Đức tin theo Kinh thánh không phải là niềm hy vọng
rằng mọi việc ở trần thế này sẽ ổn thỏa. Đó là niềm tin trống rỗng. Đức tin
trong Kinh thánh không phải là tin rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại. Đó
là niềm tin tự dựa vào sức mình. Đức tin theo Kinh thánh không phải là một cảm
giác đến rồi đi. Đó là niềm tin sai hướng. Đức tin theo Kinh thánh là một hành vi
đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa cũng như vào tình yêu và ý muốn hoàn hảo của
Ngài cho cuộc sống của chúng ta.
Đức tin không chỉ là thứ chúng ta sở hữu. Đức
tin là đặt niềm hy vọng, sự tín thác và lòng tin tưởng của chúng ta vào Chúa.
Đó không chỉ là niềm tin rằng Thiên Chúa có thể làm điều gì đó mà còn là sự tin
tưởng và hy vọng, một sự xác tín rằng Thiên Chúa sẽ làm điều tốt nhất cho chúng
ta theo ý muốn tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Ngài.
Đôi khi, lớn lên trong đức tin, chúng ta không
“cảm thấy” mình đang lớn lên. Trên thực tế, chúng ta có thể thực sự cảm thấy dường
như Thiên Chúa không còn ở gần như trước. Điều này xảy ra khi chúng ta dựa dẫm
quá nhiều vào cảm giác và cảm xúc của mình. Ví dụ, có lẽ bạn đã có cơ hội tuyệt
vời để tham gia một khóa tĩnh huấn thú vị và đầy cảm hứng. Những khóa tĩnh huấn
có thể mang lại cho chúng ta một “tinh thần phấn chấn”. Chúng ta có thể rời khỏi
một khóa tĩnh huấn với cảm giác gần gũi với Chúa hơn bao giờ hết. Chúng ta có
thể đưa ra những quyết tâm mới, tràn ngập niềm vui, hứng khởi với cuộc sống, và
sau đó, trong vòng vài tuần, chúng ta sẽ trở lại con người cũ của mình - mong
chờ kỳ tĩnh huấn tiếp theo để chúng ta có thể có lại cảm giác đó. Tất cả điều
này là tốt. Và những cuộc tĩnh huấn, bao gồm cả những cuộc tĩnh huấn có mức độ
thiêng liêng cao, là những cách rất hữu ích để đức tin tăng trưởng.
Nhưng về lâu dài, điều chúng ta cần biết là cảm
giác gần gũi với Chúa không giống với tình trạng thực sự gần gũi với Thiên Chúa.
Đôi khi, Thiên Chúa sẽ lấy đi những cảm xúc tâm linh tốt đẹp của chúng ta trong
một thời gian để Ngài có thể giúp chúng ta củng cố sự cam kết của mình với
Ngài. Chính sự cam kết của chúng ta với Ngài sẽ làm đức tin của chúng ta sâu sắc
hơn. Nếu chúng ta chỉ theo Ngài vì chúng ta cảm thấy muốn theo Ngài, thì chúng
ta có thực sự dấn thân không? Nhưng nếu Thiên Chúa lấy đi một số cảm giác tốt
lành ban đầu đó và chúng ta vẫn cam kết như trước, thì chúng ta biết rằng mình
đang đi đúng đường. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể chắc chắn rằng đức tin
của chúng ta đang được đào sâu.
Cụ thể bạn hãy lần chuỗi Mân Côi, đi lễ thường
xuyên, đọc truyện các thánh, nghiên cứu giáo huấn của Giáo hội, tham gia tĩnh
tâm, đọc và suy niệm Kinh thánh hàng ngày, và dành thời gian yên tĩnh để cầu
nguyện cá nhân mỗi ngày, v.v. bạn có thể đắm mình trong các hoạt động này càng
nhiều thì càng tốt.
Một cách cần thiết khác để đào sâu đức tin của
bạn là lớn lên trong đức ái. Đức tin và lòng bác ái đi đôi với nhau, và điều
này sẽ củng cố điều kia. Vì vậy, hãy tìm cơ hội để thể hiện tình yêu với người
khác.
Tình yêu là một trong những chủ đề lớn của
Thánh Gioan, dù trong sách Tin Mừng của ngài: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh
em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết
anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”
(Ga 13: 34- 35), hay trong các bức thư của ngài: “Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương
nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới
nên hoàn hảo” (1 Ga 4: 12).
