KÍNH
DÂNG HƯƠNG HỒN CHA MICAE LÊ VĂN KHÂM
(Giám
Quản, Tổng Đại diện, Quản lý, Giám đốc Caritas giáo phận Phú Cường).
Cách
đây gần 15 năm, sau khi tháp tùng cha Micae Lê Văn Khâm, lúc bấy giờ đang là
Tổng Đại diện của giáo phận Phú Cường, tham dự hội nghị của một cơ quan chánh
quyền tỉnh Bình Dương ngày
30.11.2007 và được nghe ngài phát biểu, tôi đã xin ngài cho tôi bài phát biểu
ấy để làm tư liệu.
Với
tôi, bài phát biểu tuy ngắn, nhưng toát lên tinh thần trách nhiệm của người
thuộc hàng "tóp" trong việc lãnh đạo giáo phận. Nó cũng cho thấy sự
ưu tư, niềm trăn trở của người mục tử lúc nào cũng đau đáu hướng về đoàn chiên,
nghĩ cho đoàn chiên và sống cho đoàn chiên.
Cùng
những tư tưởng mà cha thể hiện, người ta còn nhìn thấy rất nhiều những hoạt
động bác ái của cha. Chính những hoạt động ấy mới là bằng chứng hùng hồn cho
nội dung của lời phát biểu về một tình yêu của người mục tử.
Qua
tất cả những hoạt động và lời phát biểu mà cha Micae Lê Văn Khâm, Nguyên Tổng
đại diện đã sống và thể hiện, tôi tìm thấy câu trả lời cho chữ YÊU.
I. YÊU, ĐỪNG NGÃ LÒNG.
Trong
bài phát biểu vừa nói, Cha Micae Lê Văn Khâm, với tư cách là Tổng Đại diện
giáo phận Phú Cường, cho biết: “Số
tín hữu Công giáo trong toàn tỉnh chỉ có 51.634/1.050.124 người dân.
Rất ít ỏi! Đa số lại nghèo! Thế mà người Công giáo có mặt đều
khắp trong mọi lãnh vực hoạt động… Từ những kết quả thu hoạch được
như thế, tuy là sáng kiến của con người, tôi tin và dám kết luận
rằng, những hoạt động này không khác đường lối của Phúc Âm. Từ phía
những người Việt Nam Công giáo, tuy khiêm tốn mang hạt cải đi gieo, dù
nó góp phần nhỏ nhoi và tiệm tiến, nhưng cũng nhằm hoàn thiện một
phần xã hội trần thế, lớn dần lên theo cách của Thầy Giêsu, Chúa
chúng ta. Những người Việt Nam Công giáo hay những người Công giáo tại
Việt Nam đều có chung một chí hướng là “Phúc Âm hóa” nơi môi trường
mình sống, dầu hoàn cảnh có thuận lợi hay không thuận lợi”.
Ẩn
trong lớp áo chữ nghĩa như: “nghèo”, “sáng kiến của con người”, “khiêm
tốn mang hạt cải đi gieo”, “góp phần nhỏ nhoi và tiệm tiến”, “hoàn
thiện một phần xã hội”, “lớn dần”, “hoàn cảnh có thuận lợi hay không
thuận lợi”…, Cha Nguyên Tổng Đại diện cho thấy một điều gì đó còn phải
phấn đấu, bởi tất cả đều chưa trọn vẹn, chưa thỏa mãn.
Ai
cũng biết, và biết rất rõ, mọi thực hành sống đạo, sống lòng từ
bi bác ái, đối với người Công giáo Việt Nam luôn luôn còn đó những
cản trở cách này, cách khác. Dù chưa bao giờ có được sự tự do hoàn
toàn như mong muốn, nhưng trong giới hạn có thể làm được, chúng ta
hãy làm, hãy nỗ lực đừng để mất cơ hội sống tình yêu thương như
Chúa yêu chúng ta.
Biết
mình là môn đệ của Thầy Giêsu, dù thế nào đi nữa, chúng ta vẫn cứ
sống và sống vươn lên để đạt tới tình yêu “như Thầy”. Chúng ta không
có quyền chán nản, không có quyền đầu hàng hoàn cảnh, không có
quyền bỏ cuộc.
Hãy
đổ hết sức lực, đổ hết thời giờ, đổ hết tài năng để làm cho chuẩn
mực “Yêu như Thầy” (Ga 14, 34) ngày càng lan tỏa, và ngời sáng.
Càng
không thuận tiện bao nhiêu, càng phải vận dụng đúng mức hoàn cảnh mà
mình có được để cao rao tình yêu Kitô giáo bấy nhiêu. Đức ái Kitô
giáo không cho phép chúng ta đứng nhìn, không bao giờ ta được dừng lại
lòng yêu thương của mình.
