Chuyên mục:
TÔI TIN, CHÚNG TÔI TIN
MỘT CÁI
NHÌN VỀ
CHIÊM
NIỆM KITÔ GIÁO
Phêrô Phạm Văn Trung biên tập
theo www.meditationchretienne.ca
Kính mời theo dõi
video tại đây:
https://bit.ly/3Bu7XXv
CẦU NGUYỆN LÀ GÌ?
Cầu nguyện, theo một truyền thống rất cổ xưa, là “sự nâng cao của tinh thần - theo nghĩa tâm trí - và của
trái tim hướng về Thiên Chúa”.
Tâm trí là gì? Trái tim là gì?
Tâm trí suy nghĩ, đặt câu hỏi, lên kế hoạch, lo lắng,
tưởng tượng.
Trái tim hiểu biết và yêu thương.
Tâm trí là cơ quan của tri thức, trái tim
là cơ quan của tình yêu.
Hầu hết sự học hỏi của chúng ta về cầu nguyện chỉ giới
hạn ở mức độ tâm trí. Khi còn là trẻ thơ, chúng ta được dạy cầu nguyện, cầu xin
Chúa những gì chúng ta cần cho chính chúng ta và cho những người khác. Đây chỉ
là một phần của mầu nhiệm cầu nguyện.
Phần khác là lời cầu nguyện của trái tim. Trong lời cầu
nguyện của trái tim này, chúng ta không cố gắng nghĩ về Thiên Chúa, không nói
với Ngài, và thậm chí không xin Ngài bất cứ điều gì. Chúng ta chỉ ở đây với Thiên Chúa, Đấng ngự trong chúng ta, trong Chúa
Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Chúa Thánh Thần là tình yêu, mối tương quan của tình yêu hiệp
nhất Cha và Con. Chính Thánh Thần này mà Chúa Giêsu đã thổi vào trái tim mỗi
con người. Chiêm niệm là lời cầu nguyện của trái tim gắn kết chúng ta với ý
thức con người của Chúa Giêsu trong Thánh Thần. “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng
ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính
Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả ” (Rôma 8:26).
Ngày nay, trong Giáo Hội, đặc biệt kể từ Công Đồng
Vatican II vào những năm 1960, Thánh Thần đã dạy chúng ta khám phá lại chiều
kích cầu nguyện này. Các tài liệu của Công Đồng về Giáo Hội và Phụng Vụ nhấn
mạnh sự cần thiết phải đưa ra “định hướng chiêm
niệm” vào đời sống thiêng liêng
của người Kitô hữu ngày nay. Tất cả mọi người đều được kêu gọi để cảm nghiệm
trọn vẹn Chúa Kitô.
Điều này có nghĩa là chúng ta không được chỉ dừng lại ở
mức độ cầu nguyện tâm trí: nghĩ về Chúa, nói chuyện với Ngài hoặc xin Ngài đáp
ứng các nhu cầu của chúng ta. Chúng ta lặn ngụp trong sâu thẳm, nơi mà chính Thánh Thần của Chúa Giêsu cầu nguyện trong tâm hồn chúng
ta, trong sự im lặng kết hợp của Ngài với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện chiêm niệm không dành riêng cho các nam nữ tu
sĩ, hoặc các nhà thần bí. Đó là một chiều kích cầu nguyện mà tất cả chúng ta
đều được kêu gọi tới. Mục đích của chiêm niệm không phải là làm cho chúng ta
sống những trải nghiệm phi thường hoặc những trạng thái ý thức bị thay đổi.
Theo cách nói của thánh Tôma Aquinô, chiêm niệm là “sự
vui hưởng chân lý một cách giản dị”. Đối
vớiWilliam Blake, ông nói về nhu cầu phải “làm sạch cánh cửa nhận thức” để nhìn
xem mọi thứ như nó thực sự là: vô hạn.
