Hầu
hết người Công giáo đều quen thuộc với Bảy tội lỗi chết người, còn được gọi là
Bảy mối tội đầu. Đây là những tội gây ra tất cả các tội khác, đó là lý do tại
sao chúng được gọi là tội đầu - bởi vì chúng đứng đầu tất cả các tội khác.
Nhiều
hướng dẫn tâm linh, bài viết và thảo luận đã xoay quanh những phương cách chống
lại những tội lỗi này và những nhân đức nào chúng ta nên cố gắng theo đuổi để
chống lại những tội lỗi này. Ví dụ, những người chiến đấu với tính kiêu ngạo phải
cầu xin ơn khiêm nhường và thực hành các việc cụ thể để sống nhân đức này tốt
hơn.
Vào
một thời điểm nào đó trong cuộc hành trình tâm linh của một người, khi chúng ta
tìm cách đến gần Chúa hơn, sẽ đến một lúc chúng ta nhận ra rằng, ngay cả khi
chúng ta đã thực sự chiến đấu với tội lỗi của mình, thì vẫn cần phải có sự chữa
lành tâm linh sâu xa, vốn thanh tẩy chúng ta hoàn toàn khỏi bảy tội lỗi chết
người.
Thánh
Gioan Thánh Giá, Tiến sĩ Hội thánh, giải thích rằng những tội lỗi này có một yếu
tố tâm linh sâu sắc, rằng chúng thường có thể ẩn náu dưới những vỏ bọc tâm
linh, và để tiến xa hơn trong đời sống tâm linh, cần phải chữa lành trong những
lĩnh vực này .
Một
cuộc khảo sát nhanh, noi theo Thánh Gioan, đi sâu hơn vào những tội lỗi chết
người này để gợi ra nơi nào chúng ta có thể tìm được sự chữa lành và biến đổi từ
Thiên Chúa. Tất cả những câu trích dẫn của Thánh Gioan Thánh Giá đều lấy từ tác
phẩm Đêm đen của linh hồn như được
trích dẫn trong tác phẩm xuất sắc của Ralph Martin, Sự thỏa mãn mọi khát khao.
1. Kiêu ngạo
Kiêu
ngạo không chỉ đơn giản là tự cao tự đại hoặc đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa.
Ngay cả ước muốn của chúng ta về sự thánh thiện và hoàn hảo cũng có thể trở
thành nguồn gốc của sự kiêu ngạo. Chúa Giêsu bảo chúng ta phải nên hoàn thiện
(Mt. 5:48) và khi cố gắng đạt được sự hoàn hảo, chúng ta có thể bị cám dỗ nản
lòng khi không trở nên hoàn hảo như Cha chúng ta là Đấng hoàn hảo.
Thánh
Gioan viết,
· “Đôi khi họ giảm nhẹ những lỗi lầm của mình, và những lúc khác họ trở
nên chán nản vì những lỗi lầm đó, vì họ cảm thấy mình đã là thánh nhân và họ trở
nên thiếu kiên nhẫn và tức giận với chính mình, đó lại là một lỗi lầm khác.”
Trong
khi chúng ta phải cố gắng đạt được sự hoàn hảo về mặt đạo đức, thì lý trí của
chúng ta hoàn toàn nhắm đến việc làm vui lòng Thiên Chúa. Tuy nhiên, có thể ước
muốn của chúng ta nên hoàn hảo và thánh thiện lại có thể qui về mình hơn là qui
về Thiên Chúa.
Thánh
Gioan tiếp tục,
· “Họ thường vô cùng lo lắng rằng
Thiên Chúa sẽ xóa bỏ những lỗi lầm và sự không hoàn hảo của họ, nhưng động cơ của
họ là sự bình an cá nhân hơn là Thiên Chúa. Họ không nhận ra rằng nếu Thiên
Chúa xóa bỏ lỗi lầm của họ, họ rất có thể trở nên kiêu ngạo và tự phụ hơn.”
Chúng
ta nên xem xét câu hỏi: “Tại sao chúng ta muốn trở nên hoàn hảo?” Nếu vì Chúa
chứ không phải vì mình, thì chúng ta phải khiêm tốn trước những bất toàn của
mình, kiên nhẫn chờ đợi Chúa chữa lành.
