Bernard Nguyên-Đăng, J.D.
Lời vào…
Hơn hai ngàn năm qua, người Kitô hữu
trên toàn thế giới nghe nhiều, đọc nhiều và tưởng chừng như hiểu biết rộng, am
tường sâu, thông suốt về cội nguồn, cái nôi của Kitô giáo. Phải chăng, cái nôi
của Kitô giáo phát sinh từ miền đất Galileo, Jerusalem; hoặc nói rộng ra, cội
nguồn của Kitô giáo khai sinh từ miền đất Palestine, nay thuộc về Do Thái?
Có nhiều lập luận, và chứng minh
được rằng, miền “đất thánh thứ hai” (second holyland) của Kitô giáo
chính là miền đất Tiểu Á (Asia Minor), thuộc về đế quốc La Mã; nay, thuộc về
Thổ Nhĩ Kỳ (Turkiye), và chính cái tên, cái nôi của Kitô giáo cũng đã phát sinh
từ đây—Antioch.
Antioch, một thành phố cực bắc của
Syria xưa, nay thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ, có tên Antakya, tỉnh Hatay, nơi quy tụ các
tông đồ, nhiều cộng sự, rao giảng tin mừng và thành lập nhóm tín hữu mới. Chính
nơi đây, tên Kitô giáo (Christianity), danh xưng được chọn cho cộng đoàn tin
theo đức Giêsu, chưa thể gọi là giáo hội. Sau khi số tín hữu đông lên, Phêrô
trở thành thủ lãnh đầu tiên với phẩm trật Giám Mục tiên khởi, và hiểu một cách
khác, chính Phêrô đã mặc nhiên trở thành giáo chủ, giáo hoàng đầu tiên của giáo
hội Kitô giáo tại đây, không phải tại Jerusalem hoặc Rôma/La Mã (Italia).
Sau “Hành Trình Theo Dấu Chân
Phaolô” từ Hy-Lạp đến Roma, nhưng chưa đặt chấn đến nơi chôn nhau cắt rốn của
Phaolô, chưa rong ruổi trên thành phố cổ Antioch/Antakya, nơi khai sinh của
Kitô giáo, không thể trọn giấc mơ chạm sát vào con người lịch sử của Phaolô,
các tông đồ, và đặc biệt là đức Giêsu và Mẹ Người, đức Maria. Do đó, nơi đây
ghi tóm gọn lại hành trình “Tìm Về Cội Nguồn Kitô Giáo Theo Dấu Chân
Phaolô” tại Thổ Nhĩ Kỳ—qua kiến thức, kinh nghiệm sống đạo, nỗi khát
khao đi tìm chân lý và đức tin cho riêng mình.
Chim có tổ, người có tông, có cội
nguồn. Như người Do Thái, sau bao nhiêu ngàn năm tảng mác khắp thế giới, họ vẫn
muốn quay về lại miền đất của tổ tiên. Và người Việt hải ngoại cũng thế, có
người xa quê hương gần, hoặc hơn một nửa thế kỷ, nhưng đau đáu mãi trong lòng
muốn quay về lại miền đất của cha ông. Người Kitô giáo, không mấy ai biết rõ về
cội nguồn Kitô giáo, dù cho phương tiện truyền thông có ngay trong lòng bàn
tay. Đấy là lý do các bài viết nầy được hình thành, viết ra và chia sẻ với tất
cả các bạn, không phân biệt tôn giáo, đức tin, giai cấp, truyền thống và kinh
nghiệm sống đạo.
Chuổi bài viết về Phaolô, cội nguồn
Kitô giáo và hành trình theo dấu chân Phaolô sẽ được lần lược trình làng, không
phải là những pho tín lý, thần học, hoặn suy tư cao siêu về con người thần thọc
của Phaolô. Viết, như học giả kinh thánh
Ludemann đã viết: “Khi
tôi nghiên cứu về Phaolô, tôi muốn khám phá những gì ông đã làm, thực hiện, ước
muốn, suy nghĩ và cảm nhận–When doing research on Paul, I want to discover what
he really did, wanted, thought and felt;”
quả tuyệt vời. Những trang tạp ghi nầy không có tham vọng như một “nghiên cứu”
về Phaolô, không thể khám phá những gì Phaolô đã làm, đã thực hiện, ước muốn,
suy nghĩ và cảm nhận của riêng ông—cao vời quá—chỉ mong là một chút hàn huyên, tâm tình, chia sẻ—trong
tiếng Anh gọi là “Storytelling”, hiểu nôm na như là thuật chuyện, kể truyện.
Mời các bạn cùng song hành với người
viết qua từng vùng miền, từng địa danh, từng con đường, từng nơi chốn, Phaolô
đã đi, đã đến, đã sống, đã rao giảng tin mừng, và rồi, dâng hiến toàn thân,
tánh mạng vì đức tin vững chắc của ông tại Roma.
Việc tìm hiểu liệu hai thánh Phaolô
và Phêrô có mặt tại Antiosh khi danh xưng Kitô giáo được công bố lần đầu tiên,
cũng như sự hiện diện của các thánh tông đồ và đặc biệt là đức Maria, là một
chủ đề phức tạp trong lịch sử Kitô giáo.
Hành trình đến nơi khai
sinh Kitô giáo-Antioch (Antakya, tỉnh Hatay,
Thổ Nhĩ Kỳ)
§ Gặp cô bé tại bến xe
Chờ lâu tại bến xe, không biết mình
chờ có đúng nơi chăng, sao không thấy ai hết. Một cô, trạc 20-25 tuổi đến ngồi
gần, mình hỏi (bằng iPhone phiên dịch), “Cô đi Antakya, Hatay?” Cô ta
đáp (cũng bằng iPhone phiên dịch): “Vâng. Hoang tàn hết rồi!” Mặt cô
buồn rõ nét! Không thốt thêm một lời gì. Mình biết hôm tháng Hai, 2023, nhiều
trận động đất với tỷ lệ 8.00 (theo biểu đồ….), khoảng 52,000 người thiệt mạng, san bằng hầu
hết di tích lịch sử, trong đó có nhà thờ thánh Phaolô; nhưng, không theo dõi
nhiều, nên không hề biết Antakya bị đến cỡ nào. Dân
số Antakya-Hatay năm 2000 khoảng 145,000.
Lên xe, mỗi người ngồi một nơi, đã
vậy, truyền thống xe đường dài bên Thổ Nhĩ Kỳ (Hồi giáo chiếm gần 98%) không
bán vé cho hai người khác phái, xa lạ, ngồi bên cạnh nhau, nên mất cơ hội hỏi
han thêm nhiều.
Đường từ tỉnh lỵ Adana đi về Antakya
(Antioch), hướng đông, khoảng hơn 40 kilomet, hầu hết là núi đồi hai bên, lắm
nơi, chỉ băng qua dọc chân núi. Không
biết hai ngàn năm trước các tông đồ di chuyển về phương tây để truyền đạo phải
đi bằng cách nào, nếu không chỉ bằng đường biển, tàu thuyền. Đã vậy, thuở ấy,
không ai định cư trên tuyến đường, vì không có đường sá rộng rãi và an toàn như
ngày nay; thêm vào đó, ắt hẳn cây cối um tùm, hoang vu, không dễ gì đi bằng lừa
hay ngựa.
§ Bác tài xế Taxi
Đến bến, toạ lạc bên ngoài phố cổ,
nên phải tìm xe đến nhà thờ (hang) kính thánh Phêrô, được biết bởi dân địa
phương: “Saint Pierre Church”. Tìm xe bus, không thấy trạm xe nào. Hỏi chủ
quán, anh ta nói, chỉ đến đó bằng taxi thôi. Ngay góc ngã tư, thấy một xe taxi,
có bác tài già đang dùng điện thoại. Mình hỏi, bác đồng ý đi. Mặc cả giá, bác
đồng ý, đi và về lại bến xe, 400 lira. Đường đi hoàn toàn gập gềnh, đất bụi,
nhà cửa đổ nát, như cảnh tàn nát sau giai đoạn chiến tranh tàn phá.
