Trần
Mỹ Duyệt
Xã
hội ngày nay, trong phần lớn các quốc gia là một xã hội của nền dân chủ pháp
trị. Phong trào nữ quyền, một phong trào nhằm thay đổi xã hội và đời sống của
phụ nữ theo chiều hướng tích cực, phát xuất từ Hoa Kỳ thập niên 1960 và 70 đòi
hỏi bình quyền và những cơ hội và sự tự do hơn cho nữ giới. Nó được coi và xem
như “con sóng thứ nhì” chủ nghĩa nữ quyền. Trong khi con sóng thứ nhất bắt đầu
từ thế kỷ thứ 19 và tiền bán thế kỷ thứ 20 chủ tâm vào những quyền pháp lý của
phụ nữ, đặc biệt quyền được bỏ phiếu, con sóng chủ nghĩa nữ quyền thứ hai cuốn
theo nhiều lãnh vực thực tế hơn của phụ nữ, bao gồm chính trị, công ăn việc
làm, gia đình, và tình dục. Tiếp nối là những con sóng thứ ba và thứ tư từ giữa
thập niên 1990 và đầu năm 2010 của cơn hồng thủy chủ nghĩa nữ quyền, dẫn đến
những quan niệm cực đoan, chủ nghĩa cá nhân đầy phóng túng, bất cập.
Một
trong những quyền đi liền với quyền tự do tình dục là quyền tự do phá thai! Và
quyền này hiện đang được chủ nghĩa nữ quyền đề cập đến tại hầu hết các quốc gia
trên thế giới. Theo đó, quyền phá thai được quan niệm là một phần trong nhân
quyền. Những đại diện, những người có trách nhiệm dân cử mà từ chối các phụ nữ,
các thiếu nữ, hoặc những ai đang mang thai mà muốn phá thai là một hình thức kỳ
thị và đi ngược lại hệ thống nhân quyền.
Nhưng
phá thai là gì? Phụ nữ có cần phải đòi cho được quyền này hay không? Quyền phá
thai có đi ngược với quyền được sống của thai nhi? Nữ quyền có xâm phạm đến
quyền sống của một con người đang phát triển trong cơ thể của mình không? Và ai
có quyền cho phép phá thai?
PHÁ
THAI LÀ GÌ?
Phá
thai theo nghĩa dùng trong y khoa là sự kết thúc một thai kỳ bằng cách loại bỏ
hoặc lấy phôi, hay bào thai khỏi tử cung trước khi đến hạn kỳ sinh nở. Hành
động này có thể xảy ra một cách có chủ đích, hoặc có thể xảy ra một cách không
chủ đích.
Trong
lịch sử, tranh cãi về phá thai có chủ đích đã là một chủ đề gây tranh luận lớn,
trong đó có liên quan đến các vấn đề chủng tộc, đạo đức, triết học, sinh học và
pháp lý. Các quan điểm về phá thai có thể miêu tả như là một sự tổng hợp giữa
đạo đức xã hội, trách nhiệm, phạm vi cá nhân và phạm vi quyền lực của chính phủ
trong chính sách công.
Kết
quả các cuộc tranh luận về phá thai thường dẫn đến việc hợp pháp phá thai cũng
như các luật lệ về phá thai. Nói chung, bên phản đối cho rằng phôi thai là một
con người với quyền được sống, phá thai là hành động giết người. Bên ủng hộ cho
rằng phụ nữ có một số quyền về sinh sản, trong đó đặc biệt là quyền lựa chọn có
hay không hoàn thành một thai kỳ.
