Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

BBT CGVN YouTube
Thánh Kinh Công Giáo
Cầu nguyện bằng email
Hội Đồng Giám Mục VN
Liên Lạc

Văn Kiện Vatican 2

Lectio divina

Suy Niệm & Cầu Nguyện

Học Hỏi Kinh Thánh

Lớp KT Sr Cảnh Tuyết

Nova Vulgata

Sách Bài Đọc UBPT

LỜI CHÚA LÀ ÁNH SÁNG

GH. Đồng Trách Nhiệm

TAN TRONG ĐẠI DƯƠNG

Video Giảng Lời Chúa

Giáo Huấn Xã Hội CG

Tuần Tin HĐGMVN

Vụn Vặt Suy Tư

Giáo Sĩ Việt Nam

ThăngTiến GiáoDân

Bản Tin Công Giáo VN.

Chứng Nhân Chúa Kitô

Thánh Vịnh Đáp Ca

Phúc Âm Nhật Ký

Tin Vui Thời Điểm

Tin Tức & Sự Kiện

Văn Hóa Xã Hội

Thi Ca Công Giáo

Tâm Lý Giáo Dục

Mục Vụ Gia Đình

Tư Liệu Giáo Hội

Câu Chuyện Thầy Lang

Slideshow-Audio-Video

Chuyện Phiếm Gã Siêu

Các Tác Giả
  Augustinô Đan Quang Tâm
  Ban Biên Tập CGVN
  Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
  Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức, MD.
  Bùi Nghiệp, Saigon
  Bosco Thiện-Bản
  Br. Giuse Trần Ngọc Huấn
  Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh
  Dã Quỳ
  Dã Tràng Cát
  Elisabeth Nguyễn
  Emmanuel Đinh Quang Bàn
  Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền,OSB.
  EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
  Fr. Francis Quảng Trần C.Ss.R
  Fr. Huynhquảng
  Francis Assisi Lê Đình Bảng
  Gia Đình Lectio Divina
  Gioan Lê Quang Vinh
  Giuse Maria Định
  Gm Phêrô Huỳnh Văn Hai
  Gm. Giuse Đinh Đức Đạo
  Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
  Gm. JB. Bùi Tuần
  Gm. Nguyễn Thái Hợp, op
  Gm. Phêrô Nguyễn Khảm
  Gs. Đỗ Hữu Nghiêm
  Gs. Ben. Đỗ Quang Vinh
  Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
  Gs. Nguyễn Đăng Trúc
  Gs. Nguyễn Văn Thành
  Gs. Phan Văn Phước
  Gs. Trần Duy Nhiên
  Gs. Trần Văn Cảnh
  Gs. Trần Văn Toàn
  Hạt Bụi Tro
  Hồng Hương
  Hiền Lâm
  Hoàng Thị Đáo Tiệp
  Huệ Minh
  HY. Nguyễn Văn Thuận
  HY. Phạm Minh Mẫn
  JB. Lê Đình Nam
  JB. Nguyễn Hữu Vinh
  JB. Nguyễn Quốc Tuấn
  Jerome Nguyễn Văn Nội
  Jorathe Nắng Tím
  Jos. Hoàng Mạnh Hùng
  Jos. Lê Công Thượng
  Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP
  Joseph Vũ
  Khang Nguyễn
  Lê Thiên
  Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
  Lm Đaminh Hương Quất
  Lm. Anmai, C.Ss.R.
  Lm. Anphong Ng Công Minh, OFM.
  Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế op.
  Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  Lm. Đan Vinh, HHTM
  Lm. Đỗ Vân Lực, op.
  Lm. G.Trần Đức Anh OP.
  Lm. GB. Trương Thành Công
  Lm. Giacôbê Tạ Chúc
  Lm. Gioan Hà Trần
  Lm. Giuse Hoàng Kim Đại
  Lm. Giuse Lê Công Đức
  Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp
  Lm. Giuse Trần Đình Thụy
  Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
  Lm. Inhaxio Trần Ngà
  Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
  Lm. JB Trần Hữu Hạnh fsf.
  Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
  Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh
  Lm. Jos Đồng Đăng
  Lm. Jos Cao Phương Kỷ
  Lm. Jos Hoàng Kim Toan
  Lm. Jos Lê Minh Thông, OP
  Lm. Jos Nguyễn Văn Nghĩa
  Lm. Jos Phan Quang Trí, O.Carm.
  Lm. Jos Phạm Ngọc Ngôn
  Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
  Lm. Jos Trần Đình Long sss
  Lm. Jos.Tuấn Việt,O.Carm
  Lm. Lê Quang Uy, DCCT
  Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.
  Lm. Linh Tiến Khải
  Lm. Martin Ng Thanh Tuyền, OP.
  Lm. Minh Anh, TGP. Huế
  Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên O. Cist.
  Lm. Ng Công Đoan, SJ
  Lm. Ng Ngọc Thế, SJ.
  Lm. Ngô Tôn Huấn, Doctor of Ministry
  Lm. Nguyễn Hữu An
  Lm. Nguyễn Thành Long
  Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
  Lm. Pascal Ng Ngọc Tỉnh
  Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
  Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
  Lm. Phạm Văn Tuấn
  Lm. Phạm Vinh Sơn
  Lm. PX. Ng Hùng Oánh
  Lm. Raph. Amore Nguyễn
  Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
  Lm. Tôma Nguyễn V Hiệp
  Lm. Trần Đức Phương
  Lm. Trần Mạnh Hùng, STD
  Lm. Trần Minh Huy, pss
  Lm. Trần Việt Hùng
  Lm. Trần Xuân Sang, SVD
  Lm. TTT. Võ Tá Khánh
  Lm. Vũ Khởi Phụng
  Lm. Vĩnh Sang, DCCT
  Lm. Vinh Sơn, scj
  Luật sư Đoàn Thanh Liêm
  Luật sư Ng Công Bình
  Mẩu Bút Chì
  Mặc Trầm Cung
  Micae Bùi Thành Châu
  Minh Tâm
  Nữ tu Maria Hồng Hà CMR
  Nguyễn Thụ Nhân
  Nguyễn Văn Nghệ
  Người Giồng Trôm
  Nhà Văn Hương Vĩnh
  Nhà văn Quyên Di
  Nhà Văn Trần Đình Ngọc
  Nhạc Sĩ Alpha Linh
  Nhạc Sĩ Phạm Trung
  Nhạc Sĩ Văn Duy Tùng
  Phaolô Phạm Xuân Khôi
  Phêrô Phạm Văn Trung
  Phó tế Giuse Ng Xuân Văn
  Phó tế JB. Nguyễn Định
  Phùng Văn Phụng
  Phạm Hương Sơn
  Phạm Minh-Tâm
  PM. Cao Huy Hoàng
  Sandy Vũ
  Sr. Agnès Cảnh Tuyết, OP
  Sr. M.G. Võ Thị Sương
  Sr. Minh Thùy, OP.
  Têrêsa Ngọc Nga
  Tín Thác
  TGM. Jos Ngô Quang Kiệt
  TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc
  Thanh Tâm
  thanhlinh.net
  Thi sĩ Vincent Mai Văn Phấn
  Thiên Phong
  Thy Khánh
  Thơ Hoàng Quang
  Tiến Hùng
  Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
  Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt
  Tiến Sĩ Trần Xuân Thời
  Trầm Tĩnh Nguyện
  Trầm Thiên Thu
  Trần Hiếu, San Jose
  Vũ Hưu Dưỡng
  Vũ Sinh Hiên
  Xuân Ly Băng
  Xuân Thái
Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
  Chứng Nhân Chúa Kitô
PHONG TRÀO “SÁT TẢ” NĂM 1885 TỪ QUẢNG NAM VÀO ĐẾN BÌNH THUẬN DƯỚI NGÒI BÚT CỦA MỘT GIÁO DÂN CÒN SỐNG SÓT

 

 

 

  Tác phẩm “Cận đại Việt sử diễn ca Quyển nhứt”

     Trong năm 2019, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. cho xuất bản tác phẩm “Cận đại Việt sử diễn ca Quyển nhứt” của tác giả Huỳnh Thiên Kim (1903-1971). Đây là một tác phẩm bằng thơ. Lời phi lộ của tác giả: “Đại Nam quốc sử diễn ca/ Vua truyền Ngô Cát viết ra lâu rồi/ Chép ghi tới Hậu Lê thôi/ Đến nay chưa kẻ hạ hồi diễn thêm/ Nghĩ là chỗ khuyết cần chêm/ Không nề thô thiển, chẳng hềm khen chê/ Sử Nam diễn nốt sau Lê/ Phân tranh Tây- Nguyễn, nước về tay ai?/ Quốc vong gợi mối quan hoài/ Nhớ thời Pháp thuộc nghiệt cay, não lòng”

   Quyển nhứt được diễn thơ “Từ Tây Sơn, Nguyễn Ánh phân tranh đến nước Nam trong thời Âu chiến”.