Đến nơi, không một bóng người lai
vãng. Mình gõ cửa, một người đàn ông bước ra, cho biết nhà thờ đóng cửa. Mình
năn nỉ, anh ta gọi người lính đang canh gác bên trong. Mình lại năn nỉ, “Anh
ơi, tôi lặn lội hàng bao nhiêu ngàn dặm đến đây, anh cho tôi xin một phút thôi,
chỉ được chụp vài tấm hình”, anh ta dứt khoát từ chối. Hỏi ra, mới biết,
nhà thờ đóng của từ thời Covid-19.
Thất vọng, nhưng không bỏ cuộc. Mình
leo lên dốc núi, nhìn vào trong mấy hang toại đạo, có một tảng đá khá lớn có
tạc hình đức Maria, nhưng khuôn mặt đã bị phá vỡ. Từ trên đồi, nhìn xuống
bên dưới phố Antakya, hoang tàn, đổ nát gần hết, nhiều nơi đã hoàn toàn san
bằng. Chạy ngang qua “Khách Sạn-Viện Bảo Tàng-Hotel Museum”*—bên dưới, khai
quật lên, cả một di tích của thành phố cổ, khoảng 2000-2500 năm trước, cũng bị
đóng của vì Covid.
Mình đề nghị bác tài xế đưa đi ăn
một nơi nào đó mang tính chất thuần văn hoá, truyền thống ẩm thực của người địa
phương. Bác đưa đến một nhà hàng khá khang trang, duy nhất còn tồn tại sau vụ
động đất. Bác gọi các món ăn rất tiêu biểu của người bản xứ; tất nhiên, kèm
theo chai Yaourt nước (Kefir/Ayran)*, và trà, thức uống dường như là một văn
hoá hiếu khách và đặc trưng toàn diện cho cả nước. Sau bữa ăn, bác mời món
“tráng miệng”, bác nói, “Anh thưởng thức nhé, đây là đặc sản của nơi nầy,
không tìm ra ở bất cứ nơi nào!” Quả thật, món mứt trái cây, ngon thật.
Ăn xong, bác tài lái xe đưa mình
thăm phố cổ, bác chỉ hai bên, hoàn toàn đổ nát. Dừng lại một nơi, có xe cần cẩu
và lưới rào ngăn, bác thuyết phục họ cho mình vào chụp hình. Bác chỉ: “Đây,
nhà thờ công giáo, sát bên cạnh, đền thờ hồi giáo.” Một vị giáo sĩ Hồi giáo
(Imam) ra chào, ông nói, “Chỉ có nơi nầy, các tôn giáo mới tồn tại bên nhau.”
Ngôi nhà thờ cổ, không biết đã bao nhiêu ngàn năm tuổi, nhưng chỉ còn một đống
gạch vụn chồng chất lên nhau, chỉ nhận diện ra khung cửa trước nhà thờ, dày gần
một mét.
Bác tiếp tục đưa qua những con đường
cổ, rất cổ, có thể từ thời trước các tông đồ đến giảng đạo. Bác dừng lại,
ra khỏi xe, bác nói: “Đây, nhà thờ công giáo, kia, nhà thờ chính thống giáo,
đó, nhà thờ tin lành.” Mình mải mê chụp hình, quay video; chợt, có một
người lái xe đến, bác tài và người đó trao đổi với nhau. Mình tiến lại, anh ta
giới thiệu, là một nhiếp ảnh gia, sinh ra và lớn lên tại đây. Anh mở máy, cho
xem hình ảnh của Antakya thời vàng son, huy hoàng trước vụ động đất. Anh chỉ,
so sánh đường phố Antakya rực rỡ về đêm, nhộn nhịp người và sinh hoạt đầy sức
sống, và chỉ từng ngôi nhà đã sập, đổ nát và những đống gạch vụn, không thể nào
mường tượng ra không gian của ngày xưa, nỗi buồn sâu thăm không dấu được trên
khuôn mặt người trai trẻ đầy nhựa sống.[*]
Trên đường đưa mình trở lại bến xe,
đi xuyên qua khu nhà của bác tài, nay đã san bằng phẳng, chung quanh không gì
ngoài đổ nát, mình nghe đâu đấy tiếng khóc than của hàng vạn vạn người, đủ mọi
tầng lớp, mọi lứa tuổi, đã đột nhiên bị chôn vùi dưới bao nhiêu toà, căn nhà
sập chồng chất lên nhau. Bác tài lặng yên. Chợt có điện thoại gọi, bác trả lời,
rồi đưa cho mình. Đầu dây bên kia… “Thưa anh, tôi là con rể của bác tài, tôi
là giáo viên, đang dạy ở nơi xa; Ba tôi muốn biết, anh có hài lòng về cung cách
phục vụ, dịch vụ đưa tiếp anh trong chuyến viếng thăm quê hương chúng tôi không?”
Nghe xong, mình chợt thấy cảm động. Ước gì những người sống bằng những nghề
phục vụ xã hội, du khách trên quê hương của chúng ta luôn có một tâm thức, thái
độ và cung cách phục vụ như bác tài nầy.
Thoạt đầu, giữa bác tài và mình nào
có biết, nào có thoả thuận đưa mình đi khắp nơi, rồi cùng bàn, cùng chia sẻ
mình tâm tình và nỗi niềm của ông, của tiền nhân, tổ tiên, bao nhiêu thế hệ,
mấy ngàn năm, đã bám víu mảnh đất lịch sử ấy, những người sống sót vụ động đất.
Nếu, ông thay đổi trang phục, ắt trông không khác gì người dân bản xứ thuở xưa,
không khác với các tông đồ và tín hữu của thời giáo hội sơ khai. Nhìn lại hình,
nhìn ông, với khuôn mặt dịu hiền, chân thành và phúc hậu, thật đáng mến, đáng nhớ.
Chợt, liên tưởng đến những người trong cộng đồng Kitô hữu đầu tiên nơi nầy,
miên man…Rời Antakya, lòng mãi mãi luyến nhớ.
Antioch là đâu, là gì, tại sao Kitô
hữu lại nhóm họp tại đây?
Người công giáo nghe
nhiều, đọc nhiều, và học nhiều về giáo hội, khởi nguồn từ Jerusalem, đi ngược
về Caphanaum, Nazareth, quê quán của đức Giêsu. Hoặc xa hơn, là Roma, nơi có
ngai giáo hoàng, thủ lãnh của giáo hội hơn mười mấy thế kỷ qua. Ngoài ra, ít
mấy ai biết nhiều, am hiểu tường tận về nơi khai sinh của danh xưng Kitô
hữu-Kitô giáo. Chính
tại đây—Antioch—các tín
hữu lần đầu tiên được gọi là "Kitô hữu" (xem Công vụ Tông Đồ 11:26).
Ý nghĩa của danh hiệu
"Christianity"
Kitô Giáo, dịch từ tiếng
Anh: “Christianity” bắt nguồn từ Kitô hữu, "Christian,"
được công bố lần đầu tiên tại Antioch,
thành phố rất sầm uất, nhộn nhịp tại miền cực tây của Syria; danh xưng của
những người tin theo đức Giêsu. Tất nhiên, thuở ấy chưa có trong tiếng Anh,
chính từ ấy phát xuất từ tiếng Hy Lạp, "Χριστός"; có nghĩa “Người được xức dầu”, "anointed
one", đấng thiên sai, "Messiah". Từ này chuyển tải một ý nghĩa thần học, hệ thống tín lý hết
sức sâu đậm—trọng tâm chính là đức Giêsu, hoặc đức Kitô (“Christ”).
Việc các tín hữu tại Antioch được gọi là “Kitô
hữu” là một bước ngoặt trong sự phân biệt với Do-Thái giáo truyền thống. Điều này cũng phản
ánh sự căng thẳng nội bộ trong cộng đồng giữa các tín hữu Do-Thái và dân ngoại về việc tuân giữ Luật Môisen.