2. Hà tiện
Trong
khi sự ganh tị có xu hướng tập trung vào người có thứ mà chúng ta ước mình có,
thì sự hà tiện, còn gọi là tham lam, lại tập trung vào sự thèm muốn chính thứ
đó. Điều này có thể gây ngạc nhiên, nhưng thực sự là chúng ta cũng có thể tham
lam của cải tinh thần.
Dù
luôn luôn tìm kiếm thêm lời khuyên bảo tâm linh, hoặc bản mới nhất của một cuốn
sách thần học, hoặc có lẽ chỉ đơn giản là một biểu tượng khác để đặt trong
phòng - sự tham lam về tâm linh là một mong muốn quá mức đối với tài sản tinh
thần và tìm kiếm sự an ủi tinh thần trong những thứ của cải này hơn là trong
Thiên Chúa.
Thánh
Gioan Thánh Giá viết về những người bị mê hoặc bởi lòng tham thiêng liêng,
· “Họ tự đè nặng mình bằng những
hình ảnh và chuỗi tràng hạt được trang trí quá mức… họ thích cây thánh giá này
hơn cây thánh giá khác vì sự tinh vi của nó.”
Trước
hết, chúng ta có thể nhìn thấy khuynh hướng tội lỗi này trong cuộc sống của
chính mình và nhận ra nó cám dỗ như thế nào bởi vì những đối tượng cầu nguyện
và thánh thiện này thực sự tốt lành và hữu ích. Tất nhiên, có những cuốn sách
hay và những đồ thánh là điều tốt, và đôi khi là điều cần thiết, để phát triển
đời sống tâm linh. Việc sở hữu và muốn có những món đồ này một cách có chừng mực
không bị coi là chướng ngại, có điều, Thánh Gioan chỉ ra rằng chúng ta có thể
thần tượng hóa bất cứ thứ gì, ngay cả những thứ thánh thiện.
Thánh
Gioan giải thích rằng “Sự sùng kính đích thực xuất phát từ cõi lòng và chỉ chăm
chú vào sự thật và vào bản chất vốn được thể hiện qua các đồ thánh” và chúng ta
phải thường xuyên nhắc nhở bản thân về điều này. Mục tiêu không phải là có nhiều
ảnh tượng và tràng hạt, nhưng mục tiêu là Thiên Chúa. Chúng ta không cần có nhiều
đồ thánh hơn, chúng ta cần Thiên Chúa nhiều hơn.
3. Mê dâm dục
Ngay
cả những người đã nắm vững nhân đức khiết tịnh vẫn có thể bị cám dỗ bởi dục vọng
và tội lỗi xác thịt. Trên thực tế, Thánh Gioan Thánh Giá chỉ ra rằng, mặc dù
đáng ngạc nhiên, những cám dỗ về tham dục thường có thể xuất hiện trong lúc cầu
nguyện và linh thao.
Lý
do cho điều này có lẽ có thể được nhìn thấy trong mối liên hệ chặt chẽ giữa
tinh thần và cảm giác. Chúng ta thường cảm nghiệm niềm vui và sự an ủi trong
các thực hành tâm linh của mình một cách đầy cảm giác và cảm xúc. Đối với những
người không đủ mạnh mẽ để kiểm soát các phản ứng theo cảm giác trong đời sống
tinh thần, có nhiều khả năng gặp phải những ham muốn và cám dỗ nhục dục này.
Thánh
Gioan cũng chỉ ra rằng đây là một chiến thuật của ma quỷ, để dụ dỗ người ta xa
rời việc cầu nguyện: “Để làm cho họ trở nên hèn nhát và sợ hãi, nó gợi lên một
cách sống động trong tâm trí họ những ý nghĩ xấu xa và ô uế… ma quỷ kích thích
những cảm xúc này trong khi các linh hồn đang cầu nguyện, thay vì cám dỗ khi họ
bận rộn với công việc khác nhằm để họ từ bỏ việc cầu nguyện.”
Tất
nhiên, cần phải chống lại ma quỷ và kiên trì cầu nguyện, chính khi đối mặt với
những cám dỗ này. Thiên Chúa sẽ tiếp tục thanh tẩy những ước muốn này và nâng
chúng lên thành đức ái thuần khiết là chính Ngài.
