Chuyên mục:
TÔI TIN, CHÚNG TÔI TIN
Tác giả: Nicholas Senz, www.aleteia.org
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Kính mời theo
dõi video tại đây:
https://bit.ly/3Rnna2O
Thánh Tôma lưu ý rằng trong mọi
hành động của Thiên Chúa, cả lòng thương xót và công lý đều hoạt động.
Có phải
Thiên Chúa có một nhân cách phân lập không? Đôi khi chúng ta nghe người ta nói
về Ngài cứ như thể Ngài là như thế. Thật vậy, một linh mục ở thế kỷ thứ hai tên
là Marcion đã thực sự cho rằng điều này là đúng. Marcion đã viết một cuốn sách
có tên là Antitheses - Phản đề - trong
đó ông đặt cạnh nhau những đoạn trong Cựu Uớc và Tân Ước mà ông thấy mâu thuẫn.
Nhiều điểm
khác biệt tập trung vào tuyên bố của Marcion rằng Thiên Chúa của Cựu Ước yêu
thích công lý, trong khi Thiên Chúa của Tân Ước yêu thích lòng thương xót.
Chẳng hạn, ông trích dẫn sách Xuất hành 21 - “mắt đền mắt, răng đền răng” - và
đối lập với Luca 6 - “giơ má bên kia”. Marcion cố gắng chứng minh rằng “Thiên
Chúa Tạo Hóa thì công bằng, khắc nghiệt và quyền năng trong chiến tranh” trong
khi “Thiên Chúa Tối Cao thì dịu dàng, đơn thuần là tốt lành và tuyệt vời”.

Mặc dù
chúng ta biết chỉ có một Thiên Chúa,
nhưng đôi khi chúng ta vẫn nghe người ta nói về
“Thiên Chúa của Cựu Ước” và “Thiên Chúa của Tân Ước,” như thể là hai Đấng khác
nhau. Làm thế nào chúng ta dung hòa
những hình ảnh đôi khi khác nhau mà chúng ta thấy về Thiên Chúa?
Thiên Chúa thuần nhất một cách trọn vẹn
Chúa Giêsu
nói với chúng ta rằng Cha trên trời là “Đấng hoàn thiện” (Mátthêu 5:48). Thiên Chúa sẽ không là Chúa nếu Ngài không bao hàm mọi sự
hoàn hảo. Bất cứ điều tốt lành
nào mà chúng ta có thể quan niệm được, Thiên Chúa hoàn toàn sở hữu điều đó. Vì
vậy, Thiên Chúa hoàn toàn tốt lành, hoàn toàn
yêu thương, hoàn toàn quyền năng và thông biết tất cả, và còn nhiều hơn nữa. Và
vì Thiên Chúa thuần nhất một cách trọn vẹn - nghĩa là Thiên Chúa
không có thành phần hay bộ phận - nên mọi sự hoàn hảo đều là một trong Thiên
Chúa. Sự hiểu biết và quyền năng của Thiên Chúa là một, cũng như sự thiện hảo
và sự hiện diện của Ngài là một.
Tuy nhiên,
có một số điều tốt lành, chẳng hạn như công lý
và lòng thương xót, mà chúng ta khó hình dung chúng có thể sánh đôi cùng với
nhau. Công bằng là một điều tốt lành. Đó là đức tính trả lại cho
người khác những gì chúng ta mắc nợ họ, những gì họ đáng được hưởng. Lòng
thương xót cũng là một điều tốt lành. Chúng ta thường nghĩ về lòng thương xót
như là khoan dung trước hình phạt, hoặc tha thứ cho người khác về hậu quả hành
động của họ.

