi đâu khác. Như vậy, tại Cana Đức Maria đã bày tỏ thêm lần nữa tâm tình tín thác đã có từ ba mươi năm trước khi thưa tiếng Fiat xin vâng. Nếu ngày truyền tin, Đức Maria đã tin vào Chúa Giêsu trước khi thấy Người bằng xương bằng thịt, nên đã xin vâng dẫn đến việc thụ thai trinh khiết, thì ở Cana, khi tin tưởng vào quyền năng chưa được tỏ lộ của con mình, Mẹ đã xin vâng mở đường dẫn đến “dấu lạ đầu tiên” của Chúa Giêsu biến nước lã thành rượu ngon, vun bồi lòng tin cho các môn đệ.

Như vậy, lời “họ hết rượu rồi” bên ngoài xem ra khô khốc cộc lốc ngắn ngủi, nhưng bên trong lại ẩn chứa cả một kho tàng phong phú của một tấm lòng vừa tuyệt đối tin tưởng vừa chan chứa yêu thương. Tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa Giêsu dù giờ Người chưa đến và yêu thương tận tụy dành cho đám cưới trong lúc quẫn bách đe dọa hạnh phúc cũng như dành cho các môn đệ đầu tiên mới chân ướt chân ráo dò bước theo Thầy. Chính vì thế lời thứ sáu của Đức Maria “họ hết rượu rồi” dẫn tới lời đáp của Chúa Giêsu “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” để có kết thức là phép lạ ngoạn mục, vẫn được nhắc đến như hình mẫu sự hợp tác của Mẹ Maria vào chưng trình cứu chuộc của con mình, dẫu đó là một sự hợp tác vượt lên vai trò làm mẹ tự nhiên để bước sang lãnh vực của niềm tin và của hy vọng.

Ngoài ra, lời thứ sáu này còn được ghi nhớ như một lời chuyển cầu đầy hiệu quả của Đức Maria bên cạnh Chúa Giêsu, để hôm qua ở Cana chúc lành cho một gia đình và hôm nay tiếp tục chúc lành cho mọi gia đình khác biết mình đang trong tình trạng thiếu rượu tình yêu và hạnh phúc. Qua tiệc cưới Cana, với con tim trắc ẩn, với câu nói ân cần và với bàn tay nhân lành, Mẹ đích thực là Mẹ hằng cứu giúp, không ở trên cao mất công cúi xuống, cũng không ở ngoài xa mất giờ đến gần, mà như người trong cuộc tận lực tận tình cứu giúp, để cuộc sống gia đình vốn như nước lã nhạt phèo đã được thánh hóa nên rượu thơm nồng nàn hạnh phúc. Đức Maria chính là Mẹ của các gia đình.

II. LỜI THỨ SÁU TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC

Lời thứ sáu của Đức Maria như vừa phân tích là lời thì thầm trong khung cảnh của một đám cưới ở khởi đầu cuộc sống công khai của Chúa Giêsu, đã nên lời khái quát đỡ nâng những ai dấn bước trong ơn gọi hôn nhân qua cuộc sống gia đình. Vì thế, tại giáo xứ, linh mục sẽ dựa vào gương đức Maria và dưới ánh sáng của trời trắc ẩn này để có được những bước đi cần thiết trong việc mục vụ chăm sóc cho các gia đình.

1. Khi cuộc sống gia đình “hết rượu”

Theo bài bản, người ta diễn tả gia đình như “một cộng đồng các ngôi vị, được thiết lập từ một người nam và một người nữ kết hợp trong hôn nhân, và từ con cái, vững bền và được xã hội thừa nhận, cùng liên kết với nhau bằng những ràng buộc luân lý, tôn giáo và hợp pháp trong sự tôn trọng, yêu thương, hợp tác và nâng đỡ nhau. Ngoài gia đình nhỏ này, còn có thể có những người khác, thường là ông bà hoặc bà con, họ hàng tùy theo hình thức hoàn cảnh sống của lịch sử” (x. Lm. Augustinô Nguyễn Văn Dụ, Hành trình tiến đến hôn nhân, phần học viên, VPTK/HĐGMVN 2005, tr.94).

Còn theo cách thi vị hơn, người ta thường giữ lại những hình ảnh đẹp về gia đình như: gia đình là khuôn nôi sự sống; gia đình là trường lớp dạy yêu thương; gia đình là mái ấm trong đó mọi người chăm chút nêu gương sáng cho nhau.

Riêng với Giáo Hội Công giáo, gia đình còn là tế bào của Giáo Hội, là cộng đoàn những nhân chứng Tin Mừng, là Hội Thánh tại gia vì trong gia đình có thừa tác viên của bí tích hôn nhân với tác vụ hướng tới thiện ích đôi bạn và khi đã có con cái thì tác vụ ấy còn nhắm đến thiện ích giáo dục Kitô giáo cho con cái nữa.

Trên lý thuyết, gia đình cao đẹp là thế, nhưng trong thực tế nhiều nơi, gia đình đang gặp áp thấp nhiệt đới có nguy cơ biến thành bão lớn.

Ở diện rộng, người ta cảnh báo gia đình đang bị khủng hoảng. Dễ thấy nhất là cấu trúc gia đình truyền thống không còn giữ được nét bền vững nữa nếu không muốn nói là đã bị phá vơthống không còn giữ được nét bền vững nữa nếu không muốn nói là đã bị phá vỡ dần dần. Ai mặn mà với quá khứ cứ thấy tiếc hùi hụi, nhưng những vai chính trong vòng quay cuộc sống lại chẳng gắn bó với hôn nhân bao nhiêu. Chẳng phải nói đâu xa, ngay tại nước Ý là nước ôm trong lòng mình giáo đô Rôma, kinh thành muôn thuở, người ta cũng biết đến sự khủng hoảng này. Hôn nhân cả dân sự lẫn tôn giáo hàng năm giảm thiểu rõ rệt, đang khi đó lại xuất hiện nhiều hình thức hôn phối và gia đình khác lạ, từ hình thức gia đình thực tế tam cùng: cùng ăn cùng ở cùng yêu đương, đồng tính hay sống thử, cho đến hình thức gia đình với chỉ một người cha hay mẹ được pháp luật công nhận. Rồi hôn nhân đổ vỡ cũng gia tăng: ly thân năm 1971 có 12.000 vụ đến 1991 đã lên tới 40.768 vụ; ly dị cũng thế, năm 1991 có 26.368 vụ, đến năm 1994 đã nhảy lên 27.500 vụ. Ở Ý, có 1/4 hôn nhân đổ vỡ (x. Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn, Tình yêu và hôn nhân, Phương Đông, 2008, tr. 155, chú thích 12).

Ở diện hẹp hơn, người ta cũng ghi nhận gia đình đang bị khủng bố. Chẳng có ai bên ngoài đặt bom gây thương vong đâu mà chính những người nhà là nhân tố làm thương tổn thể xác và tinh thần cho nhau đấy. Khủng bố trước hết là việc phá thai hay là giết chết mạng sống ở giai đoạn đầu đời. Nhiều nước coi đây là hành vi hợp pháp, nhiều nước đang còn tranh cãi. Tổng thống Barack Obama mới đây cũng ủng hộ hành vi này qua việc ký đạo luật FOCA (Freedom Of Choice Act) quét đi tất cả nỗ lực phò sinh của người công giáo, khiến HĐGM Mỹ phải lo ngại. Tại Việt Nam hiện nay, con số những vụ phá thai vẫn còn cao nhất thế giới, như tiếng chuông báo động khủng bố đang có mặt giữa lòng gia đình. Khủng bố tiếp theo chính là nạn bạo hành dưới mọi hình thức do các thành viên của gia đình gây ra cho nhau như chồng say xỉn đánh đập vợ hoặc vợ làm ăn giỏi tay hòm chìa khóa xử tệ với chồng coi chồng như con ăn người ở sai phái đủ điều. Và khủng bố thấy nhiều hơn cả chính là sự to tiếng cãi vã với ngữ vựng nhà tù và điệu bộ chỉ dành cho muông thú khiến nhiều kẻ trong xóm bất bình. Hầu như những nỗ lực hòa giải cuộc sống gia đình đều nằm trong khía cạnh khủng bố thực tế này.

