CÂU HỎI:
Một phụ nữ mới sinh con phải đem con sơ sinh đi bộ hàng ngàn cây số từ ngoại ô Jerusalem
băng qua sa mạc, đồi núi, vượt Biển Đỏ để tới Ai Cập là điều không thể xảy
ra. Cũng đầy vẻ thần thoại!
TRẢ LỜI:
Không rõ người đặt câu hỏi này lấy thông tin từ
đâu để nói rằng Đức Mẹ:
- Mới sinh con,
- Phải đem con sơ sinh đi bộ hàng ngàn cây số,
- Vượt Biển Đỏ.
Những thông tin này
- Không có trong Thánh Kinh,
- Không có trong bất kỳ tài liệu lịch sử
nào,
- Không có trong thực tế.
Do đó, câu trả lời sẽ chỉ trình bày tổng quát về chuyến đi của Thánh Gia
sang Ai Cập dựa trên Mt 2, 7-15
và các thông tin trên
mạng lưới điện toán. Xem Wikipedia (bản tiếng Anh) https://en.wikipedia.org/wiki/Flight_into_Egypt
A.. Mt 2, 7-15:
7Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu các Hiền Sĩ tới, hỏi tỉ
mỉ về thời giờ ngôi sao xuất hiện, 8rồi phái họ đi Bêlem và
nói: "Các ông hãy lên đường và hỏi kỹ lưỡng về Con Trẻ; rồi khi đã tìm thấy
cũng xin cho trẫm biết, để cả trẫm cũng đến thờ lạy Ngài". 9Nghe
lời nhà vua, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Phương Đông lại hiện
ra trước họ, dẫn đường cho họ và dừng lại trên chỗ Con Trẻ đang ngụ. 10Họ
hết sức vui mừng thấy ngôi sao dừng lại. 11Và họ vào nhà gặp thấy
Con Trẻ cùng với Maria Mẹ Ngài, họ liền sấp mình xuống thờ lạy Ngài; rồi mở
tráp đựng lễ vật ra, họ đã dâng cho Ngài vàng, nhũ hương và một dược. 12Và
được mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã theo đường khác mà về xứ sở mình. 13Khi
các Hiền Sĩ ra về, thì này đây thiên thần Chúa hiện đến cùng Giuse trong giấc
mơ và bảo: “Hãy trỗi dậy đem Con Trẻ và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập và ở đó, cho đến
khi ta báo lại; vì Hêrôđê sắp tìm bắt Con Trẻ để giết hại”. 14Ông
liền trỗi dậy đem Con Trẻ và mẹ Ngài đang lúc ban đêm trốn qua Ai Cập 15và
ở đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu ứng nghiệm Lời Chúa nói qua vị Ngôn Sứ rằng:
“Từ Ai Cập, Ta sẽ gọi Con Ta về”.
Bản văn Thánh Kinh Mt 2, 7-15 đều ghi rõ là ‘Con Trẻ’ trong các câu 8, 9, 11,1 3, 14; tổng cộng là 6 lần. Tất
nhiên, có những cách dịch và định nghĩa khác nhau về chữ ‘Con Trẻ’, nhưng chắc chắn không phải là ‘sơ sinh’. Hơn nữa, khi ‘Hêrôđê đã ra lệnh giết các trẻ nam tại
Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian ông đã xác định
với các Hiền Sĩ.’ (Mt 2, 16) thì chúng ta có thể ước đoán rằng Chúa Giêsu
cũng ở trong khung tuổi đó. Nếu Chúa Giêsu không phải là trẻ sơ sinh, thì suy
luận tự nhiên cũng có thể nói rằng Đức Mẹ đã hồi phục sau khi sinh nở.
B.. Hành Trình:
Thánh Kinh và các tài liệu lịch sử không ghi lại hành trình của Thánh Gia
sang Ai Cập. Vì vậy, chúng ta không có thông tin gì về chuyến đi này. Tuy nhiên, chúng
ta có thể dựa vào những thông tin khách quan về lịch sử, địa lý, kinh tế, chính
trị .v.v... thời bấy giờ để có thể tạo nên một bức tranh về tuyến đường của
Thánh Gia sang Ai Cập.
