CHUYỆN MỖI TUẦN – CHUYỆN VỀ CUỐN PHIM “CHÚNG TA KHÔNG PHẢI LÀ THIÊN THẦN”…
Một cuốn phim Mỹ có tựa đề "Chúng ta không phải là Thiên Thần" do hai tài tử nổi tiếng là Robert de Niro và Sean Penn thủ diễn, đã kể lại một cuộc vượt ngục rất kỳ thú của hai tử tội bị giam trong một trại khổ sai nằm giữa biên giới Hoa Kỳ và Canada… Hai tử tội này có lẽ đã từng phạm những tội ác như cướp của giết người. Nhưng từ một ngục thất kiên cố, họ không bao giờ có ý định trốn thoát. Thế rồi, một hôm, một người tử tội đang được đưa lên ghế điện, bỗng cướp súng hạ sát một số viên cai ngục và tìm đường tẩu thoát. Trên đường trốn chạy, hắn đã cưỡng bách hai người tù cùng trốn thoát với hắn… Sau một đêm đào tẩu giữa núi rừng phủ đầy tuyết, hai người tử tội đã mon men tìm đến một ngôi làng. Một lão bà đã ngộ nhận là hai linh mục nổi tiếng trong vùng. Bất đắc dĩ họ đành phải đội lốt linh mục và được một tu viện gần đó tiếp đãi nồng hậu. Giữa lúc đó, cảnh sát lại đi lùng khắp nơi để tìm cách bắt lại ba kẻ đào thoát. Người tử tội đã giết các viên cai ngục để trốn thoát nay bị sa lưới lại. Hôm đó là một ngày rước kiệu trọng thể kính Ðức Mẹ do tu viện nói trên tổ chức. Nhờ lớp áo nhà tu, một trong hai tên tù đã lẻn vào nhà giam để giải thoát kẻ vừa bị bắt lại. Người tù hung hãn cũng được khoác lên người chiếc áo dòng và nép mình trong chiếc kiệu vĩ đại có tượng Ðức Mẹ... Giữa những tiếng cầu kinh sốt sắng của mọi người, hắn xuất hiện trước công chúng và dùng súng uy hiếp mọi người. Một em bé gái câm trong đám rước kiệu đã bị hắn bắt làm con tin. Trong khi mọi người ngã rạp xuống đường vì sợ hãi, thì một trong hai vị linh mục giả đã nhào lên chiếc kiệu để giải thoát em bé gái câm. Cuộc xô xát đã làm cho người tù hung hãn bị trúng đạn, nhưng em bé gái câm và tượng Ðức Mẹ lại bị quăng xuống dòng sông giá buốt... Không chút do dự, vị linh mục giả còn lại đã nhào xuống dòng sông và cứu sống em bé. Mở mắt nhìn vị ân nhân, em bé bỗng nhận ra người tù vượt ngục mà hình ảnh được dán đầy trong khu phố... Trong đoạn kết thúc cuốn phim, một người đã xin được tiếp tục tu trong tu viện, còn người cứu sống em bé tiếp tục làm lại cuộc đời với người mẹ của em... Vậy là cuốn phim đã có được một cái kết “có hậu”…Và có lẽ đấy cũng là ý muốn của hầu hết các đạo diễn dựng phim, bởi cái kết “có hậu” nó đã nằm sẵn trong “con- tim-làm-người” của mọi con người…Cái hay của phim ảnh chính thống là trình bày trọn vẹn được cái xấu muôn mặt của con người đối với con người qua những góc cạnh sắc nhọn nhất nơi những nhân vật phản diện, nhưng rồi phải tính toán, sắp xếp sao đó để luôn luôn có được một “cái kết có hậu” nhằm khích lệ con người trong hành trình đời thường, an ủi những mảnh đời oằn mình trong những chịu đựng vô cùng để họ có thể tìm được cho mình những “cánh cửa sổ” hầu hít thở bầu khí lành sạch của yêu thương và chia sẻ… “Cái kết có hậu” của bộ phim “Chúng ta không phải thiên thần” là hai ông “Linh mục giả” vốn là tù nhân bị cưỡng bức thoát ngục – khi mọi biến cố qua đi – thì một anh xin tiếp tục tu và anh kia kết hôn với bà mẹ của cô bé câm… Và dĩ nhiên không phải chỉ là trong phim ảnh…Thực tế cho thấy không ít những mảnh đời xấu xa đã – lúc này/lúc khác – cảm nhận được ân tình vô song của Thiên Chúa và có được những quyết định hối cải ngoạn mục…Tác giả Meg Hunter -Kilmer đã lược thuật đôi ba nét đặc trưng