TẨY TRẮNG ÁO MÌNH TRONG MÁU CON CHIÊN
Trong lễ kính
các Thánh Tử đạo Việt Nam hôm nay,
chúng ta nhớ về tất cả các nhân chứng “mình mặc áo trắng,
tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh 7: 9),
các Kitô hữu, giám mục, linh mục, tu sĩ dòng
Đa Minh, Hội Thừa Sai
Paris, giáo dân, phụ nữ và
trẻ em, những người đã bị giết bằng những cách thức khủng
khiếp nhất trong hàng loạt cuộc đàn áp ở Việt Nam vào thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Có hàng ngàn người - có người nói
lên đến trăm ngàn người - đã hiến mạng sống vì Đức Tin, trong đó có 117 vị đã
được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chính thức phong thánh vào năm 1988. Xin được
kể đến Cha Anrê Dũng Lạc, một linh mục Việt Nam, Cha Théophane Vénard - Ven, một
linh mục quê nước Pháp, và Đức Cha Melchior Garcia Sampedro – Xuyên, một giám mục
quê Tây Ban Nha:
* Thánh Anrê
Dũng Lạc là một linh mục địa phận, tên là Trần An Dũng (Lạc), sinh năm 1795 ở
miền Bắc Việt Nam, bố mẹ là người ngoại đạo. Năm 12 tuổi, cậu cùng gia đình
chuyển ra Hà Nội để bố mẹ tìm việc làm. Một thầy giảng ở đó đã chu cấp cho cậu
thức ăn, chỗ ở và giúp cậu được học hành. Dũng được rửa tội và chọn tên là Anrê.
Lớn lên cậu trở thành thầy giảng, dạy giáo lý đức tin cho người khác, và cuối
cùng được chọn để học làm linh mục. Thầy Anrê được thụ phong linh mục năm 1823.
Cha Anrê được biết đến như một nhà giảng thuyết hiệu quả và là tấm gương thánh
thiện cho những người mà Cha phục vụ. Khi nhà vua bắt đầu đàn áp những người
theo đạo Thiên Chúa, Cha Anrê đã bị bắt hai lần, nhưng các giáo hữu lo tiền để
chuộc Cha ra. Lần thứ ba bị bắt, có giáo hữu định cầm cố cả cơ nghiệp lấy tiền
mà chuộc Cha và viết thư cho Cha rằng: “Lạy cha! Cha chịu tử vì đạo thì được một
mình Cha lên Thiên Đàng, nhưng nếu Cha còn ở lại thì bổn đạo chúng con được nhờ,
xin Cha nghĩ lại”. Người nhà quan cũng đã nói rằng: “Hễ khi có tiền, thì chúng
tôi bỏ người vào võng mà võng ra”. Thế nhưng, Cha cấm và nói: “Tôi bị bắt lần
này là lần thứ ba, thì quyết vâng ý Đức Chúa Trời định cho tôi làm vậy, đừng
chuộc tôi làm gì”. Cha bị xử trảm vào ngày 21 tháng 12 năm 1839 ở bãi ngoài cửa
ô Cầu Giấy.
* Thánh Gioan
Théophane Vénard Ven, Linh mục Hội Thừa sai Paris, sinh ngày 21/11/1829 tại miền
Tây Nam nước Pháp. Thuở nhỏ đã có lòng ao ước làm linh mục nên được cha mẹ gởi
vào học Latinh với cha xứ, sau đó, học tại tiểu chủng viện, đại chủng viện và
được chịu chức linh mục năm 1852. Cha được sai đi phục vụ địa phận Tây đàng
ngoài. Ngày 13/07/1854, thuyền cha cập bến cửa Cấm. Sau vài tháng học tiếng Việt,
cha tháp tùng Đức cha đi kinh lý khắp nơi và dạy ở chủng viện. Khi quân lính
vây làng, thì từ đầu tháng 03/1857, Cha Ven bắt đầu những ngày tháng lưu lạc,
rày đây mai đó không lúc nào yên ổn. Ngày 30/11/1860, nhân lúc cha đang giảng
tuần đại phúc tại Bút Sơn, Kim Bảng, viên cai đội đem người đến bắt Cha, nhốt
cha vào cũi giải xuống Phủ Lý rồi điệu về Thăng Long. Khi quan ra lệnh: “Hãy đạp
lên Thánh Giá anh sẽ thoát chết”. Cha đáp: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo
Thập Giá, sao tôi làm như thế được? Tôi thiết nghĩ, sự sống đời này đâu quá quý
đến độ tôi phải mua nó bằng cái giá bội giáo”. Ngày 23/12/1860, Cha Ven bị điệu
ra xử trảm.