Chúa Giêsu đến để làm trọn các lời Thánh Kinh, nên các Kitô hữu tiên khởi
đã nhìn lại cuộc đời và các lời giảng của Chúa Giêsu, xem các lời Thánh Kinh Cựu
Ước, để hoàn tất phần Thánh Kinh Tân Ước, như một lời nguyện xuất phát từ Đấng
Cứu Thế cho chương trình cứu độ nhân loại.
Do đó, việc Thánh Gia sang Ai Cập không phải chỉ là chuyện an toàn cho Con
Trẻ Giêsu mà bất cứ bậc cha mẹ nào như Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng sẽ thực hiện.
Hành trình này còn là một minh chứng rằng Chúa
Giêsu là Thiên Chúa thật và là con người thật. Ngài đến để chia sẻ đến tận cùng
số phận của con người, làm dân tị nạn ngay từ thuở ấu thơ. Quan trọng hơn hết,
Ngài làm trọn lời Thánh Kinh ‘“Từ Ai Cập, Ta sẽ gọi Con Ta về” (Ho 11, 1) để trở nên Trưởng Tử của một dân
Israel mới là Giáo Hội (Gl 6, 16).
NHỮNG NƠI THÁNH GIA CÓ THỂ DỪNG CHÂN HOẶC
ĐI NGANG QUA:
Thời gian tị nạn của Thánh Gia bên Ai Cập là những dấu tích hùng hồn của Đức
Tin Kitô Giáo. Những Kitô hữu đầu tiên đã tụ họp tại những nơi Thánh Gia đã đi
qua để cầu nguyện. Chính những chứng nhân tiên khởi này có thể đã giúp hình
thành nên đoạn Phúc Âm theo Thánh Máthêu mà chúng ta đang suy niệm. Khi có thể
được thì họ xây những nơi thờ phượng để các dấu tích này được trở thành sứ điệp
sống động cho việc rao giảng Phúc Âm. Đây chính là phần nào cơ sở cho chúng ta
biết được tuyến đường của Thánh Gia từ Bêlem sang Ai Cập.
Tất nhiên, với hàng trăm năm bị bách hại và
chiến tranh triền miên, những dấu tích hữu hình này cái còn, cái mất. Tuy
nhiên, những Kitô hữu vẫn trung thành gìn giữ những nơi thờ phượng này tùy theo
hoàn cảnh và khả năng của mình. Sau đây là danh sách những nơi mà Thánh Gia có
thể dừng lại hay đi ngang qua do Giáo Hội Coptic lưu giữ:
1. Hebron: cách Bêlem khoảng gần 30 cây số. Nơi đây có mộ các tổ phụ, và là nơi Đavít
được xức dầu phong vương. Khi Thánh Gia đến đây là coi như an toàn, vì tuy nằm trong Đế Quốc Rôma, nhưng Hebron là vùng ‘tự trị’
do người Êđôm cai quản.
2. Gaza: Cũng như Hebron, Gaza tuy nằm trong Đế Quốc Rôma, nhưng là vùng ‘tự
trị’ do người Êđôm cai quản.
3. El-Zaraniq: gần Rafah, cửa ngõ vào Ai Cập từ bán đảo Sinai, cách Bêlem khoảng
100 cây số.
Đến đây (3), Thánh Gia chính thức bước vào đất Ai Cập. Truyền thống Coptic
xây dựng các tu viện, nhà thờ, trung tâm hành hương, v.v... ở những nơi sau đây
để kỷ niệm dấu chân của Thánh Gia:
4. Pelusium (Tell el-Farama).
5. Bubastis (Tell Basta).
6. Mostorod ("Mahamma").
7. Belbeis
8. Samannoud
9. Sakha
10. Wadi Natrun
11. Matariya
12. Old Cairo (Fustat)
13. Maadi
14. Deir Al-Garnous
15. Gabal Al-Tair
16. Assiut
Đương nhiên những truyền thống khác có thể đưa ra
một tuyến đường khác. Dù khác biệt, những tuyến đường này đều nằm trong
truyền thống thánh thiện của các Giáo Hội Kitô, được chính phủ các quốc gia và
cư dân địa phương coi là một phần trong lịch sử tôn giáo, văn hóa, chính trị,
kinh tế, v.v... của họ. Xin đơn cử một tuyến đường do BBC sưu tập: www.bbc.co.uk/travel/article/20221116-holy-family-trail-a-new-path-though-egypts-holiest-sites
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Việc Thánh Gia
dùng phương tiện gì để di chuyển thì Thánh Kinh và lịch sử cũng không ghi chép.
Vì vậy chúng ta cũng dựa trên những tài liệu khách quan để có thể hình dung ra
chuyến đi này.
(Các) tuyến đường mà Thánh Gia có thể đi đã có một
lịch sử lâu đời, có những đoạn đường huyết mạch dọc theo bờ biển (xem https://en.wikipedia.org/wiki/Via_Maris
) được ghi lại trong Thánh
Kinh (Is 9, 1; Mt 4, 13-16). Tổ phụ Ábram có thể cũng đã đi phần nào trên tuyến
đường này (St 12, 10-20); ông Giuse bị các anh bán cũng có thể được đưa sang Ai Cập trên đoạn đường
này (St 37, 28). Do là tuyến đường chính nối nhiều vùng lại với nhau, nên các phương tiện
di chuyển thời đó như đi bộ, cưỡi trên lưng các súc vật, hoặc đi xe do súc vật kéo,
v.v... khá thông dụng trên các tuyến đường như vậy, và thời gian cũng càng ngày càng được rút ngắn
(xem www.americanbible.org/engage/bible-resources/articles/common-forms-of-transportation-in-the-ancient-world
)
Các ước đoán cho rằng
mỗi ngày có đến hàng ngàn người di chuyển trên các tuyến đường ra các cảng biển
nhộn nhịp hay dọc theo bờ biển (ví dụ xem lịch sử của Gaza https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_Gaza ). Có cầu thì tất có cung, do đó cũng có hệ thống nhà trọ dọc các tuyến đường,
và các nhà trọ này phải tuân theo luật lệ (xem https://en.wikipedia.org/wiki/Travel_in_classical_antiquity ).
Ngoài những đoàn lữ hành, thương nhân, v.v... còn
có những đoàn chiến binh, hành hương, di dân, du mục, v.v... đi từ vùng này
sang vùng khác. Trong những đoàn đó tất nhiên có người già, phụ nữ, trẻ em,
v.v... đủ mọi lứa tuổi và hoàn cảnh. Dòng người cứ tiếp tục đi trên các con đường
mà nhân loại đã xây dựng hoặc tổ tiên họ đã đi qua. Khi có nhu cầu chiến tranh hoặc
một chế độ mới phát triển, các con đường cũ có thể lại được mở rộng hay các tuyến
đường mới lại được xây thêm. Cứ thế, việc giao thương giữa các quốc gia và dân
tộc trong vùng Cận Đông ngày càng phát triển cho đến ngày hôm nay.
Kết luận: Cho rằng hành trình của Thánh Gia sang Ai Cập
có vẻ thần thoại thuộc quyền tự do của mỗi người. Tuy nhiên, phần trình bày ở
trên với các bằng chứng khách quan cho thấy chuyến đi tuy gian khổ, nhưng nhân
loại đã đi hàng bao nhiêu ngàn năm trước Thánh Gia, thì việc Thánh Gia chia sẻ số phận với nhân loại trên những cung
đường trần thế không phải là chuyện bất khả thi hay có vẻ thần thoại. Trên hết,
bàn tay quan phòng của Thiên Chúa chắc chắn sẽ làm cho lời hứa cứu độ của Ngài
được thực hiện đến từng nét một trong Thánh Kinh (Mt 5, 18) mà sức loài người chúng ta không thể
nào hiểu hết được.
PHỤ LỤC:
Xin bấm vào đường dẫn sau đây nếu muốn xem một bản
đồ đơn giản dành cho trẻ em: https://www.kidsmaps.com/joseph-mary-jesus-go-to-egypt
Lm John Minh