của các Vị Thánh có một quá khứ nặng nề…Ông viết: “Khi hiện ra với Thánh Faustina Kowalska, Chúa Giêsu đã nói về lòng thương xót vô tận của Người. Thế nhưng, lòng thương xót vĩ đại của Thiên Chúa không phải là một sự mặc khải của thế kỷ 20… Không, ngay từ đầu, Giáo hội đã biết rằng tình yêu thương của Thiên Chúa vô cùng cao cả đến nỗi kêu gọi cả những tội nhân xấu xa nhất để nên thánh. Tuy nhiên, thật dễ để cảm thấy xấu hổ về những tội lỗi trong quá khứ của chúng ta (hoặc những tội lỗi mà chúng ta dường như không thể thoát ra khỏi ngay lúc này) đến nỗi chúng ta bắt đầu tin rằng Thiên Chúa không thể làm cho chúng ta trở nên thánh thiện. Khi chúng ta thực hiện các việc tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta hãy noi gương những vị thánh mà tội lỗi của họ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có thể được biến đổi để trở nên thánh… Thánh Longinus (thế kỷ I) mang lại hy vọng cho cả những tội nhân xấu xa nhất. Nếu người đàn ông đã giết Thiên Chúa bằng chính hai tay của mình có thể là một vị thánh, thì bất cứ ai cũng có thể trở thành thánh nhân. Longinus là tên gọi của vị đại thần La Mã đã dùng mũi giáo đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu để chắc chắn rằng Chúa đã thực sự chết. Khi nhìn thấy cách Chúa Giêsu chết, Longinus kêu lên: "Quả thật người này là Con Thiên Chúa!". Truyền thống sau này khẳng định rằng Longinus đã được hoán cải trong thời điểm đó. Sau khi được rửa tội, ngài trở thành một nhà truyền giáo vĩ đại, rao giảng Tin Mừng của Đấng mà chính ngài đã cộng tác trong cáit chết của Người… Thánh Maria Ai Cập (344-421) thường bị gọi là gái điếm, dù ngài không bán thân kiếm tiền. Ngược lại, ngài là một người cuồng dâm, tìm kiếm đàn ông chỉ để thoả mãn dục vọng thân xác mà không cần tiền; người ta nói rằng đôi khi ngài ép buộc cả những người đàn ông xa lạ ăn nằm với ngài dù họ không muốn. Nghe vậy, thật khó mà nghĩ một người phụ nữ lăng loàn như thế có thể được cứu độ, nhưng Thiên Chúa đã không lên án Maria và những tội phạm của bà… Một lần kia, Maria chợt nảy ra ý tưởng muốn đến vùng Đất Thánh để cám dỗ những người đàn ông hành hương ở đây, vốn rất đông. Ở đó, Maria được ơn hoán cải kỳ diệu, ngài đau đớn nhận ra những tội lỗi mình đã phạm, và ngay lập tức ngài trốn vào sa mạc, nơi mà ngài tiếp tục đấu tranh chống lại tội lỗi và cám dỗ trong ăn năn, hối cải. Ngài ở đó gần như một mình suốt 17 năm, không ngừng chiến đấu với sự dằn vặt của đam mê, khóc lóc hy sinh đền tội. Sau cùng, ngài dứt chừa được những thói xấu và sống thanh tịnh tuyệt đối, trở thành một vị thánh ẩn sĩ vĩ đại, được sùng kính rộng rãi trong các Giáo Hội Đông Phương. Thánh nữ Olga xứ Kiev (mất năm 969) là một kẻ sát nhân hàng loạt. Để bảo vệ vương miện của mình, vị “Nữ hoàng nước Kievan Rus” này đã giết chết rất nhiều kẻ thù của mình… Có lần ngài đã bao vây một thành phố và biến tất cả thành tro bụi, ngay cả khi người dân trong thành phố đã đầu hàng… Olga đã được rửa tội trong một chuyến viếng thăm chính trị đến Constantinople, có lẽ là vì một nỗ lực để giành quyền lực giữa các nhà cai trị Kitô Giáo khác trong khu vực. Dù ý định của ngài là gì, phép rửa đã hoàn toàn biến đổi ngài. Ngài đã dành phần đời còn lại của mình để bù đắp những tổn thương mà ngài đã gây ra, đặc biệt cải hóa tính khí tàn nhẫn của đứa con trai của ngài. Ngài đã mời những