   Đoạn thứ hai mươi mốt “Phong trào Cần vương bành trướng” có bài thứ 9 “Văn thân chém giết linh mục và giáo dân”: “ Chiếu Cần vương có tiếng vang,/Dân tâm xúc động, văn thân kéo cờ./ Bắc Trung khởi nghĩa một giờ,/ Quyết lòng khôi phục cõi bờ nước Nam./ Nghĩ rằng dân đạo tà tâm,/ Đầu hàng giặc Pháp,nhận làm điệp viên./ Đưa đường dẫn lối các miền,/ Đánh Tân Sở đó nhãn tiền chẳng xa./ Nội công phản quốc gọi là,/ Hô hào “Sát Tả” đạp chà giáo dân./ Đánh thành Quảng Ngãi rần rần(1),/ Giết Boi ri é(2), giáo đường Bàn Gôi./ Phú Hòa, Phường Chuối nổi sôi,/ Hai linh mục trả xong rồi trái oan:/ Cố Ga ranh(3), cố Ghê gan(4),/ Ma xê(5) Nước Nhỉ, thiên đàng nương mây./ Ba ra(6) Thác Đá bỏ thây,/ Đuy bông(7) Hội Đức một ngày tiên du./ Y ri bạt(8) chết Quán Cầu,/ Sa tơ lê(9) chặt mất đầu Cây Gia./ Giáo dân bị giết hằng hà,/ Khắp vùng Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên./ Lưỡng Bình(10), Lưỡng Quảng(11) các miền,/ Ở gần Huế chỉ Thừa Thiên an toàn./ Các linh mục khóc phàn nàn,/ Cuộc xy(*) chậm trễ dẹp loàn cứu dân./ Phong trào bồng bột trăm phần,/ Lửa xe nước gáo, viện binh thấm gì!/ Lòng Sông(12) toàn thể bỏ đi,/ Bảy nghìn lánh nạn thành Quy(13) não nùng./ Tụ nhau bãi bể cơ cùng,/ Không phên che nắng, không mùng ngủ đêm./ Đương cơn đói giá gạo lên,/ Ca men béc(14) mướn chở chuyên Sài Gòn./ Hai năm(15) cảnh trạng héo don,/ Tính nhì vạn tứ hao mòn giặc ni(16)./ Bên Tây nội các Phe ry,/ Thứ dân(17) lật đổ, Nam Kỳ Tom sông./ Đòi về “công cán”(18) hết mong,/ Bê ranh(19) quyền nhiếp luật chung đảng bè”.

    Trong đoạn thơ ấy, tác giả chỉ kể lại vài xứ đạo điển hình mà Văn Thân đã giết các linh mục Pháp và giáo dân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên mà thôi. Trong năm 1885 tất cả các xứ đạo ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận đều bị quân Văn Thân bao vây, tấn công và sát hại. Những xứ đạo từ đèo Hải Vân vào đến Bình Thuận thuộc địa phận Đông Đàng Trong.

    Hai thi phẩm kể lại cuộc tàn sát của quân Văn Thân của một giáo dân còn sống sót

    Hiện nay cũng như trong quá khứ khi bàn về Phong trào “bình Tây- sát Tả” các nhà nghiên cứu chỉ đào sâu nghiên cứu về “bình Tây”, còn “sát Tả thì không dám đề cập đến, nếu có đề cập thì cũng chỉ đề cập một cách sơ sài lấy lệ mà thôi.

    Linh mục Võ Ngọc Nhã quê ở Nước Nhỉ, Phù Mỹ, Bình Định đã sưu tầm được hai thi phẩm trường thiên tường thuật cuộc biến loạn “sát Tả bình Tây”, những ngày lưu huyết nhất trong lịch sử Việt Nam, trên địa bàn địa phận Đông Đàng Trong (giới hạn địa phận Đông Đàng Trong từ phía nam đèo Hải Vân đến hết tỉnh Bình Thuận). Hai thi phẩm này được Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ chú giải và được in chung trong tác phẩm “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam” (xem: LamGiang& Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản, 1970, tr.461-570)

   Thi phẩm “Đại loạn năm Ất dậu 1885” gồm có 8 bài: Cảm nghĩ của một giáo dân trước thời cuộc;  Quyền thần loạn chính; Việc biến loạn ở kinh thành; Văn thân khởi binh; Thân hào sát Tả; Giáo dân cự chiến; Quân Pháp đánh đẹp; Thanh minh trước công luận.

   Thi phẩm “ Giáo nạn trong quốc biến” (Dậu- Tuất niên gian phong hỏa ký sự) gồm có 6 bài: Loạn căn và việc thất thủ kinh thành; Những vụ thảm sát và chiến trận ở Quảng Ngãi; Chiến trận ở Bình Định; Biến loạn ở Phú Yên; Chiến trận ở Quảng Nam; Khánh- Thuận và những ngày tàn của phong trào sát Tả bình Tây.

    Những tiêu đề trong hai thi phẩm này, theo tôi cũng do người đời sau đặt ra. Thi phẩm “Giáo nạn trong quốc biến” tường thuật các cuộc thảm sát, các trận giao công một cách tường tận, tỉ mỉ hơn thi phẩm “Đại loạn năm Ất Dậu”.

   Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ đề nghị: “Những ai là sử gia vô tư, công bình, cần phải đọc kỹ tài liệu này vì trước đó họ đã được đọc nhiều tài liệu của thực dân, của văn thân và những bút ký, hồi ký của các giáo sĩ ngoại quốc. Quan điểm của những nhân chứng thời đại đã khác nhau thì đối với một sự việc, mỗi bên đều thấy được ít nhiều khía cạnh mà bên kia không thấy…

   Hãy bình tâm nghe thêm một tiếng chuông về cuộc biến loạn năm Ất Dậu, cuộc biến loạn ảnh hưởng chính trị còn diên man đến tận ngày nay.

    Người xưa thường nói: “Kiêm thính tắc minh”. Phải nghe nhiều bên, nhiều phía rồi mới nhận định rõ ràng chân tướng của sự việc được”.(Lam Giang & Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản , 1970, tr.461)

  Hai tài liệu lịch sử này diễn tả sự việc dưới quan điểm một giáo dân có tinh thần yêu nước, yêu đạo lý mà lại bị gạt ra khỏi hàng ngũ dân tộc.

   Lập trường sáng tác là lập trường của một giáo dân sống sót sau những ngày khói lửa. Cố nhiên đối với văn thân, tác giả không có cảm tình. Đó là việc tất nhiên vì ai mà có cảm tình với những kẻ đã trấn nước, hỏa thiêu thân bằng quyến thuộc của mình cho được? Quan điểm của một giáo dân sống sót đã từng chứng kiến cảnh thảm sát người đồng đạo thì lẽ tất nhiên không phù hợp với người đời sau ở trong hoàn cảnh sóng yên gió lặng.

   Theo Giáo sư Lam Giang: “ Trong thi phẩm “Giáo nạn trong quốc biến” có những đoạn chép về nội chiến, dùng những chữ nặng nề như “thằng, đứa, nó, chém đầu, chặt óc, bỏ đầu chó tha v.v…”, có người khuyên tôi nên tỉnh lược bớt, sửa đổi lại cho giảm vẻ gay cấn, kịch liệt đi. Tôi không làm vì có 2 lý do chính đáng:

   Một là không nên xâm phạm vào một tài liệu lịch sử để rồi về sau lại tốn công người ta phải hiệu đính lôi thôi…

   Hai là vì giá trị văn chương. Tả chân thì cho ra tả chân. Rất đỗi hai ba người cãi nhau mà nổi nóng lên thì không dùng văn từ trang nhã huống hồ là việc thù hiềm đến mức phải dùng gươm giáo sát hại nhau. Sửa đổi vài chữ nặng nề, chưa hẳn đã làm êm dịu được sự thật lịch sử mà lại tổn thương đến giá trị văn chương tả chân, ai cầm bút mà nỡ làm một việc vô bổ như vậy?

   Công bố một tài liệu lịch sử là để góp phần vào khát vọng đi tìm sự thật của con người muôn thuở. Trong một sự thật lịch sử bao giờ cũng có những bài học tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ cho người đời sau.

   … Còn như cái thói húy kỵ, sợ động chạm bên này, sợ phiền lụy bên kia, che giấu sự thật thì cái thói đó quyết không phải là tác phong của người yêu nước sáng suốt và thành thực”.

    Giáo sư Lam Giang khẳng định: “Sử phải là tín sử, nghĩa là rất trung thực để cho người đời sau tin được. Chiến tranh có những sự việc ghê tởm, gớm ghiếc của chiến tranh. Người Pháp chép sự việc quân Ba Lê Công Xã đánh nhau với quân chính phủ Versailles, miêu tả đủ những chi tiết rung rợn của cuộc nội chiến, không có một nhà phê bình nào, một học giả nào đòi bỏ bớt chi tiết này, chi tiết nọ vì “xét tình hình chính trị đặc biệt” và những lý do gì gì nữa vân vân” (Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, sđd,tr.513)

    Diễn biến việc “Văn thân chém giết Linh mục và giáo dân” dưới ngòi bút của một giáo dân còn sống sót sau cuộc sát Tả

    Trong “Sát Tả bình Tây hịch” khẳng định người theo đạo Da tô là loại : “Hồ mạo hổ oai, dẫn chiêu cừu vu quốc ấp/ Kê thê phụng tập, nhập xú loại vu môn đình” (cáo mượn oai hùm, dẫn thù nghịch tanh hôi giày đất nước/ Gà leo nhánh phụng, dắt man di tàn ác hại quê nhà). Quan niệm như vậy cho nên nhiệm vụ của những người tham gia Phong trào Cần vương lúc ấy là “tiên sát Tả”.