Và đó đây, đôi khi qua tin tức báo đài, được biết gia đình còn là một bi kịch, lắt léo kiểu ông ăn chả bà ăn nem một cách nào đó cũng còn hy vọng khi thay đổi khẩu vị, nhưng khi tiêu chuẩn đạo đức đã biến chất rồi thì nếu không kịp ngăn chận có thể dẫn đến thương vong. Chẳng hạn một gia đình nông dân lúc trước sống cảnh ruộng vường chồng cày vợ cấy hạnh phúc, bỗng dưng có con đường nhựa được phóng qua lập tức giá đất tăng vọt khiến ban đầu là khoái chí hả hê, năm sau là đánh nhau chí chóe. Chỉ vì con cái ai cũng muốn phần hơn. Ngày xưa cha mẹ hiền để đức cho con, còn ngày nay phải nói cách thực dụng rằng cha mẹ để tiền để đất cho con mới được con kính trọng coi là cha mẹ hiền.

Những trường hợp nêu trên, từng trường hợp hoặc tổng số các trường hợp đều cho thấy hôn nhân và gia đình hiện nay đang gặp khủng hoảng và khủng bố nặng nề. Họ hết rượu rồi: hết tôn trọng nhau, hết yêu thương nhau, hết giữ gìn hạnh phúc gia đình và cũng hết luôn việc nhận trách nhiệm giáo dục con cái. Thập niên 90, những cặp li dị còn tranh nhau con cái, sang đầu thế kỷ 21, họ lại đùn đẩy con cái cho nhau, khiến trẻ em vô tội bỗng nhiên ngơ ngác thấy mình chỉ là đoạn ruột thừa đau đớn. Chính vì thế, cả đời lẫn đạo đã có những quan tâm đặc biệt về gia đình: Liên hiệp quốc có năm quốc tế gia đình; Đức Giáo Hoàng có tôn huấn về gia đình Familiaris Consortio, nhiều HĐGM các nước có Bản hướng dẫn mục vụ gia đình và HĐGMVN cũng có thư chung về gia đình. Nhưng nỗ lực ấy chỉ muốn giúp con người ngày nay ý thức hơn về lối sống để vun chăm hạnh phúc của mình ngay trong gia đình là nền tảng: tề gia, trị quốc, bình thiên hạ mà.

2. Mục vụ với trái tim

Ghi nhận ít thông tin về tình hình gia đình như vậy làm tiền đề để mỗi linh mục trong giáo xứ mình trách nhiệm cũng có những chương trình mục vụ phù hợp, một mặt ngăn chừa những trường hợp nguy hại và mặt khác củng cố xây dựng những nếp gia đình sống theo đường lối Phúc Âm.

Mục vụ căn bản cho các gia đình thể hiện theo nguyên tắc phòng ngừa, phòng bệnh hơn chữa bệnh, nghĩa là mục tử quan tâm hướng dẫn giáo lý đầy đủ cho những cặp hôn phối ở ngưỡng cửa thành lập gia đình. Người ta bảo trong những tình huống khó xử, những cặp hôn nhân nào đã trải qua những lớp giáo lý này chắc chắn sẽ có cách ứng xử tích cực hơn những cặp hôn nhân lơ là khác; hay ít ra, lúc gặp khó khăn họ cũng biết tìm đến tư vấn của cha sở nơi tòa trong hoặc tòa ngoài trước khi hành động. Chính trong định hướng giáo lý này, Tông huấn Familiaris Consortio lưu ý các vị chủ chăn “phải xác định những yếu tố cần thiết không thể thiếu được về nội dung, về thời lượng và về phương pháp của các “khóa chuẩn bị”, bằng cách tạo quân bình cho những khía cạnh khác nhau có liên hệ tới hôn nhân như giáo lý, sư phạm, luật pháp và y học, và xếp đặt thế nào để giúp cho những người sắp lập gia đình, không những được đào sâu thêm về hiểu biết, mà còn cảm thấy được thúc đẩy để hội nhập một cách tích cực vào trong cộng đoàn Giáo Hội” (FC 66).

Tất nhiên, hướng dẫn đầy đủ là cần thiết, nhưng đừng quá tỉ mỉ đi vào những chi tiết tế nhị mà tự thân linh mục không phải là chuyên viên, như một cha sở nọ dạy cách có con trai hoặc con gái dễ dàng là chỉ cần chuyển đổi tư thế ăn nằm nghiêng bên tả hoặc ghé bên hữu một chút theo nguyên tắc nam tả nữ hữu là được ngay, khiến các học viên phải phì cười bỡ ngỡ. Ở Tp. HCM còn có một linh mục tự cho mình có khả năng chẩn đoán thai nhi một cách lạ thường, cứ thấy vòng số hai của người nữ nhỉnh hơn người thường một chút là phán quyết ngay rằng đã có bầu, rồi lại không cho người ta kiểm chứng bằng siêu âm, khiến chín tháng sau kết quả dở khóc dở cười: bì thì có chứ bầu thì không.

Nhưng theo gương Đức Maria khi nói lời “họ hết rượu rồi”, mục vụ cho các gia đình còn đặc biệt quan tâm đến những gia đình đang gặp cảnh khó khăn thử thách bất luận vì nguyên do nào, để kịp thời can thiệp đúng thời đúng cách sao cho hạnh phúc lứa đôi được duy trì và mái nhà được vững là mái ấm. Đây là công việc nói thì dễ nhưng làm không luôn thuận l lợi. Một mặt vì trách vụ mục tử bề bề trong đó các gia đình chỉ là một phần và mặt khác vì những gia đình gặp khó khăn nhiều khi cũng chẳng có dịp trình bày với chủ chăn của mình. Thành thử, nếu có lãnh vực mục vụ nào cần đến sự cộng tác của giáo dân nhiều nhất, thì đó là lãnh vực các gia đình, vì lợi thế ngang hàng giáo dân và cũng vì thuận lợi cùng một bậc sống.

Trong dịp cử hành năm thánh 50 năm của nhiều giáo xứ di cư năm 1954 gần đây, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi với các cha sở về phương diện này và kết quả rất khả quan. Các cha sở cho biết, dịp năm thánh giáo xứ cũng là dịp rà soát lại sổ nhân danh và với sự hỗ trợ của các vị trùm trưởng, còn là dịp đi thăm hỏi trực tiếp các gia đình trong xứ, từ đó khám phá ra những trường hợp có sự cố để quan tâm giúp đỡ. Đã có những gia đình hết rượu từ lâu bỗng dưng được châm thêm rượu mới. Đã có những cặp hôn nhân hững hờ trên bờ vực gặp được nâng đỡ cần thiết như buồn ngủ gặp chiếu manh, nên kịp thời hàn gắn. Và không thiếu những trường hợp gia đình chao đảo vì công ăn việc làm hoặc sóng gió vì ít tôn trọng nhau gặp được sự giúp đỡ về vật chất hoặc tinh thần để thấy được bình an trở lại trong nhà.

Ở một giáo xứ quận Gò Vấp, người ta thấy hai anh chị A đi đâu cũng vui vẻ có  nhau ra chiều hạnh phúc, từ địa chỉ đạo đến địa chỉ đời, thậm chí có người còn coi đó như mẫu gương của một gia đình bền chặt, nhưng đùng một cái có tin họ phải sống ly thân. Hỏi ra mới biết chiến tranh lạnh giữa họ đã khởi phát từ lâu, có điều là họ khéo che đậy vì danh dự gia đình. Chẳng qua chỉ vì một bất hòa nhỏ khi anh cao hứng tuyên bố giữa bạn bè mùa giải đá banh rằng: bóng đá là trên hết rồi mới tới vợ con. Có thể mới đầu là nói chơi, nhưng sau này thấy anh có dấu hiệu rơi vào vòng quay cá độ, chị giận dỗi ra mặt và sau một lần nói chuyện phải quấy, chị thấy anh im lặng tưởng là không thèm để ý nên chị quyết chọn giải pháp ly thân. Có biết đâu khi anh im lặng là lúc anh đang tự kiểm. Cơm sôi bớt lửa, vợ giận bớt lời. May là anh thực tình tỏ bày, nên cha sở đã kịp thời can thiệp để rượu nhà anh chị này không trở thành giấm chua gây thất vọng cho những người thương mến và gây gương xấu cho những gia đình trẻ.