II. YÊU LÀ TÌM NHỮNG
PHƯƠNG THẾ KHẢ DĨ ĐỂ SỐNG YÊU.
Cũng
trong bài phát biểu, Cha Nguyên Tổng Đại diện nói tiếp: “Sự cộng tác và hợp tác là hai mặt
của một bàn tay linh động và đầy chất sống…Nhờ ánh sáng Lời Chúa,
người công dân Công giáo biết hòa trộn nhuần nhuyễn cách sống đạo
Chúa và cách sống đời thường của mình sao cho hiệu quả cao”.
Cụm
từ “biết hòa trộn nhuần nhuyễn”cho
thấy sự sáng suốt, tài tình, khéo léo của “người công dân Công giáo”
khi biết sống đạo, biết thể hiện tinh thần Tin Mừng của Chúa Kitô
giữa đời, trong mọi môi trường mình sống.
Có
đức tin; có đường lối dịu hòa và từ nhân của Hội Thánh đưa dẫn; có
mẫu gương trên mọi chuẫn mực về lòng bác ái yêu thương của Chúa Kitô,
Đấng là Thiên Chúa nhưng đã làm người dạy dỗ họ; hay như lời cha Nguyên
Tổng Đại diện, có “ánh sáng Lời Chúa” soi rọi, “người công dân Công
giáo” nỗ lực để trưởng thành trong nhiệm vụ truyền giáo để sống đoàn
kết, sống tương thân, sống đức ái nhân cách anh dũng trong mọi tình
huống, mọi môi trường mà mình hiện diện.
Đó là phương thế khả dĩ để sống yêu mà
người Công giáo đất Việt phải tìm cho bằng được. Đẹp biết chừng nào
khi người Công giáo đất Việt đã và vẫn sống tình yêu của Thầy Chí
Thánh, bất kể bị coi thường hay được đón nhận. Họ không bao giờ đố
kỵ ai. Ai cũng là đối tượng để họ yêu thương và chuyển tải tình yêu
của Thầy. Tuy còn giới hạn, họ vẫn
hết mình tỏ bày tinh thần bác ái Kitô giáo.
Dù sao, người Công giáo vẫn tha thiết ước mong
môi trường hoạt động cho công cuộc “Phúc Âm hóa” bằng đường lối “Yêu
như Thầy” của họ được thông thoáng: “Tôi
cũng tin cánh cửa thuận lợi đang mở dần ở phía trước” (Phát
biểu của Cha Nguyên Tổng Đại diện).
Họ xin mọi người hãy nhìn họ thiện cảm và
đừng đố kỵ họ: “Tôi không đồng
thuận kéo dài ngờ vực, phân biệt và thành kiến vẫn còn tồn tại đó
đây” (Phát biểu của Cha Nguyên Tổng Đại diện).
Họ chỉ sống yêu thương và chỉ muốn bày tỏ
tình yêu, làm sáng lên một tình yêu như Thầy của họ đã yêu.
Họ có làm gì để đến nỗi phải bị “kéo dài
ngờ vực, phân biệt và thành kiến” đến vậy? “Không đồng thuận” là
đúng thôi. Bởi nếu sống với nhau, sống bên cạnh nhau mà cứ “ngờ
vực”, cứ “phân biệt”, cứ “thành kiến” thì làm sao có thể gặp gỡ,
làm sao có thể đến với nhau, làm sao phát triển tình yêu!
Mà nếu không có tình yêu cho nhau, người ta sẽ
có một cuộc sống nặng nề trên cả ngờ vực, phân biệt, thành kiến.
Đó sẽ là một cuộc sống toàn nghi kỵ, thậm chí rình rập nhau, oán
hận nhau, kẻ có quyền sẽ hành xử quyền độc đoán trên nhau, trả thù
nhau, thủ đoạn với nhau…
Dù
hoàn cảnh còn khó khăn, người Công giáo Việt Nam vẫn “biết hòa trộn nhuần nhuyễn”, thì
đó mới thực sự là tình yêu đúng nghĩa. Họ đã tìm được phương thế
khả dĩ để sống yêu.
Chỉ
sợ người ta không biết yêu, người ta để cho trái tim yêu thương của
mình chai cứng mà thôi. Bởi lúc đó, dù được thể hiện lẽ yêu thương
trong hoàn cảnh dễ dàng nhất, người ta cũng chẳng còn một cách thế
nào, chẳng còn một cử chỉ nào để tỏ lòng yêu thương...