   Phong trào Cần vương xướng lên đầu tiên là ở Quảng Ngãi: “Khởi đầu tại huyện Bình Sơn,/ Kéo vô lấy tỉnh đoạt quờn thượng ty. Tỉnh quan cũng chịu thua đi,/ Bố thì chạy trốn, Án Mi giam ngoài./ Vào thành trước hết làm oai,/ Chém đầu anh đội lại vài giáo nhơn”.

   Xứ đạo Văn Bân – Quảng Ngãi: Sau khi chiếm tỉnh thành Quảng Ngãi, bìnhTây đâu không thấy chỉ thấy Văn thân mở màn việc sát Tả tại xứ đạo Văn Bân: “Mở đầu giết đạo Văn Bân/ Trẻ già trai gái một lần sát thiêu./ Đào hào chôn sống cũng nhiều,/ Trói vò trấn nước dập dìu thây trôi./ Đánh đâm sát mạng vô hồi,/ Quá tay độc ác nghĩ thôi lạ lùng.”

   Xứ đạo Bàu Gốc: Kế sau Văn Bân thì đêm 14/7/1885 quân Văn thân bao vây xứ đạo Bàu Gốc. Sáng ngày 15/7/1885 khoảng 300 giáo dân tụ tập tại nhà thờ chờ chết mà không kháng cự. Ngày 16/7/1885 quân văn thân xông vào chém đầu linh mục Jean Poirier - tên Việt là Tân - và thiêu cháy nhà thờ cùng với 300 giáo dân: “ Đoạn vây Bàu Gốc quá đông,/ Xông vào trước chém cố Tân lấy đầu./ Trăm ngàn kẻ dữ kéo vô,/ Thiêu gia sát mạng hàm hồ chỉn ghê./ Giáo nhơn đã quyết một bề,/ Phú mình chịu chết chẳng hề đôi co./ Dưng làm của lễ thơm tho,/ Ba trăm hội hữu đều vô nhà thờ./ Một lòng thống hối đợi chờ,/ Hỏa công một trận ra tro chẳng còn./ Thảm thương trẻ nhỏ con con,/ Đập đầu bỏ lửa cháy mòn tiêu tan./ Những người dạ có cưu mang,/ Cũng đâm đổ ruột hàm oan muôn phần.”

    Xứ đạo Phú Hòa: Sau khi quân triều đình chiếm lại tỉnh thành Quảng Ngãi: “Chém đầu mấy đứa hoành hành,/ Tức thì nả phỉ thâu thành phục quan”. Quan liền truyền lệnh phân giải lương- giáo: “Truyền rằng: “ Quan đã tới đây,/ Các làng chớ khá làm rầy không nên!/ Đây ta phân giải hai bên,/ Trước sau thuận thỏa, vững bền tương an./ Đừng chôn tiền bạc, của vàng,/ Bằng ai làm lỡ kíp toan đem về.”. Người dân xứ đạo Phú Hòa tin thật: “Đạo dân tin thật, chẳng dè…/ Của chôn, của giấu nhứt tề đào lên./ Bỗng nghe một tiếng súng rền,/ Các làng chực sẳn bốn bên xông vào.” Ngày 17/7/1885 quân Văn thân xông vào xứ đạo Phú Hòa chém đầu Linh mục Louis Guégan - tên Việt là Hoàng - và tàn sát giáo dân: “Chém đầu cố Hoàng bêu cao,/ Còn bao nhiêu nữa giết ào chẳng tha./ Bất phân nam nữ trẻ già,/ Tận hành tru lục cửa nhà cháy tiêu.”.

    Xứ đạo Phường Chuối, Vạn Lộc:  “Cù Và, Chợ Mới tiếp theo,/ Đốt nhà, sát mạng tinh yêu lạ đời./ Phường Chuối sắp lên các nơi,/ Phất cờ giục trống chói trời vang tai./ Kéo vây Vạn Lộc trong ngoài,/ Đầy đồng chật đất những loài tham ô./ Đốt rào, phá xóm hồ đồ,/ Giáo nhơn khiếp sợ kéo vô nhà thờ./ Soát tìm non núi, bụi bờ,/ Gặp ai giết nấy chẳng chờ lịnh đâu.”. Linh mục André Marie Garin - tên Việt là Châu - ở tại nhà thờ Cù Và, vào ngày 18/7/1885, Linh mục Garin đi thăm họ đạo nhánh là Phường Chuối và bị giết cùng với 500 giáo dân ở đây: “ Kéo vào giết đặng cố Châu,/ Bêu đầu làm lịnh thảm sầu thương ôi!/ Đứa gian, đứa dữ vô hồi,/ Đứa khuân của cải, đứa lôi đồ thờ./ Muôn ngàn giáo mác chực hờ,/ Năm trăm giáo hữu một giờ tan hoang./ Kẻ chôn, người đánh chết ngang,/ Kẻ đâm đổ ruột, người toàn chết thiêu./ Thả sông, thắt cổ cũng nhiều./ Heo gà ních hết, chó mèo sạch trơn./ Ghê thay lấy oán trả ơn,/ Dân lành luống chịu giận hờn oan gia.”

   Xứ đạo Bàn Cờ, Phước Lộc, Cù Và lúc đầu cũng tính bề chống cự lại nhưng rồi lại thôi: “Bàn Cờ, Phước Lộc, Cù Và,/ Toan bề cự địch dần dà chịu lâu./ Nhưng vì ý Chúa cao sâu,/ Để cho tử tiết ngõ hầu lập công./ Hai nhà phước viện cũng đông,/ Đua nhau tuẫn đạo lập công muôn đời./ Các thầy, các chú nơi nơi,/ Cam tâm tử nghĩa coi đời như không./ Còn nhiều các hội tây đông,/ Bỏ thây cõi đất vì trông phước trời.”( xem thêm: Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam tập II, Nxb Tôn giáo , Hà Nội, 2008, tr. 371)

    Xứ đạo Hà Ra -Bình Định. Tại Bình Định Phong trào “Sát Tả” khởi sự tại xứ đạo Hà Ra (nay thuộc xã Mỹ Đức -Phù Mỹ). Đêm 29 rạng 30/7/1885, 23 giáo hữu bị bắt ném xuống biển: “Mở đầu giết đạo Hà Ra,/ Trói người nhận nước nghĩ đà ghê thay!”. Kế đến bổn đạo họ Bồng Sơn: “Bồng Sơn bổn đạo vừa hay,/ Tính đà khó nỗi chạy bay đàng nào./ Ở liều trong chốn gươm đao,/ Mặc ý Chúa định làm sao thì làm…/ Ba mươi bốn hội lòng cam,/ Noi theo dấu Chúa cõi phàm quyên sanh.”

   Xứ đạo Gia Hựu Khoảng giữa tháng 7/1885 vài giáo dân ở xứ đạo Trà Câu (Quảng Ngãi) vào Gia Hựu (Bình Định) báo tin cho Linh mục chánh xứ Gia Hựu là Geffroy - tên Việt là Bửu- biết là Văn thân đang sát hại giáo dân ở Quảng Ngãi. Linh mục Geffroy liền ra Huế cầu cứu. Ngày 4/8/1885 quân Văn thân bao vây Gia Hựu, hai Linh mục phó  xứ Gia Hựu là Linh mục Horoné Dupont- tên Việt là Minh- và Linh mục Nhứt  dẫn 2000 giáo dân chạy về Thác Đá, nhưng chỉ mới đi khoảng 15 cây số thì bị quân văn thân chặn ở chân đèo Hội Đức (giữa Gia Hựu và Thác Đá), hai linh mục bị chặt đầu và giáo dân bị giết: “Gia Hựu cũng đã xuất hành,/ Mới đi đến dốc Bánh Canh một đoàn./ Ngoài trong các xã, các làng./ Đón vây sau trước giết càn sạch trơn./ Bỏ thây trên cõi trần hườn,/ Máu oan để chứng đạo chơn giống lành./ Chẳng ai cự địch tranh hành,/ Một lo thống hối dọn mình về quê./ Hai ông linh mục nhứt tề,/ Xá sanh thủ nghĩa ghét chê sự đời./ Ba nhà phước viện ba nơi,/ Cũng đều tử tiết muôn đời thơm danh./ Còn các đạo sư, đạo sanh,/ Cũng cam chịu chết dưng mình đền ơn.”