* Thánh
Melchior Garcia Sampedro - Xuyên sinh ngày 26/04/1821 tại Arrojo, tỉnh Oviedo,
nước Tây Ban Nha. Gia đình ngài thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng đã sa sút đến chỗ
nghèo khổ. Năm 21 tuổi, thầy Sampedro học thần học ở Chủng viện Oviedo. Ba năm
sau, thầy xin vào dòng Đa Minh để được đi truyền giáo. Sau năm tập, thầy tuyên
khấn và chuẩn bị thụ phong linh mục ngày 29/05/1847. Đến Manila, cha Sampedro
xin và được cử đến Việt Nam vào tháng 02/1849. Từ nay cha có tên mới là Xuyên.
Tháng 03/1850 cha Xuyên được Đức cha Sanjurjo - An đặt làm Giám đốc chủng viện ở
Cao Xá. Tháng 7, cha được chọn làm đại diện giám tỉnh. Cha Xuyên cho in nhiều tập
sách giáo lý nhỏ cho giáo hữu và quan tâm truyền giáo cho lương dân. Năm 1852,
Đức cha An đã chọn cha Sampedro làm giám mục phó. Lễ tấn phong được cử hành
long trọng ngày 16/09/1855 tại Bùi Chu. Đức cha Xuyên nhiệt tình trong sứ vụ mới.
Riêng năm 1855, địa phận Trung có 35.349 trẻ em được rửa tội. Cuộc bách hại gia
tăng, Đức cha Sanjurjo - An chịu tử đạo ngày 20/07/1857. Còn Đức cha Xuyên, dù
bị ra giá cao cho ai bắt được, vẫn lén lút đi thăm các họ đạo vào ban đêm. Đề
phòng giáo phận sẽ không có chủ chăn, Đức cha Xuyên đã chọn cha Valentino -
Vinh làm giám mục phó. Lễ tấn phong của vị giám mục gậy tre mũ giấy được cử
hành âm thầm vào ban đêm tại nhà một giáo dân ở Ninh Cường. Ngày 08/07/1858 tại
Kiên Lao, Đức cha Xuyên bị bắt cùng hai chú giúp lễ Nguyễn Tiệp và Mai Hiến.
Sau 20 ngày trong ngục, Đức cha lãnh án lăng trì ngày 28/07/1858. Trên đường ra
pháp trường Bảy Mẫu, một tay cầm sách nguyện, tay còn lại Đức cha giơ cao ban
phép lành cho dân chúng. Tuy nhiên cũng có kẻ lấy bùn ném vào ngài. Sau khi hai
cậu Tiệp và Hiến đón nhận phép lành của Đức cha, rồi đưa cổ chịu chém, lý hình
xô vị giám mục nằm sấp trên chiếu có phủ vải, rồi họ cột chân tay căng vào bốn
cọc ở bốn phía, và thêm hai cọc ở dưới nách để nạn nhân khỏi cựa quậy. Đức cha
thụ án “xử bá đao”, thi thể được chôn dưới một hố sâu. Thủ cấp thì bêu nơi công
cộng ba ngày. Về sau các giáo hữu đưa thi hài Đức cha về an táng tại Phú Nhai.
Năm 1888, thi hài của ngài được dời về quê hương Oviedo, nhưng tay phải thì để
lại Bùi Chu, còn tay trái được đưa về Manila.