Do đó, ý thức chiêm niệm được sống trong cuộc sống bình
thường. Suy niệm đưa chúng ta đến chiêm niệm và nó là một phần của mầu nhiệm
lớn lao của việc cầu nguyện trong cuộc sống của bất cứ ai tìm kiếm sự sung mãn
của con người mình. [Laurence Freeman (2013-04-23)
Trích từ Chiêm niệm Kitô giáo, lời cầu
nguyện hàng ngày của bạn.]
Chiêm niệm Kitô giáo có nguồn gốc rất xa xưa. Chiêm niệm
có từ thời Các Giáo phụ Sa mạc của thế kỷ IV và V. Tu sĩ Biển Đức John Main
(1926-1982) [John Main, tu sĩ dòng Benedictine, là
người sáng lập phong trào chiêm niệm Kitô giáo quốc tế. Sau khi học thiền từ
một bậc thầy Ấn Độ giáo, ông phát hiện ra rằng trong thời cổ đại các tu sĩ Kitô
giáo như Gioan Cassianô đã thực hành cầu nguyện theo cách tương tự.] đã
giúp làm cho chiêm niệm trở nên thích hợp với con người thời nay nam cũng như
nữ.
Chiêm
niệm là một phương pháp thực hành tâm linh. Trong im lặng, vượt ra khỏi lời
nói, ý tưởng hay hình ảnh, chiêm niệm muốn dẫn
đến sự hiện diện đơn giản với Thiên Chúa. Đấng đang ở trong phần thân thiết
nhất của chính mình.
Đối
với điều này, một từ, chỉ một từ cần thiết. Từ này được đưa vào trong tâm hồn,
trung thành và nhẹ nhàng, trong một thái độ tin yêu. Theo lời dạy của tu sĩ
Biển Đức John Main, đó là từ MARANATHA,
có nghĩa là: Lạy Chúa, xin hãy đến.
Chiêm
niệm Kitô giáo không chỉ là một kỹ thuật thư giãn hay làm cho tâm trí được an
yên. Chiêm niệm Kitô giáo muốn thúc đẩy sự biến
đổi của toàn bộ con người trong Thiên Chúa.
Chiêm
niệm Kitô giáo là chìa khóa cho buổi sáng và ổ khóa cho buổi tối. Người ta thực
hành chiêm niệm Kitô giáo một mình theo từng ngày, nhưng thỉnh thoảng cũng theo
nhóm để giúp nhau vững vàng trong luyện tập hàng ngày. Cốt lõi của mỗi cuộc gặp
gỡ là sự hiệp thông với nhau trong im lặng, trong một khoảng thời gian 20 đến
30 phút.
Bàn đạp đến tự do
Thoạt
nhìn, cam kết mà cuộc hành trình này mời gọi chúng ta không phải là chuyện bình
thường. Cần có niềm tin và có thể cần một sự liều lĩnh nhất định để bắt đầu.
Nhưng một khi chúng ta bước đi, chính Thiên
Chúa, bản chất là tình yêu, sẽ huấn luyện chúng ta, bằng kinh nghiệm sẽ dạy cho chúng ta biết rằng
chúng ta sẽ hiểu biết thực tại, cách sống kỷ luật của chúng ta sẽ là bàn đạp
dẫn đến tự do.
Cuộc
hành trình hướng tới cõi lòng của chúng ta là cuộc hành trình diễn ra trong tất
cả mọi tâm hồn. Và trong ánh sáng đầu tiên của thực tại, chúng ta thấy rằng đó
là vương quốc mà Chúa Giêsu sinh xuống trần để thiết lập và Ngài tiếp nhận mỗi
người bằng cách tái sinh họ trong cõi lòng Ngài. Những gì chúng ta có chỉ là sự
cô đơn, hoang mang, cô độc. Những gì chúng ta sẽ tìm thấy là sự hiệp thông, sự
chắc chắn, tình yêu. Cung cách của chúng ta là
sự đơn giản và trung thành, sự đơn giản trong lời cầu nguyện, trung thành với
việc suy niệm hàng ngày của chúng ta. Khi
chúng ta đi trên con đường này, chính sức mạnh của tình yêu sẽ gắn kết chúng ta
lại gần nhau hơn.