     Xứ đạo Thác Đá Cuối tháng 7/1885 cha sở xứ đạo Thác Đá( phía đông cầu Lại Giang- Bồng Sơn) nhận được lệnh của Giám mục Van Camelbeke - tên Việt là Hân- phải dẫn giáo dân lánh nạn vào Làng Sông rồi xuống Qui Nhơn. Nhận thấy đoạn đường quá xa không thể dẫn giáo hữu trốn thoát, nên Linh mục Francois Barrat - tên Việt là Chung- cùng với Linh mục phó xứ người Việt tên là Mão, cùng các nữ tu và giáo dân sẳn sàng “tuẫn đạo vong thân”.Chiều ngày 3/8/1885 văn thân bao vây xứ đạo Thác Đá , Linh mục Barrat, Linh mục Mão cùng các nữ tu và giáo dân bị thiêu sống trong nhà thờ.  ( Lm Huỳnh Kim Lăng, Bản khởi thảo lịch sử các giáo xứ thuộc Giáo phận Qui Nhơn[ bản đánh máy], tr.117)

        Xứ đạo Nước Nhỉ  có một Chủng viện do Linh mục Auguste Macé- tên Việt là Sĩ- làm Giám đốc. Ngày 1/8/1885. Linh mục Hamon- tên Việt là Lựu- ở xứ đạo Truông Dốc (Nhà Đá- Phù Mỹ) viết thư cho linh mục Macé ở Nước Nhỉ khẩn cấp kêu gọi giáo dân trốn vào Truông Dốc, rồi xuống Làng Sông để rồi sau đó vào Qui Nhơn. Giáo dân chia làm nhiều nhóm trốn đi, nhưng nhóm của linh mục Macé bị chận lại, nên quay về lại Chủng viện. Ngày 2/8/1885 quân văn thân bao vây Chủng viện, giáo dân chống cự lại, nhưng chỉ với vài khẩu súng nên sau khi hết đạn văn thân tràn vào chém linh mục Macé và giết 500 giáo dân: “Dễ đâu kể hết nguồn cơn,/ Trải qua Phù Mỹ thiệt hơn vài điều./ Nhà trường Nước Nhỉ đã thiêu,/ Tư bề vây phủ dập dìu đoàn hung./ Đông như kiến cỏ muôn trùng,/ Phá rào hãm thấu vào trong đốt nhà./ Hỗn hào quá nữa lâu la,/ Trước là nghĩa thiết, nay là thù sâu./ Nội làng há dễ là đâu,/ Chém giết cố Sĩ lấy đầu bêu cao./ Đạo dân lớn nhỏ giết ào,/ Hễ là xóm đạo nhà nào cũng thiêu./ Lửa cháy từ mai đến chiều,/ Khuân đồ, lấy của, dập dìu người ta./ Khác chi đoàn lũ yêu ma,/ Gặp ai giết nấy bất bà bất con!”( xem thêm: Trương Bá Cần, sđd, tr. 372)

    Giáo dân bị tàn sát một cách dã man như vậy, nhưng bọn thực dân Pháp vẫn làm ngơ không ra tay cứu giúp: “ Quan Tây thấy việc sờ sờ,/ Làm thinh để đó, ngẩn ngơ sự đời!/ Cũng như kẻ lạc đạo Trời,/ Chẳng vì Hội Thánh cứu thời gian nguy./ Ngó lên xóm đạo bỏ đi,/ Đỏ rần lửa cháy, đen sì khói bay./ Tầu Tây vào cửa thấy ngay,/ Án binh bất động…dở hay mặc người!/ Nài xin cũng đã hết hơi,/ Quan Tây vẫn cứ tin lời bình dân(1)”. Qua sự việc trên cho thấy thực dân Pháp khi xâm lược nước ta, chẳng qua “Mượn câu giảng đạo làm danh” mà thôi, sau này lương dân mới vỡ lẽ: “ Trước tưởng đạo với Tây là một lõa/ Nào hay Tây với đạo khác hai phe/ Đạo chỉ lo nhân đức tu tề/ Tây thì cứ thị hùng hiếp thế”.

    Xứ đạo Bến Buông- Phú Yên. Ở Phú Yên xứ đạo đầu tiên bị văn thân tàn sát là Bến Buông(nay thuộc giáo xứ Đồng Tre, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân- Phú Yên): “Đầu hết đốt đạo Bến Buông,/ Các họ Hội Tỉnh đốt luôn một ngày./ Phừng phừng lửa cháy đông tây,/ Đạo dân sợ khiếp chạy ngay, bỏ nhà./ Bao nhiêu kẻ chạy trốn ra,/ Đón đầu đập chết chẳng tha mạng nào./ Kẻ thì chôn sống dưới hào,/ Người bị trấn nước xô nhào xuống sông./ Còn ai chạy thoát ra đồng,/ Tuông bờ lướt bụi mà xông vào rừng./ Nó còn săn kiếm lẫy lừng,/ Gặp ai đâm nấy quá chừng bất nhơn./ Dầu cho trước mấy công ơn,/ Nay trả thù oán, giận hờn ghê thay!/ Giết đi, giết lại nhiều ngày,/ Bốn mươi sở đạo giết rày tiêu tan./ hai nhà phước viện đốt oan,/ Người thì chết đói, kẻ tràn lên non./ Lần hồi bị giết cũng mòn,/ Xác phàm phú đất, linh hồn về quê./ Bốn ông linh mục cũng tề,/ Noi gương Cứu Thế một bề quyên sanh./ Để cho thế sự hoành hành,/ Bỏ thây trần thế, rạng danh cõi trời./ Các thầy, các chú mọi nơi,/ Đồng lòng tử tiết, bỏ đời phù vân.”

    Xứ đạo Quán Cau. Linh mục Dominique Iribarne- tên Việt là Thành- hẹn vào ngày 20/8/1885 sẽ lên ghe trốn văn thân, nhưng quân văn thân đã đến trước ngày ấy và đã chặt đầu linh mục Iribarne khi linh mục đang cưỡi ngựa chạy trốn. Quân văn thân đem đầu linh mục Iribarne đến nhà một linh mục Việt Nam tên là Bảo, do linh mục này già không chạy trốn và quân văn thân chém đầu linh mục Bảo. Sau đó quân văn thân kéo sang xứ đạo Chợ Mới chém đầu linh mục người Việt Nam tên là Hậu(xem: Lm Huỳnh Kim Lăng, Bản khởi thảo lịch sử các giáo xứ thuộc Giáo phận qui Nhơn[Bản đánh máy], tr.133)

   Xứ đạo Cây Da. Linh mục Francois Châtelet- tên Việt là Thuông- được bổ nhiệm coi sóc xứ đạo Trà Kê. Văn thân nổi lên, thấy Trà Kê không an toàn, linh mục Châtelet mới đưa giáo dân về họ đạo Cây Da, cách Trà Kê khoảng 8 cây số về hướng đông bắc, lập phòng tuyến bảo vệ giáo dân. Ngày 26/8/1885 văn thân phá phòng tuyến xông vào nhà thờ giết linh mục Châtelet và vài giáo dân, trong số ấy có thầy Anrê Cậy bị đâm thủng cổ ngã xuống, sau đó cứu sống và lãnh chức linh mục. Thấy quân văn thân tràn vào một người tên là Ngữ mới hô hào giáo dân tử chiến: “Họ Cây Da muôn phần nguy cấp,/ Tại đoàn hung, tới tấp kéo vô,/ Dã tâm đạp đổ nhà thờ,/ Lại còn đâm thọc, lục đồ từng nơi./ Danh Ngữ phát ghét thói đời,/ Lấy mác mà phóng một người trúng hông./ Nó liền vỡ chạy đùng đùng,/ Dân đạo ào dậy rùng rùng xông ra./ Kẻ thì cất tiếng kêu la,/ Người thì cầm giáo xốc qua đánh quay./ Nó đều kinh hãi chạy ngay,/ Đạo theo đánh đuổi tối rồi mới thôi./ Tối về táng xác Cố rồi,/ Thầy Cậy tưởng chết, dậy ngồi tỉnh khô./ Việc nầy ý Chúa đã cho,/ Dầu ta có ít chẳng lo chúng nhiều”. Hiện nay mộ linh mục Châtelet nằm trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ Trà Kê, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa- Phú Yên. (xem thêm: Trương Bá Cần, sđd, tr. 372)

    Khánh Hòa và Bình Thuận. Hai địa phương Khánh Hòa và Bình Thuận việc sát Tả có phần ít hung hăng hơn so với Phú Yên trở ra: “ Đăng mật tờ nhựt định sát thiêu./ Đạo dân bị giết cũng nhiều,/ Còn ai trốn đặng đã liều tấm thân./ Đức Cha lo lắng ân cần,/ Mướn tàu vào rước, hai lần đem ra./ Mười phần hết bảy còn ba,/ Đem vào Gia Định ước là chín trăm.” Đầu tháng 8/1885 Linh mục Louis Gonzague Villaume -tên Việt là Đề-, đã trốn sự tàn sát của văn thân. Linh mục Villaume từ Phan Rang đã vượt hơn 500 cây số đường rừng trong 21 ngày đêm để đến Sài Gòn. (xem thêm: Trương Bá Cần, sđd, tr.373-374)

    Những xứ đạo cự chiến lại với quân văn thân

      Giáo dân Công giáo từ Bình Thuận trở ra bắc vào năm 1885 nói chung, bị Phong trào Cần vương dồn vào “tử địa”, giáo dân Công giáo dẫu có lòng ái quốc với mong muốn “Phải mà trên xuống chiếu ban/ Truyền cho bổn đạo tùng đoàn cự Tây/ Cam lòng liều thác bỏ thây/ ơn vua trả đặng lòng này mới an/ Kẻo rằng: Trở mặt, sấp lưng/ Ở trong vương thổ , trông chừng Tây dương”, nhưng họ không còn Tổ quốc để mà thờ. Trong tình thế bị dồn vào tử địa, giáo dân Công giáo chỉ có hai con đường lựa chọn: một là bó tay chịu chết , mặc cho lương dân đập đầu, trấn nước, sát thiêu; hai là thu hết nhuệ khí, vùng lên cự lại, may ra còn sống sót. Vài xứ đạo trong cơn quẫn bách đã tổ chức cự chiến lại với quân văn thân đông gấp trăm lần.