Cuộc bắt đạo
kéo dài từ năm 1745 đến năm 1862, qua hai đời chúa: Trịnh Doanh (1740-1767), Trịnh
Sâm (1767-1782), và bốn đời vua: Cảnh Thịnh (1782-1802), Minh Mạng (1820-1841),
Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883). Cuộc bách hại lâu dài và lan rộng
như vậy nhắc nhở chúng ta rằng những người trở lại đạo và thực hành đức tin
Công giáo đã làm như vậy với sự hiểu biết đầy đủ về những nguy hiểm mà họ phải
đối mặt. Dù sao thì việc họ chọn đi theo Chúa Giêsu cũng cho thấy một đức tin
sâu sắc mà nhiều người trong chúng ta khó có thể tưởng tượng được. Phần lớn người
Công giáo chúng ta ngày nay không phải mạo hiểm mạng sống của mình khi theo
Chúa Kitô, nhưng tuy nhiên, đức tin của chúng ta đang gây tranh cãi và các giá
trị của niềm tin mà chúng ta cần phải sống thường bị coi thường. Chúng ta hãy ngắm
nhìn các Thánh Tử đạo Việt Nam và cầu nguyện với các ngài để chứng tá Đức tin của
các ngài truyền cho chúng ta sự hứng khởi đón nhận những rủi ro nho nhỏ hàng
ngày mà chúng ta gặp phải khi sống đức tin của mình, biết rằng phần thưởng cho
việc chọn Chúa Giêsu sẽ lớn hơn nhiều so với bất kỳ cuộc bách hại nào chúng ta
trải qua trong cuộc đời này.
Như Thánh Théophane
đã viết cho gia đình ở quê nhà Pháp, không lâu trước khi ngài chịu tử đạo:
· Tất cả chúng ta đều là những bông hoa được trồng
trên trái đất này, được Chúa hái vào thời điểm thuận tiện của Ngài: một số sớm
hơn một chút, một số muộn hơn một chút . . . Cầu mong cha con chúng ta gặp nhau
trên thiên đường. Con, chú sâu bướm tội nghiệp, đi trước. Tạm biệt.
Công cuộc truyền
giáo trong Giáo hội nói chung, và tại Việt Nam cách riêng, cho chúng ta một cái
nhìn rõ ràng về mọi thứ ở trần gian này diễn ra như thế nào trước khi Chúa Kitô
đến lần cuối cùng và sự thật cứu độ của Ngài - khác xa với khu vườn địa đàng thần
thoại mà trí tưởng tượng của phàm nhân nghĩ ra. Đúng là luôn có một sự cao quý
nào đó trong mọi nền văn hóa, ngay cả những nền văn hóa ngoại giáo nhất, vì Con
người, dù ở xa Chúa Kitô, cũng không bao giờ đánh mất phẩm giá cũng như nhận thức
của mình về những nguyên tắc cơ bản nhất của luật luân lý. Nhưng nói một cách
thành thật, trong một nền văn hóa không có Chúa Kitô có nhiều thứ vô cùng tàn
ác, một biểu hiện của nó là những kiểu tra tấn và hành quyết rất ghê sợ. Các vị
tử đạo Việt Nam đã phải chịu đựng những điều gần như ngoài sức tưởng tượng. Chẳng
hạn, án xử tử mà người dân Việt Nam thường gọi là “tùng xẻo” – nghĩa là đánh một
tiếng trống “tùng” thì xẻo một miếng thịt. Đó là một hình phạt được quy định
trong Luật Gia long gọi là “lăng trì” hay “xử bá đao”. Điều 1 Luật Gia Long có
đoạn nói: Lăng trì là một hình phạt ghê khiếp nhất trong các hình phạt. Quy tắc
của xử tội này là người ta khoét 1 tấc thịt trên thân thể tội nhân, róc cho đến
khi hoàn toàn hết thịt, liền sau đó, cắt mổ bụng, moi tạng phủ cho đến khi chết
hẳn, rồi sau đó cắt lấy tay chân và cắt những khớp xương, đập nát xương sống. Lăng
trì là loại cực hình ghê rợn nhất, phạm nhân sẽ vô cùng đau đớn nhưng không thể
chết một cách nhanh chóng bởi đao phủ không chỉ có nhiệm vụ xẻo thịt mà còn phải
giữ cho tử tội không chết trước khi đạt được số nhát xẻo theo quy định. Trong một
số tài liệu, thông thường nạn nhân phải chịu khoảng 3.000 nhát dao thì mới có
thể “được” chết. Điều này hoàn toàn có thật nơi rất nhiều nạn nhân, bị xẻo từ từ
cho đến chết trước mắt những người chứng kiến. Các thánh sau đây đã chịu án “phân
thây” này:
1. Thánh Gioan Du (Joseph Marchand), sinh năm
1803 tại Passavaut, Besancon, Pháp, Linh Mục Hội Thừa sai Paris, địa phận Ðàng
Ngoài, bị xử hình bá đao ngày 30/11/1835 tại Thợ Ðúc dưới đời vua Minh Mạng.