Con đường đơn giản
Tất
cả những bậc thầy này đều đồng ý với nhau khi nói rằng trong cầu nguyện, chúng
ta không phải là người chủ động. Chúng ta không
nói với Chúa; chúng ta lắng nghe Lời Ngài trong chúng ta. Chúng ta không tìm
kiếm Ngài; Ngài mới là Đấng đã tìm ra chúng ta. Walter Hilton vào thế kỷ thứ mười bốn, đã nói rất
đơn giản: "Chính anh em không làm gì cả;
anh em chỉ để cho Ngài hoạt động trong tâm hồn anh em.” Lời khuyên
của Thánh Têrêsa vẫn còn vang vọng, Chị thánh nhắc nhở chúng ta rằng tất cả
những gì chúng ta có thể làm khi cầu nguyện là để
bản thân mình sẵn sàng. Phần còn lại là do bởi quyền năng của Thánh Thần dẫn
dắt chúng ta.
Con
đường rất đơn giản, nhưng nó đòi hỏi một cách nhìn nhất định về tầm quan trọng
của nó, một sự khiêm tốn nhất định để có thể bắt đầu, một lòng trung thành nhất
định và một lòng dũng cảm nhất định để kiên trì, và trên hết, phải sẵn sàng để
được dẫn đến chỗ thành toàn. Đây là tất cả những phẩm chất cần thiết của con
người trong bất cứ cuộc tiếp xúc hữu ích nào với cuộc sống. Bước đi trên con
đường là việc bình thường. Chúng ta không theo Chúa vì tính cách giật gân của
Ngài, nhưng là để xem xét cuộc sống - tất cả các khía cạnh của cuộc sống đó, sự
hài hòa bên trong và hướng đi của nó - như một mầu nhiệm của cuộc sống đó. Mối nguy hiểm lớn nhất, sự cám dỗ lớn nhất, là làm phức
tạp vấn đề. Qua những gì chúng ta có thể thấy, nếu chúng ta thực sự
đang bước đi trên con đường của mình, nếu lời cầu nguyện của chúng ta có sự khó
nghèo, là tấm lòng trân quý của cuộc
sống chúng ta, chúng ta sẽ đạt được sự đơn giản.
Ngôn ngữ rất yếu ớt.
Ngôn
ngữ không đủ sức mạnh để giải thích toàn bộ mầu nhiệm! Đây là lý do tại sao sự im lặng tuyệt đối trong chiêm niệm lại rất quan trọng.
Chúng ta không cần phải cố gắng suy nghĩ về Chúa, nói với Ngài, hoặc
tưởng tượng về Ngài; chúng ta hãy cứ ở trong sự
im lặng tuyệt vời này, mở ra cho sự im lặng vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Chúng ta khám phá ra trong chiêm niệm, từ kinh nghiệm, thông qua thực hành và
lắng nghe lời giảng dạy hàng ngày, rằng đây là môi trường tự nhiên của chúng
ta. Chúng ta được dựng nên cho Thiên Chúa và bản chất của chúng ta phát triển
và mở rộng trong sự im lặng vĩnh cửu này.
Tuy
nhiên, thuật ngữ “im lặng” là một sự giả mạo có lẽ khiến nhiều người không
thích, bởi vì nó gợi ra một thứ cảm nhận tiêu cực, như kiểu làm cho âm thanh
hoặc ngôn ngữ bị mất đi. Mọi người sợ rằng sự im lặng trong chiêm niệm sẽ khiến
họ bị thụt lùi. Tuy nhiên, kinh nghiệm và truyền thống dạy chúng ta rằng sự im
lặng khi cầu nguyện không phải là trạng thái chuẩn bị cho ngôn ngữ mà là trạng
thái có sau ngôn ngữ, nơi ngôn ngữ đã hoàn thành vai trò của nó, hướng dẫn
chúng ta đi qua và vượt ra ngoài chính ngôn ngữ và vượt qua toàn bộ lãnh vực ý thức tinh thần.