Sự kiện này đặt nền móng cho sự lan truyền của Kitô giáo ra ngoài giới hạn Do-Thái và trở thành một phong trào quốc tế
Antioch trở thành điểm khởi điểm quan trọng của nhóm
Kitô hữu đầu tiên và là nơi khởi nguồn cho các hành trình rao giảng Tin Mừng
của Phaolô, thay vì tại Jerusalem hay các nơi khác ở Palestine, bởi nhiều yếu
tố lịch sử, văn hóa, và xã hội. Dưới đây là phân tích và lý giải chi tiết về lý
do tại sao Antioch giữ vai trò quan trọng này.
Vị trí, bối cảnh lich sử, xã hội và đặc điểm của Antioch
Antioch tọa lạc ở phía đông nam của Đế quốc La-Mã (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay), là một thành
phố lớn và sầm uất trong thế giới cổ đại. Thành phố này có sự đa dạng về văn
hóa, với nhiều dân tộc và tôn giáo khác nhau cùng chung sống, bao gồm người Do-Thái và dân ngoại. Điều này đã tạo điều kiện
thuận lợi cho việc truyền bá Tin Mừng đến nhiều dân tộc khác nhau ngoài phạm vi
Do-Thái giáo.
Là trung tâm thương mại
lớn, Antioch nằm trên tuyến đường buôn
bán quan trọng kết nối Địa Trung Hải với vùng đất nội địa của Cận Đông. Sự đa
dạng văn hóa và sự giàu có của thành phố khiến Antioch trở thành một môi trường
lý tưởng để phát triển cộng đoàn Kitô hữu mới, cũng như làm bàn đạp cho các
hành trình truyền giáo tiếp theo của Phaolô.
Quá trình hình thành
Antioch không chỉ là một nơi tiếp nhận sứ vụ Kitô giáo, mà còn là nơi
định hình quan trọng cho sự phát triển của đức tin Kitô giáo trong thế giới La
Mã. Phêrô và Phaolô đều có sự hiện diện đáng kể tại đây. Trong khi Phêrô tập
trung vào truyền giáo cho người Do-Thái,
Phaolô lại mở rộng sứ vụ đến những người dân ngoại, tạo ra sự đa dạng trong
cộng đồng Kitô hữu tại Antioch.
Sự đàn áp tại Jerusalem và cuộc tản cư của
các tín hữu Kitô
Jerusalem ban đầu là trung tâm của cộng đồng tín hữu Kitô sơ khai, nhưng
do áp lực từ chính quyền Do-Thái và
các cuộc bách hại—bao gồm cả cuộc tử đạo của Thánh Stêphanô—nhiều Kitô hữu đã
phải rời bỏ Jerusalem để lánh nạn tại các khu vực khác; một trong những nơi mà họ tìm đến, chính là Antioch, thành phố tương đối an toàn và
tự do tôn giáo hơn so với Jerusalem. Từ
Jerusalem, trực chỉ hướng bắc, Antioch năm ngay trong trục lộ quan trọng và
tiện lợi, không cần phải dùng tàu bè hoặc các phương tiện lánh nạn khác như
Phoenix hoặc Cyprus. (Theo Công vụ Tông Đồ 11:19)
Phaolô và Barnabas tại Antioch
Barnabas là người đầu tiên được cộng đoàn ở Jerusalem cử đến Antioch sau khi nghe tin
về sự phát triển của cộng đồng tín hữu tại đây. Barnabas sau đó đã tìm đến
Tarsus để mời Phaolô cùng đến Antioch giúp xây dựng cộng đoàn (xem Công vụ Tông
Đồ 11:22-26). Phaolô và Barnabas đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố và
phát triển cộng đoàn Kitô hữu tại Antioch, và họ được coi là những người đặt
nền móng cho việc truyền giáo cho dân ngoại.
Tại Antioch, hai vị đã rao giảng không chỉ cho người Do Thái mà còn cho
dân ngoại, biến Antioch thành trung tâm truyền giáo quốc tế đầu tiên. Điều này
cho thấy sự phát triển và hình thành của một cộng đồng Kitô hữu đa dạng về mặt
dân tộc và tôn giáo, không còn bị giới hạn bởi gốc gác Do-Thái.
Antioch: Khởi nguồn các hành trình truyền giáo
Antioch không chỉ là nơi Phaolô và Barnabas xây dựng cộng đoàn Kitô hữu
mạnh mẽ, mà còn là nơi xuất phát của các hành trình truyền giáo sau này của
Phaolô. Từ Antioch, Phaolô bắt đầu các hành trình truyền giáo đến các khu vực
khác nhau của đế quốc
La Mã, mở rộng ảnh hưởng của Kitô giáo đến nhiều vùng đất mới.
Antioch đã trở thành trung tâm truyền giáo chính cho các cộng đoàn Kitô
hữu; trong khi Jerusalem dần
trở thành nơi tập trung của những người Kitô hữu gốc Do-Thái. Công vụ Tông Đồ kể lại rằng Phaolô và
Barnabas được giáo hội tại
Antioch chọn và cử đi trên hành trình truyền giáo đầu tiên của họ (xem Công vụ
Tông Đồ 13:1-3).
Mặc dù Barnabas là người được Hội Thánh tại Jerusalem cử đến Antioch để
rao giảng và củng cố cộng đoàn, nhưng nhiều tín hữu Kitô từ Jerusalem đã đến
Antioch trước đó, sau các cuộc bách hại tại Jerusalem. Họ đã truyền bá Tin Mừng
cho cả người Do Thái và dân ngoại (xem Công vụ Tông Đồ 11:19-21).
Phaolô-Antioch
Quan hệ giữa Phaolô và người Antioch
Quan hệ giữa Phaolô và người dân Antioch có thể được xem là một trong
những yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên
[ngoài] lãnh thổ Palestine.
Phaolô quan hệ
giữa Phaolô và cộng đồng Kitô giáo tại Antioch được xây dựng trên nền tảng
truyền giáo, với trọng tâm là việc mở rộng thông điệp của đức Giêsu đến các dân
ngoại. Cộng đồng Kitô hữu tại Antioch không chỉ bao gồm người Do-Thái mà còn bao gồm cả người Hy Lạp và các
dân tộc khác, và Phaolô đã có vai trò quan trọng trong việc tạo lập một cộng
đồng đa dạng về sắc tộc và văn hóa.
Ai đã thành lập cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên
tại Antioch?
Cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên tại Antioch được thành lập bởi một nhóm tín
hữu đến từ Jerusalem sau cuộc bách hại của vua Herod Agrippa I vào khoảng năm
44. Nhóm này bao gồm những người Do-Thái tân tòng và có thể là những người theo đạo Do-Thái Hellenistic—người Do-Thái chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy-Lạp như
Phaolô vậy. Tuy nhiên, nhân vật quan trọng nhất trong việc xây dựng
cộng đồng này là Barnabas, người được gửi từ Jerusalem đến để giúp đỡ và giám
sát cộng đoàn tín hữu mới này.
Barnabas sau đó mời Phaolô từ Tarsus đến Antioch để giúp ông trong việc
truyền bá Tin Mừng và phát triển cộng đoàn Kitô hữu tại đây. Vì thế, cả
Barnabas và Phaolô đều có vai trò quan trọng trong việc thành lập và phát triển
cộng đồng Kitô giáo đầu tiên tại Antioch; nhưng
vai trò lãnh đạo của Barnabas thường được nhắc đến như là người đã dẫn dắt cộng
đoàn từ giai đoạn đầu.
