VATICAN. Chiều thứ Bẩy 11-4-2015, Tông sắc của ĐTC ấn định Năm Thánh Ngoại
thường về lòng thương xót của Chúa đã được công bố tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Năm Thánh này sẽ bắt đầu từ ngày 8-12 năm nay và kết thúc vào ngày 20-11-2016,
lễ Chúa Kitô Vua.
Tông sắc dài mang tựa đề “Misericordiae vultus” (Khuôn mặt thương xót); qua đó,
ĐTC giải thích những lý do khiến ngài tuyên bố Năm Thánh đặc biệt về lòng thương
xót, đồng thời đề ra những đường hướng giúp sống Năm Thánh tốt đẹp nhất.
Trước khi bắt đầu kinh chiều, tại tiền đường Đền thờ gần cửa Năm Thánh, trước sự
hiện diện của gần 40 Hồng Y và 30 giám mục cùng các chức sắc khác, ĐTC đã đọc
lời nguyện rồi trao Tông Sắc cho ĐHY Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, và 3 Đền thờ
khác, 3 Hồng y Tổng trưởng Bộ Giám mục, Đông Phương và Truyền giáo, cũng như cho
đại diện các Giáo Hội rải rác trên thế giới và cho 7 Đức Ông Công chứng viên
Tông Tòa.
Một Đức Ông Công chứng đã đọc một vài đoạn trong Tông Sắc trước Cửa Năm Thánh ở
cuối đền thờ thánh Phêrô.
Tông sắc gồm 3 phần: trong phần đầu ĐTC đào sâu ý niệm Thương xót; phần hai ngài
trình bày một số gợi ý để cử hành Năm Thánh; sau cùng phần ba chứa đựng một số
lời kêu gọi.
Nội dung Tông Sắc “Miresicordiae vultus”
I- Phần thứ I: ý niệm Lòng Thương xót
Trong phần này, ĐTC nhấn mạnh rằng việc mở cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô
sẽ diễn ra vào ngày 8-12 năm nay vì hai lý do: thứ nhất vì ngày ấy trùng vào Lễ
Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, là Đấng được Thiên Chúa muốn là “người thánh thiện
và không tỳ ố trong tình thương” “để nhân loại không bị lẻ loi và lệ thuộc sự ác”.
Thứ hai, ngày 8 tháng 12 tới đây cũng là ngày kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng
chung Vatican 2 là Công đồng đã “phá đổ những bức tường thành khép kín Giáo Hội
trong thời gian quá lâu trong một thành trì đặc ân”, để đưa Giáo Hội “loan báo
Tin Mừng một cách mới mẻ”, sử dụng “liều thuốc thương xót, thay vì dùng những võ
khí ngặt nghèo”, như Đức Gioan 23 đã nói.
Trong mỗi giáo phận cũng có một Cửa Thánh
Tiếp đến, ĐTC Phanxicô loan báo rằng chúa nhật 13-12 năm nay, Chúa nhật thứ 3
Mùa Vọng, ngài sẽ mở Cửa Năm Thánh tại Nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, tức
là Vương cung thánh đường thánh Gioan Laterano. Sau đó các Cửa Năm Thánh tại các
Vương cung thánh đường giáo hoàng khác ở Roma cũng được mở ra.
Ngoài ra, ĐTC qui định rằng trong mỗi giáo phận và cả các Đền thánh cũng sẽ mở
Cửa Thương Xót như thế trong trọn Năm Thánh, để Năm Thánh này cũng có thể được
cử hành ở cấp địa phương, “như một dấu chỉ hiệp thông của toàn thể Giáo Hội”.