Từ
ngữ phá thai chủ yếu nhắc tới trường hợp phá thai có chủ đích. Trường hợp vì
tai nạn hay biến cố y khoa mà phôi thai hay bào thai bị loại bỏ gọi là sẩy
thai. Do đó, phá thai tự do lựa chọn hay tự nguyện là khi nó được thực hiện
theo yêu cầu của người phụ nữ mà không có các lý do y tế phụ thuộc. Sẩy thai là
một hình thức phá thai không có chủ đích đối với một phôi thai hay bào thai
trước tuần tuổi thứ 20 tới 22. Thai nhi chết trong tử cung sau khi đã hình
thành, hay trong khi sinh gọi là “thai chết lưu”. Thống kê cho thấy, mỗi
năm trên thế giới có khoảng 73 triệu vụ phá thai, 61% trường hợp này là mang
thai ngoài ý muốn, và 29% trường hợp thai nhi có bệnh lý hoặc dị tật buộc phải
chấm dứt thai kỳ. [1]
Ngoài
ra trong nhiều trường hợp đặc biệt, như khi siêu âm và những phương pháp chuyên
môn khác như phân tích nước ối, khảo sát nhau (Chorionic
villus sampling and amniocentesis) ... phát hiện thai nhi mang hội chứng Trisomy 14, Anencephaly…, hoặc bào thai có hại cho sức khỏe và nguy hiểm
tính mạng người mẹ, hoặc những trường hợp mang thai vì bị hiếp dâm, loạn luân,
phá thai trong những trường hợp này là một lựa chọn vô cùng khó khăn, đòi hỏi
những nghiên cứu chuyên môn về y khoa, cũng như những hướng dẫn tinh thần khôn
ngoan.
Lý
do phá thai
Các
lý do thông thường đưa đến quyết định phá thai đa số thuộc yếu tố kinh tế. Tài
chính gia đình không đủ để có thêm một người con. Tiếp theo là sức ép xã hội
như cha mẹ độc thân, công ăn việc làm, tiếp tục học hành, cơ hội tiến thân, sắc
đẹp phụ nữ, hẹn hò trai gái, hiếp dâm, hoặc loạn luân. Ngoài ra còn có những lý
do chính trị như nhằm nỗ lực kiểm soát dân số như chính sách một con của Trung
Quốc, chính sách hai con của Việt Nam: “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ!” Chọn
lựa trẻ em theo phái tính, trong đó cha mẹ qua việc phá thai để lựa chọn giới
tính hay loại bỏ con gái. Hoặc tìm kiếm số phiếu của thành phần cử tri ủng hộ
phá thai, phong trào nữ quyền quá khích. Sau cùng là sức khỏe của người mẹ.
Một
kết quả khảo cứu khác cho thấy nguyên nhân và xác suất phá thai như:
-Hiếp
dâm và loạn luân: 0.4%
-Nguy
hiểm đe dọa tính mạng người phụ nữ hoặc những lý do quan trọng về cơ thể: 0.3%
-Những
lý do liên quan đến sức khỏe người phụ nữ: 2.2%
-Thai nhi dị tật, dị hình: 1.2%
-Tự
do và không có những lý do đặc biệt: 95.9%
Một
cách tổng quát, những loại trừ thông thường đối với những giới hạn phá thai
được ước tính dưới hơn 5% trong tất cả các trường hợp phá thai. [2]
Xã
hội và văn hóa
Do
những nhu cầu đòi hỏi và được đẩy mạnh của phong trào nữ quyền, phá thai đang
là một hiện tượng nổi bật tại hầu hết các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia
tiên tiến và dân chủ. Theo các nhà hoạt động nữ quyền, lựa chọn phá thai là
quyền của mỗi cá nhân người phụ nữ. Nó đáng được tôn trọng và không ai có quyền
chỉ trích, phê bình hay kết án. Chủ đề phá thai đang trở thành đề tài gây tranh
cãi hiện nay trong cuộc bầu cử của Hoa Kỳ.
Hiện
nay trên thế giới, tại nhiều nước, phá thai không còn thực hiện một cách lén
lút, nhưng nó đã trở thành công khai và được pháp luật bảo vệ. Những người theo
thuyết nữ quyền thường đưa ra khẩu hiệu “Cơ thể tôi là của tôi” nhằm khẳng
định quyền tự quyết của họ. Những phụ nữ này đòi quyền tự làm chủ bản thân
mình, trong đó nhấn mạnh đến quyền sinh sản, và đặc biệt là quyền được phá
thai. Họ cho rằng đây là nền tảng tiến bộ của người phụ nữ.