Còn một khía cạnh khác trong việc mục vụ gia đình, đó là việc tháp tùng những đôi vợ chồng mới được cử hành hôn phối trong năm. Kinh nghiệm cho thấy năm năm đầu của một gia đình là quan trọng. Những khủng hoảng thường xảy ra trong giai đoạn này và những khó khăn cùng từ đó mà ra. Tuy nhiên nếu hạnh phúc được vun chăm đúng mức, thì khó khăn đến đâu cũng không thể trở thành nhân tố gây phương hại đến sự bền vững gia đình. Đầu xuôi đuôi lọt.

Đến dâng lễ tại một giáo xứ, thấy những ông bà trùm đều trẻ trung dễ mến, tôi hỏi cha sở và được biết, theo ngài, tiêu chuẩn để tìm người phục vụ cộng đoàn phải là người trẻ trung và là chủ của một gia đình ít ra cũng đã có một con. Cha sở còn bật mí là ngài biết được những người này nhờ vào dịp rửa tội cho con cái họ. Hóa ra các cha sở chúng ta cũng khéo lắm, vừa biết rõ chiên trong giáo xứ mình để mời cộng tác, vừa chăm sóc các gia đình tế nhị quá đi thôi. Bố nó làm trùm thì mẹ nó cũng phải sống sao cho phải mặt bà trùm mới được.

3. Nhờ Mẹ Chúa Giêsu chuyển cầu

Nếu lời “họ hết rượu rồi” trực tiếp là lời gợi ý cho các chủ chăn trong việc mục vụ chăm sóc gia đình, thì gián tiếp lại là lời thúc đẩy các chủ chăn mạnh mẽ hơn nữa trong việc mục vụ lôi kéo người ta đến với sự trợ giúp của Đức Maria. Quả thật, chuyện đám cưới Cana có được niềm vui trọn vẹn là bởi vì từ đầu đã có sự hiện diện của Đức Mẹ và càng đi sâu vào câu chuyện càng thấy sáng lên chân dung của Mẹ trong vị thế hằng cứu giúp những mảnh đời bất hạnh. Vì thế, cùng với những nỗ lực chăm sóc bên ngoài, linh mục cũng được mời gọi để thực thi những việc căn để hơn là dìu dắt các gia đình đến với Đức Mẹ, để khi niềm tin của họ nơi Đức Mẹ lớn lên, họ sẽ làm theo sự chỉ dẫn của Mẹ mà giữ rượu đời sống hôn nhân không bị nhạt mùi.

Tất nhiên tấm lòng của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa bao la lắm. Lòng mẹ nhân sinh còn bao la như biển Thái Bình huống chi lòng Mẹ thiên quốc. Nhưng điều quan trọng là người ta có chịu đến với Mẹ hay không, hay có đến mà có chịu làm theo lời Mẹ chỉ dẫn hay không. Vấn đề không ở phía tấm lòng từ mẫu mà nằm ở phía con người nói chung và ở từng người nói riêng. Lại một lần nữa ta thấy không phải vô tình chút nào khi ngay từ đầu trình thuật Cana đã nói đến sự hiện diện của Đức Maria, mà muốn cho thấy yếu tố tiên quyết để có phép lạ rượu ngon là phải mời bằng được Mẹ đến với đám tiệc đời mình. Và một khi có Mẹ hiện diện rồi, chuyện còn lại là chuyện tự nhiên của tấm lòng sẽ diễn ra theo trình tự của lòng. Tin Mẹ nhiều sẽ cảm nhận nhiều và cậy nhờ Mẹ chuyển cầu nhiều sẽ được an ủi nhiều. “Mẹ nguồn cậy trông chưa thấy ai xin Mẹ về không, hết tình kêu khấn con tin chắc Mẹ thương nhậm lời”. Lời bài hát đó có lẽ là tâm tình đích thức của những người con tha thiết tìm đến cầu xin với Mẹ.

Hình như giáo dân VN hôm nay khá nhạy cảm với những tin đồn Đức Mẹ hiện ra. Chỉ cần một chút gì khác lạ ở đâu đó chưa được giải thích là đã ồn ào tung tin rồi ùn ùn lũ lượt tìm tới, khiến cả giáo quyền lẫn chính quyền phải vất vả, một đàng vất vả giải thích còn một đàng vất vả giải tán. Xét cho cùng, tin đồn như thế chẳng những không vun bồi đức tin cho ai mà xem ra còn có những ảnh hưởng không tốt đến sinh hoạt đạo giáo. Chắc Đức Mẹ cũng chẳng vui gì khi buổi sáng người ta hô lên thấy Mẹ ở núi này, buổi chiều lại đồn nhau thấy Đức Mẹ ở xứ nọ. Làm Đức Mẹ mà như thế chắc cũng mệt. Vấn đề được đặt ra ở đây cho các mục tử là làm sao hướng dẫn để một mặt không đụng chạm đến tình cảm tôn giáo chính đáng và để mặt khác đức tin giáo dân được đi vào đường nẻo đúng đắn bình an.

Nhưng thôi, chuyện Đức Mẹ hiện ra hay không hiện ra xin để cho phán quyết giáo quyền, phần linh mục trong tầm tay có thể làm được là hãy cổ võ lòng yêu mến Đức Maria qua linh đạo truyền thống “Ad Jesum per Mariam”, nhờ Mẹ Maria mà đến với Chúa Giêsu. Nhờ Mẹ vì Mẹ là nhịp cầu đầy uy tín nối loài người với Chúa Giêsu, và nhờ Mẹ cũng vì Mẹ đầy lòng trắc ẩn sẵn sàng chuyển cầu cho mọi trường hợp, cách riêng trường hợp thiếu rượu hạnh phúc của cuộc sống gia đình. Nhờ Mẹ chuyển cầu bằng phụng vụ chính thức của Giáo Hội, nhưng cũng thường hơn, bằng mọi sinh hoạt đạo đức, cách riêng bằng tràng hạt Mân Côi để biết âm thầm sống theo gương Mẹ. Và như chúng ta đang làm ở đây là nhờ Mẹ bằng cách áp dụng bảy lời của Mẹ trong cuộc sống linh mục.

Có lần đi làm phép nhà cho một gia đình ở khu phố mới PMH, thấy trong nhà mọi sự đều mới hết, chỉ trừ ảnh trái tim Đức Mẹ truyền thống. Được biết ảnh ấy là quà do một linh mục gửi tặng vào dịp hôn phối, thế nên gia đình rất quý đi đâu cũng mang theo. Hằng ngày ít nhiều gia đình đều cầu nguyện trước bức ảnh trái tim này và được nhiều ơn nâng đỡ ủi an. Trộm nghĩ gia đình này đã biết cách mời và giữ Đức Mẹ tại nhà mình, và linh mục kia cũng biết cách dẫn dụ gia đình này đến với Đức Mẹ.

Tóm lại, lời thứ sáu là lời Đức Maria đem gia đình đến với Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu chúc lành cho gia đình. Lời ấy hôm nay cũng là lời của các linh mục đem vào trong lời kinh của mình, để xin Chúa ra tay ngăn ngừa tình trạng thiếu rượu tình yêu nơi các gia đình, và xin Người bảo vệ đời sống hôn nhân như rượu mãi được dồi dào hạnh phúc.

 

MỤC VỤ LỜI CHÚA

 

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”(Ga 2,5)

Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XII diễn ra từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 10 năm 2008 với chủ đề “ Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”, đã kết thúc, nhưng những nổ lực của hội nghị này vẫn còn sống động.