Những thành tựu đáng kể của Phaolô tại
Antioch
Trong thời gian sống và rao giảng tại Antioch, Phaolô đã đạt được nhiều
thành tựu đáng kể. Dưới đây là một số điểm nổi bật:
· Mở rộng cộng đồng Kitô giáo đến các dân ngoại: Một
trong những thành tựu quan trọng nhất của Phaolô tại Antioch là việc ông và
Barnabas đã truyền bá Tin Mừng đến dân ngoại (non-Jews). Đây là bước đột phá
trong việc mở rộng Kitô giáo từ một tôn giáo Do Thái thành một tôn giáo phổ
quát, bao gồm cả những người không theo Do-Thái giáo.
· Công đồng đầu tiên tại Jerusalem: Khi
Phaolô và Barnabas đối mặt với các tranh cãi về việc có nên yêu cầu những tín
hữu không phải người Do Thái tuân theo luật lệ Do Thái hay không, họ đã tham
gia vào công đồng đầu tiên tại Jerusalem (khoảng năm 50 SCN) để giải quyết vấn
đề này. Công đồng này đã đưa ra quyết định rằng những tín hữu không cần phải
tuân theo mọi luật lệ Do Thái, điều này đã mở đường cho việc lan rộng Kitô giáo
đến các vùng khác.
· Truyền giáo và các hành trình truyền giáo: Từ
Antioch, Phaolô đã khởi hành trên nhiều chuyến đi truyền giáo đến các vùng đất
xa hơn như Tiểu Á và Hy Lạp. Antioch đã trở thành trung tâm truyền giáo của
Phaolô, từ đó ông đã mở rộng ảnh hưởng của Kitô giáo trên toàn Đế quốc La Mã.
Vai trò của Phaolô
Phaolô đóng một vai trò then chốt trong quá trình hình thành và củng cố
cộng đồng Kitô giáo tại Antioch. Ông đã tận dụng Antioch như một căn cứ để thực
hiện các chuyến truyền giáo rộng rãi của mình đến vùng Tiểu Á và châu Âu.
Phaolô cũng là người đấu tranh mạnh mẽ cho việc đón nhận người dân ngoại vào
cộng đồng Kitô hữu mà không cần phải tuân giữ đầy đủ các quy định của Luật Môisen,
như đã được thảo luận trong Công đồng Giêrusalem (Công vụ 15).
Tại sao Phaolô có mặt tại Antioch?
Trở về Tarsus sau khi trở lại đạo: Sau cuộc trở lại trên
đường đến Damascus (Công vụ 9:1-19), Phaolô đã dành một thời gian tại Damascus
và sau đó về quê hương Tarsus (Công vụ 9:30). Trong thời gian này, Phaolô tiếp
tục học hỏi và rao giảng Tin Mừng, nhưng không có nhiều tài liệu ghi lại chi
tiết về các hoạt động của ông tại Tarsus.
Barnaba mời Phaolô đến Antioch: Barnaba, sau khi đến Antioch để củng cố
cộng đồng Kitô hữu tại đó, nhận ra rằng Phaolô sẽ là người cộng sự đắc lực
trong việc giảng dạy và mở rộng cộng đoàn (Công vụ 11:25-26). Ông đã tìm kiếm
Phaolô ở Tarsus và mời ông đến Antioch để giúp phát triển cộng đồng Kitô hữu
đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là với số lượng lớn dân ngoại mới trở lại đạo.
Phaolô đã làm gì tại Antioch?
Giảng dạy và rao giảng Tin Mừng: Phaolô đã dành khoảng một
năm rao giảng và giảng dạy tại Antioch cùng với Barnaba (Công vụ 11:26). Cả hai
đã cùng nhau củng cố cộng đoàn Kitô hữu tại đây, đặc biệt là trong việc giáo
dục những người mới cải đạo về đức tin và lối sống Kitô giáo. Antioch là nơi
Phaolô có cơ hội thực hành sứ vụ truyền giáo của mình một cách tự do hơn so với
các cộng đồng Do-Thái
bảo thủ khác.
Sinh sống bằng nghề thủ công: Một khía cạnh đáng chú ý trong cuộc sống của
Phaolô là ông thường tự kiếm sống bằng nghề thủ công, đặc biệt là làm lều (Công
vụ 18:3). Điều này giúp ông không phụ thuộc vào các cộng đoàn mà ông phục vụ,
đồng thời thể hiện sự độc lập trong sứ vụ của mình, không trở thành gánh nặng cho cộng đoàn. Tại
Antioch, rất có thể Phaolô tiếp tục nghề này để tự nuôi sống mình trong khi tập
trung vào công cuộc truyền giáo.
Cộng sự với Barnaba và các nhà truyền giáo khác: Cùng
với Barnaba, Phaolô đã làm việc chặt chẽ với các tông đồ và cộng sự khác trong
việc tổ chức và điều hành cộng đoàn Kitô hữu tại Antioch. Cả hai đã trở thành
những người lãnh đạo tinh thần của cộng đồng, được kính trọng vì những đóng góp
của họ cho sự phát triển của Giáo hội tại đây. Ngoài ra, họ cũng đã cử các nhà
truyền giáo khác đi các vùng lân cận để mở rộng công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Nếu không có sự hiện diện của Phaolô, có khả năng cộng đoàn Kitô hữu tại
Antioch sẽ không phát triển mạnh mẽ hoặc không mở rộng đến các tín hữu dân
ngoại một cách rộng rãi như đã xảy ra. Dù Barnaba đã có mặt và đóng vai trò
lãnh đạo ban đầu, nhưng Phaolô với tầm nhìn về việc truyền giáo cho dân ngoại
đã góp phần to lớn trong việc mở rộng và định hình cộng đoàn này.
Vai trò của Phaolô và Barnaba trong việc xây
dựng cộng đoàn tại Antioch
Sự hiện diện và sứ vụ của Phaolô tại Antioch là yếu tố thiết yếu trong
việc định hình cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên bao gồm các tín hữu dân ngoại. Kinh
Thánh ghi lại rằng khi Barnaba đến Antioch để củng cố cộng đoàn, ông nhận ra
nhu cầu của việc mở rộng và dạy dỗ các tín hữu mới cải đạo từ dân ngoại. Vì lý
do đó, Barnaba đã tìm kiếm Phaolô tại Tarsus và đưa ông trở lại để giúp đỡ
trong công việc này (Công vụ 11:25-26). Phaolô, với kinh nghiệm truyền giáo và
đức tin mạnh mẽ, đã trở thành một trong những nhân vật chính trong việc giảng
dạy và củng cố cộng đoàn Kitô hữu tại đây. Chính nhờ sự giảng dạy và lãnh đạo
của Phaolô và Barnaba mà cộng đoàn Kitô giáo tại Antioch trở nên mạnh mẽ và
phát triển nhanh chóng.
Nếu không có sự hiện diện của Phaolô, có khả năng cộng đoàn Kitô hữu tại
Antioch sẽ không phát triển mạnh mẽ hoặc không mở rộng đến các tín hữu dân
ngoại một cách rộng rãi như đã xảy ra. Dù Barnaba đã có mặt và đóng vai trò
lãnh đạo ban đầu, nhưng Phaolô với tầm nhìn về việc truyền giáo cho dân ngoại
đã góp phần to lớn trong việc mở rộng và định hình cộng đoàn này.
Những cộng sự chính của Thánh Phaolô tại
Antioch
Suốt cuộc đời trần thế của Phaolô, ông không sống một mình, làm việc mưu sinh, ngay cả
hành trình rao giảng tin mừng cho đến cuối đời, không đơn thân độc mã. Ông đã có
nhiều cộng sự đồng hành và hỗ trợ ông trong sứ vụ truyền giáo, đặc biệt là tại
Antioch, nơi cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên được hình thành. Các cộng sự này đóng
góp quan trọng trong việc xây dựng và củng cố cộng đồng Kitô hữu sơ khai, và
mỗi người đều có vai trò riêng trong công cuộc truyền giáo.