Một
cái nhìn tổng quát về phá thai tính đến thời điểm 2024. Trong khi phong trào
ủng hộ phá thai biến đổi không ngừng trong hai thập niên qua, hiện tại có 63%
chủ trương phá thai nên được hợp pháp trong tất cả mọi tình huống, trong khi
36% cho rằng chỉ nên hợp pháp trong tất cả hoặc hầu hết các trường hợp.
Trong
số ¾ những người Tin Lành Evangelical da trắng (White evangelical Protestants)
tức 73% cho rằng phá thai nên hợp pháp trong tất cả hoặc hầu hết các trường
hợp. Trong khi đó ngược lại 86% những người Mỹ không gần gũi với tôn giáo cho
rằng phá thai nên được hợp pháp trong tất cả hoặc hầu hết các trường hợp, cũng
như 71% những người Tin Lành da màu, 64% những người Tin Lành Nonevangelical da
trắng (White nonevangelical Protestants) và 59% người Công Giáo.
Về
phương diện phái tính, phần đông cả hai phái 61% đàn ông và 64% đàn bà bày tỏ
ủng hộ hợp pháp phá thai. [3]
Hậu
quả của phá thai
Phá
thai, theo nguyên tắc phải được thực hiện tại những cơ sở theo quy định pháp lý
một cách hợp pháp, và bằng những kỹ thuật an toàn. Dầu vậy, vẫn có những vụ phá
thai không an toàn được thực hiện bởi những người không được đào tạo chuyên môn
hay bên ngoài một cơ sở y tế. Thống kê cho biết:
-Sáu
trong mười trường hợp thụ thai ngoài ý muốn đã kết thúc bằng việc phá thai.
-Phá
thai là một trong những phương pháp an toàn khi thực hiện đúng các chỉ dẫn của
y khoa được khuyến cáo bởi WHO, vào những thời điểm thích hợp và do những người
được huấn luyện chuyên môn.
-Tuy
nhiên, có khoảng 45% các trường hợp phá thai là không an toàn. [4]
QUAN
NIỆM VỀ PHÁ THAI
Trong
lịch sử, phá thai có chủ đích đã là một chủ đề từng gây nhiều tranh luận. Một
quan điểm có liên quan đến các vấn đề chủng tộc, tôn giáo, đạo đức, triết học,
tâm lý, sinh học, y khoa, và pháp lý phức tạp của xã hội.
Trong
các cuộc tranh luận dù công khai hay không công khai, các lý lẽ được đưa ra ủng
hộ hay phản đối tập trung vào việc có cho phép, về mặt đạo đức, thực hiện một
ca phá thai có chủ đích không, hay sự biện minh cho các luật pháp cho phép hay
hạn chế việc phá thai. Về lãnh vực tâm linh, rõ ràng và đặc biệt nhất là quan
điểm đạo đức theo Kitô giáo.
Điều
1398 trong bộ giáo luật 1983 của Giáo Hội Công Giáo quy định rằng: “người nào
thi hành việc phá thai có hiệu quả thì bị vạ tuyệt thông tiền kết.” Thánh Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Vì vậy, với quyền bính được Chúa Kitô
trao cho Phêrô và những người kế vị, trong sự hiệp thông với tất cả giám mục
của Giáo Hội Công Giáo, tôi xác nhận rằng việc trực tiếp và cố ý giết một người
vô tội luôn luôn là điều vô luân nghiêm trọng. Giáo lý này căn cứ vào luật bất
thành văn mà mọi người nhận thấy trong thâm tâm của mình dưới ánh sáng của lý
trí (x. Rm 2, 14-15), được Thánh Kinh khẳng định và Truyền Thống Giáo Hội lưu
truyền và được Huấn Quyền thông thường và phổ quát giảng dạy.”
Như
thế, bất kỳ người Công Giáo nào cho rằng phá thai là không vô luân đều mang tội
lạc giáo và phải gánh chịu vạ tuyệt thông tiền kết. Người cổ vũ cho việc phá
thai thuộc vào tội đồng lõa. Những ai cổ vũ cho việc phá thai như tuyên truyền,
phát thuốc, quảng cáo, tung ra phim ảnh, ủng hộ luật phá thai hợp pháp… thì
cũng đều mang tội trọng và lãnh án vạ tuyệt thông tiền kết.