Không phải
hai điều này xung đột sao? Nếu chúng ta hành động một cách công bằng đối với
một người đã làm điều sai trái, chẳng phải chúng ta cần bắt họ phải trả giá cho
hành động của họ, như một sự trừng phạt sao? Nếu chúng ta hành động nhân từ đối
với một kẻ làm điều sai trái, ta thả họ ra quá sớm trước khi họ bị kết tội,
hoặc thậm chí hoàn toàn bỏ qua điều sai trái đó sao? Lòng thương xót và công lý dường như đối nghịch nhau. Tuy nhiên, cả hai đều là điều tốt lành theo đúng nghĩa
của chúng. Làm sao Thiên Chúa có thể vừa
hoàn toàn thương xót vừa hoàn toàn công bằng?
Câu trả lời là gì?
Câu trả lời
cho câu hỏi này nằm trong Thập Giá, và Thánh Tôma Aquinô giúp chúng ta hiểu
được điều đó.
Trong bộ Tổng Luận Thần Học (III, q.
46, a. 1, ad.3), Thánh Tôma khẳng định rằng Thiên
Chúa có thể cứu chúng ta bằng một cách khác hơn là bằng sự hy sinh của Con
Ngài. Mặc dù Thiên Chúa có
thể khôi phục nhân loại trở về với ân sủng của Ngài
chỉ bằng một lời nói, nhưng Thánh Tôma nói rằng Thập giá là phù hợp nhất, bởi
vì “Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô phù hợp với cả lòng thương xót và công lý của Ngài.” Cuộc Khổ
nạn phù hợp với công lý của Thiên Chúa vì “sự đền bù đã được
thực hiện cho tội lỗi của loài người.” Hậu quả của tội lỗi là đau khổ và sự
chết. Nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, Chúa Kitô đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi
bằng cách gánh lấy hậu quả của tội lỗi chúng ta. Chúa Kitô không chỉ
rũ bỏ tội lỗi của chúng ta, mà còn trả giá cho chúng. Sự đền bù món nợ cho tội
lỗi của chúng ta được thực hiện, và do đó công lý được thực hiện.
Cuộc Thương
Khó cũng phù hợp với lòng thương xót của Thiên Chúa, vì “tự thân con người không thể đền nổi tội lỗi của toàn thể
nhân loại”, nên chính Con Thiên Chúa đã đến hiến mình để cứu độ chúng ta. Bởi vì chúng ta mắc nợ mà chúng ta không thể trả,
nên Thiên Chúa đã trả nợ thay
cho chúng ta, qua đó bày tỏ lòng thương xót của Ngài cho chúng ta. Điều đó giống như
một vị thẩm phán xét xử con trai
riêng của mình trước tòa. Vị thẩm phán ra án phạt con
trai ông ta vì hành vi phạm tội của nó, nhưng sau đó ông ta cởi bỏ áo choàng
thẩm phán, bước xuống khỏi băng ghế và trả tiền phạt cho con trai mình.

Vị thẩm phán
công bằng vì ông ta yêu cầu phải thực hiện việc xét xử
thỏa đáng hành vi phạm tội, và ông ta cũng
nhân từ vì ông ta tự thực hiện
việc đền bù thỏa đáng đó. Đây là một hành vi lớn lao hơn là chỉ
đơn thuần bác bỏ hành vi phạm tội và món tiền phạt.
Cũng vậy, Thiên Chúa bày tỏ lòng thương xót của Ngài cho chúng ta bằng cách trả món nợ cho
tội lỗi của chúng ta, thay vì để chúng ta mắc nợ mãi mãi. Vì Thiên Chúa cứu
chúng ta không phải bằng một mệnh lệnh đơn thuần mà bằng một hành động hy sinh chính mình, nên Ngài
hành động với lòng thương xót lớn lao hơn. Như
Thánh Tôma nói:
“Thiên Chúa hành động
nhân từ, thực ra không phải bằng cách đi ngược lại công lý của Ngài, mà
bằng cách làm điều gì đó nhiều
hơn cả công lý; như thế, một người
trả cho người khác hai trăm đồng tiền, mặc dù chỉ nợ một trăm, không làm gì
trái với công lý, mà hành động một cách hào phóng hoặc nhân từ. Tương tự như
vậy đối với trường hợp một người tha thứ cho một hành vi xúc phạm đến mình, bởi vì
khi tha thứ cho sự xúc phạm đó, người ấy có thể được coi là đã trao ban một ân huệ.” (ST I, q.
21, a. 3, ad. 2)
Sự hiện hữu của chúng ta là lòng thương xót
Thập Giá là sự minh chứng của Thiên Chúa cho chúng ta thấy rằng lòng thương xót không đối lập với công
lý. Hai điều
này không trái ngược nhau. Chúng ở cùng một bên của sổ nợ. Lòng thương xót không ở phía đối lập với công lý, mà là
một hình thức lớn lao hơn của công lý. Lòng thương xót không gạt bỏ công lý, nhưng vượt qua công
lý đó.

Thánh Tôma lưu ý
rằng trong mọi hành động của Thiên Chúa, cả lòng
thương xót và công lý đều hoạt động. Chính sự hiện
hữu của chúng ta theo một nghĩa nào đó là một hành
động của lòng thương xót, bởi vì
chúng ta không phải là chủ nợ của Thiên Chúa về sự hiện hữu mà Ngài thương ban
cho chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta từ sự
tuôn đổ lòng tốt của Ngài - vào trong
chính con người chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng
ta nhiều hơn những gì chúng ta có
quyền đòi hỏi. Khi tha thứ
tội lỗi cho chúng ta, Ngài ban cho chúng ta không kém hơn. Đức Thánh Cha
Phanxicô đã gói gọn sự thật này một cách khéo léo khi ngài viết: “Lòng Thương Xót là sự viên mãn của Công Lý và là biểu hiện rạng rỡ nhất của Sự Thật về Thiên Chúa.” (Tông huấn Amoris
Laetitia, số 311)
Phêrô
Phạm Văn Trung,
Hẹn gặp lại