Lòng thương xót, xà nhà của Giáo Hội
ĐTC viết: lòng thương xót là “Con đường liên kết Thiên Chúa với con người, vì mở
rộng tâm hồn cho niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi, mặc dù có những giới hạn
do tội lỗi chúng ta”; lòng thương xót là “luật căn bản ở trong tâm hồn mỗi người”;
là “xà nhà nâng đỡ cuộc sống của Giáo Hội”; “là lý tưởng sống và là tiêu chuẩn
xác định xem niềm tin của chúng ta có đáng tín nhiệm hay không”. Có nhiều định
nghĩa ĐTC Phanxicô dành cho lòng thương xót, ngài nhấn mạnh rằng lòng thương xót
“không phải là một dấu chỉ sự yếu nhược, nhưng đúng hơn là phẩm tính toàn năng
của Thiên Chúa”. Lòng thương xót của Thiên Chúa là “vĩnh cửu” vì “đời đời con
người sẽ luôn ở dưới cái nhìn thương xót của Chúa Cha”. Trong Chúa Giêsu, “tất
cả đều nói về lòng thương xót và không gì bị thiếu sự cảm thương”, vì “con người
của Chúa Giêsu không là gì khác hơn là tình thương, một tình thương trao ban
nhưng không”.
Về điểm này, ĐTC nhấn mạnh một điều quan trọng: lòng thương xót “không phải chỉ
là hành động của Chúa Cha, nhưng còn trở thành tiêu chuẩn để hiểu ai là những
người con đích thực của Chúa”. Trong thực hành, “tất cả chúng ta đều được kêu
gọi sống lòng thương xót vì lòng thương xót đã được áp dụng cho chúng ta trước
tiên”: vì thế, “tha thứ những xúc phạm người ta làm cho chúng ta, chính là một
mệnh lệnh mà các tín hữu Kitô không thể tránh né hoặc bỏ qua”. ĐTC nhận xét rằng
bao nhiêu lần, tha thứ dường như là điều khó khăn, nhưng “tha thứ chính là
phương tiện đặt trong những bàn tay mong manh của con người để đạt tới sự thanh
thản trong tâm hồn”, “để sống hạnh phúc”.
ĐTC viết thêm rằng: cả “uy tín, sự đáng tín nhiệm của Giáo Hội cũng tiến qua con
đường từ bi thương xót và cảm thương”: “có lẽ trong thời gian quá dài, chúng ta
đã quên ấn định và sống con đường thương xót”, chiều theo cám dỗ “luôn đòi hỏi
công lý và chỉ có công lý”, trong lúc nơi nền văn hóa hiện nay, “kinh nghiệm về
sự tha thứ ngày càng trở nên khan hiếm”. Từ đó, ĐTC nhắn nhủ Giáo Hội hãy đảm
nhận trách vụ “vui mừng loan báo sự tha thứ”, “là sức mạnh làm tái sinh vào cuộc
sống mới và mang lại can đảm để hướng nhìn về tương lai trong niềm hy vọng”.
Khẩu hiệu của Năm Thánh là: hãy có lòng thương xót như Chúa Cha
Tiếp tục Tông Sắc, ĐTC nhắc nhở rằng chủ đề lòng thương xót là điều mà ngài đặc
biệt quí chuộng, đến độ đã chọn khẩu hiệu GM của ngài là “Miserando atque
eligendo” (Người cảm thương và chọn [Ông Matthêu], đây là một thành ngữ “vẫn
luôn gây ấn tượng mạnh cho tôi”. Rồi ĐTC trích dẫn thông điệp “Dives in
misericordia” (Thiên Chúa giàu lòng xót thương) của Đức Gioan Phaolô 2. ĐTC nhấn
mạnh “sự cấp thiết phải loan báo và làm chứng về lòng thương xót trong thế giới
ngày nay” với một “lòng hăng say mới mẻ và bằng một hoạt động mục vụ được đổi
mới”, vì đó là “điều có tính chất quyết định đối với Giáo Hội và đối với uy tín
việc loan báo của Giáo Hội”. “Nơi nào Giáo Hội hiện diện, thì nơi đó lòng thương
xót của Chúa Cha phải trở thành điều hiển nhiên tỏ tường”, “và nơi nào có các
tín hữu Kitô, thì bất kỳ ai cũng có thể tìm được một ốc đảo từ bi thương xót”.
Phần thứ I trong Tông Sắc của ĐTC kết thúc với lời nhấn mạnh về khẩu hiệu của
Năm Thánh, nghĩa là “Các con hãy có lòng thương xót như Chúa Cha”, câu này trích
từ Tin Mừng theo thánh Luca, đoạn 6 câu 36. Đây chính là “một chương trình sống
rất đòi hỏi, đầy hoan lạc và an bình”. ĐTC tái kêu gọi các tín hữu hãy có khả
năng “lắng nghe Lời Chúa, để có thể chiêm ngắm lòng thương xót của Chúa và đón
nhận lòng thương xót như chính lối sống của mình”.