Một
chính trị gia Công Giáo tham gia vào việc soạn thảo luật cho phép phá thai hay
lên tiếng giữa dân chúng rằng mình ủng hộ chính sách phá thai thì cũng chịu
cùng một tội và vạ trên. Khi một người bỏ phiếu tín nhiệm một quan chức ủng hộ
phá thai thì người ấy được kể là kẻ đồng phạm và cũng mang vạ tuyệt thông tiền
kết. Họ tự mình tách ra khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội.
Đối
với Phật Giáo, phá thai là một hành động tiêu cực và không nên để xảy ra. Phật
giáo quan niệm sự sống con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Phá thai tạo nghiệp
xấu cho cả người mẹ và bào thai. Nghiệp xấu cho người mẹ là hành động sát sinh,
đặc biệt đây lại là đứa con mình thai nghén nên. Nghiệp xấu cho bào thai là bị
đánh mất một cơ hội được tái sinh làm người.
Dưới
cái nhìn về luân hồi, mang thai là một sự việc thiêng liêng, và sự ra đời của
một con người là một cơ hội hiếm quý. Với Phật Giáo, việc phá thai gây ra một
ác nghiệp và người nạo phá thai sẽ phải nhận lãnh quả báo đọa địa ngục Vô
Gián.[5]
AI
CHO QUYỀN PHÁ THAI
Thật
ra những người chủ trương phá thai, những người ủng hộ phá thai, và những người
phá thai cứ tưởng rằng phá thai là quyền được hiến pháp bảo đảm và như vậy phá
thai là hợp pháp. Tuy nhiên, ngày 24 tháng 6 năm 2022, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ
đã ra phán quyết vô hiệu hoá phán quyết Roe vs Wade năm 1973 và trao trả quyền
quyết định phá thai cho quốc hội tiểu bang, tức người dân của mỗi tiểu bang sẽ
trực tiếp bỏ phiếu hồ sơ này. Vậy, chính mỗi một người sẽ phải đối diện
với lương tâm để suy xét cẩn trọng xem lý do chính đáng nào khiến họ quyết định
giết một thai nhi vô tội. Họ sẽ phải tự hỏi họ nhân danh cái gì để hủy diệt sự
sống mà họ không thể tạo ra, bởi lẽ sự sống của mỗi người chúng ta chính là một
món quà vô giá của Thượng Đế.
Về
phần mình, những người làm cha, làm mẹ nghe theo, chấp nhận những luật lệ này
và cũng tự cho phép mình được phép giết hại con mình họ nghĩ thế nào? “Hổ dữ
không ăn thịt con”. Lương tâm một con người, lương tâm người cha, người mẹ đồng
ý phá thai để đâu? Họ có đủ lý do để bào chữa khi đứng trước Đấng là chủ sự
sống để nói rằng, “Cơ thể tôi là của tôi”, tôi có quyền trên nó, và tôi có
quyền phá thai?
Trong
thâm tâm, tôi cũng không tin rằng những quan tòa, những thẩm phán, những nhà
lập pháp, những chính trị gia ủng hộ và cho phép phá thai sẽ có đủ lý lẽ để bào
chữa cho những đạo luật mà họ đã làm, đã bỏ phiếu, và đã ban hành để cho phép
phá thai trước Đấng thông suốt hết mọi sự là Tạo Hóa muôn loài. Đấng đã phán:
“Ngươi không được giết người.” (Exodus 20:13)
_______
Tài
liệu tham khảo:
1.Wikipedia
contributors. (2023, November 14). Abortion – Wikipedia.
https://en.wikipedia.org/wiki/Abortion)
2. https://lozierinstitute.org/fact-sheet-reasons-for-abortion/
3. https://www.pewresearch.org/religion/fact-sheet/public-opinion-on-abortion/
4. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/abortion
5. https://vi.wikipedia.org/wiki/Phá_thai