Chỉ
cần có trái tim yêu thương, chỉ cần người ta biết dàn trải lòng mình
ra với anh chị em, thì dù có đối đầu với sự khắc nghiệt đến mức
độ nào, người ta vẫn có thể bày tỏ lòng yêu thương, vẫn có thể đến
với nhau chân tình, vẫn có thể tìm được phương thế khả dĩ để thực
hành lời dạy “Yêu như Thầy yêu”.
Người
Công giáo Việt Nam là như thế. Họ biết yêu như Thầy của họ. Tình yêu
không có một rào cản nào có thể cản lối. Và như vậy, họ sẽ yêu,
vẫn yêu, còn yêu mãi mãi, mặc cho bất cứ nghịch cảnh nào giăng mắc.
Đó chính là phương thế khả dĩ họ đã sáng suốt tìm ra để sống yêu.
Có
như thế, đức ái nhân của người Công giáo Việt Nam mới thật tinh tuyền,
thật lộng lẫy và có sức lôi cuốn nhiều người nhìn nhận vai trò của đức tin,
nhìn nhận Đấng duy nhất là trung tâm của lẽ sống mình - Chúa Giêsu Kitô!
III. YÊU LÀ TÌM PHỤC VỤ
GIÁ TRỊ LÀM NGƯỜI CỦA CON NGƯỜI.
Phục
vụ giá trị làm người của con người phải là trách nhiệm hàng đầu
của việc “Phúc Âm hóa” trần thế hôm nay.
Giá
trị làm người của con người mà để bị đi xuống, nặng hơn, để bị
đánh mất, thì mọi công cuộc, mọi việc làm nhằm thăng tiến con người
trở thành vô nghĩa.
Hội
Thánh Công giáo, một khi nhận lệnh truyền của Thầy “Hãy yêu như Thầy
yêu các con”, thì cũng sẽ tiếp nối con đường mà Thầy đã vạch ra là
phục vụ giá trị làm người của con người, luôn luôn tìm cách thăng
tiến đời sống của con người.
Nói
ngắn gọn, Hội Thánh Công giáo đã không làm gì khác hơn ngoài con
đường tình yêu đúng nghĩa. Và để yêu đúng đắn như thế, Hội Thánh lên
đường tìm kiếm con người qua mọi cách thức. Dựa trên bài phát biểu của
cha Nguyên Tổng Đại diện, xin nêu lên mấy cách thức như:
1. Giáo dục:
“Giáo Hội Công giáo luôn quan tâm
đến sự giáo dục nhân bản và đào tạo kiến thức con người theo đúng
phẩm giá con người” (Phát biểu của cha Nguyên Tổng Đại
Diện). Bởi Hội Thánh hiểu rằng: “Mọi
người đều có quyền hưởng thụ một nền giáo dục xứng đáng với sứ
mệnh cao cả của mình” (Phát biểu của cha Nguyên Tổng Đại Diện).
2. Nhu cầu phượng tự:
Nhu
cầu phượng tự là nhu cầu tâm linh lớn lao. Chính trong việc cầu
nguyện và thờ phượng Chúa là cách giáo dục con người hoàn hảo
nhất, đưa con người đến Thiên Chúa, gặp gỡ Thiên Chúa, nhận lấy tình
yêu vô cùng của Thiên Chúa để rồi sẽ rót đầy trái tim yêu thương của
mình, làm tràn vỡ ra nơi tất cả những ai mình đến, mình sẻ chia và
sống với.
Bởi
vậy không có nơi nào tốt lành bằng nơi đã được xây dựng nhà thờ.
Ngôi nhà thờ là mái trường hoàn hảo nhất đưa dẫn con người về đường
ngay nẻo chính: “Chính nơi này (nhà
thờ – chú thích của người viết)
giúp cho người tín hữu thường xuyên đến cầu nguyện, sám hối, định
tâm hướng thiện và trở nên người tốt. Điều này rất lợi cho xã hội.
Một nhà thờ được dựng lên có khả năng xóa bỏ hẳn nhiều nhà tù.
Giáo dục được một người trở nên tốt là đồng nghĩa sản sinh một thế
hệ tốt tiếp theo. Nên chi rất cần những cơ sở thờ phượng ở những nơi
có đông dân cư sinh sống, như khu công nghiệp, khu dân cư mới” (Phát
biểu của cha Nguyên Tổng Đại diện).
3. Quan tâm đến đức công bằng:
Hơn
bao giờ hết, xã hội mà chúng ta đang đồng hành với nó, đã có nhiều
dấu hiệu loại trừ đức công bằng ra khỏi đời sống con người. Người
sống thiếu công bằng nhiều đến nỗi, có những lúc, ai đó sống công
bằng như Chúa Kitô dạy, lại bị coi là không giống ai, thậm chí bất
thường.