II- Sang phần thứ II của Tông Sắc, ĐTC trình bày chủ đề:
“Làm thế nào để sống Năm Thánh một cách tốt đẹp nhất”.
Ngài đưa ra một số chỉ dẫn thực hành, ví dụ:
- Đi hành hương, vì hành hương sẽ là một “dấu chỉ nói lên sự kiện cả lòng thương
xót cũng là một mục tiêu cần đạt tới, nó đòi hỏi sự dấn thân và hy sinh”.
- Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng hãy tha thứ và cho đi, xa tránh tật
xấu nói hành nói xấu người khác, tránh những lời nói vì ghen tương, phân bì, và
hãy đón nhận điều tốt lành ở nơi mỗi người, trở thành khí cụ tha thứ.
- Cởi mở tâm hồn đối với những môi trường bên lề cuộc sống, mang lại an ủi, cảm
thương, liên đới và quan tâm đến những người đang sống trong những tình trạng
bấp bênh, đau khổ trên thế giới ngày nay”, “quan tâm đến bao nhiêu anh chị em bị
tước đoạt phẩm giá”, “Ước gì tiếng kêu của họ trở thành tiếng kêu của chúng ta
và cùng nhau chúng ta có thể phá vỡ hàng rào của sự dửng dưng lãnh đạm là thái
độ đang lan tràn, che đậy sự giả hình và ích kỷ”.
- Vui mừng thực thi những công việc bác ái về thể lý và tinh thần, để “thức tỉnh
lương tâm ngái ngủ của chúng ta trước thảm trạng nghèo đói”. Đàng khác, ĐTC nhấn
mạnh sứ mạng của Chúa Giêsu là: mang lại an ủi cho người nghèo, loan báo sự giải
thoát cho các tù nhân của các chế độ nô lệ tân thời, trả lại thị giác cho người
co cụm vào mình, trả lại phẩm giá cho người bị tước mất, có khả năng “chiến
thắng sự dốt nát mà hàng triệu người đang phải chịu trên thế giới, nhất là các
trẻ em không được trợ giúp cần thiết để thoát khỏi cảnh nghèo”. Như thánh Gioan
Thánh Giá đã nói, “vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về đức bác ái”.
- Trong các giáo phận, hãy gia tăng sáng kiến cầu nguyện và thống hối “24 giờ
cho Chúa”, sáng kiến này cần cử hành vào những ngày thứ Sáu và thứ Bẩy tuần thứ
tư Mùa Chay. Đặc biệt ĐTC nêu bật rằng bao nhiêu người trẻ đang đến gần bí tích
Hòa Giải là bí tích giúp “động chạm một cách cụ thể lòng thương xót cao cả của
Thiên Chúa”, nhờ đó nhiều người trẻ cảm thấy có thể “tái khám phá ý nghĩa cuộc
sống của mình”.
Các linh mục được phép tha những tội dành quyền giải cho Tòa Thánh
Có một đoạn trong đó ĐTC bàn về đề tài tha tội: nhất là ngài cầu mong rằng “các
vị giải tội hãy trở thành dấu chỉ đích thực về lòng thương xót của Chúa Cha”,
không phải bằng cách 'sáng tác' theo hứng trong nghĩa vụ này, nhưng bằng cách
trở thành những “hối nhân đầu tiên tìm ơn tha thứ”. “Vì thế, mỗi vị giải tội,
như người trung thành phục vụ ơn tha thứ của Thiên Chúa, phải đón nhận các tín
hữu “như người cha trong dụ ngôn người con trai hoang đàng”, hoặc “như một người
cha chạy ra gặp con mình, dù người con ấy đã phung phí của cải của cha”. Vì thế,
các vị giải tội “đừng đặt những câu hỏi không thích hợp”, “nhưng biến đón nhận
nơi tâm hồn mỗi hối nhân lời kêu cầu trợ giúp và xin tha thứ”, các vị giải tội
được mời gọi luôn luôn trở thành dấu chỉ sự tối thượng của lòng thương xót, ở
mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, và dù thế nào đi nữa”.