     Xứ đạo Trung Sơn (sau đổi thành Trung Tín) đã tổ chức chống lại quân văn thân: “Đạo Quảng Ngãi, Trung Sơn ngũ hội/ Gặp cơn nghèo thối hối,/ Đánh thân hào dẹp đảng gian tà”. Họ chiến đấu tới 13 trận đã giết gần 600 quân văn thân trong đó có Quản Các và Huyện Thanh: “Trung Sơn đạo một nơi xứ hiểm,/ Hiệp Long Giang chẳng chịu thua đời./ Ngửa trông sức mạnh trên trời,/ Ra tay cự chiến trừ loài hung hoang./ Đạo dân, số chẳng đầy ngàn,/ Đánh tan bốn phía muôn vàn quân dân./ Nó vây bắn súng rần rần,/ Đạo xông lướt tới bỏ lần chạy xa./ Nghe Giê su Ma ri a!/ Khác nào sét đánh chói lòa bên tai./ Sững sờ khiếp vía kinh oai,/ Thân hào trăm đảng chạy dài thất kinh./ Bao nhiêu thằng đứng lại kình,/ Cũng đà chặt óc bỏ mình chó tha./Hai thằng mặc áo anh ba./ Đạo đà đâm đặng dầm ra đất bùn./ Bao nhiêu đứa chạy bon bon,/ Thằng nào cượng xấc đâm luôn chặt đầu./ Sợ chi anh vị thân hào,/ Dầu quân tỉnh, thứ, giết ào cũng tan!/ Tính mười ba trận rõ ràng,/ Chém đầu Quản Các, giết càn Huyện Thanh(2)/ Nhơn vì Cứu Thế thánh danh,/ Thiên oai khiếp vía, lôi oanh vỡ đâu./ Bao nhiêu súng giáo gươm hầu,/ Nó đều quăng chạy đạo thâu đem về./ Kể đặng mười hai súng xe,/ Đồ đạc khí giới ê hề thiếu chi./ Thây phơi gò nổng li bì,/ Kên kên, quà quạ ăn đi xây vần./ Huyện này những đảng văn thân,/ Trước sau tử trận kể gần sáu trăm.”

   Do biết không thể chiến đấu lâu dài với quân văn thân, nên có vài giáo dân giả làm người bán than ra Phú Thượng (Hòa Vang- Quảng Nam) liên hệ với Lịnh mục Maillard- tên Việt là Thiên- vào cứu viện: “Cố Thiên nghe tin đành rành,/ Cho tàu vào cứu xuất hành Quảng Nam”. Số giáo dân Trung Sơn ra tạm cư tại Phú Thượng và khi bình yên họ trở về quê cũ sinh sống.

    Xứ đạo Cây Da: “Đạo Phú Yên một sở Cây Da/ Đến lúc túng mới ra,/ Phá tan tác muôn quân ngoại đạo”. Khi một người tên Ngữ “Lấy mác mà phóng một người trúng hông”, thì giáo dân vùng lên cự chiến với quân văn thân. Các xứ đạo kế cận Cây Da kéo nhập đoàn với giáo dân Cây Da: “Các nơi đạo trốn tứ bàng,/ Lần hồi chạy đến nhập đoàn Cây Da./ Gái trai lớn nhỏ vừa ra,/ Thấy đâu có giặc chạy qua xông vào./ Kể chi ngàn lũ thân hào,/ Miệng kêu tên Chúa, xốc vào tới nơi./ Ngàn muôn nó cũng rã rời,/ Đứa chạy lên núi, đứa chùi xuống sông./ Hết khoe tài cả, anh hùng,/ Mấy thằng cường ngạnh chết cùng gò hoang./ Súng, gươm, giáo, mác đầy đàng./ Nó quăng mà chạy bang ngàn dặm xa./ Nghe Giê su Ma ri a./ Khác nào sét đánh chói lòa trước sau./ Sững sờ chạy chẳng đặng mau,/ Thảy đều bị giết, sứt đầu, tan thây./ Dầu cho mấy trận đông dầy,/ Muôn trùng kẻ dữ, một bầy hoảng kinh!/ Dầu cho mấy trận chống kình,/ Kẻ ngoại đều thấy có binh trên trời./ Nó đà nhóm hội các nơi,/ Thân hào Bình Nghĩa xa vời cũng vô./ Đánh nhau một trận thật to,/ Nó đều bị phá, chỉ lo bôn đào!/ Trước sau chín trận hùng hào,/ Chém đầu Huyện Thiện, đâm ào Bang Lân(3)/ Xã Hào phụ tử tam nhân,/ Cũng theo đảng giặc văn thân rơi đầu./ Tính từ khởi việc qua mâu,/ Bình dân(4) tử trận đã hầu sáu trăm./ Bụi bờ chẳng thiếu thây nằm,/ Kên kên, quà quạ viếng thăm đêm ngày./ Xưa nay lũ Mọi bắn hay,/ Lúc này cũng bị chết ngay bộn bề./ Súng, dao, tên, ná ê hề,/ Đạo lấy đem về bảy khẩu súng to./ Còn bao nhiêu các thứ đồ,/ Đạo đều thâu lấy, phát cho mọi người./ Mấy thằng xấc xược dể ngươi,/ Rày đà chém óc nhạo cười nữa sao?”

    Giám mục Camelbeke nghe tin giáo dân bị vây ở Cây Da nên đưa Linh mục Auger  -tên Việt là Đoài -và một linh mục người Việt tên Huề vào đón giáo dân ra Qui Nhơn lánh nạn: “ Đồn ra Bình Định lao xao,/ Đức cha nghe đặng dạy vào đem ra./ Đề binh đã có hai cha,/ Ba trăm lính mộ cùng là các sư./ Khi vào đã có tàu đưa,/ Cất lên đi đến mà chưa đặng vào.”

   Khi nhóm dân quân của Linh mục Auger và giáo dân Cây Da gặp nhau, giáo dân đã chỉ cho Linh mục Auger xác quân văn thân mới bị giết hồi ban sáng: “Vây quanh mừng tạ cố Đoài,/ Đoạn đem chỉ trận buổi mai mới rồi./ Ba mươi sáu xác còn phơi,/Nằm ngay dưới núi, lằng ruồi gớm ghê./ Coi rồi mới kéo trở về,/ Ở hai ba bửa tính bề đi ra.” Đoàn người đi theo hướng Hà Nhao (Đa Lộc) và đi ba bửa mới tới nơi:  “Vì đàng hiểm hóc lại xa,/ Đi lần ba bửa mới ra tới ngoài./ Ra đây gần đặng ngàn người,/ Gái trai mác, ná chẳng rời trong tay.” Thảm thương cho những giáo hữu đang còn trốn tránh: “Cực người còn trốn mọi nơi,/ Núi non tuông rúc, đổi dời chiều mai./ Mình gầy, áo rách xễ xài,/ Cùng đàng túng thế biết ai cậy nhờ?/ Người thì ẩn lánh bơ vơ,/ Người theo kẻ ngoại dật dờ sớm trưa./ Đổi thay thói nết ngày xưa,/ Tạm thời thôi đạo, ăn thừa của ma./ Kẻ thì giả dạng phui pha,/ Lộn theo kẻ ngoại tưởng là an thân./ Miễn là đặng sống phù vân,/ Mai sau rồi sẽ lần lần liệu toan./ Kể chi xiết nỗi gian nan,/ Khá khen mấy kẻ vẹn toàn thủy chung.”

   Ở Quảng Nam, quân Nghĩa hội tấn công hai xứ đạo Trà Kiệu và Phú Thượng:  “Phân binh hai đạo tiên phong,/ Một ra Phú Thượng vây vòng chung quanh./ Một lên Trà Kiệu gần thành”

Xứ đạo Trà Kiệu – Duy Xuyên: Linh mục Jean Baptiste Bruyère- tên Việt là Nhơn- đã lãnh đạo giáo dân chống lại Nghĩa hội “Cố Nhơn làm chánh tướng anh hùng/ Hai mươi trận phá tan/ Quân phỉ đảng thảy hồn kinh phách lạc”.Quân Nghĩa hội chia quân: “Một lên Trà Kiệu gần thành,/ Trống chiêng, vang núi quân binh chật đàng./ Bủa quân vây khắp tứ bàng,/ Cất lên trại mạc, tính toan chẳng về./ bên ta trông thấy cũng ghê,/ Chỉ trông cậy Chúa chở che hộ phù./ Cậy vì danh Chúa Giê su,/ Đánh tan giặc dữ oán thù đạo dân./ Đùng đùng nó bắn súng rân,/ Đạo xông ra đánh bất phân thằng nào./ Sá chi mấy đảng thân hào,/ Thấy đâu là giặc xốc vào đâm ngang./ Nó đều vỡ mật tan gan,/ Mấy thằng võng lọng ném càn chạy xa./ Nghe Giê su, Ma ri a,/ Dường như sét đánh chói lòa kinh tâm./ Đua nhau đổ chạy rầm rầm,/ Đứa băng lên núi, đứa đâm vào rừng./ Mấy thằng dức lác lẫy lừng,/ Rày đà chặt óc, còn chưn với mình./ Hết khoe nhiều tướng đông binh,/ Hết khoe súng lớn bắn inh đất trời./ Nó dầu canh nhặt, chuyền hơi,/ Đạo xông ra đánh rã rời như tương./ Bao nhiêu súng, giáo, đao, thương,/ Thảy đều ném chạy, bỏ đường thiếu chi./ Mỗi ngày đánh lại đánh đi,/ Hai mươi lăm trận li bì thây ma./ Đạo thâu súng lớn về nhà,/ Ba mươi chín khẩu để mà…chơi đây!/ Hết khoe sát Tả bình Tây,/ Chém đầu chánh lãnh, phân thây tướng trời./ Thân hào tản chạy đôi nơi,/ Đồng hồ, trái phá, bỏ rơi ngoài đàng./ Quăng luôn gươm bạc, gươm vàng,/ Mấy thằng đảng dữ, một đoàn hoảng kinh./ Từ rày bỏ hết trại dinh,/ Chẳng còn thấp thoáng đem binh đến gần./ Kể từ đánh giặc văn thân,/ Nó bị tử trận ước gần tám trăm./ Gò hoang chẳng thiếu thây nằm,/ Kên kên, quà quạ viếng thăm tối ngày./ Hết khoe trí cả tài hay,/ Mấy thằng láu xáu lúc này đi mô.”( xem thêm: Trương Bá Cần, sđd,tr.375)

   Thực dân Pháp vẫn án binh bất động: “ Binh Tây ngơ ngẩn co ro,/ Cứ nằm ngoài Huế, chẳng vô thanh trừng”.

