* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/MrMWKbAR25E
- Trang Chủ của kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc
trực tiếp với:
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa nhật II Phục Sinh – Năm C
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (20,19-31)
Vào
buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín,
vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng:
"Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và
cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại
phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy
cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông:
"Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy
được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".
Bấy
giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông
khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi
đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi
không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh,
nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".
Tám
ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi
các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho
các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và
hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng
lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa
của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên
con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".
Chúa
Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép
trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa
Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh
Người.
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
Trong nhóm Mười Hai Tông Đồ, có một người tên là Tôma. Đoạn Tin Mừng hôm
nay kể lại câu chuyện “cứng lòng tin” của ông. Khi các Tông đồ kể cho tông đồ
Tôma rằng họ đã thấy Chúa, thì ông liền tuyên bố: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không
xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có
tin”. Có lẽ vì lời tuyên bố này mà
người ta đã đặt thánh Tôma làm “bổn mạng” của những người luôn đòi những bằng
chứng hữu hình và khoa học không thể chối cãi được về Thiên Chúa, về Chúa Kitô
như một điều kiện để tin vào Chúa Kitô và sự phục sinh của Người.
Tông đồ Tôma, cũng gọi là Đi-đy-mô, nghĩa là “Sinh đôi”. Nhưng Tin Mừng lại
không nói về người sinh đôi với Tôma, nên chúng ta có thể nói rằng, chúng ta
chính là người anh-chị-em song sinh của ngài mỗi khi chúng ta do dự và hoài
nghi, hoặc đòi hỏi phải có những bằng chứng cụ thể thì mới tin. Nhưng nếu chúng
ta nhìn nhận mình giống thánh Tôma trong thái độ “cứng lòng tin” của ngài, thì
chúng ta cũng phải đi tiếp con đường đức tin như thánh nhân vậy. Thánh Tôma
không ở mãi trong thái độ cứng lòng tin, đứng trước Đức Kitô Phục Sinh ngài đã
hoàn toàn suy phục chân lý đức tin khi tuyên xưng Người là Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Đức tin của chúng ta cũng cần phải đạt đến thái độ suy phục này, để rồi
trước Chúa, chúng ta tuyên xưng Người là “Thiên Chúa của con”.
Câu chuyện Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ và cho thánh Tôma nhắc
nhở chúng ta về hai chiều kích quan trọng của đức tin, đó là chiều kích cá
nhân và tập thể. Trước hết,
đức tin của mỗi chúng ta là kết quả của một quyết định cá nhân, và quyết định
này luôn phải được lặp đi lặp lại. Nhưng đức tin này lại được
nuôi dưỡng và lớn lên trong một tập thể, một cộng đoàn. Không ai có thể là một Kitô
hữu trưởng thành mà không cần đến cộng đoàn. Đó là lý do tại sao chúng ta phải
đến nhà thờ, không chỉ để thực hành niềm tin của mình, nhưng còn để sống, để chia
sẻ, hiệp thông và nâng đỡ nhau trên con đường đức tin, và cùng với anh chị em
mình vượt qua những hoài nghi nhằm đạt đến sự viên mãn của đức tin
Chúa Giêsu nói: “Tôma, vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”Lời này vẫn được Chúa Giêsu lặp lại với hàng triệu Kitô hữu từ hai ngàn năm nay, và với mỗi người chúng ta hôm nay. Chắc chắn không ai trong chúng ta được gặp Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt,
được chạm đến Người như các Tông đồ, nhưng chúng ta vẫn tin Người hiện hữu và
hằng sống nhờ vào lời chứng của các Tông đồ được lưu truyền lại trong Giáo hội. Chúng ta không nhìn thấy Chúa, nhưng chúng ta tin rằng Người hiện diện qua các dấu chỉ như qua các bí tích, đặc biệt là Bí tích
Thánh Thể; qua Kinh thánh bằng việc đọc và suy gẫm Lời Chúa; qua các buổi nhóm họp và cầu nguyện của các Kitô hữu, như Chúa Giêsu đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp nhân danh Thầy, thì có Thầy ở
đấy, giữa họ.” (Mt 18,20) ; qua những người làm việc bác ái, những người xây dựng công lý và hòa bình,...
Tuy nhiên mấu chốt của bài Tin Mừng hôm nay không chỉ là câu chuyện về tông
đồ Tôma và lời tuyên xưng của ông, nhưng còn là việc Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ vào ngày Người phục sinh. Đó là một cuộc hiện ra điển hình tổng hợp tất cả
những lần hiện ra khác, gồm hai mục đích:
Mục đích thứ nhất, cuộc hiện ra này làm nảy sinh niềm tin của các môn đệ
vào Chúa Giêsu, Đấng Phục sinh. Người ở đó giữa họ và ăn uống với họ. Trong bốn
mươi ngày, các môn đệ tiếp xúc và trò chuyện nhiều lần với Chúa Kitô, nhờ đó
đức tin của họ được cũng cố. Họ tràn ngập niềm vui và bình an. Và Người hứa sẽ
ở cùng họ mọi ngày cho đến tận thế.
Mục đích thứ hai là, nhờ lòng tin được
củng cố, cùng với lệnh truyền sai đi với năng quyền và Thánh Thần được ban cho,
các tông đồ sẵn sàng và mạnh dạn ra đi, tiếp tục sứ mệnh của Thầy là loan báo
Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.
Chúa Giêsu sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng. Người ban cho họ Thánh Thần, ban quyền năng tha tội
và các quyền giải thoát khỏi ác thần và sự dữ.
Ta có thể thấy rằng, vào chính ngày lễ Phục Sinh, Giáo hội đã được khai sinh vì hội đủ các yếu tố cấu thành của nó:
Thứ nhất, một cộng đoàn thường xuyên họp nhau, nhất là vào “ngày thứ
nhất trong tuần” của người Do Thái, tức là Chúa nhật, ngày Chúa Kitô phục sinh; họ cử hành nghi thức “bẻ bánh”, tức là Bí
tích Thánh Thể; và đây là một cộng đoàn gồm những người tin vào Chúa Giêsu, Đấng Phục sinh. Đó là một
cộng đoàn “Kitô giáo”, bởi vì Chúa Kitô ở giữa cộng đoàn này.
Thứ hai, cộng đoàn này
được Đấng Phục Sinh ban Thánh Thần để được sai đi và được trao quyền năng để
thi hành sứ vụ.
Một cộng đoàn họp nhau nhân danh Chúa Kitô và
có Chúa Thánh Thần hoạt động giữa họ, đó là hai yếu tố tối thiểu để chúng ta có
thể nói, việc nhóm Mười Hai tụ họp và được lãnh nhận Thánh Thần của Đấng Phục
Sinh là sự hình thành đầu tiên của Giáo hội.
Giáo hội là chính
chúng ta. Khi chúng ta họp nhau cầu nguyện và cử hành thánh lễ,
chúng ta làm cho Giáo hội của Chúa trở nên sống động và hữu hình. Qua Giáo hội,
Thiên Chúa ban cho chúng ta Thánh Thần của Người, lương thực hằng sống, sự bình
an và ân sủng của Người. Nơi Giáo hội, Chúa trao cho chúng ta sứ mạng loan báo
Tin Mừng và trở nên những chứng nhân Nước trời.
Ước gì mỗi chúng ta luôn ý thức vị trí cao quý của mình trong Giáo hội để luôn
sống gắn bó với Giáo hội, tích cực cộng tác trong việc xây dựng Giáo hội, và
làm cho niềm vui Phục sinh và Tin Mừng cứu độ được loan báo đến cho mọi người.
Amen.