        Nỗ lực trước hết là việc chọn chủ đề: kết thúc THĐGMTG XI thánh 10 năm 2003, 3 chủ đề được đệ trình, nhưng vào ngày 6 tháng 10 năm 2006, Đức Thánh Cha mới công bố chọn chủ đề Lời Chúa, đáp ứng nguyện vọng của các Giáo Hội địa phương. Nỗ lực tiếp theo là việc soạn thỏa đề cương Lineamenta trình bày vắn gọn tình trạng vấn đề, kèm theo bảng câu hỏi được gửi tới các giám mục, để dựa trên các câu trả lời gửi về văn phòng trước tháng 11 năm 2007, một bản văn mới là chương trình nghị sự sẽ được thảo ra với tên gọi truyền thống là tài liệu làm việc Instrumentum laboris. Nỗ lực khác chính là nghị sự với những đóng góp sôi nổi thể hiện qua những đề nghị Propositions để Đức Thánh Cha dựa vào đó đúc kết thành văn bản cuối cùng sẽ được ký nhận và ban hành, thường gọi là Tông huấn hậu THĐGMTG.

THĐGMTG, như các nghị phụ chia sẽ, đã gây phấn kích nơi lòng tín hữu, giục giã mọi người trang bị một nhiệt tình mới cho việc gặp gỡ Lời Chúa: gặp gỡ trongMạc khải là Thánh Kinh; gặp gỡ trong hiện thân là Chúa Giêsu; gặp gỡ trong nếp nhà là Hội Thánh và gặp gỡ trong hướng đi là sứ vụ truyền giáo. Chính vì thế, trong bản đề cương có một kiểu nói được lặp đi lặp lại nhiều lần, đó là cụm từ “gặp gỡ Lời Chúa”. Bản đề cương viết: “mục đích của THĐGMTG này là ưu tiên mục vụ: bằng cách đào sâu những lý lẽ về giáo lý và bằng cách để cho các lý lẽ này soi sáng, THĐGMTG muốn triển khai và củng cố việc gặp gỡ với Lời như nguồn mạch ban sự sống, và nhẵm mục đích đó, bằng cách đề nghị cho các Kitô hữu và cho bất cứ ai thiện chí những nẻo đường đúng đắn và khả thi hầu có thể lắng nghe và thưa chuyện với Chúa” (số 5).

        Đó là đôi chút về THĐGMTG, còn chúng ta đang trong cuộc Tĩnh tâm Linh mục Giáo phận dựa trên bảy lời của Đức Maria và lần này là lời thứ bảy, lời cuối cùng của Mẹ bên cạnh Chúa Giêsu được ghi trong Phúc Âm. Lời này được cất lên tại đám cưới Cana như gắn liền với lời thứ sáu. Không phải là lời độc lập nên cũng khó có những suy tư độc lập. Nhưng tình cờ làm sao, may mắn kiểu chó ngáp phải ruồi, lời thứ bảy mở ra nhãn giới không khác với mục đích của THĐGMTG XII là gặp gỡ Lời Chúa, thế nên xin được triển khai lời Đức Maria  trước hết dựa trên nhãn giới này và sau đó thử áp dụng vào đời sống linh mục trong sứ mạng phục vụ Lời Chúa.

I.Lời Thứ Bảy Của Đức Maria

Lời thứ bảy và lời thứ sáu của Đức Maria, dẫu có chung một bối cảnh là đám cưới cũng như đứng trước cùng một tình huống là hết rượu, nhưng sắc thái của từng lời lại xó những nét riêng diễn tả tính cách và vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ. Nếu lời thứ sáu là vai trò chuyển cầu thì lời thứ bảy là vai trò chung gian vừa nêu gương gặp gỡ lời hiện thân vừa kín đáo mở đường khám phá lời vừa thúc dục thực thi đòi hỏi của Lời và cuối cùng gián tiếp giới thiệu cũng như tạo điều kiện thuận lợi để Lời đến với mọi người.

1.“Người”

Khi đôn đáo ngược xuôi như con thoi qua lại giữa một đàng là Chúa Giêsu và đàng kia là các gia nhân, Đức Maria đã cho thấy chẳng những tấm lòng đôn hậu trắc ẩn của mình trước những tình huống nan giải, mà còn đích thân nêu gương tìm gặp gỡ với “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta”. Nếu Tin Mừng thứ tư đã hạnh diện viết lên lời reo vui “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”, thì niềm vui ấy trước hết phải ở phía Đức Maria.

        Từ lời xin vâng ngày truyền tin, Mẹ đã tiếp đón Lời trong cung lòng mình để rồi cưu mang và hạ sinh Lời cho dương thế, nên Mẹ gắn bó với Lời và nhìn thấy vinh quang của Lời hơn bất cứ ai. Lời nguyên thủy là Thiên Chúa, nhưng Lời làm người mang  hình hài tấm thân như đang hiện diện tại đám cưới Cana là Lời máu huyết do Mẹ sinh ra. Lời hiện hữu từ đời đời mang bản tình Thiên Chúa, nhưng Lời hiện thân nơi Đức Giêsu từ khi làm người mang thêm bản tính thứ hai là bản tính loại người.

        Những điểm giáo lý ấy xem ra lắt léo khó hiểu diệu kỳ, nhưng riêng đối với Đức Maria lại gần gũi máu thịt, nên dẫu có thể không hiểu trọn vẹn và diễn tả cách tách bạch lúc sinh thời, Đức Maria đã minh chứng cách thực tế bằng việc can đảm vượt qua tất cả để biều lộ một lòng tin tuyệt đối nơi Chúa Giêsu là Lời hiện thân bên mình.

        Giả sử Đức Maria không nói lời thứ sáu “họ hết rượu rồi”, có lẽ Chúa Giêsu rồi cũng biết tình trạng hết rượu của đám tiệc khi thấy nhao nhao tứ phía nhu cầu rót rượu mà không đáp ứng, và lúc ấy Lời Chúa dặn dò các gia nhân “ Người bảo gì, các anh cứ làm theo” cũng vẫn có ý nghĩa. Nhưng một khi đích thân đến bên Chúa Giêsu với Lời Chúa chuyển cầu đắt giá, Mẹ ắt hẳn muốn đi xa hơn để kín đáo nêu gương gặp gỡ không phải  chỉ là con mình sinh ra mà còn là Ngôi Lời giáng thế. Nguyên lời đáp của Chúa Giêsu sau đó có lẽ lạnh lùng với những từ ngữ khó hiểu cũng minh họa một phần nào khoảng cách muôn đời giữa Mẹ và Ngôi Lời  nhập thể: “Thưa bà, hết rượu không can gì đến bà, đúng, chỉ tại lòng bà trắc ẩn lấy việc của người ta làm việc của mình thôi; nhưng chuyện đó can gì đến tôi khi chưa đến giờ thi thố ơn cứu độ? Cũng cần ghi nhận ở đây rằng chữ “giờ”của Chúa Giêsu không phải là giờ giấc theo đồng hồ thời gian, mà luôn luôn trong Phúc Âm thứ tư, hữu ý ám chỉ đến giờ tử nạn và phục sinh của Người. Vượt qua mọi cách ngăn, Đức Maria thẳng tiến đến gặp gỡ Chúa Giêsu cũng là nêu gương gặp gỡ Ngôi Lời hiện thân.

        Không biết khi Đức Maria nói lên lời thứ bảy, các gia nhân trong tiệc cưới có lẩn quẩn quanh Mẹ không, nhưng khi trực tiếp nói với họ, Mẹ đã cho họ thấy tượng được nhắc đến trong lời thoại là một nhân vật của ngôi thứ ba số ít đã được gia nhân biết đến lúc đó chỉ như là một thực khách được mời không khác chi những thực khách còn lại. Đầu bài Phúc Âm đã ghi lại như vậy mà: “ Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự”. Nhưng sự vắn gọn của câu nói cũng như cách ngỏ lời trực diện của các gia nhân khiến người ta có thể nghĩ xa hơn. Không nói “Giêsu bảo gì các cứ làm theo”, mà lại nói “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo”, chừng như Đức Maria muốn xác định: “Người” tức là “Giêsu, khách được mời dự tiệc” có một thân thế sâu hơn nữa là “ Giêsu, Ngôi Lời nhập thể”mà các gia nhân chưa biết đâu, lát nữa đây họ sẽ thấy vinh quanh của Người.