    Tú Quỳ (Huỳnh Quỳ) từng hưởng ứng phong trào Nghĩa Hội chống Pháp và vận động dân chúng tham gia phong trào này, nhưng về sau ông không tán thành đường lối hoạt động của Nghĩa Hội, đặc biệt là chống lại việc tàn sát giáo dân. Trong bài  “Vè đánh đạo” ông đã thuật lại việc Nghĩa Hội đem quân đánh xứ đạo Trà Kiệu:  “Súng nổ Hòn Trược(5)/ Ta thay chiến lược/ Cố chạy cho mau/ Tướng nhỏ chạy sau/ Tướng to chạy trước/ Tưởng là đánh được/ Bắt chúa Du- Di(6)/ Nhà phước đá đi/ Nhà chung quét sạch/ Nào hay lạch bạch/ Non một tháng trời/ Đạo ví như cời/ Thất kinh trốn mất”( Thy Hảo Trương Duy Hy, Thơ văn Tú Quỳ, Nxb Văn hóa Thông tin 106-107)

   Xứ đạo Phú Thượng -Hòa Vang đã chiến đấu với quân Nghĩa hội tất cả 18 trận dưới sự lãnh đạo của Linh mục Jean Donat Maillard: “Cố Thiên cũng anh tài hào kiệt/ Mấy ngàn quân áp tới/ Lũ ngụy tặc đều thịt nát xương tan”. Án Nại Nguyễn Hanh đã chỉ huy quân Nghĩa hội bao vây Phú Thượng : “Ngoài Phú Thượng tứ vi đảng giặc,/ Nó ghe phen bại bắc, chưa thôi,/ Lửa thù sục sục dầu sôi,/ Quyết trừ hết đạo mới nguôi tấm lòng./ Phủ vây tứ diện nhiều vòng,/ Đạo xông ra đánh, băng đồng chạy xa./ Nghe Giê su, Ma ri a,/ Dường như sấm sét chói lòa trước sau./ Sững sờ chạy chẳng đặng mau,/ Bị đâm đổ ruột rơi đầu gò hoang./ Bao nhiêu lũ giặc vỡ tan,/ Đứa băng lên núi, đứa tràn xuống sông./ Đứa thì chạy trốn giữa đồng,/ Đứa thì tuôn rúc vào trong xóm làng./ Đứa thì hào hố nhảy ngang,/ Đứa thì sảng lạc đạp càn chông gai./ Đứa thì nhảy phóng như nai,/ Đứa kêu Đức Chúa, lạy ngài tha tôi!/ Súng cờ võng lọng vô hồi,/ Nó đều quăng chạy, đạo lôi đem về./ Giáo, gươm,trống, mác ê hề,/ Nạp cho dân đạo bộn bề thiếu chi./ Các làng gần đạo bỏ đi,/ Trước đà sanh sự, nay thì sự sanh./ Bấy lâu đạo vốn hiền lành,/ Tại đâu nên nỗi tung hoành thế ni?/ Hễ là xuất bội, lai vi,/ Hại nhơn, nhơn hại, lạ gì xưa nay./ Mấy thằng ỷ võ, khoe hay,/ Rày đà đâm bỏ nằm ngay góc rào./ Kể mười tám trận hào hùng,/ Chém đầu Án Nại, đâm nhào Huyện Cung(7)”.( xem thêm Trương Bá Cần, sđd, tr. 375)

    Bài “Vè đánh đạo” của Tú Quỳ kể việc Nghĩa Hội đánh xứ đạo Phú Thượng và khen giáo dân: “ Còn nơi Phú Thượng/ Để coi thế nào?/ Tưởng là tài cao/ Hay đâu trí thấp/ Mắc mưu đạo sập/ Tướng chạy lạc quân/ Bình Yên bỏ quần/ Đa Hòa bỏ võng/ Khen cho các ổng/ Lòng hỡi bền lòng”.(Thy Hảo Trương Duy Hy, sđd, tr. 108)

    Hai tác giả Lê Duy Anh và Lê Hoàng Vinh cho rằng Án Nại Nguyễn Hanh bị giết trên đường đi thương thuyết với giáo dân Phú Thượng: “Khâm sai Phan Liêm tiếp xúc nhờ uy tín ông làm trung gian thương thuyết với Nghĩa quân, để một số giáo dân tay sai của Pháp rút khỏi Phú Thượng. Trên đường tới Phú Thượng, giữa đường ông bị giết nên cuộc thương thuyết bất thành” (Lược sử Đà Nẵng 700 năm, Nxb Đà Nẵng, 2006, trang 152).

   Tác giả Nguyễn Sinh Duy thì cho rằng Án Nại chết khi dẫn quân tấn công vào Phú Thượng: “Maillard đích thân chỉ huy quân xung kích của y với khí thế quyết tâm phục thù cho 6 cảm tử quân chiều hôm qua. Hai bên chạm trán nhau tại đèo Lộc Hòa. Maillard tiến lên và một kẻ dẫn đường của y đã nhanh nhẹn phóng một ngọn giáo vào người Án Nại đang ngồi trên mình ngựa đi trước. Án Nại ngã nhào chết liền tại chỗ và bị lấy mất thủ cấp” (Nghĩa hội Quảng Nam, Nxb Đà Nẵng, 1998, trang 184).

   Theo như Lịch sử giáo xứ An Ngãi(nay thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) thì trước đó Án Nại còn gọi là Thống Hai dẫn quân Nghĩa hội thiêu rụi nhà thờ An Ngãi, giáo dân An Ngãi phải bồng bế nhau vào Phú Thượng lánh nạn. Án Nại bị giết ngày 19/10/1885.

    Thực dân Pháp án binh bất động chẳng đoái hoài gì đến sự kêu cứu của giáo dân hai xứ đạo Trà Kiệu và Phú Thượng, cho nên giáo dân chỉ đặt niềm tin tưởng vào Đấng thiêng liêng mà thôi: “Chẳng thèm trông cậy Tây Dương,/ Một lòng cậy Chúa vững dường Thái Sơn./ Nào ai tài trí chi hơn,/ Nào ai phá đặng đạo nhơn xứ này./ Giang sơn cũng hãy còn đây,/ Bầy chiên còn đó sum vầy bình an.”

    Giáo dân lánh nạn xuống Làng Sông, rồi sang Qui Nhơn

    Khi nghe tin quân văn thân sắp nổi lên thì Giám mục Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) là Van Camelbeke liền gửi thư cho các linh mục vùng Bình Định đưa giáo dân vào lánh nạn ở Làng Sông. Nhiều xứ đạo tổ chức lánh nạn nhưng lại bị quân văn thân chận lại và bị tàn sát như xứ đạo Gia Hựu. Một số giáo dân chạy đến được xứ đạo Truông Dốc( nay thuộc thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ- Bình Đinh) do linh mục Hamon- tên Việt là Lựu- coi sóc và linh mục đã tổ chức đi lánh nạn gần 1000 giáo dân: “Giáo nhơn đâu đó hao mòn,/ Mấy người trốn khỏi chỉ còn tay không./ Chạy vào Truông Dốc cũng đông,/ Cố Lựu mới tính hội đồng đi vô./ Ban ngày kéo giữa lộ đồ,/ Nam phụ kể hết nhỏ to gần ngàn./ Vừa ra khỏi ít dặm đàng,/ Bao nhiêu xóm đạo cháy oan lửa phừng./ Đi vào vừa đến Quảng Vân,/ Phù Cát, Tuy Viễn nổi lần sát thiêu./ Đạo đến Nhà trường đã chiều,/ Bỗng nghe đâu đó thảy đều dậy rân./ Đức cha lo lắng ân cần,/ Bỏ Trường đem đạo Qui Nhơn đỗ nhờ.”

     Xuống đến Qui Nhơn cuộc sống rất cơ cực: “Xuống đây số đạo đã đông,/ Đã không nhà cửa, lại không tiền tài./ Đức cha thấy việc còn dai,/ Thuê tàu chở đạo, Đồng Nai đem vào./ Chở ba, bốn chuyến lao xao,/ Hơn ba ngàn rưỡi bạc trao hẳn hòi!/ Đạo còn ở lại loi ngoi,/ Giữa cát che trại, che chòi khổ thay./ Nhờ của bố thí hằng ngày,/ Thảm sầu thân thế đổi thay ngậm ngùi!”