Tiếp đến ĐTC loan bào rằng trong Mùa Chay Năm Thánh, ngài sẽ gửi các Thừa sai
của lòng thương xót, tức là những linh mục mà ngài “ban quyền được tha cả những
tội dành quyền giải cho Tòa Thánh”. Ngài giải thích rằng “các thừa sai ấy là dấu
chỉ sự quan tâm từ mẫu của Giáo Hội đối với dân Chúa, và sẽ là những vị kiến tạo
nơi mọi người “một cuộc gặp gỡ đầy tình người, nguồn mạch sự giải thoát, đầy
tinh thần trách nhiệm để khắc phục những chướng ngại và trở lại cuộc sống mới
của bí tích rửa tội”. Đồng thời ĐTC yêu cầu tổ chức “các cuộc đại phúc” trong
các giáo phận, để những thừa sai vừa nói đến loan báo niềm vui của ơn tha thứ”.
Ân xá
Một yếu tố đặc biệt của Năm Thánh là Ân xá, ân xá chứng tỏ rằng “sự tha thứ của
Thiên Chúa đối với các tội lỗi của chúng ta không có giới hạn”. Thực vậy trong
bí tích Hòa Giải, tội lỗi bị xóa bỏ nhờ ơn tha thứ của Thiên Chúa, với ân xá,
tội nhân được giải thoát khỏi “dấu vết tiêu cực”, khỏi mọi tàn tích do hậu quả
của tội, tàn tích còn lại nơi đường lối cư xử và tư tưởng của chúng ta. Theo
nghĩa đó, người được ân xá, thì có khả năng hành động trong tình bác ái, tăng
trưởng trong tình thương, thay vì tái sa ngã phạm tội.
III- Trong phần thứ ba của Tông Sắc, ĐTC đưa ra một số lời kêu gọi:
- Với những thành phần thuộc những nhóm tội phạm, ngài viết: “Vì thiện ích của
anh chị em, tôi xin anh chị em hãy thay đổi cuộc sống, đừng tiếp tục dửng dưng
đối với lời kêu gọi hãy cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa. “Tiền bạc
không mang lại hạnh phúc chân thực. Nó chỉ là một ảo tưởng và bạo lực sử dụng để
tích lũy tiền bạc đẫm máu không làm cho người ta quyền năng và cũng chẳng trở
nên bất tử. Không ai có thể tránh thoát sự phán xét của Thiên Chúa.”
- Với những người gây ra hoặc đồng lõa với sự tham nhũng, ĐTC nói: “Đây là lúc
thuận lợi để thay đổi cuộc sống! Chỉ cần đón nhận lời mời gọi hoán cải và tùng
phục công lý trong khi Giáo Hội trao tặng lòng thương xót”. Ngoài ra, ĐTC cũng
nhấn mạnh rằng sự tham nhũng là “một tai ương làm cho xã hội ung thối, một tội
trọng kêu thấu tới trời, vì nó làm thương tổn tận gốc rễ cuộc sống cá nhân và xã
hội.” Nó là một sự miệt mài ở lại trong tội lỗi, muốn thay thế Thiên Chúa bằng
ảo tưởng tiền bạc như một hình thức quyền năng; tham những là một “công trình
của đen tối, được nâng đỡ bằng sự ngờ vực và mưu mô”: nó là một cám dỗ mà không
ai có thể cảm thấy mình được miễn nhiễm. Từ đó ĐTC kêu gọi hãy loại trừ tai ương
tham nhũng ra khỏi đời sống cá nhân và xã hội, bằng cách sử dụng khôn ngoan,
cảnh giác, lương thiện, minh bạch, cùng với sự can đảm tố giác.
- Về việc đối thoại liên tôn, ĐTC nhắc nhở rằng: Do thái giáo và Hồi giáo đều
coi lòng thương xót là một trong những phẩm tính cao trọng nhất của Thiên Chúa
và hai tôn giáo này cũng tin rằng không ai có thể giới hạn lòng thương xót của
Chúa, vì những cánh cửa của Chúa mở rộng. ĐTC cầu mong rằng Năm Thánh có thể
“tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ với hai tôn giáo ấy và với những truyền
thống tôn giáo cao quí khác, làm cho mọi người cởi mở hơn đối với sự đối thoại,
loại bỏ mọi hình thức khép kín, khinh rẻ, khu trừ mọi hình thức bạo lực và kỳ
thị.
- Về tương quan giữa công lý và lòng thương xót: đây không phải là hai khía cạnh
tương phản với nhau, nhưng là hai chiều kích của cùng một thực tại duy nhất, hai
khía cạnh này phát triển đến độ đạt tới tột đỉnh trong tình yêu sung mãn. Chúa
Giêsu đã tách rời khỏi quan niệm vụ luật thuần túy, hoặc thái độ chỉ lo tuân giữ
luật lệ, Chúa Giêsu chứng tỏ rằng “đại hồng ân lòng thương xót tìm kiếm những
người tội lỗi để cống hiến cho họ ơn tha thứ và cứu độ”. ĐTC giải thích rằng:
“Công lý của Thiên Chúa chính là sự tha thứ của Chúa”, và đó chính là vị thế tối
thượng của lòng thương xót, là chiều kích cơ bản trong sứ mạng của Chúa Giêsu,
vì ”không phải sự tuân giữ luật mang lại ơn cứu thoát, nhưng là niềm tin nơi
Chúa Giêsu Kitô”. Theo nghĩa đó, “lòng từ bi không trái với công lý”, vì qua đó,
Thiên Chúa cống hiến cho tội nhân cơ hội “hồi tỉnh lại, hoán cải và tin tưởng”.
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là ”hạ giá công lý hoặc làm cho công lý trở
nên thừa thãi, trái lại: ai lầm lỗi thì phải đền bù, chịu hình phạt. Có điều là
sự kiện này không phải là mục đích, nhưng là khởi đầu của một cuộc hoán cải, để
họ cảm nghiệm được sự dịu dàng của ơn tha thứ. Xét cho cùng, tình thương ở nơi
nền tảng của một nền công lý đích thực”.
Kết luận
Trong phần kết luận Tông Sắc, ĐTC nhắc đến hình ảnh Đức Maria, “Mẹ Thương Xót”,
cuộc sống của Mẹ được uốn nắn nhờ sự hiện diện của lòng thương xót nhập thể. Là
hòm bia giao ước giữa Thiên Chúa và loài người, Mẹ Maria chứng thực rằng lòng
thương xót của Con Thiên Chúa không có giới hạn và đi tới mỏi người không trừ
một ai. Trong cùng viễn tượng ấy, ĐTC cũng nhắc đến thánh nữ Faustina Kowalka,
là “vị đã được kêu gọi đi vào chiều sâu lòng thương xót của Chúa”.
Tông sắc của ĐTC kết thúc với lời mời gọi “hãy để cho Thiên Chúa làm chúng ta
ngạc nhiên, Chúa là Đấng không bao giờ mỏi mệt trong việc mở rộng cánh cửa tâm
hồn của Người cho loài người. Vì thế, nghĩa vụ đầu tiên của Giáo Hội là dẫn đưa
tất cả mọi người vào trong mầu nhiệm cao cả Lòng Thương xót của Thiên Chúa,
chiêm ngưỡng tôn nhan Chúa Kitô, nhất là trong thời điểm như ngày nay, đầy những
hy vọng lớn lao và những mâu thuẫn mạnh mẽ.
Chúa nhật 12-4-2015, cùng Tông Sắc của ĐTC sẽ được công bố trong lễ nghi phụng
vụ tại 3 Đại vương cung thánh đường ở Roma: tại Đền thờ thánh Gioan Laterano lúc
5 giờ chiều, do ĐHY Giám quản Agostino Vallini chủ sự; tại Đền thờ Đức Bà Cả do
ĐHY Santos Abril y Castello, trong thánh lễ lúc 10 giờ sáng cùng với Kinh Sĩ
đoàn của Đền thờ này; còn tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, trong thánh lễ
lúc 10 giờ rưỡi sáng do ĐHY James Michael Harvey chủ sự.
G. Trần Đức Anh, OP
Đức Thánh Cha bênh vực người nghèo tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Châu
VATICAN. Đức Thánh Cha kêu gọi các nước giàu đừng nghĩ rằng để cho người nghèo
được hưởng những mảnh bánh vụn rơi từ bàn ăn của mình là đủ rồi.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Châu
kỳ 7, nhóm tại Thành Phố Panama trong hai ngày 10 và 11-4-2015 với sự tham dự
của 37 vị nguyên thủ quốc gia, trong đó lần đầu tiên có chủ tịch Raul Castro của
Cuba và ông đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ.
Sứ điệp của ĐTC đã được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên đọc
tại Hội nghị, qua đó ngài cầu xin Thiên Chúa cho Hội nghị, “nhờ sự chia sẻ các
giá trị chung, đạt tới những quyết tâm cộng tác trong lãnh vực quốc gia hoặc
miền, đương đầu thực tế với các vấn đề và truyền đạt niềm hy vọng”. ĐTC cho
biết ngài hoàn toàn đồng ý với chủ đề Hội nghị thượng đỉnh là “Thịnh vương trong
công bằng: thách đố cộng tác tại Mỹ châu”. Ngài viết: “Tôi xác tín rằng sự sự
chênh lệch, phân phối bất công sự giàu sang và tài nguyên, chính là nguồn mạch
gây ra những xung đột và bạo lực nơi các dân tộc, vì nó giả thiết rằng sự tiến
bộ của một số người được kiến tạo bằng sự nhất thiết hy sinh của những người
khác, và để có thể sống xứng đáng, thì phải chiến đấu chống lại người khác. Sự
sung túc đạt được như thế là điều bất công từ cội rễ và xúc phạm đến phẩm giá
con người”.
ĐTC cũng nhận xét rằng “thách đố lớn trên thế giới ngày nay là hoàn cầu hóa tình
liên đới và tình huynh đệ thay vì thứ hoàn cầu hóa sự kỳ thị và dửng dưng, và
bao lâu người ta chưa đạt được một sự phân phối đồng đầu các tài nguyên phong
phú, thì sẽ không giải quyết được những tai ương trong xã hội chúng ta” (Xc
Evangelii Gaudium 202).
ĐTC ghi nhận trong nhưng năm gần đây nhiều nước đạt được sự tiến bộ kinh tế mạnh
mẽ, nhưng vẫn còn nhiều nước khác ở trong tình trạng nghèo đói. Hơn nữa trong
các nước đang lên, đa số dân không được hưởng sự tiến bộ kinh tế chung, và
thường thường hố chia cách giữa người giàu và người nghèo trở nên sâu rộng hơn.
Ngài phê bình lý thuyết sai lầm gọi là “những giọt nước rơi” và sự “tràn ra
thuận lợi” (Xc Evangelii Gaudium 54): hy vọng những người nghèo nhặt được những
mẩu bánh vụn rơi từ bàn ăn của người giàu, đó là điều sai lầm. Cần có những hoạt
động trực tiếp bênh vực những người kém may mắn nhất, quan tâm tới những người
bé bỏng nhất trong một gia đình, phải là ưu tiên của các chính quyền. Giáo Hội
luôn bảo vệ sự thăng tiến con người cụ thể (Centesimus annus 46), chăm sóc các
nhu cầu của họ và giúp họ cơ hội phát triển”.
Trong sứ điệp, ĐTC đặc biệt lưu ý vấn đề di cư. Sự chênh lệch quá lớn về cơ hội
giữa một số nước khiến cho nhiều người buộc lòng phải rời bỏ quê hương, gia đình
của mình, và họ dễ trở thành con mồi cho nạn buôn người và lao động như nô lệ,
không được quyền lợi cũng chẳng được công lý... Đó là những tình trạng trong đó
nếu chỉ duy trì luật lệ để bảo vệ các quyền căn bản của con người thì không đủ.
Trong những tình trạng ấy, luật lệ mà không có lòng từ bi thương xót, thì không
đáp ứng công lý”. (SD 11-4-2015)
G. Trần Đức Anh, OP