MỘT CÕI ĐI VỀ
Trần Mỹ Duyệt
Hôm nay tôi một mình đi trong nghĩa trang, tìm lại những kỷ niệm
của những người đã đi trước: giám mục, đức ông, linh mục, tu sỹ, các bậc tổ
tiên, ông bà, cha mẹ, chú thím, bạn bè, và anh em. Đời người thật ngắn
ngủi. Mới đó mà nay đã ra người thiên cổ. Mới đó mà nay đã không còn xuất hiện
trên cõi đời này, không còn có dịp gặp gỡ, hàn huyên, tâm sự với nhau nữa. Một
điều khiến tôi phải suy tư rất nhiều, đó là dù ai đi nữa thì nơi ở cuối cùng
của họ cũng như nhau. Một nấm mồ, một mảnh đất khiêm tốn, và một tấm bia ghi
lại tên, nơi sinh, ngày sinh và ngày tạ thế. Giữa thinh không bao la ấy, bất
chợt tôi nghe đâu đây lời ca của Khánh Ly qua nhạc phẩm Một Cõi Đi Về của Trịnh
Công Sơn:
“Bao
nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”.
Tính đến thời điểm này, người thân và bạn bè đã rủ nhau bỏ lại
tôi tất cả là gần 80 người, trung bình cứ một năm là một người. Riêng chỉ năm
nay đã có đến 5 người, một ở Úc Châu, ba ở Hoa Kỳ và một ở Việt Nam. Nhìn quanh
cứ thấy số tuổi tăng thêm, thì số người thân yêu, bạn bè lại giảm. Nay người,
mai ta. Mỗi lần nhận được tin ai đó qua đời tự nhiên trong lòng cảm thấy bồi
hồi xúc động. Không biết bao giờ thì đến phiên mình, mà chắc chắn là ngày ấy
cũng phải đến thôi, chỉ còn biết tự an ủi: “Sự chết mỉm cười với chúng ta tất
cả, và tất cả những gì một người có thể làm được là mỉm cười lại với nó”
(Marcus Aurelius, Hoàng Đế Roma). Nghĩ vậy nhưng vẫn thấy lòng mình nôn nao,
một cảm nghĩ bâng khuâng cho số kiếp con người.
Nhưng không lẽ chết là vậy sao? Chết là người còn sống đem chúng
ta vào nhà xác, đặt chúng ta trong quan tài, rồi đem chúng ta ra nghĩa địa?
Chết là bỏ lại tất cả? Chẳng lẽ chết rồi thì không còn nhìn mặt nhau, không còn
máu mủ ruột rà, không còn tình thầy trò, không còn bạn bè, không còn cái gì
hết? Nếu vậy thì tại sao trong văn hóa Việt Nam lại có câu: “Sinh ký, tử quy”
(Sống gửi, thác về)?
Đời người ngắn ngủi: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy. Cảnh phù du
trông thấy cũng nực cười”. (Cao Bá Quát). Thì ra con người xuất hiện trên dương
thế làm gì đi nữa, đi đâu đi nữa, cũng chỉ đủ một ngày 24 tiếng, và thọ lắm
cũng chỉ 100 năm, rồi cuối cùng thì đành chấp nhận bỏ lại sau lưng và phải ra
về. Về đâu?
Thực tế là về với nấm mộ của mình, về với lòng đất lạnh, về với
nghĩa trang đìu hiu, và về một nơi mà những người còn sống không muốn về cùng
hay chưa muốn về: “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về
bụi tro.) Nhưng với cái nhìn tâm linh, thì nơi con người về đó là Niết Bàn hay
Thiên Đàng, nơi ngập tràn ánh sáng, bình an, và hạnh phúc, hoặc Địa Ngục, nơi
tối tăm, bất hạnh, và đọa hình muôn thuở. Chỉ có hai nơi. Và một trong hai nơi
ấy là chọn lựa của mỗi người. Thượng Đế không ép buộc ai phải lên Thiên Đàng
với Ngài, và Thượng Đế cũng không đẩy ai vào Địa Ngục.
Nhưng để chuẩn bị hành trang cho chuyến tàu định mệnh đến nơi mà
mình sẽ về ấy, liệu chúng ta sẽ mang theo những gì? Ai chúng ta sẽ gặp gỡ và
đang chờ đợi để đón mình cuối sân ga vĩnh cửu? Để trả lời câu hỏi này, tôi nhớ
lại một bức tranh vẽ về một người nhà giầu, có lẽ là tỷ phú hoặc một ai đó rất
giầu có. Ông một tay kéo theo chiếc va ly, tay kia xách một túi xách đầy ắp
vàng bạc và châu báu. Nhưng ông bị thần chết chận lại và nói: “Hãy để lại tất
cả những thứ này trước khi bước qua ngưỡng cửa đời đời. Ở bên kia, chỉ xài phúc
và tội thôi”. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra cho người giầu có kia, vì cái mà ông định
mang theo lại không được phép đi theo ông, còn cái mà ông không chuẩn bị sẽ đi
theo ông.
Từ nghĩa trang trở về, tôi tự nhủ: “Phải bắt đầu lại cho tương
lai của mình bên kia thế giới, nơi mà ở đó chỉ xài tiền phúc hoặc tội”. Nhưng
cũng băn khoăn hỏi mình: Về đâu? Đâu là nơi mà mình sẽ đến sau khi chết?
2 tháng 11 năm 2024
Lễ các Linh Hồn
Tác giả:
Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt
|