2. Cha thánh Gioan Tân (Jean Charles Cornay),
sinh năm 1809 tại Loudun, Poitiers, Pháp, Linh Mục Hội Thừa sai Paris, địa phận
Tây Ðàng Ngoài, bị xử lăng trì ngày 20/09/1837 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng.
3. Thánh Augustinô Phan Viết Huy, sinh năm 1795 tại
Hạ Linh, Bùi Chu, binh Sĩ, Giáo dân dòng ba, bị xử lăng trì ngày 12/06/1839 tại
Thừa Thiên dưới đời vua Minh Mạng.
4. Thánh Nicôla Bùi Đức Thể, sinh năm 1792 tại Kiên
Trung, Bùi Chu, Giáo dân, binh sĩ, bị lăng trì ngày 12/06/1839 tại Thừa Thiên
dưới đời vua Minh Mạng.
5. Thánh Giuse Melchor Xuyên (Garcia Sampedro),
sinh năm 18211 tại Cortes Asturias, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa
sai người Tây Ban Nha, bị xử lăng trì ngày 28/07/1858 tại Nam Ðịnh dưới đời vua
Tự Ðức.
Điều này không
làm các vị tử đạo lo sợ, sâu xa trong tinh thần của họ. Khi cha Vénard được dẫn
đi tử đạo, tên đao phủ hỏi vị linh mục rằng ngài sẽ cho hắn cái gì để cái chết
của ngài được nhanh chóng. Théophane bình tĩnh trả lời, “càng lâu càng tốt.”
Chúng ta hẳn
kinh ngạc về việc này, nhưng một người luôn hướng mắt về thiên đàng, thì sự đau
khổ về thể xác sẽ không đáng kể nữa, và nỗi sợ hãi được tình yêu biến đổi. Đó
là một điều đáng suy ngẫm trong cuộc sống hàng ngày nhiều khó khăn của chúng
ta. Như một trong các vị tử đạo, Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh (1793 - 1857), khi
còn là thầy ở chủng viện, bị giam cầm lâu ngày trong lao tù tại Hà Nội, vì thương
nhớ Chủng viện Kẻ Vĩnh, nên ngày 24-4-1843 đã gửi thư cho các cha và anh em chủng
sinh:
· Tôi, Phaolô, đang bị xiềng xích vì Chúa Kitô,
từ chốn lao tù xin gửi lời kính thăm anh em. Nguyện xin Cha nhân ái và Chúa
giàu lòng khích lệ đến an ủi anh em trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chớ gì phép
lành của Chúa sẽ là sương sa thấm gội và vun trồng việc học hành, gia tăng mức
tiến cả về tu đức, cả về kiến văn, để anh em mau đạt tới chỗ hoàn hảo, thành
tài. Có như thế qua anh em, người bên lương sẽ được chúc phúc và họ sẽ được bảo
toàn hương thơm tốt lành của anh em.