Cái
bình thường lại trở nên bất thường, còn thiếu công bằng là cái bất
thường, là tội ác, là vi phạm luật lương tâm, là chất dơ phải loại
trừ, lại trở nên bình thường, thì sự sống con người bị đe dọa, xã
hội mà con người đang nhập cuộc với nó, sẽ toàn là những căn bệnh
ung thư giết chết mọi giá trị nhân văn, mọi giá trị làm người của
con người.
Vì
thế, để sống tình yêu của Chúa Kitô, yêu như Chúa yêu, chúng ta, những
Kitô hữu chân chính phải dứt khoát sống một đời sống công bằng và
loan báo đức công bằng. Chúng ta tin, sống công bằng cũng là biểu lộ
của đức ái nhân.
Cha
Micae Lê Văn Khâm luôn tâm niệm, khép lòng trước sự thống khổ của anh chị em là
nhẫn tâm, không chỉ mất đức bác ái mà còn là một thái độ rẻ rúng đức công bằng.
Bởi làm ngơ trước một người đau khổ, thiếu thốn, trong khi bản thân đang đầy đủ
cái ăn, cái mặc vừa lỗi đức bác ái, vừa lỗi đức công bằng!
Chính
suy nghĩ đó khiến cuộc đời linh mục của cha gắn bó với người bất hạnh, với mọi
thành phần kém may mắn trong xã hội.
Suốt
54 năm làm linh mục, cha làm rất nhiều qua những hoạt động bác ái, kể cả khi đã
rất yếu, phải ngồi xe lăn, cha vẫn suy nghĩ về việc bác ái, vẫn tìm lời lẽ đôn đốc
người từng cộng tác với cha, và "trối" những việc bác ái đã đi vào ổn
định cho người kế tiếp..., để không chỉ chứng tỏ lòng thương yêu của Thiên Chúa
với con người mà còn trả lại phần nào sự công bằng cho những anh chị em kém may
mắn.
Chúng
tôi sẽ đề cập đến những hoạt động bác ái của cha Nguyên Tổng Đại diện vào một
dịp khác. Ở đây chỉ xin nhắc qua như thế để giúp mỗi người có thêm tấm gương
sống chữ "yêu" cụ thể bằng hành động, bằng suy nghĩ, bằng mọi cơ hội,
mọi tương quan của mình. Trong đó, nổi bật của việc sống chữ "yêu" là
sống tình yêu bác ái, nhất là thực thi tình yêu công bằng qua việc thi hành đức
ái nhân.
Nhiều
lần được trò chuyện với cha Nguyên Tổng Đại diện hay được cha chia sẻ trong
những dịp gặp gỡ, tôi thấm thía và nhớ mãi tư tưởng của cha: Việc bác ái
không chỉ là đức yêu thương thương mà còn là sự bù đắp cho lẽ công bằng.
Đã
là sự công bằng, đòi chúng ta phải thực hiện. Nếu không, chúng ta sẽ là kẻ bất
công với anh chị em bất hạnh quanh mình.
IV. TẠM KẾT .
"Vất
vả là đương nhiên vì sức con người có hạn, nhưng niềm vui nhận lại thì không hề
nhỏ chút nào. Mặt khác, bác ái ngày nay, ngoài tính
chất ứng cứu cấp thời, còn hướng đến việc phát triển bền vững và thăng tiến con
người. Do đó, vẫn còn biết bao trăn trở", cha Micae tỏ bày như thế.
Chữ
YÊU phải luôn là trách nhiệm hàng đầu của Kitô hữu. Giáo huấn của Kinh
Thánh, nhất là của Chúa Kitô luôn đòi ta phải thực hành cho bằng được, không
chậm trễ, không so đo, nhưng luôn nhanh nhẹn, luôn cấp thời.
Khi
phán: "Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho
uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho
mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm" (Mt 25, 36-36), Chúa Giêsu đòi ta phải thực
hành đức ái nhân không trừ đối tượng nào, hoàn cảnh nào, thời điểm, nhưng phải
là luôn luôn, mọi lúc, mọi nơi.
Nay
cha Micae Lê Văn Khâm - Nguyên Tổng Đại diện của giáo phận Phú Cường đã hoàn
toàn rời xa trần thế, chắc chắn, những hoạt động thiết thực bên trên cùng sự
trung tín trong trách nhiệm làm linh mục theo cha ra trình diện với Đấng hằng
Sống mà một đời cha tôn thờ và phụng sự. Giờ đây, cha được ở bên Ngài hưởng
hạnh phúc miên trường, hạnh phúc mà chẳng có ai có thể tước mất, chẳng bao giờ
mối mọt hay ten sét có thể làm hư hại.
Chúng
ta tiếp tục cầu nguyện cho cha và cầu nguyện với cha, xin cha chuyển cầu cho
chúng ta trước tòa Chúa.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG