THỨC ĂN CŨ HAY LƯƠNG THỰC MỚI
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta “tìm kiếm Chúa
Giêsu”. Chúng ta có như nhóm “dân chúng
xuống thuyền đi Caphácnaum tìm Ngài”
để rồi bị khiển trách “Thật, tôi bảo thật
các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các
ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6: 26)? Trong cuộc sống, chúng ta thường tìm
kiếm Chúa để được no nê theo ý muốn riêng của mình. Tuy nhiên điều Chúa Giêsu
muốn chúng ta kiếm tìm, “ra công làm việc”
không phải vì “lương thực mau hư nát”,
nhưng là: “Lương thực thường tồn đem lại
phúc trường sinh” (Ga 6:27).
1. Của ăn đích thực của
Thiên Chúa
Sau khi ăn no nê bánh và cá mà Chúa Giêsu hóa ra nhiều, đám đông đi tìm
Ngài lần nữa. Họ rất ấn tượng với khả năng kỳ diệu của Chúa Giêsu khi cho họ
ăn, đến nỗi họ muốn tôn Ngài làm vua ngay lập tức, với ý muốn được sống nhờ khả
năng cung cấp thức ăn của Ngài cho họ. Họ mong muốn được Chúa Giêsu giải thoát
khỏi cơn đói trần gian dựa trên một chứng cứ xảy ra trong lịch sử mà họ trưng dẫn:
“Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc,
như có lời chép: Ngài đã cho họ ăn bánh bởi trời” (Ga 6:31). Họ nghĩ đến những
lợi ích của mối tương quan giao ước xưa, giữa Thiên Chúa và tổ tiên của họ và bây
giờ họ tiếp tục mơ tưởng đến những lợi ích mà Chúa Giêsu có thể đem lại cho họ,
vì Ngài đã từng tuyên bố: “Những việc
Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng
cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi” (Ga 5: 36). Họ quan tâm đến những gì mang
lại lợi ích thiết thực cho họ, những gì họ sẽ nhận được khi tìm đến Chúa Giêsu.
Chính vì thế họ hỏi Ngài: “Vậy chính ông,
ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?”
(Ga 6: 30). Họ không hiểu được dấu lạ, không hiểu được ý nghĩa của
thứ lương thực mà Chúa Giêsu vừa trao ban cho họ vì họ hiểu điều đó một cách
duy vật. Nhưng thứ lương thực mà Chúa Giêsu nói đến không phải là cơm bánh cụ
thể chỉ để giải quyết những nhu cầu thể lý mỗi ngày: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên
Chúa phán ra” (Mt 4:4), mà là “thứ
lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên
Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6:37) nhờ đó con người có thể sống một sự
sống dồi dào, trọn vẹn, cả xác lẫn hồn.
Chính vì thế, Chúa Giêsu nói với họ về những lợi ích của lương thực mà Ngài
ban, nhưng Ngài nói rõ rằng những lợi ích này khác với những gì họ đang mong đợi.
Chúa Giêsu làm rõ loại bánh mà Ngài ban cho họ khi Ngài tuyên bố: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì
lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường
sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là
Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6:27). Khi họ hỏi họ phải nhận
thức ăn này như thế nào, Chúa Giêsu tuyên bố: “Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi tin vào Đấng Người đã sai
đến.” Chúa Giêsu mời những ai muốn được nuôi dưỡng bằng thức ăn không bao
giờ hư nát này hãy tin vào Ngài và sống cuộc sống của người môn đệ Ngài.
Cũng là chuyện thường tình khi chúng ta trông cậy vào Chúa để có nhiều
điều chúng ta mong muốn, vật chất và tinh thần. Chúng ta muốn được nuôi dưỡng
và không muốn thiếu thức ăn thông thường hàng ngày. Không phải Chúa Giêsu không
nhận thấy những người theo Ngài vẫn cần cơm bánh. Tuy nhiên Chúa Giêsu muốn cho
chúng ta thấy Ngài còn nhiều thứ khác để ban tặng. Ngài ban thức ăn và thức uống
của sự sống vĩnh cửu, của tình yêu Ngài, và tình yêu của Thiên Chúa sẽ không
bao giờ bị ôi thiu hay cạn kiệt.
Chúa Giêsu luôn dẫn chúng ta vượt quá nơi chúng ta đang ở, vượt quá cơn
đói thức ăn vật chất của chúng ta để đến với “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6;27). Thiên
Chúa biết chúng ta cần gì để vượt qua thế giới này đến quê hương thiên đàng.
Ngài ban cho chúng ta “thức ăn đích thực”, là Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính
của Ngài trong Bí tích Thánh Thể. Đây không phải là một đài tưởng niệm hay bản
sao vô hồn, không sức sống. Đài tưởng niệm hay bản sao như vậy không thể là “thức
ăn thường tồn đích thực”. Chúa Giêsu ban cho chúng ta Mình, Máu, Linh hồn và
Thiên tính của Ngài, đổ đầy chúng ta bằng sự sống thần linh của Ngài, để chúng
ta có thể chống lại tội lỗi, có thể sống với tình yêu và trong tình yêu, và
lòng can đảm để chiếu ánh sáng của Chúa Kitô vào thế giới. Trong Bí tích Thánh
Thể, Chúa Giêsu nuôi dưỡng chúng ta, cả thể xác và linh hồn. Ngài đổ đầy chúng
ta bằng chính ngôi vị Thiên Chúa và hai bản tính của Ngài. Thật kỳ diệu! Chúng
ta có thực sự nắm bắt được điều này không? Giống như những khẩu phần lương thực
hàng ngày, chúng ta cần khẩu phần lương thực siêu nhiên, để được tăng cường
năng lượng cho cuộc hành trình về quê trời, ngay từ hôm nay, nơi trần thế này.
2. Lương thực đức tin
Chúng ta, những người muốn nhận lương thực không bao giờ hư nát, được mời
gọi tin vào Chúa Kitô và thực hiện ý muốn của Ngài trong cuộc sống của chúng
ta. Chúng ta được mời gọi trở thành Dân của Giao ước Mới. Thiên Chúa không nói
nước đôi. Bí tích Thánh Thể không phải là ẩn dụ hay biểu tượng. Bí tích Thánh
Thể, trong hình bánh và rượu, là thịt và máu của Chúa Kitô, là sự sống vĩnh cửu,
thần linh. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta vô cùng lớn lao
đến nỗi Ngài mong muốn chúng ta giữ lấy Ngài không chỉ trên thiên đàng mai sau,
mà còn ngay trên trần thế này, bằng sự kết hợp mật thiết nhất của thân xác và
linh hồn chúng ta với Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Kitô. Tình yêu
luôn tìm kiếm sự kết hợp với người được yêu. Đó là lý do tại sao Giáo hội không
chỉ trao ban Thánh Thể vào các ngày Chúa Nhật hoặc hững ngày lễ đặc biệt mà là
mỗi ngày. Đó phải là thức ăn chúng ta phải mong muốn hơn bất cứ điều gì khác.
Đó là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô. Đây là lương thực của đức tin. Nhiệm
vụ chính mà chúng ta phải thực hiện là tin vào Ngài như là Đấng được Chúa Cha
sai đến: “Việc Thiên Chúa muốn cho các
ông làm, là tin vào Đấng Ngài đã sai đến” (Ga 6: 29).
Tin tưởng là điều Chúa muốn chúng ta làm: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm” (Ga 6:29). Chúa Giêsu mời đám
đông tin vào Ngài là Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến, là Đấng vừa làm dấu lạ và
cho họ ăn bánh no nê. Tuy nhiên thứ bánh mà họ vừa ăn chỉ là của ăn vật chất,
không phải là “bánh bởi trời” (Ga
6:31) mà họ nhắc đến. Chúa Giêsu sửa sai cách hiểu của họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông
Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu” (Ga 6:32). Chính Thiên Chúa là
nguồn gốc của mọi ân huệ tốt lành: “Chính
là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban
là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6:32-33). Ân
huệ mới mà Thiên Chúa ban tặng là chính Chúa Giêsu, là “bánh bởi trời, bánh sự
sống” nếu họ chấp nhận: “Chính tôi là
bánh trường sinh” (Ga 6:35). Chúa Giêsu nói với họ không chỉ về sự sống vật
chất, mà là về sự sống trọn vẹn: “Ai đến
với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35).
Chúng ta có thực sự tin vào lời này của
Ngài không?
Có lẽ chúng ta nhiều khi hiểu sai những dấu chỉ mà Chúa Giêsu ban cho
chúng ta, là những người được coi là tin theo Ngài. Việc tin vào Chúa Giêsu không phải là một
chuyện dễ dàng, dù chúng ta, như những người Do thái thời đó, từng được chứng
kiến những dấu lạ Ngài đã làm (Ga 6:2). Hoặc chúng ta, mãi như những người Do
thái thời xưa, cứ muốn cậy dựa vào các nghi lễ, vào việc tuân giữ các luật lệ và
các việc làm mà chúng ta cho là tốt lành khác để “kiếm được” sự cứu độ cho
chính chúng ta. Chúa Giêsu trả lời rằng sự cứu rỗi không đạt được bằng bất cứ
việc làm tốt lành nào mà con người có thể làm, theo mong muốn
riêng của mình, nhưng bằng đức tin vào Đấng mà Chúa đã sai đến: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin
vào Đấng Ngài đã sai đến” (Ga 6:29). Thánh Phaolô nói về điều này: “Quả thế, tôi làm chứng cho họ là họ có lòng
nhiệt thành đối với Thiên Chúa, nhưng lòng nhiệt thành đó không được sáng suốt,
họ không nhận biết rằng chính Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính, và họ
tìm cách nên công chính tự sức mình. Như vậy là họ không tuân theo đường lối
Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính. Quả thế,cứu cánh của Lề Luật là
Chúa Kitô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính” (Rm 10:2 -3). Điều những
ai muốn được Chúa Kitô cứu độ phải làm là tin vào Ngài.
Vậy thì, đức tin thể hiện thế nào trong cuộc sống hằng ngày của chúng
ta? Chúa Giêsu không tách biệt đức tin và hành động. Ngài cho chúng ta thấy đức
tin là công trình của Thiên Chúa, là điều Thiên Chúa làm trong chúng ta. Đức
tin không phải là một hành động chỉ cần thực hiện một lần, chấp nhận một chân
lý nhất định nào đó trong một nghi thức nào đó; đức tin là một “lập
trường sống” bền bỉ của tâm trí và cõi lòng, của suy niệm cầu nguyện và hành động.
Đức tin có nghĩa là tin tưởng sâu sắc rằng Chúa không bao giờ yêu cầu chúng ta
điều gì đó vượt quá khả năng của chúng ta. Tin vào “Đấng Ngài đã sai đến” có nghĩa là ngày hôm nay chúng ta “làm tất cả những gì chúng ta có thể” với
những khả năng, cơ hội, sức lực…Chúa ban cho, và tin rằng Chúa sẽ làm những gì
cần thiết còn lại. Việc của người thực sự tin vào Chúa Kitô là buông bỏ con người
trần tục xưa cũ, để Thánh Thần đổi mới, sống công chính và thánh thiện, như
Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Còn
anh em, anh em đã chẳng học biết về Chúa Kitô như vậy đâu; ấy là nếu anh em đã
được nghe nói về Chúa Giêsu và được dạy dỗ theo tinh thần của Ngài, đúng như sự
thật ở nơi Chúa Giêsu. Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống
xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần
Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được
sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”
(Ep 4;20-24).
Phêrô Phạm Văn Trung
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|