        Như vậy, không phải việc Chúa Giêsu thực hiện ở Cana mới là dấu lạ, mà ngay cả việc Người hiện diện trong đám cưới hôm ấy cũng là dấu lạ cho mọi người tham dự tha hồ mà khám phá về thân thế thiên linh Ngôi Lời của Người, để khi thấy vinh quang Người biểu lộ, họ sẽ bị khuất phục để sẵn sàng bước vào đường nẻo đức tin, trong đó có các môn đệ đầu tiên.

2.“bảo gì”

        Không chỉ nêu gương tìm đến gặp gỡ Chúa Giêsu là Lời đang hiện diện, Đức Maria còn kín đáo mở đường giúp ta khám phá nội dung của lời Chúa nói nữa. “Người bảo gì các anh cứ làm theo”, nhưng Người bảo gì?

        Tách riêng lời thứ bảy ra khỏi gian tiệc cưới, người ta không biết Chúa Giêsu bảo gì cho ai. Làm thế không phải là chú giải khoa học, nhưng xem ra lại nhận được một ý nghĩa bất ngờ, khi hiểu chữ “gì” như bất cứ việc gì liên quan đến ơn cứu rỗi của đời người và của người đời. Chữ “gì” xem ra mang màu cụ thể mà khái quát được mọi sinh hoạt của đời sống nhân sinh; chữ “gì” xem ra mang ý nghĩa khái quát mà cụ thể liên quan đến từng người. Chính vì thế, có thể hiểu đây là chữ mầu nhiệm biểu thị cho toàn thể kho tàng mạc khải Lời Chúa nói với con người trong lịch sử cứu độ, cũng như biểu thị cho từng Lời Chúa nói với mỗi cá nhân hôm nay trong toàn cảnh cụ thể nào đó. Không xác định nội dung chữ “gì” là những việc gì, lời thứ bảy đích thực là một lời mở ra cho suy tư và cũng là lời mở ra cho suy tư và cũng là lời áp dụng cho mọi tình huống đời sống.

        Nghe trong lời Đức Maria có những cung bậc giải thích mà các cha thường dùng mua vui với nhau và cho nhau: thuận tai như “ Người bảo sao các anh em cứ làm vậy, Người bảo vậy anh em phải làm sao?”; và nghịch nhĩ như “ Người làm sao anh em lại bảo vậy? Người làm vậy anh em biết bảo sao?” Hình như có một GMVN đã chọn khẩu hiệu là lời thứ bảy này.

        Nhưng đặt lại trong bối cảnh một đám cưới đang tới hồi hết rượu, lời thứ bảy là lời dẫn đến một chương trình hành động với những bước cụ thể, để trước mắt giải quyết tình huống và xa hơn đem lại niềm vui cũng như hạnh phúc cho mọi người dự tiệc. Chữ “gì” không còn mênh mang bay bổng nữa, mà đã là những công việc cụ thể đổ mồ hôi sôi con mắt của đời ôsin.

        Bước một: “Các anh hãy đổ đầy nước vào chum”.  Vất vả đây. Xây lúa thì khỏi bồng em, chứ làm hai việc một lúc coi chừng xôi hỏng bỏng không. Là gia nhân ăn trắng mặc trơn đang phục vụ bàn tiệc nhẹ nhàng trong nhà bỗng dưng phải ra ngoài kín nước lẳn quần xắn áo để khỏi bị ướt chắc khó mà giữ được nụ cười làm vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Mà có phải ít đâu, những sáu chum lớn nhỏ. Nhưng nhịp độ bài Phúc Âm cho thấy đám gia nhân phải vâng phục, nhưng mặt khác rõ ràng là vì lời dặn dò của Đức Maria.

        Bước hai: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”. Khó hiểu đây. Hơn ai hết cánh gia nhân biết chum để làm gì và nước từ đâu đến, hay như Phúc Âm mô tả là chum nước dùng vào việc thanh tẩy để uống là khó quan niệm, huống chi phải múc nước trong chum đó để đem cho ông quản tiệc nếm thử. Rách việc, có mà bị ăn đòn. Thế nhưng các gia nhân đã thực hiện y lời. Một mặt vì cũng liều nhắm mắt đưa chân, nhưng mặt khác vì đã khích lệ bởi lời nói trước của Đức Maria.

        Bước ba: “Ai cũng thiết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”. Người quản tiệc nếm nước mà thấy rượu ngon đã nói với tân lang như thế trong sự kinh ngạc pha lẫn với sự thán phục, dẫu cho tới lúc đó ông chả biết ất giáp gì về những vất vả và khó hiểu của gia nhân cũng như những can thiệp kín đáo của Chúa Giêsu bằng lời và của Mẹ Người bằng của lời nói cũng như bằng di chuyển ngược xuôi.

        “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo. Chứ gì ở đây là kín nước, là múc nước, là nếm nước và cứ thế y lời, phép lạ sẽ đến, nước lã nhạt phèo đã biết thành rượu ngon hảo hạng rồi. Tương đương Cognac không phải là bốn chữ VSOP mà là hai chữ XO Hennessy hoặc Rémy Martin thì phải? Dám chắc hôm đó kẻ kinh ngạc hơn cả chính là cánh gia nhân. Vượt qua những vất vả kể cả những điều không thể giải thích được, họ nhìn thấy hiệu quả của Lời một cách nhãn tiền. Thái độ vâng phục của họ đã góp phần vào việc lãnh nhận rượu mới một cách dồi dào. Nhưng mang tính hiện thực cho một hôm nay, chữ gì hàm chứa nội dung sứ điệp Lời Chúa gửi đến từng người trong hoàn cảnh riêng đời mình và có thể được áp dụng cho mọi tình huống: bảo đi, đi ngất ngây đời; bảo về, về ngã nghiêng trời hồng ân. Đúng ra, xét cho cùng, ở đây chữ gì không còn quan trọng nữa, mà trọng tâm đã chuyển sang chữ người bảo tương đương với kiểu nói quen dùng của Thánh Kinh: Chúa phán. Có lời Chúa phán. Và một khi xác tín đó là Lời Chúa, thì chỉ còn một thái độ duy nhất của người môn đệ là tín thác qua việc chăm chú lắng nghe tìm hiểu cầu nguyện để ứng trực Lời Chúa. Trong cử hành phục vụ Lời Chúa, cuối mỗi bài đọc, khi thừa tác viên đọc công thức đó là Lời Chúa và cộng đoàn đáp tạ ơn Chùa hoặc lạy Chúa Kitô ngợi khen Chúa, thì đó chính là lúc lời thứ bảy của Đức Maria đi vào vận hành. Bởi vì người bảo nên cộng đoàn lắng nghe và tung hô khen ngợi trong cảm tạ tri ân, nhưng Người bảo gì tức là nội dung lời Người bảo thì còn phải truy tìm khám phá. Đó là phận vụ của bài giảng.

3.“các anh cứ việc làm theo

        Lời thứ bảy của Đức Maria, lời duy nhất có địa chỉ không chỉ ở trong bầu khí thuần túy mà trái lại rất đời nữa là khác, tiệc cưới chứ không phải là tiệc Lời Chúa hay tiệc Thánh Thể đâu; lời duy nhất không phải một cá nhân có danh tánh rõ rệt như sáu lời trước mà ngược lại là tập thể các gia nhân khiêm tốn thầm lặng tay làm hàm nhai. Tuy nhiên, lời duy nhất gần gủi trong cách đối thoại ấy lại là lời trức tiếp giục giã đôn đốc khích lệ người ta thực thi Lời Chúa, và là lời gián  tiếp giao cả thế hệ, sau đó Đức Maria hoàn toàn rút lui vào thinh lặng không nói một lời nào nữa, để cho Ngôi Lời làm người chính thức bước vào cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng.