Sự
im lặng vĩnh cửu không tước đoạt bất cứ điều gì của ai và dĩ nhiên không tước
đoạt bất cứ điều gì của chúng ta; đó là sự im
lặng của tình yêu, của sự chấp nhận vô điều kiện. Chúng ta ở đó với Cha của chúng
ta, là Đấng mời gọi chúng ta ở đó, là Đấng yêu thương chúng ta ở đó và là Đấng
đã dựng nên chúng ta vì tình yêu lặng lẽ đó.
Trạng thái hiện hữu đơn
thuần
Suy
niệm là bước đưa bạn từ một thứ chủ nghĩa vị kỷ chuyển sang cách nghĩ tập
trung. Bằng cách thực hiện bước này, chúng ta tìm thấy vị trí của mình trên
trần thế, nơi chúng ta thực sự nên ở và nơi chúng ta thực sự đang ở. Sau đó,
tất cả các mối tương quan của chúng ta sẽ có vị trí xứng đáng: mối tương quan
của chúng ta với nhau, với môi trường và với tất cả tạo vật, với Thiên Chúa.
Sau đó, chúng ta phát hiện ra - và đây điều quan trọng đối với sức khỏe cả thể
chất lẫn tinh thần của chúng ta mà mọi người đều phát hiện ra - rằng chúng ta
có một vị trí thiết yếu trong kế hoạch thánh thiêng. Điều quan trọng nhất đối với con người ngày nay có lẽ là khám phá ra
phẩm giá họ sẽ có được khi đáp lại ân huệ vô song của Đấng tạo nên chúng ta.
Nhưng
làm thế nào để thực hiện điều đó ? Chiêm niệm là kỷ luật cho phép điều đó diễn
ra. Kỷ luật của chúng ta bao gồm việc học cách lùi lại một bước và chỉnh đốn sự
chú ý của chúng ta, toàn bộ con người chúng ta, vào Thiên Chúa. Chúng ta phải
bắt đầu từ đó. Chúng ta cần bắt đầu với con người của chúng ta và học cách im
lặng trong chính bản thân mình. Điều đó đơn giản có nghĩa là học để trở thành
chính mình, thay vì khẳng định bản thân bằng những gì mình làm hoặc nghĩ. Là
một nghệ thuật và một thực hành, chiêm niệm đưa
chúng ta đến trạng thái đơn giản này thông qua việc lặp đi lặp lại sự tĩnh lặng
và cố gắng giữ im lặng khi cầu nguyện.
Hiện diện trọn vẹn
Chiêm
niệm là cách để chúng ta tháp nhập trọn vẹn vào giây phút hiện tại. Tất cả
chúng ta đều có xu hướng sống trong quá khứ hoặc tương lai. Đừng sống trong quá
khứ hoặc trong tương lai! Hãy học cách hiện diện hoàn toàn trong thời khắc hiện
tại, trong hiện tại, mà chúng ta có thể diễn tả nó như là sự hiện diện thường
hằng của Thiên Chúa. Phần lớn sự bất
hạnh đến từ việc chúng ta không chịu ở trong hiện tại. Ngay cả đau khổ cũng có
ý nghĩa, và nếu chúng ta không chấp nhận đau khổ đó hoàn toàn vào lúc hiện tại
này, chúng ta vẫn cảm nghiệm đau khổ đó nhưng lại bỏ lỡ ý nghĩa của nó. Vì vậy,
những gì chúng ta phải học để làm trong chiêm niệm của mình là lắng nghe lời
cầu nguyện một cách chú ý hoàn toàn. Ý thức của chúng ta tập trung vào một
điểm, đó là âm thanh duy nhất của lời cầu nguyện. Đây là những gì chúng ta phải
học để làm, thực hành lời cầu nguyện maranatha – xin
hãy đến - lắng nghe lời cầu nguyện đó
với sự chú ý đầy đủ và càng lúc càng sâu sắc hơn, maranatha
- xin hãy đến - và thực hiện điều
đó một cách đơn giản, khiêm hạ nhưng lại lớn lao hơn bao giờ hết.