Những điều nhỏ nhặt tạo nên sự khác biệt lớn
trong đời sống đức tin của chúng ta. Ví dụ, hãy tìm cơ hội để tạm đứng lại và
chỉ cần mỉm cười với ai đó. Nói một lời tử tế và nâng đỡ tinh thần của nhau. Tại
sao không đi ra khỏi nếp sống của bạn để giúp đỡ ai đó? Điều này có thể chỉ đơn
giản là mở cửa cho ai đó, giúp con cái làm bài tập hoặc dọn dẹp nhà cửa. Cuộc sống
hàng ngày của chúng ta mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội để làm việc bác ái. Tất
cả những gì chúng ta cần làm là tìm kiếm những cơ hội này, dù chúng nhỏ nhoi đến
đâu, và đưa ra lựa chọn sáng suốt để hành động theo chúng.
Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta đảo lộn thế
giới, nhưng yêu cầu chúng ta làm việc cho một thế giới nhiều tình thương hơn,
quảng đại hơn, và chính trong cuộc sống hàng ngày mà Chúa đang chờ đợi chúng ta
thực hiện tình thương mến ấy: “Anh em đừng
mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu
toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được
giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn
khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”
(Rm 13: 8-9). Một ly nước nhỏ mà chúng ta dâng cho Chúa có giá trị vô cùng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh
em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng
đâu” (Mc 9: 41). Ly nước đó là sự chia sẻ hàng ngày, tương trợ lẫn nhau, phục
vụ láng giềng, bạn bè... Là chuyện trò, thăm viếng người đau yếu, nghĩa tình với
người già...Tất nhiên, tất cả những điều này chỉ là những điều nhỏ nhặt, nhưng
chúng không thể diễn ra mà không thay đổi thế giới và chúng là dấu hiệu cho thấy
sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng ta, vốn tùy thuộc vào chúng ta có làm những
việc đó không: “Ta đói, các ngươi đã cho
ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta
trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi
tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25: 35-36). Nếu không có tất cả sự chia sẻ
giúp đỡ lẫn nhau như vậy thì tình bạn, đoàn kết, thế giới sẽ không thể an hòa,
sẽ chỉ còn luật rừng như câu tục ngữ La tinh “Homo homini lupus est” nghĩa là
“người với người như là sói”. Khi đó sức mạnh và bạo lực có quyền trên tất cả
và dễ dàng gây bất lợi cho những kẻ bé nhỏ và yếu đuối. Lịch sử nhân loại đã chứng
minh điều này rất rõ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta học bài học rửa chân mà Thánh
Gioan thuật lại: “Anh em gọi Thầy là
"Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là
Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì
anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em
cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13: 13-15). Chính bằng cách phục vụ
người khác mà chúng ta làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với con người
Không phải lúc nào cũng dễ dàng học bài học
này. Chúng ta cần rất nhiều ơn Chúa để kiên trì sống lời mời gọi yêu thương của
Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hiểu rõ điều này: “Thầy
sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14: 18). Ngài biết rằng chúng ta có nguy cơ
bị cuốn theo những lo toan của cuộc sống rồi trở nên thờ ơ. Ngài chỉ ra cho
chúng ta thấy rằng người ta thường dễ quên những người khác đang sống bên cạnh
chúng ta và chúng ta tự nhốt mình trong chủ nghĩa cá nhân nhỏ nhoi của mình… Có
lẽ hơi giống các tông đồ sau khi Chúa sống lại: họ không còn chắc chắn về bản
thân, họ sợ hãi, họ rút lui, họ co cụm lại một chỗ. Chúa Giêsu hứa ban cho họ
Thần Khí: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ
ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí
sự thật” (Ga 14: 16-17). Thần Khí mà họ sẽ lãnh nhận vào ngày Lễ Ngũ Tuần
và sẽ thúc đẩy họ công bố tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người đến tận
cùng thế giới. Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần,
Ngài luôn ở trong chúng ta, Ngài đồng hành với chúng ta, chính Ngài giúp chúng
ta hiểu Kinh Thánh, hiểu sứ điệp của Chúa Kitô, hiểu giới răn yêu thương mà
Ngài đã để lại cho chúng ta: chính Ngài yêu tôi, Ngài vẫn mãi trung thành với
tình yêu đó.
Vì vậy, hãy cầu nguyện nhiều, tìm hiểu đức tin
của bạn, cố gắng sống một cuộc sống bác ái, và hãy tin chắc rằng đức tin của bạn
sẽ phát triển, ngay cả khi không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy như vậy. Và bạn
đã đi đúng đường chỉ bằng cách mong muốn có một đức tin sâu xa hơn. Hãy tiếp tục
mong muốn đó, và hãy tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện mong muốn đó!
Xin Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu
phép Thánh tẩy, vả còn lãnh nhận lại vào những lúc chúng ta kêu cầu Ngài, giúp
chúng ta mỗi ngày xây dựng một thế giới nhân bản hơn!
Phêrô Phạm Văn Trung
tổng hợp từ mycatholic.life.