        “ Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Với cả tâm tình, Đức Maria rút ruột chia sẽ kinh nghiệm cá nhân mình cho mọi người, để mời gọi tất cả trang bị thái độ khiêm tốn đón nhận và thi hành. Nếu ngày truyền tin, dầu bối rối trước thánh ý Chúa, Mẹ vẫn một mực làm theo bằng lời Fiat can trường và ngày lạc mất Chúa trong Đền Thánh, dầu bối rối trước thánh ý Chúa, Mẹ vẫn kiên trì thể hiển long tin, thì hôm nay trước những thách đố muôn mặt của cuộc sống con người, Mẹ vẫn gần gũi ân cần chỉ bảo, khích lệ vỗ và lấy kinh nghiệm của Mẹ để dẫn đường. Mẹ như người đi đầu cho ta được tiếp bước; Mẹ như người đi trước cho ta được theo sau; Mẹ như người đi mau để ta được nín kéo dắt dìu. Kinh nghiệm hạnh phúc của Mẹ không chỉ ở chỗ cưu mang hạ sinh nâng Lời  làm người, mà còn hệ tại việc nghe và giữ Lời Thiên Chúa nữa.

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Không nghi thức rườm rà, không nhiều lời giải thích, mà chỉ bằng một câu ngắn, Mẹ kín đáo tế nhị giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người một cách hiệu quả. Sự kín đáo được thể hiện qua việc không nêu danh Giêsu trong câu nói, để Chúa Giêsu tự do biểu lộ mình theo cách của Người và đúng lúc hữu xạ tự nhiên hương, qua việc người làm, dân chúng sẽ nhận biết Người. Sự kín đáo ấy còn thể hiện qua việc Mẹ nhẹ nhàng rút lui khỏi hiện trường dành sáng kiến cho Chúa Giêsu dùng lời Người mà đến với mọi tâm hồn. Vài trò trung gian của Mẹ là dẫn người ta đến gặp Chúa Giêsu, mà một khi người ta đã đến được rồi, Mẹ trở lại phong thái muôn thuở là “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”.

        “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Các môn đệ trong trình thuật tiệc cưới Cana chỉ là nhân vật phụ ăn theo Chúa Giêsu từ đầu đến cuối, không có một vai trò gì, nhưng trong mắt Đức Maria, họ lại có một vị trí đặc biệt. Nếu phép lạ nước hóa rượu ngon bên ngoài giúp bảo vệ của gia đình, niềm vui của thực khách và hạnh phúc của lứa đôi,  thì như cuối bài Phúc Âm ghi lại, bên trong phép lạ này nhằm củng cố lòng tin nơi các môn đệ. Ở ngưỡng cửa cuộc đời công khai sứ vụ, Đức Maria luôn hiện diện chăm chút đến niềm vui của các môn đệ hôm qua cũng như hôm nay.

        Như vậy, lời “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” là lời vắn tắt của một vị trung gian đầy uy thế, vừa nhiệt tình truyền thụ kinh nghiệm bản thân trong việc gặp gỡ Lời Chúa, vừa kín đáo chuẩn bị đường lối cho Lời Chúa làm người bước vào đời rao giảng và cũng tế nhị đỡ nâng niềm tin cho các môn sinh trong những bước đầu tiên chập chững học sống theo Lời Chúa.

    II. Lời Thứ Bảy Và Đời Sống Linh Mục

        Lời cuối cùng của Đức Maria “ Người bảo gì, các anh cứ làm theo” như vừa trình bày, là lời duy nhất Mẹ ngỏ trực tiếp cùng các gia nhân trong một tiệc cưới để thúc giục họ thực thi Lời Chúa. Lời ấy dọc dài lịch sử Giáo Hội, Mẹ đã ngõ cùng muôn thế hệ trong mọi cảnh ngộ để khuyến khích người ta yêu mến và đem Lời Chúa vào trong đời sống hằng ngày. Nhưng lời ấy hôm nay Mẹ muốn nói gì với các linh mục chúng ta, cách riêng trong nhiệm vụ mục vụ gắn bó với Lời Chúa?

1.Gặp gỡ Lời Chúa

Trong một số khách sạn nước ngoài, nơi nghỉ lại trong những chuyến đi xa, tôi luôn thấy trong hộc bài đèn ngủ một cuốn Thánh Kinh trọn bộ Cựu Tân Ước. Hình như của các anh em Tin Lành. Chẳng sao. Điều muốn nói nhiều người ngày nay trong điều kiện lữ hành vẫn có nhu cầu tìm đến Lời Chúa và khách sạn kia có để Thánh Kinh cũng là đáp ứng cho nhu cầu chính đáng này. Khách hàng là thượng đế mà. Linh mục trong đời sống cá nhân cũng như trong sứ vụ đời mình ở điều kiện lữ hành tâm linh, nên cảm nhận hơn ai yêu cầu hằng ngày phải gặp gỡ Lời Chúa. Vì sao?

Vì Lời Chúa sống động tác sinh và đồng hành với con người từ thủa tạo dựng mãi cho đến lúc chấm dứt cuộc lữ hành trần thế đã đành, mà cũng vì Lời Chúa đã tỏ mình trọn vẹn trong mầu nhiệm Nhập Thể, khi bước xuống làm ngưởi giữa chúng ta. Người là Đấng hằng sống và có những  lời ban sự sống đời đời. Ngoài ra, còn vì Lời Chúa sắc bén soi sáng và dẫn lối cuộc đời qua Thập điều Cựu Ước và giới luật yêu thương Tân Ước, đồng thời qua các Mối phúc là lý tưởng đời sống Kitô, để dò thấu tâm tình của con tim và hướng dẫn những tâm tình ấy về đường ngay nẻo chính. Lời sắc bén, lời lẽ phải, lời hoán cải, lời phục sinh. Cuối cùng, vì Lời Chúa hữu hiệu ngày xưa trực tiếp can thiệp qua công trình cứu độ trên mọi bước đường lịch sử dân thánh và hôm nay nhờ tác vụ linh mục qua công trình cứu độ của Lời trong bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và là chóp đỉnh của đời sống và sứ mạng Hội Thánh.

Nhận thức như thế, linh mục được mời gọi tìm đến gặp gỡ Lời Chúa hằng ngày như một thực phẩm bổ dưỡng và cũng như nhu yếu phẩm không thể thiếu nếu không muốn cỗi cằn trong công việc mục vụ. Sữa Nestlé có bảng quảng cáo với dòng chữ “good food, good life” hấp dẫn; thiết nghĩ, linh mục được nuôi dưỡng bằng gặp gỡ Lời Chúa thường xuyên, cũng cảm thấy bổ dưỡng sức sống tâm linh trong đời sống phục vụ. PVD số 26 đã yêu cầu các linh mục mỗi ngày tự nuôi mình bằng Lời Chúa một cách phong phú để chuyển giao đức tin cho những kẻ thuộc trách vụ quản sóc của mình một cách dồi dào.

Có một bài hát được nhiều người công giáo ưa chuộng và cũng được các anh em Tin Lành đồng cảm, có thể vì giai điệu uyển chuyển nhẹ nhàng, nhưng nhất là vì nêu lên những xác tín căn bản của con người đối với Lời Chúa, đó là bài “Xin cho con biết lắng nghe” của Lm. Nguyễn Duy. Lời Chúa là sức sống, là ánh sáng, là hy vọng; Lời Chúa là niềm vui, là tiếng hát, là đổi mới; Lời Chúa là hạnh phúc đời người. Rất đẹp.  Mong rằng đây không chỉ là ca khúc của một người, mà phải trở thành điệp khúc xác tín của nhiều người làm tiền đề cho những bước tiến đến gặp gỡ Lời Chúa. “Người ta sống không nguyên bởi cơm bánh, nhưng còn bởi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.