1. Barnaba (Barnabas):
• Vai trò: Barnaba là một trong
những cộng sự gần gũi nhất của Phaolô trong sứ vụ truyền giáo tại Antioch. Ông
được gọi là "con trai của sự an ủi" và nổi tiếng với tính cách nhân
hậu, hòa giải. Barnaba đã giới thiệu Phaolô với các tông đồ tại Giêrusalem sau
khi Phaolô trở lại đạo, giúp Phaolô được chấp nhận trong cộng đồng Kitô hữu.
Tại Antioch, Barnaba đã được gửi từ Giêrusalem để kiểm tra và củng cố cộng đoàn
đang phát triển tại đây (Công vụ 11:22-26). Ông cùng Phaolô lãnh đạo sứ vụ
truyền giáo đầu tiên của Kitô giáo đến các vùng ngoại biên.
• Đóng góp: Barnaba đóng vai trò
quan trọng trong việc lãnh đạo cộng đoàn Kitô hữu tại Antioch, cùng với Phaolô,
dạy dỗ và củng cố đức tin cho các tín hữu mới, đặc biệt là các tín hữu dân
ngoại. Ông cũng đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề gây tranh cãi giữa các
tín hữu Do Thái và dân ngoại.
2. Silas:
• Vai trò: Silas (hoặc Silvanus) là
một nhà truyền giáo và nhà lãnh đạo Kitô giáo có uy tín, được gửi từ Giêrusalem
đến Antioch để hỗ trợ trong công việc truyền giáo. Ông là một người cộng sự
thân cận của Phaolô sau khi Barnaba và Phaolô chia tay do mâu thuẫn về việc sử
dụng Mark (Công vụ 15:36-40).
• Đóng góp: Silas đã cùng Phaolô
thực hiện các chuyến truyền giáo khác đến nhiều nơi sau Antioch, bao gồm vùng
Tiểu Á và châu Âu (Công vụ 15:40). Ông không chỉ là một cộng sự đáng tin cậy mà
còn là một người rao giảng xuất sắc và đóng góp trong việc truyền bá Tin Mừng
và củng cố các cộng đoàn Kitô hữu.
3. Mark (Máccô):
• Vai trò: Mark, cũng được biết đến
là tác giả của Phúc Âm Máccô, ban đầu là một cộng sự trẻ tuổi của Phaolô và
Barnaba trong sứ vụ truyền giáo đầu tiên (Công vụ 12:25). Tuy nhiên, ông đã rời
bỏ sứ vụ khi đến Pamphylia, gây ra một sự rạn nứt giữa Phaolô và Barnaba.
• Đóng góp: Mặc dù ban đầu không
thành công trong vai trò cộng sự, Mark đã trở lại và đóng góp lớn hơn sau này
trong công cuộc truyền giáo và soạn thảo tài liệu về cuộc đời của Chúa Giêsu.
4. Luca (Lukas):
• Vai trò: Luca là một cộng sự thân
thiết của Phaolô và cũng là tác giả của Phúc Âm Luca và Sách Công vụ Tông đồ.
Ông đã đồng hành với Phaolô trong nhiều chuyến truyền giáo, bao gồm cả hành
trình từ Troas đến Philippi và từ đó đến Rôma (Công vụ 16:10-17; 20:5-15;
21:1-18).
• Đóng góp: Luca không chỉ là một
cộng sự đáng tin cậy mà còn là người ghi lại lịch sử của Giáo hội sơ khai, cung
cấp tài liệu quý giá về sự phát triển của Kitô giáo và các hoạt động truyền
giáo của Phaolô.
5. Titus:
• Vai trò: Titus là một
trong những cộng sự trẻ tuổi của Phaolô và đã đóng vai trò quan trọng trong sứ
vụ truyền giáo của ông, đặc biệt là tại Corinth và các vùng khác. Tít cũng có
mặt tại Công đồng Giêrusalem, nơi ông là minh chứng cho sự thành công của
Phaolô trong việc truyền giáo cho dân ngoại mà không yêu cầu tuân giữ Luật Môisen (Galát
2:1-3).
• Đóng góp: Titus đóng
góp vào việc củng cố các cộng đoàn Kitô hữu và giúp điều hành các cộng đoàn đó,
đặc biệt trong việc truyền giáo và hòa giải các mâu thuẫn nội bộ.
Những cộng sự này đã góp phần quan trọng vào việc định hình và phát
triển Kitô giáo sơ khai, tạo nền tảng vững chắc cho sự lan rộng của đức tin
Kitô giáo; đóng vai trò không thể
thiếu trong công cuộc truyền giáo của Phaolô, đặc biệt tại Antioch, nơi cộng
đoàn Kitô hữu đầu tiên được hình thành. Mỗi người mang đến những phẩm chất và
khả năng riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng và thành công trong sứ vụ truyền
giáo. Sự cộng tác chặt chẽ giữa họ và Phaolô không chỉ giúp củng cố cộng đoàn
Kitô hữu tại Antioch mà còn mở rộng Kitô giáo ra khắp Địa Trung Hải.
Xung đột giữa Phêrô và Phaolô
Tương quan giữa Phêrô và
Phaolô không mật thiết như các tông đồ được chính đức Giêsu tuyển chọn, giáo
huấn và chia sẻ kinh nghiệm sống trong từng ngày rao giảng. Điều ấy không lạ,
vì Phêrô là người không những được chọn, nhưng lại còn được giao phó trọng trách
xây dựng và cai quản giáo hội. Trong khi Phaolô lại người đã một thời bắt bớ,
cản trở và gây khá nhiều ấn tượng không tốt, đừng nói chi đến nỗi lo sợ và hoài
nghi về công bố của Phaolô rằng, chính ông đã gặp đức Giêsu, không bằng xương
bằng thịt như các tông đồ; nhưng chính đức Giêsu đã chọn ông, đã mạt khải cho
ông rất nhiều về sứ vụ giao rảng tin mừng. Đấy chỉ là trên phương diện con
người xác thịt, phản ứng tự nhiên; chưa bàn đến cố lõi thần học. Phêrô và
Phaolô đắc thủ và tiếp cận hai thần học hoàn toàn khác nhau, tuy không đối
chọi, không đối nghịch, nhưng, đủ để hai ông khó lòng mà đồng tâm hợp ý ra đi
rao giảng khắp trời La Mã như Phaolô đã làm.
Đơn thuần, Phêrô là người rất chơn
chất, mộc mạc, kém chữ nghĩa, sinh ra, lớn lên và thuần thục truyền thống Do-Thái.
Phêrô mãi mãi muốn duy trì truyền thống Do-Thái trong Ki tô giáo. Căn bản là,
con trai, đàn ông, phải chịu “cắt bì”, ăn uống và hành xử rập khuôn theo truyền
thống Do-Thái. Trong khi Phaolô không sinh ra tại Do Thái, không hấp thụ truyền
thống, đời thường và tư duy theo truyền thống Do-Thái. Vì chính ông ta đã sống
cùng, sống với và sống cho một thế giới [ngoài] Do-Thái. Với ông, cắt bì hay
không, không bó buộc, vẫn được mời gọi trở thành người Kitô hữu. Không riêng gì
với Phêrô; ngay cả với Barnaba cũng vậy, đã có lúc xung đột mạnh, rồi hai người
tách rời hành trình rao giảng tin mừng, không có sự hiện diện của nhau.
Xung đột giữa Phêrô và Phaolô, đặc biệt tại Antioch, là một sự kiện lịch
sử nổi bật trong Tân Ước và thể hiện sự căng thẳng giữa các tông đồ về việc xử
lý các vấn đề liên quan đến dân ngoại. Trong Thư gửi tín hữu Galát (Galát
2:11-14), Phaolô ghi lại một cuộc đối đầu với Phêrô tại Antioch. Sự kiện nầy nói lên tính cách cương trực, liêm chính và can
đảm của Phaolô. “Nếu ông và người Do-Thái, sao ông có thể áp đặt dân ngoại
sống như người Do Thái?—If you, though a Jew, how can you force the Gentiles
live like Jews?” Chính tinh thần của thần học cách mạng, viễn kiến, sự can
đảm và lòng cương quyết của Phaolô, giáo hội Kitô giáo mới có ngày nay, hiện
diện khắp hoàn vũ.