nhà truyền giáo đến đất nước mình, nhưng họ hầu như không thành công. Tuy nhiên, sau cái chết của Olga, sự chuyển cầu của ngài đã mang lại sự chữa lành kỳ diệu cho cháu trai của ngài là Thánh Vladimir Đại đế, người đã đưa người dân Nga đến với Đức Kitô. Với sứ mạng của mình, ngài được biết đến như là vị Tông đồ trong Giáo hội Đông Phương. Thánh Bruno Sserunkuuma (~ 1856-1886) là một kẻ kiêu ngạo, bạo lực, đa thê, nghiện rượu và dâm ô. Mặc dù khao khát sự thánh thiện và được tuyển chọn để chịu phép Rửa tội khi trưởng thành, Sserunkuuma nhận thấy rằng Bí tích không giúp loại bỏ khuynh hướng phạm tội của ngài một cách mầu nhiệm... Ngài vẫn sử dụng hình thức tống tiền trong công việc của một vệ sĩ hoàng gia với bổn phận phải lo các món thuế… Và khi nhà vua trao cho ngài hai phụ nữ trẻ như một phần thưởng, những nỗ lực trong đức khiết tịnh của Sserunkuuma đã tan thành mây khói. Ngài lấy cả hai người làm vợ (mặc dù cả hai đều không phải là một cuộc hôn nhân hợp pháp) và ngay sau đó một trong hai người phụ nữ có thai. Thật may mắn, thánh Charles Lwanga và thánh Andrew Kaggwa - những người bạn của Sserunkuuma, đã thấy lo lắng trước lối sống của ngài và quyết định đối mặt với ngài để có thể đưa ra lời khuyên chân tình và xác tín đến nỗi Sserunkuuma đã rời bỏ cả hai người phụ nữ. Ngài vẫn để họ trong nhà của mình nhưng quyết định làm một đan phòng cho mình trong cung điện, nơi ngài đã sống sau khi ăn năn sám hối. Mặc dù cách sống bên ngoài không cho thấy ngài là một Kitô hữu, nhưng khi cuộc đàn áp các Kitô hữu bắt đầu, ngài đã thú nhận rằng mình là một Ki-tô hữu và đã can đảm chấp nhận bị thiêu chết…vì đức tin của mình… Chân phước Bartolo Longo (1841-1926) là thượng tế của Satan trước khi được ơn hoán cải. Mặc dù đã ý thức cầu nguyện với tràng chuỗi Mân Côi, Bartolo vẫn mong muốn được sống trọn vẹn trải nghiệm thời đại học, điều mà vào thời điểm đó có nghĩa là chống lại chủ nghĩa giáo sĩ, ủng hộ chủ nghĩa vô thần và sau cùng là thực hành các thế lực huyền bí. Chẳng bao lâu sau, ngài được “phong chức” trở thành linh mục của Satan. Nhờ sự chuyển cầu của người cha đã khuất, Bartolo cuối cùng đã trở về bên Chúa và từ bỏ chủ nghĩa Satan, mặc dù phải mất một thời gian để ngài chấp nhận rằng Chúa đã thực sự tha thứ cho mình. Trong hơn 50 năm sau đó, Bartolo truyền bá Kinh Mân Côi, thành lập trường học cho người nghèo và thành lập trại mồ côi cho các trẻ em bị kết án phạm tội...” Dĩ nhiên dọc dài giòng lịch sử của Giáo Hội xưa và nay không thiếu những mảnh đời đã từng trải qua một khoảng thời gian đắm chìm trong tội phạm, nhưng rồi bỗng chốc một biến cố nào đấy xảy đến, con người lỗi tội chợt nhận ra những sai sót trong cách sống, trong đam mê, trong khát vọng của mình, và rồi cũng với nỗi niềm đam mê ấy, cũng với khát vọng ấy nơi con người ấy, mọi sự chuyển hướng, mọi sự đổi thay…và họ trở thành những “lời chứng” mạnh mẽ cho Ơn Chúa trên chính cuộc đời mình… Đại thi hào Lamartine có viết : “ Con người là một nthiên thần sa đọa hằng ngày hướng vọng về trời cao”… Cùng với thánh Augustino – con người của sự “tự thú” - chúng ta chân thành thân thưa : “ Lay Chúa, Chúa dựng nên con vì Chúa, nên hồn con vẫn hằng thao thức cho đến khi nào được nghỉ an bên Chúa”… Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp
Tác giả:
Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp
|