Thánh nhân chia sẻ:
· Nhà tù ở đây thực là hình ảnh của địa ngục:
trước những hình thức tra tấn dã man – gông cùm, xiềng xích – có thêm hận thù,
trả thù, vu khống, nói năng tục tĩu, cãi vã, hành động xấu xa, chửi thề, cũng
như đau đớn và thống khổ.
Nhưng ngài kết
luận, với niềm hy vọng và thậm chí với một mức độ hạnh phúc nội tâm nào đó mà
chỉ có đức tin trọn vẹn của Công giáo mới có thể mang lại:
· Giữa những cực hình thường làm người khác khiếp
sợ, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, tôi tràn đầy niềm vui và hân hoan, vì tôi không
cô đơn – Chúa Kitô ở cùng tôi. Thầy của chúng ta mang toàn bộ sức nặng của
thập giá, chỉ để lại cho tôi chút nhỏ nhất, cuối cùng. Ngài không chỉ là người
đứng xem trong cuộc chiến đấu của tôi mà còn là một thí sinh, người chiến thắng
và vô địch trong toàn bộ trận chiến. Vì vậy, trên đầu Ngài đội mão triều thiên
chiến thắng, và các thành viên của Ngài cũng được chia sẻ vinh quang với Ngài.
Giữa những khó
khăn, giông bão và thậm chí cả những cuộc bách hại, chúng ta ghi nhớ trong tâm
trí tấm gương cao cả của đội quân tử đạo mặc áo trắng này, vì “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống
lại được chúng ta?” (Rm 8: 31). Thiên đàng đang chờ đợi, và chúng ta phải kết
thúc cuộc hành hương cùng với Đấng Cứu Độ, dù cuộc hành hương đó có thể dẫn đến
đâu, cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công
bố trong bài giảng Lễ tuyên thánh 117 vị tử đạo Việt Nam, ngày 19 tháng Sáu năm
1988: “Thánh Thần, Thần chân lý, Ngài sẽ
là sức mạnh thay cho sự yếu đuối của anh em. Anh em sẽ làm chứng bằng sức mạnh
của Ngài. Chính sự kiện anh em phải làm chứng cho Chúa Kitô chịu đóng đinh thập
giá, lại chẳng cần đến sự khôn ngoan và sức mạnh vượt trên sức mạnh loài người
sao? Khi Thánh Tông đồ viết rằng thập giá “là sự ô nhục đối với người Do Thái
và điên rồ đối với người Hi Lạp” (1Cr 1,23), lại chẳng phải là nói về Chúa Kitô
sao? Đã xảy ra như thế vào thời các Tông đồ. Cũng lặp lại như thế trong những
thời kỳ khác nhau của lịch sử, ở những nơi chốn và thời điểm khác nhau. Cũng xảy
ra như thế vào thời bách hại tôn giáo chống lại các Kitô hữu Việt Nam. Do đó, cần
phải có sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa để loan báo mầu nhiệm tình yêu
này của Thiên Chúa, nghĩa là ơn cứu chuộc trần gian nhờ thập giá: mầu nhiệm vĩ
đại nhất, đồng thời là điều không thể hiểu được về mặt nhân loại. “Bởi vì cái
điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn sự khôn ngoan của loài người, và cái
yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn sức mạnh loài người” (1Cr 1,25). Chính
vì thế Thánh Tông đồ viết: “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh thập
giá”: Chúa Kitô mà cụ thể trong mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, chính là “sức mạnh
và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,23-24). Vâng. Như của lễ toàn thiêu, kết hợp với hy tế thập giá của Chúa Kitô.
Thật vậy, cách riêng với các ngài, thưa Các Vị Tử đạo Việt Nam, các ngài đã
loan báo đến cùng Chúa Kitô chịu đóng đinh thập giá, là sự khôn ngoan và sức mạnh
của Thiên Chúa. Chúng ta hướng về Chúa Kitô, nhờ Chúa Kitô, chúng ta đạt đến ơn
cứu độ của Thiên Chúa.”
Các Thánh Tử Đạo
Việt Nam, cầu cho chúng con!
Phêrô Phạm Văn Trung.
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|