    Nỗi cơ cực của giáo dân Cây Da- Phú Yên ra lánh nạn ở Qui Nhơn: “Ở đây vừa đặng ít ngày,/ Dịch khí nổi dậy, chết ngay cũng nhiều./ Gian nan còn hỡi lắm điều,/ Lạ lùng xứ sở, cheo leo nỗi mình./ Lương, tiền lãnh cũng phân minh,/ Đông dầy bổn đạo khó bình thiệt hơn./ Của Chúa dầu ít cũng ơn,/ Cam lòng đói rách, qua cơn hiểm nghèo.”

    Sau khi phong trào văn thân lắng dịu: “Bao nhiêu đạo chở Đồng Nai,/ Rày đà hồi phục trùng lai quê mình.”(xem thêm Trương Bá Cần, sđd, tr. 376-377).

  Giáo dân bị Văn thân giết gọi là “được phúc tử vì đạo”

   Đối với tín đồ Công Giáo, họ quan niệm rằng những người bị văn thân giết trong Phong trào “sát Tả” là những người “được phúc tử vì đạo”. Những giáo dân chấp nhận “tử vì đạo”, họ sẳn sàng chấp nhận cái chết mà không chống cự. Tại xứ đạo Bàu Gốc: “ Giáo dân đã quyết một bề/ Phú mình chịu chết chẳng hề đôi co/ Dưng làm của lễ thơm tho/ Ba trăm hội hữu đều vô nhà thờ/ Một lòng thống hối đợi chờ/ Hỏa công một trận ra tro chẳng còn” hoặc như ở Phước Lộc, Cù Và (Quảng Ngãi): “ Hai nhà phước viện cũng đông/ Đua nhau tuẫn đạo lập công muôn đời/ Các thầy, các chú nơi nơi/ Cam tâm tử nghĩa coi đời như không/ Còn nhiều các hội đông tây/ Bỏ thây cõi đất vì trông phước trời” hoặc ở Gia Hựu: “Chẳng ai cự địch tranh hành/ Một lòng thống hối dọn mình về quê/ Năm ông linh mục nhứt tề/ Xá sanh thủ nghĩa ghét chê sự đời/ Ba nhà phước viện ba nơi/ Cũng đều tử tiết muôn đời thơm danh/ Còn các đạo sư, đạo sanh/ Cũng cam chịu chết dưng mình đền ơn”.

    Giáo dân bị văn thân giết đủ cách nhưng họ vẫn vui vẻ mà không oán hận kẻ giết mình: “ Vì đạo Chúa chịu lấp chôn hào hố/ Cắn răng trong nấm đất hết đôi co/ Dưng lòng ta làm của lễ thơm tho/ Ép thịt giữa miếng tre còn êm mát/ Phủi cơ nghiệp dường như rơm rác/ Phú hình dung trong đám lửa than/ Đã xong cho mũi mác ngoài đàng/ Lại rồi với lưỡi gươm trong cửa/ Thả trôi nổi lúc bụi lau, bụi dứa/ Mà phơi chín chiều ruột chưa se/ Đành phui pha nơi bụi trảy, bụi tre/ Mà vắt một lá gan chưa ráo/ Đã đốt trong nhà không cửa tháo/ Còn quăng xuống giếng chẳng đàng lên”.

   Hậu duệ những giáo dân bị văn thân giết hại cũng không hề oán hận kẻ đã giết ông bà cha mẹ anh em mình, mà luôn tự hào gia đình mình, dòng họ mình có người “được phúc tử vì đạo”,bởi vì họ luôn tin tưởng: “Phúc cho những ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật…”

   Những thiệt hại trong địa phận Đông Đàng Trong.

   Sau khi Phong trào sát Tả lặng yên. Địa phận Đông Đàng Trong bị thiệt hại: “Đương khi ấy giáo nhơn/ Cam liều chết đặng về cùng Thiên Chúa/ Tấm lòng vàng đá/ Tân, Châu, Hoàng, Minh, Sĩ, Chung, Thành(8)/ Quyết xá sanh cho được tới thiên đình/ Tấc dạ sắt đinh/ Thông, Mão, Hậu, Bảo, Trang, Nhứt, Lý(9)/ Các tỉnh giáo sư cùng giáo sĩ/ Cũng cam lòng vì đạo liều mình/ Mọi nơi phước viện chốn tu trinh/ Đã nhiều kẻ quyên sinh trí mạng/ Bằng thuật đủ tóc tơ quá ngán/ Hãy nói qua sơ lược ít tờ/ Hai trăm mười bốn sở nhà thờ/ Tính lại mười phần đã ráo/ Bốn mươi bốn ngàn người bổn đạo/ Sót lại còn muôn rưỡi là may” (xem thêm: Trương Bá Cần, sđd, tr. 376)

   Phê phán về phong trào sát Tả.

  Đại đa số các lãnh tụ trong phong trào Cần vương đều chết một cách trung liệt, thật là đáng khâm phục, nhưng còn một việc lạ kỳ đáng ân hận. Cho đến chết, nhiều lãnh tụ vẫn không nhận ra được nguyên nhân chính yếu việc thất bại của mình là do thiếu quân lương, khí giới mà cứ khăng khăng tin rằng, mình thua là do giáo dân làm nội ứng, đưa đường chỉ lối cho giặc Pháp. Nếu không có giáo dân làm nội ứng thì mình đã đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi và thu hồi lại độc lập cho non sông. Lãnh tụ phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam là Nguyễn Duy Hiệu trước khi chết đã để lại bài thơ tuyệt mệnh cũng khăng khăng tin tưởng như vậy: “ Nhược sử gian phòng vô áo viện/ Hà nan trung đính thát cường di” (Giáo như không trở, tay giàn kín,/ Giặc khó gì hơn, gậy đuổi bừa – Huỳnh Thúc Kháng dịch). Giáo sư Lam Giang đã dịch rõ ràng hơn: “Nếu trong không có phường gian/ Gậy tre ta đủ đánh tan quân thù”.

   Chủ trương của các lãnh tụ là “tiên sát Tả”, duy có một mình lãnh tụ Lê Ninh ở Hà Tĩnh nêu lên chủ trương sáng suốt: “Lương dân với tả đạo/ Đường buôn bán thông hành/ Vô hà sự tương tranh” “Bên giáo với lương dân/ Giai quốc gia xích tử/ Giai triều đình xích tử”. Chủ trương của lãnh tụ Lê Ninh sáng suốt như vậy nhưng vẫn bị chìm đắm trong biển hận thù mù quáng. Nào có ai hưởng ứng chủ trương “bình Tây” mà không “sát Tả” của Lê Ninh, rốt cuộc chính những vị này cũng không ngăn nổi những vụ lương giáo xung đột trong phạm vi quân thứ của mình cai quản.

  Dân Nghệ Tĩnh đã tụng ca công đức “ sát Tả, bình Tây” của cụ Phan Đình Phùng: “Mười tám quân thứ rõ ràng/ Suốt từ Thanh Hóa đi sang Quảng Bình/ Trong tay mấy vạn tinh binh/ Đã trừ quân Đạo, lại bình quân Tây/ Trăm họ hớn hở đêm ngày/ Tụng công đức ấy ví tày mẹ cha”( 10).

   Riêng Tú Quỳ là người đã từng hưởng ứng Phong trào Nghĩa Hội ở Quảng Nam dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Duy Hiệu. Sau cụ đã rời bỏ Phong trào, bởi ông không tán thành các phương sách manh động không hiệu quả và đặc biệt chống kịch liệt việc tàn sát những người theo đạo Da tô qua bài “Vè đánh đạo”: “Trong bài “Vè đánh đạo”, Tú Quỳ đã lên án mạnh mẽ việc Nghĩa Hội giết chóc, truy sát những người theo đạo Thiên Chúa giáo. Đây có lẽ là tác phẩm đầu tiên, nếu không muốn nói là tác phẩm duy nhất tỏ thái độ thẳng thắn của một sĩ phu yêu nước trước một hành vi tàn bạo của một phong trào mệnh danh là phong trào yêu nước. Bài vè đã lưu truyền rộng rãi trong dân gian, nhưng các lãnh tụ Nghĩa Hội thì tức tối muốn giết ông. Những người lãnh đạo Nghĩa Hội đồng nhất những người theo đạo với giặc Pháp, còn Tú Quỳ thì không. Đối với ông, họ là dân lành”(11)

  Những người Công giáo còn sống sót sau khi phong trào sát Tả lắng dịu đã than thở và ngầm trách: “ Bởi nước loạn không ai cầm chánh lịnh/ Mạng sinh linh như cái lá cỏ cây”.  Người Công giáo đâu có chống đối việc đánh Tây xâm lược: “ Đánh Tây cứ đánh cho hay/ Đạo nào ngăn trở mà bày giết oan” và “Giỏi bày sát Tả, bình Tây/ Tây sao chẳng giết, giết bầy dân ta/ Cũng là gà ở một nhà/ Bấy lâu bôi mặt rày ra thể nào?/ Làm cho thiên hạ hư hao/ Khốn cùng cũng tại thân hào bày ra/ Đạo dân đã hết cửa nhà/ Bình dân(12) nay cũng cháy ra tro tàn”.

   Các nhà sử học phê phán chủ trương phong trào “sát Tả bình Tây” là chia rẽ lương giáo, làm mất đi sự đoàn kết cũng như sức mạnh của dân tộc, mà nhờ đó quân Pháp mới có cơ hội thôn tính nước ta.