4. Hờn giận
Chúng
ta rất dễ mất bình tĩnh và trở nên tức giận một cách hợp lý, chẳng hạn như bị cắt
ngang khi tham gia giao thông, hoặc khi ai đó mắc lỗi khiến chúng ta gặp rắc rối,
chúng ta cũng có thể trở nên tức giận trong đời sống thiêng liêng.
Thánh
Gioan Thánh Giá chỉ ra điều này có thể xảy ra theo hai cách thức chính. Chúng
ta có thể nổi giận với người khác khi thấy họ phạm tội và không đạt được sự
hoàn hảo tâm linh. Thánh Gioan nói rằng những người này đang “tự cho mình là
Chúa của các nhân đức” và đi ngược lại với nhân đức hiền lành.
Một
cách khác mà tội lỗi chết người của giận dữ có thể bén rễ trong đời sống thiêng
liêng là sự tức giận với chính chúng ta. Thánh Gioan viết,
· “Những người khác, khi nhận thức
được sự không hoàn hảo của chính mình, trở nên tức giận với chính mình vì thiếu
kiên nhẫn không khiêm tốn… Họ muốn trở thành thánh trong một ngày… Họ đưa ra
nhiều kế hoạch và quyết tâm lớn, nhưng vì họ không khiêm tốn và không tin tưởng
vào bản thân nên càng quyết tâm hơn thì họ càng làm cho bản thân mình đổ vỡ, và
sự tức giận của họ lại càng trở nên lớn hơn. Họ không đủ kiên nhẫn để chờ đợi
cho đến khi Thiên Chúa ban cho họ những gì họ cần, khi Ngài muốn như vậy.”
Giống
như liều thuốc giải độc cho tính kiêu ngạo, chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho
chúng ta sự kiên nhẫn khi chúng ta cố gắng đạt đến sự hoàn hảo trong thời gian
thánh của Ngài. Sự hoàn hảo về mặt đạo đức của chúng ta là dành cho Ngài chứ
không phải vì sự bình an hay thỏa mãn của riêng chúng ta. Sự tức giận khi đối mặt
với sự không hoàn hảo của chúng ta chỉ làm chúng ta xa cách Thiên Chúa hơn.
5. Mê ăn uống
Ham
mê ăn uống liên quan đến ham muốn và tiêu dùng đồ ăn thức uống quá mức. Trong đời
sống thiêng liêng, cũng có thể có sự nhấn mạnh quá mức đến những cảm xúc phát
sinh từ lời cầu nguyện của chúng ta đến mức chúng ta tập trung vào những cảm
xúc chứ không phải Thiên Chúa. Thói ham ăn tâm linh là ham muốn quá mức đối với
cảm xúc tâm linh hơn là chính Thiên Chúa. Có thể những giờ đọc sách thiêng
liêng, cầu nguyện, ăn chay, bố thí và hoạt động mục vụ của chúng ta khiến chúng
ta cảm thấy hài lòng vì chính mình hơn là hướng về Thiên Chúa và ý Ngài.
Về
những kẻ háu ăn thiêng liêng, Thánh Gioan nói, “Mong mỏi và thỏa mãn duy nhất của
họ là làm những gì họ cảm thấy muốn làm… Họ nghĩ rằng làm hài lòng và thỏa mãn
bản thân là phục vụ và làm hài lòng Thiên Chúa.”
Sẽ
rất nguy hiểm khi cho rằng những việc ngoan đạo và thánh thiện mà chúng ta muốn
làm cho chính mình cũng là những điều Thiên Chúa muốn cho chúng ta. Liệu chúng
ta dành ra một giờ để đọc sách thiêng liêng vào buổi sáng vì Thiên Chúa kêu gọi
chúng ta làm như vậy, hay vì chúng ta cảm thấy tốt cho chúng ta và bắt đầu công
việc trong ngày như vậy thì dễ dàng hơn? Liệu chúng ta kiêng ăn ba lần một tuần
vì chúng ta nhận ra Chúa đang đòi chúng ta những hy sinh này hay chỉ vì chúng
ta thích những ích lợi thể chất mà việc ăn chay đem lại?
Những
lời cầu nguyện và lòng sùng kính tốt nhất và hiệu quả nhất sẽ luôn luôn là những
lời cầu nguyện và sùng kính cụ thể mà Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta thực hiện.