Tuy nhiên, dù có sự xung đột, cả Phêrô và Phaolô đều chia sẻ mục tiêu
chung là truyền bá Tin Mừng. Xung đột này cũng đã góp phần vào sự phát triển
của Giáo hội, đặc biệt trong việc đưa ra quyết định tại Công đồng Giêrusalem
(Công vụ 15), nơi các tông đồ quyết định không buộc dân ngoại phải tuân giữ
toàn bộ Luật Môisen. Phaolô đã chinh phục
được hầu hết các tông đồ. Quả thật, Phao lô và một tri thức, uyên bác trong sứ
mệnh chinh phục các tông đồ và thay đổi hoàn toàn nhãn quan của họ về một thần
học mới, thần học của Phaolô. Thêm vào đó, Phaolô là công dân La Mã, uyên thâm
tiếng Hy Lạp, cứ đọc các “Thư” của Phaolô, cac nhà học giả đều đánh giá Phaolô
và một người viết lách ngôn ngữ Hy Lạp với trình độ cao; không những cung cách
viết, nghệ thuật sử dụng từ ngữ; nhưng ngay trong lập luận, lý giải thần học,
luận thuyết Kitô giáo của ông tuyệt vời.
Cuộc xung đột này cung cấp một cái nhìn sâu sắc vào sự phân chia và đa
dạng trong cộng đồng Kitô giáo đầu tiên, mở ra cơ hội cho các cuộc tranh luận
học thuật về sự hình thành giáo hội và các học thuyết ban đầu.
§ Những di tích liên quan đến Kitô giáo
“Tàn tích của Kitô giáo—vinh quang hơn đỉnh cao văn minh”
Tuy Antioch là trọng tâm, khởi nguồn
cho công cuộc rao giảng tin mừng và là cái nôi khai sinh Kitô giáo; nhưng, từ
khi hồi giáo thống lảnh toàn bộ Thổ Nhĩ Kỳ, triều đại Ottoman, những di tích,
di sản Kitô giáo khó lòng được bảo quản, trùng tu và sử dụng, chưa kể đến những
sự tàn phá chủ tâm của con người và thiên tai. Dù nhiều hay ít, một vài di tích
còn lại tại Antioch đáng ghi nhớ như:
Nhà thờ “Hang” thánh Phêrô (Saint
Pierre Church)
Tương truyền rằng, chính nơi đây,
chân núi nhìn xuống phố phường của Antioch, một giáo đường được đục thành cái
hang khá lớn, Phêrô đã rao giảng tin mừng cho dân ngoại; tuy không có tài liệu,
chứng cứ nào ghi lại, thuật lại các sự kiện thuở ban đầu. Vài thế kỷ sau, giáo
đường “hang” ấy được trùng tu và đưa vào các sinh hoạt tôn giáo, thêm một mặt
tiền khang trang. Bên trong, không có gì nguy nga lộng lẫy. Vào thời điểm giáo hội chỉ là một nhóm ngươi
rất ít, mỹ thuật tôn giáo chưa xuất hiện, chưa có nhu cầu, và thiết bị nội thất
cũng chưa cần đến. Tuy nhiên, được đặt chân lên nơi các tông đồ như Phêrô,
Phaolô, Barnaba và các tổ phụ khác đã một lần đi đứng, sống, rao giảng, quả là
một cảm nhận vô giá. (Công vụ 11:25-26)
https://thecatholictravelguide.com/destinations/turkey-2/antioch-turkey-grotto-saint-peter/
https://en.wikipedia.org/wiki/Church_of_Saint_Peter
https://mehrexplores.online/exploring-antioch-top-5-historical-places-you-must-visit/
Nhà thờ thánh Phaolô (giáo hội đông
phương)
Kiến trúc theo kiểu Byzantine, vẫn
được sử dụng bởi các tín hữu giáo hội đông phương cho đến khi bị tàn lụi bới
các vụ đông động đất.
Bảo tàng viện (Hatay Archaeology
Museum)
Nơi đây, bảo quản và chưng bày rất
nhiều cổ vật thời cổ đại, trong đó, có rất nhiều di cảo của thời đại Kitô giáo
mới hình thành. Những cổ vật không chỉ giới hạn trong một thế kỷ, thiên niên
kỷ, nhưng, bao gồm văn minh năm bảy thế kỷ trước Chúa ra đời.
Khách Sạn “Museum
Hotel Antakya”
Di sản văn hoá tuyệt vời của
Antioch, một thừa kế văn hoá và nghệ thuật của nền văn minh Hy Lạp hơn hai ngàn
năm trước, mới được khai quật lên gần đây. Khi công trình xây dựng khách sạn khởi công,
đào móng, mới khám phá ngay bên dưới là một kho tàng văn hoá cổ tuyệt vời.
Khách sạn vẫn tiếp tục công trình xây dựng, hình thành và mang tên “Museum
Hotel”; tuy nhiên, tất cả các di tích cổ hoàn toàn bảo quan rất tốt, không hề bị
phá vỡ, đặc biệt là các sàn nhà được thiết bị bằng mãnh vụn sành hết sức tinh
tế, minh chứng một thời đại văn minh và văn hoá ưu việt. Tiếc, vì Covid, khách
sạn đã đóng cửa, không biết bao giờ mới mở cửa hoạt động lại. Rất nhiều cổ vật
tìm thấy nơi nầy giúp các nhà khảo cổ học kinh thánh và nhân chủng học kinh
thánh nhiều dữ liệu, tìm hiểu thêm về xã hội Antioch mấy ngàn năm xưa và giáo
hội Kitô giáo hai ngàn năm trước.
https://www.themuseumhotelantakya.com/
Video 9:20 phút, trình bày
rất rõ về di tích, di sản cổ và văn hoá Antioch hơn hai ngàn năn trước.
Khách Sạn Museum
https://lute.co/museum-hotel-antakya-archaeological-history/
https://www.themuseumhotelantakya.com/mobile/the-museum/index-more.php
https://emrearolat.com/project/the-museum-hotel-antakya/
Kim Môn (Iron Gate-Demir Kapi)
Tên là “Iron Gate-Kim Môn”, nhưng thật ra không phải là cổng bằng sắt,
nhưng là một cổng cổ thành Antioch-cao 18 mét, duy nhất còn tồn tại, đứng giữa
khe núi Starius và núi Staurin; sử dụng như cái đập, điều chỉnh lưu lượng nước
mưa lũ tuôn đổ xuống sông Parmenios, gần “nhà thờ hang” kính thánh Phêrô. Giờ
chỉ còn lại một bức thành/cổng nhỏ đã bị hư hại nhiều sau vụ động đất hôm 6
tháng Hai, 2023. Nơi đây, tương truyền
rằng, chính Phaolô và Barbara đẫ giã từ cộng đoàn Kitô giáo, đi băng qua cổng
nầy, xuống thuyền đi rao giảng tin mừng tại Cyprus, miền Tiểu Á, Hy Lạp và toàn
miền của đế quốc La Mã.
https://7mostendangered.eu/sites/iron-gate-of-antioch-turkiye/
Phải chăng, sách tin
mừng Matthêu được biên soạn
tại Antioch
Antioch thường được xem là nơi mà sách Mátthêu có thể đã
được viết—xuất hiện khoảng năm 80-90— nơi khởi nguồi của Kitô giáo, với một cộng đồng Kitô hữu đa dạng về văn
hóa, bao gồm cả người Do-Thái
và dân ngoại. Điều này có thể giải thích tại sao Phúc Âm Mátthêu có một cấu
trúc rõ ràng và thường đề cập đến mối liên hệ giữa Do-Thái giáo và Kitô giáo. Sách Mátthêu
cũng nhấn mạnh sự hoàn thành lời tiên tri trong Cựu Ước, một điều có thể đặc
biệt quan trọng đối với một cộng đồng Kitô hữu có gốc gác Do-Thái vào thời điểm ấy.