Nhưng gặp gỡ Lời Chúa là cả một hành trình với những quy phạm không thể bỏ qua. Dẫu Lời Chúa tuyệt đối tự do được tỏ bày qua mạc khải đúc kết trong Kinh Thánh, nhưng Giáo Hội chính là ngôi nhà được trao phó lưu tồn và giải thích Kinh Thánh ấy, nên gặp gỡ Lời Chúa cũng chính là đi gặp trong nhà Giáo Hội và theo cách của Giáo Hội. THĐGMTG vừa qua đã dành nhiều nổ lực để đề nghị cho các Kitô hữu và cho những ai thiện chí một nẻo đường đúng đắn để gặp gỡ Lời Chúa.

Lời Chúa là một bản tổng phổ được diễn tả bởi nhiều nhạc cụ, theo nghĩa Chúa thông ban Lời Ngài dưới nhiều hình thức khác nhau trong một hệ thống phẩm trật các ý nghĩa và các chức năng. Nơi Lời Chúa có tất cả những phẩm chất: của chức năng thông tin, do chỗ Thiên Chúa thông truyền chân lý của Ngài; của chức năng diễn tả, do chỗ Thiên Chúa biểu lộ cách suy tư, yêu thương, hành động; của chức năng hiệu triệu, do chỗ Thiên Chúa kêu gọi lắng nghe và đáp trả bằng đức tin. Vì thế, gặp gỡ Lời Chúa là chính là biết giữ sự hài hòa cân đối của bản tổng phổ này. Kỹ thuật âm thanh ngày nay gọi là mix. Ai hòa trộn các âm thanh khéo, người ấy sẽ được đắt khách; ngược lại, ế dài dài.

Trong thông điệp kết thúc THĐGMTG XII, đức tổng giám mục Gianfranco Ravasi đã dựa vào câu 42 chương 2 sách Công Vụ “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” để nêu lên bốn cột trụ nâng đỡ tòa nhà Hội Thánh hôm qua cũng như hôm nay, là:Lời Chúa; tình huynh đệ; Thánh Thể và cầu nguyện, trong đó Lời Chúa luôn chiếm vị trí ưu tiên. Xem như thế, đủ biết gặp gỡ Lời Chúa quan trọng như thế nào. Ai siêng năng gặp gỡ Lời Chúa sẽ thấy cộng hưởng hài hòa trong đời sống mọi bề; ngược lại, cuộc sống dễ rối như mớ bòng bong, không biết đâu đầu mối để gỡ ra.

Cũng xin thưa rằng gặp gỡ Lời Chúa cuối cùng là gặp gỡ chính Chúa là Lời, là Đấng đang ngỏ lời với ta. Như thế mới là cuộc gặp, nếu không thì chỉ là học hỏi hoặc suy tư thuần túy dựa trên văn tự. Gặp trên văn bản thì lạnh lùng, còn gặp được Chúa là Lời sẽ dẫn đến những cộng hưởng trong đời sống. Gặp trên văn bản sẽ gỡ ra được ngay khi hết tiết giờ học, còn đích thân gặp Lời rồi thì không gỡ ra được nữa. Xoắn xuýt suy tư, quấn quýt hành động. Chính đây mở đường cho một thói quen tốt là chọn cho mình một câu Lời Chúa như châm ngôn sống. Các giám mục thì tự nhiên thôi, còn các linh mục rất tự nhiên như vậy. Hy vọng không ai chọn một câu thực tế quá như “thức ăn ngon ta đãi hàng tư tế” hoặc “các chú có gì ăn không?”.

2.Thực hành Lời Chúa

Nhưng một cách trực tiếp, lời cuối của Đức Maria nhắm đến việc thực hành Lời Chúa. Đây là lãnh vực rất cụ thể mỗi người có thể tự nhìn thấy trong đời sống mình qua hành trình nên thánh hoặc ngôn ngang nhiệm vụ mục tử. Tuy nhiên, cũng xin nêu lên vài ghi nhận về ý nghĩa.

Thực hành Lời Chúa trước hết là một lời gọi ân cần gởi đến tất cả mọi người không một chút trọng khinh phân biệt đẳng cấp cũng như không một chút nể nang miễn trừ. Trong Phúc Âm không thiếu những hình thức Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thực hành này, khi thì xa gần bóng gió như bằng những dụ ngôn, khi thì trực tiếp thẳng thừng như trong lệnh truyền sống động. Bao giờ cũng thế, nghe và đem ra thực hành là hai bước chân của một chuyển động. Chỉ nghe vui tai mà không minh họa lại trong đời sống bằng những chuyển đổi thực hành thì chưa phải là nghe đúng mức, nước đổ lá khoai, ấy là chưa nói đến cảnh ly dị giữa chân lý ghi nhận và thực tế cuộc đời, như hai đường rây song song không có điểm gặp. Xem ra cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong tôn giáo cũng không thiếu. Có nhiều người đã cảnh báo rằng nghe mà không thực hành Lời Chúa là một trong những gương xấu thời đại. Hình như khi Gandhi khi nói ông tin Phúc Âm chứ không tin người có đạo, ông muốn ám chỉ đến việc thiếu thực hành Lời Chúa này.

Trái lại, nghe trong khiêm tốn đón nhận rồi thiện chí suy niệm đối chiếu để cuối cùng can đảm canh tân đời sống cho tương ứng và tương xứng với lời nghe mới là thái độ tích cực và đích thực của một tín hữu.

Thực hành Lời Chúa ngoài ra cũng là một đòi hỏi thuộc về sứ mạng đời linh mục. Đức Gioan Phaolô II sinh thời đã nhiều lần nhắn nhủ các linh mục trong thư Thứ nămTuần thánh về ơn gọi và sứ mạng mục tử, qua đó ngài không quên lặp đi lặp lại để kêu gọi ý thức và yêu cầu chỉnh đốn: ngày nay người ta không thích vểnh tai nghe những thày thông thái chỉ tay năm ngón dạy dỗ, mà lại thích để mình được thuyết phục bởi những chứng từ khiêm tốn của người đã dấn thân sống hết mình.

Lời Chúa trong bí tích truyền chức đã thánh hóa để linh mục trở nên con người mới dẫn bước trên đường trọn hảo, thế nhưng vì lý do này lý do khác linh mục chưa thể hiện con người hóa thánh này, linh mục được mời gọi thực hành Lời Chúa gặp gỡ hàng ngày trong Thánh Lễ lẽ ra đã biến linh mục thành những tác viên phân phát các mầu nhiệm thánh cho cộng đoàn một cách thuyết phục, nhưng vì sau đó, khi cộng đoàn không nhận ra vai trò này một cách sáng tỏ nữa, thì linh mục được mời gọi thực hành Lời Chúa cách cụ thể hơn cho trổ sinh hoa trái nhiều hơn đem lại sinh khí cho đới mục vụ và cũng cho cả cộng đoàn nữa.

Theo nguyên ngữ latinh, linh mục là sacerdos kết hợp bởi từ sacer là thánh và động từ dare là cho, nghĩa là người cho đi sự thánh, thế mà trong thực tế, nhiều khi linh mục đã không quảng đại đủ trong việc thi hành tác vụ đời mình, hoặc cụ thể hơn, là thích cho đi sự thánh để nhận lại những sự mà trần thế coi là vinh hoa phú quý rủng rỉnh phô trương. Bỗng lễ là tốt. Thợ đáng ăn lương. Nhưng cò kè bỗng lễ béo gầy là dấu hiệu dễ thấy nhất của việc nhập nhằng giữa sự thánh và sự phàm này.

Thực hành Lời Chúa cuối cùng còn là một dấu chỉ nói lên hạnh phúc của người môn đệ khi gắn bó đời mình với đời của Đấng đã chọn gọi và sai mình đi làm việc. Nếu đã có lần Chúa Giêsu công khai nói trước đám đông khi có tiếng fan nữ ái mộ xuýt xoa phúc cho lòng dạ đã cưu mang Người và vú đã cho Người bú, rẳng: “Ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa còn hạnh phúc hơn”, thì đây phải được xem như lời xác định minh nhiên giá trị của việc thực hành Lời Chúa, đồng thời cũng như lời nêu lên đường hướng cho kẻ dấn bước đi theo Chúa Giêsu. Không biết Trăng Thập Tự khi viết bài thơ về ơn gọi với khổ đầu thế này: “ Người về Người gọi em theo, trăm năm lội suối trèo đèo có nhau. Người về em bước theo sau, đường xa quảy gánh thương đau mỉ cười” đã có những kỷ niệm gì, nhưng đọc lên người ta nghĩ ngay đến đời dâng hiến có vất vả gian nan mà cũng có niềm vui vì Chúa luôn hiện diện đồng hành. Ở đây ta có thể nói thêm: người môn đệ thực hành Lời Chúa dẫu phải gian nan vất vả, nhưng hạnh phúc vì mình đã gắn bó với Lời một cách thực lòng.

Một linh mục tôi quen biết khi ra trường chọn khẩu hiệu “lòng nhiệt thành nhà Chúa nghiêng cả lòng con”, anh em cùng thời cứ chọc ghẹo đọc trại chữ “nghiêng” thành chữ “nghiến” hoặc chữ “nghiền”,  nhưng anh chẳng buồn gì cả. Mà anh nhiệt thành thật. Cứ ba năm được đổi một xứ, chỉ vì quá nhiệt thành bất kể thời giờ tiền bạc khả năng cũng như bất cần cha xứ. Lần cuối bất chấp lệnh thuyên chuyển của bề trên, anh chạy vạy cho vận động được ở lại giáo xứ. Nhưng kết cục không vui. Anh được nghỉ hưu khi đời còn sung sức. Thế là trầm cảm nghiêng lòng, stress mãn tính. Thực hành theo kiểu vận dụng Lời Chúa để biện minh cho công việc của mình, sớm muộn cũng đi vào ngõ cụt.

          3.Giảng Lời Chúa

Như đã thưa, phần đầu lời thứ bảy của Đức Maria “ Người bảo gì” là một gợi ý cho việc giảng Lời Chúa. Đây là nhiệm vụ quan trọng. Chính THĐGMTG vừa qua cũng nêu vấn đề giảng Lời Chúa như một trong những chủ đề thiết yếu. Các nghị phụ nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chuẩn bị kỹ lưỡng, khắc ghi trong tâm trí những bài đọc Kinh Thánh của ngày hôm đó, suy gẫm những gì bài đọc nói với linh mục và soạn thảo những gì linh mục phải nói với cộng đoàn trong ánh sáng hoàn cảnh thực tế của họ. Để làm được như thế, các nghị phụ còn khuyên trong phần kết của sứ điệp: Hãy để cho Lời vang lên lúc khởi đầu ngày sống hầu Chúa là người nói trước hết, và hãy cho Lời vang vọng lúc chiều tà hầu Chúa là người nói sau cùng trong ta.

Nhiệm vụ quan trọng, nhưng không dễ dàng và cũng chẳng dễ chụi, còn đeo bám linh mục cho đến hết đời. Hồi tôi mới làm linh mục, cứ thứ hai đầu tuần đã phải mở xem phúc âm Chúa Nhật nói gì, rồi suốt tuần mặc kệ suy nghĩ đong đưa, mãi tới thứ sáu mới xác định được những gì phải nói để sau đó nặn óc ra bài giảng chuẩn bị đăng đàn. Cứ vất vả vật vờ như thế suốt. Bây giờ có chút kinh nghiệm, thấy đỡ hơn.

Giảng, theo nhãn giới lời cuối của Đức Maria, là tìm hiểu kỹ càng nội dung Lời Chúa hay gặp gỡ Chúa trước, rồi tìm cách giới thiệu Chúa cho người khác bằng hết khả năng có thể của mình. Giảng như thế không là giảng về mình, mà là giảng về Chúa với những chân lý của Ngài. Giảng về mình là cách che dấu thực tại về Chúa cách thành công nhất. Sáng danh tôi, tối danh Chúa là thế. Ngược lại, giảng về Chúa và chân ký của Ngài lại là cách giáo dục đức tin cách hiệu quả. Tuy nhiên, giảng không phải bằng ngôn ngữ của thiên thần bay bổng khó hiểu hoặc bằng ngôn ngữ của thần học lý luận khô khan, mà bằng ngôn ngữ của con người đang sống trong hoàn cảnh cụ thể. Chính đây là cửa ngỏ của kỹ thuật giảng cũng như là hướng đi của nghệ thuật giảng chinh phục lòng người. Lời khuyên của một nhà giảng thuyết lừng danh, thánh Ignatio, là: hãy chu toàn nhiệm vụ như chỉ một mình, và hãy đợi kết quả như chỉ do tình Chúa ban thôi.

Thánh Gioan Vianney là một thí dụ. Ngài không học rộng để khoe mình, củng chẳng học cao để xa xăm tư tưởng, chỉ thấy cần cù bù thông minh có sao nói vậy, ấy thế mà những lời giảng kèm theo mẫu gương đời sống đã trở thành hấp lực dẫn đến sự hoán cải của nhiều người. Bài giảng đích thực là bài giảng trong đó thính giả nghe lời linh mục và nhìn thấy đời sống linh mục chứng minh.

Giảng như thế vừa là một hồng ân thuộc thiên chức linh mục, vừa là một trách nhiệm thuộc sứ vụ giáo huấn. Còn vất vả, còn hy vọng; nhưng một ngày nào không còn thấy vất vả nữa, coi chừng đã bắt đầu ê a vo tròn bóp méo Lời Chúa theo ý nghĩ chủ quan của mình hoặc không bình thường như để buông ra trong bài giảng những lời phàm tục tức bực quát tháo cá nhân hay cay cú chì chiết bóng gió thù hằn. Không phải nhẹ nhàng mà có phép lạ Cana, nhưng phải vất vả kéo nước đổ đầy chum, múc nước cho quản tiệc nếm, lúc ấy phép lạ mới đến làm bừng vỡ niềm vui. Kiên trì với kiến thức học hành, với khả năng phát huy với kinh nghiệm tích lũy và với kinh nghiệm hằng ngày, bài giảng tự nó như nước lã sẽ được Chúa biến thành rượu ngon phục vụ cho cộng đoàn mình trách nhiệm.

Có mấy giáo dân đến kể với tôi rằng họ ngán đi lễ Chúa Nhật ở giáo xứ lắm, chẳng phải vì cha giảng dài giảng dai giảng dở cho bằng cha nóng nảy điểm mặt chỉ tên mắng mỏ còn hơn đốc công trong xí nghiệp Hàn Quốc. Hỏi ra mới biết những giáo dân này đi lễ ngồi không đúng chỗ quy định, thế là cha nổi đóa trên tòa giảng chỉ trỏ bắt phải dời đi chỗ khác. Xấu hổ cả buổi lễ rồi từ đó chuồn luôn. Xin lưu ý: những vụng về cá nhân trong tác vụ linh mục giáo dân dễ bỏ qua lắm, nhưng một khi bị sỉ nhục công khai, họ sẽ không bao giờ quên và nhiều khi lại gợi nhớ như một trong những hạng mục đàm tiếu chợ trời.

Tóm lại, lời cuối cùng của Đức Maria là một lời của vị trung gian đầy tâm huyết giữa Chúa Giêsu và tất cả mọi người. Mẹ dẫn dắt người ta đến gặp gỡ Lời Chúa, Mẹ khích lệ người ta chăm lo thực hành Lời Chúa, và Mẹ rút lui cho Lời Chúa trở thành máu thịt trong lòng kẻ tin. Đồng thời, trong nhãn giới mục vụ, lời thứ bảy này đã trở thành nguồn lực cho đời linh mục khi từng bước gặp gỡ, thực hành và giảng thuyết Lời Chúa cho cộng đoàn. Mong ước những chia sẽ này sẽ như một đóng góp nhỏ giúp mỗi người chúng ta thêm lòng yêu mến Đức Maria và cũng thêm lòng say mê đọc Lời Chúa theo phương pháp “lectio divina” ( đọc, suy tư, cầu nguyện, chiêm niệm).

Tác giả:  GM GIUSE VŨ DUY THỐNG

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!