Sự nguy hiểm của chứng ham mê ăn uống thiêng liêng là một lời nhắc nhở tốt lành
rằng cần phải liên tục cầu xin Thiên Chúa củng cố các việc thiêng liêng của
chúng ta sao cho phù hợp với ý muốn của Ngài.
6. Ganh ghét
Đối
với nhiều người, tội đố kỵ hàm chứa một thứ cực đoan của lòng tham - đó là ham
muốn một thứ mà người khác có. Trong khi lòng đố kỵ chất chứa lòng tham này,
thì lòng đố kỵ, hiểu một cách chính xác hơn, lại là sự buồn bã trước điều tốt lành
của người khác. Ganh ghét đố kỵ không muốn hàng xóm có xe hơi đẹp hơn mình; Ganh
tỵ là buồn bã hoặc thất vọng vì hàng xóm của bạn có một chiếc xe hơi mà bạn
không có.
Thánh
Gioan Thánh Giá cho thấy lòng đố kỵ cũng có thể tồn tại trong đời sống thiêng
liêng. Ngài viết:
· “Về tính đố kỵ, nhiều người
trong chúng ta cảm thấy buồn bã khi người khác có những giá trị tinh thần và chúng
ta cảm thấy buồn bã khi nhận thấy rằng người hàng xóm của mình đang đi trước mình
trên con đường hoàn thiện, và chúng ta không muốn nghe người khác ca ngợi họ. Học theo
nhân đức của người khác làm cho chúng ta buồn phiền. Chúng ta không thể chịu được
khi nghe người khác được khen ngợi mà không phản bác lại những lời khen ngợi đó
càng nhiều càng tốt.”
Những
lời gay gắt này chắc chắn đúng. Thật sự người ta có thể buồn lòng khi thấy một
người nào đó gần gũi với Thiên Chúa hơn mình, trưởng thành hơn về mặt tâm linh
và nhận được nhiều lời khen ngợi hơn về lòng tốt và sự tăng trưởng của họ trong
đời sống tâm linh. Cảm thấy tổn thương, tuyệt vọng và thất vọng khi người khác đạt
được giá trị tâm linh chính là lòng ganh ghét đố kỵ.
Để
chống lại điều này, chúng ta phải biết ơn về các phúc lành thiêng liêng mà Chúa
đã ban cho chúng ta. Chúng ta cũng phải cầu xin ơn để thấy rằng giá trị tâm linh
của người khác không làm tổn thương hoặc lấy đi giá trị tâm linh của chúng ta,
trái lại, nó giúp xây dựng Thân mình Chúa Kitô và như vậy là mang lại giá trị cho
chúng ta.
7. Thói lười biếng
Thói
lười biếng thường được đánh đồng với sự biếng nhác trong công việc nhưng có thể
được định nghĩa một cách rõ hơn, đó chính là nỗi buồn khi đối mặt với điều tốt
lành. Giống như sự lười biếng có thể cực kỳ thử thách và thường thấy trong đời
sống cảm xúc của chúng ta, thì trong đời sống tinh thần của chúng ta cũng vậy.
Sự lười biếng thiêng liêng, hoặc nỗi buồn sâu sắc khi đối mặt với của cải thiêng
liêng, có thể trở nên khá thử thách khi Thiên
Chúa giữ lại một số cảm xúc và sự an ủi mà Ngài có thể đã ban cho trước đó khi
người ta cầu nguyện.
Thánh
Gioan giải thích,
· “Về sự lười biếng tinh thần,
những người mới bắt đầu thường trở nên mệt mỏi với các bài tập có tính tâm linh
hơn và trốn chạy các bài tập đó vì những bài tập này trái ngược với sự thỏa mãn
giác quan. Vì họ đã quá quen với việc tìm kiếm niềm vui trong các thực hành tâm
linh, nên họ trở nên chán nản khi không tìm thấy niềm vui đó… Họ bỏ cầu nguyện
hoặc cầu nguyện một cách miễn cưỡng.”