   Ông Trần Văn Giàu- nhà sử học Mác xít- nhận định: “ Nhưng cũng không thể chối cãi rằng các nhà Văn thân yêu nước đã làm những điều rất sai chính trị khi họ xem việc “sát Tả” là điều kiện thứ nhất của việc “bình Tây”. Không biết phân biệt giáo dân bình thường và những giáo sĩ làm tay sai cho giặc Pháp. Họ vơ đũa cả nắm, và vô tình họ đẩy tất cả đạo đồ Thiên Chúa qua một bên, bên giặc Pháp. Họ đặt nhiệm vụ “gìn giữ văn minh Nho giáo” cho cuộc vận động, như thế là bó hẹp quá, là hạn chế quá cái ý nghĩa của cuộc vận động, ý nghĩa đó là cứu nước Việt nam, chớ nào chỉ bảo vệ riêng một đạo nào, bất kỳ Nho giáo, hay Phật giáo, hay Lão giáo. “ Bình Tây” chỉ chắc mội người dân đồng ý, còn “sát Tả” thì vị tất người dân thường đã nhất trí bằng lòng. Các nhà Văn thân khởi nghĩa vô hình trung tự cô lập mình, càng dễ bị triều đình đánh dẹp”(13).

   Nhà sử học người Pháp là Charles Fourniau nhận định: “ Cuộc nổi dậy của phong trào quốc gia ở Trung Kỳ có mục tiêu đầu tiên là tiêu diệt người Công giáo đã có hai thất bại: không đạt được mục đích và có vẻ như họ đã nhầm lẫn mục tiêu; hơn nữa, vết nứt rạn trong tinh thần đoàn kết quốc gia mạnh mẽ hơn bao giờ hết đã làm suy yếu khả năng động viên lực lượng để chống lại sự chiếm đóng của ngoại bang”(14).

   Bài văn tế “Tiền nhân anh dũng tử đạo Việt Nam” viết ngày 16/11/2014 của tác giả Phạm Xuân Thu có câu: “ Dốc sức bình Tây, mà khốn nỗi không nhận ra cán cân tương quan lực lượng!/ Ra tay sát Tả, lại nỡ lòng quên đi mất tình huống huyết thống giống nòi”

 Nguyễn Văn Nghệ

 Giáo xứ Cây Vông- Diên Khánh- Khánh Hòa

 

      Chú thích:

    ***   19 chú thích dưới đây của tác phẩm “Cận đại Việt sử diễn ca quyển nhứt”, Nxb Tổng hợp Tp.HCM , trang 332-334.

   1-Cuộc giết hại giáo dân khởi phát ở tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 13-7-1885, quân cần vương đánh lấy thành.

   2-Linh mục Poirier bị bắn chết ngày 16-7

   3-Ngày 18-7, Linh mục Garin và các tín đồ bị đốt chết ở Phường Chuối, Quảng Ngãi

   4-Cùng ngày trên, Linh mục Guegan bị giết ở Phú Hòa

   5-Ngày 2-8, Linh mục Macé bị giết ở Nước Nhỉ, Bình Định.

   6-Ngày 4-8, Giáo sĩ Barrat bị giết ở Thác Đá, Bình Định.

   7-Ngày 4-8, Giáo sĩ Dupont bị giết ở Hội Đức, Bình Định.

   8-Ngày 19-8, Linh mục Iribarne bị chém đầu ở Quán Cầu, Phú Yên.

   9-Ngày 26-8, Linh mục Chatelet và nhiều giáo dân bị ám sát ở Cây Gia, Phú Yên

   10-Bình Định, Bình Thuận

   11-Quảng Ngãi, Quảng Trị

   12-Một họ đạo lớn trong tỉnh Bình Thuận, do giám mục cai quản( Đây là chú thích sai. Gọi là Làng Sông thuộc huyện Tuy Phước- Bình Định[ nay thuộc thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước- Bình Định]- T/g Nguyễn Văn Nghệ)

   13-Quy Nhơn

   14-Giám mục Van Camelbeke

   (*)- Cuộc xy: Tướng Philippe Marie Henri Roussel de Courcy (30/5/1827-8/11/1887)

   15-Cuộc giết hại giáo dân khởi từ tháng 7-1885 tới tháng 5-1887, Pháp mới dẹp xong

   16-Từ 16-7 tới 4-10, tính ra có 8 linh mục Pháp và 2 vạn 44 ngàn giáo dân Nam bị giết, 225 nhà thờ và tất cả nhà của dân đạo ở trong 6 tỉnh thuộc họ Quy Nhơn đều bị đốt cháy

   17-Thứ dân nghị viện

   18-Công cán: việc công có một tính cách đặt biệt

   19-Lục quân Thiếu tướng Bégin

  ** *Những chú thích sau đây là của tác giả bài viết:

   1,4,12-Bình dân: là tên gọi những người không theo đạo Công giáo. Tháng 10 năm Giáp Tuất (1874): “ Chuẩn cho dân đi đạo đổi gọi là giáo dân, dân đi lương đổi gọi là bình dân.(Từ trước đến nay dân theo đạo, hoặc gọi là dữu dân, hoặc gọi là tả đạo, từ khi bỏ cấm, bỏ các chữ dữu, chữ tả, chỉ gọi đơn giản bằng chữ đạo. Gần đây cứ lời Khâm sứ đóng ở Kinh nói rằng: lương, đạo đều gọi, chưa khỏi sỉ nhục giáo ấy. Đã chuẩn cho quan ở nha Thương bạc đem nghĩa 2 chữ ấy trả lời, nói: Lương là an thường thủ phận, không làm gian ác; Đạo là khuyên người làm lành, không làm bất chính. Hai chữ đối nhau, văn nghĩa giống nhau, lại tốt xấu gì, đạo gọi là đạo mà lương không gọi là lương thì gọi là gì? Rồi sứ ấy đã biết chữ lương không để bỏ được, lại yêu cầu phàm những người theo giáo ấy gọi là nghĩa dân, đức dân, quan ở nha Thương bạc cho là sứ ấy đã nói nhiều như thế, xin gọi là giáo dân. Vua y cho, nhân chuẩn cho dân lương cũng đổi gọi là bình dân” (Đại Nam thực lục tập 8, Nxb Giáo dục, tr. 75)

   2-Quản Các và  huyện Thanh: hai nhân vật này, truy chưa ra lai lịch.

   3-Huyện Thiện, bang Lân: Theo Luận án Tiến sĩ lịch sử của Đào Nhật Kim: Phong trào Cần vương Phú Yên (1885-1892), trong Chương 2 : “Khởi nghĩa Lê Thành Phương- Đỉnh cao của Phong trào Cần vương ở Phú Yên 1885-1887” cho biết Lê Thiện quê Nam Đàn- Nghệ An, được triều đình Huế cử vào làm Tri huyện, huyện Đồng Xuân- Phú Yên vào cuối năm 1884. Khi Phong trào Cần vương bùng nổ, ông đã tham gia vào nghĩa quân và chỉ huy cuộc tấn công vào giáo xứ Trà Kê, Cây Da trong tháng 7-8 năm 1885. Trong các trận đánh này, Lê Thiện và một số nghĩa quân bị giáo dân giết hại.

   Riêng bang Lân và xã Hào truy chưa ra lai lịch.

   5-Hòn Trược: phía đông nhà thờ Trà Kiệu. Gọi là đồi Bửu Châu. Hiện có đền thánh Đức Mẹ Trà Kiệu, kỷ niệm cuộc chiến thắng quân Văn thân năm 1885 ở trên đỉnh đồi.

   6-Chúa Du di: tức là Chúa Giê su. Có nơi gọi là Chúa Chi thu.

   7-Án Nại: tên là Nguyễn Hanh, đỗ thứ 1/22 kỳ thi Hương khoa Nhâm Tý (1852) tại trường thi Thừa Thiên, người xã Đông Tây, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Làm quan tới chức Án sát Nghệ An, bị cách, được phục chức Huấn đạo.(Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb Tp.HCM, tr.311.

     Huyện Cung tra chưa ra lai lịch.

   8-Tân, Châu, Hoàng, Minh, Sĩ, Chung, Thành: Tên Việt Nam của các Linh mục Pháp bị Văn thân giết. (Thiếu Linh mục Châtelet, tên Việt là Thuông)

   9-Thông, Mão, Hậu, Bảo, Trang, Nhứt, Lý: Tên các Linh mục Việt Nam bị Văn thân giết.

   10-Đinh Xuân Lâm& Chương Thâu, Phan Đình Phùng cuộc đời và sự nghiệp,Nxb Văn hóa Thông tin, trang 339 (Bài vè do PGS.Ninh Viết Giao, Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An sưu tầm và công bố)

   11-Bài viết “Làng tôi có ông Tú Quỳ” của Hoàng Hải Vân

 www.hoanghaivan.com/search/label/Làng%20tôi%20có%20ông%20Tú%20Quỳ

   13-Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam, Tập I:Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ của lịch sử, Nxb Tổng hợp Tp.HCM,1993, tr. 369

   14-Charles Fourniau, Annam-Tonkin 1885-1886: Lettrés et paysans vietnamiens face à la conquête colonial, p.89. Dẫn lại từ Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính, Công giáo Phú Yên trước và sau năm 1885

www.giaoxugiaohovietnam.com/QuyNhon/0-TinTuc/CongGiaoPhuYen.htm

Tác giả:  Nguyễn Văn Nghệ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!