Hãy lắng nghe lời Ngài
trong chúng ta
Khi
nói chuyện với mọi người về chiêm niệm, tôi thường thấy rằng những người đầu
tiên hiểu nó là gì lại là những người ngoại đạo,
thậm chí là những người không có tôn giáo. Trong con mắt của nhiều Kitô hữu đang giữ và sống đạo, của nhiều linh
mục, tu sĩ nam nữ, từ ngữ cầu nguyện đối với họ thoạt nhìn có vẻ như một kỹ
thuật (cầu nguyện) có tính chất xa lạ đáng ngờ, hoặc một số mánh khóe kỳ lạ, hoặc thậm chí là một loại liệu pháp có
thể giúp thư giãn, nhưng không thể mang danh nghĩa Kitô giáo! Đó là một tình
trạng rất đáng buồn. Vì vậy, nhiều Kitô hữu đã mất mối tương quan với truyền
thống cầu nguyện của riêng họ. Chúng ta không còn tận dụng được hết sự khôn
ngoan và lời khuyên khôn ngoan của những bậc thầy vĩ đại về cầu nguyện.
Khám phá cội nguồn của
tình yêu
Một
trong những điểm yếu của chúng ta là luôn cố gắng ổn định cuộc sống. Một trong
những thách thức của đời sống Kitô hữu chúng ta là học cách trở thành những
người hành hương, luôn luôn di chuyển. Chúng ta luôn luôn ra sức tích lũy cả vật chất hoặc kiến thức, và tìm cách đếm các
con số trên đường đời. Chúa Giêsu
nói với chúng ta rằng con đường dẫn đến sự cứu rỗi rất hẹp; rất ít người khám
phá ra nó. Lý do rất ít người tìm ra, đối với những người khác, nó là một con
đường ít người đi.
Hai
điều quan trọng được yêu cầu đối với người hành hương. Người ấy không được
khuất phục trước sự cám dỗ nhằm ổn định cuộc sống: “Tôi đã đi đủ xa. Tôi đang
bắt đầu mệt đây. Việc bước đi trở nên khó khăn quá.” Người hành hương phải gạt
bỏ những cảm giác này.
Nhưng
sự cám dỗ ngấm ngầm nhất là tự nói với chính mình: “Tôi đây, một vùng đất tốt,
một nơi thật dễ chịu. Tôi chỉ cần nghỉ ngơi một chút ở đây.” Khi tiến về phía
trước, chúng ta biết rằng cam kết của chúng ta sẽ trở thành một điều gì đó
tuyệt đối. Lý do rất đơn giản: cuộc hành trình của chúng ta, cuộc hành hương
của chúng ta đến từ sự cam kết của chúng ta với một con người vĩ đại hơn chúng
ta vô hạn. Chúng
ta thấy rằng chúng ta được yêu cầu đi trên con đường này không phải để chúng ta
chỉ đến một nơi nào đó, không phải chỉ vì một số kinh nghiệm. Chúng ta được mời
gọi hiệp nhất với Thiên Chúa, hiệp nhất trong Thiên Chúa.
Tập trung toàn bộ vào
Thiên Chúa
Qua
lời kêu gọi này, viễn cảnh mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị, Ngài định hướng chúng ta
đến sự hiệp thông tuyệt đối, vì là những người hành hương, chúng ta không được
đánh mất mục tiêu cuối cùng, định mệnh cuối cùng này được ghi khắc rõ ràng
trong trái tim chúng ta. Không ai biết người hành hương sẽ phải gánh chịu những
gì, hay những nguy hiểm mà người đó sẽ phải trải qua. Nhưng chúng ta biết, và
ngày càng hiểu rõ hơn rằng sức mạnh để vượt qua những thử thách, những khó khăn
đó, được ban cho chúng ta, sẽ được trao cho chúng ta bởi nguồn năng lượng mà
mỗi chúng ta được mời gọi khám phá trong cõi lòng mình, mà nguồn cội của nó là Thiên Chúa, là tình yêu (1Gioan 4: 16).
Phêrô Phạm Văn Trung,
Hẹn gặp lại