Giống
như chứng ham mê ăn uống thiêng liêng, sự lười biếng thiêng liêng có thể bắt
nguồn từ mong muốn có được cho riêng mình những cảm xúc và sự an ủi liên quan đến
việc cầu nguyện hơn là hướng về Thiên Chúa. Đây chính là lý do tại sao đôi khi
Thiên Chúa sẽ loại bỏ những cảm giác và sự an ủi này, không phải như một sự trừng
phạt, nhưng để thanh tẩy linh hồn chúng ta và nhắc nhở chúng ta lý do tại sao
chúng ta cần phải cầu nguyện trước hết.
Một
lần nữa, chúng ta phải cầu xin Chúa thanh tẩy linh hồn mình, vì thanh tẩy sâu
xa là cách duy nhất để chữa lành những tội lỗi chết người thiêng liêng này. Khi
chúng ta nhận ra sự khô khan hơn trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta phải tự
nhắc mình rằng đây là lúc chúng ta gần gũi với Thiên Chúa hơn, chúng ta phải ôm
lấy khúc gỗ thập giá khô khan mà chúng ta đang vác, biết rằng Thiên Chúa đang cho phép điều này là tốt cho chúng
ta.
Chữa lành sâu
xa hơn
Tóm
lại, khi chúng ta tiến bộ trong đời sống thiêng liêng, chúng ta sẽ thấy rằng
linh hồn của chúng ta đã bị tội lỗi bóp méo nhiều hơn những gì chúng ta có thể
tưởng tượng.
Ngay
cả khi đã hiểu biết mình rõ ràng nhất, sau khi chúng ta đã chiến đấu với bảy mối
tội đầu chết người và được giải thoát khỏi những thói hư tật xấu này, khi chúng
ta đến gần hơn với Thiên Chúa chí thánh, chúng ta sẽ thấy những vết nhơ sâu xa
hơn của những tội lỗi này, những tội lỗi chết người trên bình diện tâm linh.
Cho
dù đó là kiêu ngạo, ganh ghét, hám lợi, hờn giận, ham muốn, mê ăn uống hoặc lười
biếng – những tội lỗi chết người này có thể tồn tại ở mức độ tâm linh, giống
như chúng tồn tại ở mức độ cảm tính.
Chúng
ta có thể trở nên kiêu ngạo về mặt thiêng liêng, lấy sự hoàn hảo về mặt đạo đức
của mình thay thế cho Thiên Chúa. Chúng ta có thể ganh ghét về mặt thiêng
liêng, buồn phiền khi người khác tiến bộ trong mối tương quan với Thiên Chúa.
Trong
đời sống thiêng liêng, chúng ta có thể có kinh nghiệm về sự ham hố, tham muốn
những vật thánh và của thánh hơn là Thiên Chúa mà những vật thánh và của thánh
đó chỉ ra cho chúng ta. Chúng ta có thể trở nên giận dữ về mặt thiêng liêng và
khó chịu với thế giới cũng như bản thân khi phát hiện ra bất cứ khiếm khuyết
nào về mặt đạo đức.
Trong
đời sống thiêng liêng, chúng ta có thể có kinh nghiệm về dục vọng, bị ma quỷ
cám dỗ trong giờ cầu nguyện khi nó tìm cách lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa.
Chúng ta có thể trở thành những kẻ ham mê ăn uống cách thiêng liêng, tự vỗ béo
mình bằng những cảm giác đến từ sự nhiệt thành của mình và tập trung vào những
điều này chứ không phải Thiên Chúa. Cuối cùng, khi những cảm giác đó bị loại bỏ,
chúng ta có thể trở nên lười biếng và chán nản về mặt thiêng liêng đối với việc
cầu nguyện bởi vì chúng ta thực sự muốn có những cảm giác tốt đẹp đó chứ không
phải Thiên Chúa.
Chúng
ta có thể có kinh nghiệm về một số tội đầu này, chứ không phải tất cả những cám
dỗ và tội lỗi này. Con đường đến với Thiên Chúa của mỗi người là khác nhau,
nhưng điểm chung của tất cả chúng ta là đều cần Thiên Chúa thanh tẩy những lỗi
lầm. Nếu muốn tiến cao hơn trong đời sống thiêng liêng, chúng ta phải nhìn nhận
rằng chỉ nhờ ơn Chúa thì chúng ta mới có thể được chữa lành và tiến tới. Hãy cầu
nguyện với Chúa, kiên nhẫn và tin tưởng vào Ngài.
Hunter
Leonard
Chuyển
ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
https://catholicstand.com