Lễ Thánh Gia
Lc 2, 22-40
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
Khi ấy Ông Simon được Thần Khí dun dủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hai Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.
Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là Nadarét, miền Galilê. Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Một trong những lo âu hàng đầu hiện nay của các bậc cha mẹ là lo chạy trường cho con. Làm sao tìm được trường tốt không những để con cái học giỏi, mà còn rèn luyện đạo đức, tránh khỏi các tệ nạn xã hội.
Hôm nay Hội Thánh giới thiệu với chúng ta ngôi trường lý tưởng, một mô hình đào tạo thành công. Đó là Thánh gia Nazareth.
Thật vậy, cứ đọc câu kết thúc bài Tin Mừng vừa nghe : “Còn Hài nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên chúa” cha mẹ nào mà không nức lòng mong cho con cái mình được như thế. Thánh gia đã thành công trong việc đào tạo. Thánh gia đã trở thành ngôi trường kiểu mẫu giúp phát triển con người toàn diện. Không chỉ giúp phát triển thân xác, mà còn trí tuệ và nhất là đạo đức.
Qua trình thuật Tin Mừng, ta có thể thấy vài nét trong chương trình đào tạo của ngôi trường Thánh gia.
Đào tạo lương tâm.
Việc Thánh gia dâng con trong đền thờ là một việc tự nguyện. Chúa Giêsu là Thiên chúa nhưng đã tự nguyện tuân thủ lề luật của con người. Mẹ Maria là Mẹ Thiên chúa nhưng đã tự nguyện hoà mình vào nhịp sống cộng đoàn. Dâng con không chỉ biểu lộ thái độ khiêm nhường mà còn nói lên một lương tâm trong sáng. Giữ luật cả khi không bắt buộc phải giữ. Giữ luật cả khi không có người kiểm soát. Hoàn toàn với lương tâm, sự tự nguyện.
Đào tạo đức tin.
Đường đời đầy bóng tối nghi nan. Để bước đi phải có niềm tin vững mạnh. Thánh gia chính là gương mẫu của gia đình sống đức tin. Dù không hiểu chương trình của Thiên chúa, Mẹ Maria vẫn cúi đầu xin vâng. Dù không hiểu những sự việc xảy ra, vẫn ghi nhớ và suy niệm trong lòng. Thánh Giuse, dù không hiểu vẫn chấp nhận sống với Mẹ Maria, vẫn mau mắn thi hành lời Chúa dạy. Như tổ phụ Abraham cứ lên đường dù không biết đi đâu. Cứ vâng lời sát tế dù là cậu con duy nhất bảo đảm cho dòng dõi gia tộc.
Đào tạo đức ái.
Đức ái hệ tại việc mở lòng ra trong thái độ dâng hiến. Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu trong đền thờ. Abraham sát tế Isaac trên đồi. Dâng con có khác gì dâng mình. Hiến dâng là mở tâm hồn ra vô biên. Hiến dâng là kết hiệp với Thiên chúa. Là nhận thực con cái thuộc về Thiên chúa, phải đi vào chương trình của Thiên chúa, phải chu toàn sứ mệnh Thiên chúa trao. Hiến dâng cũng là đến với nhân loại. Việc sát tế Isaac khiến Abraham trở thành Cha của các dân tộc. Việc dâng Chúa Giêsu chỉ kết thúc trên Núi Sọ để đem ơn cứu độ đến cho mọi người như lời Siméon tiên báo.
Một chương trình đào tạo như thế thật cần thiết cho thời đại hôm nay. Khi người ta đã bắt đầu coi trọng lương thực hơn lương tâm. Khi những bóng mây nghi hoặc đang làm chao đảo bao tâm hồn thơ trẻ. Khi chủ nghĩa cá nhân đang hướng tới hưởng thụ ích kỷ, dửng dưng lạnh lùng trước nhu cầu của tha nhân.
Nếu mỗi gia đình trở thành một Thánh gia, ta sẽ đào tạo được những Giêsu cho thời đại mới.
Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nói : “Tương lai nhân loại sẽ đi ngang qua các gia đình”. Thật vậy, tương lai thuộc về giới trẻ. Giới trẻ được đào tạo trong các gia đình. Giới trẻ giống như hạt giống Chúa gieo vào vườn ươm gia đình. Nếu vườn ươm gia đình là thửa đất tốt thì hạt giống sẽ triển nở và nhân loại sẽ gặt được gấp trăm trong mùa gặt tương lai.
Trong Đại hội gia đình lần thứ IV tại Manila, Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II mong ước các gia đình Kitô hưũ trở thành Tin Mừng cho thiên niên kỷ thứ III. Thánh gia Nazareth đã là Tin Mừng cho nhân loại, đã trao cho nhân loại Tin Mừng sống động, Tin Mừng nguyên bản là Chúa Giêsu Kitô. Nếu các gia đình công giáo chúng ta sống theo gương Thánh gia Nazareth, chúng ta cũng sẽ trở thành Tin Mừng cho xã hội hôm nay. Và chúng ta cũng có thể gửi tặng cho xã hội hôm nay những người con của chúng ta, là những người công dân tốt đẹp, những phiên bản của Tin Mừng nguyên thuỷ, được đào tạo theo khuôn mẫu Chúa Giêsu Kitô.
Lạy Thánh gia Nazareth, xin dạy gia đình chúng con sống theo gương Ba Đấng. Amen.
+ Giuse Ngô Quang Kiệt
Tổng Giám Mục Hà Nội