Cuốn sách này có cấu trúc theo năm bài giảng lớn của đức
Giêsu, điều này tương ứng với năm cuốn sách của Torah (cựu ước), thể hiện sự kết nối chặt chẽ với
truyền thống Do-Thái
giáo. Ngoài ra, Phúc Âm Mátthêu còn đề cập nhiều đến vương quốc của Thiên Chúa,
nhấn mạnh sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng không chỉ cho người Do-Thái mà còn cho toàn thế giới.
R. T. France, The Gospel of Matthew (NICNT), 2007.
W. D. Davies & Dale Allison, A Critical and
Exegetical Commentary on the Gospel According to Saint Matthew, 1988.
Antioch-Antylya Hatay ngày nay
Với một mấu chốt lịch sử vô cùng
quan trọng trong sự hình thành Kitô giáo, là trọng tâm cho các hành trình rao
giảng tin mừng của Phaolô, Barnabas và các cộng sự, Antioch đã đi vào các văn
bản, tài liệu, kinh thánh như một cái nôi, cội nguồn, nơi chôn nhau cắt rốn với
danh xưng Kitô giáo/Kitô hữu được công bố. Thế nhưng, số phận Antioch cũng như
số phận bao nhiêu giáo hội thời sơ khai đã được nhắc đến trong sách Khải Huyền,
đã phải trải qua không biết bao nhiêu đổi thay, từ tên gọi, thể chế, con người,
văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo, chiến tranh, tai ương, và rất nhiều lĩnh vực khác.
Dấu vết của cội nguồn Kitô giáo Antioch
ngày nay, 2024, dường như đã nhạt nhoà đến nỗi không còn một dấu chỉ nào để
nhìn nhận ra cội nguồn Kitô giáo.
Antioch/Antakya Hatay ngày nay với
dân số chỉ còn không tới 150,000, vì sau mấy trận động đất lớn hôm tháng Hai,
năm 2023, với hơn 52,000 người thiệt mạng, chẳng còn dấu vết một ngôi giáo
đường nào, công giáo hay tin lành, cả chính thống giáo cũng mất dấu tích; và
ngay các đền thờ hồi giáo cũng đã biến mất, chỉ còn lại những bãi sỏi đá vụn,
bị san bằng—Chứng kiến, mà xót xa lòng! Đã vậy, với tỷ lệ 95-98% cư dân theo
đạo hồi giáo, và chính sách hà khắc, khủng bố, sách nhiễu, giới hạn mọi hoạt
động Kitô giáo bởi nhiều cá nhân, nhóm người quá khích, khủng bố, trong những
thập niên gần đây, biết đến bao giờ hình ảnh cái nôi Kitô giáo tại
Antioch/Antakya Hatay sẽ được tỏ hiện lại.
Trong khuôn khổ chủ đề bài tạp ghi
nầy, không thể nhắc đến những gian truân, khốn khó của người Kitô hữu—công
giáo, tin lành, chính thống giáo, và bất cứ tôn giáo nào không phải là hồi
giáo—hiện đang sống đạo giữa một miền đất mà hồi giáo chiếm đại đa số. Ngay
trong buổi sáng chủ nhật người viết đang có mặt tại Istanbul hôm tháng Giêng
vừa qua (2024), một người thanh niên mang súng bắn xả vào thánh đường công giáo
khi mọi người đang tụ họp tham sự thánh lễ, gây thiệt mạng.
Nói vậy, biết vậy, nhưng không bao
giờ làm sờn lòng nhiều tín hữu tin lành, công giáo; lắm lúc, hy sinh cả tánh
mạng để tiếp tục sống, can trường truyền giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ, như một sự thách
đố với hiểm nguy và sự chết. Và cũng không làm giảm đi những đam mê, sự say mến
của khá nhiều người tìm về cội nguồn Kitô giáo, dõi theo những dấu chân xưa của
Phaolô, vẫn tiếp nối rất nhiều hành trình tìm về, dù chỉ còn tìm thấy vài nơi, những
di tích hoang tàn, đổ nát, hoặc không còn dấu tích gì. Ra đi, tìm lại cội nguồn,
chỉ biêt nhìn trời xanh bao la, hít đầy vào lồng ngực dưỡng khí, chân chạm trên
vùng đất các tổ phụ, những ngưòi Kitô hữu năm xưa đã nhóm họp, tuyên xưng đức
tin—đã toại nguyện lắm rồi.
https://en.wikipedia.org/wiki/Antakya
Thông tin tổng thể về Antakya
Hatay
https://en.wikivoyage.org/wiki/Antakya
https://en.wikipedia.org/wiki/Hatay_Archaeology_Museum
Ngay trong thời điểm nầy, hơn sau một năm
các vụ động đất đã cướp đi bao tình yêu, hạnh phúc và hy vọng của hơn 52,000
linh hồn tại Antioch/Antakya; những người sống sót, đang níu kéo, bám chặt lấy
mảnh đất tổ tiên, quyết không rời. Vô tình, họ đã và đang sống thay cho nhân
loại, suy trì, bảo quản mãi miền đất người người tin rằng, chính nơi đây, hai
ngàn năm trước, danh xưng một tôn giáo mới đã được khai sinh—Kitô giáo.
Vài điểm đáng ghi nhận:
• Chính phủ quyết tâm xây
dựng lại Antakya, kiên cố hơn, bền vững hơn để chống trả lũ lụt, động đất và
thiên tai.
• Sẽ có những nhà tạm trú,
thay vì lều và nhà thùng (container), an toàn cho sức khoẻ và an sinh của hàng
vạn người đã và đang trải qua tháng ngày màn trời chiếu đất.
• Y tế tâm thần của mọi
người, không phân biệt tuổi tác, đang được các chuyên gia tâm lý quan tâm và
chăm sóc.
• Chợ búa (Bazaars) và
truyền thống nhóm họp vẫn là sức mạnh của tập thể và cộng đồng chung xã hội.
• Tiểu thương đã quay về
lại, kiến tạo và nỗ lực tiếp tục duy trì sự sống kinh doanh.
• Các cơ sở tôn giáo đang
đối đầu với nhiều thách thức về sứ mệnh kiến tạo, phục hưng lại các nơi thờ
phượng và sinh hoạt, âu cũng cần vài chục năm, hay cả một thế hệ; tuy sẽ không
bao giờ tìm lại được những di tích, gia sản tôn giáo của mấy ngàn năm qua.
• Người dân ý thức và chấp
nhận rằng, phải mất nhiều thập niên, hay cả một đời người để xây dựng lại
Antakya.
Antioch/Antakya, mãi mãi
là hoài niệm không phai nhoà, những hình ảnh mãi mãi hiện diện trong tâm thức
những ai đã một lần sinh ra, một lần sống, một lần đến và một lần viếng thăm
nơi nầy.
https://www.washingtonpost.com/world/2024/02/05/turkey-earthquake-one-year-photos/
https://www.todayonline.com/world/ancient-antioch-turns-container-city-year-after-quake-2353061
https://www.euronews.com/health/2024/02/06/in-the-ruins-of-antakya-turkeys-earthquake-victims-are-left-to-deal-with-their-trauma-alon
Lời cuối…
Antioch không những quan trọng là
nơi nhóm họp của cộng đoàn tin theo đức Giêsu ngay từ thuở kinh thánh chưa được
biên soạn, chưa hề xuất hiện; nhưng chính nơi ấy, lại khai sinh ra danh hiệu
Kitô hữu/Kitô giáo, là mối giao hoà giữa Barnaba và Phaolô cùng với những người
cộng sự khác. Antioch cũng là điểm khởi đầu cho nhiều chuyến đi truyền giáo
khắp các miền xứ La Mã, bao gồm cả Hy Lạp. Các người lãnh đạo trong cộng đoàn
Antioch như Phaolô, Barnaba, Luca, Marco, Titus, Silas và nhiều người khác, rời
xa Antioch, nhưng Kinh Thánh không ghi lại một “Thư” nào gửi đến giáo đoàn
Antioch. Vì nơi đó, đã có những nhà truyền giáo ưu việt đảm nhiệm. Thêm nửa, cộng đoàn Antioch không vướng bận
những tranh chấp, bất hoà, hoặc lũng đoạn về đức tin và đời sống đạo đức của cộng
đoàn.
Một sự trỗi dậy và vựt lên của đức
tin từ miền đất Antioch, với những biến động, sự kiện và sức sống mãnh liệt của
cộng đoàn, không bút viết nào tả xiết những năm tháng—từ lúc nhóm người chạy
lánh nạn từ Jerusalem cho đến khi Phaolô, Barnaba, các cộng sự và các vị lãnh
đạo tiên khởi qua đi, mãi cho đến công đồng Nicaene năm 325, chính thức thống
nhất tổ chức, cơ chế và thần học Kitô giáo.
Ngày nay, tuy Antioch/Antakya đã bị
vùi dập bởi các trận động đất, hơn năm vạn người thiệt mạng; nhưng, Antioch mãi
mãi tồn tại trong kinh thánh, trong tâm thức những ai hồi tưởng về cội nguồn
Kitô giáo, và tất cả những người thiết tha tìm hiểu, nghiên cứu về sự hiện diện
của Antioch trong lịch sử—của không những riêng gì Kitô giáo, nhưng của cả nhân
loại nữa.
Chỉ chủ để đơn sơ thôi, về một địa
danh, một sự kiện, cũng không thể nào viết cho xuể. Nhiều học giả kinh thánh
nói đã dành trọn một đời để nghiên cứu, học hỏi và giảng dạy về Phaolô, dường
như chưa đủ. Vậy, người viết là chi mà dám ước mơ viết trọn những gì tai nghe
mắt thấy trên mọi dặm đường Phaolô đã đặt chân đến—cách riêng, tại Antioch.
Không riêng gì Antioch, hoặc nơi
chôn nhau cắt rốn của Phaolo, Tarsus; nhưng, hầu hết những nơi dõi theo dấu
chân Phaolo—dường như, mình đã gặp những con người, mọi giai cấp trong xã hội,
từ bác tài xế taxi, em học sinh trung học, doanh nhân, sĩ quan cao cấp trong quân
đội, nhà tri thức, chủ khách sạn, người buôn bán dọc đường, rất nhiều nơi, nhiều
người—tưởng chừng như có sự quan phòng, ơn trên, xếp đặt, đón mình đến, đưa mình
đi—dẫn đường chỉ lối, khám phá rất nhiều những ngạc nhiên, từ văn hoá, con
người, truyền thống, giá trị tâm linh, và đặc biệt là quan hệ con người, siết
chặt trái tim mình với hành trình mình đã đi qua, tiếc nuối, như không muốn
rời.
Viết, chỉ mong đốt lên ngọn nến,
khơi dậy lòng khát khao về đức tin của riêng mỗi người, thêm kiến thức, phong
phú hoá sự hiểu biết về Phaolô, để rồi cùng nhau thốt lên, “chúng ta cùng say
mến Phaolô, như chính Phaolô đã say mến đức Kitô.”
Bài viết dừng nơi đây, nhưng ý tưởng
và khát vọng không khép lại, không đóng kín đam mê tìm tòi, học hỏi và nghiên
cứu sâu ra hơn về các chủ đề liên quan đến Phaolô. Không biết Phaolô, không am hiểu
Phaolô, khó lòng mà biết Kitô giáo là gì, đức tin là chi và đời sống kitô hữu
mang lại giá trị và ý nghĩa gì.
Mời mọi người cùng dấn thân song
hành…
BNĐ
Tài liệu tham khảo
· Kinh Thánh Tân Ước: Công
vụ Tông đồ (10, 11, 13-16), cung cấp cái nhìn chi tiết về các cộng sự của
Phaolô và các chuyến truyền giáo của họ. Ghi lại
sự thành lập cộng đồng Kitô giáo tại Antioch và các sứ vụ của Phaolô. Galát (2:11-14) là
những phần quan trọng ghi lại sự hiện diện và vai trò của các tông đồ tại
Antioch. Nơi Phaolô mô tả sự căng
thẳng với Phêrô tại Antioch về vấn đề liên quan đến dân ngoại.
· Meier, John P. “A Marginal Jew: Rethinking the Historical Jesus”,
Vol. III. Double day. 2001. Một bộ bốn cuốn, công trình nghiên cứu nhiều thập
niên, trình thuật rất chi tiết về con “người lịch sử của đức Giêsu”, thân thế,
xã hội, lịch sử và môi trường sống mà đức Giêsu là trọng tâm. John
P. Meier là linh mục công giáo,
một học giả kinh thánh và cũng là chủ tịch hiệp họi kinh thánh Hoa Kỳ. Một bộ
sách không thể thiếu với những ai say mê kinh thánh và con người lịch sử của
đức Giêsu.
· Everett Ferguson, Backgrounds
of Early Christianity (Eerdmans Publishing, 2003). Ferguson mô tả
bối cảnh xã hội và tôn giáo của Đế quốc La Mã và sự phát triển của các cộng
đoàn Kitô hữu.
· Paul Barnett, Paul:
Missionary of Jesus (Eerdmans Publishing, 2008). Barnett xem xét
hành trình truyền giáo của Phaolô và vai trò của Antioch trong sứ mệnh của ông.
· F.F. Bruce, Paul: Apostle of the Heart Set Free (1977): Một nguồn tài liệu toàn diện, chi tiết về cuộc đời và sứ vụ của Phaolô, cung cấp bối cảnh về mối quan hệ với Phêrô. Phân tích vai trò của Phaolô tại Antioch và
sự phát triển của cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên.
· Raymond E. Brown, An
Introduction to the New Testament (1997): Cung cấp cái nhìn tổng quan về sự
phát triển của Kitô giáo sơ khai và vai trò của các tông đồ. Nghiên cứu học thuật về Tân Ước, cung cấp ngữ
cảnh về mối quan hệ giữa Phaolô và Phêrô. Một
nghiên cứu toàn diện về Tân Ước và vai trò của các tông đồ trong quá trình hình
thành Kitô giáo.
· N.T. Wright, Paul: A
Biography (2018): Cuốn sách cung cấp cái nhìn sâu sắc về cuộc đời
và thần học của Phaolô, đồng thời đặt ra bối cảnh về mối quan hệ của ông với
Phêrô và những người khác. Phân
tích chi tiết cuộc đời và sứ vụ của Phaolô, đặc biệt là sự phát triển cộng đoàn
Kitô hữu tại Antioch.
· Josephus, Jewish
Antiquities: Một nguồn tài liệu lịch sử về bối cảnh Do Thái trong
thời đại của các tông đồ. Nhà sử
học người Do Thái, đã ghi lại về Antioch trong tác phẩm của mình, cung cấp bối
cảnh xã hội và văn hóa của thành phố này.
· Bart D. Ehrman, Peter,
Paul, and Mary Magdalene: The Followers of Jesus in History and Legend
(2006): Một phân tích hiện đại về vai trò của Phêrô và Phaolô trong lịch sử
Giáo hội sơ khai. Một học giả kinh thánh
rất uyên bác về Phaolô, đức Giêsu và Kitô giáo nói chung.
· John B. Polhill, Paul
and His Letters (1999): Cuốn sách này phân tích các thư của
Phaolô và cung cấp cái nhìn sâu sắc về các hoạt động truyền giáo của ông.
· Josephus: Nhà sử học người Do
Thái, đã ghi lại về Antioch trong tác phẩm của mình, cung cấp bối cảnh xã hội
và văn hóa của thành phố này.
BNĐ